Pachinko - Chương 19
Sáng nào Sunja cũng cuốc bộ tới đồn cảnh sát đưa ba nắm cơm nấu bằng lúa mạch và hạt kê. Nếu có tiền trong ngân quỹ để mua một quả trứng gà, thì cô luộc kỹ trứng và ngâm quả trứng đã bóc vỏ vào nước tương chua cay để bổ sung cho hộp cơm đạm bạc của Isak. Không ai có thể chắc chắn liệu thức ăn có đến tay anh không, nhưng cô không thể chứng minh rằng nó không đến. Ai ở khu dân cư đó cũng biết một người nào đó đang ngồi tù và những tin đồn thì đa dạng rối tung rối mù, nhẹ nhất cũng gây lo lắng, tệ nhất thì gây sợ hãi. Yoseb không nói về Isak, nhưng vụ bắt giữ Isak đã làm anh thay đổi một cách đáng kể. Những mảng màu muối tiêu đã làm hoen mái tóc đen nhánh một thời của anh và anh phải chịu đựng chứng bẻ vọp bao tử. Anh đã ngừng viết thư cho cha mẹ, họ không thể được nghe kể về Isak, vậy nên thay vì thế, Kyunghee viết cho họ, viện cớ này nọ. Trong các bữa ăn, Yoseb dành phần nhiều thức ăn của anh cho thằng bé Noa ngồi im lặng bên cạnh mình. Yoseb và Noa có chung một nỗi buồn không thể nói thành lời về sự vắng mặt của Isak. Mặc dù có vô số những lời thỉnh cầu riêng tư, không ai được phép gặp Isak, nhưng gia đình tin rằng anh còn sống, bởi vì cảnh sát không nói khác với họ. Vị mục sư già và người kéo chuông của nhà thờ cũng vẫn ở trong tù; gia đình hy vọng rằng ba người bọn họ bằng cách nào đó sẽ hỗ trợ nhau, mặc đù không ai biết các tù nhân bị giam như thế nào. Một ngày sau cuộc bắt giữ đó, cảnh sát đến nhà họ để tịch thu một số cuốn sách và giấy tờ của Isak. Nhất cử nhất động của gia đình họ đều bị giám sát; một viên thanh tra cảnh sát cứ vài tuần lại đến để tra hỏi. Cảnh sát đã đóng cửa nhà thờ, tuy nhiên giáo đoàn vẫn bí mật gặp nhau theo các nhóm nhỏ đứng đầu là những giáo dân cao tuổi. Kyunghee, Sunja và Yoseb không bao giờ gặp gỡ các giáo dân vì nỗi sợ đẩy họ vào vòng nguy hiểm. Cho đến giờ, hầu hết các nhà truyền giáo ngoại quốc ở nước Hàn và ở đây đều đã trở về nước họ. Rất hiếm thấy một người da trắng ở Osaka. Yoseb đã viết thư cho các nhà truyền giáo Canada về chuyện của Isak nhưng chưa có hồi âm.
