Pachinko - Chương 47
Yokohama năm 1979
Etsuko Nagatomi vừa yêu tất cả ba đứa con mình, lại vừa không. Việc làm mẹ đã dạy cô rằng loại cảm xúc bất công này có lẽ là không tránh khỏi.
Đến giữa buổi sáng, Etsuko đã làm xong tất cả mọi việc cô phải hoàn tất cho bữa tiệc của Solomon và đang ngồi ở văn phòng ở phía trong của một nhà hàng thoáng đãng được ốp ván gỗ bạch dương. Cô bốn mươi hai tuổi, là người gốc Hokkaido chuyển đến Yokohama sau khi ly dị chồng sáu năm trước. Cô vẫn còn duy trì được vẻ đẹp của tuổi trẻ mà cô cảm thấy quan trọng để trở thành một chủ nhà hàng. Etsuko để mái tóc đen nhánh của mình theo kiểu búi gọn làm nổi bật khuôn mặt trái xoan sinh động. Nhìn từ xa có thể cô có vẻ lạnh lùng, nhưng nhìn gần khuôn mặt cô toát lên sự sôi nổi và đôi mắt nhỏ thân thiện của cô chẳng bỏ sót điều gì. Cô trang điểm thành thạo, dùng son phấn từ khi còn học cấp hai và bộ vest của hãng Saint Laurent mà Mozasu mua tặng tôn thêm thân hình thanh mảnh của cô.
Dù Etsuko thường hài lòng với bản thân mình vì hoàn thành công việc sớm hơn so với kế hoạch, hôm nay cô không như vậy. Cô vẫn tiếp tục nhìn chăm chăm vào tin nhắn qua điện thoại bằng số lạ ở Tokyo của Hana, đứa con gái đang ở tuổi học trung học của mình. Hana từ Hokkaido đến đó bằng cách nào? Những cuộc điện thoại với con gái cô có thể kéo dài năm phút hoặc một tiếng đồng hồ, tùy từng lúc, mà Mozasu thì sắp đến đón cô. Bạn trai của cô là một người đàn ông kiên nhẫn trong nhiều chuyện, nhưng anh thích cô đúng giờ. Tuy nhiên Etsuko vẫn quay số và Hana nhấc máy ngay sau lần đổ chuông đầu tiên.
“Con đang đợi đây”.
“Mẹ xin lỗi. Mẹ vừa mới nhận được tin nhắn”. Etsuko sợ đứa con gái mười lăm tuổi của mình, nhưng cô cố nói bằng giọng mạnh mẽ hơn, như cách cô nói với nhân viên của mình.
“Con đang ở đâu?”.
“Con có thai bốn tháng rồi”.
“Gì hả?”.
Etsuko gần như có thể nhìn thấy đôi mắt to không chớp của con gái. Hana giống các cô gái trong các cuốn truyện tranh với cái đầu xinh xinh và thân hình nhỏ bé của con gái. Nó ăn mặc để thu hút sự chú ý - váy ngắn, áo mỏng tang và đi giày ống cao gót - vì vậy nó nhận được sự chú ý từ mọi loại đàn ông. Cái số mình như vậy đấy, Etsuko nghĩ; chồng cũ của cô bác bỏ khái niệm này về số mệnh như một sự giải thích thiếu suy nghĩ cho những lựa chọn sai lầm mà con người ta đã thực hiện. Bất chấp, cuộc sống lại củng cố niềm tin của cô rằng thực sự có một khuôn mẫu cho chuyện đó. Đối với Etsuko, chuyện này phải xảy ra, bởi vì hồi còn con gái, cô y hệt như thế. Mười bảy tuổi cô mang thai Tatsuo, anh trai lớn nhất của Hana.
Etsuko và Hana im lặng trên điện thoại, nhưng cái ống nghe kém chất lượng cứ kêu lách tách như một đống lửa trại.
“Con đang ở Tokyo, tại nhà một người bạn”.
“Ai?”.
