Pachinko - Chương 41

Yokohama, tháng Mười một năm 1968

Khi người quản lý sàn đến báo với Mozasu rằng cảnh sát đang đợi gặp cậu ở trong văn phòng, cậu đoán rằng họ tới để kiểm tra giấy phép hoạt động của các máy pachinko. Việc đó thường diễn ra vào thời điểm này của năm. Khi bước vào văn phòng, cậu nhận ra hai người đàn ông trẻ thuộc phòng cảnh sát khu vực và mời họ ngồi, nhưng họ vẫn đứng cúi đầu, thoạt tiên không nói một lời. Người quản lý sàn, vẫn đứng ở cửa, không thể nhìn cậu; ban nãy bận tập trung vào công việc, Mozasu không để ý thấy vẻ mặt của người quản lý sàn rất trang nghiêm.

“Chào ông”, viên sĩ quan thấp hơn nói, “gia đình ông đang ở trong bệnh viện, và chúng tôi tới để đưa ông đến đó. Đáng lẽ đích thân ông đại úy tới đây, nhưng…”.

“Gì cơ?”. Mozasu rời khỏi bàn và đi ra cửa.

“Sáng nay vợ và con trai ông bị một chiếc taxi tông phải. Cách trường học của con trai ông một dãy nhà. Người tài xế say rượu từ đêm hôm trước, đã ngủ gật trong khi lái xe”.

“Vợ con tôi không sao chứ?”.

“Con trai ông bị vỡ mắt cá. Nếu không thì cậu ấy không sao”.

“Còn vợ tôi?”.

“Vợ ông mất trên xe cấp cứu trước khi đến bệnh viện”.

Mozasu lao ra khỏi văn phòng mà không mặc áo khoác.

•••

Đám tang được tổ chức ở Osaka. Mozasu luôn có thể hồi tưởng lại vài phần của nó một cách sống động và một số chi tiết cậu không thể nhớ nổi. Trong đám tang, cậu nắm chặt bàn tay nhỏ của Solomon, sợ rằng nếu cậu buông tay ra, thì đứa bé có thể sẽ biến mất. Thằng bé ba tuổi rưỡi đứng dựa người trên đôi nạng, khăng khăng đòi chào từng người đến tiễn biệt mẹ mình. Sau một giờ, nó chịu ngồi xuống nhưng luôn ở bên cạnh cha mình. Một số nhân chứng thuật lại rằng Yumi đã đẩy con trai cô vào lề đường khi chiếc taxi mất lái. Tại đám tang, người bạn thuở ấu thơ của Mozasu, Haruki Totoyama nói rằng Yumi chắc hẳn phải có khả năng phối hợp tay mắt phi thường trong khoảnh khắc chịu sức ép tột cùng như vậy. Vài trăm khách tới đám tang. Họ là những người Mozasu quen biết trong việc kinh doanh của cậu và số đông hơn đến từ nhà thờ của cha cậu, nơi bà cậu và bác Kyunghee của cậu vẫn lui tới. Mozasu đã cố gắng hết sức để chào họ, nhưng cậu hầu như không thể nói được gì; cứ như thể cậu đã quên cả tiếng Hàn lẫn tiếng Nhật. Không có Yumi, cậu không thiết sống nữa, nhưng đây là điều cậu không thể nói ra. Cô là người yêu của cậu, nhưng hơn hết, cô là người bạn sáng suốt của cậu. Đối với cậu, cô là người không thể thay thế được. Và cậu cảm thấy mình đã thật bất công với cô khi không nói với cô điều đó. Cậu đã hy vọng có một cuộc sống lâu dài với cô, chứ không chỉ vài năm. Cậu biết chia sẻ cùng ai khi một khách hàng làm điều gì đó thật buồn cười? Cậu sẽ kể với ai rằng con trai cậu khiến cậu thật tự hào, đứng trên đôi nạng và bắt tay những người lớn, can đảm hơn bất cứ người nào khác trong phòng? Khi những người đưa tang khóc trước cảnh đứa bé trai nhỏ xíu trong bộ vest đen, Solomon nói, “Đừng khóc”. Thằng bé làm một người phụ nữ đang quá xúc động bình tĩnh lại bằng cách nói với cô ấy, “Mẹ đang ở California”. Khi người đó trông có vẻ không hiểu, cả Solomon lẫn Mozasu đều không giải thích như thế có nghĩa là gì.

