Pachinko - Chương 21
Tháng Năm năm 1942
Noa Baek không giống những đứa trẻ tám tuổi khác ở khu dân cư đó. Mỗi sáng trước khi tới trường, nó kỳ cọ mặt cho tới khi má đỏ ửng lên, xức ba giọt dầu lên mái tóc đen, rồi chải lật tóc về phía sau như mẹ nó dạy. Sau bữa sáng với món cháo yến mạch và canh miso, nó súc miệng và kiểm tra hàm răng trắng của mình trong chiếc gương tròn nhỏ cầm tay ở gần bồn rửa. Dù mẹ của Noa mệt đến mức nào, cô cũng đảm bảo rằng những chiếc áo sơ mi của nó được là từ tối hôm trước. Trong bộ quần áo sạch sẽ được là phẳng phiu, Noa trông như một đứa bé người Nhật đang học cấp hai đến từ khu dân cư giàu có hơn của thành phố, không giống những đứa trẻ bẩn thỉu thuộc khu ổ chuột bên ngoài của nhà nó.
Ở trường, Noa học giỏi cả toán lẫn văn và nó khiến thầy giáo dạy thể dục của mình ngạc nhiên với khả năng phối hợp tay - mắt rất tốt cũng như tốc độ chạy của nó. Sau khi các tiết học kết thúc, nó lau các ngăn giá gác và quét sàn lớp học mà không cần được phân công và cuốc bộ về nhà một mình, cố không gây sự chú ý thái quá nào đối với bản thân. Thằng bé cố gắng để không tỏ ra sợ hãi những đứa trẻ cứng đầu hơn trong khi tạo sự tách biệt lặng lẽ để mình không thể bị quấy rầy. Tan trường, Noa đi thẳng về nhà làm bài tập mà không la cà ngoài đường với những đứa trẻ hàng xóm thường mải chơi cho đến tận giờ ăn tối.
Khi mẹ và bác gái của nó chuyển sang làm kim chi ở nhà hàng, ngôi nhà không còn cái mùi cố hữu của bắp cải lên men và dưa muối nữa. Noa hy vọng nó không còn bị gọi là “tỏi thối” nữa. Trái lại, gần đây, nhà của họ ít có mùi nấu nướng hơn các nhà hàng xóm, bởi vì mẹ và bác nó mang thức ăn chín từ nhà hàng về cho các bữa ăn của gia đình. Mỗi tuần một lần, Noa được ăn chả và cơm trắng của nhà hàng.
Giống như mọi đứa trẻ khác, Noa có các bí mật, nhưng không phải là những bí mật thông thường. Ở trường, nó mang họ tên Nhật, Nobu Boku, thay vì Noa Baek; và mặc dù ai trong lớp cũng biết nó là người Hàn qua cái họ được Nhật hóa của nó, nếu gặp bất cứ ai không biết điều này, thì Noa không sẵn sàng cho người ta biết thông tin ấy về mình. Nó nói và viết tiếng Nhật thạo hơn hầu hết những đứa trẻ người bản xứ. Trong lớp, nó sợ đề cập đến cái bán đảo nơi cha mẹ nó sinh ra và thường cắm mặt xuống tập vở nếu giáo viên nói bất cứ điều gì về thuộc địa Triều Tiên. Một bí mật khác của Noa: Cha nó, một mục sư theo đạo Tin Lành, đang ngồi tù và đã hơn hai năm rồi không ở nhà.
