Nỗi Nhớ Mùa Hè - Chương 10 - Ba mươi Tết

Thấm thoát đã đến Ba mươi Tết. Với cô đó vẫn là ngày đặc biệt nhất năm cùng ngày mùng Một. Thật khó gọi chính xác không khí ngày Ba mươi. Cô không biết nếu giờ mình ở lại thành phố sẽ làm gì. Đôi khi sau tết về thành phố cô nghe tụi bạn kháo chuyện hẹn nhau đi ăn đi chơi và tối xem pháo hoa, xem phim hoặc cùng nhau đi chùa đón giao thừa thì có chút ghen tị. Ở quê cô không có bạn, cô đi đền cùng Tường Vi và bà ngoại đêm giao thừa, hái lộc rồi về ngủ. Ở quê không có pháo hoa như thành phố, một vài nhà đốt pháo bông cây nhỏ nhưng nhà ông bà cô thì không.

Chiều Ba mươi, nhịp sống ngày cuối năm dần lắng xuống đối lập với mấy ngày tất bật ngược xuôi, hối hả cập rập trước đó. Cô ở trong ngõ, nhìn ra cánh đồng làng. Trên đường cái lớn từ trong làng dẫn ra cánh đồng tí một lại có người phóng xe mang theo vàng hương đi cúng bái.

Nghĩa trang chiếm một phần nhỏ trên đồng lúa. Từ sáng đã có gia đình dọn dẹp, sửa soạn cỗ xong ra mời các cụ về nhà ăn tết nhưng chiều người đi tảo mộ đông hơn.

Năm nay thật may bố mẹ cô về buổi chiều. Bố đi thăm người quen trong làng, còn mẹ và chị Vi làm cỗ với bà ngoại. Cô giúp ông mấy việc nhỏ xíu, xong tự do muốn làm gì thì làm.

Cô ngồi vẽ hoa cúc bằng bút chì conté graphite xám nhạt, không nhấn sáng bằng bút trắng. Không hiểu sao bức vẽ với tông xám lạnh đơn nhất lại gây cảm hứng cho cô lúc này.

Cô mang tranh ra sân xịt dung dịch hãm. Dung dịch làm sắc độ tranh đậm hơn nhưng không xịt tranh dễ bị rụng hạt màu theo thời gian và bị in lưng lem nhem rất bẩn, nhất là khi dùng bút chì Conté vốn mềm và giàu sắc độ.

Cô kê tập ký họa lên đùi vẽ tiếp bụi hoa mào gà đỏ rực và bầy gà dưới gốc hoa. Đi vẽ dạo ở đây cô hay bị xin tranh, một việc mà cô không thích. Ông bà ngoại vốn tôn trọng sở thích của cô, không khoe tranh và kể cả người quen nhờ, nếu cô không muốn, ông bà sẽ không ý kiến.

Thỉnh thoảng đưa mắt ra cánh đồng cô thấy sương chiều xuống nhiều. Không gian phủ màu xám xám mờ mờ trắng trắng. Chiều bình yên, lạnh và buồn. Gió thổi vô tận. Cô nhớ hồi nhỏ ông dặn chiều Ba mươi trẻ con không đi lang thang ra ngoài. Hôm nay người đã khuất được gia đình con cháu mời về nhà ăn Tết, chỉ có những người trôi dạt, chết nơi đường chợ, không có gia đình, không họ hàng thân thích là không được mời về. Những linh hồn ấy ngày cuối năm ấm cúng vẫn lang thang bên ngoài, người ta không cho trẻ con ra ngoài một mình vì sợ bị kẻ lang thang theo quấy phá. Cô khi nhỏ sợ lắm, khi lớn lại thấy thương cảm. Làng 800 năm cổ xưa, chắc linh hồn vất vưởng nhiều vô kể.

Thỉnh thoảng có người quen qua nhà chơi, xem cỗ bàn xong chưa hoặc mời đến nhà họ ăn tất niên. Cô vẫn vẽ miệt mài. Câu nói học sinh lớp vẽ được nghe thầy và các tiền bối nhắc đi nhắc lại ra rả là: không nói nhiều, lo vẽ đi.

“Đẹp lắm,” một giọng nam tươi trẻ vang lên, chỉ chừng hai ba giây trước khi ngẩng lên xem ai, cô đã nhận ra âm giọng ấy xen lẫn niềm vui thích khôn tả.

“A,” cô bật kêu nho nhỏ. “Yên, sao...cậu ở đây?”

“Ngạc nhiên chưa?” Tên con trai trước mặt cười toe.