Mozasu chưa bao giờ đưa cô tới đó. Họ đã định tới đó. Với chút khó khăn nhất định, giờ đây họ có thể làm được hộ chiếu, nhưng cậu không thấy phiền. Hầu hết người Hàn ở Nhật không thể đi du lịch. Nếu bạn muốn có hộ chiếu của người Nhật, tấm hộ chiếu cho phép bạn quay về Nhật mà không gặp những điều rắc rối, phức tạp thì bạn phải trở thành công dân Nhật - điều mà gần như bất khả thi và dẫu sao, không một ai cậu quen biết làm được điều đó. Hoặc, nếu bạn muốn đi, bạn có thể kiếm tấm hộ chiếu của Nam Hàn qua Dân đoàn Đại Hàn Dân quốc tại Nhật Bản, nhưng rất ít người muốn nhập vào Cộng hòa Triều Tiên (Bắc Hàn), bởi vì đất nước đói nghèo này do một nhà độc tài lãnh đạo. Những người Hàn nhập vào Bắc Hàn không thể đi bất cứ đâu, dù một số người được phép đến Bắc Hàn. Mặc dù gần như tất cả mọi người trở về Bắc Hàn đều đang chịu đựng nỗi thống khổ, vẫn có nhiều người Hàn ở Nhật có tư cách công dân của Bắc Hàn hơn là Nam Hàn. Họ nói, ít nhất chính phủ Bắc Hàn vẫn gửi tiền cho họ đi học. Tuy nhiên, Mozasu sẽ không rời đất nước nơi cậu đã sinh ra. Vả lại, cậu sẽ đi đâu? Nước Nhật không muốn có họ, vậy thì đã sao nào?

Những hình ảnh về cô tràn ngập tâm trí cậu và ngay cả khi những người dự đám tang nói với cậu, tất cả những gì cậu có thể nghe là những cụm từ tiếng Anh mà cô đang luyện tập từ những cuốn sách ngôn ngữ của cô. Dù Mozasu đã nói bao nhiêu lần đi chăng nữa rằng cậu sẽ không di cư đến nước Mỹ, Yumi vẫn không từ bỏ niềm hy vọng rằng một ngày nào đó họ sẽ sống ở California. Gần đây, cô gợi ý họ sẽ sống ở New York. “Mozasu, anh không nghĩ sẽ thật tuyệt khi sống ở thành phố New York hay San Francisco sao?”. Thỉnh thoảng cô hỏi cậu, và việc của cậu là nói rằng, cậu không thể quyết định giữa hai bờ biển đó.

“Ở đó, chẳng ai quan tâm chúng ta không phải là người Nhật”, cô thường nói. “Hello, my name is Yumi Baek. This is my son, Solomon. He is three years old. How are you?”. Một lần, khi Solomon hỏi cô California là gì, cô đáp, “Là Thiên đường”.

Sau khi hầu hết những người dự đám tang đã ra về, Mozasu và Solomon ngồi ở cuối hành lang nhà tang lễ. Mozasu vỗ lưng thằng bé và con trai cậu dựa người vào cậu, nằm gọn lỏn trong vòng ôm cánh tay phải của cha mình.

“Con là đứa con ngoan”, Mozasu nói với thằng bé bằng tiếng Nhật.

“Cha là một người cha tốt”.

“Con có muốn lấy chút gì ăn không?”.

Solomon lắc đầu, ngước mắt lên nhìn khi một người đàn ông lớn tuổi bước tới chỗ họ.

