Pachinko - Chương 12

Osaka, tháng Tư năm 1933

Khi Yoseb Baek mệt với việc đứng đổi chân này sang chân kia, anh đi đi lại lại quanh ga tàu hỏa Osaka như một người đang ở tù. Nếu tới đây cùng với một người bạn, thì anh đã có thể đứng yên một chỗ bằng cách chém gió, nhưng anh đi một mình. Yoseb vốn là người cởi mở và mặc dù tiếng Nhật của anh trên cả mức thành thạo, nhưng giọng của anh luôn tiết lộ bí mật của anh. Chỉ riêng vẻ bề ngoài, anh có thể tiếp cận bất cứ người Nhật nào và nhận một nụ cười lịch thiệp, nhưng anh để mất sự chào đón nồng nhiệt ngay khi anh nói điều gì đó. Suy cho cùng, anh là người Hàn và dù tính cách của anh hấp dẫn tới mức nào, thật không may anh vẫn thuộc giống người khôn vặt và xảo trá. Có nhiều người Nhật không thành kiến và có phép tắc, nhưng ở giữa những người nước ngoài, họ có xu hướng thận trọng. Những kẻ khôn khéo, đặc biệt, bạn phải đề phòng những kẻ đó - người Hàn là những kẻ gây rắc rối bẩm sinh. Sau khi sống ở Nhật hơn một thập kỷ, Yoseb đã nghe thấy tất cả những điều đó. Anh không bận tâm về chúng; điều đó dường như đáng khinh đối với anh. Viên cảnh sát tuần tra quanh ga Osaka đã để ý thấy vẻ bồn chồn của Yoseb, nhưng đợi tàu với vẻ sốt ruột đâu phải là phạm tội.

Viên cảnh sát ấy không biết anh là người Hàn, bởi vì thái độ và quần áo của Yoseb không tiết lộ gốc gác của anh. Hầu hết người Nhật tuyên bố rằng họ có thể phân biệt được một người Nhật và một người Hàn, nhưng mọi người Hàn đều biết rằng đó là nói xạo. Bạn có thể bắt chước bất kỳ ai. Yoseb mặc quần áo đường phố của một người đàn ông lao động bình thường ở Osaka - quần âu trơn, áo sơ mi lịch sự may kiểu Tây và một chiếc áo khoác len dày không lộ vết sờn. Từ lâu anh đã dẹp bỏ những bộ đồ sang trọng mà anh mang từ Bình Nhưỡng sang - những bộ com-lê đắt tiền mà cha mẹ anh đặt may ở một cửa hiệu chuyên may quần áo cho các nhà truyền giáo người Canada và gia đình họ. Trong sáu năm qua, Yoseb làm quản đốc tại một nhà máy sản xuất bánh bích quy, giám sát ba mươi cô gái và hai người đàn ông. Vì công việc, anh cần phải ăn mặc chỉn chu - chỉ vậy thôi. Anh không cần mặc bảnh bao hơn ông Shimamura, ông chủ của anh; ông ta đã nói toạc móng heo rằng có thể thay Yoseb ngay trước buổi sáng. Hằng ngày, những chuyến tàu hỏa và tàu thủy từ Jeju đưa những người Hàn đói khát đến Osaka và ông Shimamura có thể có được sự lựa chọn tốt nhất.

