Pachinko - Chương 25
Năm 1945
Đúng hôm Hansu bảo cô đưa các con cô về nông thôn, Yoseb nhận được một lời mời làm việc. Đầu giờ chiều hôm đó, một người bạn của bạn anh ghé qua nhà máy bánh quy của Yoseb và nói với anh về chỗ làm đó: Một nhà máy thép ở Nagasaki cần một quản đốc để quản lý các công nhân người Hàn. Có chỗ ở cho đàn ông, gồm chỗ nghỉ và cơm tháng, nhưng Yoseb không thể đưa gia đình đi cùng. Lương ở đó gấp ba lần lương hiện tại của anh. Gia đình anh sẽ phải xa nhau một thời gian. Khi Yoseb về nhà, phấn khởi vì lời mời làm việc đó, Kyunghee và Sunja cũng có tin mới của mình. Bàn tay Hansu nhúng vào mọi chuyện, nhưng Sunja có thể nói gì đây?
Tối hôm đó, Kim đưa hai người phụ nữ và bọn trẻ tới trang trại của Tamaguchi. Sáng hôm sau, Yoseb bỏ việc ở nhà máy, gói ghém tư trang và khóa cửa nhà lại. Trưa hôm đó, Yoseb đi Nagasaki, nhớ lại lúc anh rời Bình Nhưỡng đi Osaka - lần cuối cùng anh ra đi trong một cuộc hành trình đơn độc.
Những tháng ngắn ngủi trôi qua trước khi những đợt ném bom bắt đầu, nhưng một khi chúng đã bắt đầu, những trận ném bom tiếp diễn trong suốt cả mùa hè. Hansu nói không chính xác về thời điểm, nhưng ông ta đúng khi nói rằng khu dân cư đó sẽ hóa thành tro.
Tamaguchi, một nông dân trồng khoai lang năm mươi tám tuổi, không phiền khi có thêm hai nhân công. Các nhân công thường xuyên và những người làm thuê theo thời vụ của ông đều đã nhập ngũ từ nhiều năm trước và không có đàn ông khỏe mạnh để thay thế họ. Vài nhân công trước kia của ông đã chết ở Mãn Châu, hai người bị thương tật nặng trong khi chiến đấu, có tin những người khác đã được điều sang Singapore và Philippines. Mỗi buổi sáng, khi Tamaguchi dậy khỏi giường, ông phải chịu chứng đau nhức thường xuyên đi kèm với tuổi tác; tuy nhiên, ông nhẹ cả người vì mình già rồi, bởi vì ông không phải tham gia cuộc chiến tranh ngớ ngẩn này. Sự thiếu đàn ông đã làm hỏng những tham vọng của ông cho trang trại, đặc biệt vào thời điểm nhu cầu về khoai tăng lên. Có vẻ như Tamaguchi có thể đưa ra bất cứ cái giá không hợp pháp nào ông muốn và giờ đây vì ông đã được nếm sự giàu có nhiều đến nỗi ông buộc phải giấu kho của cải của mình trong các phần khác nhau của trang trại, ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để vắt từng giọt vàng từ tai ương của đất nước này.
Đêm cũng như ngày, Tamaguchi ươm những mầm khoai, xới đất và trồng trọt. Không có đàn ông, để hoàn thành những việc không bao giờ hết của trang trại gần như là điều bất khả thi; không có đàn ông, cũng không có ai cưới hai cô em vợ mà ông buộc phải cưu mang - những đứa con gái thành thị ấy vô dụng không được rèn luyện cho bất cứ loại công việc nào. Với thói ưa tán gẫu và các kiểu ốm giả vờ, chúng khiến vợ ông xao lãng công việc của mình, và ông hy vọng ông sẽ không phải gánh trách nhiệm với chúng lâu nữa. May thay, cha mẹ vợ ông đều đã chết cả. Đối với công việc theo thời vụ, Tamaguchi thuê các ông bà già ở trong làng, nhưng họ có thói quen than vãn không ngừng về bản chất khó khăn của việc trồng khoai vào lúc thời tiết ấm và bới khoai lúc trời lạnh. Tamaguchi chưa bao giờ chợt nảy ra ý sẽ thuê những người Hàn ở thành thị hoặc cho họ ở trọ trong trang trại của ông khi mà ông từ chối nhiều người Nhật ở thành thị đến tìm chỗ lánh nạn, nhưng Koh Hansu thì ông không thể từ chối.