“Là chị họ của một người bạn sống ở đây. Mẹ nghe này, con muốn đến chỗ mẹ ngay bây giờ”.
“Tại sao?”.
“Mẹ nghĩ gì vậy? Mẹ phải giúp con trong chuyện này”.
“Cha của con có biết không?”.
“Mẹ có ngốc không đấy?”.
“Hana…”.
“Con biết đến chỗ mẹ bằng cách nào. Con có tiền. Con sẽ gọi cho mẹ khi con đến nơi”. Hana gác máy.
•••
Hai năm sau cuộc ly dị, khi Hana mười một tuổi, con bé đã hỏi Etsuko liệu họ có thể nói chuyện với nhau như những người bạn hơn là mẹ với con được không, và Etsuko đồng ý bởi cô biết ơn vì dẫu sao con gái cô vẫn tiếp tục nói chuyện với cô. Etsuko đồng ý cũng vì hồi còn con gái, cô đã nói dối mẹ cha về mọi chuyện. Nhưng Etsuko nhận ra rằng việc bị tách ra khỏi vai trò của một người mẹ cũng có gánh nặng của nó. Cô không được phép hỏi bất cứ câu hỏi tọc mạch nào và nếu cô tỏ ra quá quan tâm (điều mà Hana ghét), thì con gái cô gác máy và suốt nhiều tuần không thèm gọi cho cô.
Etsuko có nhiều điều nuối tiếc về cuộc sống của cô ở Hokkaido, nhưng điều mà cô tiếc nhất là những gì mà tai tiếng của cô đã gây ra cho các con cô. Hai đứa con đã ở tuổi trưởng thành vẫn không chịu nói chuyện với cô. Và với việc tiếp tục gặp gỡ Mozasu, cô chỉ càng làm cho các vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Mari chị gái cô và mẹ cô thúc giục cô chấm dứt mối quan hệ đó. Kinh doanh pachinko là bẩn thỉu, họ nói vậy; pachinko sặc mùi của đói nghèo và tội phạm. Nhưng cô không thể bỏ anh. Mozasu đã làm thay đổi cuộc đời cô. Anh là người đàn ông duy nhất cô chưa bao giờ lừa dối - điều mà Etsuko chưa bao giờ tin là có thể.
Mùa xuân trước sinh nhật lần thứ ba mươi sáu của cô, khi cô chưa ly dị và đang sống ở Hokkaido, cô đã quyến rũ một người bạn trai thời trung học khác. Trong gần ba năm, cô đã có một loạt các mối quan hệ với những người đàn ông khác nhau mà cô quen biết từ thuở mới lớn. Điều khiến cô ngạc nhiên là lần đầu tiên sao mà khó thế, nhưng những lần sau để có tất cả những gã đàn ông đó theo đuổi thì chẳng cần phải nỗ lực gì. Những người đàn ông có gia đình muốn sự mời mọc từ những người phụ nữ có gia đình. Chẳng khó khăn gì để gọi điện cho một người đàn ông đã ngủ với cô hai mươi năm trước và mời anh ta đến nhà cô ăn trưa khi các con cô đang ở trường.
Mùa xuân ấy, cô bắt đầu ngủ với một người bạn trai mà cô quen từ năm đầu tiên ở trường trung học. Gã đã trở thành một kẻ ăn chơi điển trai đã có gia đình và vẫn có xu hướng nói quá nhiều. Một buổi trưa, trong phòng khách chật chội của mình ở Hokkaido, trong khi tay chơi đó mặc quần áo để quay trở lại văn phòng làm việc, gã than vãn trước thực tế rằng cô sẽ không bỏ người chồng thích ở bên các đồng nghiệp của mình hơn ở bên cô. Gã tựa đầu lên khoảng giữa hai bầu vú nhỏ của cô và nói, “Nhưng anh có thể bỏ vợ. Hãy bảo anh làm điều đó đi”. Trước câu nói đó, cô lặng im. Etsuko không định bỏ Nori và các con. Sự ca thán của cô về chồng không có nghĩa rằng anh là người tẻ nhạt hoặc anh không có mặt ở nhà mấy khi. Nori không phải là một người tồi tệ. Chỉ là cô cảm thấy như thể cô không hiểu rõ anh sau mười chín năm cưới nhau và cô ngờ rằng cô sẽ chẳng bao giờ hiểu được. Chồng cô dường như không cần cô ngoại trừ như một người vợ và một người mẹ đối với các con của anh. Đối với Nori, như thế là đủ.
