Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 1 - Chương 14
14
Vì tuổi còn trẻ tôi rất dễ dốc lòng vào một ý đồ nào đó. Ít nhất là dưới mắt Tiên Sinh, tôi cũng có vẻ như vậy. Tôi coi những đàm thoại với Tiên Sinh lại còn hữu ích hơn là những bài giảng nghĩa ở đại học nữa. Tôi coi trọng những tư tưởng của Tiên Sinh hơn là các ý kiến của giáo sư. Tôi thấy Tiên Sinh có lối sống lặng lẽ âm thầm còn dẫn dắt, chỉ đạo cho tôi nhiều hơn là những lời dông dài của các vị giáo sư nổi tiếng từng đứng trên giảng đường đại học.
"Chú nên vừa vừa phai phải thôi chứ, đừng có nên hăm hở quá như vậy không được đâu." Tiên Sinh đã nhiều lần thế.
"Nhưng con nghĩ là kết quả thì con vẫn chùng mạc lắm đấy chứ." Tôi đáp lại một cách rất là tự tin. Tiên Sinh vẫn không chịu cái lối tự tin đó.
"Chú thật giống như một người đang lên cơn sốt. Một khi qua cơn sốt, chú sẽ thấy hăm hở biến thành chán chường. Quan niệm của chú về tôi trong lúc này đã làm cho tôi thấy khổ tâm lắm rồi. Nhưng khi dự tưởng sự đổi thay từ hăm hở thành chán chường sắp tới tôi lại càng thấy khổ tâm hơn nữa."
"Tiên Sinh có cho là con quá nông nổi khinh bạc hay không? Tiên Sinh có thấy con thật là tin cậy không nổi hay không?"
"Tôi nghĩ chỉ thấy ái ngại mà thôi."
"Dạ, thưa có phải là con chỉ xứng đáng với cảm tình chứ không phải với lòng tin của Tiên Sinh, có phải vậy không ạ?"
Tiên Sinh có vẻ lúng túng, quay nhìn ra ngoài vườn. Vừa mới đây vườn còn đầy những bông hoa xuân trà, nhưng bây giờ những bông hoa từng làm cho cảnh vật thắm tươi đã không còn nữa. Tiên Sinh vẫn có thói quen ngồi trong nhà nhìn ra ngoài vườn ngắm những bông hoa ấy.
"Chẳng phải là tôi không tin riêng một mình chú thôi đâu, tôi không tin tất cả nhân gian nữa kia."
Tôi nghe thấy tiếng người bán cá vàng rao từ con đường phía bên kia hàng rào vọng sang. Ngoài ra chẳng còn một tiếng động nào khác. Căn nhà khuất vào bên trong, xa con đường chính, rẽ vào một con đường nhỏ thật là êm ắng. Trong chính căn nhà, chỗ nào cũng lặng lẽ y như mọi khi. Tôi biết bà vợ Tiên Sinh lẳng lặng may vá hay làm một công việc gì đó ở phòng bên cạnh. Và tôi cũng biết là bà có thể nghe thấy những lời chúng tôi trò chuyện với nhau. Chẳng hiểu sao bỗng dưng tôi quên bẵng mất điều đó và buột miệng.
"Như vậy Tiên Sinh cũng không tin cả bà nhà nữa ư?"
Nét mặt Tiên Sinh có vẻ khó chịu. Ông tránh né không trả lời thẳng vào câu hỏi:
"Tôi cũng chẳng tin ngay lấy chính mình nữa. Và vì không tin vào chính mình nên tôi chẳng thể tin vào một ai khác được. Tôi chẳng biết làm sao nữa ngoài việc nguyền rủ mình mà thôi."
"Dạ, thưa Tiên Sinh quá bận tâm lo đến điều đó, nhưng thực ra có ai là người tin chắc được như vậy đâu."
"Thật chẳng phải là những ý nghĩ xấu xa mà chính là những gì còn lại sau việc làm đã khiến cho tôi kinh sợ. Mới đầu chính cái việc tôi làm đã khiến tôi cảm thấy bất an, rồi thì tôi khủng khiếp quá chừng!"
Tôi muốn tiếp tục câu chuyện theo chiều hướng đó nhưng chúng tôi bị ngắt lời; bà vợ Tiên Sinh cất tiếng gọi hai lần từ phía sau cánh cửa "Mình ơi! Mình ơi!". Tiên Sinh hỏi: "Gì thế?"
"Sang đây một chút có được không mình?", bà vợ ở phòng bên lại gọi. Tiên Sinh chạy sang. Tôi chưa kịp biết hai người làm gì trong phòng bên và cũng chưa kịp tưởng tượng ra cái gì thì Tiên Sinh đã trở về phòng khách và tiếp tục câu chuyện.
"Dù sao, chú cũng không thể tin tưởng nơi tôi nhiều quá kẻo rồi phải ân hận về sau. Nếu cứ để cho mình tự cảm thấy bị lừa dối thì rồi ra chú sẽ thấy mình muốn phục thù một cách tàn khốc vô cùng."
"Dạ, như thế nghĩa là thế nào ạ?"
"Sau này nhớ lại là đã có lần quỳ gối dưới chân một con người để rồi bây giờ giẫm chân lên đầu cũng con người đó, chú sẽ thấy chua chát, tủi hổ ghê gớm. Tôi không muốn nhận sự tôn kính trong lúc này vì không muốn phải chịu sự phỉ nhổ trong mai sau. Tôi chịu đựng sự lẻ loi trong lúc này để tránh khỏi phải chịu sự lẻ loi lớn lao hơn trong những ngày sắp tới. Chú thấy đó, cô đơn là cái giá mà chúng ta phải trả, vì đã ra đời trong thời thế hiện tại đầy những tự do, độc lập và vị kỉ của chúng mình."
Tôi ngồi trước mặt Tiên Sinh dỏng tai nghe mà không biết phải trả lời ra sao cả.