Thằng bé cố nhớ khuôn mặt của cha nó, nhưng không thể. Khi được yêu cầu kể về gia đình theo sự phân công ở lớp, Noa nói rằng cha nó làm quản đốc tại một nhà máy sản xuất bánh quy, và nếu mấy đứa trẻ suy ra rằng bác Yoseb là cha nó, thì Noa không đính chính. Bí mật lớn mà Noa giấu mẹ, bác gái và thậm chí người bác trai mà nó yêu quý là nó không tin vào Chúa nữa. Chúa đã để cho người cha tốt bụng, hiền lành của nó phải ngồi tù mặc dù cha nó chẳng làm gì sai cả. Trong hai năm qua, Chúa không đáp lại những lời cầu nguyện của Noa, mặc dù cha nó đã hứa với nó rằng Chúa lắng nghe chăm chú lời cầu nguyện của trẻ em. Trên tất cả mọi bí mật mà Noa không thể nói đến, thằng bé muốn trở thành người Nhật; ước mơ của nó là đi khỏi Ikaino và không bao giờ quay trở lại.
•••
Đó là một buổi chiều mùa xuân; Noa từ trường trở về nhà và thấy thứ quà vặt được mẹ nó sắp sẵn trước khi đi làm đang đợi nó trên chiếc bàn thấp nơi gia đình dùng bữa và nơi Noa làm bài tập về nhà. Khát quá, nó đi vào bếp để tìm nước uống và khi quay ra nó hét lên. Ở gần cửa có một người đàn ông bẩn thỉu gầy hốc hác vừa mới đổ gục xuống sàn nhà.
Không thể đứng, người đàn ông chống khuỷu tay trái cố tì người để ngồi dậy, nhưng không thể.
Mình có nên hét lên nữa không? Noa tự hỏi. Ai sẽ giúp nó đây? Mẹ, bác gái và bác trai đều đi làm; không ai nghe thấy tiếng hét đầu tiên của nó. Người ăn mày dường như không nguy hiểm; ông ấy trông ốm yếu và bẩn thỉu, nhưng cũng không thể là một tên trộm được. Bác trai của Noa đã cảnh báo nó về những tên trộm bẻ khóa và những kẻ trộm cắp có thể đột nhập vào nhà tìm thức ăn và những thứ có giá trị. Nó có năm mươi sen trong túi quần; nó đã dành dụm số tiền đó để mua một quyển truyện tranh kể về thuật bắn cung.
Người đàn ông bây giờ đang khóc, và Noa cảm thấy tội cho ông ta. Ở phố nhà nó có nhiều người nghèo khổ, nhưng không ai trông thảm hại như người đàn ông này. Khuôn mặt người ăn mày đầy những vết lở loét và những chỗ đóng vẩy đen sì. Noa thò tay vào túi quần, lấy ra một đồng xu. Sợ rằng người đàn ông đó có thể túm chân mình, Noa chỉ bước tới gần đủ để đặt đồng xu lên sàn nhà gần bàn tay ông ta. Noa định sẽ bước lùi vào trong bếp rồi chạy ra ngoài theo lối cửa sau để tìm sự giúp đỡ, nhưng tiếng kêu của người đàn ông khiến nó dừng lại.
Thằng bé nhìn kỹ khuôn mặt đầy râu ria màu muối tiêu của người đàn ông. Bộ quần áo ông ta mặc rách bươm và đầy bụi bẩn, nhưng dáng của bộ đồ đó trông giống bộ com-lê đen mà thầy hiệu trưởng ở trường nó mặc.
“Cha đây mà”, người đàn ông nói.
Noa há hốc miệng, lắc đầu phủ nhận.
“Mẹ con đâu, con?”.
Đó là giọng của cha. Noa bước một bước về phía trước.
“Mẹ ở nhà hàng”, Noa đáp.
“Ở đâu?”.
Isak không hiểu.
“Con sẽ đi ngay bây giờ. Con sẽ đi tìm mẹ. Cha không sao chứ?”. Thằng bé không biết chính xác phải làm gì. Nó vẫn còn hơi sợ một chút, dù đã chắc chắn đó là cha mình.
Vẫn đôi mắt hiền lành bên dưới xương gò má nhô cao và làn da đóng vẩy ấy. Có lẽ cha nó đói. Xương vai và khuỷu tay ông trông giống như những cành tre nhọn bên dưới lớp áo. “Cha có muốn ăn một chút không cha?”.
