Pachinko - Chương 04

Tháng Sáu năm 1932

Vào đầu mùa hạ, chưa đầy sáu tháng trước khi vị mục sư trẻ đến nhà trọ ấy và ngã bệnh, Sunja đã gặp một người buôn cá tên là Koh Hansu.

Vào cái buổi sáng Sunja đi chợ để mua các thứ cho nhà trọ, có sự mát lạnh dội vào không khí biển. Từ khi còn là một đứa trẻ sơ sinh được địu trên lưng mẹ, cô đã đến chợ trời ở Nampo-dong; lớn hơn một chút, cô được cha bế trên tay khi ông lê bước đến đó, mất gần một tiếng đồng hồ vì đôi chân dị tật. Đi chợ với cha thú vị hơn đi với mẹ cô, bởi vì dọc đường đi mọi người trong làng đều chào ông thật nồng nhiệt. Cái miệng dị dạng và những bước chân vụng về của ông dường như chẳng thành vấn đề trước những lời thăm hỏi ân cần của bà con chòm xóm về gia đình, nhà trọ, và các khách trọ. Hoonie không bao giờ nói nhiều, nhưng rõ ràng đối với con gái ông, ngay cả trong trường hợp đó, nhiều người vẫn tìm kiếm sự ủng hộ không lời của ông - cái nhìn sâu sắc từ đôi mắt trung thực của ông.

Sau khi Hoonie qua đời, Sunja đảm nhận việc đi mua đồ cho nhà trọ. Lộ trình đi mua sắm của cô không thay đổi so với những gì cô được cha mẹ dạy: trước tiên, mua đồ tươi, sau đó mua xương lợn để nấu xúp từ cửa hàng thịt, rồi đến vài thứ khác từ các bà bán hàng ngoài chợ ngồi xổm bên những chậu đựng gia vị đầy ắp, những dãy cá kiếm sâu hút lấp lánh hoặc cá tráp béo tròn được đánh bắt từ nhiều giờ trước - hàng hóa của họ được bày một cách hấp dẫn trên những tấm vải sáp màu đỏ và màu ngọc lam trải trên mặt đất. Cái chợ rộng mênh mông dành cho đồ hải sản - một trong những chợ lớn nhất chuyên về hải sản ở nước Hàn - nằm vắt ngang bãi biển được trải đá cuội và đá dăm, và các bà bán hàng, người nào người nấy từ cái vuông vải vá tẩm hắc ín của mình, rao hàng to hết mức có thể.

Sunja đang mua hàng của vợ người giao than thường bán loại rong biển ngon nhất. Bà ấy để ý thấy người buôn cá đang nhìn cô gái đến từ nhà trọ ấy đăm đăm.

“Gã đàn ông trơ trẽn. Cái cách hắn nhìn kìa! Hắn đủ già để làm cha của cháu đấy!”.

Bà bán rong biển đảo mắt. “Bởi vì sự giàu có của một người đàn ông không mang đến cho ông ta cái quyền được trơ trẽn như thế với một cô gái ngoan xuất thân từ một gia đình tử tế”.

Sunja ngước mắt lên và thấy người đàn ông lạ mặt mặc bộ com-lê sáng màu, đi đôi giày da màu trắng, ông ta đang đứng gần những quầy giao dịch được dựng bằng gỗ và tôn múi cùng tất cả người mua buôn hải sản khác. Đội chiếc mũ Panama màu trắng nhạt như các diễn viên trong những tấm áp-phích quảng cáo phim, Koh Hansu nổi bật như một con chim tao nhã với bộ lông màu trắng nhạt giữa những người đàn ông khác mặc đồ tối màu. Ông ta nhìn cô đăm đăm, hầu như không để ý đến những người đang nói chuyện xung quanh mình. Các thương lái cầm trịch những vụ mua sỉ hải sản diễn ra ở chợ. Họ không những có quyền ấn định giá mà còn có thể trừng phạt bất cứ thuyền trưởng hoặc ngư dân nào bằng cách không mua mẻ cá của người đó; họ cũng bắt tay với các quan chức người Nhật điều hành các bến cảng. Tất cả mọi người đều chiều theo các thương lái đó, và ít ai cảm thấy thoải mái khi ở cạnh họ. Các thương lái đó hiếm khi hòa nhập xã hội bên ngoài giới mình. Các khách trọ nói bọn họ là đám con buôn kiêu căng kiếm lời từ hoạt động đánh bắt cá nhưng không để bàn tay trắng trẻo của mình dính mùi cá tanh. Dẫu vậy, các ngư dân vẫn phải giữ mối giao hảo với những gã đàn ông có sẵn tiền cho những vụ mua sỉ và những khoản trả trước cần thiết khi việc đánh bắt không thuận lợi.