Không có sự biện hộ hợp lý nào cho cách hành xử của cô. Cô biết điều đó. Nhưng ban đêm, khi Nori ngồi tại bàn bếp ăn bữa tối đã nguội lạnh bởi vì anh lại về muộn sau một buổi liên hoan ở công ty, cô đợi một điều gì đó sẽ đến, một sự hiểu biết sâu sắc, một cảm giác. Khi cô nhìn anh dán mắt vào bát cơm, cô muốn túm lấy anh mà lắc, bởi vì cô không hề mong đợi sự cô đơn này trong suốt cuộc đời. Lúc ấy ai đó đã đưa cho cô một cuốn sách nhỏ về văn hóa khi cô bước ra khỏi một cửa hàng rau quả. Trên cái bìa mỏng, một bà nội trợ trung tuổi được vẽ gần như một bộ xương, ở cuối trang bìa, cuốn sách nói, “Hằng ngày bạn tiến gần đến cái chết. Bạn sống mà như đã chết. Bản sắc của bạn bắt nguồn từ đâu?”. Cô ném cuốn sách đó đi gần như ngay sau khi cô nhận được nó, nhưng bức tranh ấy cứ ám ảnh cô trong một thời gian dài.
Lần cuối cùng cô gặp gã trai phóng đãng đó, gã tặng cô một mớ những bài thơ mà gã viết cho cô. Khi gã rời khỏi đó qua cửa phòng bếp, gã thú nhận rằng gã chỉ yêu cô mà thôi. Đôi mắt gã rưng rưng lệ khi gã nói với cô rằng cô là trái tim của gã. Trong suốt thời gian còn lại của ngày hôm đó, cô bỏ bê việc nội trợ, cứ đọc đi đọc lại những bài thơ tình sướt mướt đó. Cô không thể nói chúng có hay hay không, nhưng chúng khiến cô hài lòng. Etsuko thầm kinh ngạc trước nỗ lực có lẽ cần phải có để cho ra đời những bài thơ ấy và cô lập luận rằng theo cái cách phô trương của mình, anh ta yêu cô. Cuối cùng, cuộc dan díu này đã mang đến cho cô những gì cô muốn từ tất cả những người khác - một sự đảm bảo rằng bất cứ điều gì cô cho đi một cách hào phóng trong thời tuổi trẻ không chết đi cũng chẳng biến mất.
Đêm hôm đó, khi gia đình cô đang ngủ, Etsuko ngâm mình trong bồn tắm bằng gỗ và phấn khích với cái điều mà cô cảm thấy như là một sự thắng lợi. Sau khi tắm xong, cô mặc bộ đồ ngủ màu trắng pha xanh dương và đi về phòng ngủ, nơi người chồng vô tư của cô đang ngáy khe khẽ. Một cảm giác buồn dường như rất rõ rệt dâng lên trong cô: Nếu cô cần tất cả những người đàn ông đã từng yêu cô tiếp tục yêu cô, thì cô sẽ luôn bị phân thân. Cô sẽ luôn dối lừa và cô sẽ chẳng bao giờ là một người tốt. Cô chợt nhận ra rằng làm người tốt là điều mà cô không từ bỏ một cách hoàn toàn được, sống theo cách này cô sẽ chết ư? Sáng hôm sau, cô bảo gã trai phóng đãng kia đừng gọi cho cô nữa và gã không gọi thật. Gã chuyển sang tán tỉnh bà nội trợ xinh đẹp tiếp theo trong thành phố.