Noa chỉ tay vào gói quà ăn vặt mà mẹ nó đã sắp sẵn cho nó: hai chiếc bánh cuộn làm bằng bột yến mạch và hạt kê.
Isak lắc đầu, mỉm cười trước sự quan tâm của thằng bé.
“Con - con có thể lấy cho cha chút nước không?”.
Khi Noa cầm cốc nước lạnh từ trong bếp quay trở lại, nó thấy cha mình đổ sụp xuống sàn nhà với đôi mắt nhắm nghiền.
“Cha ơi! Cha ơi! Tỉnh dậy đi cha! Con lấy nước cho cha đây, cha ơi! Uống nước đi, cha ơi”, Noa thảng thốt gọi.
Đôi mắt Isak hé mở; anh mỉm cười khi nhìn thấy thằng bé.
“Cha mệt, Noa ạ. Cha ngủ đây”.
“Cha ơi, uống nước đi cha ơi”. Thằng bé cầm cốc nước.
Isak cố nhấc đầu lên và uống một hơi dài, sau đó lại nhắm mắt lại. Noa cúi xuống sát miệng cha, kiểm tra nhịp thở của cha nó. Nó lấy cái gối của mình và nhét xuống bên dưới mái đầu hoa râm bù xù của Isak. Nó đắp cho cha tấm chăn chần bông dày và khẽ khàng đóng cửa ra vào lại sau lưng mình. Noa chạy tới nhà hàng nhanh nhất có thể.
•••
Nó lao vào phòng ăn, nhưng không ai ở đó để ý đến nó. Không một người đàn ông nào đang làm việc ở đó thèm bận tâm đến thằng bé ngoan ngoãn chẳng bao giờ nói quá hai từ “có” và “không”. Thằng bé Mozasu đang ngủ trong buồng kho; lúc thức, thằng bé hai tuổi đó chạy khắp phòng ăn, nhưng khi ngủ, trông nó như một bức tượng thiên thần. Kim Changho, người quản lý nhà hàng chưa bao giờ kêu ca về những đứa con của Sunja. Anh ta mua đồ chơi và những cuốn truyện cười cho chúng, thỉnh thoảng ngắm nhìn Mozasu trong khi anh ta làm việc ở văn phòng phía trong nhà hàng.
“Hừm”. Kyunghee đang làm việc ngẩng lên, hoảng hốt khi nhìn thấy Noa trong bếp, thở không ra hơi, mặt tái mét. “Con đổ mồ hôi kìa. Con không sao chứ? Mẹ và bác sắp xong việc rồi. Con đói không?”. Chị đang cúi lom khom bèn đứng dậy để kiếm thứ gì đó cho thằng bé ăn, nghĩ rằng nó tới đây vì nó ở nhà một mình buồn.
“Cha về nhà rồi. Trông cha ốm lắm. Cha đang ngủ trên sàn nhà”.
Sunja đang im lặng, đợi Noa nói, vội lau đôi tay ướt vào tạp dề. “Em về được không chị? Bây giờ chúng ta về được không?”. Cô chưa bao giờ về sớm.
“Chị sẽ ở lại làm cho xong việc. Em về đi. Về mau đi. Xong việc chị sẽ về ngay”.
Sunja nắm tay Noa kéo đi.
Đi được nửa đường, Sunja kêu lên, “Mozasu!” và Noa ngước lên nhìn cô.
“Mẹ, bác sẽ mang em về sau”, nó nói một cách bình tĩnh.
Cô nắm tay con chặt hơn và bước nhanh về phía nhà của họ.
“Noa, con làm mẹ đỡ lo hơn. Con làm mẹ đỡ lo”.