“Một cô gái như cháu sẽ được một người đẹp trai để ý, nhưng lão này có vẻ cáo già quá. Hắn là người Jeju nhưng sống ở Osaka. Bác nghe nói hắn thạo tiếng Nhật. Chồng bác nói rằng hắn thông minh hơn tất cả bọn họ cộng lại, nhưng láu cá. Hừm! Hắn vẫn nhìn cháu kìa!”. Máu dồn lên mặt người đàn bà bán rong biển, khiến mặt bà đỏ ửng đến tận xương quai xanh.

Sunja lắc đầu, cô không muốn kiểm chứng. Khi những người khách trọ tán tỉnh cô, cô lờ họ đi, tiếp tục làm việc của mình, và bây giờ cô cũng xử sự như vậy. Dù gì các bà bán hàng ở chợ cũng hay nói quá lên.

“Cho cháu mua loại rong biển mà mẹ cháu thích được không ạ?”. Sunja vờ tập trung chú ý vào đống rong biển khô hình chữ nhật được gấp như vải và để riêng thành hàng với chất lượng và giá cả khác nhau.

Sực nhớ ra, bà bán hàng chớp mắt, rồi gói một lượng lớn rong biển cho Sunja. Cô bé đếm những đồng tiền xu, và đưa hai tay ra đón lấy gói rong.

“Hiện giờ mẹ của cháu có bao nhiêu khách trọ?”.

“Sáu ạ”. Liếc qua, Sunja có thể thấy người đàn ông đó đang nói chuyện với một người thương buôn khác, nhưng vẫn nhìn về phía cô. “Mẹ cháu rất bận”.

“Tất nhiên là bận rồi! Sunja ạ, cuộc sống của một người đàn bà là công việc, công việc bất tận, và chịu khổ. Khổ và khổ hơn. Cháu biết đấy, tốt hơn nên lường trước điều đó. Cháu sắp trở thành đàn bà rồi, vậy nên cháu nên được nói cho biết điều này. Đối với một người đàn bà, người đàn ông mà cháu lấy làm chồng hoàn toàn quyết định chất lượng cuộc sống của cháu. Một người đàn ông tốt là một cuộc sống tốt, và một người đàn ông tồi là một cuộc sống đáng nguyền rủa - nhưng dù sao chăng nữa, hãy luôn biết rằng sẽ có đau khổ, và cứ lao động quần quật thôi. Không ai quan tâm chăm sóc một người đàn bà nghèo đâu - tự lo cho mình thôi”.

Bà Jun vỗ liên tiếp cái bụng béo của mình và quay sang người khách hàng mới, để cho Sunja về nhà.

Trong bữa ăn tối, mấy anh em họ Chung nhắc đến Koh Hansu, người đã mua hết mẻ cá họ đánh bắt được.

“Là một người buôn cá, hắn được đấy”, Gombo nói. “Tao thích một người khôn khéo không chịu đựng những kẻ ngốc như hắn. Koh không cò cưa mặc cả. Chỉ một giá thôi, và hắn đủ công bằng. Tao không nghĩ hắn đang cố lừa chúng mày như những kẻ khác, nhưng chúng mày không thể từ chối hắn”.

Fatso chêm vào rằng người buôn đá lạnh đã nói với cậu rằng gã thương lái người Jeju đó chắc hẳn giàu đến mức không thể tưởng tượng nổi. Hắn chỉ đến Busan ba đêm một tuần, còn lại toàn sống ở Osaka và Seoul. Mọi người gọi hắn là Sếp.

