Quân Khu Nam Đồng - Chương 17
Mùa hè năm 1974
1
Năm lớp Chín trôi qua sôi động, đầy những biến cố và kỷ niệm vui buồn. Việt có nói, về sau nhớ lại tuổi học trò, người ta chỉ nhớ những niềm vui, chứ ít người buồn phiền, hối tiếc vì ngày đó mình nghịch quá, lười học quá. Thế nhưng tại thời điểm bị kỷ luật, bị đình chỉ học tập, bị mời phụ huynh đến gặp nhà trường, bị thi lại, bị đúp hay bị công an nhốt, đứa nào cũng lo buồn cả. Người chứ có phải gỗ đá đâu. Có quên cũng cần thời gian mới quên được.
Trước khi nghỉ tết Nguyên Đán, Giang Cận, Minh, Ngọc bàn với nhau viết một bức thư góp ý cho cô Vân. Trong thư chúng nói, do cô trẻ nên còn thiếu kinh nghiệm, không đi sâu đi sát học sinh, dùng biện pháp hành chính nhiều hơn biện pháp tâm lý, khiến thầy trò xa cách, đối phó với nhau… Tuy ý định góp ý cho cô giáo không xấu, nhưng sau khi bàn bạc, cả ba thống nhất không ký tên. Giang Cận được giao nhiệm vụ đánh máy bức thư. Trước khi gửi, ba thằng còn tham khảo ý kiến mọi người. Giang Cận cho Đỗ xem thư. Đỗ nhận xét: “Nội dung thư mang tính chất xây dựng, nếu ký tên thì thẳng thắn và đúng với ứng xử của người đoàn viên Thanh niên Cộng sản hơn”. Ngọc không đồng ý: “Ông là đoàn viên chứ tôi có phải đoàn viên đâu mà tôi cần ứng xử như đoàn viên”. Đỗ nghĩ một lúc rồi bảo: “Thôi, các bạn không ký cũng được”. Ba thằng lên tận Bưu điện Bờ Hồ gửi cho an toàn, vì gửi ở khu Đống Đa, nhìn dấu bưu điện, cô Vân sẽ nghĩ ra chỉ có mấy thằng Nam Đồng. Thư vừa đút vào thùng thì Minh phát hiện chưa dán tem, nhưng không có cách nào lấy lại.
Một tuần sau, trong giờ sinh hoạt lớp, cô Vân mặt lạnh như tiền, thông báo sáng mùng Một Tết, chồng cô có nhận được một bức thư, không dán tem. Bưu điện lập biên bản phạt chồng cô một hào hai, gấp đôi tiền tem gửi trong nội thành. Ngày đầu năm mới, bị phạt đã tức, mở ra lại là thư nặc danh của học sinh đe dọa, nói xấu cô giáo chủ nhiệm. Cô hỏi ai viết thì dũng cảm đứng dậy? Bọn viết thư dũng cảm có thừa, nhưng chúng đã thống nhất với nhau không hay gì cái trò “hữu dũng vô mưu” nên phớt lờ. Cuối buổi sinh hoạt, cô bất ngờ yêu cầu Giang Cận, Minh, Ngọc nghỉ học, viết tường trình về vụ gửi thư nặc danh, bao giờ viết xong thì đi học. Ba đứa cắp cặp ra khỏi lớp, không hiểu đầu cua tai nheo ra sao? Kiểm lại, chúng nó không thấy sơ suất khâu nào, thế mà cô giáo lại biết. Chúng vẫn không tin trong lớp có nội phản. Nếu có nội phản thì chúng còn nhiều tội tày trời hơn để bọn gián điệp này báo cáo, việc gì phải mách cô chuyện lặt vặt này. Ngọc đoán: “Có khi cô giáo đem thư ra cho công an lấy dấu vân tay, phát hiện ra bọn mình. Tội này so với đánh nhau cũng là tội nhẹ. Cô đã biết chính xác như thế, nhận cho xong”. Giang Cận cười: “Tội bọn mình đã như ly nước đầy. Tội này chỉ đáng một giọt nước, nhưng sẽ là giọt nước tràn ly”. Minh nhún vai: “Kệ nó, bọn mình còn tràn nhiều!”.
