Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 2 - Chương 12
12
Thầy tôi đang nằm trên giường đọc báo thì anh cả tôi về. Bình sinh thầy tôi v có thói quen là không bao giờ để cho bất cứ công việc gì ngăn cản ông, ít nhất liếc nhìn qua tờ báo một cái. Bây giờ buồn chán chẳng có việc gì làm, lại phải nằm bẹp trên giường kể đã quá lâu, thầy tôi lại càng ham dán mắt vào tờ báo hơn bao giờ hết. Cả mẹ tôi lẫn tôi, chẳng ai muốn phản đối quyết liệt vì nghĩ rằng đã đến nỗi này thì tốt hơn hết là cứ để cho người bệnh được làm theo ý thích của mình.
Anh tôi nói với thầy tôi:
"Con lấy làm mừng là thầy cũng vẫn còn được mạnh khỏe như thế này. Con về nhà, cứ tưởng là thầy phải ốm nặng lắm song xem ra thầy có vẻ tươi tỉnh, khỏe khoắn lắm mà!"
Tôi thấy anh tôi có vẻ hỉ hả quá độ và giọng nói vui vẻ của anh có vẻ lạc điệu, không đúng chỗ; nhưng một lát sau, khi rời thầy tôi ra ngồi với tôi, anh tôi, có giọng buồn bã hơn nhiều:
"Thầy chẳng nên đọc báo như thế, có phải không chú?"
"Vâng, em cũng nghĩ là thầy chẳng nên đọc báo nhiều như thế nhưng biết làm thế nào bây giờ? Thầy cứ nằng nặc đòi đọc cho kì được mới thôi."
Anh tôi lặng lẽ ngồi nghe tôi biện giải rồi nói:
"Anh tự hỏi không biết là thầy có còn hiểu được những cái mình đang đọc hay không?"
Anh tôi có vẻ như đã quan sát kỹ càng và đi đến kết luận là đầu óc thầy tôi đã bị căn bệnh làm cùn nhụt khá nhiều rồi. Tôi đáp:
"Chắc chắn là thầy còn hiểu rõ cả mà. Đấy, vừa mới lúc nãy đó thôi em đã nói với thầy đủ mọi thứ chuyện trong hàng hai mươi mốt phút chứ có ít ỏi gì. Rõ ràng là thầy hoàn toàn tỉnh táo, sáng suốt. Cứ cái đà này không chừng thầy còn có thể ở lại với chúng mình một thời gian khá lâu nữa đấy."
Em rể tôi về tới nhà sau anh cả tôi một chút còn có vẻ lạc quan hơn chúng tôi nhiều. Thầy tôi hỏi han rất kỹ về em gái tôi và nói:
"Bụng mang dạ chửa như nó tránh những chuyến đi khó nhọc như đi tàu hỏa là phải lắm rồi. Nếu như nó chẳng quản khó nhọc mà về thăm thầy thì cũng chỉ tổ làm cho thầy lo lắng mà thôi chứ thầy chẳng vui lòng được đâu." Thầy tôi còn nói tiếp:
"Rồi đây, khi nào khá hơn, thầy sẽ đích thân đi thăm nó và ngắm nhìn cháu bé cho no mắt một phen chứ!"
Thầy tôi là người đầu tiên đọc trên báo tin cái chết của đại tướng Nogi[1] ông kêu lên:
[1] Đại tướng Nogi (1849-1812) đại tướng lục quân, được phong tước Bá, lập nhiều chiến công hiểm hách trong hai trận Nhật Trung và Nhật Nga chiến tranh, đã cùng bà vợ tuẫn tiết theo Thiên hoàng vào đúng ngày đưa đám Thiên Hoàng Minh Trị - ND.
"Ghê gớm quá! Ghê gớm quá!"
Chúng tôi chưa ai đọc nên đều sững sờ kinh ngạc trước những lời kêu than đột ngột này. Sau đó, anh tôi bảo tôi:
"Lúc ấy anh thực sự nghĩ thầy đã hóa điên."
"Thú thực là em kinh ngạc không kém gì anh cả" em rể tôi cũng biểu đồng tình.
Dạo đó, báo chí đăng đầy những tin tức khác thường khiến miền quê chúng tôi, ai ai cũng nóng lòng chờ đợi báo đến. Tôi thường ngồi đọc báo ngay bên giường thầy tôi, cố tránh sao cho khỏi bị quấy rầy, hoặc nếu không tránh được, tôi thường lẳng lặng lẻn về phòng riêng, đọc hết tờ báo từ đầu đến cuối. Hình ảnh đại tướng Nogi trong bộ quân phục và bà vợ ông ăn mặc như một nữ quan cứ ám ảnh tôi mãi không sao phai nhạt.
Cái tin bi thương này làm chúng tôi ai nấy đều thấy xót xa lòng dạ chẳng khác gì một luồng gió độc đã đánh thức cây cỏ đang say ngủ im lìm trong một xó miền quê xa xôi hẻo lánh. Tin ấy chưa phai mờ thì tôi đột nhiên nhận được một bức điện của Tiên Sinh. Ở một nơi mà mỗi khi có một người mặc Âu phục đi qua là chó sủa ầm ĩ, việc nhận được một bức điện tín thực quả là một biến cố lớn lao. Mẹ tôi ra nhận bức điện hình như cũng thấy là phải gọi tôi ra một chỗ vắng vẻ không người rồi mới trao cho tôi bức điện tín đó. Chẳng cần phải nói là mẹ tôi trong khi tôi mở bức điện ra, vừa nói:
"Cái gì thế? Việc gì thế, con?"Bức điện chỉ vỏn vẹn có một câu bảo rằng Tiên Sinh muốn tôi lên gặp ông ngay, liệu tôi có thể lên cho ông gặp mặt được không? Tôi cúi đầu suy nghĩ đoán lung tung. Mẹ tôi bàn góp:
"Mẹ chắc là ông ấy muốn gặp con về việc con nhờ ông ấy tìm cho việc làm."
Tôi nghĩ có thể là mẹ tôi đoán đúng nhưng thực khó mà tin được rằng Tiên Sinh lại muốn gặp tôi chỉ vì mỗi một lẽ ấy thôi. Dù sao đi nữa tôi là đứa đã đánh điện gọi anh cả và em gái tôi về nhà bây giờ thực khó mà có thể rời bỏ ông bố đang ốm đau vật vờ như ngọn đèn trước gió để lên Tokyo được.
Sau khi bàn bạc với mẹ tôi, tôi định sẽ đánh điện tín cho Tiên Sinh nói rằng mình không thể ra đi vào lúc này được. Tôi giải thích gọn ghẽ mấy lời rằng bệnh trạng thầy tôi mỗi lúc một nguy kịch thêm. Tuy vậy, tôi vẫn thấy là sau này phải giải thích rõ ràng đầy đủ hơn thế nữa; vì thế, cũng ngày hôm đó, sau khi gửi điện tín đi rồi, tôi lại viết thêm cho Tiên Sinh một lá thư nữa kể sự tình cho rõ ngọn ngành. Mẹ tôi đinh ninh trong đầu óc là Tiên Sinh hẳn đã thu xếp cho tôi một chỗ làm xứng đáng, theo đúng ý tôi nhờ cậy, vì vậy bà đã nói với giọng tiếc rẻ ra mặt: "Thật tiếc quá đi thôi! Sao lại nhè vào đúng lúc này kia chứ!"