Quạ Khôn Không Bao Giờ Khát - Chương 03
KHÓA TINH THẦN
Làm cách nào để mở khóa tinh thần?
Khóa tinh thần
Sự khám phá bao gồm cả việc nhìn vào những thứ mà người khác cũng nhìn thấy nhưng lại nghĩ theo cách khác. Tại sao chúng ta lại không thường xuyên suy nghĩ một cách khác biệt? Có một số lý do, nhưng đầu tiên và trước hết là hầu hết chúng ta đều bị mắc kẹt trong chiếc khóa tinh thần.
Edward de Bono[1], một tác giả viết về sáng tạo và đổi mới tin rằng: “Bộ não không sáng tạo đồng nghĩa với việc nó sử dụng đi sử dụng lại cùng một mô hình trong tất cả mọi hoàn cảnh.” Trước tiên, chúng ta phải biết cách mở chiếc khóa tinh thần.
Trong cuộc sống, chúng ta là những con người hoạt động theo thói quen - chúng ta làm mọi việc theo thói quen từ công việc giấy tờ đến việc buộc dây giày. Những công việc thường ngày này là không thể thiếu được. Việc duy trì những lối suy nghĩ lặp đi lặp lại khiến chúng ta làm những việc cần làm mà không cần suy nghĩ.
Có ba lý do hợp lý khiến chúng ta không sáng tạo:
• Chúng ta không cần phải sáng tạo trong phần lớn những việc chúng ta làm.
• Chúng ta không cần phải sáng tạo hơn nữa bởi chúng ta đã được dạy cách sáng tạo rồi.
• Hệ tư tưởng và niềm tin của chúng ta ngăn cản chúng ta sáng tạo.
Chúng ta không nghĩ về một thứ khác biệt bởi chúng ta được dạy cách suy nghĩ lô-gic thông qua những lý lẽ xác đáng và sự rõ ràng trong cách tiếp cận.
“Phần lớn chúng ta thích sai một cách rõ ràng hơn là đúng một cách mơ hồ.”
Chúng ta được dạy và chúng ta có xu hướng tin vào những yêu cầu:
• Hãy tìm ra “câu trả lời đúng”
• Hãy làm theo các quy tắc
• Hãy thực tế
• Đừng tỏ ra ngốc nghếch
• Tránh sự mơ hồ
• Mắc sai lầm là không đúng
• Đó không phải lĩnh vực của tôi.
Phần lớn chúng ta đều mắc kẹt trong chiếc khóa tinh thần.
Vì vậy, hầu hết chúng ta đều theo đuổi hiện trạng ngày này qua ngày khác. Đối với các quan chức thì hiện trạng thậm chí còn trở thành vị nữ thần mà họ tôn thờ. Những quy tắc quan liêu tạo ra ít chỗ trống hơn cho sự sáng tạo, nhưng việc thiếu khoảng trống thích hợp không hề ngăn cản nó. Không phải việc thiếu khoảng trống mà chính việc thiếu sức mạnh ý chí là trở ngại chính đối với sự sáng tạo.
Việc thiếu sức mạnh ý chí và sự tự kiềm chế phỏng chừng, cộng thêm tính tự mãn là những thủ phạm thực sự. “Chúng ta không thể làm bất cứ thứ gì trong tổ chức của tôi,” là một ví dụ phổ biến nhất về khóa tinh thần!
Trí khôn của thiền sư
Một cố vấn kinh doanh người Mỹ từ San Francisco đã đến thăm một vị thiền sư ở Nhật Bản. Ông muốn học cách làm giàu từ thiền. Họ đã nói chuyện với nhau một chút trước khi uống trà. Thiền sư rót một chút trà vào tách của nhà cố vấn người Mỹ. Nhưng khi tách trà đã đầy rồi, ông vẫn tiếp tục rót. Tách trà tràn ra và rớt xuống sàn.
Nhà cố vấn người Mỹ lo lắng nói: “Thiền sư, ngài nên ngừng rót. Trà đang tràn ra ngoài rồi, nó không còn chảy vào tách nữa.”