Cô đứng dậy, thở hắt một cái vì ngạc nhiên, rất ngạc nhiên, nhưng cùng lúc vui mừng mím môi cười.

“Cậu không vẽ tiếp à?”

“Ừ, chiều nay ánh sáng kém. Mai tớ vẽ cũng được.”

“Mai là mùng Một.”

“Thì để sang mùng Hai.”

“Đồ lười. Hai tranh tớ đặt nhớ hoàn thành nghiêm chỉnh đấy.”

Cô bảo nếu kéo dài lâu, cậu có thể hủy yêu cầu hoặc tranh vẽ xong mà cậu không ưng thì không lấy cũng được. Cô rót nước vối và cắt chè lam cho cậu. “Ở nhà không có trà earl grey và bánh ngọt đâu. Chè lam bà tớ làm rất ngon ấy.”

“Cậu biết làm không?”

“Không, cậu nghĩ tớ là thiên tài à.”

Hồi giáp Tết cô nói về quê ngoại, nghe tên làng cậu biết là cùng quê. Chính xác hơn là quê ngoại của mẹ cậu. Bà ngoại cậu ở đây còn ông ngoại gốc thành phố. Cậu từng ở làng Nguyệt Hiên một thời gian ngắn. Đã lâu gia đình cậu không ở đây, nhà để không, mỗi dịp lễ, Tết mẹ cậu nhờ người làng dọn dẹp rồi về thắp hương cúng bái. Mộ bà ngoại còn ở đây, bàn thờ chính đã chuyển lên thành phố từ lâu.

Nhà cậu là ngôi nhà để không trong vườn bạch đàn. Cô nghĩ ngay ra hai tên nhóc hồi nhỏ, không biết cậu là anh hay em.

“Nhà cậu có hai anh em trai?”

“Ừ, sao cậu biết?”

“Cậu là anh đúng không?”

“Chuẩn luôn. Sao cậu đoán giỏi thế?”

Cô không đoán mà gần như chắc chắn. Ra đây là nhóc bắt nạt cô hồi nhỏ. Trong trí nhớ mơ hồ của cô, cậu em rất hiền, ít nói và đáng yêu lắm. Gì chứ mấy cái đó không phải tính từ đội trời chung với Yên.

“Đừng nói chúng ta quen nhau hồi nhỏ đấy!”

“Hai nhà ở gần thế này kiểu gì tớ với cậu chẳng chạm mặt. Có người nói không muốn chơi với tớ vì tớ đanh đá, lấm lem.”

Tên nhóc ngày nào giờ ngồi trước mặt cô vui vẻ hớn hở như chẳng có gì xảy ra. Sau khi hắn để lại cho cô mớ kỷ niệm chẳng lấy gì làm vui vẻ rồi biến đi và giờ quay lại vứt cô ra khỏi đầu. Lúc về đây cậu đủ tuổi học lớp Một, lại thông minh, trí nhớ tốt lắm, phải nhớ được ít nhiều chứ nhỉ?

“À, mà cậu hơn tớ một tuổi à?” đáng lẽ cậu học lớp một nhưng toàn ở nhà, còn cô và em cậu học cùng mẫu giáo.

“Đúng thế,” cậu cười rạng rỡ, hơi vênh mặt lên. “Giờ gọi tớ là anh đi.”

“Cậu học cùng khóa với tớ, quên đi nhé.”

Cậu không học đúng tuổi vì sức khỏe em cậu rất kém, quanh năm uống thuốc. Cậu học muộn một năm để học cùng em.

Đến nhà Yên, mẹ cậu đã qua nhà họ hàng gửi Tết, cửa nhà mới mở nên đầy mùi ẩm, cả hai dừng trước cửa chính, ngó chút rồi ngồi ngoài hiên nhà.

“Cậu nhớ những chuyện gì kể cho tớ nghe đi.”

“Một lần tớ đánh em cậu làm nhóc ấy khóc. Thế là cậu chạy ra cốc tớ: Sao mày bắt nạt em tao! Nhà cậu có một con mèo đen nhỏ hay chạy ra sân trường chơi. Tớ muốn bế một tí nhưng nó chạy lung tung làm tớ theo mãi không bắt được. Bỗng một bàn tay túm cổ áo tớ kéo giật lại: Ai cho mày bắt nạt mèo của tao! Lại là tên đáng ghét nào đó. Tớ khóc ầm lên thế là cậu ta bỏ tớ đó ôm mèo về.”

Cô tới nhà hàng xóm mua mấy cành hoa lily.

“Cậu thích hoa Casablanca?”

