Pachinko - Chương 54
Tokyo, năm 1989
Solomon vui được trở về nhà. Công việc ở hãng Travis Brothers hóa ra tốt hơn mong đợi. Mức lương nhiều hơn cậu đáng được hưởng cho việc làm của người mới ra trường một năm. Cậu được hưởng vô số những lợi ích của việc làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là làm cho một doanh nghiệp địa phương. Bộ phận nhân sự tại Travis kiếm cho cậu một người môi giới thuê nhà dễ mến để tìm cho cậu một căn hộ một phòng ngủ khá tươm tất ở khu Minami mà Phoebe không nghĩ là quá đáng sợ. Là chủ lao động của cậu, Travis đứng tên người bảo lãnh cho cậu trên hợp đồng thuê nhà, bởi vì theo luật, Solomon là người nước ngoài ở Nhật Bản. Lớn lên ở Yokohama trong ngôi nhà của cha cậu, trước đó Solomon chưa từng thuê một căn hộ. Đối với những người thuê nhà không phải là dân Nhật, việc yêu cầu người bảo lãnh là thủ tục thông thường; tất nhiên nó khiến Phoebe điên tiết.
Sau một hồi tán tỉnh, Phoebe quyết định theo cậu đến Tokyo. Họ đã nghĩ đến chuyện kết hôn và việc cùng nhau chuyển tới Nhật Bản là bước đầu tiên. Bây giờ khi cô đã ở đây, cậu lại cảm thấy tội cho cô. Solomon đã được tuyển vào công ty con ở Nhật của một ngân hàng đầu tư Anh Quốc, vậy nên cậu làm việc cùng với những người Anh, người Mỹ, người Úc, người New Zealand và thỉnh thoảng cả người Nam Phi giữa những người địa phương từng học ở phương Tây - những người bớt thiển cận hơn dân bản địa. Là một người Hàn sống ở Nhật được giáo dục ở Mỹ, Solomon vừa là người địa phương vừa là người ngoại quốc, với kiến thức hữu ích về dân bản địa và những đặc lợi về tài chính của một người nước ngoài ở Nhật. Tuy nhiên Phoebe không thích thú với địa vị và những đặc lợi của cậu. Cô dùng các ngày của mình ở nhà đọc sách hoặc lang thang quanh Tokyo, không chắc tại sao mình lại ở đây bởi vì Solomon hiếm khi ở nhà. Cô không thể lấy được visa lao động khi hai người chưa kết hôn; cô đang nghĩ tới việc dạy tiếng Anh nhưng không biết làm thế nào để kiếm được một chân dạy kèm. Thỉnh thoảng, khi một người Nhật hỏi cô một câu hỏi ngây ngô chẳng hạn như cô là người Nam Hàn phải không, Phoebe có xu hướng phản ứng quá dữ dội.
“Ở Mỹ, không có cái gọi là người Hàn hay người Hàn ở Nhật. Tại sao em lại là một người Nam Hàn hay một người Bắc Hàn chứ? Vớ vẩn! Em sinh ra ở Seatle và cha mẹ em đến Mỹ khi chỉ có một nước Hàn mà thôi”, cô gào lên, thuật lại một trong những chuyện vặt về sự cố chấp trong ngày hôm đó của mình. “Tại sao người Nhật vẫn phân biệt hai nước đối với những người dân gốc Hàn đã ở đây suốt bốn thế hệ cơ chứ? Anh sinh ra ở đây. Anh không phải là người ngoại quốc! Điên thật. Cha anh sinh ra ở đây. Tại sao cha con anh lại mang hộ chiếu Nam Hàn chứ? Thật kỳ cục”.
