Nổi loạn ở địa ngục - Tập 2 - Chương 42 - Binh biến ở Lam Ốc

Ngay sau đó Thái Yên sai Hai Lê bí mật tìm đến ba đạo quân giặc cỏ bên ngoài để hẹn ước. Ba đạo quân này vốn đều đã từng cùng chiến đấu ở một phe với Hai Lê trong công cuộc đánh dẹp các đội giặc cỏ trước đây, khi đó ba đạo này chính là những đội có toàn tâm toàn ý quy thuận Lam Ốc nhất nên thường xuyên giúp sức quân đội của Thái Yên và Hai Lê đi đánh các đội giặc khác. Sau khi dẹp loạn hoàn tất, thủ lĩnh ba đạo quân này đều mong ngóng được phong quan tước như Thái Yên đã hứa trước đây mà chờ mãi chẳng được, trong lòng đã sinh bất mãn. Nay Hai Lê đến truyền ý của Thái Yên, đổ cho là chúa ngục Minh Phụng nuốt lời nên mới không thu dùng họ, Thái Yên đã hết lòng khuyên bảo mà không được. Vì vậy Thái Yên khuyên họ hãy cất quân tấn công vào Lam Ốc. Họ đều nhận lời ngay. Chỉ vài ngày sau thì cả ba đạo quân kia đều kéo đến một lượt bao vây ngục Lam Ốc.

Khu vực xung quanh ngục Lam Ốc được gọi là Quần thể ốc đảo Lam Ốc bởi có hàng ngàn ốc đảo lớn nhỏ, thực ra chính là các bóng khí dưới lòng đất, trong đó Ngục Lam Ốc chính là ốc đảo lớn nhất, nằm ở vị trí trung tâm. Việc di chuyển từ các khu vực khác của địa ngục tới đây hoặc di chuyển qua lại giữa các ốc đảo đều phải dùng thuyền nên chiến tranh ở đây có vai trò rất quan trọng của những chiếc thuyền. Thuyền ở dưới địa ngục đương nhiên không giống với thuyền ở trần gian mà là một thứ thuyền được gọi là Thuyền Thuận Nhiếp, do từ thủa khai sinh ra địa ngục có một người tên là Thuận Nhiếp đã phát minh ra chiếc thuyền này. Thuyền cũng thường được tạo hình giống những con thuyền gỗ trên trần gian nhưng thực tế lại không được làm từ gỗ mà làm từ những nguyên liệu hỗn hợp, chủ yếu là đất đá được trộn với nhau theo một công thức đặc biệt, rồi tôi bằng lửa dung nham. Trong suốt quá trình tôi người thợ chế tạo tập trung nội lực đẩy rất nhiều năng lượng vào đó, lại bắt vô số linh hồn của tù nhân ném vào cho chết cháy thảm thiết để lấy năng lượng mà tôi luyện. Vốn dĩ linh hồn người chết có thể đi xuyên qua mọi vật ngoại trừ những vật có pha tạp khoáng chất trừ tà nên những linh hồn có công lực cao thì hoàn toàn có thể đi xuyên qua lòng đất. Tất nhiên đi xa sẽ rất mệt vì mất năng lượng mà không hấp thu thêm được như ở không gian trống, thêm nữa rủi mà gặp chỗ nào có dung nham thì chỉ có chết cháy. Nhưng nếu đi bằng thuyền thì lại có thể đi xa được thoải mái và nếu có đi vào chỗ dung nham thì cũng chỉ thấy nóng hơn chứ không bị sao. Nhưng nếu gặp phải đá có nhiều khoáng chất trừ tà thì cũng không đi qua được vì vậy người lái thuyền cần phải thuộc các tuyến đường mới dám đi, chứ đi vào các tuyến đường lạ thì sẽ phải dò dẫm rất mất thời gian.

