Pachinko - Chương 33
Tokyo năm 1960
Đúng là phải mất thời gian, nhưng sau hai năm ở trường Waseda, cuối cùng Noa cũng cảm thấy thoải mái về chỗ của cậu ở đây. Luôn là sinh viên xuất sắc với những thói quen tốt, sau một vài trục trặc và vài nỗ lực có suy nghĩ, Noa đã học viết luận bằng tiếng Anh và làm những bài thi ở cấp đại học. Cuộc sống ở trường đại học thú vị, trái ngược với trường phổ thông - nơi cậu học và ghi nhớ nhiều thứ mà cậu không coi trọng. Dường như không một nhu cầu nào của cậu giống như sự làm việc; trường Waseda hoàn toàn là niềm vui đối với cậu. Cậu đọc nhiều hết mức có thể mà không mỏi mắt; và có thời gian để cậu đọc, viết và suy nghĩ. Các giáo sư của cậu ở Waseda quan tâm sâu sắc đến những môn học mà họ dạy; Noa không thể hiểu nổi bất cứ ai lại có thể phàn nàn.
Hansu đã kiếm cho cậu một căn hộ đầy đủ tiện nghi và cho cậu một khoản tiêu vặt hào phóng, vậy nên Noa không phải lo về nhà ở, tiền tiêu, hay thức ăn. Cậu sống đơn giản và xoay xở để mỗi tháng gửi về cho mẹ một ít tiền. “Hãy cứ học”, Hansu nói. “Học tất cả mọi thứ. Hãy trau dồi kiến thức - đó là loại sức mạnh không ai có thể tước đi của cậu”. Trước đây chưa bao giờ Hansu bảo Noa hãy học, thay vì tìm hiểu; cậu chợt nhận ra rằng đã có một sự khác biệt rõ rệt. Học cũng giống như chơi, không hề cực nhọc.
Noa có thể mua mọi cuốn sách cậu cần cho các tiết học và khi cậu không thể tìm được cuốn gì tại hiệu sách, thì tất cả những gì cậu phải làm là đến thư viện rộng mênh mông của trường đại học - cái thư viện mà các bạn học của cậu thực sự không sử dụng đúng mức. Cậu không hiểu nổi các sinh viên người Nhật ở xung quanh mình, bởi vì họ dường như quan tâm nhiều đến những thứ ở ngoài nhà trường hơn là học. Từ các trường học mà cậu đã trải qua, cậu biết rằng người Nhật không muốn liên quan nhiều đến người Hàn, vậy nên Noa không giao du với ai, giống như khi cậu còn nhỏ. Có vài người Hàn tại trường Waseda, nhưng cậu cũng tránh bọn họ, bởi vì dường như họ quan tâm đến chính trị nhiều quá. Trong một bữa ăn trưa hằng tháng của họ, Hansu nói rằng những người thuộc cánh tả là “một lũ những kẻ hay kêu ca” còn những người thuộc cánh hữu là những kẻ “thậm ngu”. Noa hầu như lúc nào cũng ở một mình, nhưng cậu không cảm thấy cô đơn. Thậm chí sau hai năm, cậu vẫn chịu ảnh hưởng mạnh từ việc được học ở Waseda và có một căn phòng yên tĩnh để ở trong đó đọc sách. Như một người chết đói, Noa nạp đầy kiến thức vào đầu mình, khát đọc những cuốn sách hay. Cậu đọc các tác phẩm của Dickens, Thackeray, Hardy, Austen và Trollope, sau đó chuyển sang văn học của lục địa châu Âu, đọc nhiều tác phẩm của Balzac, Zola và Flaubert, rồi mê các tác phẩm của Tolstoy. Văn hào mà cậu yêu thích là Goethe; cậu chắc đã đọc cuốn Nỗi đau của chàng Werther ít nhất hơn chục lần.
Nếu cậu có một điều ước, thì đó là: Cậu ước mình là một người châu Âu từ thời xa xưa. Cậu không muốn làm vua hay làm thống soái - cậu quá lớn, không còn phù hợp với những điều ước đơn giản như thế. Nếu có thể ước muốn, cậu muốn một cuộc sống đơn giản tràn ngập thiên nhiên, những cuốn sách và có lẽ vài đứa con. Cậu biết rằng sau này trong cuộc sống, cậu cũng muốn ở một mình để đọc sách và muốn yên tĩnh. Trong cuộc sống mới của mình ở Tokyo, cậu đã phát hiện ra nhạc Jazz và cậu thích tới những quán bar một mình, nghe những đĩa nhạc mà các chủ quán lựa chọn từ nhừng hộp đựng đĩa nhạc của họ. Nghe nhạc sống thì quá đắt, nhưng cậu hy vọng một ngày nào đó, khi lại có việc làm, cậu sẽ có thể lui tới những câu lạc bộ nhạc Jazz. Tại quán bar, cậu phải gọi một ly đồ uống mà cậu hầu như không đụng tới để trả cho chỗ ngồi, sau đó cậu trở về phòng đọc thêm cuốn gì đó, viết thư cho gia đình, rồi đi ngủ.
Cứ vài tuần, cậu lại tiết kiệm tiền tiêu vặt và mua vé tàu hỏa giá rẻ để về thăm gia đình. Cứ vào đầu tháng, Hansu lại đưa cậu đi ăn một bữa trưa sushi để nhắc nhở cậu về sứ mệnh của mình trên đời này, vì một mục đích cao hơn mà cả ông ta lẫn cậu đều không thể nói ra một cách rõ ràng, đầy đủ. Noa cảm thấy cuộc sống của cậu thật lý tưởng và cậu cảm thấy biết ơn.
Sáng hôm đó, khi cậu đang băng qua khuôn viên để tới dự buổi hội thảo chuyên đề về George Eliot, cậu nghe thấy có người gọi tên mình.
“Bando, Bando”, một giọng phụ nữ vang lên. Đó là Akiko Fumeki, hoa khôi của trường.
Noa dừng lại và đợi. Trước đây, cô chưa từng nói chuyện với cậu. Thực ra cậu hơi sợ cô một chút. Cô luôn nói những điều trái ngược với giáo sư Kuroda - một người phụ nữ nói năng nhẹ nhàng lớn lên và học tập ở Anh quốc. Mặc dù giáo sư rất lịch thiệp, Noa có thể nói rằng bà không ưa Akiko cho lắm; các sinh viên khác, đặc biệt là phụ nữ, hầu như không thể chịu đựng nổi cô. Noa biết sẽ an toàn hơn nếu cậu giữ khoảng cách với những sinh viên mà các giáo sư không ưa. Trong phòng hội thảo, Noa ngồi cách giáo sư một ghế, trong khi Akiko ngồi ở cuối phòng phía dưới những ô cửa cao.
“Bando, bạn khỏe không?”. Akiko hỏi, thở hổn hển, mặt đỏ bừng. Cô nói với cậu một cách thân mật như thể họ đã nói chuyện với nhau nhiều lần rồi.
“Cảm ơn bạn. Bạn thế nào?”.
“Bạn nghĩ gì về kiệt tác cuối cùng của George Eliot?”. Cô hỏi.
“Xuất sắc. Tất cả những gì được George Eliot viết đều hoàn hảo”.
“Vớ vẩn. Adam Bede chán ngắt. Mình suýt chết khi đọc thứ đó. Cuốn Silas Marner gần như không thể chịu đựng nổi”.
“Adam Bede không gây hồi hộp hoặc mở rộng như Middlemarch, nhưng nó vẫn là sự miêu tả tuyệt vời về một người phụ nữ can đảm và một người đàn ông trung thực”.
“Ôi, thôi, mình xin”. Akiko đảo mắt và cười cậu.
Noa cũng cười. Cậu biết chuyên ngành của cô là Xã hội học vì trong ngày đầu tiên vào học, tất cả mọi người đều đã tự giới thiệu bản thân.
“Bạn đã đọc tất cả các tác phẩm của George Eliot rồi chăng? Điều đó thật ấn tượng”, cậu nói, vì cậu chưa bao giờ gặp bất cứ ai khác đã làm được điều đó.
“Bạn là người đã đọc tất cả mọi thứ. Điều đó thật kinh tởm và mình suýt phát cáu với bạn vì đã làm điều đó. Nhưng mình cũng ngưỡng mộ việc ấy. Mặc dù, nếu bạn thích tất cả những gì bạn đọc, thì mình không thể coi bạn là quan trọng và đáng chú ý. Có lẽ bạn đã không ngẫm nghĩ về những cuốn sách đó đủ lâu”. Cô nói điều đó với vẻ mặt nghiêm túc, chẳng hề quan tâm mình nói như vậy có xúc phạm cậu hay không.
“Đúng vậy”. Noa mỉm cười. Cậu chưa bao giờ chợt nảy ra ý nghĩ rằng bất kỳ cuốn sách nào mà một vị giáo sư chọn và yêu thích cũng có thể là thấp kém so với các tác phẩm khác của cùng một tác giả. Giáo sư của họ thích các cuốn Adam Bede và Silas Mamer.
“Bạn ngồi gần giáo sư thế. Mình nghĩ bà ấy phải lòng bạn đấy”.
Sửng sốt, Noa dừng lại.
“Bà Kuroda sáu mươi tuổi rồi. Có lẽ bảy mươi”. Noa bước về phía cửa ra vào của tòa nhà và mở cửa cho cô.
“Bạn nghĩ phụ nữ muốn ngừng quan hệ tình dục chỉ vì họ sáu mươi tuổi ư? Bạn ngố quá. Bà ấy có lẽ là người phụ nữ lãng mạn nhất ở Waseda đấy. Bà ấy đã đọc quá nhiều tiểu thuyết. Bạn là đối tượng hoàn hảo dành cho bà ấy. Ngày mai bà ấy sẽ cưới bạn. Ôi, một vụ xì-căng-đan! George Eliot của bạn cũng cưới một người đàn ông trẻ, bạn biết đấy. Mặc dù vị hôn phu của bà ấy đã cố tự vẫn trong tuần trăng mật!”. Akiko cười khanh khách và các sinh viên đang bước lên cầu thang dẫn vào lớp của họ mở to mắt nhìn cô. Tất cả mọi người dường như đều cảm thấy khó hiểu trước sự tương tác của họ, bởi vì Noa gần như cũng nổi tiếng như nàng hoa khôi của trường, nhưng nổi tiếng vì sống tách biệt với mọi người.
Bước vào lớp, cô ngồi ở chỗ quen thuộc của mình ở tận cuối lớp, còn Noa quay trở lại chỗ ngồi của cậu gần vị giáo sư. Cậu mở cuốn sổ ghi chép và lấy bút máy ra, rồi nhìn xuống trang giấy trắng có dòng kẻ bằng mực xanh nhạt. Cậu đang nghĩ về Akiko; khi nhìn gần, nàng thậm chí còn đẹp hơn.
Kuroda ngồi xuống, giảng bài. Bà mặc chiếc áo len màu xanh lá bên ngoài chiếc sơ mi trắng có cổ kiểu Peter Pan và chiếc váy bằng vải tuýt màu nâu. Đôi chân nhỏ xíu của bà đi đôi giày búp bê Mary Janes. Bà nhỏ nhắn và gầy gò đến nỗi tạo ra ấn tượng rằng bà gần như có thể bay như một tờ giấy hoặc một chiếc lá khô.
Bài giảng của bà Kuroda chủ yếu là chân dung tâm lý bao quát về người nữ anh hùng trong tác phẩm Daniel Deronda, nhân vật Gwendolen Harleth tự cho mình là trung tâm - cô đã thay đổi vì sự chịu đựng đau khổ và thiện tính của Daniel. Bà giáo sư đặc biệt nhấn mạnh đến số phận của một người phụ nữ được quyết định nhờ vị trí kinh tế và triển vọng hôn nhân của cô ta. Không ngạc nhiên, bà giáo sư so sánh Gwendolen với nhân vật Rosamond Vincy tham lam và tự phụ trong tác phẩm Middlemarch, nhưng lập luận rằng trong sự tương phản, Gwendolen đạt đến giai đoạn thức tỉnh và biến chuyển theo quan điểm của Aristoteles. Kuroda dành hầu hết thời gian của buổi giảng bài để nói về Gwendolen, rồi ngay trước khi kết thúc bài giảng, bà nói một chút về Mirah và Daniel - những người Do Thái trong cuốn sách. Bà Kuroda cung cấp vài thông tin về nền tảng Chủ nghĩa Phục quốc của người Do Thái và vai trò của người Do Thái trong các tiểu thuyết thời Victoria.
“Đàn ông Do Thái thường được xem là đặc biệt thông minh, còn phụ nữ thường xinh đẹp và bất hạnh. Ở đây, chúng ta có một tình huống mà một người đàn ông không biết bản sắc của mình, giống như người ngoài cuộc. Anh ta giống như Moses - đứa trẻ vị thành niên trong Sách Sáng Thế - người biết được rằng mình là dân Do Thái chứ không phải là người Ai Cập…”. Khi bà Kuroda nói điều này, bà liếc nhìn Noa, nhưng cậu không biết bởi vì cậu đang mải ghi chép.