Yoseb cảm thấy biết ơn vì em trai mình sẽ đến Osaka vào Chủ nhật, ngày nghỉ của anh. Ở nhà, Kyunghee đang chuẩn bị một bữa liên hoan. Nếu không, chị cũng theo anh ra đây. Họ cực kỳ tò mò về cô gái mà Isak đã cưới. Hoàn cảnh của cô gây sửng sốt, nhưng điều mà Isak đã quyết định làm thì chẳng đáng ngạc nhiên chút nào. Không ai trong gia đình còn lạ gì những hành động vì người khác của Isak. Khi còn nhỏ, anh đã là người có thể nhường bữa ăn và những gì anh có cho người nghèo nếu anh được phép. Trong thời thơ ấu, cậu bé Isak hầu như toàn ở trên giường bệnh đọc sách. Những bữa ăn thừa thãi được mang tới phòng anh trên những chiếc khay bằng gỗ táo bóng loáng. Tuy nhiên anh vẫn gầy như chiếc đũa, mặc dù mọi hạt cơm vẫn được gắp khỏi chiếc bát sắt khi khay của anh được mang trở lại bếp. Tất nhiên, những người hầu không bao giờ ra khỏi phòng anh mà không được chén một phần kha khá thức ăn mà Isak đã chủ động tặng họ. Yoseb nghĩ, cơm và cá của chú là một nhẽ, nhưng cuộc hôn nhân này thì quá lắm. Đồng ý làm cha đứa con của người đàn ông khác! Vợ của anh, chị Kyunghee, đã bắt anh hứa sẽ kiềm chế sự phán xét cho tới khi họ biết nhiều hơn về cô gái đó. Cũng giống Isak, chị cảm thông trước lỗi lầm.

Khi tàu Shimonoseki vào ga, đám đông những người đang chờ đợi tỏa ra theo sự chính xác có tổ chức. Những người khuân vác chạy tới giúp những hành khách ở toa hạng nhất; tất cả những người khác dường như đều biết phải đi đâu. Với cái đầu cao hơn những cái đầu khác, Isak nổi bật giữa đám đông. Chiếc mũ nỉ màu tro được đội lệch trên cái đầu dễ coi của anh và cặp kính gọng bằng mai rùa hơi trễ xuống trên sống mũi thẳng của anh. Isak nhìn khắp đám đông, nhận ra Yoseb và giơ bàn tay phải gầy gò lên vẫy.

Yoseb chạy tới chỗ em. Cậu bé ngày nào đã trở thành người lớn. Isak thậm chí còn gầy hơn cả lần gần đây nhất Yoseb nhớ được; làn da trắng của anh xanh xao hơn, và những đường gân nổi rõ quanh đôi mắt hiền từ biết cười của anh. Isak có khuôn mặt giống anh cả Samoel của họ; khuôn mặt thật thà. Bộ đồ Tây được người thợ may của gia đình khâu tay rộng thùng thình trên thân hình tiều tụy của anh. Cậu bé ốm yếu, nhút nhát mà Yoseb đã rời xa mười một năm trước giờ đây đã phát triển thành một người đàn ông cao lêu nghêu, thân hình gầy guộc của anh kiệt quệ hơn sau trận ốm vừa rồi. Làm sao cha mẹ anh lại để Isak đi Osaka chứ? Tại sao Yoseb cứ nài em trai mình sang đây chứ?

Yoseb vòng tay ôm em trai và ghì chặt. Ở đây, người duy nhất Yoseb chạm vào là vợ anh, và thật mừng khi được ở bên người ruột thịt - có thể cảm nhận cảm giác râu trên mặt em trai mình cọ vào tai. Người em trai bé bỏng ngày nào giờ đã có râu rồi cơ đấy, Yoseb không khỏi ngỡ ngàng.

“Em chóng lớn quá!”.

Cả hai cùng cười bởi vì đúng thế thật và bởi đã lâu quá rồi anh em họ mới lại gặp nhau.

“Anh”, Isak nói. “Anh trai của em”.

“Isak, em đã đến. Anh thật mừng”.

Isak cười rạng rỡ, mắt anh nhìn khuôn mặt của anh mình không rời.

“Nhưng em cao lớn hơn anh nhiều. Thật bất kính!”. Isak cúi gập người làm động tác tạ lỗi hài hước.