Tuần sau, Hòa và Khanh cũng có một vụ hút chết. Trong giờ học Lịch sử, Khanh ném cho Hòa một mảnh giấy viết mấy chữ, thách Hòa đối:
“QUÂN NGÃ RA BÌNH, THÔI SẮC TỆ”.
Hòa vò đầu bứt tai. Muốn đối, trước hết phải hiểu nghĩa câu đối đã. “Thôi sắc tệ” là nhan sắc tàn phai thì rõ rồi. Còn “Quân” là gì, nó không luận ra. Không biết là “Quân vương”, “Quân lính” hay là “Quân sự”? Có điều, không hiểu sao lại “ngã ra bình”? Hòa càng nghĩ càng tắc tị. Nhưng tính Hòa vốn hiếu thắng, thay bằng đầu hàng, nó loay hoay tìm cách tiến công. Tình cờ nhìn thấy thầy Trọng dạy Vật Lý đi qua, Hòa chợt nghĩ ra một vế đối. Nó viết vào mặt sau mảnh giấy, ném cho Khanh:
“THẦY GIÁO TRỌNG NGỒI TRÊN CHÕNG, THÒ CÁI QUAN TRỌNG RA NGOÀI”.
Khanh chẳng cần suy nghĩ, đối lại ngay:
“CÔ GIÁO THƯỜNG NẰM TRÊN GIƯỜNG, ÚP CÁI THƯỜNG THƯỜNG VÀO TRONG”.
Hai thằng khoái chí, truyền tờ giấy có câu đối cho Đính xem. Đính đọc xong cười khúc khích. Cô Uy nghe tiếng cười, bắt nó đứng dậy, hỏi tại sao cười? Đính trả lời: “Thưa cô, em thấy cô giảng thú vị quá nên cười”. Cô Uy cảnh giác, hỏi vặn: “Điều gì tôi giảng làm cậu thú vị?”. “Thưa cô, bất cứ điều gì cô giảng em cũng thú vị”. Chắc đến trời cũng không ngửi được câu nói của Đính nên lùa vào lớp một cơn gió. Tờ câu đối bay xuống đất, cuộn lên phía bục giảng. Cô Uy nhặt lên, nheo mắt đọc to. Tất cả, kể cả cô, đều phì cười. Nhưng rồi cô Uy chợt nghĩ đây là biểu hiện của sự vô lễ, coi thường thầy cô. Vì vậy cô nghiêm mặt, hỏi ai viết? May hai câu đối viết theo kiểu chữ in hoa, nên khó mà tra ra chữ của ai. Hoàng giơ tay: “Thưa cô, em thấy gió thổi tờ giấy đó từ bên ngoài vào”. Đỗ cười ẩn ý, giơ ngón tay cái, nháy nháy mắt với Hòa. Cô Uy nghi ngờ: “Vậy chắc là trời viết”, và đút tờ giấy vào túi.
Hết tiết, cô lên phòng họp Ban giám hiệu. Vừa thấy thầy Trọng, cô rút ngay tờ giấy ra đọc. Các thầy cô xúm vào trêu thầy Trọng và cô Thường, hai giáo viên trẻ chưa lập gia đình, đang được mọi người gán ghép. Tuy cô Uy đã nói rõ là tờ giấy do gió thổi từ hành lang vào, nhưng cuối buổi học, cô Vân vẫn xộc lên lớp, tra hỏi xem ai là thủ phạm. Chúng nó lừa được cô Uy chứ làm sao lừa được cô. Cái trò khỉ này, chẳng chúng nó thì còn ai? Như mọi khi, dù khối đứa biết ai viết, nhưng vẫn ngồi im, mặc cô muốn nói gì thì nói.
Tra khảo chán, không đứa nào nhận, cô quay ra hỏi: “Này, còn cái câu Quân ngã ra bình thôi sắc tệ nghĩa là gì nhỉ? Có cậu nào biết không?”. Chỉ mỗi Khanh biết nghĩa câu đấy, nhưng nếu giải thích cho cô, sợ cô nghi mình là tác giả, nên nó lờ đi.
Tan học, Hòa hỏi Khanh:
– Cái câu tiếng Hán: Quân ngã ra bình, thôi sắc tệ có nghĩa gì?