Bởi ở vào địa thế như vậy nên ngục Lam Ốc có tới ba bến cảng. Bến cảng là một khoảng không gian rộng rãi ở ngoài rìa bóng khí được dành riêng để đỗ thuyền. Thực ra nếu không thiết kế bến cảng thì cũng không sao vì thuyền Thuận Nhiếp đi xuyên lòng đất, tới bóng khí có thể cứ lao thẳng vào mà đậu trên sàn. Nhưng nếu cứ để tự do như thế thì rất khó kiểm soát người ra vào, đặc biệt là khi bị giặc tấn công sẽ rất khó phòng thủ. Vì thế khắp bốn xung quanh các ngục thường sẽ phải xây các công trình bằng đá nhiễm khoáng chất trừ tà để ngăn thuyền vào, thông thường là sẽ xây luôn các nhà ở cho quan lại hoặc doanh trại cho lính để tận dụng làm tường rào, giảm bớt công lao xây quá nhiều. Chỗ nào tận dụng được địa thế tự nhiên có sẵn vỉa đá nhiễm khoáng chất trừ tà thì khỏi cần xây, chỗ nào rộng quá, khó thiết kế công trình gì vào cho đủ thì phải xây thành. Xây chặn hết bốn xung quanh, chỉ chừa lại khoảng trống nào đủ cho nhiều chiếc thuyền qua lại, neo đậu cùng lúc thì đó chính là bến cảng. Lực lượng phòng thủ, tuần canh của ngục sẽ chủ yếu tập trung ở vị trí đó. Trong ba bến cảng của ngục Lam Ốc thì Thái Yên phụ trách cầm quân trấn giữ cảng ở phía Đông, hai cảng kia do hai tướng tâm phúc lâu đời của Minh Phụng trấn giữ, một người tên là Hồ Đột giữ cảng phía Tây Bắc và một người tên là Hồ Thục giữ cảng phía Tây Nam. Quân số Ngục Lam Ốc tổng cộng có ba nghìn người theo đúng giới hạn được quy định, trừ một phần giữ trật tự trong các phòng giam cực hình, còn lại chia đều cho ba tướng giữ ba cảng đó.

Ba đội quân giặc cỏ kéo đến vây ngục Lam Ốc đã ba ngày mà không dám đánh vào, chỉ đi thuyền lượn lờ xung quanh ngục. Lý do vì từ ngày Thái Yên về ngục Lam Ốc đã hết sức sửa sang các công trình phòng thủ, những chỗ sơ hở quanh ngục do công trình xây dựng chưa sát nhau hoặc do bị đổ nát trước đây thường hay bị các đội giặc cỏ lợi dụng mà đột nhập vào cướp phá thì giờ đều đã bị bịt kín. Thêm nữa các đội giặc cỏ cũng không có nhiều thuyền chiến, mặc dù tổng quân số của ba đội này giờ cũng đến hai nghìn người, nên bây giờ chỉ có thể đổ quân lẻ tẻ vào các cảng sẽ lập tức bị lực lượng phòng thủ trong cảng tiêu diệt ngay. Đến ngày thứ ba, Thái Yên cho người đến hai cảng kia khuyến cáo rằng quân giặc sẽ chủ yếu tấn công ở hai cảng đó do chúng đều sợ Thái Yên từ lâu nên không thấy có thuyền nào lại gần cảng phía Đông. Nếu hai cảng kia bị tấn công mạnh quá thì cứ cho người đến gọi Thái Yên sẽ chia quân đến hỗ trợ. Hồ Đột và Hồ Thục nghe nói thế đều yên trí mà tập trung lực lượng hướng ra ngoài phòng bị.

Quả thật sau đó thì hai cảng này đều thấy quân địch đánh vào. Tuy nhiên, lực đánh còn lẻ tẻ, chỉ có vài chiếc thuyền xông vào bất thình lình, thả xuống mấy tốp lính rồi thuyền lại trở ra ngoài ngay. Hồ Đột và Hồ Thục đều đã cho quân bày trận chờ sẵn, hàng tiền quân thì bộ binh cầm giáo đứng thủ, hàng hậu quân thì cung binh sẵn sàng bắn địch từ xa. Ngoài ra, mỗi cảng đều có hai chiếc chòi canh chứa được nhiều cung thủ trên đó mà bắn xuống uy lực cũng rất đáng kể. Quân giặc cỏ vừa xuống thuyền liền đứng co cụm lại với nhau và dơ khiên đỡ tên, rồi đồng loạt lao thật nhanh về phía trước để tiếp cận đối phương càng nhanh càng tốt. Nhưng rõ ràng với cách đánh như vậy thì bên tấn công nếu không có lực lượng đông vượt trội thì rất khó tiến vào được. Chợt khi ấy đang lúc giao chiến, Hồ Đột nghe quân sĩ nhốn nháo hô lên rằng từ đằng sau có một đội quân đang đi tới. Hồ Đột lo lắng quay lại chú ý quan sát, đến khi đội quân đó tới gần một chút thì nhận ra đó chính là quân của Thái Yên. Hồ Đột nghĩ quân địch tấn công vào chưa nhiều mà mình cũng chưa cho người đi cầu cứu sao Thái Yên đã đến sớm thế? Đang lúc hắn còn băn khoăn không hiểu thế nào thì chợt quân của Thái Yên dừng lại, rồi thì hàng tiền quân của bà ta lăm le mũi giáo nghênh địch còn hàng hậu quân thì bắn tên như mưa về phía quân Hồ Đột.