Dưới sự câu thúc đáng kể, những người có quyền ra quyết định của Giáo hội Tin Lành cho rằng nghi lễ bắt buộc tại đền thờ Shinto là một nghĩa vụ công dân hơn là tôn giáo mặc dù Thiên hoàng, người đứng đầu về tôn giáo của nhà nước, được coi như thần sống. Mục sư Yoo, một mục sư thực tế và trung thành, đã tin rằng buổi lễ tại đền thờ, nơi dân thành thị được yêu cầu tập trung để thực hiện các nghi lễ, thực chất là một nghi lễ ngoại giáo được làm rùm beng để khơi dậy tình cảm dân tộc. Cúi lạy trước các vị thần đương nhiên là sự xúc phạm đối với Chúa. Tuy nhiên, mục sư Yoo đã khuyến khích Isak, Hu và giáo đoàn của ông tuân theo việc cúi lạy ở đền thờ Shinto vì điều tốt đẹp lớn lao hơn. Ông không muốn các giáo dân của mình, nhiều người trong số họ là người mới nhập đạo, trở thành vật hy sinh cho phản ứng có thể đoán trước được của chính phủ đối với sự bất tuân lệnh - nhà tù và cái chết. Mục sư Yoo tìm thấy sự ủng hộ cho những ý nghĩ như vậy trong các bức thư của tông đồ Paul. Vậy nên bất cứ khi nào những buổi tập trung này diễn ra tại đền thờ gần nhất, tần suất của chúng khác nhau tùy từng thành phố, vị mục sư già, Isak và Hu khi cần thiết đều tham dự cùng với bất cứ ai khác đang có mặt ở nhà thờ lúc đó. Tuy nhiên, vì thị lực kém, vị mục sư già ấy không biết rằng tại mọi lễ Shinto, người kéo chuông Hu đã đọc to Kinh Lạy Cha liền một mạch, thậm chí cả khi cậu ta thực hiện nghi lễ cúi lạy, múc nước và vỗ tay giống như những người khác. Tất nhiên Isak đã để ý thấy Hu làm như vậy, nhưng không nói gì. Nếu có nói, Isak sẽ bày tỏ sự khâm phục trước đức tin và hành động phản kháng của cậu.
•••
Đối với Sunja, việc Isak bị bắt đã buộc cô phải tính tới điều gì sẽ đến nếu chuyện không thể tưởng tượng nổi xảy ra. Yoseb sẽ yêu cầu cô và các con cô rời khỏi nhà anh? Cô sẽ đi đâu và bằng cách nào cô có thể tới đó? Làm thế nào cô lo cho các con cô được? Kyunghee sẽ không bảo cô đi, nhưng mặc dù vậy - chị chỉ là một người vợ. Sunja phải có kế hoạch và tiền bạc phòng trường hợp cô phải mang con trở về với mẹ cô.
Vậy nên Sunja phải kiếm việc làm. Cô sẽ trở thành một người bán hàng rong. Một người phụ nữ như mẹ của cô nhận khách trọ và chung lưng đấu cật với chồng để kiếm tiền là một chuyện, nhưng một phụ nữ trẻ đứng ở chợ trời bán đồ ăn cho những người lạ, cất tiếng rao đến khản cổ lại là chuyện khác. Yoseb cố cấm cô tìm việc làm, nhưng cô không thể nghe anh. Với những giọt nước mắt lăn trên mặt, cô nói với anh chồng mình rằng Isak muốn cô kiếm tiền cho các con trai đi học. Nghe nói thế, Yoseb đành chịu. Tuy nhiên, anh cấm Kyunghee làm việc ở bên ngoài và vợ anh tuân lệnh. Kyunghee được cho phép làm dưa muối với Sunja, nhưng chị không được phép bán. Yoseb không thể phản đối quá nhiều, bởi vì gia đình họ đã lâm vào cảnh túng bấn. Xét theo một khía cạnh, hai người phụ nữ đang cố nghe lời Yoseb trong sự bất phục tùng của mình - họ không muốn làm tổn thương Yoseb bằng cách không tuân theo anh, nhưng gánh nặng tài chính đã trở nên khôn kham đối với một người đàn ông.
Một tuần sau khi Isak bị cầm tù, cô bắt đầu đi bán hàng. Sau khi Sunja đưa thức ăn vào tù cho Isak, cô đẩy chiếc xe kéo chở một cái vại to tướng đựng kim chi ra chợ. Cái chợ không có mái che ở Ikaino là một đoạn chắp vá gồm những cửa hàng bán lẻ sơ sài bán đồ gia dụng, vải vóc, nệm, đồ điện tử, và nó chứa cả một bộ sưu tập những người bán hàng giống như cô, những người bán rong món bánh kếp trộn hành tăm nhà làm, món cơm cuộn sushi và tương đậu nành.
Kyunghee trông Mozasu ở nhà. Ngay bên những người bán tương ớt và đậu hũ, Sunja thấy hai phụ nữ trẻ người Hàn bán bánh quy giòn làm bằng bột mì. Sunja đẩy xe hàng về phía họ, hy vọng chen được vào giữa bà bán bánh quy và bà bán tương.