“Mozasu, cậu ổn chứ?”. Người đàn ông hỏi cậu bằng tiếng Hàn. Ông ta là một người đàn ông trông rắn rỏi trên dưới bảy mươi tuổi, mặc một bộ com-lê đen có ve cổ hẹp cùng cà-vạt tối màu.

Mặt người đó trông quen quen, nhưng Mozasu không thể nhận ra. Cậu cảm thấy không thể trả lời ông ta. Không muốn trở nên bất nhã, Mozasu mỉm cười, nhưng cậu muốn ở một mình. Có lẽ đó là một khách hàng hoặc một nhân viên ngân hàng; lúc này Mozasu không thể nghĩ được.

“Tôi đây. Koh Hansu. Tôi đã già đến thế sao?”. Hansu mỉm cười. “Khuôn mặt cậu vẫn vậy, tất nhiên, nhưng cậu đã trở thành một người đàn ông. Đây là con trai cậu phải không?”. Hansu chạm vào đầu Solomon. Suốt cả ngày, gần như tất cả mọi người đều khẽ vỗ mái tóc màu hạt dẻ óng mượt của thằng bé.

Mozasu đứng dậy.

“Ồ. Vâng, cháu không nhận ra ông. Đã lâu lắm rồi. Mẹ cháu đã tìm ông một thời gian nhưng không thể tìm được. Mẹ cháu tìm ông để hỏi xem liệu ông có biết Noa ở đâu không. Anh ấy đã biến mất”.

“Đã quá lâu rồi”. Hansu bắt tay cậu. “Cậu có nhận được tin tức gì của Noa không?”.

“Có, à không. Tháng nào anh ấy cũng gửi tiền cho mẹ cháu, nhưng anh ấy không cho biết mình đang ở đâu. Thực ra anh ấy gửi nhiều tiền về, vậy nên anh ấy không thể nghèo được. Cháu chỉ ước gì chúng ta biết anh ấy ở đâu…”.

Hansu gật đầu. “Cậu ấy cũng gửi tiền cho tôi. Gửi trả tôi, cậu ấy nói vậy. Tôi muốn gửi lại tiền cho cậu ấy, nhưng không có cách nào cả. Tôi nghĩ tôi sẽ đưa số tiền đó cho mẹ cậu để mẹ cậu giữ cho Noa”.

“Ông vẫn ở Osaka?”. Mozasu hỏi.

“Không, không. Bây giờ tôi sống ở Tokyo. Tôi sống gần các con gái của tôi”.

Mozasu gật đầu. Bỗng nhiên cậu thấy mình không được khỏe và lại muốn ngồi.

Khi người lái xe của Hansu xuất hiện, Hansu hứa sẽ đến thăm Mozasu vào hôm khác.

“Thưa ông, tôi xin lỗi quấy rầy ông, nhưng có một vấn đề nhỏ ở ngoài kia. Cô gái đó nói rằng đó là chuyện khẩn cấp”.

Hansu gật đầu, bước ra khỏi tòa nhà cùng với người lái xe.

Khi Hansu ra tới chỗ xe đậu, Noriko, cô gái mới của ông ta, nói với ông ta từ trong xe. Người đẹp có mái tóc dài vỗ tay khi cô thấy ông mở cửa xe. Sơn móng tay màu hồng ngọc trai lấp lánh trên móng tay cô.

“Chú đây rồi!”. Cô ta reo lên mừng rỡ.

“Có chuyện gì vậy?”. Hansu hỏi. “Tôi đang bận”.

“Không có chuyện gì. Cháu buồn chán và nhớ chú thôi”, cô ta đáp. “Đưa cháu đi mua đồ đi chú. Cháu đã đợi chú trở lại xe rất lâu và rất kiên nhẫn đấy. Gã lái xe thì chẳng vui tính gì cả! Đám bạn cháu ở Ginza nói với cháu rằng tuần này những chiếc túi đẹp từ Pháp đã về!”.