“Cậu gọi hoa này là casablanca? Ở đây mọi người không gọi như thế. Đó là tên ông ngoại cậu nói khi cho tớ hoa ly trong vườn.” Ông là người đầu tiên dạy chữ viết và toán cho cô. Mà hồi đó ông khen cô thông minh, chắc bị cháu ông cốc nên mới thành thế này.

“Từ khi hai anh em tớ chuyển tới cậu không sang chơi với ông nữa đúng không?” Cậu lờ mờ nhớ vài điều.

“Tớ đâu dám sang. Hồi các cậu chưa đến tớ hay sang chơi buổi chiều. Nếu nhớ không nhầm, ông có chơi đàn và đọc truyện cổ tích cho tớ nghe.”

Cô nhớ một vài cảm giác khi nghe đọc truyện, muốn biết ông cậu đọc truyện gì nhưng không nhớ ra tên sách. Một lần cô tình cờ đọc cuốn Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi ở nhà Minh, thấy rất trùng khít với cảm giác mơ hồ trước kia. Giờ biết đó là ông ngoại Yên, sau cô sẽ hỏi cậu xem nhà cậu có truyện của Nguyễn Đổng Chi không.

“Cậu kể tiếp đi.”

“À, một hôm tớ sang thì đụng em cậu.” Lúc đó cô đã ngẩn ra, cậu bé khác hẳn con nít trong làng, như thiên thần. “Cậu ấy chơi đồ chơi của tớ rồi không biết tranh nhau thế nào mà bị tớ ẩy ngã. Cậu ấy khóc nhè luôn, khóc rất to. Tớ chưa kịp đưa lại đồ, cậu đã lao vụt ra như chớp, tớ chưa kịp hiểu đã nhận ngay một cái cốc: Sao mày bắt nạt em tao? Đấy, bảo sao còn dám sang.”

Chuyện hôm đó dần sáng lại trong trí nhớ. Sau cái cốc, cô cũng khóc, tay như con cua nhí định đấm Yên. Thầy bế cô lên để cô và Yên không đánh nhau và bảo hai đứa con trai là cháu thầy mới tới, từ giờ hãy chơi với nhau. Nhưng Yên lạnh lùng nói dõng dạc: ‘Cháu không thích chơi với con bé lấm lem này.’ Đứa em còn khóc, cậu chỉ vào cô, bảo: ‘Tại con bé này.’

‘Tui làm gì nó?’

‘Hai đứa thôi nào,’ thầy quay sang nắm tay cậu em đặt vào tay cô nhưng cô hất ra. ‘Cháu không thích chơi với đứa mít ướt,’ cô chạy thẳng về nhà, từ đó không vào nhà ấy nữa.

Ngang qua bờ kênh Yên sà vào hàng liễu rủ xem hoa súng. “Nhiều nụ thế này chờ khi nở chắc đẹp lắm.”

“Loạt hoa này thực ra đã nở nhưng hoa nở ban ngày, chiều tối cánh hoa cụp lại.”

Yên nhìn cô trân trân sau thì đấm hai tay vào nhau như phát hiện ra sự thật hay ho. Cậu kể cho cô nghe câu truyện đại để có vợ chồng nhà chim chích làm tổ trong tai ông sư. Chim vợ chiều tối tìm mồi bị nhốt trong bông sen, sáng mới bay về tổ. Chồng nó nổi cơn ghen, cả hai cãi nhau ỏm tỏi lại thêm lũ con đói kêu gào chíu chít, nhà sư vứt phắt tổ chim khỏi tai. Kết quả sư không đắc đạo. Tóm lại, giờ cậu mới phát hiện ra hoa sen hoa súng buổi tối cụp lại là thật.

“Đúng là trẻ con!”

Khi cậu quay lưng đi, cô chợt nhớ một lần bị bỏ quên ở lớp mẫu giáo. Chiều tan học, mưa to, cô, em cậu và vài nhỏ ở lại chờ người nhà. Yên tới đón em cậu, lúc hai người ra cửa, em cậu quay lại níu tay anh nói ‘anh cho nhỏ kia đi cùng!’ nhưng Yên bảo ‘nhỏ ấy sẽ có người đến đón thôi!’ Hai người đi khuất. Mấy nhỏ khác lần lượt có người đón cuối cùng cô vừa khóc vừa đội mưa chạy về.

Giờ cô vẫn nhớ bóng lưng hai người quay đi, cô muốn chạy theo nhưng sợ cậu anh…Giờ đi cạnh Yên, nhớ lại kỷ niệm đó, một cơn rùng mình khẽ chạy dọc sống lưng. Không hiểu sao chuyện con trẻ lại khiến cô chợt buồn vào lúc vui vẻ này.