Quân Hồ Đột không đề phòng che chắn phía sau lưng, trúng tên ngã xuống như ngả rạ. Hồ Đột hoàng hốt  vội ra lệnh cho hàng hậu quân quay lưng lại để bắn trả về phía Thái Yên. Nhưng khi đó đội tiền quân của Thái Yên đã tăng tốc, lao lên thật nhanh. Hồ Đột thấy quân giặc ngoài cảng đánh vào không nhiều liền ra lệnh cho đội bộ binh cũng quay mũi giáo trở lại để đón đánh quân Thái Yên. Nhưng quân bộ binh đang đứng sau cung binh muốn di chuyển lên trước phải mất nhiều thời gian mà hai đội va chạm vào nhau khiến cho hàng ngũ rất lộn xộn. Rồi ngay sau đó quân giặc cỏ bên ngoài cảng lại bất ngờ ập vào liên tiếp mấy thuyền nữa, thả vào thêm rất nhiều lính, rõ ràng là bây giờ quân chủ lực của họ mới xuất hiện. Đến đây thì Hồ Đột thực sự bối rối, trước sau đều có địch không biết phải quay về phía nào mà đánh. Biết chắc thế trận này tất thua, Hồ Đột vội ra lệnh toàn quân rút về hướng khác, định chạy đến khu vực cảng của Hồ Thục. Thế là quân của Thái Yên kết hợp với quân giặc cỏ vừa bắn tên, vừa đuổi theo chém giết, đồng thời cũng hạ nốt quân canh trên hai cái chòi mà chiếm quyền kiểm soát bến cảng. Tới khi Hồ Đột tới được chỗ Hồ Thục thì quân số chỉ còn khoảng một nửa, trong khi quân Thái Yên hầu như chưa tổn thất gì, vẫn đuổi theo rất sát.

Hồ Đột chạy đến nơi thì lại nhận ra Hồ Thục cũng đang gặp phải tình cảnh chẳng khác gì mình, tức là cũng bị kẹp giữa hai mũi tấn công của hai đội quân, một đội là quân giặc từ ngoài đánh vào, đội kia chính là người của Thái Yên do Hai Lê chỉ huy từ trong đánh ra. Hồ Thục lúc này cũng đang phá vòng vây mở đường máu, đang định chạy sang chỗ Hồ Đột thì đã thấy Hồ Đột chạy tới. Thành ra Hồ Đột và Hồ Thục như những người cùng khổ, gặp nhau mà chẳng trông cậy gì được nhau. Binh sĩ hoang mang, rối loạn. Thái Yên lại đuổi theo rất gấp. Trong lúc túng quẫn, hai người mới nghĩ ra một cách. Cả hai dẫn quân chạy vào những chiếc thuyền đang nằm gần đó. Đây vốn là những chiếc thuyền của ngục Lam Ốc, luôn được để sẵn ở bến cảng phục vụ đi lại, chinh chiến. Tuy cũng được dùng trong chinh chiến nhưng chúng không được gọi là chiến thuyền vì khi thuyền đi trong lòng đất người ta không bắn được nhau do vậy thuyền cũng không được trang bị cung nỏ gì, chỉ phục vụ chuyên trở. Hồ Đột và Hồ Thục không còn đường chạy đành dẫn quân vào các thuyền này rồi khởi hành, chạy thẳng ra khỏi cảng. Quân Thái Yên bắn tên theo như mưa, hạ được rất nhiều lính nhưng thuyền vẫn lao đi không có cách gì cản được. Quân giặc cỏ có thuyền ở bên ngoài nhưng không dám đuổi theo vì các thuyền này đều đã đổ hết quân xuống cảng, trên thuyền không còn mấy người, có đuổi theo cũng không làm gì được.