Khanh cười:
– Hán đâu mà Hán. “Quân ngã” là “quẫn”. “Quẫn ra bình” là “bĩnh ra quần”, làm gì mà chả thôi sắc…”. Lúc đang học, có thằng nào đánh rắm, thối quá, nên tao mới làm thơ… À, làm câu đối.
Kết thúc năm lớp Chín, số học sinh hạnh kiểm kém của lớp 9D và 10H chiếm năm mươi phần trăm hạnh kiểm kém của toàn trường. Nếu tính trong toàn trường thì 90 phần trăm học sinh bị hạnh kiểm kém năm đó thuộc cả ba khối 8, 9, 10 là học sinh khu tập thể Nam Đồng, với hai tội danh chính: nghịch và đánh nhau. Thầy hiệu trưởng nói trước toàn trường trong buổi tổng kết cuối năm: “Chưa bao giờ trường cấp ba Đống Đa có nhiều học sinh hạnh kiểm kém như năm nay, cao nhất trong bốn khu của Thành phố Hà Nội. Ai hạnh kiểm kém sẽ bị đúp. Tuy nhiên, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho các học sinh này cơ hội cuối cùng. Nếu bạn nào trong hè phấn đấu xuất sắc… thí dụ như nhặt được của rơi trả lại, sẽ được xem xét sửa lại hạnh kiểm…”. Thầy ngần ngừ rồi nói thêm: “Nhưng phải là của rơi có giá trị lớn”. Nghe thầy nói, Quốc Tẩm nảy ra sáng kiến hè này tổ chức đi ăn trộm, được bao nhiêu bán lấy tiền để cho bọn hạnh kiểm kém đem nộp, coi như nộp lại của rơi. Những đứa bị hạnh kiểm kém ở lớp 9D là Việt, Hoàng, Giang Cận, Minh, Ngọc, Quốc Tẩm.
Trong đám con trai Nam Đồng ở lớp chỉ có Khanh và Hòa được hạnh kiểm khá. Khanh hạnh kiểm khá còn tạm được, chứ Hòa thì thuộc loại nhà trường để “lọt lưới”. Nó khoái chí:
– Khi nào đi đánh nhau, chúng mày cứ nói với gia đình là đi chơi với tao. Chẳng gì thì về mặt đạo đức, tao cũng xếp trên chúng mày hai bậc.
Hoàng vỗ vai Hòa:
– Mày phấn đấu vào Đoàn luôn đi, để hôm nào bố mẹ không cho đi chơi thì mày sang rủ bọn tao đi họp “cảm tình Đoàn”.
Việt thắc mắc:
– Không hiểu sao tao cứ đánh nhau là bị bắt, còn thằng Hòa không bao giờ bị. Ngay cả vụ nó cầm búa bổ vào thằng “giặc làng”, công an cũng không bắt nó, lại bắt tao.
Hòa cười hì hì:
– Chắc tại kiếp trước tao tu nhân tích đức nhiều hơn mày!
Khanh đề xuất:
– Tao nghĩ hè này bọn mình phải đi học thêm. Chúng nó đều học thêm cả, chỉ mỗi bọn mình không học thôi. Bọn thi lại, phải học để còn lên được lớp. Bọn được lên lớp, cần học tốt hơn để sang năm thi đại học. Chỉ cần tập trung vào mấy môn thi đại học thôi, các môn khác học lớt phớt cũng được.
Ngọc vặn lại:
– Ai bảo mày học Sử lớt phớt cũng được? Tao một phẩy môn Sử, hè này không học Sử để thi lại thì chắc chắn đúp. Tao phải cố gắng để được lên lớp. Chẳng nhẽ học sinh lớp chín lại đến nhà lớp mười mượn vở.
Khanh cười:
– Mượn vở chỉ là món võ nhập môn. Mày phải áp dụng nhiều món võ nữa. Theo tao, có lẽ đã đến giai đoạn viết thư bày tỏ.
Ngọc nhờ Hòa:
– Mày viết thư hộ tao nhé?
Hòa chỉ Việt:
– Mày mượn cái đống thư của thằng Việt, chọn cái nào hợp thì chép. Nó có gần trăm cái thư, đủ các tình huống rồi.
