Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 2 - Chương 15
15
"Cái nhà ông ấy là ai mà lúc nào anh cũng cứ nghe thấy ở nhà nói mãi đến một điều Tiên Sinh, hai điều Tiên Sinh thế hả?" Anh tôi hỏi.
Bực mình vì thấy anh tôi sớm quên tịt những gì mình vừa mới kể cho ông ấy nghe hôm nọ, tôi đáp lại:
"Kìa! Em vừa mới kể chuyện về Tiên Sinh cho anh nghe hôm nọ đó thôi."
"Đúng thế, quả là chú có kể chuyện tôi nghe rồi, nhưng..." Anh muốn nói là mặc dù đã nghe kể lại nhưng anh vẫn chưa làm sao hiểu rõ câu chuyện. Đối với tôi thì anh có hiểu hay không thì cũng chẳng ăn thua gì, nhưng dẫu sao tôi cũng thấy bực mình với anh tôi và bắt đầu nghĩ là hóa ra ông ấy cũng chẳng thay đổi gì mấy.
Theo lối suy luận của anh tôi thì con người mà tôi thường nhắc đến với giọng tôn kính, một điều Tiên Sinh, hai điều Tiên Sinh, ắt phải là một nhân sĩ chứ danh. Và anh tôi suy đoán ít nhất Tiên Sinh cũng phải là một giảng viên đại học. Về điểm này, bụng dạ anh tôi chẳng khác thầy tôi lấy một tí một li. Anh không sao tin nổi một người chẳng có tiếng tăm, chẳng làm lụng gì, lại có thể là người giá trị đến thế. Nhưng trong khi thầy tôi nói chắc là chỉ những kẻ bất tài vô tướng, không làm ăn gì nổi mới rong chơi ngày tháng thì anh tôi hình như lại cho rằng những kẻ nào không chịu đem hết năng nực của mình ra mà thi thố với đời, chính mới là những kẻ vô dụng sống thừa. Anh tôi bảo:
"Những thằng cha 'ê-gô-ít' như thế, thực là không sao chịu nổi. Bọn họ lì lợm đến độ nghĩ rằng bọn họ có quyền sống thảnh thơi không làm lụng gì hết. Không chịu đem hết tài năng của mình ra mà thi thố với đời thì thực láo lếu hết sức."
Tôi định hỏi đốp vào mặt anh tôi là khi dùng chữ "ê-gô-ít" ông ấy có hiểu rõ chữ đó không đã. Nhưng anh tôi nói tiếp:
"May là nhờ ông ta mà chú đã có được công ăn việc làm tử tế, thế là hay lắm rồi chẳng còn gì phải phàn nàn nữa. Thầy đã hết sức vui lòng vì việc đó."
Không nhận được một lá thư nào của Tiên Sinh cho biết rõ mọi việc, tôi chẳng làm sao thể chia sẻ thái độ lạc quan của anh tôi đối với tương lai của chính tôi cả. Tuy vậy, tôi không có can đảm nói ra miệng những ý nghĩ thực sự của mình. Quả thật là mẹ tôi đã vội vàng bừa bãi nói vung ra rằng Tiên Sinh đã giúp tôi tìm ra một việc làm tử tế nhưng ngay từ đầu tôi đã không nói nên bây giờ muốn nói rõ cho bà hiểu thực sự thì cũng quá muộn mất rồi. Cũng như mẹ tôi, tôi nôn nao nóng lòng chờ thư Tiên Sinh, trong lòng thầm cầu mong sao cho khi thư tới, sẽ cho tôi một câu trả lời đáp ứng những sự mong đợi của cả nhà tôi. Tôi nghĩ đến thầy tôi đang cận kề cái chết, tôi nghĩ đến mẹ tôi đang mong muốn một cách tuyệt vọng là làm sao cho thầy tôi càng được an lòng bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Tôi nghĩ đến anh tôi, con người chủ trương là hễ ai mà không chịu làm lụng gì để mưu sinh thì chẳng phải là người, tôi nghĩ đến thằng em rể, ông bác, bà thím tôi mà không khỏi băn khoăn tự hỏi nếu như Tiên Sinh mà chưa làm được việc gì để giúp mình thì cả nhà cả họ rồi ra sẽ coi mình là người như thế nào. Thế là cái điều đối với tôi vốn chẳng ra gì, đến lúc này, bắt đầu làm cho tôi lo âu, bứt rứt kinh khủng.
Đến khi thầy tôi nôn ra một chất nước vàng khè, kỳ cục thì tôi nhớ ngay đến lời báo nguy của Tiên Sinh và bà vợ ông. Nhưng mẹ tôi thì chẳng biết gì cả:
- Bố cứ nằm mãi trên giường như thế nên ruột gan có bị rắc rối một chút cũng chẳng có gì là
Nghe giọng nói và nhìn bộ mặt ngây ngô chẳng biết tí ti gì của mẹ tôi, tôi không sao cầm được nước mắt. Anh tôi và tôi gặp nhau trong phòng ăn sáng. Anh tôi hỏi:
- Chú có nghe thấy chứ?
Anh có ý hỏi liệu tôi có nghe thấy những lời ông bác sĩ bảo anh trước khi ông ta ra về hay không. Anh tôi cũng chẳng cần nói gì thêm vì tôi biết cả rồi
- Liệu chú có thể ở lại trông nom cai quản nhà hay không?
Thấy tôi không nói năng gì, anh lại tiếp tục:
- Thật khó lòng mà mẹ có thể một mình trông nom, xoay xở mọi việc trong nhà, có phải thế không?
Xem ra có vẻ anh tôi chẳng hề thắc mắc mảy may về việc có thể là tôi sẽ phải kéo dài những tháng ngày mòn mỏi giữa mùi hôi hám của đất đai bám chặt thân mình
- Nếu như chú chỉ muốn nằm khoèo đọc sách thì chẳng còn gì hay hơn: sống ở đây, chú sẽ tha hồ mà đọc sách cho bằng thích, ngoài ra chẳng cần phải làm lụng gì nữa. Anh nghĩ là cuộc sống đó thích hợp với chú lắm đấy.
- Anh là con trai lớn trong nhà thì anh về nhà mà trông nom mọi việc có phải là đúng hơn không - tôi đáp.
- Ấy làm sao mà tôi có thể làm như thế được?
Anh tôi trả lời, có vẻ khó chịu ra mặt. Tôi biết rõ bụng anh tôi, một con người đầy tham vọng tin chắc rằng con đường sự nghiệp đầy hứa hẹn của mình chỉ mới bắt đầu.
- Nếu chú không chịu thì anh nghĩ là mình có thể nhờ ông chú ông bác sang trông nom cai quản nhà cửa cho vậy. Dù sao cũng vẫn phải có người săn sóc mẹ mới được. Hoặc là mẹ sẽ ở cùng với tôi hoặc là với chú.
- Liệu mẹ có bằng lòng rời bỏ nhà này hay không, đó mới là cái khó cho mình - tôi đáp
Và cứ như thế, trong lú ông bố hãy còn sống sờ sờ ra đấy, hai anh em chúng tôi đã bàn đến những việc làm lẽ ra phải làm sau khi bố mình nhắm mắt lìa đời mới phải.