Thái Yên đã chiếm hết được quyền kiểm soát cả ba cảng, tiêu diệt được phần lớn quân Lam Ốc nên cũng không cần truy đuổi làm gì. Bà ta giao cho các đội giặc cỏ phòng thủ ở các cảng, dặn chỉ cần thủ chắc không cho Hồ Đột, Hồ Thục quay về, cũng không cho ai ở trong chạy ra là được. Còn Thái Yên và Hai Lê dẫn quân của mình vào cung Chúa Ngục. Lúc này trong cung chỉ còn một nhúm lính canh với vài tên vệ sĩ thân cận của Chúa Ngục, hẳn là không đủ sức kháng cự.

Người của Thái Yên có đến cả nghìn, kéo đến vây kín cung Chúa Ngục. Một con ruồi cũng không thể lọt được ra ngoài. Thái Yên đến trước cửa chính của cung. Chẳng thấy có phòng bị gì cả, cửa vẫn mở, mấy tên lính vẫn đứng chống giáo canh gác như những ngày bình thường. Hai Lê nói:

-          Kỳ lạ thật! Bọn chúng không biết đang có binh biến hay sao mà chẳng có động tĩnh gì thế nhỉ?

Thái Yên cười:

-          Ha ha! Ta đánh nhau ngoài cảng cả nửa ngày rồi, thế nào chẳng có tin báo vào trong này. Chẳng qua bọn chúng biết là chống cự cũng vô ích nên buông tay chịu trói sớm ấy mà.

Nói xong Thái Yên thủng thẳng bước vào. Hai Lê can:

-          Ấy, chủ tướng định đi vào trong đó ư? Không nên đâu! Giờ chúng ta quân số đông đảo, vây kín các cửa rồi thì chỉ cần cho một tên lính vào đưa thông báo, bắt Chúa Ngục phải ra hàng chứ chủ tướng đi vào đó làm gì. Trong đó trật trội ta không đưa nhiều quân vào đó được, mà đi ít người vào thì sợ bọn chúng dồn hết thị vệ còn lại ra bắt chủ tướng làm con tin để ép ta lui binh thì sao?

Thái Yên gật đầu nói:

-          Ừ, phép dùng binh thông thường là như thế. Nhưng giờ bọn chúng đã như lũ gián dưới chân ta, di một cái là chết thì ta còn sợ gì? Sao lại không hiên ngang đi vào, tỏ cái uy cho chúng nó sợ? Còn mấy tên thị vệ còi trong đó thì một mình ta cũng đủ chấp tất chứ sợ gì.

Hai Lê vẫn tỏ ra e ngại:

-          Dù sao thì chủ tướng cũng nên thận trọng! Thuộc hạ thấy nghi lắm, lẽ ra giờ này bọn chúng phải sợ hãi mà chạy tán loạn rồi chứ sao có thể bình thản như không thế này được? Nên thuộc hạ nghĩ vẫn nên đề phòng là hơn, kẻo chúng có gian kế gì thì ta hỏng việc mất.

Thái Yên ngẫm nghĩ giây lát rồi bảo:

-          Thế này, giờ ta chỉ dẫn theo mấy người vào đó tỏ uy với hắn, ngươi ở ngoài này chỉ huy quân lính. Trong sân chầu có một cái cồng lớn bằng đồng, thường dùng đánh thông báo giờ thiết triều. Nếu có gì bất trắc ta sẽ đánh một tiếng cồng để báo hiệu, ngươi nghe thấy thì cho người phá nát cái cung này cho ta.

Hai Lê liền "Dạ" một tiếng rồi đứng ngoài chỉ huy quân lính. Thái Yên dẫn theo mười tên lính ung dung bước vào trong sảnh chầu. Vào tới nơi thì thấy Chúa Ngục Minh Phụng vẫn thư thái ngồi trên ngai, văn võ bá quan đứng xếp hai hàng bên dưới hệt như không khí của một buổi chầu thông thường, chẳng ai tỏ ra chút nào sợ hãi. Vừa thấy Thái Yên đi vào, Chúa Ngục cao giọng hỏi:

-          Thái Yên, sao hôm nay vào chầu muộn thế?

Thái Yên đang lừ lừ đi vào, nghe Chúa Ngục hỏi thế thì bật cười:

-          Ha ha ha! Các ngươi không biết sợ hay sao mà còn đứng cả ở đây? À, hay là sợ quá tới mức run rẩy bước không nổi nữa. Ha ha ha! Thôi cũng không phải chạy đâu, cứ ở lại cả đây ta sẽ xem xét năng lực từng người mà cho tiếp tục phụng sự triều đại mới.