2
Với nhiều người, mùa hè năm 1974 cũng trôi qua êm ả như bao mùa hè khác. Vẫn tiếng ve râm ran khắp nơi nơi, nắng như đổ lửa trên đường và nước nhỏ giọt ở các máy nước công cộng. Nhưng riêng khu tập thể Nam Đồng, bọn trẻ con cảm thấy một không khí khác lạ, khẩn trương và gấp gáp hơn. Con nhà lính bao giờ cũng nhạy cảm với những âm hưởng từ chiến trường vọng về.
Tuần trước, chẳng biết Thái Thọt nghe ở đâu, thông báo cho mọi người một tin sốt dẻo: Tổng cục Chính trị vừa chỉ thị cho đại tá Nam Hồ, cục trưởng Cục Quân huấn, tổ chức sinh hoạt hè cho thanh thiếu niên ở các khu tập thể quân đội trên địa bàn thành phố Hà Nội, sao cho thật vui, khỏe, bổ ích và an toàn, với đầy đủ các môn bóng đá, bóng bàn, cầu lông, điền kinh và đồng diễn thể dục… Thật ra, môn bọn con trai thích nhất vẫn là bóng đá. Rất hiếm khi các khu gia binh ở Hà Nội có dịp thi đấu với nhau. Trong thời gian chờ đợi thông báo từ trên, khu tập thể tổ chức giải bóng đá nội bộ. Lần này, ngoài việc thi thố, còn thêm dụng ý kiểm tra phong độ của các cầu thủ để đưa vào đội tuyển.
Giải đấu của khu tập thể chưa kết thúc thì mọi người nhận được tin đại úy Giá, bố cái Thu béo Nhà 3, được Cục Quân huấn cử làm cán bộ phụ trách sinh hoạt hè cho các cháu khu tập thể Nam Đồng. Thời tướng Song Hào phụ trách công tác cán bộ, lên được một cấp quân hàm cứ gọi là toát mồ hôi. Lấy quân hàm trung úy 9 năm của ông Thử, trưởng ban Quản lý khu tập thể so với chú Giá, mới thấy Quân đội năm nay coi trọng việc tổ chức sinh hoạt hè cho các cháu thế nào.
Sau một hồi tranh cãi kịch liệt, đội tuyển cũng được thành lập, với Nhà 1 chiếm số lượng áp đảo, gồm Anh Sơn, Ngọc Sơn, Thái Đen, Khả Trung, Dũng Đổng Trác… Nhưng nhìn chung, đội tuyển cũng hội đủ các hảo thủ ưu tú nhất trong khu, với Việt, Đính, Quốc Tẩm, Tuấn Mím, Tân Thời, Hà Điêng, Đôn Sẹo, Dũng Bủn, Hà Tư, Tiến Thọt… Chưa bao giờ, việc tập luyện của đội bóng lại quy củ vậy. Từ năm giờ sáng, tất cả đã có mặt ở sân Nhà 2, chạy bộ lên Ô Chợ Dừa để rèn sức bền. Tuần hai lần, vào ba giờ chiều, chú Giá dẫn toàn đội đạp xe lên sân Cột Cờ, tập nhờ sân bóng của đội Thể Công. Lần đầu tiên, bọn khu Nam Đồng được giáp mặt với những cầu thủ thần tượng như trung vệ Giáp, thủ môn Khánh, tiền đạo Ba Đẻn, trung phong Cao Cường… các cầu thủ này hướng dẫn cho bọn chúng khá nhiều động tác cơ bản. Riêng hậu vệ Nhật còn bày cho Hà Tư mấy pha rất độc khi truy cản đối phương. Với bọn con trai khu Nam Đồng, đó là những kỷ niệm không thể nào quên trong suốt thời niên thiếu.