“Cô không thể làm thối um chỗ này của chúng tôi được”, người lớn tuổi hơn trong hai người bán bánh quy nói.
“Đi sang bên kia đi”. Bà ta chỉ về khu hàng cá.
Khi Sunja di chuyển tới gần những người phụ nữ bán cá trồng phơi khô và rong biển, những phụ nữ Hàn lớn tuổi thậm chí còn lạnh lùng hơn.
“Nếu cô không đẩy cái xe bẩn thỉu của cô đi, thì tôi sẽ cho mấy thằng con tôi đái vào thùng kim chi của cô đấy. Cô có hiểu không, đứa con gái nhà quê?”. Một phụ nữ cao ráo chít chiếc khăn tay trắng trên đầu nói.
Sunja không thể tìm được lời đáp, bởi vì cô quá ngạc nhiên. Không ai trong số họ bán kim chi, mà tương thì chỉ có mùi chua cay thôi chứ mùi gì.
Cô tiếp tục bước đi cho tới khi không còn thấy bà bán hàng nào nữa và dừng lại gần lối vào ga tàu hỏa nơi người ta bán những con gà sống. Nỗi sợ động vật bị chặt đầu moi ruột áp đảo cô. Có một khoảng trống đủ lớn giữa người bán thịt lợn và những con gà dành cho chiếc xe của cô.
Dùng con dao to tướng, ông hàng thịt người Nhật đang pha thịt một con lợn to cỡ bằng một đứa trẻ. Một cái xô to đầy tiết được để bên chân ông ta. Hai cái thủ lợn nằm trên cái bàn ở đằng trước. Người bán thịt là một người đàn ông lớn tuổi hơn cô có cánh tay săn chắc, cuồn cuộn cơ bắp và các đường gân chằng chịt. Ông ta đổ mồ hôi như tắm và mỉm cười với cô.
Sunja đẩy chiếc xe của cô vào chỗ trống bên cạnh quầy hàng của ông ta. Mỗi khi một đoàn tàu hỏa dừng lại, cô đều có thể cảm nhận được sự giảm tốc của nó bên dưới đôi dép quai hậu của mình. Hành khách xuống tàu, nhiều người trong số họ đi vào chợ theo lối cổng ra vào ở gần đó, nhưng không ai dừng lại trước xe hàng của cô. Sunja cố không khóc. Bầu vú của cô nặng trĩu sữa, cô thèm được ở nhà với Kyunghee và Mozasu. Cô dùng tay áo lau mặt, cố nhớ các bà buôn giỏi nhất sẽ làm gì ở quê nhà.
“Kim chi đây! Kim chi ngon đây! Hãy nếm thử món kim chi ngon nào và quý khách sẽ không bao giờ muốn làm nó tại nhà nữa đâu!”. Cô rao to. Những người đi đường quay đầu nhìn cô và Sunja cảm thấy nhục nhã, quay mặt đi. Không ai mua. Sau khi người hàng thịt pha xong con lợn, ông ta rửa tay và đưa cho cô hai mươi sen, cô bỏ kim chi vào đầy hộp của ông ta. Ông ta dường như không phiền vì cô không biết nói tiếng Nhật. Ông ta đặt hộp kim chi cạnh những chiếc thủ lợn, sau đó với tay ra sau quầy hàng để lấy hộp cơm. Người bán thịt dùng đũa gắp một miếng kim chi để lên chóp bát cơm trắng của mình và ăn một miếng cơm với kim chi trước mặt cô.
“Oishi! Oishi nee! Honto oishi”, ông ta mỉm cười nói.
Cô cúi đầu cảm ơn ông ta.
Vào bữa trưa, Kyunghee mang Mozasu tới để cô cho bú. Sunja nhớ rằng cô không có sự lựa chọn nào ngoài việc thu hồi vốn bắp cải, củ cải và gia vị. Cuối ngày hôm đó, cô phải đưa ra được nhiều hơn số tiền họ đã tiêu.