Ngay khi nhận được bức điện của Hansu, người nông dân và bà vợ đã làm việc quá sức của ông, bà Kyoko, lập tức sắp xếp, định dạng lại cái nhà kho để làm nơi ở cho gia đình người Hàn từ Osaka tới. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi họ đến, Tamaguchi nhận ra rằng trong việc cho họ tá túc, chính ông là người được lợi hơn. Hansu đã gửi tới cho ông hai người phụ nữ khỏe mạnh có thể nấu ăn, dọn dẹp, và cày đất; một người đàn ông trẻ nhìn không tinh nhưng có thể đào khoai và bê vác; và hai thằng bé thông minh có thể hiểu chính xác các mệnh lệnh. Những người Hàn đó ăn nhiều, nhưng họ tự kiếm ăn và chẳng làm phiền ai hết. Họ chẳng bao giờ phàn nàn.
Từ ngày đầu tiên, Tamaguchi đã giao cho Noa và Mozasu đảm nhiệm việc cho ba con bò, tám con lợn và ba mươi con gà ăn; vắt sữa cho bò; nhặt trứng gà; và dọn chuồng gà. Hai thằng bé nói tiếng Nhật như người bản xứ, vậy nên ông ta có thể dẫn chúng ra chợ để phụ giúp việc bán hàng; thằng lớn làm tính rất giỏi và chữ viết của nó đủ đẹp để ghi sổ sách. Hai người phụ nữ Hàn, hai chị em dâu, là những người quản gia giỏi và là những người lao động ngoài trời chịu đựng được gian khổ. Người phụ nữ mảnh khảnh có chồng không còn trẻ nhưng rất đẹp và tiếng Nhật của cô đủ tốt để Kyoko giao cho cô việc bếp núc, giặt giũ và khâu vá. Người thấp hơn, góa phụ ít nói, chăm sóc vườn rau rất khéo và làm việc trên cánh đồng cùng với người đàn ông trẻ. Hai người đó lao động như một cặp bò đực. Lần đầu tiên trong nhiều năm, Tamaguchi cảm thấy thoải mái; thậm chí vợ ông cũng ít cáu bẳn hơn, rầy la ông và các em gái của bà ít hơn bình thường.
Bốn tháng sau khi họ đến đó, chiếc xe tải của Hansu chạy tới trang trại vào buổi tối. Hansu bước xuống xe và đi cùng với ông ta là một phụ nữ người Hàn lớn tuổi. Tamaguchi chạy vội ra đón ông ta. Thường thì người của Hansu đến vào các buổi tối lấy sản phẩm để bán trên thành phố, nhưng hiếm khi đích thân ông chủ của họ tới.
“Chào ông Tamaguchi”. Hansu cúi chào. Người phụ nữ lớn tuổi cúi gập người chào Tamaguchi. Bà mặc chiếc váy dài truyền thống và mỗi tay xách một tay nải.
“Chào ông Koh”. Tamaguchi cúi chào, mỉm cười với người phụ nữ lớn tuổi hơn. Khi Tamaguchi đến gần hơn, ông nhận thấy người phụ nữ chưa già lắm; thực ra, bà có lẽ ít tuổi hơn ông. Khuôn mặt ngăm đen của bà buồn rầu và héo hắt.
“Đây là mẹ của Sunja. Bà Kim Yangjin”, Hansu nói. “Bà ấy từ Busan tới vào sáng sớm ngày hôm nay”.
“Chào bà Kim-u Yangjin”. Người nông dân nói từng âm tiết một cách chậm rãi, hiểu rằng mình có một người khách mới. Ông nhìn lướt qua khuôn mặt bà, tìm kiếm bất cứ nét gì giống với người góa phụ trẻ, mẹ của hai đứa bé trai. Quả là khuôn miệng và cái cằm của họ có nét giống nhau. Đôi bàn tay ngăm đen của người phụ nữ trông khỏe như tay đàn ông, với những ngón tay to gồ lên. Bà ta sẽ làm một nhân công tốt đây, ông ta nghĩ. “Mẹ của Sunja ư? Vậy ư? Hoan nghênh, hoan nghênh”, ông vừa mỉm cười vừa nói.
Yangjin nhìn xuống trông có vẻ sợ sệt. Bà cũng đã mệt lử.
Hansu hắng giọng.
“Bọn trẻ thế nào ạ? Tôi hy vọng chúng không gây phiền phức gì cho ông”.
“Không, không. Không hề. Chúng là những nhân công xuất sắc! Những cậu bé tuyệt vời”.