Sunja đứng đó ôm mấy bọc hành lý. Cô cảm thấy được an ủi trước sự thoải mái và ấm áp của anh em họ. Anh của Isak vui tính. Câu đùa của anh khiến cô nhớ đến người khách trọ của nhà cô, cậu Fatso. Thoạt đầu khi Fatso biết cô sẽ lấy Isak, cậu giả vờ ngất, ngã vật ra sàn phòng khách. Lát sau cậu rút ví ra và đưa cho cô mười yên - tiền công lao động của một người đàn ông trong hai ngày - bảo cô mua thứ gì đó ngon ngon mà ăn cùng chồng khi đến Osaka. “Khi cô nhai bánh gạo ngọt lịm ở Nhật, hãy nhớ đến tôi đang cô đơn, buồn bã ở Yeongdo này, nhớ cô cồn cào; hãy tưởng tượng trái tim của Fatso này đã tan nát như miệng của con cá vược biển bị mắc câu khi còn quá nhỏ”. Cậu giả vờ khóc, dùng nắm tay múp míp của mình dụi mắt và tạo ra những tiếng hu hu ầm ĩ. Các anh trai bảo cậu ta im đi, và mỗi người bọn họ cho cô mười yên làm quà cưới.

“Vậy là em đã lấy vợ rồi cơ đấy!”, Yoseb nói, nhìn kỹ cô gái bé nhỏ đứng bên cạnh Isak.

Sunja cúi chào anh chồng.

“Gặp lại em thật vui”, Yoseb nói. “Mới hồi nào em còn bé xíu; em thường bám nhằng nhẵng theo cha. Có lẽ lúc đó em mới năm hoặc sáu tuổi thôi nhỉ? Tôi không nghĩ em còn nhớ tôi”.

Sunja lắc đầu bởi vì cô đã cố nhớ nhưng không thể.

“Tôi còn nhớ cha em rất rõ. Tôi rất tiếc khi nghe tin ông đã qua đời; ông là người rất thông minh. Tôi thích nói chuyện với ông. Ông không nói thừa một từ nào, nhưng tất cả những gì ông nói đều đã được cân nhắc kỹ. Mẹ của em làm món ăn ngon nhất”.

Sunja nhìn xuống.

“Anh, cảm ơn anh vì đã cho phép em đến đây. Mẹ em gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới anh vì sự rộng lượng của anh”.

“Em và mẹ em đã cứu mạng Isak. Tôi biết ơn em và mẹ em, Sunja ạ. Gia đình tôi chịu ơn gia đình bên ấy”.

Yoseb xách đỡ Isak những chiếc va li nặng, còn Isak xách mấy cái tay nải nhẹ hơn của Sunja. Yoseb để ý thấy bụng cô nhô ra nhưng cô mang thai chưa thật rõ bụng lắm. Anh quay nhìn về phía lối ra của ga tàu. Vẻ ngoài và cách nói năng của cô gái không giống một đứa con gái quê lẳng lơ. Cô dường như khiêm tốn và mộc mạc đến nỗi Yoseb tự hỏi liệu có phải cô đã bị một kẻ nào đó mà cô quen biết hãm hiếp hay không. Hẳn là chuyện đã xảy ra như thế và có lẽ cô gái bị đổ lỗi quyến rũ một người đàn ông.

“Chị đâu ạ?”. Isak hỏi, nhìn quanh tìm kiếm Kyunghee.

“Ở nhà. Đang nấu bữa tối cho các em. Chắc các em đói rồi. Hàng xóm chắc hẳn chết vì ghen tị trước mùi thơm tỏa ra từ bếp đấy!”. Isak mỉm cười; anh rất quý chị dâu.

Sunja khép chặt áo khoác vào người, ý thức được rằng những người qua đường đang nhìn chằm chằm bộ váy truyền thống của cô. Không ai khác ở ga tàu mặc hanbok.

“Chị dâu của anh là người nấu ăn tuyệt ngon”, Isak nói với Sunja, vui mừng trước ý nghĩ được gặp lại Kyunghee.