Cắt hoa buổi sáng hoa tươi hơn, nhưng với cô hoa ly buổi tối nhìn đẹp nhất.

Sau hôm đi mưa về ấy, cô bị cảm. Mãi tới tối mưa mới tạnh. Mây còn dày nhưng trăng ló hẳn ra chiếu sáng nhẹ như sương. Cô ra hè, hít thở thật sâu, nhìn quanh chợt thấy một cành hoa ly trắng muốt trên đầu tường hoa. Cô cầm lên, nhìn quanh không thấy ai nhưng cô chỉ nghĩ tới một người vì loài hoa này chỉ có trong vườn nhà ông giáo.

Tất nhiên, người đưa nó cho cô 100% không phải Yên. Có kẻ áy náy vì để cô ở lại lớp, còn với Yên cô ốm hay bị sao cũng không liên quan. Sau này vẫn có hoa lily trắng đặt ở đầu hè sau cơn mưa. Đó là bí mật nho nhỏ mà cô mang theo, về một người chưa bao giờ gọi nhau là bạn nhưng lại là hình ảnh người bạn thuở nhỏ mà cô cõng theo lâu nhất.

Không lâu sau ông giáo và hai anh em Yên chuyển đi. Một chiều cô đang chơi ở sân trường, cậu anh đến ôm theo con mèo đen nhỏ có đôi mắt xanh lá. Cô giật mình lùi lại, cậu bé không bước tiếp, nhìn chăm chăm rồi quay đi. Đó là lần cuối cô thấy Yên hồi nhỏ. Cả nhà cậu chuyển đi ngay chiều đó. Chiều tối cô đi chơi về, ông bà ngoại nói ông giáo và cậu em sang chào tạm biệt, cậu bé gửi cho cô một cành hoa ly.

Mà những chuyện đó chủ yếu là các hình ảnh và cảm giác rời rạc, đại loại như thế chứ chưa hẳn như thế. Nhìn sang Yên, cô chắc chắn một điều em cậu lớn vẫn sẽ là thiên thần.

“Em cậu có học cùng trường mình không?” Nếu cùng trường thì hẳn cùng khối 8. Quen Yên gần một tháng nay cô không thấy ai đi cạnh cậu có-vẻ-là-em-cậu.

“Đã lâu tớ không gặp nó. Bố mẹ tớ ly dị, tớ sống với mẹ và em ấy ở với bố.”

Cắm xong bình hoa, Yên với mẹ ra ngoài khu mộ thắp hương rồi trở về thành phố.

Bố mẹ cô sau khi ăn cơm tất niên cùng ông bà ngoại cũng về thành phố. Cô đứng trong ngõ nhìn theo chiếc xe của bố mẹ xa dần nhỏ dần vào màn sương chiều.

Đêm ba mươi, yên bình, trong vắt. Cánh đồng lặng thinh, thời gian rõ rệt đến từng khoảnh khắc, từng tiếng tích tắc từ chiếc đồng hồ quả lắc ngân vang đến lạ kỳ. Trong căn nhà rộng, không khí không rộn ràng nhưng đủ ấm áp, cô ngủ sớm dặn ông gần giao thừa gọi mình dậy để đi đền.

Cô một tay đút trong áo khoác một tay cầm đèn pin soi, Tường Vi nắm tay bà, sợ bà mắt kém vấp phải ổ gà ổ vịt. Dù mặc áo khoác dày, đội mũ len, quấn cả khăn quàng cổ mà cô thấy cơn gió rét buốt len lỏi vào da thịt. Năm nay rét tê tái như vậy.

Bàn tay cầm đèn pin tê cóng, cô không mang găng vì nghĩ quãng đường gần. Gió đêm vờn nhẹ như có thứ gì lành lạnh chạm lên da. Đêm đen nhàn nhạt, trời nhẹ tênh, đồng quê mênh mông heo hút. Những bước chân ai từng bước trên con đường cô đang bước, hơi thở của ai từng phả vào sương đêm như hơi thở nóng hổi của cô ngày hôm nay. Ai từng hạnh phúc, ai từng sợ hãi…để hôm nay không còn gì hiện hữu.

Không khí đêm Ba mươi không khiến người ta rùng mình, mà như tận hưởng thời khắc giao hòa thiêng liêng của trời đất, nỗi buồn nếu có không còn ma mị mà trở nên trang trọng.

Cô theo sau lưng chị len lỏi theo dòng người vào chính điện thắp nhang, lầm rầm khấn vái cầu cho đại gia đình an toàn khỏe mạnh, ‘mong cho tất cả chúng ta luôn được bình an.’