•••

Koh Hansu dường như có mặt ở khắp mọi nơi. Bất cứ khi nào cô ở chợ, ông ta cũng xuất hiện, không che giấu sự chú ý của mình. Mặc dù cô cố lờ cái nhìn đăm đăm của ông ta đi và lo việc của mình, nhưng cô vẫn cảm thấy mặt nóng bừng trước sự hiện diện của ông ta.

Một tuần sau, ông ta nói chuyện với cô. Sunja vừa mới mua sắm xong và đang một mình bước trên con đường dẫn tới bến đò.

“Cô gái trẻ, hôm nay cô nấu gì cho bữa tối ở nhà trọ vậy?”.

Chỉ có cô và ông ta ở đó, nhưng chỗ ấy không xa khu chợ ồn ào.

Cô ngước mắt lên nhìn, rồi thoăn thoắt bước đi mà không trả lời. Tim cô đập thình thịch trong sợ hãi, và cô hy vọng ông ta không bám theo cô. Trên chuyến đò đó, cô cố nhớ lại giọng ông ta nghe như thế nào; đó là giọng của một người khỏe mạnh đang cố gắng nói nghe sao cho có vẻ nhẹ nhàng. Cũng có chút du dương tối thiểu của giọng người Jeju trong cách nói của ông ta, một vài âm tiết được kéo dài; đó là sự khác biệt so với lối nói của người Busan, ông ta phát âm từ “bữa tối” nghe ngồ ngộ, và phải mất vài giây cô mới hiểu ông ta đang nói gì.

Ngày hôm sau, Hansu đuổi kịp cô khi cô đang trên đường về nhà.

“Sao cô chưa lấy chồng? Cô đủ lớn rồi mà”.

Sunja bước nhanh hơn và lại bỏ mặc ông ta ở đó. Ông ta không bám theo cô.

Dù cô không trả lời, Hansu vẫn cố bắt chuyện với cô.

Luôn là một câu hỏi, không hơn, và không bao giờ lặp lại, nhưng khi ông ta nhìn thấy cô, và nếu Sunja ở trong tầm nghe, ông ta luôn nói điều gì đó, và cô bước nhanh khỏi đó mà không nói một lời.

Hansu không bị sự im lặng của cô làm cho chưng hửng; nếu cô cứ cố buông lời giễu cợt thì ông ta đã nghĩ cô cũng bình thường thôi, chẳng có gì đặc biệt. Ông ta thích vẻ ngoài của cô - mái tóc tết bím đen nhánh, bộ ngực căng đầy bên dưới chiếc áo sơ mi trắng hồ bột, cái đai áo dài được thắt gọn gàng, và bước chân vững chãi, nhanh nhẹn của cô. Đôi bàn tay măng tơ của cô cho thấy sự lao động; không mềm mại, không phải là đôi bàn tay thành thạo của một cô gái hầu trà hay bàn tay trắng trẻo, thanh mảnh của con nhà quyền quý. Thân hình dễ thương của cô săn chắc và đầy đặn - phần cánh tay phía trên của cô nằm gọn trong tay áo trắng một cách êm ái và thoải mái. Những chỗ được che đi trên cơ thể cô khiến ông ta bị kích thích; ông ta khao khát được thấy làn da của cô. Cô gái này có điều gì đó rất đặc biệt trong dáng điệu, sự quả quyết mà gái nhà giàu hay nhà nghèo đều không có.

Hansu đã biết cô là ai, sống ở đâu. Thói quen mua sắm của cô ngày nào cũng giống như ngày nào. Vào buổi sáng, cô đến chợ và ngay sau khi mua các thứ xong cô rời khỏi đó, không la cà. Ông ta biết cứ vào đúng giờ đó họ sẽ chạm mặt nhau.

Đó là vào tuần thứ hai của tháng Sáu. Sunja vừa mua sắm cho ngày hôm đó xong và đang trên đường về nhà, mỗi tay cắp một cái rổ đựng đầy các thứ. Ba học sinh trung học người Nhật mặc áo khoác đồng phục không cài cúc đang đi ra bến cảng để câu cá. Trời quá nóng để ngồi một chỗ, mấy đứa con trai ấy bỏ học. Nhìn thấy Sunja đang đi về phía bến đò Yeongdo, mấy đứa con trai cười khúc khích vây lấy cô, và một đứa trắng trẻo, gầy gò, cao nhất trong bọn, giật quả dưa vàng dài thuột khỏi rổ của cô. Nó tung quả dưa qua đầu Sunja sang cho mấy thằng bạn.