Điều lệ giải bóng đá quy định có bốn đội tham gia thi đấu, theo thể lệ đấu loại trực tiếp. Để giải đấu thành công, mỗi khu gia binh được một đơn vị đỡ đầu. Tổng cục Hậu cần đỡ đầu khu tập thể K95 Bãi Phúc xá. Tổng cục kỹ thuật nhận khu tập thể 3B Phố Ông Ích Khiêm. Khu 1A Phố Hoàng Văn Thụ do Bộ Tổng Tham mưu đảm nhiệm. Tổng cục Chính trị với rất nhiều cán bộ ở Phố Lý Nam Đế, đương nhiên phụ trách phố này. Còn thừa ra khu tập thể Nam Đồng. Thành phần cán bộ ở khu Nam Đồng bao gồm đủ cả hải quân, không quân, xe tăng, thiết giáp, tình báo, đặc công, rồi đến các Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn… đấy là chưa kể thành phần văn sỹ, họa sỹ, nhạc sỹ và ca sỹ quân đội. Sau một hồi cân nhắc, Ban tổ chức quyết định: Khu tập thể Nam Đồng phải đấu loại với khu Lý Nam Đế để chọn lấy một đội. Trận đấu diễn ra tại sân vận động của Tổng cục Chính trị tại Cửa Đông. Ai cũng nghĩ đội khu Nam Đồng sao mà thắng nổi đội Lý Nam Đế vốn đã từng vô địch giải thanh thiếu niên Cơ quan Bộ Quốc phòng. Không ai ngờ đội khu Nam Đồng nhanh chóng đè bẹp đội Lý Nam Đế với tỷ số 3-0. Sau khi bàn bạc với lãnh đạo hai đội, Cục Quân huấn quyết định thành lập đội “Liên quân” đại diện cho Tổng cục Chính trị, với khu Nam Đồng là nòng cốt, bổ sung thủ môn Huy Lô, hậu vệ Lâm Dũng và tiền đạo Thanh Sơn. Đội Liên quân nhanh chóng đè bẹp đội K95 Bãi Phúc Xá, vào đá chung kết với đội bóng khu tập thể 1A Phố Hoàng Văn Thụ.
Trước ngày tranh giải, đội được Ban quản lý khu tập thể Nam Đồng tài trợ áo đấu. Thấy Anh Sơn mặc chiếc áo thủ môn đen, sau lưng nổi bật bốn chữ “QUÂN KHU NAM ĐỒNG”, được cắt ra từ một mảnh vải trắng may vào lưng áo, có vắt sổ cẩn thận (bọn Nhà 1 rỉ tai nhau do bạn Lệ Dung may), Hà Tư, Bích và Thái Đen đề xuất in lên lưng áo dòng chữ “Quân khu Nam Đồng”. Ai cũng cho rằng “Quân khu Nam Đồng” đã rất nổi tiếng, cần được ra mắt trước bàn dân thiên hạ một cách danh chính ngôn thuận.
Thế nhưng khi nghe đội trưởng Anh Sơn trình bày ý định, đại úy Giá gạt phắt. Lần thi đấu này nghe nói có cả thủ trưởng Bộ Quốc phòng xuống dự, không được ăn mặc lôm côm. Sân Cột Cờ là doanh trại Quân đội Nhân dân Việt Nam, không phải chỗ muốn mặc gì thì mặc, càng không cho phép có tư tưởng xưng hùng xưng bá. Ở nước mình, chỉ có sáu Quân khu do Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập là Quân khu Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Tả Ngạn, Hữu Ngạn và Quân khu 4, ai cho phép lập ra “Quân khu Nam Đồng”? Chú Giá hạ lệnh: “In chữ THANH NIÊN NAM ĐỒNG” lên áo.
Ngày đá chung kết, bọn khu Nam Đồng nô nức đi cổ vũ, và không phải ai cũng kiếm được vé vào sân vận động Cột Cờ. Thiếu tá Trâm Anh (má Anh Sơn) mang theo một can bia hơi, đi động viên đội. Trước trận đấu, lừa lúc không ai để ý, Việt lén xơi một cốc, và cảm thấy trong người hưng phấn bội phần. Vì thế, vừa vào trận, trước một cú sút búa bổ của đội bạn, thay bằng khéo léo thu hồi bóng bằng ngực, Việt quyết định thể hiện cho đội bạn thấy thế nào là “sức mạnh Quân khu”. Nó xuống tấn, ưỡn ngực ra đỡ. Sau tiếng “rầm”, Việt ngã quay lông lốc. Khán giả ôm bụng cười.