Thiền sư trả lời: “Đó là điều hiển nhiên. Anh cũng thấy rõ điều đó. Nếu anh muốn lĩnh hội được bài giảng của tôi, thì anh phải loại bỏ hết mọi thứ trong chiếc tách tinh thần của anh - vô số suy nghĩ theo thói quen kinh doanh của người Mỹ!”
Anh không thể rót đầy trà mới và nóng vào một cái tách đầy trà cũ và lạnh!
Nút Gordian
Bạn có thể đoán ra hình vẽ này không? Hãy thử đoán xem sao! Vào mùa đông năm 333 trước Công nguyên, tướng Alexander của Macedonia cùng đội quân của ông đã đến thành phố châu Á mang tên Gordium, thành lập các doanh trại mùa đông. Khi đóng quân ở đó, tướng Alexander đã nghe một truyền thuyết về cái nút nổi tiếng khắp thị trấn, được gọi là “nút Gordian”. Một lời tiên tri đã nói rằng, bất cứ ai cởi được cái nút phức tạp kỳ lạ này, người đó sẽ trở thành người thống trị châu Á. Câu chuyện này kích thích trí tò mò của Alexander và ông yêu cầu người ta đưa ông đến chỗ cái nút để thử cởi nó. Sau một thời gian, với rất nhiều nỗ lực để nghiên cứu cái nút mà không thể tìm ra hai đầu dây, ông trở nên vô cùng lúng túng, ông băn khoăn tự hỏi: “Làm thế nào để cởi được cái nút này đây?” Rồi đột nhiên ông có một ý tưởng bất ngờ - “Ta sẽ tự mình đề ra những quy tắc không- nút của chính mình.” ông rút kiếm ra và chém cái nút làm đôi. Và lịch sử là phần kết của câu chuyện.
Lịch sử đã chứng minh rằng châu Á đã thuộc về ông!
Hầu hết học sinh đều tuân theo lại những điều giáo viên giảng, nhưng AK[2] chỉ dám nghi ngờ những nguyên tắc cơ bản:
Hai nhân một là hai, hai nhân hai là bốn...
Thầy giáo đã dạy tôi chân lý
Bạn biết chắc điều đó.
Hay đó là điều thầy giáo bạn nói?
Cattywampus
Trong tác phẩm Best teacher I ever had (Người thầy giỏi nhất trong đời tôi), David Owen[3] đã kể lại một trong những trải nghiệm thời học sinh của mình để giải thích về chiếc khóa tinh thần khóa của chúng ta và cách mở chiếc khóa bằng việc thách thức những giả thuyết cơ bản!
“Thầy Whiston là giáo viên dạy môn khoa học lớp Sáu. Trong buổi học đầu tiên, thầy đã dạy chúng tôi bài học về một sinh vật có tên gọi cattywampus, một loài động vật ăn đêm khó thích nghi đã bị tuyệt chủng trong Kỷ Băng Hà. Thầy vừa nói vừa xoay xoay một cái đầu lâu. Tất cả chúng tôi đều hí húi ghi chép và sau đó hỏi thầy về cattywampus.
“Tất cả học sinh đều trả lời sai”, Owen nhớ lại: “Khi các học sinh đang lúng túng tìm một lời giải thích thì thầy giáo cười đầy ẩn ý và trả lời rằng thầy đã hư cấu toàn bộ câu chuyện về cattywampus. Chẳng có loài sinh vật nào như thế từng tồn tại cả. Vì vậy, thông tin mà chúng tôi ghi chép đều sai. Vậy chúng tôi có trông đợi lời khen cho một câu trả lời sai không? Không cần nói, chúng tôi đã vô cùng tức giận. Đây là kiểu kiểm tra gì chứ? Đây là kiểu thầy giáo gì chứ?”
Phần lớn trẻ em đều nhắc lại những gì giáo viên nói.
“Lẽ ra, các em phải phát hiện ra chứ,” thầy Whitson nói. Rốt cục, khi mà thầy xoay xoay chiếc đầu lâu cattywampus (mà thực chất là đầu lâu của một con mèo), chẳng phải thầy đang nói với chúng tôi rằng không có dấu vết nào của con vật còn sót lại hay sao? Thầy đã mô tả khả năng quan sát trong đêm đáng kinh ngạc của nó, màu lông và rất nhiều sự thật về một thứ gì đó mà không dấu vết nào của nó còn sót lại. Thầy đã đặt cho con vật một cái tên thật buồn cười, thế mà chúng tôi lại chẳng có chút nghi ngờ gì. “Những số 0 trong vở các em sẽ được ghi vào sổ điểm,” thầy nói. Và thầy đã làm thế.
