Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 1 - Chương 33
33
Khi đến giờ dùng bữa ăn chính, bà vợ Tiên Sinh bảo chị người làm đang ngồi bên cạnh đi ra chỗ khác để bà tự tay xới cơm và gắp thức ăn mời mọc chúng tôi. Tôi nghĩ đó hẳn là thói quen của hai ông bà mỗi khi có bạn bè thân thiết chứ không phải là khách khứa chính thức đến dùng cơm tại nhà. Hai ba bận đầu, lúc mới đến ăn cơm nhà này, tôi cảm thấy hơi lúng túng, ngại ngùng nhưng lần này thì tôi hết sức tự nhiên, cứ mỗi khi ăn hết một bt cơm, lại thản nhiên đưa bát cho bà xới tiếp.
"Chú dùng trà ư? Dùng thêm một bát cơm nữa chứ?" Đôi khi bà còn tươi cười đùa bỡn:
"Ấy thế mà chú cũng ăn thủng nồi trôi chõ đấy chứ chẳng phải chơi đâu!"
Tuy nhiên, tối hôm đó, tôi không để cho bà có dịp bông đùa, bỡn cợt; vì đang mùa hè, trời nóng bức quá chừng nên tôi ăn không được ngon miệng lắm.
"Hết sức rồi hả? Dạo này chú ăn kém trước rồi đó!"
"Thưa không, nếu trời không quá nóng bức thì con vẫn khỏe như thường."
Sau khi chị người làm dọn dẹp bàn ăn, bà lại đem hoa quả và kem đá cho chúng tôi ăn.
"Chú ăn cho nhiều vào. Tự tay tôi làm đó!" Hình như bà phải làm lụng rất ít công việc trong nhà nên bất cứ lúc nào có hứng, bà cũng có thể tự tay tay làm kem đá để mời khách. Tôi làm một hơi hai cốc kem liền. Tiên Sinh hỏi tôi:
"Bây giờ thì chú đã tốt nghiệp rồi, thế chú đã định làm ăn gì chưa hả?" Ông đã vác một cái gối ra ngoài hàng hiên để lót dưới lưng, ngồi dựa người vào cánh cửa kéo.
Tâm trí tôi dù sao cũng vẫn còn rộn ràng náo nức vì việc vừa tốt nghiệp nên tôi chưa bắt đầu để tâm lo liệu, tính toán việc làm ăn. Thấy tôi còn phân vân chưa quyết, bà vợ Tiên Sinh hỏi:
"Thế chú có định ra làm giáo sư không?"
Thấy tôi chưa trả lời được ngay, bà lại hỏi thêm: "Hay là ra làm công chức hở?"
Cả Tiên Sinh lẫn tôi nghe hỏi vậy đều phá ra cười. Tôi trả lời bà:
"Nói cho ngay, con chưa hề nghĩ kĩ đến việc đó. Thực ra, con chưa nghĩ mấy đến chức nghiệp. Con thấy thật khó mà biết được nghề nào sẽ thích hợp với mình nhất vì hiện nay con chưa có kinh nghiệm gì về việc đời cả."
"Có thể là như thế đấy. Nhưng chẳng qua vì các cụ ở nhà có tài sản khá nên chú mới có thể nhởn nhơ đủng đỉnh như thế chứ - bà đáp lại. Chú sẽ chẳng bao giờ dám nhởn nhơ như thế nếu như chú ở vào một hoàn cảnh khó khăn hơn."
Dĩ nhiên tôi biết là bà nói đúng. Một số bạn bè của tôi ở đại học đã phải nghĩ đến việc đi tìm chỗ dạy tại các trường trung học trước khi họ tốt nghiệp rất lâu. Nhưng tôi lại nói:
"Có lẽ con cũng chịu ảnh hưởng Tiên Sinh một chút."
"Thế hả? - bà nói. Vậy thì tôi xin can chú đấy. Chú chẳng nên để mình bị ảnh hưởng như thế.
