Nổi loạn ở địa ngục - Tập 2 - Chương 41 - Thạch Lâm Vương
Vài ngày sau, Thư Ghi vâng lệnh Chúa Ngục làm sứ giả đến hang căn cứ thuyết bàn lại việc giảng hòa. Sẵn tài mồm mép như tép nhảy, Thư Ghi phân tích cho Hắc Nhị Ca thấy rõ thành ý muốn hòa bình của Chúa Ngục. Vừa rồi lẽ ra hai bên đã giảng hòa rồi, chỉ vì Tiểu Văn có mưu đồ đánh úp doanh trại nên hai bên mới lại xảy ra cuộc chinh chiến, nay Tiểu Văn đã không còn là Thủ Lĩnh quân khởi nghĩa thì Chúa Ngục lại muốn đem hòa ước ấy bàn lại với thủ lĩnh mới. Hắc Nhị Ca lúc đầu không đồng ý nhưng sau những người khác đều khuyên nên hòa bởi vì quân ta vừa thua trận, thiệt cả quân, mất cả tướng, giờ phải hòa để có cơ hội xây dựng lại lực lượng. Hắc Nhị Ca thấy cũng có lý nên đồng ý. Thế là trước đây Tiểu Văn quyết định hòa thì Hắc Nhị Ca một mực phản đối, tới mức vì thế mà lật ghế của Tiểu Văn lên làm thủ lĩnh nhưng sau khi lên làm thủ lĩnh rồi thì anh ta lại đồng ý hòa với quân địa ngục.
Lần này thì thỏa thuận hòa bình có vẻ được hai bên tôn trọng thực sự. Ngục Đại Ngàn không còn quan tâm tới việc gì xảy ra trong rừng nữa, chỉ tập trung xây thành thật vững chắc, huấn luyện lại quân đội cho đủ số tối đa ba nghìn lính được phép, cắt đặt lại chức tước quan lại, ổn định lại tổ chức. Thỉnh thoảng trong ngục cũng cho người ra hang căn cứ thanh tra, kiểm tra xem có tuân thủ thỏa thuận hòa bình không, nhưng thực tế cũng chỉ là làm lấy lệ. Hắc Nhị Ca nghĩ căn cứ mình giờ có mấy nghìn người, chỉ cần tập trung huấn luyện là có được đội quân hùng mạnh nên cũng không cần vào ngục cướp tù nhân như cách Tiểu Văn vẫn làm nữa. Giờ căn cứ được yên ổn, thoải mái mà xây dựng đội ngũ, tăng thêm số lượng quân và cả số lượng chỉ huy.
Sau một thời gian, Hắc Nhị Ca cho là mình đã có lãnh thổ riêng, lại xây dựng được tiềm lực đủ mạnh để duy trì tổ chức được lâu dài nên ban bố thành lập vương quốc riêng lấy tên là Thạch Lâm Quốc (tức là quốc gia trong rừng đá), tự tuyên bố phạm vi lãnh thổ là toàn bộ hang căn cứ và khu vực mặt đất bên trên hang (thực ra là đến lúc này vẫn không biết cái hang này trải rộng đến đâu). Hang căn cứ cũng được đặt tên là Hòa Nguyên Động. Hắc Nhị Ca tự xưng làm vua, gọi là Thạch Lâm Vương. Sau đó lần lượt bổ nhiệm các quan chức gồm đủ hai hàng văn quan, võ tướng. Văn phụ trách giải quyết việc nội bộ theo từng lĩnh vực, võ quản lý quân đội theo phân cấp tương tự như quy định Tiểu Văn đã đặt ra trước đây. Tất nhiên số lượng quan lại cũng không nhiều như một vương quốc bình thường trên trần gian do quân số ít, đời sống dân cư cũng đơn giản nên không cần nhiều bộ, ban, ngành quản lý, tuy vậy cũng gọi là đủ một vương triều. Vương lại cho tu sửa căn cứ, xây dựng một sảnh mới rất rộng rãi làm điện chầu, đặt ngai trên cao cho vua ngồi, tất nhiên là bằng đá chứ không có ngai vàng. Lại lần lượt xây cung cấm làm nơi ở cho vua rồi đến nhà cho các quan lại, thành ra quân đội bấu lâu nay không phải chinh chiến, chỉ lai lưng ra mà đẽo đá, khoét núi để xây dựng kiến thiết. Anh em trong căn cứ truyền tai nhau nói: Thế là ứng với bài thơ sấm truyền mà sư phụ Thiết Thủy vẫn đọc, "…chỉ đá đen trơ lại/ duy nhất làm vua thôi", tức là cuối cùng chỉ có Hắc Nhị Ca là tảng đá đen còn lại và là người duy nhất có thể làm vua ở rừng đá Đại Ngàn.