Tamaguchi nói thật lòng, ông không ngờ hai thằng bé lại được việc đến thế. Không có con, ông cứ nghĩ những đứa trẻ thành phố hư vì được nuông chiều và lười như các cô em vợ của ông. Trong làng của ông, các chủ trang trại làm ăn phát đạt phàn nàn về những đứa con trai ngốc nghếch của họ, vậy nên vợ chồng Tamaguchi không có con nhưng chẳng ghen tị nhiều với các ông bố bà mẹ. Tamaguchi cũng không biết người Hàn như thế nào. Ông không phải là một người đàn ông mù quáng, nhưng người Hàn duy nhất mà ông biết một cách trực tiếp là Koh Hansu; mối quan hệ của họ bắt đầu nhờ chiến tranh và không phải là mối quan hệ bình thường. Một bí mật mà ai cũng biết là một số trang trại lớn bán nông sản ở các chợ đen của thành phố qua Koh Hansu và mạng lưới phân phối của ông ta, nhưng không ai bàn cãi về chuyện này. Người ngoại quốc và các tổ chức mafia điều khiển thị trường chợ đen và có những ảnh hưởng quan trọng đối với việc bán sản phẩm cho họ. Được giúp đỡ Hansu quả là một vinh dự; ơn huệ tạo ra nghĩa vụ trả ơn và người chủ trang trại này quyết định làm bất cứ điều gì có thể cho Hansu.
“Ông Koh, xin mời vào trong nhà dùng trà. Ông chắc hẳn đang khát. Hôm nay trời rất nóng”. Tamaguchi bước vào trong nhà, thậm chí lấy dép cho các vị khách trước khi cởi giày của mình.
Được những cây dương cổ thụ che chắn, bên trong ngôi nhà trang trại rộng rãi ấy mát mẻ một cách dễ chịu. Mùi cỏ mới của những tấm nệm trải sàn đón chào các vị khách. Trong phòng khách được đóng ván ô bằng gỗ tuyết tùng, Kyoko, vợ của Tamaguchi ngồi trên tấm nệm bọc lụa màu xanh dương khâu áo cho chồng; hai cô em gái của bà nằm úp bụng vắt tréo cổ chân, xem lướt qua một cuốn tạp chí điện ảnh cũ mà họ đã đọc nhiều lần đến nỗi họ thuộc lòng phần chữ trong đó. Ba người phụ nữ, mặc diện một cách khác thường chẳng vì ai, trông thật lạc lõng trong ngôi nhà nông trại ấy. Bất chấp việc phân chia vải vóc hạn chế, vợ người chủ trang trại và các em gái của bà không phải chịu đựng bất cứ sự thiếu thốn nào. Kyoko mặc một bộ kimono bằng vải bông tao nhã, hợp với vợ của một thương gia Tokyo hơn, còn các cô em gái mặc váy màu xanh hải quân rất sang và áo sơ mi bằng vải bông, trông giống như các nữ sinh đại học trong phim Mỹ.
Khi các cô em hếch cằm lên để nhìn xem ai bước vào nhà, khuôn mặt trắng trẻo xinh xắn của họ hiện ra từ sau mái tóc dài ngang vai rất hợp thời trang. Chiến tranh đã mang những của quý vô giá đến nhà Tamaguchi - những cuốn giấy da chép thư pháp có giá trị, những súc vải, nhiều bộ kimono đến nỗi cánh phụ nữ mặc không xuể, những cái tủ được sơn bóng nhoáng, đồ trang sức và bát đĩa - những vật sở hữu của người thành thị sẵn sàng đổi những món đồ gia bảo lấy một bao khoai và một con gà. Tuy nhiên, các cô em gái vẫn khát khao cuộc sống đô thị - những bộ phim mới, những cửa hàng Kansai, những bóng đèn điện không chập chờn. Họ phát ớn chiến tranh, những cánh đồng xanh vô tận, cuộc sống ở nông trang nói chung. Được ăn no ở ấm, họ khinh bỉ mùi dầu hỏa, những con vật nuôi ồn ào, và người anh rể quê mùa lúc nào cũng nói về giá cả của thứ này thứ nọ. Bom Mỹ đã thiêu trụi những rạp chiếu bóng, những bách hóa tổng hợp, và những tiệm bánh mà họ ưa thích, nhưng những hình ảnh lấp lánh của những niềm vui đô thị ấy vẫn vẫy gọi họ, nuôi dưỡng sự bất mãn trong họ. Hằng ngày họ phàn nàn với chị cả của mình - người chất phác và biết hy sinh - một người mà họ chế nhạo vì kết hôn với ông anh họ ở vùng nông thôn xa xôi giờ đây đã chuẩn bị sẵn vàng và những bộ kimono để làm của hồi môn cho họ.
Khi Tamaguchi hắng giọng, các cô gái ngồi dậy, cố làm ra vẻ bận bịu. Họ gật đầu chào Hansu và nhìn trừng trừng đường viền gấu nhuốm bụi bẩn của chiếc váy dài mà người phụ nữ người Hàn mặc, không thể không nhăn mặt.