Nhưng vài tháng sau, Nori phát hiện ra những bài thơ mà đáng lẽ ra cô phải tiêu hủy, và lần đầu tiên trong cuộc hôn nhân của họ anh đánh cô. Các con trai của cô cố ngăn cha chúng lại và Hana, khi ấy mới chín tuổi, cứ gào thét liên tục. Tối hôm đó, Nori tống cổ cô ra khỏi nhà và cô tìm đến nhà chị gái của mình. Sau đó luật sư nói cô có cố giành quyền nuôi con cũng vô ích bởi vì cô không có việc làm, chẳng có nghề ngỗng gì. Ông ta hắng giọng, dường như vì lịch sự hoặc vì khó chịu và nói cô có giành quyền nuôi con cũng vô ích do những gì cô đã làm. Etsuko gật đầu và quyết định rời bỏ các con của mình, nghĩ rằng cô sẽ không gây phiền cho chúng nữa. Sau đó, theo mẩu tin quảng cáo đăng tuyển người phụ trách tiếp tân cho một nhà hàng, Etsuko chuyển đến Yokohama, nơi cô chẳng quen biết một ai.
Etsuko muốn tin rằng việc gắn bó với Mozasu đã làm cô thay đổi. Chuyện cô chung thủy về mặt xác thịt với anh là bằng chứng. Đã có lần cô cố giải thích điều này với chị gái mình và Mari đáp, “Một con rắn có lột xác thì vẫn là rắn mà thôi”. Còn mẹ cô, khi biết Mozasu muốn cưới cô, đã nói, “Thật ư? Lấy một thằng người Hàn kinh doanh pachinko á? Mày làm thế với những đứa con tội nghiệp của mày chưa đủ sao? Sao không giết chết chúng đi hả?”.
Các thành viên của gia đình cũng phải chịu hình phạt cho những sai lầm mà ta mắc phải. Nhưng cô không tin mình có thể gánh chịu hết toàn bộ hình phạt này.
•••
Buổi trưa, Mozasu đến đón cô. Họ sẽ đi đón Solomon ở trường để đưa nó đi lấy thẻ lưu trú. Những người Hàn sinh ra ở Nhật sau năm 1952 phải trình diện tại văn phòng chính quyền địa phương vào ngày họ tròn mười bốn tuổi để xin cấp giấy thường trú ở Nhật. Ba năm một lần, Solomon sẽ phải lặp lại thủ tục này trừ khi nó rời khỏi nước Nhật vĩnh viễn.
Khi cô vừa lên xe, Mozasu nhắc cô thắt dây an toàn. Etsuko vẫn đang nghĩ về Hana. Trước khi rời khỏi nhà hàng, cô đã gọi điện cho bác sĩ và việc giải quyết vấn đề của Hana được sắp xếp vào cuối tuần.
Mozasu cầm tay cô. Etsuko nghĩ khuôn mặt anh toát lên sự mạnh mẽ; cái cổ rất thẳng của anh toát lên sức mạnh. Trước khi quen anh, cô không biết nhiều người Hàn, nhưng cô hình dung rằng những nét vuông vức của khuôn mặt anh là những nét truyền thống của người Hàn - xương cằm rộng, hàm răng trắng đều tăm tắp, mái tóc đen và đôi mắt nhỏ biết cười. Anh có thân hình mảnh khảnh, gầy gò khiến cô nghĩ tới kim loại. Khi anh làm tình với cô, anh nghiêm nghị, cứ như thể anh tức giận, và cô nhận ra rằng sự nghiêm nghị này mang đến cho cô khoái lạc cực độ. Những động tác của cơ thể anh khoan thai, mạnh mẽ và cô muốn phục tùng trước những động tác đó. Bất cứ khi nào cô đọc về điều gì đó hoặc về ai đó là người Hàn, cô đều tự hỏi nước Hàn như thế nào. Người cha đã mất của Mozasu, một mục sư Cơ Đốc giáo, là người gốc Bắc Hàn, còn mẹ anh, người bán bánh kẹo, là người Nam Hàn. Bà mẹ ưa nói thẳng của anh là một người có thái độ và cách ăn mặc khiêm nhường đến nỗi người ta có thể nhầm tưởng bà là một quản gia khiêm tốn hơn là mẹ của một triệu phú kinh doanh trò chơi pachinko.