“Trả cái đó lại đây”, Sunja bình tĩnh nói bằng tiếng Hàn, hy vọng bọn chúng không kéo lên đò. Những chuyện phiền toái như thế này xảy ra thường xuyên trên đất liền, nhưng ở Yeongdo có ít người Nhật hơn. Sunja biết rằng điều quan trọng là thoát khỏi rắc rối này thật nhanh. Thỉnh thoảng các học sinh người Nhật trêu chọc trẻ người Hàn và ngược lại. Trẻ người Hàn được cảnh báo không nên đi một mình, nhưng Sunja đã mười sáu tuổi rồi, và là một cô gái mạnh mẽ.

Cô đoán rằng mấy thằng con trai người Nhật này chắc hẳn tưởng rằng cô nhỏ tuổi hơn chúng, và cô cố nói nghe như ra lệnh.

“Gì vậy? Nó nói gì vậy?”. Bọn chúng vừa cười khúc khích vừa nói với nhau bằng tiếng Nhật. “Chúng tao không hiểu mày nói gì, con đĩ hôi hám”.

Sunja nhìn quanh, nhưng dường như không có ai đang quan sát họ. Người lái đò ở gần bến đò đang nói chuyện với hai người đàn ông, còn mấy bà ở rìa chợ thì đang bận việc.

“Trả lại đây”, cô nói bằng giọng kiên định, và chìa bàn tay phải ra. Chiếc rổ nằm phía trong khuỷu tay cong gập, và thật khó để cô giữ thăng bằng. Cô nhìn thẳng vào thằng con trai gầy nhom đứng cao hơn cô hẳn một cái đầu. Bọn chúng cười và tiếp tục thì thầm với nhau bằng tiếng Nhật, Sunja không hiểu chúng nói gì. Hai thằng con trai tung quả dưa vàng qua lại trong khi đứa thứ ba lục lọi cái rổ bên tay trái mà giờ đây cô sợ đặt xuống.

Mấy đứa con trai chỉ tầm tuổi cô hoặc nhỏ hơn, nhưng chúng khỏe và đầy năng lượng khó lường. Đứa thứ ba, và là đứa thấp nhất, lôi những chiếc đuôi bò từ đáy rổ ra.

“Bọn yobo* này ăn thịt chó và bây giờ chúng cướp cả thức ăn của chó! Những đứa con gái như mày ăn xương á? Đồ chó cái ngu ngốc”.

Sunja chụp hụt trong không khí, cố lấy lại những chiếc xương để nấu xúp. Từ duy nhất cô có thể hiểu chắc chắn là từ “yobo”, thường có nghĩa là “anh yêu” hoặc “em yêu”, nhưng cũng là một từ mang nghĩa xúc phạm được người Nhật sử dụng để chỉ người Hàn. Thằng con trai có dáng người thấp giơ cao một chiếc xương lên và ngửi. Nó nhăn mặt.

“Tởm! Sao bọn yobo lại có thể ăn thứ cứt đái này nhỉ?”.

“Này, thứ đó đắt đấy! Trả lại đi!”. Sunja gào lên, không thể nén khóc.

“Gì cơ? Tao không hiểu mày nói gì, con bé Hàn ngu ngốc ạ. Tại sao mày không biết nói tiếng Nhật hả? Mọi thần dân trung thành của Nhật hoàng đều phải biết nói tiếng Nhật! Mày không phải là một thần dân trung thành hả?”.

Thằng con trai có dáng người cao phớt lờ những đứa khác. Nó đánh giá cỡ ngực của Sunja.

“Con yobo này vú to thật đấy. Gái Nhật mảnh khảnh, không giống những con cái này”.

Sợ hãi, Sunja quyết định quên chỗ thực phẩm ấy và bắt đầu bước đi, nhưng mấy thằng con trai đó vây lấy cô, không để cô đi qua.