Kyunghee nhìn chiếc xe đẩy trong khi Sunja ngồi quay người vào tường cho con bú.
“Chị sợ”, Kyunghee nói. “Em biết chị đã nói rằng chị muốn trở thành một bà bán kim chi như thế nào không? Chị không nghĩ chị hiểu được cái cảm giác đứng ở đây. Em thật dũng cảm”.
“Chúng ta còn sự lựa chọn nào kia chứ?”. Sunja nói, nhìn xuống đứa con kháu khỉnh của mình.
“Em có muốn chị ở lại đây không? Có muốn chị đợi cùng em không?”.
“Chị sẽ gặp phiền phức đấy”, Sunja nói. “Chị nên ở nhà khi Noa đi học về và chị phải làm bữa tối. Chị, em xin lỗi không thể giúp chị”.
“Những gì chị phải làm dễ ợt”, Kyunghee nói.
Đã gần hai giờ chiều, không khí trở nên mát mẻ hơn khi mặt trời không chiếu thẳng vào họ nữa.
“Không bán hết vại kim chỉ này em sẽ không về nhà”.
“Thật sao?”.
Sunja gật đầu. Mozasu, đứa con nhỏ của cô, giống Isak. Thằng bé trông chẳng giống Noa, đứa trẻ có nước da bánh mật và mái tóc dày đen nhánh chút nào. Đôi mát sáng của Noa chú ý đến tất cả mọi thứ. Ngoại trừ cái miệng, Noa trông gần như giống hệt Hansu. Ở trường, Noa ngồi trật tự trong các tiết học đợi đến lượt mình và nó được khen là một học sinh xuất sắc. Noa là một đứa trẻ dễ nuôi và Mozasu cũng là một đứa trẻ hạnh phúc, vui thích khi được đặt vào cánh tay người lạ. Khi cô nghĩ cô yêu những đứa con trai của mình biết bao, cô nhớ tới cha mẹ mình. Sunja cảm thấy cô đang ở xa cha mẹ mình quá chừng. Giờ đây cô đang đứng ở bên ngoài một ga tàu hỏa ồn ào, cô bán kim chi. Việc cô làm chẳng có gì đáng xấu hổ cả, nhưng chắc chắn đó không phải là những gì cha mẹ cô mong muốn cho cô. Tuy nhiên, cô cảm thấy cha mẹ cô muốn cô kiếm tiền, nhất là bây giờ.
Khi Sunja cho con bú xong, Kyunghee đặt hai chiếc bánh cuộn ngọt và một bình sữa bột pha sẵn vào trong xe.
“Em phải ăn, Sunja ạ. Em đang cho con bú và việc này chẳng dễ dàng gì, đúng không? Em phải uống nhiều nước và sữa”.
Kyunghee quay lưng lại để Sunja có thể đặt Mozasu vào chiếc địu trên lưng Kyunghee. Kyunghee buộc chặt đứa bé vào người mình.
“Chị sẽ về nhà đợi Noa và làm bữa tối. Em sẽ về sớm, được không? Chúng ta là chị em tốt mà”.
Cái đầu nhỏ xíu của Mozasu tựa lên xương vai mảnh khảnh của Kyunghee. Sunja nhìn họ bước đi xa dần. Khi họ đã ở ngoài tầm nghe, Sunja rao to, “Kim chi đây! Kim chi ngon đây! Kim chi đây! Kim chi ngon đây! Oishi desu! Oishi kim chi!”.
Âm thanh này, âm thanh giọng nói của cô, nghe quen thuộc, không phải vì nó là giọng của chính cô mà vì nó nhắc cô nhớ đến tất cả những lần cô đi chợ khi còn là một cô bé - đầu tiên là với cha cô, rồi tự đi một mình khi cô đã là một thiếu nữ, sau đó như một kẻ đang yêu khao khát ánh mắt nhìn của người mình yêu. Dàn đồng ca của những người phụ nữ bán hàng ở chợ luôn quanh quẩn bên cô, và giờ đây cô nhập hội với họ. “Kim chi đây! Kim chi đây! Kim chi nhà làm đây! Kim chi ngon nhất Ikaino đây! Ngon hơn cả món kim chi bà của quý khách làm! Oishi desu, oishi!”. Cô cố rao nghe sao cho thật vui tai, bởi vì ở quê nhà, cô thường tìm đến những bà bán hàng dễ thương nhất! Khi người đi đường nhìn về phía cô, cô cúi chào và mỉm cười với họ. “Oishi! Oishi!”.