Tiên Sinh mỉm cười nhăn nhó góp lời:
"Dù có phải là do ảnh hưởng của tôi hay không, tôi cũng chẳng cần để ý. Duy có một điều tôi đã nói mà chú cần phải nhớ: ấy là làm sao để ông nhà chia cho chú một phần tài sản kha khá, nếu không quyết là sau này chú không sao còn có thể nhởn nhơ như bây giờ nữa."
Nghe Tiên Sinh nói, tôi lại nhớ tới cuộc trò chuyện giữa ông với tôi trong căn nhà ươm cây vào đầu tháng năm hôm ấy, khi những bông hoa trịch trục đang đua nở. Và tôi nhớ lại những lời nói nóng nẩy của ông trên con đường từ vùng ngoại ô về nhà.
Thỉnh thoảng nghĩ lại tôi vẫn thấy dường như những lời nói ấy còn vang dội lùng bùng trong lỗ tai nhưng vì không được biết sự thật về cuộc đời Tiên Sinh ra làm sao nên sau đó tôi cũng không bận tâm suy nghĩ đến chuyện đó nữa.
"Thưa cô, tài sản của cô và Tiên Sinh có nhiều lắm không ạ?"
"Tại sao chú lại hỏi như vậy?"
"Con đã hỏi Tiên Sinh nhưng Tiên Sinh không chịu trả lời cho con rõ."
Bà nhoẻn miệng cười, đưa mắt nhìn ông chồng rồi đáp:
"Có lẽ vì chẳng có được bao nhiêu nên ông nhà tôi không muốn nói cho chú biết đấy thôi."
"Nhưng con mong được biết rõ là nếu muốn được sống thong dong như Tiên Sinh thì phải có bao nhiêu tiền để khi về nhà bàn định về việc phân chia tài sản, con mới biết đường mà nói chứ."
Tiên Sinh đang đứng nhìn ra ngoài vườn, lẳng lặng hút thuốc lá. Tự nhiên là bà vợ một lần nữa lại phải trả lời thay chồng:
"Chúng tôi chẳng có được bao nhiêu đâu. Cũng phải xoay xở bù đầu mới đủ sống, có vậy mà thôi. Vả lại số tiền mà chúng tôi có nào có ăn thua gì đến tương lai chú đâu.
Chú phải suy nghĩ chín chắn về nghề nghiệp của mình trong tương lai chứ không thể ăn không ng rồi như Tiên Sinh được đâu."
Tiên Sinh quay nhìn chúng tôi, gạt bỏ những lời của bà vợ:
"Thân này đâu có ăn không ngồi rồi nhỉ!"
Đêm đó, lúc tôi rời nhà Tiên Sinh ra về thì đã quá mười giờ một chút. Vì sắp sửa trở về quê trong hai ba hôm nữa nên trước khi đứng dậy ra về, tôi nói đôi lời tạm biệt:
"Con sẽ không được gặp Tiên Sinh và cô trong một thời gian."
"Chắc chú sẽ trở lại Tokyo vào khoảng đầu tháng chín chứ gì?" Bà vợ Tiên Sinh hỏi.
Tôi đã tốt nghiệp rồi, cũng chẳng cần gì phải trở lại Tokyo vào tháng chín nhất là lúc mà hè đang nóng như thiêu như đốt, vả lại tôi cũng không nghĩ là mình sẽ kiếm một việc làm sớm sủa vội vàng thế nhưng tôi vẫn nói:
"Vâng, có lẽ con sẽ trở lại Tokyo vào khoảng tháng chín ạ."
"Nhớ giữ gìn sức khỏe cho cẩn thận nhé chú! Chúng tôi thấy có vẻ như mùa hè năm nay sẽ nóng bức ghê lắm. Có lẽ chúng tôi cũng đi nghỉ mát đâu đó - bà nói. Nếu đi, chúng tôi sẽ gửi bưu ảnh cho chú."
"Cô tính đi đến đâu ạ?"
Lặng nghe chúng tôi đối đáp từ nãy đến giờ, đến đây Tiên Sinh mới nói, vẻ mặt tươi cười:
"Thực quả đến giờ chúng tôi cũng chưa biết sẽ đi đến đâu nữa."