Cũng như cậu, cô biết rõ rằng, sau khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt, người Hàn ở Nhật chọn là người bên này hoặc bên kia, ảnh hưởng đến tình trạng cư trú của họ, thường không chỉ một lần. Vẫn khó khăn cho một người Hàn trở thành công dân Nhật và có nhiều người coi một việc như thế là đáng xấu hổ - cho một người Hàn cố trở thành công dân của nước trước kia đã áp bức nước mình. Khi cô kể với các bạn mình ở New York về sự dị thường của lịch sử gây tò mò này và những thành kiến về sắc tộc lan tràn, họ hoài nghi khi nghĩ rằng những người Nhật cư xử tốt và thân thiện mà họ biết có thể sẽ nghĩ cô vô đạo đức, lười biếng, bẩn thỉu, hoặc hiếu chiến - những đặc điểm kiểu đúc khuôn tiêu cực của người Hàn ở Nhật. “Ai cũng biết rằng người Hàn không hòa hợp với người Nhật”, các bạn của cô thường nói một cách ngây thơ, như thể tất cả đều công bằng. Chẳng bao lâu sau, Phoebe thôi không nói về chuyện đó với các bạn mình ở Mỹ nữa.
Solomon thấy thật kỳ rằng Phoebe lại tức giận như vậy về lịch sử người Hàn ở Nhật. Sau ba tháng sống ở Tokyo và đọc vài cuốn sách lịch sử, cô kết luận rằng người Nhật sẽ không bao giờ thay đổi. “Chính phủ vẫn không chịu thừa nhận những tội ác chiến tranh của mình!”. Lạ thay, trong những cuộc trò chuyện này, Solomon nhận thấy mình lại bênh người Nhật.
Họ có kế hoạch đi thăm Seoul với nhau một tuần khi mùa giao dịch kết thúc và công việc giảm xuống. Cậu hy vọng Seoul sẽ là một vùng lãnh thổ trung lập đối với họ - một nơi để cảm thấy bình thường vì cả hai người đều là dân nhập cư gốc Hàn; trong điều kiện tốt nhất, tiếng Hàn của cậu thật thảm hại. Cậu đã đến Nam Hàn cùng với cha cậu vài lần và mọi người ở đó luôn đối xử với họ như thể họ là người Nhật. Chẳng có chút gì gọi là trở về quê hương hết; tuy nhiên, thật tuyệt khi thăm nơi ấy. Sau một thời gian, mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn khi họ cứ làm như mình là khách du lịch Nhật Bản đến để thưởng thức đồ nướng ngon hơn là để cố giải thích với những người Hàn tự vỗ ngực và cho mình là đúng rằng tại sao tiếng mẹ đẻ của họ lại là tiếng Nhật.
Solomon yêu Phoebe. Họ gắn bó với nhau từ năm thứ hai đại học. Cậu không thể tưởng tượng nổi cuộc sống không có cô, tuy nhiên, thấy cô ở đây không thoải mái khiến cậu hiểu ra rằng họ khác nhau đến mức nào. Về mặt sắc tộc, cả hai đều là người Hàn và đều lớn lên ở bên ngoài nước Hàn, nhưng họ không giống nhau. Ở nhà, trên đất Nhật, những sự khác biệt giữa họ dường như rõ rệt hơn nhiều. Hai tuần rồi họ không làm tình. Sau khi kết hôn họ vẫn cứ như vậy ư? Hay tình hình sẽ còn tồi tệ hơn? Solomon nghĩ về những điều này khi cậu đi tới chỗ chơi bài.
Tối nay là tối thứ tư cậu chơi bài với mấy người ở công ty. Solomon, một người cộng sự ít tuổi hơn tên Louis và một anh chàng người lai đến từ Paris chuyên về sáp nhập và mua lại đã được mời tham gia; những người chơi còn lại là các giám đốc quản lý và giám đốc điều hành. Tổng số người chơi đã thay đổi một chút, nhưng thường có sáu hoặc bảy gã đàn ông. Chưa bao giờ có bất cứ cô gái nào. Solomon là một tay chơi bài xì tố thông minh. Trong cuộc chơi đầu tiên, cậu chơi ung dung, đạt kết quả trung bình; trong cuộc chơi thứ hai, khi cậu cảm thấy thoải mái hơn, cậu đứng thứ hai; và sau tối thứ ba, Solomon bước ra ngoài với món tiền gần 350 nghìn yên. Những tay chơi khác khó chịu, nhưng cậu nghĩ cũng đáng để nêu rõ quan điểm - khi cậu muốn thắng, cậu có thể thắng.