Hansu đóng cửa xe lại. Cửa sổ xe lắp kính chống đạn che đi tất cả ánh sáng ban ngày. Những chiếc đèn trong chiếc xe Mercedes mui kín tưới ánh sáng lên khuôn mặt trái xoan của Noriko.

“Cô gọi tôi vào đây vì cô muốn đi mua sắm, phải không?”.

“Vâng, chú”, cô nói bằng giọng ngọt ngào và đặt bàn tay nhỏ xinh xắn lên đùi ông ta như móng vuốt của một con mèo con. Những khách hàng giàu có của cô ta thích thói hờn mát kiểu cháu gái của cô. Đàn ông muốn mua cho các cô gái những thứ đẹp mắt. Nếu ông chú nào muốn cởi chiếc quần lót bằng cotton trắng của cô ta ra, thì trong nhiều tháng người đó phải mua cho cô ta nhiều món đồ xa xỉ của Pháp khi cô ta muốn. Koh Hansu là khách quen quan trọng nhất của bà chủ quán bar nơi Noriko làm việc; má mì của Noriko đã hứa với cô rằng Koh Hansu thích chiều chuộng những cô gái mới của ông ta. Đây là lần gặp gỡ thứ hai của họ và trong lần đầu tiên, trước bữa ăn trưa, ông ta đã mua cho cô một chiếc ví Christian Dior. Noriko, khi mười tám tuổi từng là thí sinh của một cuộc thi sắc đẹp, không quen phải đợi trong xe. Cô mặc bộ váy lụa voan màu hồng đắt tiền nhất, mang đôi giày cao gót cùng tông màu và chuỗi vòng cổ bằng ngọc trai thật do má mì của cô ta cho mượn.

“Cô đã học đến trung học chưa hả?”. Ông ta hỏi.

“Chưa, chú. Cháu không phải là một đứa con gái học giỏi”, cô ta mỉm cười nói.

“Không, tất nhiên là không. Cô thật ngu ngốc. Tôi không thể chịu nổi những kẻ ngu ngốc”.

Hansu đấm vào mặt cô gái mạnh đến nỗi máu phun ra từ cái miệng tô son hồng của cô.

“Chú, chú!”. Cô ta kêu lên. Cô ta đánh mạnh vào bàn tay to siết chặt thành nắm đấm của ông ta.

Hansu lại đánh cô ta liên tiếp, đập đầu cô vào cái đèn ở thành xe cho đến khi cô ta không bật ra một tiếng kêu rên nào nữa. Máu loang khắp mặt cô ta cũng như mặt trước của chiếc váy màu hồng đào. Chuỗi vòng ngọc trai của cô ta lấm tấm vết máu.

“Đưa tôi đến văn phòng, sau đó chở cô ta về với má mì của cô ta. Hãy nói với bà ta rằng tôi không quan tâm một đứa con gái xinh đẹp như thế nào, tôi không chịu nổi một đứa con gái không có não. Tôi đang ở một đám tang. Tôi sẽ không quay lại quán bar cho tới khi đồ ngu dốt này bị tống đi khuất mắt tôi”.

“Tôi xin lỗi, thưa ông. Cô ta nói có việc khẩn cấp. Rằng cô ta nhất định phải nói với ông nếu không cô ta sẽ la lên. Tôi không biết phải làm gì”.

“Không ả gái điếm nào được quyền ưu tiên trước một đám tang. Nếu cô ta ốm, thì cậu nên đưa cô ta đến bệnh viện. Nếu không, cô ta có thể đã gào toáng lên. Có chuyện gì hả, đồ đần?”.

Cô gái vẫn còn sống. Cô ta ngồi co rúm, nửa thức nửa mê ở trong góc băng ghế sau rộng như một con bướm bị đè nát.

Người lái xe sợ, bởi vì anh ta có thể vẫn bị trừng phạt. Đáng lẽ anh ta không nên nghe một cô gái quán bar và câu chuyện của cô ta. Một tay cần vụ mà anh ta biết trong tổ chức đã mất một phần ngón tay đeo nhẫn vì không thực hiện việc xếp giày của khách một cách chính xác ở bên ngoài căn hộ của Koh Hansu khi cậu ta còn ít tuổi và đang được huấn luyện kinh qua các thứ bậc.