Lúc tôi sắp sửa đứng dậy, Tiên Sinh chợt hỏi:
"À mà này, bệnh tình ông cụ nhà chú dạo này ra sao hả?" Tôi đáp là tôi cũng không được rõ nhưng tôi đoán là thầy tôi cũng được khang kiện vì những lá thư nhà gửi đến cho tôi không thấy nói năng gì hết nên tôi nghĩ là tình trạng thầy tôi cũng chửa đến nỗi nào.
"Này, chú đừng có coi thường đấy nhé. Với bệnh trạng ông nhà thì không thể thờ ơ như thế được đâu khi mà phát ra chứng niếu độc thì kể như đi đứt."
Tôi chẳng hiểu ý nghĩa mấy tiếng "chứng niếu độc" ra làm sao. Thật quả là ông y sĩ mà tôi đã gặp tại quê nhà ngày nọ trong dịp về nghỉ mùa đông, đã chẳng đả động gì đến chứng ấy cả.
"Chú phải để ý thật nhiều đến ông nhà mới được", bà vợ Tiên Sinh nói. "Một khi chất độc đã ăn lên tới óc thì chẳng còn hy vọng gì nữa đâu, chú ạ. Chẳng phải chuyện chơi đâu mà cứ nhe răng ra cười như thế nhá!"
Chẳng có chút kinh nghiệm gì hết nên từ nãy đến giờ, tôi chỉ biết mỉm cười lúng túng, không nói năng gì được. Mãi sau, tôi mới nói:
"Bệnh tình thầy con thực đã hết đường chữa chạy. Lo lắng cho lắm cũng chẳng ăn thua gì."
Bà nhỏ nhẹ đáp lại:
"Nếu chú đã có ý nghĩ buông trôi như thế thì còn gì mà nói nữa đâu."
Bà cúi mặt nhìn xuống, dường như đang nhớ lại thân mẫu ngày xưa cũng đã qua đời vì chứng bệnh tương tự. Tôi cũng bắt đầu cảm thấy buồn bã xót xa cho số mệnh thầy tôi. Thế rồi Tiên Sinh đột nhiên quay về phía bà vợ mà hỏi:
"Shizu này! Anh đang tự hỏi chẳng biết rồi ra sau này. em có qua đời trước anh hay không?"
"Sao kia?"
"Sao kia ấy hả? Anh đang tự nhủ có lẽ anh sẽ chết trước em cũng nên. Hình như đàn bà vẫn thường sống lâu hơn chồng mình thì phải."
"Có lẽ như vậy vì chồng thường nhiều tuổi hơn vợ. Nhưng làm sao mà biết chắc được."
"Như vậy là đàn ông vẫn thường chết trước vợ, chắc là anh sẽ nhắm mắt trước em chứ gì, có phải vậy không nào?"
"Không, anh ở trong trường hợp đặc biệt mà."
"Có thực không
"Thực đấy chứ! Trông anh khỏe khoắn mạnh mẽ. Hầu như không bao giờ ốm đau gì hết. Chắc là em sẽ là người chết trước đấy."
"Mà có chắc vậy không?"
"Dạ, dĩ nhiên là chắc chứ!"
Tiên Sinh nhìn thẳng mặt tôi. Tôi mỉm cười. Rồi ông tiếp lời:
"Nhưng nếu anh chết trước em thì em sẽ làm gì nhỉ?"
"Em sẽ làm gì nhỉ?..." Bà vợ Tiên Sinh ngập ngừng nhắc lại. Trong chốc lát, bà có vẻ sợ sệt dường như đã bất chợt tưởng tượng ra cuộc đời bi ai, buồn khổ của mình một khi Tiên Sinh nhắm mắt lìa đời. Nhưng khi nhìn lên, bà đã sửa lại vẻ mặt.
"Em sẽ làm gì ư? Anh muốn em làm gì nào? Em sẽ chỉ tự nhủ rằng già hay trẻ ai cũng một lần chết mà chẳng biết chết vào lúc nào."
Bà nhìn về phía tôi trong khi thong dong cười nói như vậy.