Pachinko - Chương 16
Kyunghee không nhận ra hai người đàn ông đứng ở cửa nhà mình, nhưng họ biết tên chị.
Người cao hơn có khuôn mặt nhọn hay cười hơn, nhưng người thấp hơn có vẻ mặt tử tế hơn. Họ đều mặc quần áo lao động - quần tối màu và áo sơ mi ngắn tay - nhưng cả hai đều đi giày da trông có vẻ đắt tiền. Người cao hơn nói giọng Jeju dễ nhận thấy; anh ta rút từ túi hậu ra một tờ giấy được gấp nhỏ.
“Chồng của bà đã ký giấy này”, anh ta nói, giơ ra cho chị xem một tờ giấy trông có vẻ là một văn bản chính thức. Một phần của nó được viết bằng tiếng Hàn nhưng phần nhiều được viết bằng tiếng Nhật và chữ Hán. Ở góc trên phía bên phải, Kyunghee nhận ra tên của Yoseb và cái dấu đỏ. “Ông ta chưa thanh toán”.
“Tôi không biết gì về chuyện này. Chồng tôi hiện đang ở chỗ làm”.
Kyunghee nghĩ chị có thể sẽ khóc mất và đặt tay lên cửa, hy vọng hai người đàn ông sẽ bỏ đi. “Xin hãy quay lại sau khi anh ấy ở nhà”.
Sunja đứng bên cạnh chị, tay đặt lên bụng mình. Đối với Sunja, hai người đàn ông trông không có vẻ nguy hiểm. Về thể chất, họ trông giống như những người khách trọ ở nhà cô, nhưng chị dâu cô có vẻ bối rốt
“Hôm nay tận tối anh ấy mới về. Vậy khi đó hãy tới”, Sunja nhắc lại, nhưng nói to hơn Kyunghee.
“Cô là em dâu phải không?”. Người thấp hơn nói với cô. Anh ta có má lúm đồng tiền khi mỉm cười.
Sunja không nói gì, cô không để lộ sự ngạc nhiên trước việc anh ta biết cô là ai.
Người cao hơn vẫn cười toe toét với Kyunghee. Răng của anh ta to và vuông, cắm trên khuôn lợi màu hồng nhạt.
“Chúng tôi đã nói chuyện với chồng bà rồi, nhưng ông ta không đáp lại, vậy nên chúng tôi nghĩ chúng tôi ghé qua thăm bà”. Anh ta tạm ngừng rồi nói tên chị thật chậm: “Kyunghee Baek - tôi có một người em họ tên là Kyunghee. Họ tên Nhật của bà là Bando Kimiko, phải không?”. Người đàn ông đặt bàn tay to bản lên cánh cửa và hơi đẩy nó về phía chị. Anh ta liếc nhìn Sunja. “Việc chúng tôi gặp em dâu của bà chỉ làm niềm vui của chúng ta tăng lên gấp bội, đúng không nhỉ?”. Hai người đàn ông cười vui vẻ với nhau.
Một lần nữa, Kyunghee cố nhìn tờ giấy được giơ ra trước mặt chị. “Tôi không hiểu cái này”, cuối cùng chị nói.
“Quan trọng là thế này: Yoseb Baek nợ ông chủ của chúng tôi một trăm hai mươi yên”. Anh ta chỉ vào con số 120 được viết bằng ký tự chữ Hán ở đoạn thứ hai. “Đã hai tháng nay, chồng bà không trả nợ. Chúng tôi hy vọng rằng hôm nay bà sẽ khiến ông ấy thực hiện việc đó”.
“Khoản phải trả là bao nhiêu?”. Kyunghee hỏi.
“Tám yên cộng với tiền lãi mỗi tuần”, người thấp hơn nói; anh ta có chất giọng khỏe của người vùng Kyungsangdo. “Có lẽ bà có tiền ở nhà và có thể trả cho chúng tôi chăng?”. Anh ta hỏi. “Tổng cộng khoảng hai mươi yên”.
Yoseb mới đưa cho chị tiền mua thức ăn cho hai tuần tới. Chị có sáu yên trong ví. Nếu chị đưa số tiền đó cho anh ta, thì họ không còn tiền để mua thức ăn.
“Tổng số là một trăm hai mươi yên ư?”. Sunja hỏi. Cô chẳng hiểu gì về tờ giấy đó.
Gã đàn ông có dáng người thấp trông có vẻ hơi lo lắng, và anh ta lắc đầu.
