Pachinko - Chương 38
Osaka, tháng Tư năm 1962
Họ không thường xuyên nhận được thư từ, vậy nên khi một lá thư đến, cả gia đình tập trung quanh nệm của Yoseb để nghe đọc thư. Yoseb nằm ngửa, đầu anh được kê cao bằng một chiếc gối nhồi rơm kiều mạch. Tất nhiên, Sunja nhận ra chữ viết của con trai mình trên bì thư. Mặc dù không biết chữ, cô có thể nhận ra tên mình và các chữ ký bằng cả tiếng Hàn và tiếng Nhật. Thường thì Kyunghee đọc to các bức thư, nhờ Yoseb giúp khi có những ký tự khó mà chị không thể nhận ra. Thị lực của Yoseb đã kém đi; anh không thể đọc nổi các tờ báo mà anh thích, vậy nên Kyunghee đọc chúng cho anh nghe. Nếu Kyunghee miêu tả của các ký tự, thì Yoseb thỉnh thoảng có thể đoán ra nghĩa của nó từ văn cảnh cụ thể.
Kyungheee đọc bằng giọng nhẹ nhàng và rõ ràng của mình. Mặt Sunja trắng bệch vì sợ hãi và Yangjin nhìn đăm đăm vào tờ giấy mỏng, băn khoăn không biết cháu mình nói gì. Mắt của Yoseb nhắm nghiền, nhưng anh vẫn thức.
Mẹ,
Con đã rút khỏi trường Waseda. Con đã chuyển ra khỏi căn hộ đó. Hiện giờ con đang ở một thành phố mới và đã tìm được việc làm.
Chuyện này có thể rất khó hiểu đối với mẹ, nhưng con yêu cầu mẹ đừng tìm con. Con đã suy nghĩ rất kỹ về chuyện này rồi. Đây là cách tốt nhất để con sống với chính bản thân mình và giữ được sự chính trực của mình. Con muốn bắt đầu một cuộc sống mới, và để làm điều đó thì không có cách nào khác cả.
Con đã phải thanh toán một số hóa đơn để bắt đầu và ngay khi con kiếm được thêm tiền, con sẽ gửi chút ít về cho mẹ một cách thường xuyên nhất có thể. Con sẽ không bỏ bê các nghĩa vụ của mình. Con cũng sẽ kiếm đủ tiền để trả nợ Koh Hansu. Làm ơn hãy đảm bảo rằng ông ta không bao giờ tìm đến con. Con không muốn biết đến ông ta.
Mẹ cho con gửi lời thăm bác Yoseb, bác Kyunghee, Bà và Mozasu. Con tiếc rằng mình không có cơ hội để chào tạm biệt mọi người, nhưng con sẽ không quay về đâu. Xin đừng lo lắng cho con. Có lo lắng cũng chẳng ích gì.
Con trai của mẹ,
Noa
Noa viết bức thư ngắn ấy bằng tiếng Nhật đơn giản thay vì tiếng Hàn, một ngôn ngữ mà cậu chưa bao giờ viết thạo. Khi Kyunghee đọc thư xong, không ai nói gì. Yangjin khẽ vỗ lên đầu gối con gái bà, rồi đứng dậy đi vào bếp để nấu bữa tối, để Kyunghee ở đó choàng tay ôm em dâu chị đang ngồi lặng đi, mặt trắng bệch.
