Quân Khu Nam Đồng - Chương 02
Thầy giáo
1
Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận, kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Ngày 30 tháng Mười hai năm 1972, Ních-xơn tuyên bố ngừng ném bom vô điều kiện toàn miền Bắc, nhưng cũng phải chờ tới nửa cuối tháng Một năm 1973, đám học trò ở các trại sơ tán mới lục tục kéo về. Mới gần một năm xa nhà mà đám con trai đứa nào cũng dài như cây sào, còn bọn con gái thì phổng phao hẳn lên. Nhìn nhau, ai cũng thấy ngỡ ngàng.
Bọn học sinh lớp tám khu Nam Đồng được bố trí học buổi sáng tại trường Phổ thông Công nghiệp cấp ba Đống Đa. (Buổi chiều khu trường này là của trường Trưng Vương). Học trò theo trường sơ tán ở Chương Mỹ được lấy làm nòng cốt, bổ sung thêm một số từ các nơi khác. Phần lớn bọn khu Nam Đồng được xếp vào 8D, cùng với các bạn ở khu tập thể Kim Liên và phố Tây Sơn. Riêng Hòa và Khanh bị xếp vào 8K. Hai đứa lên Ban giám hiệu xin chuyển lớp, bị đuổi về không thương tiếc. Hòa phải nhờ cô Hoa, mẹ cái Cúc, giáo viên dạy toán, ở cùng khu tập thể Nam Đồng giúp. Sau một tuần xin xỏ, cuối cùng hai đứa cũng được chuyển sang 8D. Do vừa sơ tán về, nhà trường có nhiều việc phải lo lắng, nên quản lý học sinh khá lỏng lẻo. Với đám học trò đang tuổi nghịch, đây là cơ hội để bày ra đủ các trò vui.
Học được hai tuần, cô Hòa dạy môn Địa lý bị ốm. Cả lớp đang hỉ hả vì được nghỉ thì thấy một bác già áo đen, lưng hơi còng, đeo cặp kính to tướng xăm xăm bước vào:
– Cho tôi xin hỏi, đây có phải lớp 8D không?
Khanh nhanh nhảu:
– Không phải đâu bác ạ. Bác có việc gì cần giúp không? Mời bác vào chơi nhà.
Cả lớp cười ầm. Bác già áo đen nhìn quanh, rồi tiến tới chỗ Khanh, vì nó ngồi cạnh cửa ra vào. Một tay cầm quyển vở, một tay bác nâng cặp kính lên đọc như đánh vần: Nguyễn… Hồng… Khanh, lớp 8D, vở… Địa lý. Bác gật gù:
– Đúng là lớp 8D rồi. Nào, mời Nguyễn Hồng Khanh lên bảng kiểm tra bài.
Ngọc lẩm bẩm:
– Chết chưa con, ai bảo trêu vào ông già Khốt-ta-bít.
Dù Ngọc nói nhỏ, nhưng cũng đủ cho mọi người nghe thấy. Bác áo đen ngẩng ngay đầu lên, hỏi:
– Em kia, vừa nói gì?
– Thưa bác, cháu có nói gì đâu ạ - Ngọc chỉ Việt - không tin bác hỏi bạn này.
Việt đứng dậy làm chứng luôn:
– Cháu xin lấy danh dự đội viên thề: “Bạn Ngọc từ nãy đến giờ hoàn toàn im lặng”.
– Em tên là gì?
– Thưa bác, cháu tên Việt.
– Sau em Khanh, mời đội viên Việt lên bảng kiểm tra. Nào, mời em Khanh.
Khanh đứng lên, giọng rất lễ phép:
– Thưa bác, cháu xin phép được biết quý danh và nghề nghiệp của bác. Theo quy định, chúng cháu không được phép trả lời những người lạ đi vào lớp.
Bác áo đen gật gù:
– Rất đúng. Tôi xin giới thiệu, quý danh của tôi là Hoàng, giáo viên môn Địa lý. Cô Hòa ốm nên tôi dạy thay. Mời quý em lên bảng… Hôm trước các em học bài phân bố khoáng sản ở các nước tư bản châu Âu. Đề nghị quý em cho biết đặc điểm phân bố khoáng sản ở các nước tư bản này?