“Bây giờ tổng số nợ gần gấp đôi con số đó rồi nếu tính cả tiền lãi. Sao cô lại hỏi? Cô có tiền à?”.
“Tính đến hôm nay tổng số là hai trăm mười ba yên”, người cao nói. Anh ta luôn giỏi tính nhẩm.
“Ôi”, Kyunghee thốt lên. Chị nhắm mắt lại và dựa người vào khung cửa.
Sunja bước lên phía trước và nói bằng giọng bình tĩnh: “Chúng tôi sẽ trả ông tiền”. Cô nói với họ y như cách cô nói với Fatso, người ở trọ, khi cậu ta muốn đồ giặt của cậu phải được chuẩn bị sẵn sàng. Cô thậm chí không liếc về phía họ. “Ba giờ nữa hãy quay lại đây. Trước khi trời tối”.
“Chúng tôi sẽ gặp các bà sau”, người cao nói.
•••
Hai chị em dâu bước đi một cách mạnh mẽ về phía khu phố thương mại gần ga Tsuruhashi. Họ không nán lại trước cửa hàng vải, cũng chẳng dừng tại quầy bánh senbei; họ không chào những người bán rau thân thiện. Thay vì thế họ di chuyển một cách đồng nhất về phía điểm đến của mình.
“Chị không muốn làm điều này”, Kyunghee nói.
“Cha em đã nói với em về những người như thế. Nếu toàn bộ số nợ không được trả ngay thì tiền lãi sẽ càng ngày càng cao, và ta sẽ chẳng bao giờ trả nợ nổi đâu. Cha em nói rằng ta luôn nợ nhiều hơn số tiền ta đã vay nhiều. Hãy nghĩ về điều đó - bằng cách nào mà một trăm hai mươi yên lại thành hai trăm mười ba yên?
Hoonie Kim đã chứng kiến hàng xóm của mình mất tất cả sau khi mượn một số tiền nhỏ để mua cây giống hoặc dụng cụ trồng trọt; khi những kẻ cho vay tiền chấm dứt quan hệ với họ, những người hàng xóm của Hoonie cuối cùng đã phải gán tất cả những gì họ thu hoạch ngoài số tiền vay ban đầu. Cha của Sunja chúa ghét những kẻ cho vay nặng lãi và thường xuyên cảnh báo cô về sự nguy hiểm của việc nợ nần.
“Nếu mình biết, thì mình đã ngừng gửi tiền cho cha mẹ rồi”, Kyunghee lẩm bẩm một mình.
Sunja nhìn thẳng về phía trước, tránh tiếp xúc bằng ánh mắt với bất cứ ai nhìn về phía họ trên đường phố nhộn nhịp. Cô đang cố tính xem mình sẽ nói gì với người cầm đồ.
“Chị ạ, chị đã nhìn thấy cái biển hiệu bằng chữ Hàn của ông ta, đúng không?”. Sunja nói. “Chữ đó cho biết ông ta là người Hàn, đúng không?”.
“Chị không chắc lắm. Chị không biết có ai đã từng đến đó không”.
Lần theo những tấm biển hiệu tiếng Hàn được gắn trên mặt tiền của một tòa nhà thấp bằng gạch, hai người phụ nữ trèo lên những bậc thang rộng dẫn tới tầng hai. Tiệm cầm đồ có ô cửa được che rèm và Sunja rón rén mở nó ra.
Đó là một ngày tháng Sáu ấm áp, lặng gió, nhưng người đàn ông lớn tuổi ở phía sau bàn giấy lại đeo chiếc cà-vạt lớn bằng lụa màu xanh được nhét vào trong chiếc sơ mi công sở màu trắng và bộ vét bằng vải len màu nâu. Ba ô cửa sổ hình vuông hướng ra đường phố đều mở và hai chiếc quạt điện kêu vù vù khá êm trong các góc đối diện nhau của văn phòng. Hai người đàn ông trẻ tuổi hơn có khuôn mặt phúng phính giống nhau đang chơi bài cạnh ô cửa sổ ở chính giữa. Họ ngước mắt lên nhìn và mỉm cười với hai người phụ nữ.
“Xin mời. Tôi có thể phục vụ gì đây?”. Người cầm đồ hỏi họ bằng tiếng Hàn. Thật khó biết ông ta nói giọng vùng nào. “Các vị có muốn ngồi một lát không?”. Ông ta chỉ mấy chiếc ghế tựa và Sunja nói với ông ta rằng cô muốn đứng hơn. Kyunghee đứng bên cạnh Sunja và không chịu nhìn những người đàn ông.