Yangjin cúi thật thấp trước ba người phụ nữ và vẫn đứng ngoài ngưỡng cửa, không nghĩ mình sẽ được mời vào và quả thật bà không được mời vào. Từ chỗ đó, Yangjin có thể nhìn thấy một phần tấm lưng cúi lom khom của một người phụ nữ đang làm việc trong bếp, nhưng người đó trông không giống Sunja.
Hansu cũng nhìn thấy người phụ nữ ở trong bếp và hỏi vợ của Tamaguchi, “Cô Sunja ở trong bếp phải không?”.
Kyoko lại cúi đầu trước ông ta. Theo cảm nhận của bà, người Hàn này dường như quá tự tin, nhưng bà nhận thấy rằng chồng mình cần người này hơn bao giờ hết.
“Ông Koh, hoan nghênh ông tới đây. Thật vui được gặp ông”, Kyoko nói và đứng dậy khỏi chỗ ngồi của mình; bà ném về phía hai cô em cái nhìn quở trách để nhắc nhở họ, khiến họ đứng dậy và cúi chào khách. “Người phụ nữ trong bếp là cô Kyunghee. Cô Sunja đang trồng khoai ngoài cánh đồng. Xin mời ngồi. Chúng tôi sẽ lấy cho ông chút nước mát để uống”. Bà quay sang Ume, cô em nhỏ tuổi hơn trong hai cô em gái và Ume bước lệt xệt vào bếp để lấy nước trà ô long lạnh.
Hansu gật đầu, cố không để lộ sự tức giận của mình. Ông ta lường trước được rằng Sunja phải làm việc, nhưng không nghĩ rằng cô đang làm việc tay chân ngoài trời. Kyoko cảm nhận được sự khó chịu của người đàn ông. “Chắc hẳn bà muốn gặp con gái của mình. Tako, hãy dẫn vị khách của chúng ta ra chỗ con gái bà”.
Tako, cô em thứ hai trong ba chị em họ, tuân theo bởi vì cô ta không có sự lựa chọn; chẳng ích gì khi thách thức Kyoko, - bà ta có thể giận dỗi trong nhiều ngày theo kiểu không nói không rằng cốt để trừng phạt. Dùng tiếng Hàn, Hansu bảo Yangjin đi theo cô gái sẽ dẫn bà ra gặp Sunja. Khi Tako xỏ giày ở ngoài sảnh lát đá, cô ta thoáng ngửi thấy mùi chua từ người phụ nữ lớn tuổi, một thứ mùi đặc biệt, chỉ càng trở nên gắt hơn sau hai ngày đi đường. Bẩn thỉu, cô ta nghĩ. Tako bước phăm phăm đi trước bà, giữ khoảng cách xa nhất có thể giữa họ.
•••
Sau khi Kyoko rót trà mà Ume mang từ bếp lên, cánh phụ nữ biến mất, để mấy người đàn ông ngồi nói chuyện với nhau trong phòng khách.
Người chủ trang trại hỏi Hansu tin tức về chiến tranh.
“Nó không thể kéo dài lâu nữa đâu. Quân Đức đang bị đè bẹp và người Mỹ đang bắt đầu ra tay rồi. Nước Nhật sẽ thua trong cuộc chiến tranh này. Chỉ là vấn đề khi nào mà thôi”. Hansu nói mà không lộ vẻ nuối tiếc hay vui mừng. “Tốt hơn nên dừng cuộc chiến điên rồ này sớm, hơn là có thêm những chàng trai đẹp đẽ bị giết, đúng không nào?”.
“Đúng vậy, đúng vậy. Chẳng phải vậy sao?”. Tamaguchi đáp bằng giọng thì thầm, chán nản. Tất nhiên, ông ta muốn Nhật thắng và không nghi ngờ gì, Hansu biết tình hình thực tế, nhưng dù nước Nhật không thắng, người chủ trang trại này không mong chiến tranh kết thúc bây giờ. Người ta đã nói về việc lên men khoai lang thành xăng máy bay; nếu điều đó xảy ra và dù chính phủ chỉ trả chút ít - hoặc chẳng trả gì - thì ông chủ trang trại cũng hy vọng giá khoai trên thị trường chợ đen sẽ tăng cao hơn, bởi vì các thành phố đều khát thực phẩm và rượu cồn. Chỉ thêm một hoặc hai vụ thu hoạch nữa là Tamaguchi sẽ có đủ vàng để mua hai dải đất rộng mênh mông bên cạnh đất của ông ta. Người chủ của các lô đất đó càng ngày càng già và càng ít quan tâm đến lao động. Sở hữu toàn bộ mặt phía Nam của vùng này với diện tích đất liền một dải là ao ước thiết tha nhất của ông nội ông ta.
Hansu làm gián đoạn sự mơ mộng của ông ta.