“Tôi xin lỗi, thưa ông. Tôi rất xin lỗi. Xin ông tha thứ cho tôi”.

“Câm ngay, về văn phòng”. Hansu nhắm mắt lại, ngả đầu lên lưng ghế bọc da.

Sau khi người lái xe đưa Hansu về văn phòng, anh ta đưa Noriko đến quán bar nơi cô ta làm việc. Má mì của cô ta hoảng quá vội đưa cô tới bệnh viện và thậm chí sau khi các bác sĩ phẫu thuật đã làm công việc của họ, mũi của cô gái không bao giờ trông giống như trước nữa. Noriko coi như hỏng. Má mì của cô ta không thể trang trải các chi phí cho cô vậy nên bà ta gửi Noriko tới một nhà thổ xà phòng* nơi cô ta phải tắm và phục vụ đàn ông trong tình trạng khỏa thân cho tới khi cô ta quá già để làm việc đó. Hầu như lúc nào cũng ngâm trong nước nóng, vú và mông cô ta chỉ tồn tại được dăm năm mà thôi. Sau đó cô ta sẽ phải tìm việc khác để làm.

•••

Sáu ngày một tuần, Sunja đưa cháu trai đi học và đón thằng bé về. Solomon học ở một trường mầm non quốc tế, nơi mọi người chỉ nói tiếng Anh. Ở trường, nó nói tiếng Anh, còn ở nhà nó nói tiếng Nhật. Sunja nói với nó bằng tiếng Hàn và nó trả lời bằng tiếng Nhật xen kẽ với vài từ tiếng Hàn. Solomon thích đi học và Mozasu nghĩ để thằng bé bận rộn cũng tốt. Nó là một đứa trẻ vui vẻ, muốn làm các giáo viên và những người lớn tuổi vui. Nó đi bất cứ đâu, tin về cái chết của mẹ nó cũng đến trước nó, bọc lấy nó trong một đám mây che chở; các giáo viên và các bà mẹ của bạn bè nó trông chừng nó. Solomon chắc chắn rằng nó sẽ gặp mẹ trên thiên đường; nó tin rằng mẹ có thể nhìn thấy nó. Nó nói mẹ đến thăm nó trong mơ và nói với nó rằng mẹ thèm được ôm nó.

Vào các buổi tối, bà nội, cha và con trai nhà họ đều ăn tối cùng nhau dù Mozasu phải quay trở lại chỗ làm ngay sau bữa ăn. Người bạn của Mozasu, Haruki Totoyama từ Osaka đã tới thăm họ hai lần và họ đã về Osaka thăm gia đình một lần, vì Yoseb quá yếu không thể đi xa được.

Một ngày nữa ở trường sắp kết thúc, Sunja kiên nhẫn đợi ở bên ngoài trường mầm non cùng với những cô bảo mẫu người Philippines bản tính dịu dàng và các bà mẹ người phương Tây thân thiện cũng đang chờ để đón con. Sunja không thể nói chuyện với họ, nhưng bà mỉm cười và gật đầu chào họ. Như thường lệ, Solomon là đứa trẻ chạy ra đầu tiên. Nó chào tạm biệt các giáo viên thật to, rồi lao ra ngoài ôm chầm lấy bà nội trước khi cùng những đứa bé trai khác thi nhau chạy tới hàng bánh kẹo ở góc đường. Sunja cố đuổi kịp nó. Bà không biết Hansu đang quan sát mình từ trong xe của ông ta.