Yoseb thở dài. Liệu có điều gì có thể đưa thằng bé quay trở lại không? Anh tự hỏi. Anh không nghĩ vậy. Cuộc đời có quá nhiều mất mát. Khi Isak qua đời, Yoseb đã nghĩ đến những đứa con thơ dại của em mình và thề sẽ bảo vệ chúng. Noa và Mozasu không phải là con anh, nhưng điều đó thì quan trọng gì? Anh muốn trở thành một người đàn ông tốt đối với chúng. Thế rồi sau chiến tranh, sau vụ tai nạn, anh đã sẵn sàng chấp nhận cái chết và chỉ mong chờ vào tương lai của hai thằng bé. Trái tim dại khờ không thể không hy vọng. Cuộc sống dường như đã gần tới mức có thể chịu đựng nổi; mặc dù Yoseb gần như bị cắt đứt khỏi cuộc sống, chỉ gắn với cái giường, gia đình anh vẫn tồn tại. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Đối với Yoseb, Noa dường như giống Isak nhiều đến nỗi anh có thể quên rằng cha nó là một người khác - một người hoàn toàn khác với Isak hiền lành của anh. Nhưng giờ đây thằng bé tội nghiệp bằng cách nào đó đã biết được rằng nó thuộc dòng dõi khác. Nó đã quyết định rời bỏ họ, và sự ra đi của nó là một hình phạt. Yoseb có thể hiểu được nỗi tức giận của nó, nhưng anh muốn có một cơ hội nữa để nói chuyện với nó, để nói cho Noa biết rằng một con người phải học tha thứ - phải biết điều gì là quan trọng, rằng sống mà không có sự tha thứ thì chẳng khác gì một xác chết còn thở và cử động. Tuy nhiên, Yoseb không có đủ sức để dậy khỏi giường, nói gì đến việc tìm đứa cháu trai yêu quý của mình, một đứa con trai chẳng khác gì máu mủ của anh.
“Liệu thằng bé có thể đến Bắc Hàn không?”, Kyunghee hỏi chồng. “Nó sẽ không làm chuyện như thế, chẳng phải vậy sao?”
Sunja liếc nhìn anh chồng của mình.
“Không, không”. Chiếc gối của Yoseb phát ra tiếng lạo xạo khi anh quay đầu từ bên này sang bên kia.
Sunja đưa hai tay lên bưng mặt. Không ai đến Bắc Hàn mà quay về cả. Vẫn còn có hy vọng miễn là nó đừng tới đó. Kim Changho đã đi vào tháng cuối cùng của năm 1959, và trong hơn hai năm, họ chỉ nhận được tin tức của anh đúng hai lần. Kyunghee hiếm khi nói về anh, nhưng cũng dễ hiểu khi mà ý nghĩ đầu tiên của chị là về Bình Nhưỡng.
“Thế còn Mozasu? Chúng ta nói gì với nó đây?”. Kyunghee hỏi. Một tay vẫn cầm lá thư của Noa, tay kia của chị vỗ nhẹ lên lưng Sunja.
“Cứ đợi tới khi nó hỏi về Noa hẵng hay. Thằng bé rất bận như vốn dĩ. Nếu nó hỏi, thì cứ nói ta không biết. Sau đó, nếu buộc phải nói, thì các cô cứ nói với nó rằng anh nó bỏ đi đâu không biết”, Yoseb nói, mắt vẫn nhắm nghiền. “Hãy nói với nó rằng trường học quá khó khăn đối với nó, vậy nên nó rời khỏi Tokyo và nó xấu hổ quá nên không về nhà, sau bao công sức, nỗ lực để thi đỗ vào trường đó. Với tất cả những gì chúng ta biết, đó có thể là một lý do”. Yoseb phát ốm phải nói những lời này, vậy nên anh không nói gì khác nữa.
Sunja không thể thốt lên lời. Mozasu sẽ không bao giờ tin điều đó, tuy nhiên cô không thể nói cho nó biết sự thật, bởi vì nó sẽ đi tìm anh mình. Và cô không thể nói về Hansu. Mozasu gần đây hầu như không ngủ, bởi vì nó có nhiều trách nhiệm ở chỗ làm và mới vài tuần trước Yumi bị sảy thai. Mozasu không cần thêm những lo lắng nữa.
Kể từ tối hôm đó, khi Noa từ trường về để nói chuyện với cô, ngày nào Sunja cũng nghĩ đến việc đi Tokyo để nói chuyện với con trai mình, nhưng cô không thể làm vậy. Một tháng đã trôi qua và bây giờ họ nhận được bức thư này. Thằng bé đã nói gì với cô? Mẹ đã lấy đi cuộc đời của con. Nó đã rút khỏi trường Waseda. Sunja cảm thấy không thể suy nghĩ được, thậm chí không thể thở nổi. Tất cả những gì cô muốn là gặp lại con trai. Nếu điều đó là không thể, thì thà chết còn hơn.
Lau đôi tay ướt vào tạp dề, Yangjin đi từ trong bếp ra, nói với họ rằng bữa tối đã sẵn sàng. Yangjin và Kyunghee nhìn Sunja đăm đăm.
“Em nên ăn chút gì đi”, Kyunghee nói.
Sunja lắc đầu. “Em phải đi. Em phải tìm nó”.
Kyunghee nắm cánh tay cô, nhưng Sunja giằng tay ra và đứng dậy.
“Hãy cứ để nó đi gặp ông ta”, Yangjin nói.
•••
Hóa ra Hansu sống cách đó chỉ ba mươi phút đi tàu hỏa. Ngôi nhà đồ sộ đến phi lý của ông ta nổi bật trên con phố yên tĩnh. Cánh cửa đôi bằng gỗ gụ cao được chạm trổ, ở hai bên có hai ô cửa sổ lớn bằng kính, nằm ở chính giữa một tòa kiến trúc bằng đá vôi hai tầng tựa như một cái miệng khổng lồ. Sau chiến tranh, ngôi nhà từng là nơi ở của một nhà ngoại giao người Mỹ. Những tấm màn rủ dày che phần bên trong ngôi nhà, khiến người ở bên ngoài không thể nhìn được vào trong nhà. Khi còn là một cô gái trẻ, Sunja đã hình dung nơi ông ta sống, nhưng cô không bao giờ có thể tưởng tượng nổi bất cứ gì giống như thế này. Dường như đối với cô, ông ta sống trong một lâu đài. Người lái taxi quả quyết với cô rằng anh ta đã đưa cô đến đúng địa chỉ.
Một cô giúp việc trẻ để tóc ngắn đeo chiếc tạp dề trắng óng ánh bước ra chỉ mở hé cửa một chút, ông chủ không có ở nhà, cô nói bằng tiếng Nhật.
“Ai vậy?”. Một người phụ nữ đã luống tuổi vừa từ phòng khách đi ra vừa hỏi. Bà ta vỗ nhẹ vào người cô giúp việc và cô ta đứng dẹp sang một bên. Cánh cửa mở hẳn ra để lộ lối vào rộng thênh thang.
Sunja hiểu người này chắc hẳn là ai.
“Tôi xin gặp Koh Hansu”, cô nói bằng thứ tiếng Nhật tốt nhất của mình. “Làm ơn”.
“Cô là ai?”.
“Tên tôi là Boku Sunja”.
Vợ của Hansu, Mieko, gật đầu. Người ăn mày này rõ ràng là một người Hàn muốn xin tiền. Những người Hàn của thời hậu chiến nhiều vô kể, chẳng biết xấu hổ là gì và họ lợi dụng bản tính dễ động lòng của chồng bà đối với đồng hương của mình. Bà không bực bội với sự hào phóng của ông, nhưng bà không ủng hộ sự táo tợn của những người ăn mày. Đã tối rồi, và đây không phải là lúc cho một người đàn bà thuộc bất cứ tuổi nào đi ăn mày.
Mieko quay sang người giúp việc, “Hãy cho cô ta cái mà cô ta muốn rồi bảo cô ta đi đi. Nếu cô ta đói thì có thức ăn ở trong bếp đấy”. Chồng bà vẫn thường làm thế. Cha của bà cũng tin vào lòng hiếu khách đối với người nghèo.
Cô giúp việc cúi chào khi bà chủ của mình bước đi khỏi đó.
“Không, không”, Sunja nói bằng tiếng Nhật. “Không tiền, không thức ăn. Làm ơn cho tôi nói chuyện với Koh Hansu. Làm ơn”. Cô chắp tay như thể cầu nguyện. Mieko quay lại, bước những bước khoan thai. Người Hàn cơ thể rất dai, như trẻ con ương ngạnh. Họ có thể nói to và liều mạng, không có sự trầm tĩnh và lặng lẽ của người Nhật. Các con của bà mang một nửa dòng máu đó, nhưng may mắn thay, chúng không lên giọng hoặc có những thói quen bệ rạc. Cha bà quý Hansu, khẳng định rằng ông không giống những người Hàn khác và rằng bà lấy ông thì thật tốt, bởi vì ông là một người đàn ông thực sự và ông sẽ chăm sóc bà. Cha bà đã không lầm; theo hướng của chồng bà, tổ chức của họ chỉ phát triển mạnh mẽ và giàu có hơn mà thôi. Bà và các con gái bà có khối tài sản lớn ở Thụy Sĩ cũng như hàng gói đồng yên không đếm xuể được giấu trong những bức tường đá của ngôi nhà này. Bà chẳng thiếu gì cả.
“Làm thế nào cô biết ông ấy sống ở đây? Làm thế nào cô biết chồng tôi?”. Mieko hỏi Sunja.
Sunja lắc đầu, bởi vì cô không hiểu chính xác người phụ nữ đó đang hỏi điều gì. Cô hiểu từ “chồng”. Vợ của ông ta rõ ràng là người Nhật - khoảng ngoài sáu mươi tuổi có mái tóc hoa râm được cắt ngắn. Bà rất đẹp, với đôi mắt đen được viền bằng hàng mi dài hiếm thấy. Bà mặc bộ kimono màu xanh nhạt bên ngoài thân hình thanh lịch. Sáp môi của bà mang màu mơ muối. Bà trông giống như một người mẫu chuyên mặc trang phục kimono.
“Đi gọi cậu làm vườn tới đây. Cậu ta nói tiếng Hàn”. Vợ của Hansu giơ bàn tay trái ra và ra hiệu cho Sunja cứ đứng yên ở ngoài cửa. Bà để ý thấy bộ đồ bằng vải thô đã sờn và đôi bàn tay lao động lốm đốm vết tàn nhang do dãi nắng của người lạ. Người Hàn này chắc chắn chưa nhiều tuổi lắm; có nét đẹp trong đôi mắt cô ta, nhưng tuổi trẻ của cô ta đã lụi tàn. Eo của cô ta to do đã sinh đẻ. Cô ta không đủ hấp dẫn để làm một trong những gái bao của Hansu. Theo như bà biết, tất cả những ả gái làm tiền của Hansu đều là các nữ chiêu đãi viên người Nhật, trong đó một số người ít tuổi hơn các con gái của họ. Họ đủ khôn ngoan để không làm cái việc tô điểm cho bậc cửa nhà bà.
Cậu làm vườn đang nhổ cỏ ở sân sau bèn chạy tới trước nhà.
“Con đây, thưa bà”, cậu ta nói, cúi xuống chào bà chủ.
“Cô ta là người Hàn”, Mieko nói. “Hãy hỏi xem làm thế nào cô ta biết ông chủ sống ở đâu”.
Cậu làm vườn liếc nhìn Sunja đang có vẻ sợ sệt. Cô mặc một chiếc áo khoác màu xám nhạt bên ngoài bộ đồ lao động bằng vải cotton. Cô trẻ hơn mẹ của cậu.
“Cô à”, cậu nói với Sunja, cố gắng không làm cô sợ. “Cháu có thể giúp gì được cô?”.
Sunja mỉm cười với cậu, thế rồi, nhận thấy sự quan tâm trong ánh mắt cậu, cô bật khóc. Cậu không hề có chút cứng rắn của cô giúp việc trong nhà và bà vợ kia.
“Tôi đang tìm con trai tôi, cậu ạ, và tôi nghĩ ông chủ của cậu biết thằng bé ở đâu. Tôi cần nói chuyện” - cô phải ngừng nói để thở qua những lần nuốt nước mắt - “với ông chủ của cậu. Cậu có biết ông ấy ở đâu không?”.
“Làm thế nào cô ta biết chồng tôi sống ở đây?”. Vợ của Hansu lại hỏi bằng giọng bình thản.
Vì mong muốn giúp đỡ người phụ nữ tuyệt vọng, cậu làm vườn đã quên mất yêu cầu của bà chủ.
“Bà chủ muốn biết làm thế nào cô biết ông chủ sống ở đây. Cô à, cháu phải trả lời bà chủ; cô có hiểu không?”. Cậu nhìn sát mặt Sunja.
“Tôi làm cho Kim Changho ở một nhà hàng mà ông chủ của cậu sở hữu. Kim Changho đã cho tôi địa chỉ của ông chủ cậu trước khi lên đường đi Bắc Hàn. Cậu có biết ông Kim không? Ông ấy đã đi Bình Nhưỡng rồi”.
