Nỗi Nhớ Mùa Hè - Chương 08 - Giáp Tết

Sau Tết ông Công ông Táo trời rét đậm. Sáng thứ Hai sau lễ chào cờ học sinh không học gì nhiều. Đã hai sáu Tết. Thầy cô dặn dò và gửi lời chúc tết sớm. Chiều đó còn một buổi học thể dục mà trời đổ mưa. Nhớ lời thầy dặn Tường Văn coi mưa to như mưa nhỏ, vẫn đến sân vận động.

Xuống xe buýt cô cuốc bộ một đoạn vấy bẩn cả quần. Bốn lớp học mà học sinh vơi một nửa. Chờ nửa tiếng chẳng thấy thầy đâu rồi lớp nhận được thông báo nghỉ học. Vui vì tự nhiên được nghỉ nhưng cô vẫn bực, ‘sau này mưa nhỏ mình sẽ coi như mưa to, mưa to nên ở nhà ngủ.’

Cô vào ký túc giúp Thanh Thu dọn nốt đồ. Thu ở thành phố lân cận, trước tết cả tháng đã lục tục mua vé tàu.

Ký túc nhộn nhạo người ra người vào, lỉnh kỉnh ba lô hành lý. Học sinh chào nhau về quê ăn tết, phòng nọ bá vai ôm cổ phòng kia. Có cả phụ huynh đến tận nơi đón con về.

Phòng Thu trống ba giường của các bạn về sớm. Nghỉ tết gần hai tuần nên các phòng phải dọn tất tần tật đồ đặc, không để lại bất kỳ đồ gì kể cả trong tủ cá nhân. Vì lý do an toàn sau khi học sinh trả phòng quản lý sẽ đi kiểm tra. Chăn màn, sách vở, đồ dùng học tập và đồ sinh hoạt các bạn cho hết vào túi lẫn bao tải gửi ở phòng tự học giữa tầng.

Thu, Yên và Tường Văn bê đồ sang gửi vừa lúc Tùng cùng lớp Yên vào phòng Thu chào để về quê. Cùng nhà ký túc nên các phòng hay kết bạn với nhau. Tùng là bạn nam bị thầy Chính xách tai kéo xuống đất vì tội nói nhiều.

Tùng kể mấy bạn phòng cậu nhác dọn vệ sinh, bỏ về quê trước, đồ không mang gửi để cậu phải bê một đống. Cô vốn không quen nhiều bạn nam và chưa bao giờ ở hoàn cảnh sinh hoạt chung nên không biết con trai ở bẩn như thế.

Thấy cô ngạc nhiên, Tùng bảo con trai ở bẩn là rất thường, còn cho biết thêm phòng khách trong phòng bạn lau chùi sạch bóng, bày cả lọ hoa vừa thơm vừa đẹp nên ai vào cũng tưởng lãng mạn sạch sẽ lắm nhưng khu phía sau gồm nhà vệ sinh, nhà tắm, sân phơi bẩn như một bãi rác. Mấy đứa ở lại đang dọn nếu không bị quản lý phát hiện có khi bị đuổi khỏi ký túc.

Cô chỉ thân với Minh và Nguyên mà hai người ấy có mẹ, có chị, có em lo cho hết rồi. Cho đi ở riêng không biết như thế nào. Cô liếc sang Yên, nghĩ lại chuyện cúng ông Công ông Táo, cô đoán cậu không tệ như câu chuyện kia.

Thu và Tùng lên xe buýt ra nhà ga. Yên đèo cô về.

Giáp Tết đường phố đông như nêm, không đi nhanh được. Thỉnh thoảng ở đâu lao ra một cái xe đi chẳng có hàng lối làm cậu phanh gấp, cô mải ngắm người nên chúi đầu húc vào lưng cậu. Mỗi lần như thế cô rối rít xin lỗi, bảo sẽ chú ý. Nhưng chẳng bao lâu lại có va chạm, xe mình không thúc vào xe khác cũng bị xe khác thúc cho. Cô không chỉ húc nhẹ nữa mà đập cả mặt vào lưng người ta, tay cô vô tình nắm chắc lấy cánh tay cậu để giữ thăng bằng làm cậu cứng người mấy giây. Xin lỗi đến lần thứ n cô chào thua. Cả hai không may đi vào một cái chợ tạm mới mở ra hết đường. Len lỏi mãi mới thoát ra được.

“Hay mình đi loanh quanh ngắm phố.”

“Cậu có phải về nhà bây giờ không?” cô hỏi.