Sunja mở lòng bàn tay cho ông ta xem chiếc đồng hồ bỏ túi.
“Chú, chú có thể đưa cho chúng tôi bao nhiêu tiền cho cái này?”.
Người đàn ông nhướn cặp lông mày xám đen lên và lấy một chiếc kính lúp từ trong ngăn kéo bàn ra.
“Cô kiếm thứ này ở đâu ra?”
“Mẹ tôi cho tôi. Nó là bạc nguyên chất và được dát vàng”, Sunja nói.
“Bà ấy biết cô đang đem bán nó chứ?”
“Mẹ tôi cho tôi để bán mà. Để chi dùng cho đứa bé”.
“Bà muốn đem cầm đồ thứ này để vay tiền hơn chăng? Có thể bà không muốn bán nó”, ông ta hỏi. Các khoản vay như thế hiếm khi được trả và ông ta có thể giữ món đồ được cầm cố.
Sunja nói một cách chậm rãi: “Tôi muốn bán nó. Nếu chú không muốn mua nó, thì tôi sẽ không làm phiền chú thêm nữa”.
Người cầm đồ mỉm cười, tự hỏi cô gái đang mang thai này đã đến gặp những đối thủ cạnh tranh của ông hay chưa. Chỉ cách đó vài con phố có ba tiệm cầm đồ. Không tiệm nào trong số đó là của người Hàn, nhưng nếu cô ta biết nói tiếng Nhật, thì việc bán chiếc đồng hồ này dễ như bỡn. Người đàn bà xinh đẹp đi cùng cô gái mang thai đứng trước mặt ông ta ăn mặc trông hơi giống người Nhật; thật khó mà biết được. Có khả năng người đàn bà xinh đẹp đưa cô gái mang thai này đi cùng để thương lượng với ông và có lẽ chiếc đồng hồ là của bà ta.
“Nếu cô cần bán nó”, người cầm đồ nói, “thì tôi luôn vui lòng giúp một người đồng hương”.
Sunja không nói gì. Ở ngoài chợ, nên nói rất ít, cha cô đã dạy cô như vậy.
Kyunghee ngạc nhiên vì em dâu của chị có vẻ bình tĩnh hơn bao giờ hết.
Người cầm đồ kiểm tra kỹ chiếc đồng hồ, mở cái nắp bằng bạc ra để kiểm tra phần máy có thể nhìn thấy được qua mặt sau bằng pha lê của nó. Đó là một chiếc đồng hồ bỏ túi đặc biệt và không thể tin được rằng mẹ của người phụ nữ mang thai này lại sở hữu một vật như thế. Chiếc đồng hồ này có thể chỉ mới ra lò được một năm và không có một vết xước, ông ta lật đi lật lại chiếc đồng hồ và đặt nó lên tấm đệm thấm bằng da màu xanh lá ở trên bàn.
“Ngày nay những người đàn ông trẻ thích đồng hồ đeo tay hơn. Tôi thậm chí không chắc mình có thể bán được vật này hay không”.
Sunja để ý thấy người cầm đồ chớp mắt liên tục sau khi nói điều này, nhưng trước đó khi nói chuyện với cô, ông ta không hề chớp mắt lần nào.
“Cảm ơn chú đã xem nó”, Sunja nói và quay đi.
Kyunghee cố không lộ vẻ lo lắng. Sunja nhặt chiếc đồng hồ và nâng đuôi váy dài của mình lên, chuẩn bị bước ra khỏi tiệm. “Chúng tôi cảm kích vì chú đã dành thời gian cho chúng tôi. Cảm ơn chú”.
“Tôi muốn giúp cô”, người cầm đồ nói, hơi cao giọng.
Sunja quay người lại.
“Nếu cô cần tiền ngay, thì có lẽ bán nó ở đây sẽ dễ dàng cho cô hơn là đi loanh quanh trong một ngày nóng nực như thế này với điều kiện của cô. Tôi có thể giúp cô. Trông có vẻ như cô sắp sinh rồi. Tôi hy vọng đó sẽ là một cậu con trai sau này có thể chăm sóc mẹ của mình”, ông ta nói.
“Năm mươi yên”, ông ta nói.
“Hai trăm”, cô nói. “Nó đáng giá ít nhất ba trăm. Nó được làm ở Thụy Sĩ và nó mới tinh”.
Hai thanh niên ở gần ô cửa sổ đặt những quân bài xuống và đứng dậy. Họ chưa bao giờ thấy một cô gái nói năng như thế.