Từ quầy hàng của mình, ông bán thịt ngước lên nhìn mỉm cười đầy hãnh diện với cô. Tối hôm đó, Sunja không về nhà cho tới khi cô có thể nhìn thấy đáy của vại kim chi.
•••
Giờ đây Sunja có thể bán bất cứ loại kim chi nào mà cô và Kyunghee biết làm và khả năng bán hàng này mang đến cho cô sức mạnh. Cô cảm thấy rằng nếu họ có thể làm nhiều kim chi hơn, thì cô cũng có thể bán hết, nhưng việc lên men cần có thời gian và không phải lúc nào cũng có thể tìm được các nguyên liệu thích hợp. Thậm chí khi họ được lãi kha khá, giá bắp cải có thể làm hỏng kế hoạch của họ cho tuần tiếp theo, hoặc tệ hơn, hoặc thậm chí không có bắp cải để mua. Khi ngoài chợ không có bắp cải, hai chị em họ muối củ cải, dưa chuột, tỏi, hoặc lá thơm; thỉnh thoảng Kyunghee muối cà rốt hoặc cà tím không cho tỏi hoặc ớt sa tế bởi vì người Nhật thích những loại dưa muối đó hơn. Lúc nào Sunja cũng nghĩ về đất đai. Vườn rau nhỏ mẹ cô có bên cạnh nhà đã nuôi họ ngay cả khi các khách trọ ăn nhiều gấp đôi những gì họ trả. Giá thực phẩm tươi tăng và những người lao động không đủ tiền để trả cho những thứ cơ bản nhất. Gần đây, một số khách hàng hỏi mua một cốc kim chi bởi vì họ không đủ tiền để mua cả lọ.
Nếu Sunja không có kim chi hoặc dưa muối để bán thì cô bán những thứ khác. Sunja nướng khoai lang và hạt dẻ; cô luộc ngô. Giờ đây cô có hai chiếc xe kéo và cô móc chúng vào nhau như những toa tàu hỏa - một chiếc chở cái bếp than còn một chiếc chở dưa muối. Hai chiếc xe chiếm phần lớn gian bếp bởi họ phải để chúng ở trong nhà vì sợ mất trộm. Cô chia đều tiền lãi cho Kyunghee và Sunja cất từng sen mà cô có thể cho các con trai cô đi học và cho chuyến trở về quê hương, phòng khi họ buộc phải rời khỏi đây.
Khi Mozasu được năm tháng tuổi, Sunja cũng bắt đầu bán kẹo ở chợ. Mặt hàng này càng ngày càng trở nên khan hiếm, và tình cờ, Kyunghee mua được hai bao đường đen bán sỉ từ một nhà bán thực phẩm người Hàn có anh rể là người Nhật làm việc trong quân đội. Tại chỗ bán hàng thường lệ của cô cạnh quầy bán thịt, Sunja đốt lửa bên dưới cái chảo kim loại được sử dụng để nấu chảy đường. Cái hộp sắt có chức năng như một cái bếp lò gây khó khăn cho cô; ngay khi có tiền, Sunja định sắm một chiếc bếp tử tế thay cho chiếc xe đẩy. Cô xắn tay áo lên và đảo những cục than hồng để lưu thông không khí và tầng nhiệt.
“Cô gái, hôm nay cô có kim chi không?”.
Đó là giọng đàn ông và Sunja ngước nhìn lên. Người đàn ông ấy tầm tuổi Isak, ăn mặc giống như anh chồng của cô - gọn gàng mà không thu hút sự chú ý đối với bản thân. Khuôn mặt anh ta được cạo râu nhẵn nhụi, móng tay sạch sẽ. Mắt kính của anh ta dày cộp và gọng kính to làm giảm những nét ưa nhìn của anh.