Cô Hòa rất ít khi kiểm tra miệng đầu giờ học, còn Khanh thì không học bài, nhưng thấy thầy vui vẻ, gọi mình là “quý em”, nên nó trả lời kiểu bốc phét. Nó xưa nay vẫn dẻo mỏ:
– Thưa thầy, để làm rõ sự phân bố khoáng sản ở các nước tư bản Châu Âu, trước hết ta cần làm rõ đặc điểm của các nước này. Đây là những quốc gia chưa được ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin soi rọi, là nơi người dân không được hưởng tự do và dân chủ. Ở đó, chỉ có chiều tà, đêm tối mà không có bình minh, chỉ có gông cùm mà không có công lý… Kẻ đứng đầu các nước tư bản là đế quốc Mỹ, đang tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa, xâm lược nước ta…
Nhìn bộ mặt tỉnh bơ và cái mồm xoen xoét, kéo nhằng chuyện nọ sang chuyện kia của Khanh, cả lớp bụm miệng cười. Khanh ngước lên trần nhà và cứ thế thao thao bất tuyệt những điều mọi người vẫn thấy trên đài, trên báo:
—… Ngày nay, chúng ta mang trong tim lý tưởng của người cộng sản, nghĩa vụ của chúng ta là cùng với vô sản toàn thế giới liên hiệp lại, đấu tranh với chủ nghĩa tư bản cho tới ngày chúng diệt vong để mang lại thế giới đại đồng, tự do cho các dân tộc, hạnh phúc cho các mầu da…
– Thôi, thôi…
Thầy giáo ngắt lời. Nhưng Khanh vẫn cứ theo mạch, tiếp tục:
– Máu chúng ta đổ xuống là để xây dựng nên một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…
– Thôi, thôi… xin quý anh dừng lại cho tôi nhờ. Đúng là một nhà hùng biện hay ho nhưng đầu óc rỗng tuếch, chẳng có “gờ-ram” nào về địa lý cả. Tôi có kiểm tra kiến thức Chính trị của các anh chị đâu? Mời quý anh về chỗ. “Zê-rô!”. Nào, mời tiếp đội viên Việt lên bảng kiểm tra.
– Thưa thầy, tiết học trước em bị ốm nên em không được học bài này… Thưa thầy, em đã chép lại bài và tự học thêm trong sách giáo khoa, thấy có nhiều chỗ khó, đọc không hiểu. Thưa thầy, thầy có thể giảng lại cho bọn em hiểu rõ hơn không ạ?
Việt nói dối một cách sống sượng. Hai thứ mà nó không có chính là sách giáo khoa và vở ghi môn Địa lý. Thầy cũng không mắc bẫy nó:
– Không thuộc bài chứ gì. “Zê-rô!”. Nào, mời tiếp anh kia, tên gì? Ngọc hả? Ông già Khốt-ta-bít mời quý anh Ngọc lên bảng kiểm tra.
Ngọc lẩm bẩm: “Chết mẹ rồi!”. Rồi đứng dậy:
– Thưa thầy, bài này rất khó, em học mãi không thuộc. Em xin nhận “zê-rô” ạ.
– Sao hôm nay nhiều “zê-rô” thế nhỉ? Lớp trưởng đâu?
Mai Phương đứng dậy.
– Em nhận “zê-rô” hay lên bảng kiểm tra bài?
– Thưa thầy, em xin được kiểm tra ạ.
Mai Phương trả lời trôi chảy. Thầy giáo khen và cho ngay điểm 10. Nếu là cô Hòa thì có trả lời đúng hoàn toàn cũng chỉ cho đến 8. Đây là lần đầu tiên lớp có điểm 10 môn Địa lý. Mai Phương cầm lại quyển vở nhưng không chịu về chỗ, rụt rè đề nghị:
– Thưa thầy, thầy có thể bỏ qua ba điểm “zê-rô” vừa rồi được không ạ?
Thầy giương mục kỉnh lên nhìn Mai Phương. Nó nói tiếp:
– Hôm nay là ngày đầu tiên chúng em được học thầy. Mở hàng bằng ba điểm “zê-rô” thì đen quá.
– Vậy chúng ta mở hàng bằng màn “mỹ nhân cứu anh hùng” nhỉ? Nào, giở sách ra. Chúng ta học bài mới.