Thầy Whitson hi vọng rằng chúng tôi sẽ học được điều gì đó từ kinh nghiệm này. Giáo viên và sách giáo khoa không bao giờ sai. Nhưng thực tế thì không ai là không thể sai. Thầy bảo chúng tôi đừng để cho trí óc của mình ngủ yên và hãy nói lên suy nghĩ của mình khi nghi ngờ về tính chính xác trong sách giáo khoa hay lời nói của giáo viên.
Mở chiếc “khóa tinh thần”
Có rất nhiều cách để mở chiếc khóa tinh thần. Trước tiên, ta phải tin rằng trí óc của con người cực kỳ “không sáng tạo”. Nếu chúng ta không biết thay đổi cách thức, chúng ta không thể làm theo cách thức sáng tạo. Nó cũng giống như việc bật TV vậy, chiếc điều khiển có rất nhiều nút bấm.
Một quả đấm hay một cú va chạm mạnh có thể khiến đầu óc chúng ta suy nghĩ khác hẳn. Và bí mật nằm ở việc nghĩ khác! Như đã nói ở trên, sự khám phá bao gồm cả việc nhìn vào những thứ mà người khác cũng nhìn thấy, nhưng lại nghĩ theo cách khác. Hãy nhớ rằng, nếu bạn vẫn tiếp tục nghĩ theo lối “tăng thêm” thì tinh thần của bạn vẫn tiếp tục bị giam cầm. Những mục tiêu ngày càng tăng không thử thách hay kích thích sự sáng tạo của bạn. Nếu bạn phải lấy những cuốn sách trên giá sách chỉ cao bằng vai mình, bạn chẳng cần tốn chút trí tuệ hay sự sáng tạo nào. Nếu phải với một cuốn sách cao hơn đầu bạn, tất cả những gì bạn cần làm là rướn người lên một chút. Chúng ta chỉ cần cố gắng thêm một chút. Nếu phải với một cuốn sách cao hơn t của bạn một mét, bạn có thể nghĩ ra đủ mọi cách sáng tạo (có thể hơi điên rồ một chút) để đạt mục tiêu: dùng một cái ghế hay một cái thang, nhảy lên, trèo lên vai người khác, tụt xuống từ trần nhà hay đẩy đổ cả giá sách xuống!
“Rướn lên” là chìa khóa của sự sáng tạo.
Bạn chỉ rướn lên khi bạn không thể với được thứ bạn cần. Nó gây ra một cú sốc. Hãy gọi cú sốc này là một cú đánh mạnh. Trong cuốn sách A whack on the side of the Head (Một cú đánh vào cạnh đầu), Roger von Oech[4] cho rằng “những cú đánh mang đủ mọi hình dạng, kích cỡ và màu sắc”. Tuy nhiên, mọi cú đánh đều có một điểm chung. Nó buộc bạn phải nghĩ khác, ít nhất là ngay lúc đó. Đôi khi một vấn đề hay một thất bại có thể đánh bạn! Đôi khi nó lại là kết quả của một trò đùa hay một chuyện ngược đời. Và thỉnh thoảng, một tình huống bất ngờ có thể đánh bạn. Giống như mọi cú đánh thông thường, những cú đánh mạnh có thể gây tác động tích cực hay tiêu cực. Dưới đây là một số tình huống có thể kích thích sự sáng tạo của bạn bằng việc mở khóa tinh thần:
• Sếp nói với bạn rằng ông ta phát hiện ra bạn có một khả năng đặc biệt ở một lĩnh vực mà bạn chẳng mấy quan tâm và giao cho bạn một dự án phải hoàn thành trong tuần tới để giúp bạn phát triển khả năng đó.
• Ai đó đẩy bạn xuống nước và bạn phát hiện ra mình biết bơi.
• Bạn bị đuổi việc, nhưng thật bất ngờ, bạn phát hiện ra những khả năng kinh doanh tiềm ẩn của mình.
