Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 1 - Chương 11

11

Dạo đó tôi đã là mội sinh viên đại học rồi. Tôi tự cảm thấy mình đã trở nên người lớn, già dặn hơn khi mới tới nhà Tiên Sinh lần đầu khá nhiều. Tôi cũng đã quá quen thuộc với bà vợ của Tiên Sinh, do đó khi ngồi một mình trước mặt bà, tôi chẳng thấy bối rối chút nào hết. Hai người chúng tôi nói lan man hết chuyện này sang chuyện khác. Câu chuyện chẳng có gì đặc sắc, lẽ ra bây giờ tôi cũng đã quên hết nếu như không có dây dưa đến một điều tôi hết sức lưu tâm. Tuy nhiên, trước khi nói tiếp câu chuyện này, tôi thấy cần phải nói một vài điều về Tiên Sinh đã.

Tiên Sinh vốn đã tốt nghiệp đại học. Tôi được biết điều đó ngay từ đầu, tuy nhiên chỉ sau khi từ Kamakura trở về Tokyo, tôi mới biết thêm là Tiên Sinh chẳng hề làm lụng gì hết. Ngay từ đó, tôi đã băn khoăn tự hỏi chẳng biết ông xoay sở ra làm sao để mà kiếm ăn.

Trên thế gian này, chẳng có ai biết đến tên tuổi Tiên Sinh cả. Ngoài tôi là người có mối quan hệ mật thiết và có lòng kính yêu đối với Tiên Sinh chẳng còn ai biết gì đến học vấn cùng tư tưởng của Tiên Sinh hết. Tôi thường nói với ông đó là một điều thật đáng tiếc nhưng ông chẳng để ý gì đến lời nói của tôi. Có lần ông bảo tôi:

"Một con người như tôi mà nhảy ra múa may trước công chúng thì còn ra cái quái gì nữa." Tôi thấy câu nói này thực quá khiêm tốn và đâm băn khoăn tự hỏi, phải chăng ý tưởng ấy thực sự bắt nguồn từ sự mỉa mai moi móc thế gian? Quả vậy, đôi khi Tiên Sinh không tránh khỏi những lời phê bình không tốt về những người bạn cùng lớp ngày xưa nay đã có tên tuổi với đời. Sự mâu thuẫn bề ngoài trong thái độ của Tiên Sinh, vừa khiêm tốn, vừa khinh bạc này, có lần tôi đã đem ra nói thẳng cho ông hay.

Tôi làm thế không phải là theo ý nghĩa một tinh thần phản kháng mà chỉ vì buồn tiếc làm sao một người như Tiên Sinh lại chẳng được thế gian biết đến mà thôi. Với một giọng thật trầm, Tiên Sinh trả lời tôi: "Chú thấy đó, đối với vấn đề ấy mình đành chịu phép một bề. Tôi chẳng có chút tư cách nào để trông đợi bất cứ điều gì ở thế gian này cả." Trong lúc Tiên Sinh nói như thế, nét mặt ông để lộ một tình cảm làm cho tôi xúc động sâu xa. Tôi không biết rõ đó là thất vọng, bất bình hoặc bi ai nữa. Tôi thấy mình không còn can đảm để gạn hỏi thêm.

Trong lúc bà vợ Tiên Sinh ngồi nói chuyện cùng tôi, câu chuyện tự nhiên hướng về Tiên Sinh. Tôi hỏi:

"Tại sao thầy lại không dấn thân vào đời, làm công việc xứng đáng với tài năng, lại cứ ngồi nhà nghiên cứu và suy tư mãi như thế hả cô?"

"Tôi sợ rằng chẳng còn trông mong gì có ngày ông nhà tôi làm được như thế. Ông ấy ghét điều đó lắm lắm."

"Thưa cô, con nghĩ chắc là thầy nghĩ rằng dù có làm như vậy cuối cùng chẳng đi đến đâu, có phải vậy chăng?"

"Thấy hay là không, đàn bà chúng tôi không được biết rõ. Tuy nhiên tôi nghĩ là ý nghĩa cũng đại khái như thế. Tôi chắc ông nhà tôi cũng thực sự mong muốn làm được một cái gì, nhưng hình như không sao làm được. Tôi rất tiếc cho nhà tôi."

"Nhưng Tiên Sinh là người khang kiện, không đau yếu gì hết phải không cô?"

"Cái đó thì chắc chắn rồi! Nhà tôi hoàn toàn chẳng có bệnh tật gì hết."

"Thưa vậy tại sao thầy lại không hoạt động gì cả?"

"Tôi cũng muốn biết lắm. Chú thử nghĩ mà xem, nếu tôi mà biết được thì tôi đâu đến nỗi lo lắng như thế này. Thực quả là tôi rất tiếc cho nhà tôi."

Giọng bà chan chứa niềm xót xa phi thường, tuy nhiên, đôi môi bà vẫn hé cười mỉm. Nhìn bề ngoài, hình như tôi là người có vẻ lo lắng hơn cả bà nữa. Tôi ngồi im đó, nét mặt đăm chiêu. Bà ngước nhìn lên như thể bất chợt sực nhớ ra điều gì:

"Chú biết không? Khi còn trẻ, nhà tôi đâu có như bây giờ. Thuở trẻ, ông ấy khác hẳn. Bây giờ nhà tôi đã thay đổi hoàn toàn."

"Thưa cô, thầy thay đổi như thế vào khoảng thời gian nào ạ?"

"Vào dạo hãy còn là một thư sinh."

"Vậy ra cô quen biết thầy từ khi thầy còn là một thư sinh ư?"

Bà hơi đỏ mặt ngượng ngùng.