Nỗi Nhớ Mùa Hè - Chương 09 - Về quê ăn Tết

27 Tết cô về quê, mang theo hai thùng đồ Tết cho ông bà ngoại. Bố cô bảo để hôm sau bố hoặc mẹ xếp đồ chở về nhưng cô không tin bố mẹ cho lắm. Nhỡ lúc đó có việc đột xuất ở bệnh viện. Phòng khám của mẹ mãi hôm nay mới nghỉ. Hai chín Tết bố phải đi trực. Có năm bố mẹ bận đến nỗi tối 30 mới lọ mọ về rồi lại đi luôn để kịp về thành phố cúng giao thừa.

Tường Vi về hôm 28 Tết, chị bảo để chị mang đồ cho nhưng cô không muốn chị mình vất vả, Tường Vi lúc nào cũng mong manh nhẹ nhàng. Cô muốn mang đồ về sớm cho ông bà. Riêng đào quất cồng kềnh bố nhờ người quen chở về từ trước.

Nhà ông bà ngoại ở một làng cổ gần thành phố, cách nhà cô chừng 30km, mẹ cô là con một. Ông nội cô mất từ trước khi bố mẹ về ở với nhau, bà nội giờ ở Paris với chú thím.

Nhà ngoại cách cổng làng không xa, trước mặt là đồng lúa ngút tầm mắt, phía xa chân trời có rặng núi xanh xanh mờ ảo. Cô may mắn vì nhà ở thành phố gần biển, đêm yên tĩnh nghe thấy cả tiếng sóng, sáng mở cửa sổ có thể nhìn ngắm núi phía xa. Nhà ngoại khác một điểm là không có biển mà thay vào đó là một dòng sông. Sông rộng gần giáp cửa biển, nước siết chảy nhanh, không thanh tao êm đềm mà hùng vĩ.

Làng cổ ven sông có tên yêu kiều – Nguyệt Hiên, dựng lên từ khoảng 800 năm trước, may mắn phát triển liên tục trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử tồn tại đến ngày nay.

Làng Nguyệt Hiên giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ. Cổng làng xây theo lối tam quan, chạm trổ tinh vi, có kỳ lân và chó đá, có cây hoa chim muông trang trí bằng sứ Trung Hoa đập nhỏ.

Nhìn một đoạn chân trụ vỡ mới sửa cô không khỏi nhíu mày. Chỗ sửa xấu. Cô nghĩ thậm chí mình còn làm tốt hơn, ít ra các chi tiết trang trí cô có thể làm sống động hơn.

Tình trạng tương tự trong đền, chùa. Chỗ tu sửa đều không được làm hoàn mỹ nhất có thể. Chú ý là nhận ra ngay đâu là cổ, đâu là mới, khác nhau ở trình độ của người làm. Cô bi quan nghĩ rằng có lẽ phải quay về thời phong kiến, làm không tốt bị quan sai kề đao vào cổ người ta mới nghiêm chỉnh được.

Đường lớn từ Cổng vào làng mát rượi, hai bên trồng hai rặng duối cổ xanh tốt. Ngoài làm nông, làng còn nghề thủ công mỹ nghệ như nghề mộc. Năng khiếu nghề như thứ bẩm sinh, gia truyền, có thể vì người làng từ khi sinh ra, lớn lên đã ngày ngày nghe tiếng xẻ gỗ, tiếng lách cách đục đẽo nên tình yêu và sự quen thuộc với nghề cứ tự nhiên mà thấm vào máu thịt.

Kiến trúc nổi bật nhất là những ngôi nhà rường[1] cổ, nhà cổ nhất có tuổi đời 200 năm.

Một điểm mà cô rất thích ở kiến trúc làng là nhà cao – cửa rộng. Nhà xây trên nền cao có bậc tam cấp xuống sân, mặt trần ốp gỗ, từ ngoài nhìn vào không gian trong nhà đầy ánh sáng chứ không bị che tối.

