Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 1 - Chương 32

32

Tập luận án mà tự tôi đánh giá khá cao, dưới mắt các giáo sư, dường như không có giá trị như tôi tưởng. Tuy nhiên, năm ấy tôi vẫn được chấm đậu để tốt nghiệp như đã dự định. Vào ngày lễ tốt nghiệp, tôi moi bộ đồng phục mùa đông cũ rích mốc xì từ trong hành lý ra mà mặc vào người. Mọi người đứng quanh tôi trong giảng đường, ai nấy đều có vẻ nóng bức. Tôi cảm thấy toàn thân như thể đang bị gói kín, gắn xi trong mt cái phong bì bằng len dày cộm. Chẳng mấy chốc cái khăn tay tôi cầm đã ướt đẫm mồ hôi.

Sau khi buổi lễ chấm dứt, tôi trở về nhà trọ, cởi hết áo quần, trần mình như nhộng rồi mở toang cửa sổ phòng mình - phòng tôi ở trên tầng gác thứ hai - và cuộn tròn cái văn bằng tốt nghiệp làm như một viễn vọng kính, tôi giơ lên hí hoáy quay nhìn khắp bốn xung quanh cho đến chán mắt mới thôi. Sau đó tôi vứt mảnh bằng xuống bàn học rồi nằm lăn quay ra giữa phòng. Nằm như thế quay nhìn quá khứ, rồi tôi cố gắng tưởng tượng xem tương lai của mình sẽ ra làm sao. Tôi nghĩ đến mảnh bằng đang nằm chỏng chơ trên bàn học và mặc dù, dường như nó cũng có đôi chút ý nghĩa nào đó - như biểu tượng cho sự khởi đầu một quãng đời mới chẳng hạn - tôi vẫn không sao ngăn cản được cái cảm tưởng rằng đó chỉ là một mảnh giấy lộn vô nghĩa mà thôi.

Tối hôm đó tôi tới nhà Tiên Sinh ăn cơm. Trước kia, tôi đã hứa với ông là sau khi thi đậu, tôi sẽ chỉ ăn mừng với ông mà thôi.

Trong dịp này Tiên Sinh đã cho kê một cái bàn vào trong phòng khách, ngay gần hàng hiên. Trên mặt trải một tấm khăn bàn bằng vải thêu, hồ bột cứng nhắc, mặt vải phản chiếu ánh đèn trông thực là đẹp mắt. như thường lệ, mỗi khi ăn cơm tối tại nhà Tiên Sinh, tôi đều thấy bát dĩa được bày rất gọn gàng trên tấm khăn bàn trắng, y nhc hiệu cơm tây vậy. Tấm vải bàn bao giờ cũng trắng bong rõ ràng là vừa mới được giặt rũ và đem là thực phẳng. Có lần Tiên Sinh nói:

"Dùng khăn bàn cũng như là dùng cổ áo và tay áo vậy, muốn dùng đến bẩn thì phải chọn thứ vải màu. Còn đã dùng khăn bàn trắng thì phải luôn trắng bong không một vết tì bẩn."

Quả thực Tiên Sinh là người hết sức sạch sẽ. Phòng làm việc của ông chẳng hạn lúc nào cũng ngăn nắp vô cùng. Tôi vốn là đứa bừa bãi cho nên sự ngăn nắp sạch sẽ của Tiên Sinh luôn luôn làm cho tôi phải chú ý. Có lần tôi phải nói ra miệng với bà vợ ông:

"Thưa, có phải Tiên Sinh là người có tính tẩn mẩn chi li từng tí nên rất khó chiều phải không ạ?"

"Có lẽ thế đấy. Nhưng đến chuyện quần áo thì ông nhà tôi lại chẳng chi li cẩn thận như thế cho."

Nghe chúng tôi đối đáp, Tiên Sinh vừa cười vừa nói:

"Của đáng tội quả thực tôi có cái đầu óc chi li từng tí đó thật. Đó là lý do khiến cho tôi luôn luôn cứ phải thắc mắc, giữ gìn. Có vậy chú mới thấy nếu mà ai có tính giống tôi thì thực là ngớ ngẩn kinh người, không sao hiểu nổi."

Ý nghĩa mấy tiếng "đầu óc chi li tẩn mẩn" thực tình tôi không hiểu rõ. Hình như ngay cả bà vợ ông cũng không hiểu rõ nữa. Có lẽ ông muốn nói là mình hay băn khoăn, thắc mắc quá nhiều đến những điều phải trái hoặc cũng có thể là ông muốn nói đến cái thói khó chiều của mình là ưa thích sạch đến độ bệnh hoạn.

Tối hôm ấy, Tiên Sinh và tôi ngồi đối diện nhau ở hai đầu bàn ăn, một người ngồi bên phải, một người ngồi bên trái bà vợ ông. Một mình bà ngồi quay mặt nhìn thẳng ra ngoài vườn.

"Có lời mừng chú đấy nhé?" Tiên Sinh vừa nói vừa nâng cốc rượu đưa mời tôi. Tôi đón nhận cốc rượu mà chẳng thấy những lời vui vẻ ấy có một âm vang nào trong lòng mình cả, phần vì chính tôi cũng chẳng lấy gì làm sung sướng vui mừng cho lắm sau khi tốt nghiệp, phần vì cái giọng nói của Tiên Sinh có vẻ như chỉ nói lấy lệ chứ không muốn thúc đẩy tôi phải vui vẻ đáp lời. Thực thế, ông nhe răng cười trong khi nâng cốc rượu của mình lên và tôi thấy trong nụ cười ấy dường như có vẻ gì mỉa mai châm chọc, chẳng biểu lộ chân tình mà như chỉ có ý nói: những dịp đỗ đạt người ta vẫn thường có lệ phải chúc mừng đưa đẩy như thế mà!

Nhưng bà vợ ông thì thật tử tế.

"Thực tuyệt đấy! Hẳn là thầy mẹ chú phải vui mừng khôn xiết kể". Nghe bà nói, tôi chợt nhớ tới thầy tôi đang đau ốm nơi quê nhà và tôi tự nhủ: mình phải trở về nhà cho thực sớm để đưa cho ông cụ xem tấm văn bằng tốt nghiệp của mình mới được! Và tôi hỏi:

"Thế văn bằng tốt nghiệp của Tiên Sinh bây giờ để đâu rồi ạ?"

"Không biết nữa đấy... Này mình ơi!" Tiên Sinh quay sang hỏi bà vợ. "Có phải mình cất ở đâu đó, phải không mình?"

"Vâng! Đúng vậy! Em cất ở một chỗ nào đó trong nhà ấy mà."

Cả hai ông bà dường như chẳng ai biết đã nhét giấm nhét giúi tấm bằng vào xó xỉnh nào mất rồi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3