“Không, thưa ông. Hôm nay không có kim chi. Chỉ có kẹo thôi. Chưa có kim chi”.
“Ồ. Khi nào thì cô lại có kim chi?”.
“Khó có thể nói khi nào. Chúng tôi không mua được nhiều bắp cải và mẻ kim chi mới làm thì chưa ăn được”, Sunja nói và quay trở lại với những cục than.
“Một hay hai ngày nữa mới có? Hay một tuần?”.
Sunja lại ngước mắt lên, ngạc nhiên trước sự cố nài của anh ta.
“Kim chi khoảng ba ngày nữa thì ăn được. Nếu thời tiết vẫn tiếp tục ấm hơn thì có lẽ chỉ hai ngày nữa, thưa ông. Nhưng tôi nghĩ không sớm như vậy”, Sunja nói một cách dứt khoát, hy vọng anh ta sẽ để cô bắt đầu với việc nấu kẹo. Thỉnh thoảng vào giờ này, cô bán được vài gói kẹo cho những phụ nữ trẻ vừa mới xuống tàu.
“Cô có bao nhiêu kim chi khi nó dùng được?”.
“Tôi có thừa để bán cho ông. Ông có biết ông muốn bao nhiêu không? Hầu hết các khách hàng của tôi thích mang hộp của họ đến mua kim chi. Ông nghĩ ông cần bao nhiêu ạ?”. Khách hàng của cô là các phụ nữ người Hàn làm việc trong các nhà máy không có thời gian để làm các món để ăn kèm với cơm. Khi cô bán kẹo, khách hàng của cô là trẻ con và các phụ nữ trẻ. “Ba ngày nữa ông hãy ghé qua và nếu ông mang theo hộp đựng…”.
Người đàn ông trẻ bật cười.
“Tôi đang nghĩ rằng có lẽ cô có thể bán cho tôi tất cả những gì cô làm ra”.
Anh ta chỉnh lại kính mắt.
“Ông không thể ăn nhiều kim chi như vậy đâu! Và làm thế nào ông giữ số còn lại tươi ngon được cơ chứ?”. Sunja đáp, lắc đầu trước sự ngốc nghếch của anh ta. “Hai tháng nữa là sang hè rồi, mà ở đây trời đã nóng rồi”.
“Tôi xin lỗi. Đáng lẽ tôi nên giải thích. Tên tôi là Kim Changho và tôi quản lý một nhà hàng chuyên phục vụ các món thịt nướng ở ngay gần ga Tsuruhashi. Tiếng đồn về món kim chi xuất sắc của cô đã lan xa”.
Sunja lau tay vào chiếc tạp dề cô đeo bên ngoài chiếc áo chẽn bằng vải bông, không rời mắt khỏi những cục than nóng.
“Chỉ chị tôi mới biết chị ấy đang làm gì trong bếp. Tôi chỉ bán nó thôi và cũng có giúp chị ấy làm”.
“Phải, phải, tôi cũng đã nghe nói thế. Tôi đang tìm vài người phụ nữ làm kim chi và các món ăn kèm cho nhà hàng. Tôi có thể kiếm bắp cải cho các cô và…”.
“Ở đâu thưa ông? Ông kiếm bắp cải ở đâu ạ? Chúng tôi đã tìm khắp nơi. Chị dâu tôi ra chợ từ sáng sớm mà vẫn…”.
“Tôi có thể kiếm được”, anh ta mỉm cười và nói.
Sunja không biết phải nói gì. Cái chảo sắt để làm kẹo đã nóng rồi, và đã đến lúc phải cho đường và nước vào chảo, nhưng cô không muốn bắt đầu bây giờ. Nếu người này nói nghiêm túc, thì nghe ông ta nói là việc quan trọng. Cô nghe thấy tiếng tàu vào ga. Cô nhớ lượt khách hàng đầu tiên của mình rồi.