“Hãy bóp những quả dưa của nó đi”. Thằng con trai cao lêu nghêu dùng bàn tay phải chộp bầu vú bên trái của cô. “Rất ngon, căng mọng. Chúng mày có muốn cắn một miếng không?”. Nó ghé sát ngực cô há miệng rõ to.

Thằng con trai có dáng người thấp giữ cái rổ đã nhẹ đi của cô chặt đến nỗi cô không thể cử động, rồi dùng ngón trỏ và ngón cái xoắn núm vú bên phải của cô.

Thằng thứ ba gợi ý, “Hãy lôi nó vào chỗ nào đó và xem thứ gì ở dưới cái váy dài kia. Quên việc câu cá đi! Con bé này có thể là mẻ thu hoạch của chúng ta”.

Thằng con trai cao lêu nghêu huých khung xương chậu của nó về phía cô. “Mày muốn nếm vị con lươn của tao đến mức nào hả?”.

“Để cho tôi đi. Tôi kêu lên bây giờ đấy”, cô nói, nhưng cảm thấy như thể cổ họng mình tắc nghẹn. Thế rồi cô nhìn thấy người đàn ông ấy đứng phía sau thằng con trai cao nghều.

Hansu túm đám tóc gáy ngắn cũn của nó bằng một tay, và kẹp chặt cái miệng của nó bằng tay kia.

“Lại gần đây”, ông ta rít lên với những đứa kia, và thật đáng khen, chúng không bỏ rơi thằng bạn đang mở mắt thao láo trong sợ hãi.

“Mấy thằng chó đẻ đáng chết”, ông ta nói bằng thứ tiếng lóng hoàn hảo của người Nhật. “Nếu chúng mày còn quấy rầy cô gái này hoặc còn thò cái mặt tởm lợm của chúng mày ra ở khu vực này nữa, thì tao sẽ cho chúng mày chết tươi. Tao sẽ khiến chúng mày và gia đình chúng mày phải chết dưới tay những sát thủ người Nhật giỏi nhất mà tao biết, và không ai hay lũ chúng mày đã chết như thế nào. Cha mẹ của chúng mày là những kẻ thất bại ở Nhật, đó là lý do chúng mày phải sống ở đây. Đừng có nghĩ rằng chúng mày tài giỏi hơn những người ở đây”. Hansu mỉm cười khi ông ta nói điều này. “Bây giờ tao có thể giết chúng mày, và không một ai can thiệp hết, nhưng việc đó quá dễ. Khi tao quyết định, tao có thể khiến chúng mày bị bắt, bị tra tấn, rồi bị giết. Hôm nay tao chỉ cảnh báo chúng mày thôi bởi vì tao độ lượng, và vì chúng ta đang đứng trước một cô gái trẻ”.

Hai đứa con trai vẫn im lặng, nhìn đôi mắt lồi ra của bạn chúng. Người đàn ông mặc bộ com-lê màu trắng ngà, đi đôi giày da giật tóc thằng con trai đó mỗi lúc một mạnh hơn. Thằng đó thậm chí không cố kêu la, bởi vì nó có thể cảm nhận được sức mạnh đáng sợ từ sức ép không khoan nhượng của người đàn ông.

Người đàn ông phát âm chuẩn xác như người Nhật, nhưng qua hành động của ông ta mấy thằng con trai nghĩ rằng ông ta là người Hàn. Chúng không biết ông ta là ai, nhưng chúng không mảy may nghi ngờ những lời đe dọa của ông ta.

“Từng thằng khốn kiếp một, hãy xin lỗi mau”, Hansu nói với mấy thằng con trai.

“Chúng tôi xin lỗi”. Bọn chúng cúi đầu một cách nghiêm túc trước cô.

Cô nhìn chúng, không biết phải làm gì.

Chúng cúi đầu lần nữa, và Hansu nới lỏng bàn tay đang nắm tóc thằng con trai kia một chút.

Hansu quay sang Sunja mỉm cười.

“Chúng nói rằng chúng xin lỗi. Dĩ nhiên bằng tiếng Nhật. Cô có muốn chúng xin lỗi cả bằng tiếng Hàn không? Tôi có thể bắt chúng làm điều đó. Tôi có thể bắt chúng viết thư xin lỗi nếu cô muốn”.