Trống ra chơi vang lên, cả lớp vẫn ngẩn ra, tưởng chừng mới học được năm phút. Mọi người đều có cảm giác như vừa nghe thầy kể xong một câu chuyện, chứ không phải giảng bài Địa lý. Tính cách phóng khoáng, hài hước và phương pháp dạy của thầy đã chinh phục cả lớp. Những ngày tiếp theo, thầy vẫn dạy 8D vì cô Hòa ốm dài ngày. Giờ Địa lý của thầy trở thành giờ học được yêu thích nhất. Thậm chí học đuối như Ngọc mà môn của thầy nó cũng được một điểm tám. Không hiểu sao, chỉ nghe thầy giảng trên lớp, mọi người đều có cảm giác về nhà không cần học lại vẫn thuộc bài.
2
Thầy Hoàng dạy Địa lý thú vị bao nhiêu thì thầy Toàn dạy Văn chán bấy nhiêu. Khanh ca cẩm: “Thầy không nghĩ mình đang dạy cho những thanh niên chỉ một, hai năm nữa sẽ lần lượt cầm súng ra chiến trường, mà như dạy đứa trẻ lên ba. Mùa đông ăn cơm nguội còn dễ nuốt hơn bài giảng của thầy”. Tiết Văn chẳng đứa nào muốn nghe giảng. Làm sao mà nghe nổi những lời nhát gừng đọc từ sách giáo khoa, sau đó được bổ ra phân tích theo kiểu “chẻ chữ” một cách rề rà… Khanh nói nếu cho nó giảng, nó sẽ phân tích hay gấp mười thầy. Việt hưởng ứng nhiệt liệt và cho rằng nghe thầy giảng xong lại mất công tẩy rửa lời thầy đi để cho đầu óc trong sáng thì thà chẳng nghe còn hơn. Và một khi đã không thích học, giờ lên lớp sẽ biến thành giờ làm những việc khác.
Sáng thứ ba có tiết Văn. Thầy ra đề:
“Đế quốc Mỹ chỉ là con hổ giấy!”
Hãy chứng minh nhận định trên.
Thầy dặn cả lớp trật tự làm bài, cuối giờ sẽ chọn một số người để kiểm tra, rồi đi ra ngoài. Cho rằng đây là giờ làm bài tập, không chấm điểm, nên thầy vừa đi khỏi, Khanh với Hoàng nhảy sang bàn Việt và Hòa ngồi, đuổi thằng Nam và thằng Cường đi chỗ khác. Việt ném giấy chỉ đạo bọn Đính, Ngọc, Minh và Quốc “Tẩm” giấu tất cả dép của những đứa đang bỏ chân ra ngoài cho mát. Tụi này khi ngồi thường có thói quen để chân lên thanh giằng ngang của ghế băng. Cả lớp chỉ có Việt đi dép tông Trung Quốc, còn lại phần lớn dùng dép cao su. Khi Minh chuyển đôi dép đầu tiên cho Việt, Hòa gợi ý không cần lấy cả dép, chỉ lấy quai thôi. Mỗi chiếc dép cao su có bốn quai nên rút một phát là xong. Chẳng mấy chốc, cặp của Việt toàn quai dép. Nó bảo Khanh:
– Mày văn hay chữ tốt, trong lúc bọn tao thu chiến lợi phẩm, mày viết ra một hai bài mẫu, để chẳng may thầy kiểm tra thì có cái mà đọc.
– Chuyện vặt. Tao nhắm mắt cũng nghĩ ra một đống bài mẫu. Nào, chép đi: “Trải qua 4000 năm dựng và giữ nước, nhân dân ta đã bao lần đánh bại những kẻ thù hung hãn nhất. Dù kẻ xâm lược kéo từ phía Nam lên như Chiêm Thành, hay tràn từ phương Bắc xuống như Tống, Nguyên, Minh, Thanh… chúng đều bị cha ông ta giáng cho những đòn chí tử. Lịch sử đã chứng minh, kẻ thù hùng mạnh tới đâu, cũng không thể khuất phục ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, dù chúng là đế quốc Pháp, đế quốc Nhật hay đế quốc Mỹ. Trước Việt Nam, chúng chỉ là những con hổ giấy”. Xong phần mở bài, đến phần thân bài, “Thực vậy…”, chép xong chưa?
– Mày đọc lại đi, tao mới chép tới đoạn Tống, Nguyên, Minh, Thanh… - Việt nói.