Yoseb nhận thấy mọi người đều nhìn cô gái. Anh hiểu rằng cô cần mấy bộ quần áo.

“Về nhà thôi!”. Yoseb dẫn họ ra khỏi nhà ga ngay lập tức.

Con đường đối diện với ga Osaka đầy xe điện; những đám khách bộ hành đổ vào và đổ ra các cổng chính như suối chảy. Sunja bước theo sau hai anh em họ trong khi họ thận trọng đi qua đám đông. Khi họ bước về phía chiếc xe điện, cô ngoái đầu lại trong tích tắc và chớp lấy hình ảnh của ga tàu hỏa. Tòa nhà được xây theo kiểu Tây trông chẳng giống bất cứ tòa kiến trúc nào mà cô từng thấy trước đây - một con vật kếch xù bằng đá và bê tông. Ga Shimonoseki, cái nhà ga mà cô đã nghĩ là to, bé xíu so với tòa kiến trúc khổng lồ này.

Hai người đàn ông bước nhanh và cô cố theo kịp họ. Xe điện đang tới. Cô đã từng mường tượng mình đến Osaka. Cô đã hình dung mình đi phà Shimonoseki, tàu hỏa Osaka, thậm chí xe điện có thể đi nhanh hơn một cậu bé chạy bộ hoặc đi xe đạp. Khi những chiếc xe hơi chạy qua, cô kinh ngạc vì chúng trông giống những con bò đực bằng sắt có bánh xe, như Hansu đã gọi. Cô là một con bé nhà quê, nhưng cô đã từng nghe kể về tất cả những thứ này. Tuy nhiên cô không thể nói rằng cô biết về những người soát vé mặc đồng phục, các nhân viên của sở nhập cư, những người khuân vác, và những chiếc xe điện, đèn điện, bếp dầu, điện thoại, vậy nên tại trạm dừng của xe điện, Sunja vẫn giữ im lặng và đứng im như một mầm cây mọc lên từ đất mới, mọc thẳng và vươn ra để nhận ánh sáng. Đáng lẽ cô rời khỏi nơi mình sinh ra để ngắm thế giới cùng Hansu, và bây giờ cô đang ngắm nó mà không có ông ta.

Yoseb chỉ cho Sunja chiếc ghế trống duy nhất ở phía cuối xe và bảo cô tới đó ngồi. Cô cầm lấy những tay nải từ tay Isak và ôm chúng trong lòng. Hai anh em họ đứng cạnh nhau trao đổi với nhau tin tức của gia đình. Sunja không để tâm đến cuộc trò chuyện của họ.

Như lúc trước, cô ôm mấy cái bọc vào sát ngực và bụng để hít cái mùi của nhà cô còn vương trên tấm vải bọc tư trang. Những đại lộ ở trung tâm Osaka được viền bằng những dãy nhà gạch thấp và những cửa hiệu sang trọng. Người Nhật định cư ở Busan giống người Nhật ở đây, nhưng có nhiều loại người hơn.

Ở ga tàu, có những người đàn ông trẻ mặc com-lê đẹp mắt khiến bộ đồ của Isak trông có vẻ lỗi mốt và cổ lỗ sĩ, còn những phụ nữ xinh đẹp mặc những bộ kimono lộng lẫy có thể khiến Dokhee phát ngất vì mê mẩn trước màu sắc và họa tiết độc đáo của chúng. Cũng có những người trông rất nghèo chắc hẳn là người Nhật - đó là điều mà cô chưa bao giờ thấy ở Busan. Những người đàn ông khạc nhổ trên đường phố một cách tùy tiện. Chuyến xe điện thật ngắn ngủi đối với cô.