Mozasu đang cầm một món quà được gói sẵn cỡ bằng một phong đậu phụ. Cô nhận ra giấy gói tráng bạc của một hiệu trang sức mà anh ưa thích.
“Cái đó cho Solomon ư?”.
“Không. Cái này tặng em”.
“Thật không? Tại sao?”.
Đó là một chiếc đồng hồ đeo tay nạm kim cương và vàng nằm gọn trong chiếc hộp bọc vải nhung đỏ thẫm.
“Đây là một chiếc đồng hồ dành cho người yêu. Anh mua nó tuần trước. Anh đã cho Kuboda, người quản lý sàn ban đêm, xem và anh ta nói rằng “Những chiếc đồng hồ đẹp như thế này là thứ mà ông nên tặng người yêu của mình bởi vì chúng có giá ngang với một chiếc nhẫn kim cương nhưng ông không thể tặng nhẫn cho người yêu bởi vì ông đã có gia đình rồi”. Anh nhướn mày vẻ thích thú.
Etsuko kiểm tra xem vách kính ngăn giữa họ với người lái xe có đóng không: Nó được đóng kín. Mặt cô đỏ bừng vì bốc hỏa.
“Anh bảo lái xe dừng lại đi”.
“Có chuyện gì vậy?”.
Etsuko giật tay ra. Cô muốn nói rằng cô không phải là người tình của anh, nhưng thay vì thế, cô bật khóc.
“Tại sao? Tại sao em lại khóc? Trong ba năm qua, năm nào anh cũng mang đến tặng em một chiếc nhẫn kim cương - chiếc sau lớn hơn chiếc trước - và em từ chối. Anh quay lại gặp người chủ cửa hàng trang sức đó, rồi anh và anh ta phải uống say mèm. Chẳng có gì thay đổi dành cho anh hết”. Anh thở dài. “Em là người nói không. Từ chối một tên mafia kinh doanh pachinko”.
“Anh đâu phải là mafia”.
“Anh không phải là mafia. Nhưng ai cũng nghĩ người Hàn là găng-xtơ”.
“Điều đó đối với em chẳng quan trọng. Mà là gia đình em cơ”.
Mozasu nhìn ra ngoài cửa sổ và khi thấy con trai mình. Mozasu vẫy thằng bé.
Xe của họ dừng lại và Solomon ngồi vào ghế phía trước. Vách kính mở ra và nó vươn người về phía họ. Etsuko đưa tay ra vuốt thẳng cổ áo trắng bị nhăn của nó.
“Arigato* rất nhiều”, thằng bé nói. Họ thường dùng xen kẽ các thứ tiếng khác nhau để gây cười. Nó ném mình trở lại ghế trước và đóng vách kính lại để nó có thể nói chuyện với người lái xe, Yamamoto, về trận đấu của đội Tigers đêm hôm trước. Đội Tigers năm nay có huấn luyện viên người Mỹ và Solomon đặt hy vọng vào mùa giải này. Yamamoto không lạc quan cho lắm.
Mozasu nhẹ nhàng nhấc cổ tay trái của cô lên và đeo chiếc đồng hồ vào.
“Em là một phụ nữ thật kỳ. Anh đã mua cho em một món quà. Thì hãy cứ nói cảm ơn đi. Anh chưa bao giờ có ý muốn nói rằng em là một…”.
Sống mũi cô cay cay và cô nghĩ mình lại bắt đầu khóc.
“Hana gọi điện. Nó sẽ đến Yokohama. Hôm nay”.
“Con bé không sao chứ?”. Anh trông có vẻ ngạc nhiên.
Năm nào Etsuko cũng đi Hokkaido hai lần để thăm các con. Mozasu chưa bao giờ gặp chúng.