“Không.”

Mọi năm cứ nghỉ học là hai chị em cô về nhà ông bà ngoại. Sau này Tường Vi lớn ở lại giúp bố mẹ và về sau cô một hai hôm. Cũng vì thế cô ít có dịp chứng kiến Tết ở thành phố. Cô không bận tâm, nghĩ chẳng có gì thú vị, vẫn những cảnh mua và bán ấy, vẫn những đồ cần thiết trong Tết ấy, chẳng có gì đáng xem.

Tuy thế đi với cậu cảm giác thật thênh thang. Thích ngắm dừng ngắm, thích mua dừng lại mua. Len lỏi giữa biển người trong một rừng đào, quất và nhiều loại hoa chơi Tết, cậu đi trước che chắn khiến cô thấy như mình được bảo vệ và quen thân với cậu.

Cô phân vân vì sao cậu kiên nhẫn, dành thời gian ở cạnh mình. ‘Hay Yên thích mình?’ Cô không thể đọc được ý nghĩ của người khác nên so sánh cậu với người mà cô biết thích mình trước đây.

Một là dịu dàng với cô, đối xử tốt với cô. Ví dụ cô đối với Nguyên, mỗi khi gặp cậu ấy là tự động thành hiền lương thục nữ, không cần cố gắng cũng làm được. Cái này loại. Cô cần nhớ đây là ‘tên đáng ghét’ cái tên đã lừa cô, bắt nạt cô, lợi dụng bí mật của cô để tống tiền. Cô không thể vì phút ga lăng bất ngờ của hắn mà quên hết được. Hai là lảng tránh thái quá, biểu hiện như là ghét nhau, cô và Yên không đến mức ấy dù cô gọi cậu là ‘đáng ghét’.

Nghĩ chút xíu cô tự trách mình. Cô và cậu quen biết bình thường. Người ta chở đi ngắm phố một lúc đã nghĩ người ta thích mình. Gần đây cô cứ đề phòng thái quá, cộng với việc cô thích Nguyên nên suy bụng ta ra bụng người. Nghĩ lại có nhiều bạn hoàn toàn vô tư, không thích ai hết. Ở tuổi này đa số lo học, lo chơi, chưa có mấy bạn bồ kết người khác như cô và Thanh Thu.

Rẽ vào phố sách cả hai suýt đâm sầm vào xe của nhóm Minh, Hà, Nguyên và Minh Anh. Các bạn đang định mua lịch Tết, bánh mứt tới thăm nhà bạn cùng lớp có hoàn cảnh khó khăn. Hai lớp đi chung cho vui, Yên và cô nhập bọn.

Cô không biết lớp mình có hoạt động này. Minh giải thích là không muốn công khai trên lớp để các bạn đỡ ngại. Tiền chi chỉ cần vào sổ và báo Ban chi hội phụ huynh. Hoạt động này có lớp làm lớp không, tùy thuộc vào cán sự.

Các bạn chạy biến đi đâu hết, chỉ có phụ huynh tiếp. Câu chuyện với phụ huynh do Nguyên và Hà thay nhau nói, hai người đúng kiểu cán bộ lớp. Đến nhà một bạn nam lớp Nguyên nằm sâu tít trong con ngõ nhỏ tối heo hắt trên cung đường bờ sông trong xóm lao động nghèo, cô hơi sợ. Cô chưa đi vào đây lần nào và nghe nói ở đây có nhiều dân nghiện cùng tội phạm. Nguyên bảo bạn này nhác học vô cùng, thỉnh thoảng còn nghỉ học.

Đến nơi có mẹ bạn và bạn ở nhà. Cô chợt thấy Minh trao đổi với Yên cái nhìn u ám rồi cả hai câm nín bước vào. Không trốn giống mấy bạn khác, cậu bạn cùng mẹ ngồi pha trà nói chuyện. Dáng người bạn cao lớn, da ngăm đen, đôi mắt lòng trắng nhiều nhưng khi nói chuyện và pha trò thú vị, không rụt rè.

Bạn nhận ra cô là tác giả bức tranh phong cảnh trường treo trong phòng truyền thống. Cô thấy bạn không thốt ra mấy câu ngu ngốc khi nhận xét về tranh thì nể một phần và nghĩ bạn thông minh, chẳng hiểu sao lại học bết bát như lời Nguyên nói. ‘Chắc bạn nhác học’. Tên bạn là Vân.

“Tôi đã ngồi gần cậu khi thi vào lớp 6.”