Hòa góp ý:
– Mày lạc đề rồi. Thầy yêu cầu chứng minh “Đế quốc Mỹ là con hổ giấy” chứ có bảo chứng minh đế quốc Pháp, Nhật là con hổ giấy đâu?
– Mạnh như đế quốc Mỹ mà mình còn coi là hổ giấy, thì đế quốc Pháp với Nhật cũng chỉ là hổ giấy thôi. Nếu mày sợ lạc đề thì bỏ “đế quốc Pháp, đế quốc Nhật” đi.
Hoàng bảo:
– Làm thân bài sau. Mày làm cho tao một cái mở bài.
– Chuyện vặt. Muốn bao nhiêu mở bài cũng có. Lấy bút chép đi: “Đất nước ta rừng vàng đầy quặng quý, biển bạc ăm ắp cá tôm, đồng ruộng phì nhiêu, mùa vàng trĩu hạt… vì vậy, kẻ thù luôn dòm ngó. Từ thuở dựng nước, cha ông ta đã bao lần phải cầm vũ khí, đứng lên bảo vệ quê hương. Lịch sử cho thấy, trước tinh thần và ý chí của dân tộc Việt Nam, mọi sức mạnh xâm lược đều tan chảy. Là một quốc gia non trẻ, mới thành lập trên hai trăm năm từ phương Tây xa xôi, người Mỹ không hiểu một chân lý giản dị: Chúng có thể khuất phục được những dân tộc yếu hèn, nhưng chúng sẽ gục ngã trước tinh thần và ý chí của một dân tộc anh hùng, đã được tôi luyện qua hàng ngàn năm đấu tranh giữ nước. Dù chúng là kẻ xâm lược hùng mạnh nhất trái đất này, tới Việt Nam, chúng chỉ là con hổ giấy”. Xong phần mở bài… Còn thằng nào cần mở bài nữa, tao đọc cho mà chép: “Ở vào một vị trí chiến lược vô cùng xung yếu, Việt Nam luôn là sự thèm khát của những kẻ thù xâm lược. Với âm mưu biến Việt Nam thành một bàn đạp tấn công phe xã hội chủ nghĩa, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa, chia cắt đất nước ta…”
Khanh cứ thao thao, không để ý thầy Toàn đã đứng sau lưng nó từ lúc nào. Thầy bảo:
– Sao lại mất trật tự và làm bài tập thể thế này. Mời cậu Khanh lên bảng, trình bày bài của mình cho mọi người nghe.
Đang mải làm bài cho mọi người, trong vở Khanh làm gì có chữ nào. Nó cầm đại quyển vở toán của Việt đi lên bảng, mở hú họa một trang, nhìn chăm chú vào những con số và đọc:
– Từ thuở Đinh, Lê, Lý, Trần xây nền độc lập, dân tộc ta đã trải qua lịch sử một ngàn năm giữ nước… Tuy là một nước nhỏ, nghèo nàn và lạc hậu, chúng ta đã lần lượt chiến thắng những kẻ ngoại xâm hùng mạnh hơn rất nhiều lần. Để làm được điều đó, ngoài lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm, chúng ta luôn có những chiến thuật, chiến lược hợp lý, không chủ quan khinh địch, không đánh giá thấp sức mạnh của kẻ thù…
Khanh là đứa lợi khẩu. Khi nói, nó chỉ cần túm lấy một ý chính định hướng là có thể tán thao thao bất tuyệt, dù tán xuôi hay tán ngược. Bọn trong lớp khi tranh luận, dù biết nó sai lè nhưng vẫn không bẻ được lý sự của nó. Lần này Khanh bị thầy gọi bất ngờ, không kịp chuẩn bị, trước mắt lại là quyển vở Đại số, nếu không đọc trôi chảy, sợ thầy phát hiện chưa làm bài nên nó cứ thuận miệng đọc to những gì vừa đến trong đầu:
– Đế quốc Mỹ là một kẻ thù vô cùng nguy hiểm. Chúng có vũ khí tối tân, chúng cầm đầu cả phe tư bản chủ nghĩa, chúng dã tâm làm bá chủ toàn cầu. Để thực hiện điều đó, một trong những tính toán của chúng là biến Việt Nam thành bàn đạp ở Đông Nam Á để tấn công phe xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, không một phút được lơ là. Chúng ta không nên coi đế quốc Mỹ là con hổ giấy, mà phải coi chúng là một con hổ thật. Một con hổ mạnh, tàn bạo và nguy hiểm nhất trong số những kẻ thù chúng ta từng đối mặt…
Thầy ngắt lời Khanh:
– Cậu lạc đề rồi. Tôi bảo cậu chứng minh đế quốc Mỹ là con hổ giấy, sao cậu nói ngược lại? Vì đế quốc Mỹ chỉ là con hổ giấy, nên chúng ta nhất định sẽ chiến thắng…
Khanh cãi:
– Thưa thầy, truyền thống của dân tộc ta là “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”. Đế quốc Mỹ càng hùng mạnh, chiến thắng của chúng ta càng vinh quang…
– Cậu phải bám sát đề bài, không được nói ngược lại.