*
* *
Ở một nơi cách ngục Đại Ngàn rất xa về phía đông nam, xa tới mức nếu cứ theo tốc độ di chuyển của quân đội địa ngục mà đi thì có dễ phải đến nửa năm mới tới, nhưng tất nhiên muốn đến nơi này không thể đi bộ mà phải có chiếc thuyền đi xuyên lòng đất như của lão già đưa đò mới đi được, nơi ấy cũng có một ngục lớn tương đương với ngục Đại Ngàn, tên gọi là ngục Lam Ốc. Tại sao lại phải nhắc đến một nơi xa xôi như vậy? đó là vì nơi này hiện có mặt một nhân vật, chính là nữ tướng Thái Yên - cựu Phó Ngục Đại Ngàn. Nguyên là Thái Yên trước đây bị Hùng Trấn bắt với cáo buộc làm phản. Hùng Trấn vốn định viết báo cáo gửi lên Diêm Vương vạch rõ tội trạng của Thái Yên rồi xin tự xử lý nhưng may nhờ có Hữu Sứ Hoàng Ban thân đến tận nơi cứu, đưa tới thủ phủ Trung Diệm giao lại cho Diêm Vương định đoạt. Hùng Trấn thấy Hoàng Ban đưa Thái Yên đi thì cũng cho áp giải tướng thân cận của Thái Yên đã bị bắt cùng trước đó là Hai Lê đến Trung Diệm kèm theo một bản báo cáo nêu rõ âm mưu tạo phản của Thái Yên và xin Diêm Vương giáng tội thật nặng. Thế nhưng ngược lại, Hoàng Ban lại nói đỡ cho Thái Yên, nói rằng: Từng đó lý lẽ chưa đủ khẳng định Thái Yên làm phản, hơn nữa Thái Yên nếu quả có thực tài thì cho thay thế Hùng Trấn cũng đâu có sao, miễn là vẫn trung thành với Diêm Vương là được. Thế là Diêm Vương xem xét kỹ lại vụ việc rồi quyết định xử nhẹ, cho đi lưu đày đến ngục Lam Ốc. Ngục Lam Ốc vốn ở vùng xa xôi nên các quan chức địa ngục phạm tội cũng thường bị cho tới đây làm lính hoặc làm một chức quan nhỏ, coi như một hình thức đi đày. Thái Yên cũng tương tự như vậy, được bổ đến đó làm một chức đội trưởng của một đội lính. Tuy nhiên, chúa ngục của Lam Ốc tên là Minh Phụng biết Thái Yên là người giỏi võ lại có tài cầm quân nên chào đón rất trọng thị, có ý thu dùng.
Vốn dĩ Minh Phụng không có tài cầm quân đánh trận, thỉnh thoảng ngục Lam Ốc có nổi lên mấy vụ tù nhân nổi loạn mà không sao đánh dẹp được. Phải nói thêm là quy mô ngục Lam Ốc lớn tương đương với ngục Đại Ngàn nhưng địa thế không nằm bên rừng đá như ngục Đại Ngàn mà toàn bộ địa giới ngục nằm trong một quả bóng khí giữa xung quanh bốn bề là lòng đất kín đặc xen lẫn với những vùng dung nham nóng chảy. Rồi nếu dùng thuyền xuyên đất mà đi ra xa xa một chút thì lại gặp rất nhiều bóng khí nhỏ hơn không có lực lượng kiểm soát nên quân nổi loạn có thể làm chỗ trú chân, lập căn cứ đóng quân được. Bởi vậy những đám nổi loạn ở Lam Ốc chỉ cần cướp được một cái thuyền chạy ra một bóng khí nào đó mà đóng quân là quân địa ngục rất khó tìm bắt. Không những thế, do khu vực này xa xôi nên những đám quan lại ở các ngục khác chẳng may có gì đắc tội với Diêm Vương cũng thường cướp thuyền, kéo nhau trốn đến đây tìm một bóng khí nhỏ nào đó mà lánh nạn, rồi cũng lập thành những đội quân riêng. Các đội quân đó đều được gọi là giặc cỏ, có lúc lên tới mười mấy đội khác nhau, cứ thường xuyên rình rập mà đột nhập vào ngục Lam Ốc bắt trộm các tội hồn khiến cho ngục Lam Ốc không mấy khi được yên bình. Thái Yên đến đây một thời gian, thấy hoàn cảnh như thế, lại cảm động với thịnh tình tiếp đón của Minh Phụng nên rất nhiệt tình tham gia các trận đánh trống lại quân giặc cỏ. Bà ta vốn đã có sức mạnh địch lại nhiều người, lại có Hai Lê là một cánh tay đắc lực hết mực trung thành nên đánh đâu thắng đó, lập được nhiều công trạng. Minh Phụng ngày càng tin tưởng Thái Yên, liên tiếp thăng chức lớn dần và giao cho thống lĩnh nhiều quân lính hơn. Đến lúc trở thành một trong những tướng lĩnh quan trọng của Lam Ốc rồi, Thái Yên mới dâng kế cho Minh Phụng gửi thông điệp chiêu an tới các đội giặc cỏ, nếu chịu hàng phục sẽ được cho làm quan, nếu không sẽ bị đánh dẹp. Thế là đội quân nào chịu đầu hàng sẽ lập tức được sai đi cùng với quân của Thái Yên để đánh những đội quân khác còn cứng đầu. Với cách làm như vậy chỉ sau một thời gian ngắn các đội giặc cỏ tự đánh lẫn nhau, bị tiêu diệt gần hết, từ mười mấy đội chỉ còn lại đúng ba đội, mà cả ba đội này đều đã quy phục nên ngục Lam Ốc đã hoàn toàn được yên bình, không còn bị cướp phá quấy nhiễu như trước nữa.