“Vậy, tình hình thế nào? Có bọn họ ở đây ông thấy thế nào?”.
Tamaguchi gật đầu một cách đầy thiện chí. “Họ giúp được vô khối việc. Tôi ước gì họ không phải làm việc nhiều như vậy, nhưng ông biết đấy, tôi thiếu người…”.
“Họ mong được làm việc mà”. Hansu gật đầu một cách quả quyết, thừa biết lão chủ trang trại chẳng những thu được tiền ở trọ, tiền cơm tháng mà còn được lời lớn, nhưng chuyện này với ông ta không thành vấn đề miễn sao Sunja và gia đình cô không bị ngược đãi.
“Tối nay ông sẽ ở lại với chúng tôi chứ?” Tamaguchi hỏi. “Đã quá muộn để đi và ông phải dùng bữa tối với chúng tôi đấy. Cô Kyunghee là một đầu bếp hiếm có”.
•••
Tako không phải đi cùng người phụ nữ lớn tuổi quá xa. Khi Yangjin nhìn thấy con gái bà đang cúi trên cánh đồng rộng mênh mông, mờ tối, bà túm đuôi chiếc váy dài của mình cuộn quanh người để giải phóng cho đôi chân. Bà chạy nhanh hết mức có thể về phía con gái.
Nghe thấy tiếng bước chân, Sunja đang trồng khoai liền ngẩng lên. Một phụ nữ nhỏ bé trong bộ hanbok màu trắng đục đang chạy về phía cô và Sunja buông rơi chiếc cuốc. Đôi vai nhỏ, mái tóc màu muối tiêu được búi gọn sau gáy, chiếc nơ của áo sơ mi ngắn được thắt ngay ngắn thành hình chữ nhật mềm mại: Mẹ. Sao lại có thể có chuyện này chứ? Sunja giẫm lên những mầm khoai lang trên đường cô chạy đến với mẹ mình.
“Ôi, con tôi. Con tôi. Ôi, con tôi”.
Sunja ôm chầm lấy mẹ, có thể cảm nhận được xương cổ của bà nhô lên dưới lớp áo. Mẹ cô đã gầy đi.
•••
Hansu ăn tối nhanh, sau đó đến nhà kho để nói chuyện với những người khác. Ông ta đơn giản chỉ muốn ngồi với họ, không để họ quá chú ý đến mình, ông ta thích ăn tối với Sunja và gia đình cô hơn, nhưng không muốn làm Tamaguchi phật ý. Trong bữa ăn, ông ta chỉ nghĩ đến cô và thằng bé. Họ chưa bao giờ cùng ăn một bữa cơm. Thật khó giải thích, thậm chí với chính bản thân ông ta, niềm khát khao được ở bên họ. Trong nhà kho, Hansu hiểu ra rằng Kyunghee đã nấu hai bữa tối trong căn bếp của Tamaguchi - một bữa tối kiểu Nhật cho gia đình Tamaguchi và một bữa tối của người Hàn cho những người khác. Trong nhà kho, những người Hàn đó dùng bữa trên chiếc bàn thấp được trải vải dầu mà Kim đã tự đóng cho họ bằng những thanh xà gỗ bỏ đi. Sunja vừa mới dọn bát đĩa của bữa tối xong.
Tất cả mọi người đều ngước lên nhìn khi ông ta bước vào.
Vào buổi tối, những con vật nuôi bớt ồn ào hơn, nhưng chúng không im lặng. Mùi hôi thối ở đó khủng khiếp hơn Hansu nhớ được, nhưng ông ta biết chẳng mấy chốc mùi đó sẽ ít được chú ý hơn. Những người Hàn được tá túc ở phía sau của chuồng gia súc, còn gia súc thì ở đằng trước, với những đống cỏ chắn giữa người và vật nuôi. Kim đã dựng một vách ngăn bằng gỗ và anh ta cùng hai thằng bé ngủ ở một bên còn hai người phụ nữ ngủ ở bên kia.
Đang ngồi dưới đất giữa hai thằng cháu, Yangjin liền đứng dậy cúi chào ông ta. Trên đường đến trang trại, bà đã cảm ơn ông ta vô số lần. Bây giờ khi đã đoàn tụ với gia đình, bà tiếp tục lặp lại, cảm ơn ông, cảm ơn ông, trong khi ôm chặt hai đứa cháu trông có vẻ vẫn còn ngượng.
Bà nói oang oang, đúng kiểu của một bà già người Hàn.