Họ xuống xe tại Ikaino, khu ổ chuột nơi dân Hàn sinh sống. Khi họ tới nhà Yoseb, nó trông khác nhiều so với những ngôi nhà đẹp mà cô đã đi qua trên chuyến tàu điện từ nhà ga. Mùi hôi thối của súc vật át cả mùi thức ăn đang đưọc nấu hoặc thậm chí cả mùi khai của nhà vệ sinh. Sunja muốn bịt mũi và miệng lại, nhưng kiềm chế không làm thế.

Ikaino là một ngôi làng “nhảy dù” gồm những ngôi nhà tồi tàn, chẳng cái nào ra cái nào. Những cái lán tạm bợ đồng nhất trong cách dựng sơ sài với những vật liệu mỏng manh. Đâu đâu cũng có một cái cổng đang được quét vôi hoặc cửa sổ được đánh bóng, nhưng phần lớn mặt tiền đều ở trong tình trạng ọp ẹp. Những tờ báo lót và những tấm giấy nhựa đường che các ô cửa sổ từ phía trong, những miếng chêm bằng gỗ được sử dụng để vít các vết nứt. Kim loại được sử dụng trên mái thường đã gỉ sét. Những ngôi nhà trông có vẻ như do chính những người trú ngụ ở đó dựng lên bằng các vật liệu rẻ tiền hoặc được nhặt nhạnh - chẳng vững chắc hơn những túp lều là bao. Khói thoát ra từ những ống khói bằng thép tạm bợ. Tiết trời ấm cho một tối mùa xuân; trẻ con mặc rách rưới, có quần thì chẳng có áo, chơi trò đuổi bắt, chẳng để ý đến một người đàn ông say xỉn đang ngủ trong ngõ. Một đứa bé trai ỉa cạnh một cánh cổng gần nhà Yoseb.

Yoseb và Kyunghee sống trong một căn nhà dựng sơ sài trông như một cái hộp với mái nhà hơi dốc. Bộ khung gỗ của ngôi nhà được che bằng tôn múi. Một tấm ván ô bằng gỗ ép với mặt ngoài bằng kim loại được dùng làm cửa ra vào.

“Nơi này chỉ phù hợp cho lợn và người Hàn thôi”, Yoseb nói và cười thành tiếng. “Nó không giống nhà lắm, đúng không?”.

“Không, như thế này là tốt chán cho chúng em rồi”, Isak mỉm cười nói. “Em xin lỗi vì sự bất tiện mà chúng em sẽ gây ra”.

Sunja không thể tin Yoseb và vợ anh lại sống nghèo khổ như vậy. Không thể có chuyện đốc công của một nhà máy có thể sống trong một khu ổ chuột bần cùng như thế này.

“Người Nhật không cho bọn anh thuê những chỗ tử tế. Bọn anh mua căn nhà này tám năm trước. Anh nghĩ vợ chồng anh là những người Hàn duy nhất sở hữu một ngôi nhà trong dãy này, nhưng không ai biết điều đó”.

“Tại sao?”. Isak hỏi.

“Nói ra mình sở hữu một căn nhà là không hay. Các địa chủ ở đây là những thằng con hoang; tất cả mọi người đều phàn nàn như vậy. Anh mua căn nhà này bằng tiền cha đã cho anh khi anh chuyển đến đây. Bây giờ thì anh không thể mua nổi đâu”.

Tiếng lợn kêu eng éc vọng tới từ nhà hàng xóm có những cánh cửa sổ làm bằng giấy nhựa đường.

“Đấy. Hàng xóm của bọn anh nuôi lợn. Lũ lợn sống với chị ta và đàn con”.

“Mấy đứa ạ?”.

“Bốn đứa con và ba con lợn”.

“Tất cả trong cái nhà đó?”. Isak thì thầm.

Yoseb gật đầu, nhướn mày.

“Sống ở đây không thể đắt đỏ đến thế được”, Isak nói. Anh đã tính thuê một ngôi nhà cho Sunja, cho anh và đứa bé.

“Các tá điền trả quá nửa những gì họ kiếm được để thuê nhà. Giá thực phẩm ở đây cao hơn ở nước mình nhiều”.