“Nếu cô nghĩ nó có giá như vậy, thì tại sao cô không bán nó ở chỗ khác để được giá cao hơn”, người cầm đồ gắt gỏng, bực mình vì sự hỗn xược của cô. Ông ta không thể chịu đựng được loại đàn bà dám cãi lại.
Sunja sợ rằng người cầm đồ này có thể báo cảnh sát về chiếc đồng hồ. Hansu đã nói với cô rằng cảnh sát nhúng mũi vào gần như tất cả mọi chuyện làm ăn ở đây.
“Cám ơn chú, tôi sẽ không làm lãng phí thì giờ của chú nữa”, Sunja nói.
Người cầm đồ cười thầm.
Bỗng nhiên Kyunghee cảm thấy tự tin về em dâu mình, người mà khi đặt chân đến Osaka bất lực đến mức phải cầm sẵn một cái thẻ ghi tên và địa chỉ của mình phòng khi bị lạc.
“Mẹ cô ở trong nước làm gì?”. Người cầm đồ hỏi, “Cô nói nghe như cô quê ở Busan phải không?”.
Sunja dừng lại, băn khoăn không biết mình có phải trả lời câu hỏi này không.
“Bà ấy cũng buôn bán kinh doanh ở đó phải không?”.
“Mẹ tôi quản lý một nhà trọ”.
“Chắc hẳn bà ấy là một thương nhân giỏi”, ông ta nói. Người cầm đồ đoán rằng mẹ của cô chắc là một gái điếm hoặc một thương nhân có hợp tác làm ăn với chính phủ Nhật. Chiếc đồng hồ cũng có thể là đồ ăn trộm được. Qua cách nói năng và ăn mặc, cô gái đang mang thai này không thuộc gia đình giàu có.
“Này cô, cô có chắc rằng mẹ cô cho cô thứ này để cô bán đi không? Cô biết rằng tôi cần tên và địa chỉ của cô phòng khi có rắc rối”.
Sunja gật đầu.
“Vậy thì được. Một trăm hai mươi lăm yên”.
“Hai trăm”. Sunja không biết liệu mình có bán được giá đó hay không, nhưng cô cảm thấy chắc chắn rằng người cầm đồ này tham lam và nếu ông ta sẵn sàng nâng giá từ 50 lên 125 yên thì chắc chắn những chủ cầm đồ người Nhật cũng sẽ nghĩ chiếc đồng hồ này có giá trị.
Người cầm đồ cười phá lên. Hai cậu thanh niên giờ đây đang đứng bên bàn và họ cũng cười. Cậu trẻ hơn nói: “Cô nên làm việc ở đây”.
Người cầm đồ khoanh tay trước ngực. Ông ta muốn có chiếc đồng hồ; ông ta biết chính xác ai sẽ mua nó.
“Cha, cha nên trả đúng giá mà người mẹ bé nhỏ này đưa ra. Nếu cô ấy cứ khăng khăng như vậy!”. Người trẻ hơn nói, biết rằng cha mình không thích thua trong một vụ mặc cả và cần phải cò cưa một chút. Cậu cảm thấy tội nghiệp cho cô gái có khuôn mặt non choẹt. Cô không phải là loại gái thường đến đây để bán những chiếc nhẫn vàng bất cứ khi nào gặp khó khăn.
“Chồng của cô có biết cô đến đây không?”. Cậu con trai trẻ tuổi hơn hỏi.
“Có”, Sunja đáp.
“Anh ta nghiện rượu hay chơi bạc?”. Cậu đã từng thấy những người phụ nữ tuyệt vọng và chuyện của họ đều giống nhau.
“Không”, cô nói bằng giọng lạnh lùng, như thể để cảnh báo cậu ta chớ có hỏi thêm gì nữa.
“Một trăm bảy mươi lăm yên”, người cầm đồ nói.
“Hai trăm”. Sunja có thể cảm thấy cái mặt kim loại nhẵn và ấm của chiếc đồng hồ trong lòng tay cô.
Hansu sẽ kiên quyết giữ giá của mình.
Người cầm đồ phản đối, “Làm sao tôi biết mình có thể bán nó được cơ chứ?”.
“Cha”, cậu con trai lớn mỉm cười và nói. “Cha giúp đỡ người mẹ bé nhỏ là đồng hương của chúng ta đi cha”.