Kyunghee vẫn ở trong căn bếp của trang trại, đang rửa bát đĩa. Khi kết thúc việc đó, chị sẽ chuẩn bị phòng nghỉ cho Hansu. Kim ở trong cái lán phía sau nhà kho, nơi được sử dụng để tắm rửa, đang bận đun nước nóng cho mọi người tắm. Kyunghee và Kim đã đảm nhận các việc buổi tối của Sunja để cô có thể ở bên mẹ mình. Không ai trong số họ nghi ngờ lý do tại sao Hansu vượt qua được khó khăn trở ngại của việc đưa Yangjin từ nước Hàn sang. Trong khi Yangjin khóc nức nở, Sunja quan sát Hansu, chẳng thể hiểu nổi người đàn ông chưa bao giờ bước ra khỏi cuộc đời cô. Hansu ngồi xuống đống cỏ khô, đối diện với hai thằng bé.
“Các cháu ăn tối no chưa?”, Hansu hỏi chúng bằng tiếng Hàn đơn giản.
Hai thằng bé ngước mắt lên, ngạc nhiên vì Hansu nói tiếng Hàn thật sõi.
Chúng cứ nghĩ người đàn ông đã đưa bà nó tới có lẽ là người Nhật, bởi vì ông ấy mặc rất diện và vì ông Tamaguchi đối xử với ông ta với sự tôn kính nhường ấy.
“Cháu là Noa”, Hansu nói, nhìn kỹ khuôn mặt thằng bé. “Cháu mười hai tuổi”.
“Vâng, thưa ông”, Noa đáp. Người đàn ông mặc quần áo rất sang và đi đôi giày da đẹp. Ông ta trông giống một thẩm phán hoặc một nhân vật quan trọng trong một tấm áp-phích quảng cáo phim.
“Sống ở trang trại, cháu có thích không?”
“Ở đây tốt, thưa ông”.
“Cháu gần sáu tuổi rồi”, Mozasu chen ngang, điều mà nó làm theo thói quen bất cứ khi nào anh nó nói chuyện. “Ở đây chúng cháu ăn nhiều cơm. Cháu có thể ăn nhiều bát nhiều bát cơm. Ông Tamaguchi nói rằng cháu cần ăn khỏe để lớn. Ông ấy bảo cháu không được ăn khoai, mà phải ăn cơm! Ông có thích cơm không?”. Thằng bé hỏi Hansu. “Tối nay Noa và cháu sẽ tắm đấy. Ở Osaka, chúng cháu không thể tắm thường xuyên bởi vì không có dầu để đun nước nóng. Cháu thích tắm ở trang trại hơn bởi vì chậu tắm ở đây nhỏ hơn cái chậu ở nhà tắm công cộng. Ông có thích tắm không? Nước nóng gớm đấy, nhưng ông sẽ quen và các đầu ngón tay của cháu nhăn nheo như một ông già khi cháu không ra khỏi nước”. Mozasu mở mắt rõ to. “Nhưng mặt cháu không nhăn nheo bởi vì cháu trẻ mà”.
Hansu bật cười. Về hình thức, thằng bé trông không giống Noa chút nào. Nó dường như thật hồn nhiên.
“Ta vui vì ở đây các cháu ăn uống đầy đủ. Thật tốt khi biết điều đó. Ông Tamaguchi nói rằng các cháu là những người lao động xuất sắc”.
“Cảm ơn ông”, Mozasu đáp, muốn hỏi ông khách thêm nhiều câu hỏi nữa nhưng kìm lại khi người đàn ông hỏi anh trai nó.
“Các việc của cháu là gì, Noa?”.
“Chúng cháu dọn chuồng trại, cho gia súc ăn và chăm đàn gà. Cháu cũng ghi sổ sách cho ông Tamaguchi khi chúng cháu đi chợ”.
“Cháu có nhớ trường học không?”.
Noa không đáp. Nó thèm được làm toán và viết tiếng Nhật. Nó nhớ sự im lặng khi nó làm bài tập - không một ai quấy rầy nó khi nó làm bài tập về nhà. Ở trang trại không bao giờ có thì giờ để đọc, và nó chẳng có cuốn sách nào.
“Ta nghe kể rằng cháu là một học sinh rất giỏi”.
“Năm ngoái, trường không có học nhiều đâu”.
Ở Osaka, dạo đó trường học thường xuyên cho học trò nghỉ học. Không giống những đứa con trai khác, Noa không thích những bài tập đâm lê và những buổi tập tránh bom vô dụng. Mặc dù nó không muốn phải xa bác Yoseb, nó thấy ở trang trại tốt hơn ở thành phố, bởi vì ở đây nó cảm thấy an toàn. Ở trang trại, nó chưa bao giờ nghe thấy tiếng máy bay và có ít các buổi tập tránh bom hơn ở thành phố nhiều. Các bữa ăn ở đây phong phú và ngon. Ngày nào chúng cũng ăn trứng và uống sữa tươi. Nó ngủ sâu hơn và khi thức dậy nó cảm thấy khỏe.