“Tôi xin hỏi lại nhà hàng của ông ở đâu ạ?”.
“Nó là nhà hàng lớn ở bên đường phố đằng sau ga tàu hỏa. Cùng phía với hiệu thuốc - cô biết, cái hiệu thuốc do ông dược sĩ người Nhật gầy trơ xương tên là Okada sở hữu chứ? Ông ấy đeo kính đen giống tôi, đúng không?”. Anh ta lại đẩy cặp kính trên sống mũi lên và cười như một cậu bé.
“À, tôi biết hiệu thuốc đó ở đâu”.
Đó là cửa hiệu mà mọi người Hàn đều lui tới khi họ thực sự ốm và sẵn sàng trả tiền để mua loại thuốc tốt. Okada không phải là một người đàn ông thân thiện, nhưng ông trung thực; ông có tiếng là có thể chữa được nhiều bệnh. Người đàn ông trẻ dường như không giống một người đang cố lợi dụng cô, nhưng cô không thể chắc chắn được. Trong vài tháng ngắn ngủi lao động như một người bán hàng rong, cô đã bán chịu cho một số khách hàng và đã bị quỵt tiền. Con người ta sẵn sàng nói dối về những điều nhỏ nhặt và không đếm xỉa đến lợi ích của bạn.
Kim Changho đưa cho cô một tấm danh thiếp. “Đây là địa chỉ. Khi nào có kim chi, cô có thể mang tới địa chỉ này được không? Mang tất cả. Tôi sẽ trả tiền mặt cho cô và tôi sẽ kiếm thêm bắp cải cho cô”.
Sunja gật đầu, không nói gì. Nếu cô chỉ có một khách hàng mua kim chi, thì cô sẽ có nhiều thời gian hơn để làm những thứ khác đem bán. Phần khó nhất là kiếm bắp cải, vậy nên nếu người đàn ông này có thể lo phần đó thì việc sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Kyunghee đã địu Mozasu trên lưng sục sạo khắp chợ để tìm kiếm những nguyên liệu ngày càng khan hiếm này và thường trở về nhà với cái rổ nhẹ bẫng. Sunja hứa mang cho anh ta tất cả chỗ kim chi cô có.
•••
Nhà hàng ấy là cửa hàng có mặt tiền rộng nhất trên con phố ngắn song song với ga tàu hỏa. Không giống những cửa hiệu khác ở gần đó, biển hiệu của nó được người làm biển hiệu chuyên nghiệp khắc chữ rất đẹp. Hai người phụ nữ ngắm nhìn một cách thích thú những con chữ màu đen khổ lớn được khắc và và sơn trên tấm gỗ lớn. Họ tự hỏi không biết những chữ đó có nghĩa là gì. Nó rõ ràng là một nhà hàng bán các món sườn nướng kiểu Hàn - từ cách đó hai khối nhà đã có thể ngửi thấy mùi chả nướng - nhưng tấm biển hiệu có những chữ tiếng Nhật khó đến nỗi chẳng ai trong hai người có thể đọc được. Sunja nắm chắc càng xe chở tất cả kim chi mà họ muối trong vài tuần đó và hít vào một hơi thật sâu. Nếu họ có thể bán kim chi cho nhà hàng này đều đặn, thì họ sẽ có một khoản thu nhập thường xuyên. Cô thậm chí có thể mua trứng thường xuyên hơn cho các bữa ăn của Isak, Noa và mua vải len dày để Kyunghee khâu áo khoác mới cho Yoseb và Noa.