Về làng, nhìn đâu cũng thấy màu xanh. Từ đồng ruộng, cây bên đường tới hàng rào quanh nhà. Rất ít nhà xây hàng rào bằng gạch và xi măng mà người ta thường làm hàng rào cây xanh cắt tỉa bằng cây trúc, râm bụt, hoa giấy hoặc duối.

Quanh chợ nhà ở san sát, diện tích bé xây theo lối nhà ống chồng tầng hiện đại sát ra mép đường để thuận tiện buôn bán và nhà thường không có vườn.

Nhà ông bà cô xây theo lối nhà ngang, ba gian hai chái, mới được bốn mươi tuổi. Hiên nhà rộng tầm mét rưỡi, có bậc tam cấp lát đá xuống sân rộng. Vườn bao quanh ba mặt nhà, trước đây trong vườn có ao nhỏ theo lời mẹ cô, sau ông bà lấp đi để trồng cây.

Sân bày chum lớn trồng sen Cung đình. Bên hiên có cây lựu, đinh lăng, đuôi lươn, mào gà, bỏng, hoa giấy, mẫu đơn, thược dược…Nói chung, nhà ông bà lúc nào cũng có hoa nở.

28 Tết Tường Vi về cô liền nhàn rỗi, lấy xe đạp đi loanh quanh ngắm cảnh, thích chỗ nào thì ký họa. Chân đưa đẩy thế nào mà cuối cùng cô đến ngôi nhà gỗ bỏ hoang gần nhà ngoại nằm giữa vườn bạch đàn trải dài đến tận chân đê.

Gần mười năm nay căn nhà không người ở. Cổng gỗ không cao, cô to gan trèo qua dễ dàng. Cỏ cây trong vườn mọc um tùm, mới được phạt quang bớt chất thành đống ở góc vườn chờ khô rồi đốt. Cô không ngạc nhiên vì mấy năm nay nghe nói cô con gái nhà này về nhờ người dọn mỗi dịp Tết và hè.

Hàng dừa già quanh nhà cao vút quả quắt khô vì lâu không có người hái. Cây ăn quả không cắt tỉa cành trỉa vào nhau, cây nào cũng cố vươn cao đón nắng. Vườn hồng trước kia được chăm chút tỉ mẩn, hồng leo cột thành bụi xinh đẹp giờ biến thành hồng dại, mọc chen với cỏ và chỉ cho hoa nhỏ xíu.

Căn nhà vốn của hai vợ chồng ông giáo, bà giáo mất sớm, một thời gian nhà bỏ không rồi ông giáo lại về ở. Sau đó con gái ông gửi hai người cháu ngoại về.

Cô nhớ như vậy vì có một số kỷ niệm và ấn tượng nhất định dù khi ấy cô mới học mẫu giáo. Ông tốt bụng, cháu ông có một cậu dễ thương, còn một cậu dễ ghét cực kỳ. Cậu em học cùng mẫu giáo với cô, bằng tuổi. Cậu anh hơn cô một tuổi nhưng khi đó không đi học lớp một mà toàn ở nhà. Mỗi lần đụng cô là bắt nạt ghê lắm chứ không hiền như cậu em.

Nghĩ về mấy chuyện con trẻ, cô bất giác mỉm cười, nhìn quanh một lần rồi đi ra, không muốn đứng lâu một mình trong căn nhà hoang vắng.

Chú thích:

[1] Đây là loại nhà có nhiều rường cột, rường kèo, mè và gian trong nhà được phân chia nhờ hàng cột chứ không có vách ngăn. Cột gỗ kê trên đá tảng để tránh ẩm mốc. Kèo, xà, đòn tay, hệ thống cửa lớn và vách ngăn với hai chái có thể được chạm trổ hoa văn có nhiều loại như tứ quý, chữ nho, hoa lá chim muông cách điệu…theo ý thích của gia chủ. Mái ngói có nhiều lớp mỏng chồng lên nhau giúp nhà mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông.