Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 1 - Chương 21

21

Mùa đông năm ấy, tôi ngẫu nhiên bị bó buộc phải trở về nhà. Mẹ tôi gửi cho tôi một lá thư nói rằng thầy tôi đã trở bệnh nặng, mặc dù chưa có gì nguy kịch lắm song trong trường hợp này, tôi vẫn nên sửa soạn về nhà cho sớm. Theo lời lẽ nhắc nhở trong thư, xét cho cùng, thầy tôi cũng đã cao tuổi rồi.

Thầy tôi bị bệnh thận từ ít lâu nay. Cũng như trường hợp những người đã quá trung niên, thầy tôi mắc chứng bệnh kinh niên mãn tính. Tuy nhiên cả thầy tôi lẫn gia đình cũng tin rằng với sự kiêng cữ, chăm nom chu đáo, không đến nỗi sợ bệnh cấp biến bất ngờ và thầy tôi vẫn thường khoe khoang với khách đến thăm là chỉ nhờ phép dưỡng sinh mà mình đã qua khỏi, giữ được cái thân già cho đến nay.

Tuy nhiên bệnh trạng thầy tôi trầm trọng hơn chúng tôi tưởng. Theo lời lẽ của mẹ tôi trong thư, thầy tôi đột nhiên choáng váng quay cuồng trong khi đi dạo quanh vườn. Thoạt đầu ai cũng tưởng chỉ là choáng váng mày mặt vậy thôi, nhưng khi chẩn bệnh, bác sĩ đã xác định rằng đó là kết quả của chứng bệnh thận.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến khóa nghỉ mùa đông và nghĩ rằng chẳng cần phải về nhà ngay tức khắc, tôi quyết định ở lại cho đến cuối học kỳ. Nhưng chỉ một hai ngày sau là tôi bắt đầu lo lắng. Hình ảnh thầy tôi nằm bẹp trên giường và mẹ tôi âu sầu lo lắng đã khiến tôi quyết ý trở về ngay. Tôi không có đủ tiền để mua vé tàu và muốn tránh khỏi phải chờ nhà gửi tiền lên làm lữ phí, tôi quyết định đến vay tiền Tiên Sinh. Vả lại tôi cũng muốn chào ông trước khi về nhà.

Tiên Sinh đang bị cảm lạnh, không muốn ra ngoài phòng khách nên bảo tôi vào trong phòng sách với ông. Ánh mặt trời dìu dịu - thứ ánh sáng mình ít khi nhìn thấy trong mùa đông - lọt qua khung cửa kính tràn ngập phòng đọc sách. Tiên Sinh gọi mang một cái hỏa lò lớn vào căn phòng ngập nắng này. Trên hỏa lò có đặt một cái chậu sắt đựng đầy nước để hơi nước bốc lên làm cho Tiên Sinh bớt thấy khó thở.

Tiên Sinh cười nhăn nhó, bảo tôi: "Thà rằng ốm liệt giường liệt chiếu còn hơn là cảm lạnh vớ vẩn như thế này."

Nhớ lại là Tiên Sinh không bao giờ ốm nặng, tôi không khỏi buồn cười:

"Con chịu đựng một cơn cảm lạnh xoàng nhưng chắc chắn là chẳng bao giờ muốn ốm nặng hơn. Con chắc Tiên Sinh cũng cảm thấy như thế khi đau ốm thực sự."

"Thế ư? Quả thực tôi có cảm tưởng rằng nếu có bị bệnh thì mắc một bệnh chết người cho xong."

Tôi không để ý mấy đến những lời của Tiên Sinh. Tôi móc lá thư mẹ tôi ra để hỏi vay tiền ông.

"Tất nhiên là được rồi. Nếu chú cần tiền thì chắc chắn là chúng tôi có thể giúp chú ngay bây giờ."

Ông gọi bà vợ và bảo bà đem tiền cho tôi mượn. Bà lấy tiền trong ngăn tủ buýp-phê và nhã nhặn đặt số tiền lên một tờ giấy trắng rồi nói: "Chắc là chú đang lo lắm." Tiên Sinh hỏi:

"Thế ông nhà có thường hay bị choáng váng ngất đi hay không?"

"Thưa, trong thư không thấy nói gì đến điều ấy. Nhưng trong trường hợp như thế có thường hay bị ngất không ạ?"

"Có." Rồi Tiên Sinh kể cho tôi nghe rằng thân mẫu của bà cũng mắc bệnh thận như cha tôi và đã qua đời rồi.

"Dù sao thì cũng rắc rối lắm," tôi nói.

"Giá như tôi đổi chỗ được cho ông nhà thì hay biết bao nhiêu." Tiên Sinh đáp. "Thế ông nhà có nôn mửa hay không?"

"Con không rõ, nhưng có lẽ là không. Con không thấy trong thư có nói gì đến điều đó."

"Chừng nào còn chưa bị nôn mửa thì ông nhà còn chưa đến nỗi nào đâu", bà bàn góp.

Tối hôm đó, tôi lên xe lửa rời Tokyo về nhà.