Tối hôm đó, cậu định thanh toán chút ít. Các tay chơi là một nhóm tốt - không phải những kẻ thua cay cú; Solomon hy vọng tiếp tục chơi với họ. Không nghi ngờ gì, họ đã nhử cậu, nghĩ cậu chẳng hơn gì một con cá; họ không biết rằng cậu là người từng học chuyên ngành kinh tế tại trường Columbia có chuyên ngành phụ đúp về bài xì tố và trò bi-da túi lưới.
Họ chơi xì tố Anaconda, còn gọi là “Bỏ rác” bởi vì bạn có thể tống những quân bài xấu của mình cho người chơi tiếp theo ở bên trái bạn - ba quân bài đầu tiên, sau đó hai quân, rồi một quân, mà lúc nào cũng có thể đặt cược được. Một kẻ khờ cũng có thể chiến thắng, bởi vì có quá nhiều may mắn trong trò đó, nhưng điều Solomon thích là đặt cược. Cậu thích theo dõi những người khác đặt cược hoặc rút lui. Các tay chơi gặp nhau ở tầng hầm được ốp ván gỗ của một quán rượu không có tiếng tăm ở Roppongi. Chủ quán là một người bạn của Kazu, sếp của Solomon và là giám đốc quản lý hàng đầu tại Travis. Ông ta cho phép bọn họ sử dụng căn phòng đó mỗi tháng một lần miễn sao họ uống đủ và gọi nhiều đồ ăn. Mỗi tháng, một người sẽ làm chủ trò và chủ chi. Ban đầu, các giám đốc điều hành nghĩ để các nhân viên trả tiền là không công bằng, bởi vì thu nhập của họ ít hơn, nhưng sau khi Solomon thắng cuộc chơi thứ ba, bọn họ nói, “Thằng nhỏ đó có thể mua bữa tối”. Lần này Solomon là chủ chi.
Sáu người đàn ông đang chơi và tổng tiền đặt cược là 300 nghìn yên. Ba tay chơi đặt cược, Solomon giữ thế an toàn: Cậu không thắng cũng chẳng thua.
“Này, Solly”, Kazu nói, “Sao vậy? May mắn đã rời bỏ cậu rồi sao, anh bạn?”.
Sếp của cậu, Kazu, là một kiều dân Nhật được đào tạo ở California và Texas. Dù mặc bộ com-lê được đặt hàng và nói thổ ngữ Tokyo rất giỏi, kiểu nói tiếng Anh của ông ta lại là kiểu đặc sệt của một gã trai thuộc hội sinh viên Mỹ. Phả hệ gia đình ông đầy các công hầu sau chiến tranh bị tước bỏ tước vị, còn nhà đằng mẹ của ông có dây mơ rễ má với các gia đình tướng quân của Nhật. Tại Travis, Kazu kiếm bộn tiền. Năm trong số sáu hợp đồng ngân hàng quan trọng nhất của năm ngoái diễn ra là bởi Kazu đã làm cho chúng diễn ra. Cũng chính Kazu đã đưa Solomon đến với hội chơi bài. Những gã đàn anh càu nhàu vì thua cậu, nhưng Kazu bảo họ câm miệng, nói rằng sự cạnh tranh tốt cho tất cả mọi người.