Tuy nhiên, ba đội giặc cỏ đó vẫn phải đóng ở ngoài, không được nhập về biên chế quân đội ngục Lam Ốc do quân số trong ngục đã đủ số tối đa theo quy định của Diêm Vương là ba nghìn quân. Thấy vậy Thái Yên mới xin Minh Phụng cho mình dẫn quân đi tiêu diệt hết ba đội quân đó vì cho rằng để ba đội quân giặc nằm xung quanh mình thì sớm muộn cũng sinh biến, mà trước đây ra lệnh chiêu an có hứa cho họ làm quan, giờ không nhập vào biên chế quân đội được thì thế nào họ cũng bất mãn. Thế nhưng Minh Phụng vốn ban đầu dù đối đãi tử tế với Thái Yên nhưng trong lòng vẫn có ý đề phòng vì biết bà ta đã âm mưu lật đổ chủ cũ là Hùng Trấn thì có thể cũng sẽ lật đổ mình, đến khi chứng kiến Thái Yên đánh đâu thắng đó thì hắn ta ngày càng lo sợ. Giờ hắn lại nghĩ Thái Yên mà đem quân đi đánh hết được ba đội giặc cỏ còn lại thì uy thế sẽ to quá, khó mà kiềm tỏa được nữa, vì thế không đồng ý cho Thái Yên đi. Thái Yên đành thôi, không dám cố xin, về nhà chỉ nói riêng với Hai Lê, chê Minh Phụng vừa hèn kém vừa nhỏ mọn. Vài hôm sau, trong buổi chầu, Thái Yên lại tâu là: đã không đưa quân đi đánh ba đội giặc kia thì cũng nên đề phòng bằng cách gia tăng sức mạnh phòng thủ. Nay nhận thấy quân Lam Ốc không tinh nhuệ, kỷ luật chưa chặt nên Thái Yên tự nhận trách nhiệm đốc thúc công tác huấn luyện để gia tăng sức mạnh và siết chặt kỷ luật. Thế nhưng Minh Phụng lại gạt đi, nói là không cần đánh nhau với ai nên cũng không cần quân đội phải mạnh. Thái Yên đành nín lặng lui về.
Sau đó trên đường về phủ, Thái Yên ngồi trên kiệu mà suy nghĩ rối bời. Đến một đoạn đường vắng chợt có một người mặc bộ đồ rộng thùng thình, có mũ che kín đầu quỳ rạp giữa đường chặn kiệu. Hai Lê đi theo hầu bên kiệu liền tiến tới hỏi xem kẻ nào dám cả gan chặn kiệu như vậy. Người đó chỉ ngẩng mặt lên trong chớp mắt rồi lại cúi gằm xuống ngay, vậy nhưng không ngờ chừng đó đã đủ khiến cho Hai Lê giật mình, không nói được câu nào, lật đật chạy lại bên kiệu của Thái Yên, nói nhỏ vào bên trong:
- Chủ tướng… chủ tướng… người chặn kiệu là… là…
Thái Yên thấy hắn lắp bắp một cách khó hiểu liền nói:
- Có chuyện gì mà ngươi phải hốt hoảng vậy? Cứ thong thả nói! ai chặn kiệu vậy?
- Dạ, chính là… là… Lão Giả.