“Khi chiến tranh kết thúc, cháu sẽ đi học trở lại, ta nghĩ thế. Cháu có thích điều đó không?”. Hansu hỏi.
Noa gật đầu.
Sunja tự hỏi khi đó họ biết xoay xở ra sao. Sau chiến tranh, cô định quay trở về Yeongdo, nhưng mẹ cô nói ở đó chẳng còn lại gì. Chính phủ đánh thuế người sở hữu nhà trọ và ông ta đã bán căn nhà đó cho một gia đình người Nhật. Hai chị em người hầu gái đã kiếm việc làm tại nhà máy ở Mãn Châu và chẳng có tin tức gì của họ. Khi Hansu tìm được Yangjin, bà làm quản gia cho một thương gia người Nhật ở Busan và đang ngủ trong buồng kho.
Hansu lấy từ trong túi áo khoác ra hai cuốn truyện hài.
“Đây”.
Noa nhận chúng bằng cả hai tay như mẹ nó đã dạy nó. Sách viết bằng tiếng Hàn.
“Cảm ơn ông”.
“Cháu có đọc được chữ Hàn không?”.
“Không ạ”.
“Cháu có thể học”, Hansu nói.
“Bác Kyunghee có thể đọc giúp chúng cháu quyển này”, Mozasu nói. “Bác Yoseb không có ở đây, nhưng khi nào chúng cháu gặp bác ấy, chúng cháu có thể làm bác ấy ngạc nhiên cho mà xem”.
“Các cháu nên biết đọc chữ Hàn. Một ngày nào đó, các cháu có thể sẽ trở về quê hương”, Hansu nói.
“Vâng, thưa ông”, Noa nói. Nó mường tượng rằng nước Hàn là một nơi thanh bình, nơi nó sẽ là một người bình thường. Cha nó đã nói với nó rằng Bình Nhưỡng, nơi cha lớn lên, là một thành phố xinh đẹp, còn Yeongdo, thị trấn quê hương của mẹ nó là một hòn đảo bình yên với rất nhiều cá trong làn nước biển mang màu xanh ngọc cẩm thạch.
“Ông quê ở đâu ạ?”. Noa hỏi.
“Jeju. Nó cách Busan nơi mẹ của cháu sinh ra không xa. Nó là một hòn đảo có núi lửa. Ở đó người ta trồng cam. Dân ở đảo Jeju là hậu duệ của các vị thần”. Ông ta nháy mắt. “Một ngày nào đó, ta sẽ đưa cháu tới đó”.
“Cháu không muốn sống ở nước Hàn”, Mozasu kêu lên. “Cháu muốn ở lại đây, ở trang trại”.
Sunja vỗ lưng Mozasu.
“Mẹ, chúng ta nên sống ở trang trại này mãi mãi. Bác Yoseb sắp đến đây, đúng không ạ?”. Mozasu hỏi.
Đúng lúc đó, Kyunghee bước vào, đã kết thúc các việc của chị. Mozasu cầm mấy quyển truyện chạy ra chỗ chị.
“Bác có thể đọc truyện này cho cháu nghe được không?”.
Mozasu dẫn chị tới đống nệm được gấp gọn mà họ dùng làm ghế ngồi. Kyunghee gật đầu.
“Noa, lại đây. Bác sẽ đọc những truyện này cho các con nghe”.
Noa cúi chào Hansu thật nhanh rồi ra với Kyunghee và Mozasu.
Yangjin đi theo Noa, để Sunja ngồi ở bàn. Khi Sunja bắt đầu đứng dậy, Hansu ra hiệu cho cô ngồi xuống.
“Ở lại đã”. Hansu trông có vẻ nghiêm túc. “Ngồi lại đây một lát. Tôi muốn biết em có khỏe không”.
“Tôi khỏe. Cảm ơn ông”. Giọng cô run run. “Cảm ơn ông vì đã đưa mẹ tôi tới đây”, Sunja nói. Cô cần nói nhiều hơn thế, nhưng việc đó thật khó.
“Em đã hỏi tin tức của bà ấy và tôi nghĩ tốt hơn bà ấy nên đến đây. Ở Nhật tình hình rất tệ, nhưng hiện giờ ở Hàn mọi chuyện còn tệ hơn. Khi chiến tranh kết thúc, có thể tình hình sẽ khá hơn, nhưng trước khi tình hình ổn định, mọi chuyện có thể sẽ tệ hơn”.
“Ông nói thế có nghĩa là sao?”.