Hansu sở hữu nhiều đất đai ở Osaka. Làm thế nào ông ta có thể có nhiều đất đai như thế? Cô tự hỏi.

Cửa phụ dẫn xuống bếp bật mở, và Kyunghee ngó ra. Chị đặt cái xô đang xách trên tay xuống bên bậc cửa.

“Gì thế này! Mấy anh em đứng ngoài này làm gì vậy? Vào nhà đi, vào đi! Hừm!”.

Kyunghee kêu lên. Chị chạy vội ra đón Isak và dùng hai tay ôm khuôn mặt của anh. “Ôi, chị vui quá. Em đến rồi! Tạ ơn Chúa!”.

“Amen”, Isak nói, để yên cho Kyunghee, vốn biết anh từ khi anh còn là một đứa trẻ sơ sinh, cưng nựng mình.

“Lần gần đây nhất chị gặp em là ngay trước hôm chị rời nhà! Vào nhà đi!”. Chị ra lệnh cho Isak theo kiểu vui đùa, sau đó quay sang Sunja. “Em không biết chị đã mong có một cô em gái bao lâu đâu. Chị ở đây cô đơn lắm, luôn muốn nói chuyện với một cô gái!”. Kyunghee nói. “Chị cứ lo em không bắt được tàu hỏa. Em thế nào? Có mệt không? Chắc em đói rồi”.

Kyunghee nắm tay Sunja và hai người đàn ông đi theo họ vào nhà. Sunja không dám mong sự ấm áp này. Kyunghee có khuôn mặt đẹp - đôi mắt mang hình dạng và màu sắc của hạt trái hồng, khuôn miệng xinh. Chị có làn da trắng như hoa mẫu đơn trắng. Chị dường như quyến rũ và sinh động hơn nhiều so với Sunja, cô kém chị hơn một giáp. Mái tóc đen mượt búi cao được cài bằng một chiếc trâm gỗ, Kyunghee đeo chiếc tạp dề bằng vải bông bên ngoài chiếc váy kiểu tây màu xanh dương. Chị trông giống một cô nữ sinh mảnh dẻ hơn là một bà nội trợ ba mươi mốt tuổi. Kyunghee đưa tay ra xách chiếc ấm trà bằng đồng được đặt trên bếp dầu.

“Anh đã kiếm thứ gì cho các em ấy ăn uống tạm tại nhà ga rồi chứ?”. Chị hỏi chồng. Chị rót trà ra một chiếc cốc bằng đất nung. Anh cười. “Em bảo rằng hãy về nhà nhanh hết mức có thể kia mà!”.

“Một người anh thật là! Thôi khỏi. Em vui quá nên khỏi rầy la. Anh đưa các em ấy về nhà là được rồi”. Kyunghee đứng bên cạnh Sunja vuốt tóc cô.

Cô gái có khuôn mặt dẹt, bình thường và đôi mắt mỏng. Các đường nét của cô đều nhỏ. Sunja không xấu, nhưng rõ ràng không hấp dẫn. Khuôn mặt và cái cổ của cô mập còn cổ chân của cô thì phình ra một cách nặng nề. Sunja trông có vẻ căng thẳng, và Kyunghee cảm thấy thương cô, muốn cô biết rằng cô không cần phải căng thẳng như vậy. Hai bím tóc dài buông xuống lưng Sunja được buộc bằng hai dải dây vải sợi dầu gai thô và mỏng. Bụng cô nhô cao; Kyunghee đoán đứa trẻ có thể là con trai.

Kyunghee đưa tách trà cho cô, Sunja cúi đầu nhận tách trà bằng hai bàn tay run run.

“Em có lạnh không? Em mặc không nhiều”. Kyunghee trải một tấm nệm xuống gần chiếc bàn ăn thấp và buộc cô gái phải ngồi xuống đó. Chị phủ một tấm mền bông màu táo xanh lên lòng Sunja. Sunja uống từng ngụm trà yến mạch nóng.