Không có người nào ở xung quanh cô có thể ân cần với con trai mình. Cha mẹ không nên khen nịnh con, cô biết điều đó - làm như thế chỉ tự chuốc họa mà thôi. Nhưng cha cô luôn nói với cô khi cô làm điều gì đó tốt; thường thì ông xoa đầu cô hoặc vỗ nhẹ vào lưng cô, thậm chí khi cô không làm gì đáng khen. Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng có thể bị hàng xóm quở trách vì làm hư một đứa con gái, nhưng không ai nói bất cứ điều gì với người cha tật nguyền của cô - ông đã kinh ngạc trước những đường nét cân đối và tứ chi bình thường của con mình. Chỉ nhìn cô bước đi và làm những phép tính nhẩm đơn giản, ông đã cảm thấy thích thú. Giờ đây vì ông không còn nữa, Sunja giữ gìn sự ấm áp và những lời ân cần của cha như những viên ngọc đẹp đẽ. Không ai nên mong đợi sự khen ngợi, tất nhiên một người phụ nữ lại càng không, nhưng khi còn là một cô bé, cô đã được nâng niu thực sự. Cô là niềm vui của cha cô. Cô muốn Noa biết như thế là thế nào và vì những đứa con trai của mình, cô tạ ơn Chúa trong từng khoảnh khắc được sống. Vào những ngày cô có cảm giác tưởng chừng không thể sống nổi thêm một ngày nào nữa trong nhà của anh chồng - để làm lụng suốt ngày đêm, sau đó lại thức dậy trước khi mặt trời mọc để đi đến nhà tù đưa cơm cho chồng - Sunja đã nghĩ đến cha cô, người cha chưa bao giờ nói một lời cáu gắt với cô. Ông đã dạy cô rằng trẻ con là niềm vui, rằng các con trai của cô là niềm vui của cô.
“Cha trông ốm lắm ư?”. Sunja hỏi.
“Con không nhận ra đó là cha. Cha thường sạch sẽ và mặc lịch sự, đúng không mẹ?”.
Sunja gật đầu, từ lâu đã tự nhủ phải lường trước điều tồi tệ nhất. Những người cao tuổi ở nhà thờ cảnh báo cô rằng các tù nhân người Hàn thường chỉ được thả về nhà khi họ sắp chết, để họ không chết ở trong tù. Các tù nhân bị đánh đập, bị bỏ đói và bắt phải đi mà không mặc quần áo để khiến họ nhụt chí. Mới hồi sáng, Sunja đã tới nhà tù để đưa cơm và đưa đồ lót sạch để dùng trong tuần cho chồng. Anh chồng cô nói đúng; chồng cô chắc chắn chẳng nhận được bất cứ gì cô đưa vào. Khi cô và Noa bước đi trên đường phố nhộn nhịp, không để ý đến những đám đông, cô chợt nảy ra ý nghĩ rằng cô chưa bao giờ nghĩ đến việc chuẩn bị tinh thần cho con trai cô trước sự trở về của Isak. Trái lại, cô cứ bận chuẩn bị cho cái chết của anh bằng cách làm việc và dành dụm tiền đến nỗi cô không nghĩ về những gì thằng bé có thể nghĩ về sự trở về của cha nó, thậm chí tệ hơn, về cái chết của anh. Cô cảm thấy thật tiếc vì đã không nói cho nó biết những gì cần phải lường trước. Chắc chắn đây là một cú sốc khủng khiếp đối với Noa.
“Hôm nay con đã ăn quà chưa?”. Cô hỏi thằng bé, không biết phải nói gì khác.
“Con để dành quà cho cha rồi”.
Họ đi qua một nhóm học sinh mặc đồng phục đang ùa ra từ một cửa hàng bánh kẹo vừa đi vừa ăn những món đồ ăn vặt một cách vui vẻ. Noa nhìn xuống đất, nhưng không buông tay mẹ. Nó biết những đứa trẻ đó, nhưng không đứa nào là bạn nó.
“Con có bài tập về nhà không?”.
“Có ạ, nhưng về nhà con sẽ làm, mẹ ạ”.
“Con chẳng bao giờ khiến mẹ phiền lòng cả”, cô nói, xiết chặt năm ngón tay xinh của Noa trong tay mình, và cảm thấy biết ơn vì sự cứng cỏi của thằng bé.