“Có lẽ nó có thể đến dự sinh nhật Solomon. Gặp ca sĩ nổi tiếng”, Mozasu nói.
“Em không biết nó có thích ca sĩ Hiromi không”, cô đáp. Etsuko không biết Hana có thích nhạc pop không. Khi còn nhỏ, nó không phải là đứa thích hát hò nhảy múa. Etsuko nhìn đăm đăm cái đầu có những vệt xám của người lái xe. Anh ta đang gật đầu vẻ suy tư trong khi Solomon nói chuyện với anh ta và những cử chỉ thay lời nói của họ có vẻ thân mật. Cô ước gì mình có mối quan tâm gì đó chẳng hạn như bóng chày để có thể nói chuyện với con gái cô - một chủ đề an toàn họ có thể đề cập đến mà không cần phải che giấu hoặc công kích.
Etsuko nói với Mozasu rằng Hana có cuộc hẹn gặp với một bác sĩ ở Yokohama. Khi anh hỏi con bé ốm chăng, cô lắc đầu. Cuộc sống đã thành ra như vậy đó. Tatsuo, đứa con đầu lòng của cô, hai mươi lăm tuổi và phải mất tám năm nó mới tốt nghiệp đại học hệ bốn năm. Tari, con trai thứ hai của cô, một đứa con trai mười chín tuổi sống thu mình, đã thi trượt đại học và đang làm nhân viên soát vé tại một rạp chiếu phim. Cô không có quyền kỳ vọng các con mình giữ được khát vọng của những người trung lưu khác - tốt nghiệp đại học Tokyo, kiếm được công việc bàn giấy ở Ngân hàng Công nghiệp của Nhật, kết hôn với con cái của một gia đình tử tế. Cô đã biến chúng thành những kẻ bị ruồng bỏ và chẳng có cách nào để chúng có thể được chấp nhận trở lại nữa.
Etsuko tháo chiếc đồng hồ ra và đặt nó trở lại chiếc hộp nhung. Cô đặt cái hộp xuống khoảng trống giữa họ, trên lớp da bọc ghế phủ khăn lót bằng vải trắng được hồ cứng. Anh đưa nó lại cho cô.
“Nó đâu phải là nhẫn. Miễn cho anh một chuyến quay lại cửa hàng trang sức đi”.
Etsuko cầm chiếc hộp đựng đồng hồ trong tay và tự hỏi: Anh thì không bỏ cuộc còn cô chẳng chịu nhượng bộ mà sao họ vẫn ở bên nhau được.
•••
Văn phòng thị chính Yokohama là một cái hộp màu xám khổng lồ với một tấm biển không dễ thấy. Người thư ký đầu tiên họ gặp là một người đàn ông cao lớn với khuôn mặt nhỏ thó và mái tóc đen xõa ra mọi phía. Anh ta nhìn Etsuko một cách trơ tráo, ánh mắt anh ta liếc khắp ngực, hông và các ngón tay đeo nhẫn của cô. Cô mặc quá diện so với Mozasu và Solomon chỉ mặc sơ mi trắng, quần tối màu và đi giày đen. Họ trông như các nhà truyền đạo Mormon* từng đi lướt qua làng của cô bằng xe đạp khi cô còn nhỏ.
“Tên cậu…”, người thư ký liếc nhìn tờ khai mà Solomon đang điền thông tin vào. “So-ro-mo-n. Tên kiểu gì vậy?”.
“Tên này là từ Kinh Thánh. Solomon là một vị vua. Con trai của vua David. Một con người có trí khôn vĩ đại. Người bác vĩ đại của cháu đã đặt tên cho cháu”. Thằng bé mỉm cười với người thư ký như thể nó đang chia sẻ một bí mật. Solomon là một cậu bé lịch sự, nhưng bởi vì nó học chung với người Mỹ và những người ngoại quốc khác ở trường quốc tế, nên thỉnh thoảng nó nói những điều mà một người Nhật không bao giờ nói.