Cậu con trai gật đầu, nhớ lại người đàn ông cao ráo đeo kính dày cộp thường cho cậu tiền mua kẹo và chơi bóng đá với cậu ở sân sau. Ông Kim đã ngỏ ý đưa cậu đi cùng mình về Bắc Hàn trên con tàu của Hội Chữ thập Đỏ, nhưng ông chủ cậu nghiêm cấm điều đó. Ông chủ chẳng bao giờ nhắc đến ông Kim và sẽ nổi giận nếu ai nhắc đến ông ấy. Sunja nhìn cậu bé đăm đăm như thể chính cậu có thể tìm Noa.
“Cậu ạ, có thể ông chủ của cậu biết con trai tôi hiện nay đang ở đâu. Tôi phải đi tìm nó. Cậu có thể nói cho tôi biết ông chủ của cậu ở đâu không? Hiện giờ ông ấy ở đâu. Tôi biết ông ấy sẽ gặp tôi”.
Cậu con trai nhìn xuống đất lắc đầu, và lúc đó, Sunja mới ngước lên nhìn phần bên trong ngôi nhà của Hansu. Tiền sảnh sâu hút và tráng lệ ở phía sau cậu giống như phần bên trong của một ga tàu điện cổ kính với trần nhà cao và những bức tường trắng mờ. Cô tưởng tượng ra Hansu đang đi xuống cầu thang bằng gỗ anh đào được chạm trổ để hỏi có chuyện gì vậy. Lần này, cô sẽ cầu xin ông ta giúp đỡ theo cách mà cô chưa từng làm. Cô sẽ xin ông ta vì lòng nhân từ, vì tất cả mọi nguồn lực mà ông ta có và cô sẽ ở bên cạnh ông ta cho tới khi con trai cô được tìm thấy.
Cậu làm vườn quay sang bà chủ và dịch tất cả mọi điều Sunja đã nói.
Vợ của Hansu nhìn người đàn bà đang khóc.
“Hãy nói với cô ta là ông ấy đi vắng. Rằng ông ấy sẽ vắng nhà một thời gian dài”. Mieko quay gót, vừa đi khỏi chỗ đó vừa nói, “nếu cô ta cần vé tàu hoặc đồ ăn, thì hãy bảo cô ta ra sau nhà và cho cô ta những gì cô ta cần; nếu không, thì bảo cô ta đi đi”.
“Cô à, cô có cần tiền hay thức ăn không?”. Cậu hỏi.
“Không, không. Tôi chỉ cần nói chuyện với ông chủ của cậu thôi. Làm ơn đi cậu. Làm ơn giúp tôi với”, Sunja nói.
Cậu nhún vai, bởi cậu không biết Hansu đang ở đâu. Cô giúp việc với chiếc tạp dề trắng lấp lánh trong ánh đèn điện của phòng khách đứng bên cửa như một nữ đồng trinh gác cổng nhìn ra xa xăm như thể để dành cho những người bần hàn, bẩn thỉu một chút riêng tư.
“Cô à, cháu rất tiếc, bà chủ muốn cô đi khỏi đây. Cô có muốn đi xuống bếp không? Ở phía sau nhà? Cháu có thể lấy cho cô chút gì để ăn. Bà chủ nói…”.
“Không. Không”.
Cô giúp việc khẽ khàng đóng cửa lại, trong khi cậu con trai vẫn ở bên ngoài. Cậu chưa bao giờ bước qua ngưỡng cửa chính và không ai mong cậu làm thế.
Sunja quay ra đường phố tối om. Vầng trăng khuyết hiện rõ trên nền trời xanh sẫm. Bà chủ đã quay vào phòng khách để xem những cuốn tạp chí về hoa của mình, còn cô giúp việc lại tiếp tục công việc của mình trong phòng để thức ăn. Từ ngôi nhà, cậu làm vườn nhìn Sunja bước về phía đường cái. Cậu muốn nói với cô rằng ông chủ thỉnh thoảng có về nhà, nhưng hiếm khi ngủ ở nhà. Vì công việc, ông đi khắp cả nước, ông bà chủ rất lịch sự với nhau, nhưng dường như họ không giống một cặp vợ chồng bình thường cho lắm. Cậu nghĩ có lẽ đó là cung cách của người giàu. Họ không giống như cha mẹ cậu. Cha cậu là thợ mộc trước khi ông chết vì bệnh gan. Bà mẹ không bao giờ ngừng làm việc của cậu yêu cậu lắm, mặc dù cậu chẳng bao giờ kiếm ra tiền. Cậu bé làm vườn biết rằng ông chủ thỉnh thoảng ở tại một khách sạn ở Osaka; người quản gia và người đầu bếp đã nói về căn hộ sang trọng của ông ở Tokyo, nhưng không ai trong số họ từng đến đó trừ anh lái xe Yasuda. Cậu chẳng quan tâm đến nó lắm. Cậu chưa từng đặt chân đến Tokyo hay bất cứ nơi nào khác ngoài Osaka, nơi cậu sinh ra và Nagoya, nợi gia đình cậu hiện giờ đang sống. Những người biết chắc chắn ông chủ ở đâu là Yasuda và Chiki, những người vệ sĩ đầy cơ bắp của ông, nhưng cậu chưa bao giờ nảy ra ý hỏi họ ông chủ ở đâu. Họ nói thỉnh thoảng ông chủ sang Hàn hoặc Hồng Kông.