Sunja mặc một chiếc áo khoác len màu đen, không đắt tiền nhưng cũng không tồi tàn. Nó trông có vẻ là áo may sẵn. Bà già đi đáng kể và Hansu cảm thấy tội nghiệp cho bà. Chỉ mới ngoài năm mươi mà bà trông già hơn tuổi rất nhiều. Hồi còn con gái, bà lanh lợi và rắn chắc, thật hấp dẫn. Ký ức về sự đầy đặn và tràn đầy sức sống của bà khuấy động ông ta. Nhiều năm dãi nắng đã khiến khuôn mặt của bà đen xạm và phủ đầy những nốt tàn nhang lên đôi tay bà. Những nếp nhăn đã hình thành trên vầng trán phẳng một thời của bà. Thay vì những bím tóc đen óng mượt của thời con gái, giờ đây bà để tóc ngắn và tóc bà giờ đây gần như đã bạc hết. Eo của bà đã xổ ra. Hansu nhớ đôi bầu vú đầy đặn và núm vú hồng hồng xinh xinh của bà. Họ chưa bao giờ ở bên nhau được vài giờ và ông ta luôn ước làm tình với bà hơn một lần trong ngày, ông ta có nhiều người đàn bà và các cô gái, tuy nhiên sự ngây thơ và tin tưởng của bà đã kích thích ông ta hơn cả những cô gái điếm gợi tình nhất sẵn sàng làm bất cứ điều gì.

Đôi mắt dễ thương của bà vẫn như xưa - sáng và cứng cỏi như những viên cuội dưới lòng sông - ánh sáng lấp lánh trong đôi mắt ấy. Ông ta đã yêu bà nồng nàn, yêu theo cái cách một người đàn ông lớn tuổi yêu một cô gái trẻ có thể khôi phục tuổi trẻ và sự cường tráng cho mình; ông ta đã yêu bà với lòng biết ơn. Hansu biết ông ta yêu bà hơn bất cứ cô gái nào khác. Bà không còn xinh đẹp nữa, nhưng ông ta vẫn khao khát bà. Nhớ lại cái lần đưa bà vào rừng thường khiến ông ta cương cứng và nếu chỉ có một mình ở trong xe thì ông ta lại thủ dâm, mừng vì sự hứng lên hiếm hoi đó.

Ngày nào Hansu cũng nghĩ về Sunja vài lần. Ông ta tự hỏi, lúc này bà đang làm gì? Bà có ổn không? Bà có nghĩ đến ông ta không? Tâm trí Hansu hướng về bà nhiều như hướng về người cha đã khuất của mình. Khi Hansu biết rằng bà đang tìm mình để hỏi Noa hiện đang ở đâu, ông ta không liên lạc với bà, bởi vì ông ta không có tin tức gì về Noa. Ông ta không thể tưởng tượng nổi việc làm Sunja thất vọng. Ông ta đã dùng mọi phương cách để xác định con trai họ hiện đang ở đâu nhưng vô ích. Noa đã biến mất một cách hoàn toàn đến mức nếu không thường xuyên dò những cuốn sổ cái của các nhà xác trên khắp nước Nhật thì Hansu có thể nghĩ rằng cậu đã chết. Tại đám tang Yumi, ông ta biết được rằng Noa vẫn gửi tiền về cho mẹ mình. Điều đó khiến ông ta thở phào nhẹ nhõm. Vậy là cậu vẫn còn sống và hiện đang sống ở một nơi nào đó ở Nhật. Hansu tính sẽ tìm Noa trước, sau đó mới liên lạc với Sunja, nhưng đám tang của Yumi đã nhắc nhở ông ta rằng không phải thời gian lúc nào cũng ủng hộ ông ta. Thế rồi, tháng trước bác sĩ chẩn đoán ông ta bị ung thư tuyến tiền liệt.

Khi Sunja đi qua chỗ xe của ông ta đậu, Hansu hạ cửa kính xuống.

“Sunja, Sunja”.

Bà há hốc miệng vì kinh ngạc.

Hansu bảo lái xe của mình ở yên trong xe và tự mở cửa bước ra ngoài.

“Nghe này, hôm đó tôi tới đám tang của Yumi hơi muộn. Mozasu nói em đã về rồi. Bây giờ em sống với thằng bé phải không?”.