Vẻ ngoài của ngôi nhà không cho biết sự tiện nghi và thoải mái ở bên trong nó. Lớn lên trong một gia đình có nhiều người hầu, Kyunghee đã học được cách giữ cho ngôi nhà sạch sẽ và hấp dẫn cho vợ chồng mình. Họ sở hữu một ngôi nhà có diện tích bằng sáu tấm chiếu tatami với ba phòng dành cho chỉ hai vợ chồng; điều này chưa từng có trong khu người Hàn đông đúc, nơi mười người có thể ngủ trong một căn phòng trải vừa hai tấm tatami. Tuy nhiên, so với những ngôi nhà lớn mà vợ chồng chị đã sống ngày trước, căn nhà của họ nhỏ một cách lố bịch, dành cho một người đầy tớ già cũng không đáng. Khi Kyunghee đến đoàn tụ với Yoseb ở Osaka, vợ chồng họ mua ngôi nhà này từ một góa phụ người Nhật rất nghèo đã chuyển sang sống ở Seoul cùng con trai. Có nhiều loại người Hàn sống ở Ikaino, và họ đã biết cảnh giác với sự lừa đảo và tội phạm giữa người Hàn với nhau.

“Đừng bao giờ cho bất cứ ai mượn tiền”, Yoseb nói, nhìn thẳng vào Isak, người có vẻ không hiểu mệnh lệnh của anh trai mình cho lắm.

“Chúng ta không thể bàn về những chuyện này sau khi các em ấy ăn xong ư? Hai người vừa mới chân ướt chân ráo tới đây”, Kyunghee van vỉ.

“Nếu các em có tiền dư hoặc vật có giá trị, thì hãy cho anh biết. Bọn anh sẽ cất hộ cho. Anh có tài khoản ngân hàng. Tất cả mọi người sống ở đây đều cần tiền tiêu, quần áo, tiền thuê nhà, và thức ăn; hầu như không thể làm gì để giải quyết mọi vấn đề của họ. Chúng ta sẽ hiến tặng cho nhà thờ - không khác với cách chúng ta được nuôi nấng - nhưng nhà thờ phải ban phát mọi thứ. Các em không hiểu cuộc sống ở đây như thế nào đâu. Hãy cố tránh nói chuyện với hàng xóm, và đừng bao giờ để bất cứ ai vào nhà”, Yoseb nói một cách hòa nhã với Isak và Sunja.

“Anh mong em tôn trọng những luật lệ này, Isak ạ. Em là người rộng lượng, nhưng điều đó có thể nguy hiểm cho chúng ta. Nếu người ta nghĩ rằng chúng ta có thừa tiền, thì nhà chúng ta sẽ bị trộm cướp. Chúng ta không có nhiều tiền, Isak ạ. Chúng ta cũng phải rất cảnh giác. Một khi em bắt đầu cho đi, chuyện đó sẽ không bao giờ dừng lại. Một số người ở đây nghiện rượu và cờ bạc; những bà mẹ tuyệt vọng khi tiền cạn kiệt. Anh không trách họ, nhưng bọn anh phải lo cho cha mẹ mình và cha mẹ của Kyunghee trước đã”.

“Anh ấy nói tất cả những điều đó bởi vì chị đã khiến bọn chị gặp khó khăn”, Kyunghee nói.

“Chị nói thế nghĩa là thế nào ạ?”. Isak hỏi.

“Khi chị mới tới đây, chị đã đem đồ ăn cho hàng xóm và chẳng bao lâu sau ngày nào họ cũng hỏi xin bọn chị đồ ăn. Chị đã tặng cả bữa tối của mình cho họ và họ không chịu hiểu khi chị phải giữ lại chút ít cho bữa trưa của anh trai em ngày hôm sau; thế rồi một hôm họ đột nhập vào nhà bọn chị, lấy đi bao khoai tây cuối cùng. Họ nói không phải họ mà là người nào đó họ biết…”.