Chúa Ngục chợt quát lên:

-          Câm mồm! Đây là chỗ nào mà ngươi dám ăn nói hỗn hào như thế? Còn không mau quỳ xuống thi lễ trước mặt Chúa Ngục của ngươi đi!

Thái Yên làm bộ ngước mắt nhìn ngơ ngác rồi lại bật cười:

-          Ha ha ha! Nhà ngươi vẫn chưa hiểu tình thế hiện giờ đấy à? Hay là đang cố diễn nốt trò hề cho hết vở kịch đấy hả? Thôi! Thôi! Ta xin! Ta không muốn xem hài kịch nữa đâu. Người của ta đã vây kín cung cấm, cũng phong tỏa hết các bến cảng rồi, các người chạy không thoát đâu. Hãy mau mau quỳ cả xuống mà van xin! Biết đâu ta sẽ mủi lòng thương mà tha cả cho đấy.

Chúa Ngục lại trợn mắt gầm lên:

-          Ngông cuồng! Hừm, cuối cùng thì ngươi cũng đã tạo phản. Ta quả đã không lầm mà. Ngươi tưởng là một kẻ tù tội như ngươi đến đây lưu đầy mà có thể muốn làm gì thì làm sao. Ta nói cho ngươi biết, ta đã đề phòng cả rồi. Ha ha! Người đâu! Bắt con mụ đàn bà phản phúc này lại cho ta!

Chúa Ngục vừa dứt lời thì một toán quân từ phía sau ùa ra, có dễ phải đến hai trăm tên. Tên nào cũng đầy đủ khí giới, vây chặt Thái Yên và mấy người đi cùng vào giữa điện.

Thái Yên và đám thủ hạ lập tức rút gươm nghênh chiến, miệng lẩm bẩm:

-          Khốn kiếp! Không ngờ lính hộ vệ trong cung mà sao lại đông thế.

Thế rồi hai bên lao vào nhau giao chiến. Những tiếng đao kiếm va vào nhau choang choang, rồi tiếng hò hét làm huyên náo cả điện chầu vốn thường ngày uy nghiêm là thế. Đám văn võ bá quan thì bàng hoàng, tất nhiên trong đó cũng có vài tên võ tướng hăng máu lao vào tham chiến nhưng phần lớn đám còn lại run rẩy đứng lép cả vào một góc. Bọn Thái Yên có vài người đương nhiên là yếu thế vì vậy đánh một lúc Thái Yên nghĩ ngay tới việc lao đến tóm lão Chúa Ngục đang ngửa mặt cười tự đắc mà kề gươm vào cổ lão. Lực lượng của lão chắc chỉ còn có từng này, do lão cố chấp không chịu đầu hàng nên mới đem hết đám này ra đánh để giãy chết vậy thôi, chỉ cần tóm được lão thì bọn lính hộ vệ này phải hạ vũ khí cả thôi mà. Nghĩ thế nhưng khi Thái Yên cố vượt vòng vây lao tới phía Chúa Ngục thì đám lính hộ vệ xúm cả lại, vung lên cả rừng gươm đao để ngăn cản khiến Thái Yên không sao vượt qua được. Trong khi đó những người đi theo Thái Yên đều lần lượt trúng đòn, gục xuống cả. Thái Yên giận sôi máu, liền không lao về phía Chúa Ngục nữa mà vận hết sức bình sinh đánh theo hướng ngược lại để phá vòng vây lao ra khỏi sảnh, ra ngoài sân. Ra đến sân, trước tiên bà liếc mắt nhìn ra cổng, kỳ lạ không thấy Hai Lê với quân đội của mình đứng vây ngoài đó, lẽ ra bọn chúng phải đứng sát trước cổng để vây chặt không cho tên nào thoát ra mà cũng sẵn sàng vào ứng chiến khi bà gọi chứ? Kế đó bà liếc nhìn về giữa sân, một chiếc cồng lớn có đường kính bằng chiều cao một người đứng, làm bằng đồng sáng bóng, treo trên một chiếc giá gỗ dựng ở giữa sân. Ngay lúc đó, đám lính hộ vệ liền hò nhau đuổi theo ra sân, mấy tên lính gác cổng nãy giờ đứng trang nghiêm, giờ thấy Thái Yên một mình cầm kiếm xông ra như thế thì cũng hò nhau lao vào chặn đường. Nhân có một khoảng tích tắc rảnh tay, Thái Yên liền nhảy đến bên chiếc cồng, cầm lấy cây dùi gỗ to bằng cái đòn gánh dựng sẵn cạnh đó, đánh thật mạnh ba tiếng liền:

