Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 2 - Chương 11
11
Tuy nhiên, giữa những lúc rối ren, tôi vẫn còn có được những giây phút rảnh rỗi. Đôi khi tôi cũng có thì giờ đọc liền một mạch cả chục trang sách. Đống hành lý trước đây đã gói ghém ràng buộc chặt chẽ, lúc này nằm tênh hênh trên sàn nhà. Thỉnh thoảng tôi lại mò tới moi ra một cuốn sách muốn đọc. Nhìn lại tấm thời khóa biểu mỗi ngày trong dịp hè mà tôi đã tự vạch cho mình trước khi rời Tokyo trở về tôi mới thấy là mình chỉ làm xong chừng một phần ba công việc lúc ấy lẽ ra đã phải hoàn tất. Nỗi bực bội về việc mình chưa làm việc hăng hái cho lắm, vẫn l một cảm giác quen thuộc trước đây tôi hằng trải qua. Có điều là từ xưa đến giờ, chưa có lúc nào tôi làm việc quá ít như trong mùa hè năm nay cả. Cái ý nghĩ chán chường, cho rằng có lẽ đó là một sự trạng thông thường trong cuộc sống con người, đã khiến cho tôi thấy lòng nặng chình chịch.
Cứ ngồi ì một chỗ, buồn bực, chán nản, tôi lại nghĩ đến bệnh trạng thầy tôi. Tôi thử tưởng tượng xem một khi thầy tôi qua đời, sự thể sẽ như thế nào. Và một lần nữa, tôi lại thấy hình ảnh Tiên Sinh bềnh bồng trước mắt bên cạnh hình ảnh thầy tôi. Tôi ngắm nhìn hai hình ảnh hoàn toàn khác biệt nhau về cả địa vị, giáo dục và tính tình ấy bằng con mắt của tâm trí mình.
Mẹ tôi ngó quanh cửa phòng tôi và thấy tôi đang khoanh tay ngồi giữa đống sách vở vứt ngổn ngang bừa bãi; tôi vừa rời khỏi phòng bệnh thầy tôi một lát xong. Mẹ tôi nói:
"Sao con không chợp mắt ngủ trưa một lúc để lấy sức đi? Trông con có vẻ mệt mỏi rồi đấy."
Bà không sao hiểu nổi là tôi đâu có thấy mỏi mệt trong người; tôi chỉ thấy buồn bã chán chường mà thôi. Tuy nhiên, tôi chẳng phải là thằng con trai muốn bà mẹ hiểu được tâm trạng mình. Tôi chỉ đưa đẩy một câu tỏ ý cảm ơn. Mẹ tôi vẫn còn nấn ná ngoài cửa phòng.
"Thầy thế nào, hở mẹ?"
"Bây giờ thầy con đang ngủ say" mẹ tôi nói.
Bất chợt, bà bước hẳn vào phòng, ngồi bên cạnh tôi và hỏi:
"Thế con đã nhận được tin tức gì của Tiên Sinh hay chưa?"
Trước khi gửi thư cho Tiên Sinh tôi đã bảo mẹ tôi là thế nào Tiên Sinh cũng trả lời và bà đã tin lời tôi nói. Tuy vậy tôi vẫn chẳng bao giờ nghĩ là Tiên Sinh sẽ trả lời theo đúng hy vọng của thầy mẹ tôi cả. Thực ra, tôi đã cố ý nói dối cả hai ông bà. Mẹ tôi hỏi:
"Sao con không viết cho ông ấy một lá thư nữa?"
Tôi chẳng phải là thằng ngại ngùng chút công viết thư - dù vẫn biết rằng có viết bao nhiêu lá thư cũng là vô ích - nếu việc viết thư có thể đem lại cho mẹ tôi đôi chút an ủi yên lòng; tuy nhiên nghĩ đến việc phải viết thư nhờ vả Tiên Sinh tìm việc giùm mình là tôi thấy đau lòng xót dạ. Tôi còn sợ sự khinh rẻ của Tiên Sinh hơn là những lời mắng mỏ của thầy tôi hay sự buồn bực của mẹ tôi nữa. Thực thế tôi suy đoán rằng Tiên Sinh im lặng không buồn trả lời, chính là vì ông đã coi rẻ tôi rồi. Tôi nói:
"Viết thư thì có khó khăn gì, nhưng thực ra, mình không thể thu xếp, những việc như thế bằng thư từ được. Con phải đích thân lên Tokyo một chuyến xem sao."
"Nhưng thầy con đang như thế này thì làm sao biết đến khi nào con mới có thể lên Tokyo được?"
"Con không có ý đi Tokyo vào lúc này đâu. Con định ở nhà cho đến khi nào hai mẹ con mình biết rõ ràng hơn về bệnh trạng thầy con đã."
"Ấy, mẹ cũng có ý nói như vậy đó. Ai mà có thể nghĩ đến chuyện đi Tokyo vào lúc này được, khi mà thầy con ốm nặng đến thế."
Thoạt đầu, tôi cảm thấy xót xa thương hại cho mẹ tôi chẳng hay biết gì hết. Nhưng rồi tôi bắt đầu tự hỏi vì cơn cớ gì mà mẹ tôi lại chọn một lúc như thế này để nêu lại vấn đề ấy nhỉ? Riêng tôi, thỉnh thoảng tôi có thể tạm quên không nghĩ đến bệnh tình thầy tôi trong chốc lát để ngồi đọc sách hay suy nghĩ trong phòng riêng vắng vẻ của mình; nhưng không biết là mẹ tôi có khả năng tương tự để tạm quên ông chồng bệnh tật trong chốc lát mà nghĩ đến những công việc khác bên ngoài hay không? Mẹ tôi lại bắt đầu nói tiếp: "Thật ra thì..."
"Thì tại sao ạ?"
"Thật ra thì thầy con sẽ được an lòng biết là bao nhiêu nếu như bây giờ con có thể tìm được một việc làm. Dĩ nhiên là bây giờ có thể là đã quá muộn rồi. Nhưng con thấy đấy, thầy con vẫn còn có thể trò chuyện không khó khăn mệt mỏi gì, đầu óc ông ấy vẫn còn hoàn toàn sáng suốt. Thế con có phải là người con hiếu hạnh cố làm cho thầy con được vui lòng trước khi ông ấy suy yếu hơn không?"
Khổ một nỗi là trong cảnh ngộ này tôi không sao có thể trở thành một đứa con hiếu hạnh như ý mẹ tôi mong muốn. Tôi chẳng hề viết lấy một chữ nào cho Tiên Sinh cả.