Solomon quý sếp của mình; mọi người đều quý. Cậu may mắn trở thành một trong những nhân viên của Kazu và được mời tới những buổi chơi bài nổi tiếng diễn ra hằng tháng. Có những gã đàn ông trong đội của Kazu đã làm việc cho Travis mười năm nhưng chưa bao giờ được mời. Bất cứ khi nào Phoebe nói người Nhật phân biệt chủng tộc, Solomon đều đưa Etsuko và Kazu ra làm bằng chứng cụ thể cho lý lẽ trái ngược của cậu. Etsuko là một ví dụ hiển nhiên về một người Nhật tốt bụng và không nặng thành kiến về sắc tộc, nhưng Phoebe hầu như không hiểu bà, bởi vì tiếng Anh của Etsuko dở tệ. Kazu là người Nhật và ông tốt với Solomon hơn nhiều so với hầu hết những người Hàn ở Nhật thỉnh thoảng nhìn cậu với ánh mắt nghi ngờ, không tin cậu là con trai của một người giàu có hoặc là đối thủ cạnh tranh ở trường. Đúng vậy, một số người Nhật nghĩ người Hàn đáng khinh, nhưng một số người Hàn cũng đáng khinh thật, cậu nói với Phoebe. Một số người Nhật cũng đáng khinh. Không cần phải cứ xào xáo lại quá khứ; cậu hy vọng Phoebe cuối cùng sẽ vượt qua được chuyện này.
Đã đến lúc loại bỏ những quân bài xấu, lấy những quân bài mới, và đặt cược. Solomon ném một quân chín rô và quân hai cơ vô tích sự đi, sau đó bốc được quân J và một quân ba cậu cần cho đủ bộ. May mắn không bao giờ rời bỏ cậu. Bất cứ khi nào Solomon chơi bài, cậu đều cảm thấy mạnh mẽ và nhẹ nhõm, như thể cậu không thể thua; cậu tự hỏi liệu có phải cậu cảm thấy như vậy bởi vì cậu không quan tâm đến tiền hay không. Cậu thích ngồi tại bàn; cậu thích câu chuyện phiếm của cánh đàn ông. Với bài này, cậu đã có cơ hội chắc chắn thắng số tiền đặt cược dễ đến hơn một trăm nghìn yên. Solomon đặt cược ba mươi nghìn. Louis và Yamada, anh bạn người Úc gốc Nhật, bỏ, chỉ còn Solomon, Ono, Giancarlo và Kazu. Mặt Ono trống rỗng còn Giancarlo gãi tai.
Ono đặt cọc hai mươi nghìn, và ngay lập tức Kazu và Giancarlo bỏ qua. Giancarlo vừa cười và nói, “Hai đứa bọn bay là đồ khốn”. Anh ta nhấp một hơi dài whisky. “Có thêm món thịt gà trên que không nhỉ?”.
“Gà nướng xiên”, Kazu nói, “cậu sống ở Nhật mà; hãy học cách gọi món thịt gà nướng xiên đi”.
Giancarlo giơ ngón tay giữa lên làm làm bộ tức giận, đồng thời mỉm cười để lộ những cái răng ngắn, đều tăm tắp.
Kazu ra hiệu cho người bồi bàn, gọi món cho mọi người.
Đã đến lúc chìa bài ra và Ono chỉ có hai cặp. Cậu ta vốn hay chơi tháu cáy.
Solomon xòe các quân bài của mình ra.
“Cậu là đồ chó”, Ono nói.
“Xin lỗi ông”, Solomon nói, gạt tiền về phía mình bằng động tác thoải mái, thành thạo.
“Đừng bao giờ xin lỗi vì giành chiến thắng, Solly ạ”, Kazu nói.
“Cậu ta có thể xin lỗi một chút vì đã lấy tiền của tôi mà”, Giancarlo bắt bẻ và những người khác cười rộ.
“Này cậu, tôi nóng lòng muốn đưa cậu vào tròng đấy. Cậu sẽ lang thang với những cái hộp rà soát đặc biệt trong suốt dịp cuối tuần và tôi sẽ đảm bảo cậu chỉ có những cô gái xấu xí làm việc cùng”, Ono nói. Ông ta là tiến sĩ kinh tế được đào tạo ở MIT và đã kết hôn bốn lần. Mỗi người vợ sau của ông ta thậm chí đẹp hơn người vợ trước. Là một chủ ngân hàng điện tử già đời trong thời kỳ bùng nổ của Nhật Bản, ông ta đã kiếm bộn tiền và vẫn làm việc không ngừng. Ono nói rằng mục đích của sự làm việc chăm chỉ rất đơn giản: Ngủ với những phụ nữ đẹp xứng đáng với sự tốn kém của nó.