• Đối tác ngừng cung cấp một linh kiện quan trọng và bạn phát hiện ra rằng người của bạn có thể tự sản xuất được linh kiện đó nếu cố gắng một chút. (Khi Hoa Kỳ áp dụng lệnh trừng phạt đối với Ấn Độ, rất nhiều công ty Ấn Độ bắt đầu tự sản xuất tất cả những sản phẩm họ từng nhập khẩu trước kia.)
• Bạn phát hiện ra một mối liên quan giữa hai thứ khác xa nhau, đằng sau mọi sự thống nhất là sức>
Khi bạn quan sát chiếc kim phút đồng hồ của bạn trong gương (hãy thử xem!).
Khi bạn đến Paris, bạn bắt buộc phải lái xe bên phải đường.
Bạn bị gãy chân và nhận ra bạn có thói quen đi lại mới thật tự nhiên.
Khi có người băn khoăn về nguyên nhân của việc có hai chiếc chìa khóa (cho một chiếc ô tô): một chìa khóa cửa và một chìa khóa dành cho khóa điện! (Vì thế ngày nay, bạn chỉ có một chiếc chìa khóa vì đã từng có người muốn biết nguyên nhân có hai chiếc chìa khóa.)
Đó có thể là một câu hỏi bạn chưa từng nghĩ đến:
• Nếu lạc đà là “những chiếc tàu trên sa mạc”, thì tại sao tàu thủy lại không phải là “những con lạc đà của đại dương”?
• Điện thoại bấm số có phải là mồ chôn của từ “quay số”? (thật buồn cười khi chúng ta vẫn dùng từ quay số ngay cả khi đã sử dụng điện thoại bấm số rồi!)
• Nếu biển ít bọt hơn, liệu nó có sâu hơn không?
• “Chiều kim đồng hồ” trên một chiếc đồng hồ chỉ giờ bằng số xác định thế nào?
• Tại sao chúng ta có thể dùng từ cam (màu cam) để gọi những quả cam mà không thể dùng từ “vàng” để gọi những quả chuối hay từ “đỏ” để gọi những quả táo?
Một cú đánh có thể là một thất bại
Vào đầu thập niên 80, Rex McPherson, một người trồng cam thế hệ thứ ba ở trung Florida đã mất 85% vốn liếng của mình do hiện tượng sương giá khắc nghiệt kéo dài hai năm liên tiếp. Tổn thất này buộc ông phải suy nghĩ lại về toàn bộ kế hoạch trồng cam của mình. Rex nhận ra rằng, những cây cam được ông nội của mình trồng trong suốt thập niên 30 và 40 cách nhau rất xa bởi đất đai thời kỳ đó vô cùng rẻ. Thế nhưng kể từ đó, giá đất đã tăng chóng mặt, và ông nhận ra rằng nếu muốn tồn tại trong ngành trồng cam, ông phải thay đổi kế hoạch của mình. Ông quyết định sử dụng các giống cây lai và kỹ thuật tưới tiêu mới để trồng cây sát nhau hơn. Kết quả là, sản lượng của ông tăng đáng kể và khoảng cách gần nhau của các cây giúp hạn chế sự phá hoại của sương giá. Cú đánh đau đớn lúc đó đã đem lại cho Rex động lực để “nghĩ khác”. Nào chúng ta cùng lăn!
Một lần, có người hỏi Hitler[5]: “Làm thế nào để có thể thành công?”
Hitler đã trả lời rất đơn giản: “Nhảy lên và chộp lấy cơ hội khi nó đến.”
“Nhưng làm sao để biết khi nào một cơ hội thực sự đến?”
“Tiếp tục nhảy lên,” là câu trả lời ngắn gọn nhưng vô cùng mạnh mẽ của Hitler.
Vì vậy, hãy tiếp tục nhảy lên...
Hiện tượng Aslan
Tại sao chúng ta cứ tiếp tục làm một việc chúng ta đã quen làm ngay cả khi nó không có hiệu quả? Liệu chúng ta đã bao giờ nghĩ đến điều đó chưa?