Thái Yên nghe thấy cũng giật mình, vội vén màn chắn trước kiệu nhìn ra. Thấy người kia mặc đồ che kín người khó mà nhận ra là ai được, bà liền nhảy phắt xuống khỏi kiệu, định lao đến xem. Nhưng Hai Lê đã ngăn lại nói:
- Chủ tướng, xin thận trọng!
Rồi Hai Lê lại đến chỗ người kia, đỡ ông ta đứng dậy. Người kia đứng dậy lập tức nhìn ngó xung quanh một lượt xong mới nhìn về phía Thái Yên rồi bước tới gần chắp tay cúi chào:
- Đã lâu mới được diện kiến, Phó Ngục vẫn được khỏe chứ?
Thái Yên nhìn rõ người đó chính là Lão Giả liền xúc động không kiềm chế được, vội lao đến, đỡ lấy tay mà hỏi:
- Lão Giả… Là tiên sinh thật à? Sao tiên sinh lại ở đây? Tình hình ở nhà thế nào rồi? Quế Thanh và những người khác có được bình yên không?
Không ngờ trước những câu hỏi dồn dập đó Lão Giả lại chỉ giơ tay như muốn kiềm chế Thái Yên lại, rồi ông lại nhìn trước nhìn sau rồi mới nhỏ nhẹ nói:
- Phó Ngục, ở đây không tiện.
Thái Yên hiểu ý liền bình tĩnh lại, không nói thêm gì nữa, kéo tay Lão Giả cùng vào ngồi trong kiệu, đi thẳng về phủ.
Về tới phủ riêng rồi Thái Yên mới kéo Lão Giả và Hai Lê vào phòng riêng nói chuyện. Bấy giờ Lão Giả mới kể lại những gì đã xảy ra ở ngục Đại Ngàn sau khi Thái Yên bị bắt đưa đi. Từ việc hầm bí mật bị lộ và người của Phạm Thanh đến vây bắt rồi đến việc kế hoạch đào tẩu thất bại. Lúc đó, Lão Giả hẹn Quế Thanh tới bến thuyền mà không thấy đành một mình lên thuyền đến Trung Diệm tìm Thái Yên. Nhưng tới nơi lão mới biết Thái Yên đã đến ngục Lam Ốc, thế là lão lại tìm cách lặn lội tới đây tìm. Thái Yên nghe kể xong cảm kích nói:
- Ôi! Tiên Sinh thật đã vì ta mà vất vả quá rồi!
Lão Giả lắc đầu nói:
- Không. Lão đi lại vất vả một tí cũng có hề gì. Lão một lòng muốn theo phò tá Phó Ngục nên tìm đến được với Phó Ngục là lão thấy thỏa nguyện lắm rồi.
Thái Yên thở dài:
- Hai za, ta được tiên sinh ủng hộ thật là may mắn quá. Chỉ tiếc là ta sa cơ thất thế, không làm được công trạng gì để báo đáp lại tiên sinh. Mà giờ ta không còn là Phó Ngục, xin tiên sinh đừng gọi ta như vậy nữa!
Lão Giả mỉm cười:
- Hì, do lão quen mồm thôi. Từ giờ lão sẽ gọi Phó Ngục là chủ tướng vậy, nhưng chắc sau này lại phải đổi lại gọi là Chúa Ngục thôi. Hi hi!
Thái Yên cũng gượng cười:
- Khà, chẳng biết bao giờ mới có ngày đó. Giờ trong tay ta chẳng còn gì nữa, muốn làm gì cũng khó.
Lão Giả nói:
- À, lúc ở Trung Diệm lão có nghe nói Quế Thanh và những người khác cũng chưa bị bắt đâu ạ. Nghe nói hôm đó bọn họ đã đánh liều phá tường thành thoát ra ngoài rừng đá, hiện vẫn lập căn cứ đóng quân ở rừng Đại Ngàn. Chủ tướng hãy cho người về đó gọi thì thế nào họ cũng tìm đến đây cả thôi.
Thái Yên nghe nói hớn hở:
- Thật vậy à? Thế thì tốt quá… À, nhưng mà… bây giờ gọi đám đó tới đây thì không được. Chúa ngục ở đây sẽ không để ta thu nhận thêm người đâu.
Lão Giả hỏi:
- Nói như vậy thì chúa ngục Lam Ốc đối với chủ tướng đang có những nghi ngại ư?
Thái Yên gật đầu:
- Phải. Lúc mới tới đây ta tưởng hắn tử tế nên đã hết sức lập công mà phò giúp, nhưng giờ càng ngày càng thấy hắn cũng là kẻ hẹp hòi, chẳng cho ta chút quyền lực nào mà cũng đang dần dần không còn tin dùng mưu kế của ta nữa.