COONG… COONG…COONG…

Chúa Ngục cũng theo ra sân, nhìn thấy thế thì khẽ nhăn mặt. Ngay sau đó thì Thái Yên đã phải vứt cây dùi xuống bởi còn phải vung kiếm lên mà đỡ đám lính đang tấn công tới. Trong đầu Thái Yên chắc mẩm chỉ cần đánh cầm cự thêm một lúc là quân ta bên ngoài sẽ ập vào thôi. Thế nhưng đợi mãi, đánh mãi vẫn chưa thấy gì. Thái Yên sốt ruột, vừa đưa tay đỡ một mũi giáo liền tung một cước thật mạnh khiến tên lính vừa đâm tới bị đạp bắn ra, nhào vào đám lính đứng sau khiến cả bọn bị đẩy lùi mấy bước. Thừa dịp ấy Thái Yên nhanh thoăn thoắt nhặt cây dùi lên, lại đánh mạnh hai tiếng:

COONG… COONG…

Lần này Chúa Ngục thấy vậy thì thốt lên:

-          À…, thì ra ngươi gõ cồng là để gọi quân bên ngoài vào đấy ư? Ha ha…ha ha ha! Cứ gõ nữa đi, để ta xem ngươi có bao nhiêu quân nào, ha ha!

Vẫn không thấy ai vào. Thái Yên chăm chăm nhìn ra cổng mà lòng đầy bối rối, nghi hoặc. Nhưng cũng chẳng có thời gian cho bà ta nghĩ ngợi nhiều, đám lính xung quanh đã lại ập đến, hò nhau mà tấn công ngày càng ác liệt. Những tiếng đao kiếm đập nhau choang choảng lại vang lên. Được một lúc, chợt một bóng người xồng xộc chạy qua cổng vào sân. Đám lính thấy vậy dừng cả lại. Thái Yên cũng dừng tay nhìn ra, người vừa vào chạy được mấy bước thì cũng từ từ dừng lại, thời gian như ngưng đọng. Người vừa vào đó chính là Hai Lê. Trên mặt Thái Yên, một nụ cười vừa thoáng hiện lên liền bị dập tắt ngúm. Hai Lê chỉ vào có một mình, cậu ta đang đứng ngay đơ một cách bất thường, khuôn mặt chẳng lộ chút cảm xúc nào. Rồi bất ngờ Hai Lê từ từ ngả người nằm sấp mặt xuống đất như một cây chuối bị người ta chặt đứt gốc mà chẳng quan tâm nó đổ về đâu. Trên lưng cậu ta cắm hai mũi tên… Đám lính hộ vệ liền ồ lên những tiếng reo hò như thể ăn mừng chiến thắng.

Ngay sau đó, một toán quân khác cũng chạy xộc vào sân. Thái Yên nhận ra đó là lính của mình, nhưng rõ ràng bọn chúng không phải đang vào đây tiếp ứng theo tiếng cồng kêu gọi của bà mà nhìn như một đám quân thua trận đang bỏ chạy. Tên nào tên ấy hốt hoảng, thở hồng hộc, vừa chạy vừa ngoái cổ nhìn lại phía sau. Chạy vào sân được mấy bước chúng mới nhận ra trong này cũng đang có một đội quân địch đang lăm lăm khí giới chờ sẵn thành ra chúng đứng khựng lại. Rồi ngay sau đó, một đội quân đông đảo, đầy khí thế cũng từ ngoài cổng ùa vào, rõ ràng đội quân này đang đuổi theo những tên lính của Thái Yên kia. Chúng vừa đuổi vừa hô hoán:

-          Dừng lại! Các ngươi hết đường thoát rồi. Mau hạ vũ khí đầu hàng!

Toán quân chạy trước ngơ ngác nhìn trước nhìn sau, biết không có đường thoát nữa, đành buông vũ khí đầu hàng cả.