“Tôi sẽ tìm ra vụ tệ nhất đòi hỏi phải hết sức siêng năng. Dành riêng cho cậu, thằng bạn nhỏ của tôi ạ”. Ono xoa hai bàn tay vào nhau.
“Cậu ta cao hơn ông đó”, Giancarlo nói.
“Địa vị cắt được kích cỡ”, Ono đáp.
“Tôi xin lỗi mà, ông Ono, tôi xin lỗi mà”. Solomon cúi người một cách điệu đà.
“Đừng lo về chuyện đó, Solly”, Kazu nói. “Ono có trái tim vàng mà”.
“Không đâu. Tôi có khả năng nuôi lòng hận thù và trả thù vào lúc thuận lợi nhất đấy”, Ono nói.
Solomon nhướn mày và rùng mình. “Tôi chỉ là một cậu bé, thưa ông”, cậu van vỉ. “Xin hãy khoan dung”. Cậu tiếp tục lượm đống tiền trước mặt mình. “Một cậu bé giàu có đáng được khoan dung mà”.
“Tôi nghe nói cậu giàu bẩn thỉu”, Giancarlo nói. “Cha cậu kinh doanh pachinko, đúng không?”.
Solomon gật đầu, không rõ bằng cách nào ông ta biết điều đó.
“Tôi từng hẹn hò với một cô gái lai người Nhật bốc lửa ham chơi pachinko. Cô ấy là một thói quen tốn tiền. Giống các người biết cách đánh bạc. Chắc chắn đó là dòng máu Hàn khôn ranh”, Giancarlo nói. “Này cậu, cô gái đó từng thao thao bất tuyệt về những người Hàn khôn lanh và thủ đoạn sở hữu tất cả các quán pachinko và lừa gạt người Nhật - nhưng, này cậu, cô ta từng làm chuyện điên rồ với cặp vú của mình khi…”.
“Làm gì có chuyện đó”, Kazu nói. “Cậu đã bao giờ hẹn hò với cô gái bốc lửa nào đâu”.
“Đúng, ông hiểu tôi đấy, tiên sinh. Tôi đã hẹn hò với vợ ông và cô ấy không được bốc lửa cho lắm. Cô ấy chỉ là một…”.
Kazu cười. “Này, về chuyện chơi bài thì sao nào?” Ông rót soda vào cốc whisky của mình, làm loãng màu của nó một cách đáng kể. “Solly đã thắng một cách công bằng và trung thực”.
“Tôi có nói gì xấu đâu. Đó là một lời khen mà. Người Hàn ở đây thông minh và giàu có. Giống như cậu Solomon của chúng ta. Không phải tôi gọi cậu ấy là mafia đâu! Cậu ấy sẽ cho người giết tôi mất, đúng không, Solly?”. Giancarlo hỏi.
Solomon mỉm cười vẻ ngập ngừng. Đây không phải là lần đầu cậu nghe những điều này, nhưng đã rất lâu rồi mới có người nói đến việc kinh doanh của cha cậu. Ở Mỹ, thậm chí không ai biết pachinko là gì. Chính cha cậu đã tự tin rằng có ít sự cố chấp hơn tại các văn phòng của một ngân hàng phương Tây và đã khuyến khích cậu nhận công việc này. Giancarlo không nói gì khác với những điều người Nhật thuộc tầng lớp trung lưu đã nghĩ hoặc thì thầm; chỉ là thật lạ khi nghe điều này từ miệng một người Ý da trắng đã sống ở Nhật hai mươi năm. Louis cắt bài và Kazu xáo bài rồi đấu với những người khác bằng một sắp bài mới. Solomon có ba quân K, nhưng cậu hủy từng quân, từng quân một theo ba vòng liên tiếp rồi bỏ không theo, để thua khoảng mười nghìn yên. Kết thúc cuộc chơi hôm đó, cậu thanh toán hóa đơn. Kazu nói ông muốn nói chuyện với cậu, vậy nên họ đi bộ ra đường để bắt taxi.