“Tôi không nhớ,” cô cười cười.

“Tôi nhớ lúc đó cậu nói chuyện với Minh. Hình như nói về thư viện trường. Cậu nói thích mấy cây hoa đại trước nhà thi. Lúc Minh ra ngoài, tôi đến hỏi giờ. Cậu liếc đồng hồ trả lời. Minh quay lại gọi cậu, bảo cậu đừng nói chuyện với người lạ.”

“Tôi nhìn người rất tốt. Nhìn cái biết ngay không nên dây vào ai.”

Cô thấy Minh khang khác, bình thường cậu vui vẻ chứ không đáp một câu ‘khó ở’ như thế trước mặt phụ huynh. Vân kể chi tiết song cô chẳng nhớ, ‘mình đứng với Minh trước giờ thi sao’.

“Tôi đã nghĩ Minh là bố của cậu hay gì.”

“Ha ha, chắc Minh nó bảo kê cho Tường Văn.” Minh Anh liếc thấy Yên tuy trầm ổn nhưng cậu ngửi thấy mùi lạnh nhạt nên nói mấy câu chúc gia đình ăn tết vui vẻ rồi xin phép về vì còn một nhà nữa phải đi và trời sắp tối.

Gia đình tiếp theo là một bạn nữ lớp Nguyên, tên Châu Anh. Tường Văn không thích cô bạn này. Bạn tính nghiêm khắc, cũng không thích thể loại tưng tửng như cô và có lần thể hiện rõ thái độ cho cô biết.

Cô nhận ra nhà Châu Anh không nghèo, còn có thể gọi là nhà cao cửa rộng, đồ gỗ nội thất xịn tuy nhiên không khí Tết ảm đạm, không có hoa hay đồ trang trí. Mẹ Châu Anh bị tai biến cách đây không lâu, nằm liệt giường, lúc tỉnh lúc mê và chỉ nói được ú ớ, đôi mắt có phần dại đi, không tinh anh như độ tuổi phải có. Châu Anh có một anh trai học cấp III, hiền và nhát, thấy bạn em đến vội chạy lên tầng.

Bạn tiếp đón bằng thái độ hời hợt nhưng đối với Nguyên đặc biệt hơn. Nàng ít cười, nụ cười hiếm hoi là dành cho Nguyên. Còn Minh Anh, tuy cùng lớp nhưng rõ ràng là nhìn từ đỉnh Olympia nhìn xuống. Chẳng hiểu sao cô ghen. Biết nhiều người thích Nguyên, thậm chí lớp cô cũng có vài người nhưng cô chưa từng có cảm giác như thế này. Châu Anh cười với Nguyên, ném cho cô cái nhìn khinh thường làm cô bực không tả, muốn mau chóng ra về.

Chợt Châu Anh buông tiếng thở dài.

Nguyên liền bảo: “Đừng buồn chuyện không được giải. Năm sau vẫn có cơ hội.”

Cô nghĩ ngay Nguyên thật hiểu Châu Anh, biết nàng thở dài vì chuyện gì. Ra là nàng ấy trong đội tuyển Vật lý.

“Biết điểm xong tớ chán lắm. Tớ là người thấp điểm nhất cả đội. Cũng đúng vì đáng ra tớ không ở trong đội tuyển, là cậu nhường vị trí ấy cho tớ.”

Nguyên cười, “tớ bận việc ở Đoàn trường với lại học đội tuyển mệt quá, mà chẳng biết có đạt giải không. Cậu thích đi thi hơn nên vào học sẽ có động lực hơn.”

“Tớ nỗ lực rất nhiều, nhưng chẳng đem lại kết quả gì. Tớ xấu hổ với các bạn.”

Yên bảo thi đạt giải cũng tốt, không cũng là cơ hội học hỏi, thêm hiểu biết, đâu phải không được kết quả gì.

“Tôi không thích kiểu đi thi để học hỏi.” Châu Anh nói luôn.

Cô nghĩ rõ ràng hai người nói về hai ý khác nhau nhưng thấy mình im là hơn.

“Tớ chẳng có cái động lực gì hết,” Mình Anh xen vào. “Mấy người nào là lo mau trưởng thành để cống hiến, người lại muốn giúp đỡ bố mẹ. Tớ chỉ muốn sống an nhàn vui vẻ qua ngày.”

“Được an nhiên như cậu lại khối người mong.”

“Mà tối rồi, bọn tớ về để cậu còn sở cơm.”