•••
Sunja mở cánh cửa ra một cách từ từ. Isak nằm trên sàn, đang ngủ. Cô quỳ xuống bên đầu anh. Mảng da xạm, lốm đốm kéo dài từ hốc mắt tới xương gò má nhô cao của anh. Tóc và râu anh gần như bạc trắng; anh trông già hơn Yoseb anh trai của anh nhiều. Anh không còn là chàng trai trẻ đẹp đẽ đã cứu cô thoát khỏi sự nhục nhã. Sunja tháo giày và cởi đôi tất thủng của anh ra. Những vảy máu khô phủ trên những vết thương chưa lành. Ngón chân út bàn chân trái của anh đã đen lại.
“Mẹ”, Noa nói.
“Ừ”. Cô quay sang thằng bé.
“Con đi tìm bác trai về nhé?”.
“Ừ”. Cô gật đầu, cố không bật khóc. “Ông Shimamura có lẽ không cho bác về sớm đâu, Noa ạ. Nếu bác không thể về, thì con hãy nói với bác rằng mẹ đang ở bên cha. Chúng ta không muốn bác gặp phiền phức ở chỗ làm. Được chứ?”.
Noa chạy ra khỏi nhà, không để tâm đến việc đẩy cánh cửa lại cho khít hẳn và gió ở ngoài lùa vào đánh thức Isak; anh mở mắt ra thấy vợ mình đang ngồi bên cạnh.
“Em”, anh nói.
Sunja gật đầu. “Anh về rồi. Cả nhà thật mừng vì anh đã về”.
Anh mỉm cười. Hàm răng trắng đều tăm tắp một thời của anh giờ đây cái thì đen xỉn cái thì đã mất - toàn bộ răng ở hàm dưới đã gãy hết.
“Anh đã phải chịu đựng nhiều quá”.
“Mục sư và người kéo chuông đã qua đời ngày hôm qua. Anh đáng lẽ đã chết lâu rồi”.
Sunja lắc đầu, không nói lên lời.
“Anh đang ở nhà. Ngày nào anh cũng tưởng tượng ra cảnh này. Từng phút. Có lẽ đó là lý do tại sao anh còn sống mà về đây. Thật vất vả cho em biết nhường nào”, anh nói, nhìn cô âu yếm.
Sunja lắc đầu, dùng tay áo lau mặt.
•••
Những cô gái người Hàn và người Hoa làm việc ở nhà máy mỉm cười khi nhìn thấy Noa. Mùi bánh quy làm bằng bột mì mới nướng chào đón thằng bé. Một cô gái đang xếp các hộp bánh ở gần cửa ra vào lẩm bẩm bằng tiếng Hàn rằng thằng bé chóng cao thế. Cô chỉ về phía lưng bác nó. Bác nó đang cúi lom khom trước động cơ của chiếc máy làm bánh. Sàn nhà máy dài và hẹp được thiết kế như một đường hầm rộng để cho việc giám sát các công nhân được dễ dàng; ông chủ đã bố trí cái máy làm bánh quy đồ sộ gần văn phòng của mình với những băng chuyền chuyển động về phía các công nhân đứng thành các hàng song song. Yoseb đeo kính bảo hộ và đang dùng một cái kìm chọc vào bên trong một tấm bảng. Anh là quản đốc kiêm thợ cơ khí của nhà máy.