Sunja đứng trên vỉa hè nhìn ông ta trân trân, ông ta dường như chẳng già đi. Có thật là đã mười một năm kể từ lần cuối cùng bà gặp ông ta không? Đó là lần bà đến văn phòng của ông ta cùng với Noa, sau đó là bữa tối đắt tiền để mừng Noa được vào trường Waseda. Noa bỏ đi đã được sáu năm rồi. Sunja liếc nhìn về phía đứa cháu nội đang chạy vào cửa hàng cùng với những đứa bé trai khác để xem những cuốn truyện tranh và bàn nhau nên mua loại kẹo nào. Không trả lời, Sunja bước về phía Solomon. Mozasu đã nói với bà rằng Hansu đến đám tang, rằng khi được hỏi về Noa, Hansu không nói gì.

“Em có thể dừng lại một lát nói chuyện với tôi được không? Thằng bé không sao đâu. Nó đang ở trong cửa hàng. Em có thể nhìn thấy nó qua cửa kính mà”. Solomon ở trong đám con trai đang đứng trước cái ki-ốt xoay bày truyện tranh.

“Tôi đã cầu xin vợ ông nói lại với ông rằng tôi đang tìm ông. Cậu bé làm vườn. Tôi chắc chắn cậu ta đã chuyển lời nhắn của tôi, dù vợ của ông không chuyển. Từ khi tôi biết ông, tôi đã làm tất cả những gì có thể để không bao giờ chất gánh nặng lên ông; tôi không hỏi xin ông một thứ gì. Sáu năm đã trôi qua kể từ khi tôi tới nhà ông. Sáu năm”.

Hansu mở miệng, nhưng Sunja đã lại nói tiếp.

“Ông có biết thằng bé ở đâu không?”.

“Không”.

Sunja bước về phía quầy bánh kẹo.

Hansu nắm lấy cánh tay bà và Sunja dùng lòng bàn tay đẩy mạnh ông ta ra, khiến ông ta bật về phía sau một bước. Người lái xe và vệ sĩ đang đứng ở gần xe của ông ta vội chạy tới, nhưng ông ta phẩy tay đuổi họ đi.

“Tôi không sao”, ông ta nói với họ.

“Quay trở lại xe của ông đi”, bà nói. “Quay lại với cuộc sống gian xảo của ông đi”.

“Sunja…”.

“Tại sao bây giờ ông cứ quấy rầy tôi thế hả? Ông không thấy là ông đã hủy hoại tôi sao? Tại sao ông không thể để tôi yên hả? Noa đã rời bỏ tôi rồi. Chẳng còn gì giữa chúng ta hết”.

Đôi mắt lấp lánh đẫm lệ của bà chớp chớp, sáng như đèn lồng. Khuôn mặt thời trẻ của bà ánh lên qua khuôn mặt đã có bóng của tuổi già.

“Tôi đưa em và Solomon về nhà được không? Chúng ta tới một quán cà phê được không? Tôi cần nói chuyện với em”.

Sunja nhìn xuống những tấm bê tông hình vuông to tướng dưới chân mình, không thể ngăn được dòng nước mắt đang tuôn trào.

“Tôi muốn con trai tôi. Ông đã làm gì với nó?”.

“Sao em có thể trách tôi về chuyện ấy chứ? Tôi chỉ muốn cho nó đi học thôi mà”.

Sunja khóc nức nở. “Lỗi của tôi đã để cho ông biết nó. Ông là một kẻ ích kỷ chiếm lấy bất cứ thứ gì ông muốn, bất chấp hậu quả. Tôi ước gì tôi chưa từng gặp ông”.

Người đi đường há hốc miệng vì ngạc nhiên cho tới khi Hansu nhìn lại họ, buộc họ phải nhìn đi chỗ khác. Thằng bé vẫn ở trong cửa hàng.

“Ông là loại đàn ông tồi tệ nhất, bởi vì ông sẽ không chịu đi cho tới khi ông đạt được mục đích”.

“Sunja, tôi sắp chết”.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3