“So-ro-mo-n, một ông vua. Trí khôn vĩ đại”. Tay thư ký cười ngớ ngẩn. “Người Hàn làm quái gì có vua nữa”.
“Anh nói gì vậy?”. Etsuko hỏi.
Mozasu vội kéo cô lại.
Cô liếc nhìn Mozasu. Bình thường anh nóng tính hơn cô. Một lần, khi một thực khách của nhà hàng cố ép cô ngồi với gã, Mozasu, tình cờ có mặt ở đó tối hôm ấy, đã bước tới, túm gã lôi dậy và quẳng gã ra khỏi nhà hàng, làm gãy mấy cái xương sườn của gã. Cô cứ tưởng sẽ có sự phản ứng, nhưng Mozasu đã rời mắt khỏi người thư ký và chăm chú nhìn bàn tay phải của Solomon.
Mozasu mỉm cười.
“Xin lỗi ông”, anh nói không chút tức tối hoặc giận dữ. “Chúng tôi đang vội về nhà, bởi vì hôm nay là sinh nhật của thằng bé. Có điều gì khác chúng tôi nên làm nữa không ạ?”. Mozasu chắp tay sau lưng. “Cảm ơn ông rất nhiều vì đã hiểu cho”.
Cảm thấy bối rối, Solomon quay sang Etsuko và cô truyền cho thằng bé một cái nhìn cảnh báo.
Viên thư ký chỉ tay về phía cuối phòng, bảo Mozasu và Etsuko ngồi. Solomon vẫn đang đứng đối diện với viên thư ký. Trong căn phòng hình chữ nhật dài thượt, giống như một chiếc xe điện với những ô cửa sổ như chỗ làm việc của giao dịch viên ngân hàng chạy song song dọc các bức tường đối diện nhau, khoảng năm, sáu người đang ngồi trên những chiếc ghế băng, đọc báo hoặc đọc truyện tranh manga. Etsuko tự hỏi không biết có phải họ là người Hàn không. Từ chỗ ngồi của họ, Etsuko và Mozasu có thể nhìn thấy Solomon đang nói chuyện với viên thư ký, nhưng họ không nghe được gì cả.
Mozasu ngồi xuống, sau đó lại đứng dậy. Anh hỏi cô có muốn một lon trà từ chiếc máy bán hàng tự động không và cô gật đầu. Cô cảm thấy muốn vả vào mặt viên thư ký. Ở trường cấp hai, đã có lần cô tát một đứa con gái hách dịch và cái tát đó thật đã.
Khi Mozasu quay trở lại cùng với lon trà, cô cảm ơn anh.
“Anh chắc hẳn đã biết”. Cô ngừng lời. “Anh chắc hẳn đã cảnh báo thằng bé. Ý em là, anh đã nói với nó rằng ngày hôm nay sẽ không dễ dàng rồi chứ?”. Cô không muốn có ý chỉ trích, nhưng sau khi những lời đó thốt ra từ miệng cô, chúng nghe có vẻ gay gắt và cô cảm thấy hối tiếc.
“Không. Anh không nói gì với nó”. Anh mở rồi nắm hai nắm tay lại một cách nhịp nhàng. “Anh đã từng tới đây với mẹ và anh trai anh, Noa, để làm thủ tục đăng ký lưu trú lần đầu tiên. Người thư ký khi ấy bình thường. Thậm chí dễ chịu. Vậy nên anh mới bảo em đi cùng. Anh cứ nghĩ có lẽ có một người phụ nữ đi cùng thằng bé thì sẽ có ích”. Anh thở phì phì ra đằng mũi. “Thật ngốc khi ước ao lòng tốt”.
“Không. Không. Anh có thể đã không cảnh báo thằng bé. Em đáng lẽ không nên nói như thế”.
“Vô ích thôi. Anh không thể thay đổi số phận của nó. Nó là người Hàn. Nó phải có được những giấy tờ đó và nó phải tuân theo tất cả các bước của luật pháp một cách tuyệt đối. Một lần, tại văn phòng thị chính, một tay thư ký đã nói với anh rằng anh là khách ở đất nước của anh ta”.