Mọi người ra về chỉ chào Châu Anh, Yên vào phòng mẹ Châu Anh sát phòng khách chào bà. Khi ấy cả bọn liền nhận ra sự vô ý của mình. Lúc mới đến chào mẹ bạn vì phép lịch sự nhưng thấy bà có vẻ không biết gì, lúc về đã không nghĩ cần chào nữa.

Châu Anh đi ngang qua, cô chợt thấy mắt bạn có ánh nước, và cái nhìn thoáng qua Yên như là biết ơn.

Cô thở nhẹ một tiếng khi cậu đèo cô ra khỏi con ngõ ngoằn ngoèo.

“Vì sao cậu thở dài?”

“Sao cậu biết tớ thở dài?”

“Trời tối sương xuống này. Cậu lạnh không?”

“Có, một chút.”

Nguyên bảo cả bọn về đi vì đã hết các nhà trong danh sách, còn cậu muốn đến nhà bạn cũ. Minh bảo đã đi với nhau cả ngày, giờ cố thêm chút. Nhóm tiếp tục dong ruổi.

“Đi thế này có tốt không?” cô nói nhỏ. “Mấy bạn ban chiều trốn mình vì ngại. Các bạn không muốn mình đến thăm hỏi gia đình hoàn cảnh khó khăn gì đâu.”

“Họ không muốn thì mình mặc họ không quan tâm nữa hay sao?”

“Ý tớ là dùng cách khác. Như học bổng hay gì đó. Tớ thấy đưa tiền cho các bạn ở lớp có phải tốt hơn không.”

“Chuyện học bổng cũng có. Mà cậu thực dụng quá. Đến có phải chỉ vì các bạn đâu. Mấy bạn nhút nhát đó lòng tự trọng quá cao, sau lớn sẽ suy nghĩ thoáng hơn.” Cô chẳng biết Yên lấy đâu ra kinh nghiệm mà nghĩ mấy đứa kia lớn sẽ nghĩ thoáng hơn, không phải cậu bằng tuổi sao.

Trên đường cả bọn đùa nghịch vui vẻ, gần đến nơi không khí trầm lắng, sau mới biết người bạn đó vốn qua đời từ hồi lớp Năm. Mẹ bạn sụt sùi, bảo Nguyên giờ lớn rồi, nói chuyện chững chạc và cao hơn nhiều. Năm nào Nguyên cũng đến vào dịp lễ Tết và ngày giỗ bạn. Chẳng biết bạn còn có được như cậu không. Mẹ bạn bịn rịn chia tay mấy đứa bảo mấy ngày đầu năm mới qua chơi.

Về cậu bạn này, cô từng nghe Nguyên nhắc tới, cô không nhớ đầu đuôi thế nào dẫn tới câu chuyện. Hồi bạn mất, Nguyên muốn nhận bố mẹ bạn là bố mẹ nuôi nhưng đó là tình cảm, cậu không biết đề nghị đó có hợp lý. Mẹ cậu bảo cuộc sống có nhiều biến động, tình cảm có thể thay đổi theo. Nhận một người là anh em kết nghĩa hay bố mẹ nuôi không hề đơn giản, sau này trải qua ốm đau, khó khăn liệu còn quan tâm thường xuyên được? Nếu thực sự có thể vượt qua thì bà tôn trọng lựa chọn của Nguyên. Nguyên chọn im lặng, một phần sợ đặt trách nhiệm lên vai bố mẹ bạn nên tự nhủ sau này sẽ luôn quan tâm theo theo điều kiện của mình, cứ đều đặn như vậy.

Nỗi đau mất người thân có lẽ là một trong những nỗi đau dai dẳng nhất. Bố mẹ là người thương con nhất, bao năm rồi vẫn thương tâm vô cùng, không sao nguôi ngoai được. Còn tụi bạn học xếp sau ma quỷ, chúng chỉ buồn được một đoạn đường rồi lại không dừng được cười nói khi Minh và Hà cãi nhau, đi với nhau cả ngày nhưng cứ như chó với mèo.

Nguyên chở Minh Anh đến bến xe buýt. Nhà Minh Anh xa trường nên cậu ở lại trưa trong ký túc chờ học thể dục buổi chiều rồi đi cùng nhóm đến giờ. Minh Anh là anh trai của Tú Anh nhưng muốn tách nhau ra nên một người học lớp F, một người học lớp T.

Nhóm đưa Phương Hà về, rồi đến nhà Nguyên. Nguyên tới cửa đã nghe em gái càu nhàu chuyện về muộn, để nó nấu cơm một mình.