Bấy giờ Chúa Ngục mới cười lớn:

-          Khà khà khà! Thái Yên, ngươi chỉ có bấy nhiêu thôi sao? Chỉ có vậy mà đòi lật đổ được ta ư? Ha ha ha!

Thái Yên nhìn đăm đăm vào mặt Chúa Ngục, nhăn nhó hỏi:

-          Ngươi… sao có thể?... Đám quân này ở đâu ra vậy?

-          Ha ha! Ngươi tưởng chỉ có ngươi mới biết giấu một đội quân bí mật ở dưới hầm sao? Ta còn đẻ ra cái trò ấy từ lâu rồi. Cả trăm năm qua ta đã bí mật gây dựng đội quân này và cả một hệ thống hầm ngầm để chúng ẩn náu, luyện tập, đến nay cũng đã có hơn ba nghìn quân. Nhà ngươi ở đâu đến đây cầm được một nghìn lính cộng với mấy tên giặc cỏ mà đòi lật đổ ta ư? Còn non và xanh lắm, ha ha ha!... chúng may đâu, bắt lấy con mụ phản phúc này cho ta!

Đám lính đang vây quanh Thái Yên đồng loạt xông vào. Thái Yên không còn kháng cự nữa, tay cầm gươm buông thõng, dễ dàng bị toán lính tóm lấy, ghì xuống quỳ dưới đất. Bà ngẩng đầu lên, nhìn Chúa Ngục bằng con mắt căm phẫn nói:

-          Hừ, lão cáo già này… ngươi… ngươi cố tình vi phạm quy định giới hạn quân số ư? Ngươi có ý gì mà lập cả một đội quân bí mật tới ba nghìn lính? Không lẽ… ngươi dám mưu phản cả Diêm Vương ư? Chuyện này mà lộ ra thì hậu quả thế nào ngươi còn không biết ư?

Chúa Ngục mặt vẫn tươi tỉnh nhưng lại cố tình giả vờ sợ hãi, hài hước nói:

-          Oa! Sợ quá ta!... Tội ấy ai mà chả sợ, ta có ăn gan hùm bao giờ đâu mà không biết sợ? Giờ ngươi mà đem chuyện này nói với Diêm Vương thì ta phải làm thế nào?... chà chà chà! Xem nào… tốt nhất là… đừng cho ngươi gặp Diêm Vương nữa… mà tốt nhất là đừng gặp được ai nữa, ha ha ha!

Phải rồi. Hắn chẳng cần nói thì Thái Yên cũng hiểu, chắc chắn hắn sẽ nuốt hồn Thái Yên hoặc quẳng xuống dung nham cho tan biến hoàn toàn đi chứ đâu để bà có cơ hội đem chuyện này ra mà tố cáo với Diêm Vương.

Sau chàng cười khoái trá, Chúa Ngục chợt chở nên nghiêm nghị, từ từ bước tới trước mặt Thái Yên với đôi mắt đang dần trở nên đỏ ngầu. Hắn dơ cánh tay về phía bên phải, xòe bàn tay ra. Một tên tiểu tướng đứng bên phía đó hiểu ý, đưa thanh kiếm đang cầm đặt chuôi kiếm vào bàn tay Chúa Ngục. Chúa Ngục chĩa mũi kiếm vào giữa ngực Thái Yên, lạnh lùng nói:

-          Cũng lâu rồi ta chưa nuốt hồn kẻ nào cả. Trước khi làm ta sẽ xiên cho ngươi một nhát để khỏi cảm thấy gì nữa nhé, he he.

Chúa Ngục gồng sức vào cánh tay, định ấn mạnh xuống. Thái Yên ngoảnh mặt sang một bên, nhắm mắt chờ đợi.

Nhưng… đúng lúc đó một giọng nói điềm đạm mà đầy nội lực vọng tới:

-          Ngục Lam Ốc hôm nay có đại hội gì mà đông vui thế? Cho ta tham dự với có được không?

Tất thảy mọi người có mặt trên sân chầu đều ngơ ngác nhìn quanh nhưng không ai hiểu giọng nói kia từ đâu ra. Mất một lúc nguồn phát âm thanh đó mới lộ diện. Vù một cái, giữa sân chầu, một bóng người tráng kiện với sắc phục sang trọng xuất hiện. Chúa Ngục Lam Ốc vừa trông thấy liền há hốc mồm miệng, thốt lên:

-          Hữu Sứ…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3