“Anh và Solomon sinh ra ở đây”.
“Đúng vậy, anh trai của anh, Noa, cũng sinh ra ở đây. Và bây giờ anh ấy chết rồi”.
Mozasu lấy tay bưng mặt.
Etsuko thở dài.
“Dù gì viên thư ký đó không sai. Và đây là điều mà Solomon buộc phải hiểu. Bọn anh có thể bị trục xuất. Bọn anh không có tổ quốc. Cuộc sống đầy những chuyện mà nó không thể điều khiển vậy nên nó phải thích nghi. Con trai anh phải sống sót”.
•••
Solomon quay trở lại chỗ họ. Tiếp theo nó chụp ảnh, rồi phải đi sang phòng khác để lấy dấu vân tay. Sau đó họ có thể về nhà. Người thư ký cuối cùng là một phụ nữ béo phúng phính; bộ đồng phục màu xanh lá cây nhạt làm phẳng bộ ngực đồ sộ và đôi vai u của chị ta. Chị cầm ngón tay trỏ thuộc bàn tay trái của Solomon và nhẹ nhàng nhúng nó vào cái lọ đựng đầy mực đen. Solomon ấn ngón tay đó xuống tấm thẻ trắng như thể nó là một đứa trẻ đang vẽ. Mozasu nhìn đi chỗ khác thở dài nghe rõ mồn một. Người thư ký mỉm cười với thằng bé và bảo nó cầm tấm thẻ đăng ký sang phòng bên cạnh.
“Hãy làm thẻ cho con chó của các người”, Mozasu nói.
Solomon nhìn cha mình. “Sao ạ?”.
“Đây là những gì lũ chó chúng ta buộc phải có”.
Người thư ký bỗng nhiên trông có vẻ giận dữ.
“Dấu vân tay và thẻ đăng ký là cực kỳ quan trọng đối với giấy tờ lưu trữ của chính phủ. Không cần phải cảm thấy bị xúc phạm vì việc này. Đó là một quy định về nhập cư được yêu cầu đối với người nước ngoài…”.
Etsuko bước lên phía trước. “Nhưng các vị không bắt trẻ con lấy dấu vân tay vào ngày sinh nhật của chúng chứ?”.
Cổ của người thư ký đỏ ửng.
“Con trai tôi đã chết”.
Etsuko cắn môi. Cô không hề muốn cảm thương người phụ nữ này, nhưng cô biết nỗi đau mất con như thế nào - nó giống như bạn bị nguyền rủa và không gì có thể cứu vãn được nỗi u sầu của cuộc đời bạn.
“Người Hàn làm nhiều điều tốt đẹp cho đất nước này”, Etsuko nói. “Họ làm những việc khó mà người Nhật không muốn làm; họ nộp thuế, tuân thủ luật pháp, nuôi dưỡng những gia đình tử tế, và tạo công ăn việc làm…”.
Người thư ký gật đầu vẻ cảm thông.
“Người Hàn các vị luôn nói với tôi điều đó”.
Solomon thốt lên, “Cô ấy không phải là người Hàn”.
Etsuko chạm vào cánh tay nó và ba người bọn họ bước ra khỏi căn phòng ngột ngạt. Cô muốn chui ra khỏi cái hộp xám xịt đó để lại nhìn thấy ánh sáng ở bên ngoài. Cô ước ao được thấy những ngọn núi trắng xóa của Hokkaido. Và cô muốn bước đi trong những cánh rừng tuyết phủ, lạnh giá bên sườn của những cái cây trụi lá, thẫm nâu. Trong cuộc sống, có rất nhiều sự xúc phạm, tổn thương và cô không có sự lựa chọn mà buộc phải thu lượm lấy những gì là của mình. Nhưng bây giờ cô cũng ước gánh lấy sự tủi thẹn của Solomon và bổ sung nó vào cái đống của cô, mặc dù cô đã chìm ngập rồi.