Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 2 - Chương 16
16
Thầy tôi bắt đầu nói mê, nói sảng. Ông thường nói lảm nhảm:
- Liệu đại tướng Nogi có tha thứ cho tôi hay không? Làm sao tôi có thể nhìn mặt ông mà không hổ thẹn kia chứ? Vâng thưa đại tướng tôi xin theo chân Ngài ngay bây giờ đây...
Nghe những lời mê sảng như thế, mẹ tôi đâm ra hoảng sợ, thường bảo chúng tôi tụ tập tất cả ngồi quanh bên giường người bệnh. Cả thầy tôi nữa, mỗi khi qua cơn mê sảng, hình như cũng muốn thấy có người ngồi bên cạnh mình để bớt lẻ loi. Thầy tôi thường ưa nhất là có mẹ tôi ngồi bên cạnh. Ông thường nhìn quanh quẩn khắp nhà và khi nào không thấy mẹ tôi đâu, ông lại hỏi: "Omitsu đâu rồi hả?". Ngay cả những khi thầy tôi không nói ra lời, ánh mắt ông dường như cũng nêu lên câu hỏi ấy nữa. Vào những lúc như thế, tôi thường phải đứng dậy ra ngoài gọi mẹ tôi vào ngồi bên thầy tôi. Thế là dù có đang dở dang công việc gì đi nữa, mẹ tôi cũng phải tung hê tất cả để bước vào phòng người bệnh mà đánh tiếng: "Tôi đây! Có việc gì vậy ông?". Lắm lúc thầy tôi chẳng nói năng gì hết chỉ đưa mắt chăm chăm nhìn thẳng mặt bà. Cũng có khi thầy tôi nói những điều dịu dàng, âu yếm không thể tả, chẳng hạn như: "Anh đã làm cho em khổ sở quá nhiều, có phải vậy không hở Omitsu?". Cứ mỗi lần nghe thầy tôi nói thế là mẹ tôi lại nước mắt chứa chan. Về sau, bà mới so sánh ông bố tôi lúc này với ông bố tôi ngày trước thật khỏe mạnh biết bao và nói: "Bây giờ thì ông ấy có giọng xót xa như thế nhưng ngày trước thì mẹ nói cho các con biết, ông ấy thật là dữ dằn, làm mình sợ hãi hết hồn!".
Một trong những câu chuyện mà mẹ tôi thích kể lại nhất là chuyện có bận bà bị thầy tôi vác cán chổi quất túi bụi vào lưng. Trước kia chúng tôi đã được nghe kể đi kể lại nhiều lần câu chuyện này rồi nhưng bây giờ, vẫn chăm chú lắng nghe, làm như thể đó là một kỷ niệm về thầy tôi mà từ nay chúng tôi phải để ý giữ gìn cho cẩn thận.
Ngay đến khi thần chết đã hắt cái bóng mịt mờ lên đôi mắt thầy tôi, thầy tôi vẫn không đả động gì đến việc làm tờ di chúc cả. Anh tôi hỏi tôi:
- Bây giờ, chú có nghĩ là mình nên nói với thầy về cái công việc tất yếu ấy trước khi mọi việc trở thành quá chậm trễ hay chăng?
- Em không biết nữa - tôi đáp
Tôi cũng không biết là liệu ép buộc người bệnh phải nghĩ đến một việc như thế trong lúc này có phải là một điều không nên không phải hay chăng. Chẳng biết tính toán ra sao, hai anh em chúng tôi đành phải đi hỏi ý kiến ông bác. Ông này cúi đầu suy nghĩ, phân vân: - Dĩ nhiên nếu thầy các anh có điều gì muốn nhắn nhủ lại mà không nói ra được trước khi nhắm mắt thì cũng đáng thương. Nhưng ngược lại, nếu mình thôi thúc ông ấy phải nghĩ đến việc đó trong lúc này thì cũng không tốt đẹp gì...
Thế là câu chuyện bàn bạc chưa đến đâu thì thầy tôi lại rơi vào tình trạng hôn mê lần nữa. Mẹ tôi như thường lệ, chẳng bao giờ thấy rõ những gì đã xảy ra, bà cứ tưởng là thầy tôi ngủ yên nên chẳng những không lo lắng gì, lại còn có vẻ vui mừng là khác:
- Cảm ơn Trời Phật đã khiến cho thầy các con ngủ ngon được đến thế. Bây giờ thì mình có thể đi ngả lưng nghỉ ngơi một chốc rồi.
Thế rồi thầy tôi bắt đầu cứng lưỡi, không nói năng gì được rõ ràng nữa. Mỗi khi ông muốn nói điều gì, người nghe cũng chỉ thấy một chuỗi những âm thanh ngập ngọng líu lô, muốn hiểu ngay ý chính cũng còn khó khăn không đoán nổi. Tuy nhiên mỗi lúc mới bắt đầu lên tiếng, thầy tôi lớn giọng hơn là người ta tưởng nơi một người ốm nặng như thế. Đồng thời thầy tôi cũng không còn có thể nghe rõ được nữa khiến chúng tôi bó buộc phải ghé sát vào tai ông mà nói rõ to:
- Thầy có muốn con lấy đá chườm đầu cho mát không?
- Có - thầy đáp.
Nhờ có khán hộ đỡ tay, tôi lại bỏ đá vào trong cái túi cao su rồi nhẹ nhàng đặt lên trán thầy tôi để cho những đầu đá nhọn khỏi làm ông đau. Vào lúc ấy anh tôi từ ngoài hành lang đi vào chẳng nói chẳng rằng lẳng lặng đưa cho tôi một phong thư dày cộm. Quá luống cuống, tôi đưa bàn tay trái rảnh rang ra đón nhận.
Lá thư thật quá nặng và quá dày để có thể nhét vào một cái phong bì thường nên đã được gói trong một tờ giấy cứng gấp lại và dán hồ thật là cẩn thận. Tôi thấy ngay đó là một lá thư bảo đảm và nhờ lật ngược phong bì nhìn mặt sau, tôi thấy tên Tiên Sinh, viết bằng một nét chữ rất dắn dỏi. Lúc đó tôi đang bận tíu tít nên không có thể xé phong bì ra lấy thư đọc, đành cứ để nguyên mà nhét đại vào trong túi áo.