Trận đấu kịch tính ngay từ tiếng còi khai cuộc. Dũng Bủn vừa đưa đội Liên quân vượt lên bằng một cú sút hiểm hóc, ngay lập tức, Mai Xuân Đức kéo trận đấu trở về tỉ số 1- hòa với một cú sút cực mạnh, đập chân Tân Thời bay vào lưới. Do đá chân đất, phút thứ 30 Dũng Bủn chấn thương ở móng chân. Trong lúc nó đang được chăm sóc y tế ngoài đường biên, hậu vệ Quốc Tẩm tự tiện nhảy vào đá thay. Sự xuất hiện của Quốc Tẩm nổi bật trên sân cỏ, vì nó vẫn mặc chiếc áo đen của Anh Sơn, với dòng chữ QUÂN KHU NAM ĐỒNG phía sau lưng. Các sĩ quan trên khán đài xôn xao, hỏi nhau: “Mới thành lập thêm Quân khu Nam Đồng à?”. Ba phút sau, Dũng Bủn băng ngón chân cái xong, quay vào sân thay Quốc Tẩm (chưa hề chạm bóng lần nào) thì bị hậu vệ Giáp của đội Thể Công, đang sắm vai trọng tài, cản lại. Đã thi đấu phải theo luật, một cầu thủ không được vào sân hai lần. Đội Liên quân phản đối dữ dội vì không giao hẹn trước, nhưng không ăn thua. Trong trận đấu quan trọng như trận chung kết, mất một cầu thủ tiền đạo ngôi sao là hậu quả đến ngay. Đội Liên quân rơi vào cảnh chống đỡ vô cùng chật vật. Tất cả đều nghĩ đội 1A Hoàng Văn Thụ sẽ thắng. May mà phút cuối trận, từ một cú sút cầu âu của Thái Đen, Anh Sơn (hôm nay đá tiền đạo vì vị trí thủ môn của nó bị Huy Lô lấy mất), với tấm thân lừng lững so với thủ môn đội bạn, nhảy lên đánh đầu. Tỉ số 2-1. Bàn thắng được tính cho Anh Sơn, dù cùng lắm cũng chỉ một sợi tóc trên đầu nó chạm bóng. Và khi tất cả đều hoan hô cú đánh đầu hiểm hóc, Anh Sơn đương nhiên không ngu gì từ chối vinh quang do một sợi tóc mang lại.
Đáng nhẽ lúc này đội Liên quân phải rút về phòng ngự, nhưng với tinh thần thắng càng nhiều càng tốt, “chỉ đạo viên chú Giá” vẫn thúc toàn đội tràn lên tấn công. Hậu quả của chiến thuật non nớt này là đội Liên quân dính đòn “hồi mã thương”. Thủ môn đội bạn vồ được cú sút cận thành của Ngọc Sơn, khẩn trương phát bóng lên cho Mai Xuân Đức. Đức nhanh nhẹn thoát khỏi sự truy cản của toàn bộ hậu vệ đội Liên quân, kể cả “hòn đá tảng” Hà Tư, lao về khung thành Huy Lô với tốc độ của một vận động viên điền kinh chạy nước rút. Hà Tư nghiến răng nghiến lợi đuổi theo mà không tài nào bắt kịp. Tới gần khu vực 16 mét 50, Hà Tư sực nhớ lời hậu vệ Nhật, đội Thể công: “Cầu thủ hậu vệ cần phải biết phạm lỗi một cách hợp lý ngoài vòng cấm địa”, thế là nó nhằm luôn chân Mai Xuân Đức quét ngang. Với cú đá này, chẳng cứ Mai Xuân Đức, đến Pele cũng ngã cắm mặt xuống sân, cạp đầy một mồm đất như thường. Mai Xuân Đức nhổ đất, cát với cỏ phì phì khỏi miệng, chỉ mặt Hà Tư hét: “Đá xong nhớ mặt tao nhé!”. Ngày đó FIFA chưa có luật phạt thẻ đỏ cầu thủ truy cản trái phép một pha bóng có khả năng thành bàn từ phía sau. Vì vậy, trọng tài Giáp chỉ thổi phạt gián tiếp. Phạt hàng rào đâu nhằm nhò gì với đôi bàn tay nhựa của Huy Lô. Nó bay người điệu nghệ, bắt gọn cú sút của Mai Xuân Đức, cùng lúc trọng tài nổi còi hết giờ. Đội Liên quân của Tổng cục Chính trị vô địch, nhưng mấy chục năm sau, bọn khu Nam Đồng vẫn coi đó là thắng lợi riêng của Quân khu Nam Đồng.
