Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 1 - Chương 15

15

Sau ngày hôm ấy, cứ mỗi lần thấy mặt bà vợ Tiên Sinh là tôi thường tự hỏi liệu thái độ của Tiên Sinh đối với bà có thủy chung như những lời ông nói cho tôi nghe hay không và nếu có thì bà có được thỏa mãn hay không?

Tuy nhiên, nhìn dáng vẻ, tôi chịu không sao phân biệt được sự thỏa mãn với sự bất mãn. Dĩ nhiên, tôi ít có cơ hội tiếp xúc thân cận với bà để có thể hiểu rõ ràng được. Ít khi tôi thấy bà xa rời Tiên Sinh, hơn nữa, mỗi lần đến chơi, ít khi thấy bà không ngồi bên ông trên chiếu mà tiếp đãi tôi.

Tôi vẫn nghi hoặc mãi không biết vì đâu mà Tiên Sinh có lối đối xử như thế đối với nhân gian: phải chăng đó là kết quả lối nhìn nội tỉnh tự mình lạnh lùng quan sát chính mình và xã hội hiện tại. Tiên Sinh là người có bản chất hay ngồi yên một chỗ mà suy tư. Và nếu như mình có đầu óc thông minh, sắc sảo như Tiên Sinh, liệu mình có tự nhiên có thái độ như Tiên Sinh hay không? Tôi vẫn thường bâng khuâng nghĩ ngợi mãi như thế. Tuy nhiên, cố gắng giải thích như vậy, nghe ra không ổn. Tôi thấy thái độ của Tiên Sinh không phải nhờ có sự suy tư giác ngộ. Thực là khác hẳn một căn nhà bằng đá đã bị lửa thiêu rụi, quan niệm của Tiên Sinh linh hoạt hơn nhiều. Dưới mắt tôi, Tiên Sinh quả là một tư tưởng gia. Nhưng tư tưởng gia này có một chủ nghĩa xây dựng trên thực tại, phát xuất từ sự từng trải những mùi vị thống thiết, trong thực tại của chính mình hơn là của người khác.

Tuy nhiên, những sự suy đoán như thế chẳng giúp cho tôi được mấy. Quả vậy, Tiên Sinh đã tự mình cáo bạch ra như thế. Nhưng những lời cáo bạch đó cứ lửng lơ như đám mây đầu núi trông có vẻ mơ hồ nhưng làm cho mình khiếp sợ không biết tại sao tôi lại sợ hãi thực sự.

Tôi cố gắng giải thích cho chính mình hiểu cái nhân sinh quan của Tiên Sinh bằng cách giả định ra một cuộc tình dữ dội trong thời thanh xuân - dĩ nhiên là giữa Tiên Sinh với bà vợ - thoạt đầu rất dữ dội, đắm đuối và có lẽ là sau đưa đến hối hận, ăn năn. Sự giải thích như thế, theo ý tôi, sẽ chẳng nhiều thì ít, kể tới sự ràng buộc tình yêu với tội ác trong đầu óc Tiên Sinh. Tuy nhiên, Tiên Sinh vẫn một mực bảo tôi rằng ông vẫn một lòng yêu thương bà vợ. Như vậy nếu bảo sự giác ngộ có tính cách yếm thế gần đây của ông bắt nguồn từ cuộc tình giữa hai ông bà mà ra thì thực chẳng hợp lý chút nào. Nghĩ đến lời Tiên Sinh nói "Sau này nhớ lại là đã có lần quỳ gối dưới chân một con người để rồi bây giờ giẫm chân lên đầu cũng con người đó...", tôi thấy như là Tiên Sinh muốn nhằm vào tất cả mọi người trong xã hội hiện đại chứ không phải riêng vào bà vợ ông đâu.

Thỉnh thoảng, hình ảnh trong nấm mộ ở nghĩa trang Zoshigaya lại trỗi dậy trong trí nhớ của tôi. Tôi biết nấm mộ này có duyên cớ rất sâu xa với Tiên Sinh. Là người rất thân cận với Tiên Sinh trong cuộc sống nhưng tôi không sao hiểu rõ sự kiện này; tôi coi nấm mộ ấy, xét theo ý nghĩa nào đó, như một mảnh đời Tiên Sinh. Nhưng riêng với tôi, dù có cái gì chôn vùi trong đó đi nữa t cái ấy cũng đã chết rồi và tôi biết là mình không sao tìm thấy được trong đó chiếc chìa khóa để mở cánh cửa ngăn cách cuộc đời Tiên Sinh với tôi nữa. Thật thế, nấm mồ sừng sững như một hồn ma vật vờ tự do qua lại ám ảnh quấy nhiễu chúng tôi mãi mãi.

Sau đó, chẳng ngờ tôi lại có dịp nói chuyện với bà vợ Tiên Sinh lần nữa. Đó là vào khoảng mùa thu, khi ngày càng ngắn và ai ai cũng để ý thấy là trời bắt đầu trở lạnh. Tuần trước quanh khu nhà của Tiên Sinh, có xảy ra những vụ ăn trộm trong mấy ngày liền. Mấy vụ đều xảy ra vào lúc chập tối và đều là những vụ lặt vặt. Tuy nhiên, lắm nhà đã bị kẻ trộm lẻn vào làm bà vợ Tiên Sinh thấp thỏm lo lắng mãi. Một tối Tiên Sinh lại phải vắng nhà: một người bạn đồng hương, giữ chức bác sĩ tại một bệnh viện tỉnh lị đã lên kinh đô, Tiên Sinh cùng hai, ba người khác kéo ông này đi ăn cơm tối. Tối đó, Tiên Sinh nói cho tôi biết rõ sự tình và nhờ tôi đến nhà, ở lại với bà cho đến khi ông trở về. Tôi nhận lời ngay lập tức.