Đường phố vắng ngắt chỉ có bóng dáng nhỏ bé của người phụ nữ Hàn bước chầm chậm về phía ga tàu và cậu bé làm vườn vội chạy đuổi theo cô.
“Cô ơi, cô ơi, cô sống ở đâu?”.
Sunja dừng bước, quay về phía cậu, tự hỏi liệu cậu có thể biết điều gì chăng.
“Ở Ikaino. Cậu có biết phố buôn bán đó không?”.
Cậu gật đầu, cúi xuống chống tay lên đầu gối để thở. Cậu nhìn đăm đăm khuôn mặt tròn của cô.
“Tôi sống cách phố buôn bán đó ba dãy nhà, ở gần cái nhà tắm công cộng lớn. Tên tôi là Sunja Baek hay còn gọi là Sunja Boku. Tôi sống ở nhà đó với mẹ, anh chồng và chị dâu của tôi, Yoseb Baek và Choi Kyunghee. Cứ hỏi bất cứ ai rằng bà bán kẹo sống ở đâu là họ đều biết. Tôi cũng bán cả bánh ở chợ gần ga tàu hỏa cùng với mẹ tôi. Tôi luôn ở ngoài chợ. Cậu sẽ tìm tôi nếu cậu biết Koh Hansu ở đâu chứ? Và khi nào cậu gặp ông ấy, cậu nói với ông ấy rằng tôi cần gặp ông ấy, được không?”. Sunja hỏi.
“Vâng, cháu sẽ cố gắng. Cháu không thường xuyên gặp ông ấy đâu ạ”. Cậu bé dừng ở đó, bởi vì dường như thật không hay khi nói với cô rằng Hansu chẳng bao giờ ở nhà. Nhiều tháng rồi, có lẽ thậm chí một năm rồi, cậu chưa nhìn thấy ông ấy. “Nhưng nếu cháu gặp ông chủ, cháu sẽ nói với ông ấy rằng cô đã tới đây. Cháu chắc chắn rằng bà chủ cũng sẽ nói cho ông ấy biết”.
“Đây”. Sunja cho tay vào túi tìm một ít tiền để đưa cho cậu.
“Không, không, cảm ơn cô. Cháu có mọi thứ cháu cần rồi. Cháu không sao cả”. Cậu nhìn gót giày bằng cao su đã mòn của cô; chúng trông giống y như đôi giày mà mẹ cậu xỏ để đi chợ.
“Cậu là một cậu bé tốt bụng”, cô nói và lại bắt đầu khóc, bởi vì từ trước tới giờ, Noa luôn là niềm vui của cô. Thằng bé là nguồn sức mạnh bền vững dành cho cô khi cô chẳng có gì nhiều để mong đợi từ cuộc sống này.
“Mẹ cháu làm việc ở một khu chợ tại Nagoya; mẹ cháu phụ giúp một bà khác bán rau”, cậu buột miệng kể với cô. Từ Tết tới giờ cậu chưa gặp mẹ và các chị gái của mình. Ở đây người duy nhất cậu dùng tiếng Hàn để giao tiếp chính là ông chủ.
“Mẹ cậu chắc cũng mong gặp cậu lắm”.
Sunja mỉm cười yếu ớt với cậu, cảm thấy thương cậu. Cô khẽ chạm tay vào vai cậu, rồi bước về phía ga tàu hỏa.