– Thưa thầy, em nghĩ sao nói vậy. Hơn nữa, em thấy trong tài liệu của bố em, người ta cũng nói như thế.
Thầy cau mặt:
– Cậu đọc trong tài liệu nào?
– Em đọc trong bản tin Thông tấn xã Việt Nam. MẬT - không phổ biến.
– Ai cho phép cậu đọc tài liệu mật? Cậu lại đem tài liệu mật của bố cậu ra phổ biến trước lớp, như thế là tiết lộ bí mật quân sự.
Bình thường thì Khanh sẽ cãi thầy đến cùng, nhưng lần này nó hớ. Nó định đem chuyện tài liệu mật của bố ra lòe thầy, không ngờ bị thầy dồn cho. Sợ cãi tiếp sẽ dẫn tới chuyện hai bố con làm lộ bí mật quân sự, nó cắm mặt nhìn xuống. Chẳng mấy khi Khanh rơi vào cảnh này. Hòa giơ tay xin phát biểu:
– Thưa thầy, bạn Khanh nói thế là sai ạ.
Thầy nhìn Hòa, gật đầu, nét mặt giãn ra. Hòa nói tiếp:
– Chuyện bạn Khanh nói, không phải bạn ấy đọc trong bản tin “Thông tấn xã Việt Nam”. Hôm Chủ nhật bạn Khanh sang nhà em chơi, nghe lỏm chuyện bố em với mấy chú trong cơ quan. Bố em nói, hiện nay đang có quan điểm “gió Đông thổi bạt gió Tây”, đề cao sức mạnh của phe xã hội chủ nghĩa. Nhưng nếu hiểu không đúng, coi đế quốc Mỹ là con hổ giấy mà chủ quan khinh địch thì sẽ nguy hiểm. Em cũng nghĩ đế quốc Mỹ không phải là hổ giấy…
Thầy sầm mặt:
– Cậu lên bảng kiểm tra bài.
Hòa cầm quyển vở mới viết nguệch ngoạc được vài cái gạch đầu dòng lên bảng, nhưng đế của đôi dép cao su không bám vào chân nó. Trong lúc cùng với Việt chỉ đạo thu thập quai dép của bọn khác, Hòa không ngờ dép nó cũng bị đứa nào rút hết quai. Nó đành đi đất lên bảng. Cả lớp cười ầm. Thầy giáo nhìn xuống chân nó:
– Sao cậu đi đất đến trường?
– Em đi dép, nhưng bạn nào ăn cắp mất quai rồi ạ - Hòa nói và quay về bàn, lấy hai cái đế dép giơ lên cho thầy xem.
Cả lớp đang cười Hòa, thấy vậy ai cũng ngó xuống chân mình và khắp nơi “thưa thầy, em bị mất dép”, “thưa thầy, dép em bị đứa nào ăn cắp hết quai…”, như một cái chợ. Quốc Tẩm đề nghị:
– Thưa thầy, xin cho khám cặp để tìm quai dép, không thì hôm nay cả lớp phải đi đất về nhà.
Quốc Tẩm chưa nói dứt lời thì nghe có tiếng vù vù, hai mớ quai dép được ném lên phía trước, bắn tung tóe. Cả lớp bò ra cười. Thầy giáo tức tối, yêu cầu lớp trưởng thu bài, rồi bỏ đi, tìm cô chủ nhiệm để phán ánh tình hình.
Hôm sau trả bài, bọn Khanh, Hòa, Việt, Ngọc… đều được 1 điểm vì mới làm xong mở bài. Cả lớp có hai điểm 5, còn lại hầu hết là điểm 2 và 3. Cuộc tàn sát điểm số của môn Văn bắt đầu.