Tiếng ồn của cỗ máy hạng nặng át hẳn những giọng nói bình thường. Các cô gái không được phép nói chuyện trên sàn của nhà máy, nhưng gần như không thể bắt quả tang họ nếu họ thì thầm với nhau và ra hiệu bằng các biểu hiện tinh vi của khuôn mặt. Nhờ những ngón tay nhanh thoăn thoắt và sự sạch sẽ toàn diện, bốn mươi cô gái chưa chồng được thuê để đóng gói hai mươi chiếc bánh quy làm bằng bột mì vào những chiếc hộp gỗ mà sau đó sẽ được vận chuyển tới cho các sĩ quan quân đội đang đóng quân ở Trung Quốc. Cô nào làm vỡ hai chiếc bánh quy thì đều bị phạt một sen trừ vào tiền công, nên họ buộc phải vừa làm việc nhanh nhẹn lại vừa phải cẩn thận. Nếu cô nào ăn, thậm chí chỉ một mẩu bánh quy vỡ, thì sẽ bị sa thải ngay lập tức. Vào cuối ngày, cô gái nhỏ tuổi nhất gom những chiếc bánh quy vỡ vào một chiếc giỏ lót vải, đóng gói chúng thành những túi nhỏ và chuyển ra chợ bán hạ giá. Nếu họ không bán kiểu ấy, thì Shimamura bán chỗ bánh quy ấy với giá thấp cho các cô gái đóng gói hầu hết các hộp bánh mà không phạm lỗi. Yoseb chưa bao giờ mang những chiếc bánh quy vỡ về nhà, bởi vì các cô gái kiếm được rất ít tiền, và thậm chí những vụn bánh quy cũng có nhiều ý nghĩa đối với họ.
Ông chủ Shimamura đang ngồi trong văn phòng được dựng bằng vách kính cỡ bằng một cái tủ treo áo. Ô cửa sổ bằng kính dẹt cho phép ông giám sát các cô gái đang làm việc. Nếu ông phát hiện ra bất cứ sai hỏng nào, ông gọi Yoseb vào và bảo anh nhắc nhở cô gái đó. Bị nhắc nhở lần thứ hai, cô gái đó sẽ bị đuổi về nhà mà không được trả công cho dù cô đã làm việc sáu ngày trong tuần đó. Shimamura giữ một cuốn sổ cái có bìa bọc vải màu xanh dương với những lần nhắc nhở được lập danh sách bên cạnh tên của các cô gái được viết bằng chữ viết tay khá đẹp của ông ta. Người quản đốc của ông ta, Yoseb, không thích phạt các cô gái và Shimamura coi đó là một ví dụ nữa cho thấy sự yếu kém của người Hàn. Ông chủ nhà máy tin rằng nếu tất cả các nước châu Á đều được điều hành bằng năng lực, sự chú ý đến chi tiết và sự tổ chức ở mức cao của người Nhật, thì toàn thể châu lục này sẽ thịnh vượng và vươn lên - có thể đánh bại phương Tây cẩu thả. Shimamura tin rằng mình là một người tốt với trái tim có lẽ là quá yếu mềm và điều đó giải thích tại sao ông thuê người nước ngoài trong khi nhiều người bạn của ông không làm thế. Khi họ chỉ ra bản chất cẩu thả của người nước ngoài, ông ta biện luận người nước ngoài có thể học hỏi như thế nào trừ khi người Nhật dạy họ ghê tởm sự kém cỏi và chậm chạp. Shimamura cảm thấy các tiêu chuẩn phải được duy trì vì hậu thế.
Noa mới chỉ vào trong nhà máy này một lần và khi đó Shimamura không hài lòng. Khoảng một năm trước, Kyunghee bị sốt cao, ngất xỉu ở chợ và Noa được sai đi tìm Yoseb. Shimamura miễn cưỡng cho phép Yoseb về chăm sóc vợ. Sáng hôm sau ông ta bảo Yoseb rằng chuyện bất ưng đó sẽ không được lặp lại nữa.
Shimamura hỏi làm sao ông ta có thể điều hành hai nhà máy dựa trên máy móc mà không có sự hiện diện của một thợ cơ khí lành nghề? Nếu vợ của Yoseb lại ốm nữa, thì cô ta phải nhờ cậy hàng xóm hoặc người nhà; Yoseb không thể rời nhà máy vào giữa ngày giữa buổi được. Bánh quy đã được làm theo đơn đặt hàng để phục vụ chiến tranh và các đơn hàng đó phải được thực hiện đúng hạn định. Những người đàn ông đang mạo hiểm với sinh mạng của mình, chiến đấu vì tổ quốc; mỗi gia đình đều phải có sự hy sinh.