Sunja lắc đầu. Thằng con trai cao nghều bây giờ đang khóc.

“Cô có muốn tôi ném chúng xuống biển không?”.

Ông ta nói đùa, nhưng cô không thể cười nổi. Sunja lại cố lắc đầu. Mấy đứa con trai này có thể đã lôi cô đến một chỗ nào đó không ai nhìn thấy chúng. Tại sao Koh Hansu không sợ cha mẹ của chúng?

Cô nghĩ chắc chắn một học sinh người Nhật có thể khiến một người đàn ông trưởng thành người Hàn gặp rắc rối. Tại sao ông ta không sợ? Sunja bắt đầu khóc. “Thôi được rồi”, Hansu nói nhỏ với cô và buông tay ra khỏi thằng đó.

Bọn chúng nhặt quả dưa và những chiếc xương lợn bỏ trả vào rổ.

“Chúng tôi rất xin lỗi”, chúng nói và cúi đầu thật thấp.

“Không bao giờ được bén mảng tới đây nữa nghe chưa. Chúng mày có hiểu không hả, cái đồ não toàn cứt?”.

Hansu nói bằng tiếng Nhật, mỉm cười thân ái để đảm bảo rằng Sunja không hiểu nghĩa của lời ông ta nói.

Mấy thằng con trai lại cúi đầu. Thằng con trai cao nghều đã són ra quần một chút. Bọn chúng đi về hướng thành phố.

Sunja đặt những cái rổ xuống đất và khóc. Cô có cảm giác như thể cánh tay mình sắp rụng. Hansu vỗ nhẹ vào vai cô.

“Cô sống ở Yeongdo”.

Cô gật đầu.

“Mẹ cô là chủ nhà trọ”.

“Vâng, thưa ông”.

“Tôi sẽ đưa cô về nhà”.

Cô lắc đầu.

“Tôi làm phiền ông như vậy đủ rồi. Tôi có thể tự về được”. Sunja không thể ngẩng đầu lên.

“Nghe này, cô phải cẩn thận, không được đi một mình hoặc đi ra ngoài ban đêm. Nếu cô đi chợ một mình, cô phải đi theo đường cái quan. Luôn có người qua lại. Bọn chúng đang tìm kiếm các cô gái”.

Cô không hiểu.

“Chính phủ thuộc địa. Để đưa sang Trung Quốc cho lính tráng. Đừng đi theo bất kỳ ai. Đó có thể là người Hàn, một người đàn bà hoặc một người đàn ông, nói với cô rằng ở Trung Quốc hoặc ở Nhật có việc làm tốt. Đó có thể là một người nào đó mà cô biết. Hãy cảnh giác, tôi không chỉ muốn nói đến mấy thằng ngu xuẩn đó đâu. Chúng chỉ là những đứa trẻ mất nết. Nhưng ngay cả những thằng đó cũng có thể làm hại cô nếu cô không cảnh giác. Cô có hiểu không?”.

Sunja đâu có đang tìm việc, và cô không hiểu tại sao ông ta lại nói với cô về chuyện đó. Chưa từng có ai tiếp cận cô để dụ cô đi làm việc ở nơi xa. Dù sao chăng nữa cô cũng sẽ không bao giờ rời xa mẹ mình, nhưng ông ta nói đúng. Luôn có khả năng phụ nữ bị làm nhục. Những người phụ nữ quý tộc phải giấu những con dao bằng bạc trong áo cánh để tự vệ hoặc để tự sát nếu họ bị làm nhục.

Hansu đưa cho cô một chiếc khăn tay, và cô lau mặt.

“Cô nên về nhà đi. Mẹ cô sẽ lo lắng đấy”.

Hansu tiễn cô ra bến đò. Sunja đặt rổ của mình xuống lòng đò và ngồi xuống. Ngoài cô, chuyến đò đó chỉ có hai người khách nữa.

Sunja cúi đầu chào. Koh Hansu lại nhìn cô, nhưng lần này mặt ông ta khác trước; ông ta trông có vẻ lo lắng. Khi con đò trôi xa khỏi bến, cô chợt nhớ ra rằng cô chưa cảm ơn ông ta.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3