Bàn làm việc của người cầm đồ được tạo từ một loại gỗ lạ - màu nâu sẫm với những vân gỗ hình giọt lệ to bằng bàn tay trẻ con. Cô đếm được ba hình giọt lệ trên mặt bàn. Khi cô đi hái nấm với Hansu, cô thấy trong rừng có vô số loại cây. Mùi ẩm mốc của lá ướt trên tấm thảm của rừng, những cái rổ chất đầy nấm tưởng chừng muốn vỡ bung, cảm giác đau nhói khi ăn nằm với ông ta - những ký ức ấy không rời bỏ cô. Cô phải tống khứ ông ta đi, để chấm dứt sự hồi tưởng vô tận về một con người mà cô muốn quên.
Sunja hít một hơi thật sâu. Kyunghee xiết chặt tay cô.
“Chúng tôi hiểu nếu ông không muốn mua chiếc đồng hồ này”, Sunja nói khẽ, và quay gót để rời khỏi đó.
Người cầm đồ giơ bàn tay lên, ra hiệu cho cô đợi, và đi vào phòng trong nơi ông ta để két bạc.
•••
Khi hai người đàn ông quay trở lại nhà họ để đòi tiền, hai người phụ nữ đã đứng sẵn bên cửa và không mời họ vào trong nhà.
“Nếu tôi trả các anh tiền, làm sao tôi biết được số nợ đó không còn nữa?”.
Sunja hỏi người đàn ông cao hơn.
“Chúng tôi sẽ bảo ông chủ ký giấy xác nhận khoản nợ đó đã được xóa”, anh ta nói. “Làm sao tôi biết được các bà có tiền?”.
“Chủ của các anh có thể tới đây không?”. Sunja hỏi.
“Bà điên chắc”, người cao lớn hơn nói, sửng sốt trước yêu cầu của cô.
Sunja cảm thấy cô không thể đưa tiền cho những người đàn ông này. Cô cố đóng cửa lại một chút để có thể nói chuyện với Kyunghee, nhưng gã đàn ông dùng chân đẩy cửa ra.
“Này, nếu các bà thực sự có tiền, thì các bà có thể đi cùng chúng tôi. Chúng tôi sẽ đưa các bà tới gặp ông chủ ngay bây giờ”.
“Ở đâu?”. Kyunghee thốt lên bằng giọng run run.
“Ở tiệm rượu sa kê. Cách đây không xa”.
•••
Ông chủ là một người đàn ông Hàn trông có vẻ đứng đắn, không nhiều tuổi hơn Kyunghee bao nhiêu. Anh ta trông như một bác sĩ hoặc một giáo viên - bộ com-lê cũ kỹ, cặp kính gọng vàng, mái tóc đen được chải lật về phía sau và vẻ mặt trầm tư. Không ai nghĩ anh ta là người chuyên cho vay tiền. Văn phòng của anh ta cũng rộng bằng phòng của người cầm đồ và trên bức tường đối diện với cửa ra vào, một giá đựng chứa những cuốn sách bằng tiếng Nhật và tiếng Hàn được xếp thành hàng. Những bóng đèn điện thắp sáng bên cạnh những chiếc ghế tựa trông thật ấm cúng. Một cậu bé mang cho những người phụ nữ trà gạo rang đựng trong những chiếc cốc sứ. Kyunghee hiểu tại sao chồng mình lại mượn tiền của một người đàn ông như thế này.
Khi Kyunghee đưa cho anh ta toàn bộ số tiền đó, người cho vay tiền nói cảm ơn và hủy nợ, đóng cái dấu đỏ của mình lên tờ giấy.
“Nếu có điều gì khác tôi có thể làm cho các vị thì tôi xin sẵn sàng phục vụ các vị”, anh ta nhìn Kyunghee và nói. “Chúng ta phải hỗ trợ nhau trong khi sống xa tổ quốc. Tôi là người phục vụ của các vị”.
“Chồng tôi đã mượn món tiền này khi nào vậy?”. Kyunghee hỏi người cho vay tiền.
“Ông ấy hỏi vay tôi hồi tháng Hai. Chúng tôi là chỗ bạn bè, vậy nên tất nhiên tôi giúp”.
Hai người phụ nữ gật đầu, tỏ ý đã hiểu. Yoseb đã vay tiền cho chuyến sang Nhật của Isak và Sunja.
“Cảm ơn ông. Chúng tôi sẽ không làm phiền ông nữa”, Kyunghee nói.
“Chồng bà sẽ rất vui khi việc này đã được giải quyết”, anh ta nói, tự hỏi không biết bằng cách nào những người phụ nữ này xoay xở được số tiền nhanh như vậy.
Hai người phụ nữ không nói gì, quay trở về nhà làm bữa tối.