“Tuy nhiên, khi Daniel biết rằng mình thực chất là người Do Thái, Daniel được tự do yêu nàng Mirah tiết hạnh, một ca sĩ tài năng giống như người mẹ Do Thái của anh và họ sẽ đi về phía đông, đến Israel”. Bà Kuroda khe khẽ thở dài, như thể bà nhẹ nhõm trước cái kết của Eliot.
“Vậy giáo sư đang nói rằng tốt hơn là người ta chỉ yêu người cùng chủng tộc với mình, rằng những người như người Do Thái cần sống tách biệt trong quốc gia của họ ư?”. Akiko hỏi mà không giơ tay. Cô dường như không tin vào nghi thức đó.
“Tôi nghĩ ở đây George Eliot lý luận rằng có sự cao quý đặc biệt trong việc là người Do Thái và muốn trở thành một phần của nhà nước Do Thái. Eliot thừa nhận rằng người của dân tộc này thường bị ngược đãi một cách bất công. Họ có mọi quyền đối với một nhà nước Do Thái. Chiến tranh đã dạy chúng ta rằng những điều tồi tệ đã xảy ra với họ và điều đó không thể tái diễn. Người Do Thái chẳng làm điều gì sai cả, nhưng người châu Âu…”. Bà Kuroda nói nhỏ hơn thường lệ, như thể bà sợ ai đó có thể nghe trộm và bà sẽ gặp rắc rối. “Vấn đề này phức tạp, nhưng Eliot đã bỏ xa những người đương thời để nghĩ về vấn đề phân biệt chủng tộc dựa trên tôn giáo. Đúng không nào?”.
Có chín sinh viên trong lớp và tất cả mọi người đều gật đầu, trong đó có Noa, nhưng Akiko trông lại có vẻ tức giận.
“Nhật là đồng minh của Đức”, Akiko nói.
“Nhật Bản không phải là một phần của cuộc thảo luận này, cô Akiko ạ”.
Vị giáo sư mở cuốn sách của mình ra với vẻ căng thẳng, muốn thay đổi chủ đề.
“Eliot sai”, Akiko nói, không hề nao núng. “Có thể người Do Thái có quyền có một nhà nước của riêng mình, nhưng em thấy không nhất thiết Mirah và Daniel phải rời khỏi nước Anh. Em nghĩ sự lý luận về tính cao quý này hoặc một quốc gia vĩ đại hơn cho những người bị ngược đãi là một cái cớ để đuổi tất cả những người nước ngoài không ai cần đến”.
Noa không nhìn lên. Cậu nhận thấy mình đang ghi lại tất cả mọi điều Akiko nói, bởi vì nó khiến cậu lo lắng khi nghĩ rằng điều này có thể là sự thực. Cậu ngưỡng mộ lòng can đảm và thiện tính của Daniel trong suốt cuốn sách và cậu không ngẫm nghĩ nhiều về ý đồ chính trị của Eliot. Liệu có khả năng Eliot đang gợi ý rằng những người ngoại quốc, dù bà ngưỡng mộ họ bao nhiêu, đều nên rời khỏi nước Anh? Lúc này, tất cả mọi người trong phòng đều xem thường Akiko, nhưng bỗng nhiên cậu cảm thấy khâm phục sự can đảm để nghĩ theo cách hoàn toàn khác và gợi ý về sự thật “khó nuốt” đó của cô. Cậu cảm thấy may mắn được học tại một trường đại học và không phải như ở hầu hết những môi trường khác, nơi người đứng đầu luôn đúng. Tuy nhiên, cậu không nghĩ đến bản thân mình một cách đầy đủ, cho tới khi cậu thực sự lắng nghe Akiko tranh luận với vị giáo sư và cậu chưa bao giờ chợt nảy ra ý muốn biểu lộ sự bất đồng một cách công khai.
Sau buổi học, cậu cuốc bộ về nhà một mình, chìm đắm trong những ý nghĩ về cô và cậu biết cậu muốn ở bên cô, mặc dù điều đó không dễ. Thứ Ba tiếp theo, trước khi buổi học chuyên đề bắt đầu, Noa đến lớp sớm để nhận ghế ngồi cạnh cô. Bà giáo sư không cố để lộ ra rằng bà bị tổn thương vì sự ly khai này, nhưng tất nhiên, bà có tổn thương.