“Em Nguyên kinh thật. Chiều tớ với Hà đến rủ Nguyên đi, con bé bảo không được, còn phải ở nhà đưa nó đi đâu đó. Nguyên vỗ về một lúc nó mới chịu. Ôi, cô nào mà làm vợ Nguyên cứ xác định. Phương em tớ học cùng lớp với nhỏ đó còn bảo nhỏ nói với mẹ sau này lấy chồng cũng sẽ ở gần để quản lý chị dâu.”

“Không bù cho em cậu. Cô nào làm vợ cậu sẽ được thêm cô em ngoan hiền.” Chơi với Minh lâu rồi, cô luôn ấn tượng tốt về Lê Phương – em gái Minh.

“Chứ còn gì, em tớ là nhất. Sau có khi nó bênh chị dâu hơn anh trai.”

Nhà gần nhau, đưa Minh về xong chỉ còn Yên và cô.

“Không nghĩ đi lâu vậy. Mỗi nhà bọn mình ngồi có xíu mà từ chiều tới tối mới xong. May lúc ở hiệu sách tớ gọi điện về nhà cho chị Vi rồi. À, cậu chưa báo cho người nhà, về muộn không sao chứ?”

“Tớ không sao. Không có ai ở nhà cả.”

“Sao lại thế?”

“Thì thế chứ sao.”

Cô thấy cậu nói chẳng có đầu đuôi. Ai thèm hỏi chuyện riêng của cậu.

“Tết cậu ăn ít thôi. Nhất là bánh trưng với mấy đồ ngán. Không sau Tết gặp lại có khi cậu lăn được luôn. Giờ mũm mĩm lắm rồi. Như heo con ấy.”

Cậu bàn đến ngoại hình của cô sao, nghe câu từ không hẳn đáng ghét nhưng rõ là cậu châm chọc cô, hoặc ý bảo cô ngốc như heo. Cậu ngồi cạnh cô, biết cô học dốt nên có dịp là mang ra nói đúng không? “Sao tớ phải làm khổ thân mình. Người ta nói ‘ăn Tết’ nên Tết không ăn thì Tết làm gì. Tớ đâu cần cao ngồng lên rồi gầy như ai đó. Nhìn cậu chạy trên sân bóng chẳng có tí mạnh mẽ nào.”

Tuy miệng nói nhưng cô biết là không đúng. Dáng người cậu hợp với từ thanh mảnh. Và cách cậu chạy khi đá bóng thì như gió vậy. Nhưng cô mặc kệ lý lẽ. Do cậu nói xấu cô trước nên dù vô lý, cô vẫn trêu tức cậu.

Cậu hơi khựng lại, nghĩ mình vừa khen cô dễ thương như heo con mà. Vậy mà không hiểu cô nghe thành cái gì. Đã thế cô còn bảo cậu yếu đuối, không biết chạy khi đá bóng. Xem ra cô được đằng chân lân đằng đầu. “Tớ có ý tốt nhắc nhở cậu. Cậu đừng suy diễn.”

“Cậu có ý tốt là tốt chỗ nào. Tớ học kém, lại béo ú đâu được vừa giỏi, vừa cá tính, dáng đẹp như Châu Anh.”

“Châu Anh. Châu Anh cái gì. Cậu nói cái gì tập trung một thứ thôi.”

Mới qua nhà Minh một đoạn mà chuyện đẩy tận đẩu đâu.

“Tên Vân lớp F, cậu… haiz, mà thôi.” Lúc hắn nhìn cô cười cười mắt sắc liếc về phía cậu trêu ngươi thách thức. Cái nhìn ấy không tốt đẹp gì. Cô bảo cậu nói dở rồi nói nốt đi, dừng giữa chừng là người nghe khó chịu lắm.

“Cậu cẩn thận với hắn.”

“Sao lại thế? Tớ có quen hắn đâu.”

“Nói chung gặp hắn ở đâu cậu tránh đi. Tớ cũng mong mình lo xa quá.”

Cô nghĩ cậu lo vớ vẩn nhưng cậu xuống giọng với cô rồi, cô chẳng có lý do gì mua thêm phiền não. “Ừ, có gì lạ tớ sẽ chú ý.”

Cậu bảo Tết sẽ cho cô một bất ngờ. Nghe thế cô chỉ bất an. Cô vốn chẳng tin gì cậu và cũng không thích mấy chuyện bất ngờ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3