Nếu chúng ta không thử thách thói quen cố hữu, có thể sẽ có hai nguy cơ tiềm tàng. Nguy cơ đầu tiên là bạn sẽ bị mắc kẹt trong một lối tiếp cận, một phương pháp, hay chiến thuật mà không nhận ra những lối tiếp cận khác thích hợp hơn. Kết quả là, bạn có thể gán những vấn đề vào định kiến của bạn và điều đó khiến bạn giải quyết chúng theo cách riêng của mình. Chân lý thống trị cần phải thử thách được gọi là “hiện tượng Aslan”.
Hiện tượng Aslan diễn ra như sau:
• Chúng ta đề ra những quy tắc dựa trên những lý do dễ hiểu.
• Chúng ta tuân theo những quy tắc này một cách tuyệt đối.
• Thời gian trôi đi, và mọi thứ thay đổi
Những lý do chính dẫn đến sự hình thành các quy tắc này có thể không còn tồn tại nữa, nhưng bởi những quy tắc đó vẫn đang được áp dụng, nên chúng ta cứ tiếp tục tuân theo chúng.
Một người thích chạy bộ mỗi buổi sáng. Anh ta có thể chạy trên năm hoặc sáu con đường. Nhưng anh ta luôn luôn chọn con đường dài nhất bởi anh ta có một người bạn sống gần đó. Vậy là anh ta có thể ghé thăm bạn và tán gẫu một cách vui vẻ.
Tên người bạn đó là Aslan. Thế là việc ghé thăm nhà của Aslan trở thành một quy tắc để vui vẻ. Rồi một ngày, mọi thứ thay đổi. Aslan chuyển nhà đi xa. Thế nhưng, người đàn ông vẫn tiếp tục chọn con đường dài ấy, vẫn dừng lại ở nơi quen thuộc ấy ngay cả khi Aslan không còn sống ở đó nữa. Điều có thể xảy ra với người đàn ông ấy cũng có thể xảy ra với bạn và tôi. Nó xảy ra với hầu hết chúng ta. Thế là kể từ đó cái tên “Aslan” đã trở thành một hiện tượng.
Hãy loại bỏ những ý tưởng cũ kỹ và lỗi thời!
Rudolph Flesch[6] đã nói: “Tư duy sáng tạo có thể chỉ đơn giản là sự nhận ra rằng không có bất cứ ích lợi đặc biệt nào khi chúng ta làm mọi việc theo cách chúng ta vẫn luôn làm”
Đã bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao mình lại nói “quay số” mặc dù hoàn toàn biết rõ rằng chẳng còn thiết bị quay số nào tồn tại trên điện thoại của chúng ta nữa. Chúng ta vẫn nói “chiều kim đồng hồ” và “ngược chiều kim đồng hồ” dù chúng ta đang đeo một chiếc đồng hồ xem giờ bằng số. Cho đến gần đây, những chiếc ô tô của chúng ta vẫn có đến hai chìa khóa - một dành cho khóa điện và một cho ghế sau.
“Con mèo của thầy giảng đạo Ấn Độ” đã trở thành một phép ẩn dụ! Ở đền thờ của người Ấn Độ, khi thầy giảng đạo cầu nguyện, ông ta muốn buộc con mèo của mình vào một chiếc ghế bởi điều đó giúp ông ta có thể tập trung khi đang cầu nguyện. Mỗi khi thầy giảng đạo quỳ xuống cầu nguyện, con mèo yêu quý của ông ta lại quấy nhiễu. Vì thế, thầy giảng đạo đã ra lệnh cho một đệ tử buộc con mèo vào ghế mỗi buổi sáng trước khi ông bắt đầu cầu nguyện. Thế rồi một ngày, thầy giảng đạo mất, nhưng người đệ tử nọ vẫn không bao giờ quên buộc con mèo vào ghế trước khi cầu nguyện. Thói quen đó cứ tiếp diễn ở đền thờ của người Ấn Độ trong hàng thế kỷ!
Phần lớn những thói quen tổ chức đều là kết quả của “nguyên tắc Aslan”. Đã đến lúc xác định và thủ tiêu chúng. Có rất nhiều tập quán kinh doanh đã trở nên lỗi thời hay vô hiệu, nhưng không ai quan tâm đến việc đào mồ chôn chúng. Hãy khẩn trương trước khi quá muộn. Chúng ta cần phải làm việcngay bây giờ.