Yoseb đang đi vắng, thường phàn nàn khi nhìn và ngửi thấy mùi của tất cả các nguyên liệu kim chi từ phòng bếp. Anh không muốn sống trong một xưởng sản xuất kim chi. Sự bất mãn của anh là lý do chủ yếu tại sao hai người phụ nữ lại thích bán kẹo hơn, mà đường thì khó kiếm hơn bắp cải hoặc khoai lang nhiều. Mặc dù Noa không phàn nàn về thứ đó, mùi kim chi ảnh hưởng đến nó nhiều nhất. Giống như mọi đứa trẻ người Hàn khác tại trường học ở địa phương, Noa vốn đã hay bị chế giễu và bắt nạt thì chớ, giờ đây quần áo trông có vẻ sạch sẽ của thằng bé luôn có mùi hành, ớt, tỏi và mắm tôm, nên chính thầy giáo của Noa bắt nó ngồi ở cuối lớp cạnh một nhóm trẻ người Hàn có mẹ nuôi lợn trong nhà. Ai ở trường cũng gọi những đứa trẻ sống chung với những con lợn là “heo”. Noa, với tên tiếng Nhật là Nobuo, ngồi với đám “heo” đó và bị gọi là “tỏi thối”. Ở nhà, Noa bảo bác nó chuẩn bị cho những thứ quà và bữa ăn chính không có tỏi, hy vọng điều này sẽ khiến chúng bạn ở trường không nói những điều tồi tệ về nó. Khi bác nó hỏi tại sao, Noa nói cho bác biết sự thật. Mặc dù tốn kém hơn, Kyunghee vẫn mua cho Noa những chiếc bánh sữa cuộn lớn từ hiệu bánh ngọt để ăn sáng và làm cho nó món bánh khoai tây hoặc món mì yakisoba để nó ăn ở trường. Bọn trẻ tàn nhẫn, nhưng Noa không đánh nhau với chúng; thay vì thế nó càng cố gắng hơn trong học tập và trước sự ngạc nhiên của các giáo viên, nó luôn đứng hạng nhất hoặc hạng nhì về học tập ở khối lớp hai của nó. Ở trường, Noa không có bạn; khi những đứa trẻ người Hàn chơi ngoài đường, nó không chơi cùng chúng. Người duy nhất nó mong được gặp là bác trai của nó, nhưng những ngày này, khi Yoseb ở nhà, anh không còn là anh nữa.
Trên đường phố, Kyunghee và Sunja đứng lặng im trước cửa nhà hàng ấy, không thể bước vào. Cánh cửa khép hờ, nhưng nhà hàng không mở cửa phục vụ khách. Bất chấp sự phấn khởi ban đầu của Kyunghee trước triển vọng bán được thêm kim chi, chị khá hoài nghi về lời đề nghị kia và không chịu để Sunja đi một mình đến một chỗ lạ lẫm. Chị khăng khăng đòi đi cùng, địu Mozasu trên lưng. Họ không nói với Yoseb việc họ đến đây, nhưng họ định sẽ kể cho anh nghe tất cả mọi chuyện sau cuộc gặp đầu tiên này.
“Chị sẽ ở ngoài này trông xe và đợi”, Kyunghee nói, vỗ vỗ Mozasu một cách nhịp nhàng bằng tay phải. Thằng bé nằm yên trong cái địu trên lưng Kyunghee.
“Em có nên mang kim chi vào không nhỉ?”. Sunja nói.
“Sao em không bảo ông ta ra ngoài này?”.
“Cả hai chúng ta cùng vào nào”.
“Chị sẽ đợi ở ngoài này. Nhưng nếu em không ra sớm, thì chị sẽ vào, được chứ?”.
“Nhưng làm sao chị đẩy được cái xe và…”
“Chị có thể đẩy xe được. Mozasu ổn mà”. Thằng bé giờ đây đang uể oải ngả đầu trên lưng chị, và chị tiếp tục cử động theo kiểu đu đưa người một cách đáng tin cậy.
“Vào đi, chị sẽ đợi. Cứ bảo Kim Changho ra đây. Đừng nói chuyện với ông ta ở trong ấy, được chứ?”.
“Nhưng em nghĩ chúng ta sẽ cùng nói chuyện với ông ấy”.
Sunja nhìn chị dâu trân trân, chẳng biết mình nên làm gì và sau đó cô chợt nảy ra ý nghĩ rằng chị dâu cô sợ vào trong nhà hàng đó. Nếu chồng chị hỏi chuyện gì đã xảy ra, thì chị có thể nói thật rằng chị chỉ đứng ở ngoài thôi.