“Họ đói”, Isak nói, cố gắng hiểu câu chuyện.

Yoseb trông có vẻ tức giận.

“Ai mà chẳng đói. Họ trộm cắp. Các em phải cẩn thận đấy. Bởi vì họ là người Hàn nhưng không có nghĩa họ là bạn của chúng ta. Hãy cẩn thận hơn với những người Hàn khác; kẻ xấu biết rằng cảnh sát không nghe lời phàn nàn của chúng ta đâu. Nhà của bọn anh đã bị đột nhập hai lần rồi. Kyunghee đã bị mất đồ trang sức”. Yoseb lại nhìn Isak bằng ánh mắt cảnh báo.

“Và ở khu này, phụ nữ ở nhà cả ngày. Chị không bao giờ để tiền và những thứ có giá trị ở trong nhà”.

Kyunghee không nói gì thêm. Chị chưa bao giờ chợt nảy ra ý nghĩ rằng cho đi vài bữa ăn sẽ dẫn đến việc chiếc trâm ngọc của mẹ chị và chiếc nhẫn cưới của chị cùng mấy chiếc vòng tay bị lấy trộm. Sau khi nhà họ bị đột nhập lần thứ hai, Yoseb giận chị mấy ngày.

“Chị đi rán cá đây. Tại sao chúng ta không vừa ăn vừa nói chuyện nhỉ?”. Chị nói và mỉm cười, đi vào căn bếp nhỏ xíu ở sát cửa sau.

“Chị, để em giúp chị được không?”. Sunja hỏi.

Kyunghee gật đầu, vỗ lưng cô.

Chị thì thầm, “Đừng sợ hàng xóm. Họ là người tốt. Chồng chị - chị muốn nói, anh chồng của em đấy - nhắc các em cảnh giác là đúng. Anh ấy hiểu biết về những chuyện đó hơn. Anh ấy không muốn chúng ta giao du với những người sống ở đây, vậy nên chị không giao du. Chị cô đơn lắm. Chị thật mừng vì em đến đây. Và nhà sẽ có trẻ con nữa!”. Mắt Kyunghee sáng lên. “Nhà sẽ có trẻ con, và chị sẽ được làm bác gái. Thật may phúc”.

Rất dễ nhận thấy vẻ u buồn trên gương mặt xinh đẹp của Kyunghee, nhưng theo một cách nào đó, sự đau khổ và thiếu thốn càng khiến chị đẹp hơn. Trong suốt từng ấy năm, họ không có con, và Isak đã nói với Sunja rằng đó là vì Kyunghee và Yoseb không muốn có.

Gian bếp chẳng có gì ngoài một chiếc bếp lò, hai cái chậu rửa và một chiếc bàn có thể gấp đôi lại làm thớt thái - bếp chỉ rộng bằng một phần nhỏ gian bếp ở Yeoungdo. Chỉ có đủ chỗ cho hai người bọn họ đứng sát vào nhau, nhưng họ không thể đi lại trong đó nhiều. Sunja xắn tay áo lên và rửa tay từ vòi nước trong cái bồn rửa được lắp tạm sát sàn bếp. Họ cần phải luộc rau và rán cá.

“Em Sunja…”. Kyunghee khẽ chạm vào cánh tay cô. “Chúng ta sẽ luôn là chị em của nhau”.

Người phụ nữ trẻ gật đầu đầy biết ơn, sự thành tâm đã bén rễ trong tim cô. Nhìn những đĩa thức ăn đã được chuẩn bị, lần đầu tiên trong ngày cô cảm thấy đói.

Kyunghee nhấc nắp vung xoong lên - cơm trắng.

“Chỉ cho hôm nay thôi. Cho đêm đầu tiên của em ở đây. Bây giờ đây là nhà của em”.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3