- Thế thì hỏng rồi. Nói như vậy thì sợ rằng chủ tướng nguy đến nơi mất rồi.
- Hả? Nguy ư? Có đến mức như thế không?
- Vấn đề là chủ tướng trước đây bị lưu đày đến Lam Ốc là mức án nhẹ do tội trạng chưa rõ ràng. Chúa Ngục Lam Ốc cũng chưa biết chủ tướng có thực sự là người có mưu đồ lớn hay không. Giờ việc có đội quân dưới hầm bí mật ở ngục Đại Ngàn đã bại lộ, thông tin ấy chẳng mấy chốc sẽ truyền tới đây. Chúa Ngục Lam Ốc biết tin ấy sẽ càng củng cố lỗi sợ bị chủ tướng lật đổ, ông ta sẽ lấy luôn lý do xử tội phản nghịch cũ mà tiêu diệt chủ tướng rồi mới báo cáo về Trung Diệm sau, tức là tiền trảm hậu tấu đó.
Thái Yên như sực tỉnh, lo lắng hỏi:
- Ừ, đúng thế nhỉ. Thế thì phải làm thế nào bây giờ?
Hai Lê đứng một bên nghe từ đầu đến giờ mới lên tiếng nói:
- Chủ tướng, theo thuộc hạ thấy thì chúng ta phải nhanh chóng ra tay trước, lật đổ lão chúa ngục ở đây mà cướp lấy đất này làm của riêng mình thì hơn.
Thái Yên nghe thấy vậy không biết nghĩ sao, hoang mang nhìn sang Lão Giả. Lão Giả thấy vậy cũng nói:
- Tướng quân Hai Lê nói vậy thật chí phải. Giờ tình huống cấp bách lắm rồi, nếu không nhanh chóng ra tay thì sợ sau này hối không kịp mất.
Thái Yên nói:
- Nhưng chỉ sợ giờ ta mà lật đổ lão ấy thì sau không biết giải thích thế nào với Diêm Vương, khi ấy Diêm Vương lại đưa quân đến hỏi tội thì làm thế nào?
Lão Giả cười:
- Hà hà, trước đây chủ tướng muốn lật đổ Hùng Trấn thì cũng có khác gì tình huống bây giờ, chẳng phải khi đó chủ tướng cũng đã liệu cách giải thích rồi sao?
Thái Yên trầm ngâm:
- Ừm, trước đây ta tính sau khi lật đổ Hùng Trấn sẽ báo cáo là do hắn âm mưu chống đối Diêm Vương nên ta phải ra tay trừ hại, rồi sẽ biếu quà cho Hữu Sứ, nhờ ông ta nói đỡ cho. Giờ vẫn làm như thế ở đây liệu có được không?
Lão Giả nói:
- Vẫn thế thôi. Ngục Lam Ốc ở nơi xa xôi, Diêm Vương vẫn luôn lo ngại chúa ngục làm phản nên chúng ta nói như vậy Diêm Vương sẽ tin ngay. Hơn nữa, ta chỉ cần bắt được Minh Phụng nuốt phăng cả hồn hắn thì sẽ không còn ai đối chứng nữa, khi ấy nói gì chả được. Việc này ngược lại mà để hắn xử ta trước, cũng nuốt mất hồn rồi mới báo về Trung Diệm thì Diêm Vương còn gì để phân xử nữa. Vậy nên cốt yếu ở chỗ bên nào ra tay trước sẽ được tất cả. Chỉ có điều lão lo ngại là: lúc này mà ra tay thì chủ tướng có nắm chắc được thành công hay không?
Thái Yên gật đầu:
- Ừ, tiên sinh nói rất có lý. Còn về khả năng thành công thì ta tự tin lắm. Giờ ta cũng nắm được một phần ba quân số ở ngục này rồi. Muốn ra tay ta chỉ cần đến bắt tay với ba đội giặc cỏ đang lăm le bên ngoài để họ cùng kéo tới đánh, ta ở trong nội ứng thì sẽ dễ dàng chiếm được ngục này ngay.
Hai Lê tiếp lời:
- Ngục này như cái ốc đảo, không có thuyền thì sẽ không chạy đi đâu được, nên khi binh biến chúng ta chỉ cần nhanh chóng phong tỏa hết các bến cảng thì Minh Phụng sẽ không có cách gì chạy được, như vậy là sẽ thành công.
Lão Giả nói:
- Hay lắm! Vậy thì hãy mau chóng hành động đi thôi!