Vậy nên khi Shimamura nhìn thấy thằng bé lần nữa, chỉ một năm sau bài lên lớp không mấy dễ chịu mà ông ta không muốn thực hiện kia, ông ta điên tiết, ông ta mở tờ báo của mình đánh “roạt” một cái, vờ như không nhìn thấy thằng bé đập nhẹ vào lưng bác nó.
Yoseb, giật mình vì cái chạm nhẹ của Noa, ngoái đầu lại.
“Ồ, Noa, con làm gì ở đây thế?”.
“Cha về rồi”.
“Thật ư?”.
“Bác có thể về nhà bây giờ không bác?”. Noa hỏi. Miệng nó tròn vo như một chữ O màu đỏ. Yoseb gỡ kính bảo hiểm ra và thở dài.
Noa ngậm miệng lại và nhìn xuống đất. Bác nó phải xin phép, giống như mẹ nó phải xin phép bác gái Kyunghec hoặc ông Kim - y như cái cách nó phải xin phép thầy giáo để đi vệ sinh. Thỉnh thoảng, khi trời nắng, Noa mơ không phải nói với bất kỳ ai, cứ thế đi ra vịnh Osaka. Khi còn nhỏ xíu, nó đã từng ra đó một lần cùng với cha nó vào một buổi trưa thứ Bảy và nó luôn nghĩ thật tuyệt nếu được quay trở lại đó.
“Cha con ổn chứ?”. Yoseb nhìn chăm chú vẻ mặt của Noa.
“Tóc cha bạc rồi. Cha rất bẩn. Mẹ con đang ở nhà với cha. Mẹ nói nếu bác không thể về, thì cũng không sao, nhưng mẹ muốn bác biết. Biết rằng cha con đã về”.
“Ừ, được rồi. Bác mừng khi biết điều đó”.
Yoseb liếc nhìn Shimamura đang cầm tờ báo, giả vờ đọc, nhưng rõ ràng ông ta đang theo dõi anh rất sát sao. Ông chủ của anh không đời nào cho phép anh về nhà bây giờ. Không giống như khi Kyunghee bị ngất, Shimamura đã biết Isak phải ngồi tù bởi vì người kéo chuông của nhà thờ không chịu thực hiện nghi lễ Shinto. Theo định kỳ, cảnh sát đến thẩm vấn Yoseb cũng như nói chuyện với Shimamura - ông ta bênh vực Yoseb như bênh một người Hàn gương mẫu. Nếu rời nhà máy lúc này, anh sẽ mất việc và nếu cảnh sát tìm anh để thẩm vấn, anh sẽ mất sự chứng nhận về tư cách.
“Nghe này, Noa, gần ba tiếng nữa bác mới xong việc và sau đó bác sẽ về nhà ngay. Chưa làm xong việc mà bác đã bỏ về thì vô trách nhiệm quá. Ngay khi xong việc, bác sẽ chạy về nhà nhanh hết mức có thể. Hãy nói với mẹ con rằng bác sẽ về nhà ngay. Và nếu cha con hỏi, thì hãy bảo với cha rằng lát nữa thôi anh trai sẽ về nhé”.
Noa gật đầu, không hiểu tại sao bác nó lại khóc.
“Bác phải làm xong việc đã, Noa ạ, vậy con chạy về nhà đi. Được không?”. Yoseb đeo kính bảo hộ và quay trở lại với công việc.
Noa vội chạy ra cửa. Mùi bánh quy ngọt ngào thoang thoảng ngoài cửa. Thằng bé chưa bao giờ ăn một chiếc bánh quy nào của nhà máy bác nó làm việc, chưa bao giờ hỏi xin một chiếc.