“Khi người Mỹ thắng, chúng ta không biết người Nhật sẽ làm gì. Họ sẽ rút khỏi Hàn, nhưng ai sẽ lãnh đạo nước Hàn? Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những người Hàn đó đều ủng hộ người Nhật? Sẽ có sự hỗn loạn. Sẽ có thêm máu đổ. Em không muốn ở đó đâu. Em không muốn các con trai em ở đó”.
“Ông sẽ làm gì?”. Cô hỏi.
Ông ta nhìn thẳng vào cô.
“Tôi sẽ lo cho bản thân và người của tôi. Em nghĩ tôi sẽ phó thác cuộc sống của tôi cho một đám chính trị gia ư? Giới chóp bu đó chẳng biết quái gì. Còn những kẻ tay sai thì chẳng quan tâm”.
Sunja nghĩ về điều này. Có lẽ điều đó đúng, nhưng tại sao cô lại phải tin ông ta chứ? Cô chống tay xuống đất định đứng dậy, nhưng Hansu lắc đầu.
“Nói chuyện với tôi khó đến thế sao? Hãy ngồi xuống đi”.
“Tôi phải chăm sóc các con tôi. Ông nên hiểu điều đó”.
Hai thằng bé đang nhìn chăm chú vào các trang truyện hài. Kyunghee đang đọc những dòng chữ một cách diễn cảm và ngay cả Yangjin không biết đọc cũng cười cùng bọn trẻ trước những điều ngớ ngẩn mà các nhân vật trong truyện nói. Họ bị hút vào cuốn truyện hài và khuôn mặt họ dường như trông nhẹ nhõm hơn, như thể họ đã bình tĩnh.
“Tôi sẽ giúp em”, Hansu nói. “Em không phải lo về tiền hoặc…”.
“Bây giờ ông đang giúp chúng tôi bởi vì tôi không có sự lựa chọn. Khi chiến tranh kết thúc, tôi sẽ làm việc để lo cho các con tôi. Bây giờ tôi đang làm việc để kiếm cái ăn…”.
“Khi chiến tranh kết thúc, tôi có thể tìm cho em một căn nhà và cho em tiền để lo cho hai thằng bé. Bọn trẻ nên đi học, chứ không phải dọn phân bò. Mẹ và chị dâu của em cũng có thể ở cùng. Tôi có thể kiếm cho anh chồng em một chỗ làm tốt”.
“Tôi không thể nói rõ về ông cho gia đình mình”, Sunja nói. Cô cảm thấy như thể lúc nào cô cũng nói dối. Ông ta đang nghĩ gì? Cô tự hỏi. Chắc chắn ông ta không còn ham muốn cô nữa. Giờ đây cô là một góa phụ hai mươi chín tuổi với hai đứa con thơ phải nuôi ăn và dạy dỗ. Sunja chưa già, nhưng cô không thể hình dung nổi giờ đây có người đàn ông nào lại ham muốn cô. Nếu trước đây cô chưa từng xinh đẹp thì bây giờ cô thậm chí chẳng hấp dẫn chút nào. Cô là một phụ nữ mộc mạc với khuôn mặt cục mịch, nước da lốm đốm vết tàn nhang và nếp nhăn vì dãi nắng. Người cô chắc khỏe và mập mạp, mập hơn thời con gái. Trong cuộc đời mình, cô đã được hai người đàn ông khao khát; thật khó tưởng tượng chuyện đó lại xảy ra nữa.
Đôi khi cô cảm thấy mình như một vật có ích ở trang trại mà một ngày nào đó sẽ trở thành vô dụng. Trước khi cái ngày đó đến, việc đảm bảo rằng các con trai của cô sẽ ổn khi cô không còn nữa là điều quan trọng.
“Ông cũng có con, đúng không?”.
“Ba đứa con gái”.
“Và các con gái của ông sẽ nói gì về tôi? Về chúng ta?”. Cô thì thầm.
“Gia đình tôi không liên quan đến em”.
“Tôi hiểu”. Sunja nuốt khan, miệng cô khô khốc. “Tôi biết ơn vì cơ hội này - được làm việc và được an toàn. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, tôi sẽ kiếm một việc làm khác để nuôi các con tôi và mẹ tôi. Tôi sẽ làm việc cho đến khi tôi không thể làm việc được nữa”.
Sunja đứng dậy khỏi sàn nhà và phủi những cọng cỏ khô khỏi chiếc quần lao động của cô. Không thể thở bình thường, cô quay mặt đi chỗ khác và nhìn trân trân con bò đực - đôi mắt đen thật to, chất chứa nỗi thống khổ vĩnh viễn. Những người khác có để ý họ đang nói chuyện không? Những người khác dường như đều tập trung chú ý vào cuốn truyện hài. Sunja dùng tay trái che bàn tay phải; dù đã rửa kỹ, lớp biểu bì trên tay cô vẫn nâu xỉn vì đất.