Nếu không có một chút trục trặc trong lễ trao giải thì chiến thắng hôm đó thật hoàn hảo, vì trước đó, khu Nam Đồng nhận được hàng loạt giải nhất nhì trong các môn thi đấu khác. Lúc đội trưởng Anh Sơn vừa nhận giải từ tay đại tá Nam Hồ thì Mai Xuân Đức lao tới, đá song phi vào mặt Hà Tư. Hà Tư nghiêng người tránh, chỉ bị xước gò má tí chút. Ở chỗ khác, thằng nào nhảy vào đánh Hà Tư kiểu đó chắc chắn không xong với nó. Nhưng lần này Hà Tư không có cơ hội trả đòn, vì sau lưng nó có cổ động viên Thái Thọt. Thái Thọt nhỏ người, chân bị tật từ nhỏ, lại là con cô Quý, người hay đưa ra các đề xuất quản lý chặt chẽ bọn con trai khu Nam Đồng, nên mọi người cũng ít rủ rê đi chơi. Chẳng ai nghĩ Thái Thọt dám đánh nhau ở đây, thế mà nó rút ngay trong áo ra một cây gậy, nhanh như chớp vụt thẳng vào mặt Mai Xuân Đức. Đức rú lên, hai tay ôm mặt. Trên khán đài, đại tướng Văn Tiến Dũng và thượng tướng Song Hào lắc đầu, bỏ về.
Mặt đại tá Nam Hồ tái xanh tái xám. Đúng là một lũ không biết trời cao đất dày là gì. Thủ trưởng Bộ bận trăm công nghìn việc, nhưng vẫn quan tâm đến chúng nó, dành thời gian động viên, thế mà lúc này, chúng nó dám cầm gậy vụt vào mặt nhau tóe máu. Thay vì trao tiếp giải nhì, giải ba, ông hạ lệnh cho cảnh vệ trói Thái Thọt, Hà Tư giật cánh khuỷu và bắt giữ toàn bộ đội bóng khu Nam Đồng cùng Mai Xuân Đức. Đức đang cơn giận, dù bị cảnh vệ giữ, vẫn nhoài người ra, đấm Hà Tư. Hà Tư cười nhạt: “Đồ hèn, đánh người không còn khả năng chống cự!”. Cô Trâm Anh, má Anh Sơn, đi cùng đoàn, ra hiệu cho Anh Sơn, Tiến Thọt tách nhóm ra phía cửa. Việt và Thái Đen chạy theo. Cảnh vệ chặn lại: “Thủ trưởng Nam Hồ hạ lệnh bắt giữ tất cả cầu thủ đội bóng khu tập thể Nam Đồng”. Cô Trâm Anh nhẹ nhàng: “Mấy đứa này không tham gia đánh nhau, cho nó ra”. Anh cảnh vệ lớn tiếng: “Đồng chí là ai?”. Cô Trâm Anh rút chứng minh thư cho xem. Thời đó, nữ thiếu tá vừa to, vừa hiếm. Anh lính nhìn trước nhìn sau rồi tránh sang một bên, vẫn hơi có vẻ hậm hực.
Tất cả những đứa bị bắt được yêu cầu làm bản kiểm điểm, nhưng trừ Hà Tư, Mai Xuân Đức và Thái Thọt, không đứa nào chịu làm vì cho rằng mình không có tội, cứ ngồi ỳ ra đấy. Đến tối, trừ ba đứa đã làm kiểm điểm phải có bố mẹ tới nhận, số còn lại được cho về. Khi bố Hà Tư và bố Mai Xuân Đức tới, đại tá Nam Hồ hỏi: “Hai anh có họ hàng không?”. Cả hai ngớ ra không hiểu. Hóa ra trong bản kiểm điểm, Hà Tư khai họ tên nó là Mai Xuân Hà, còn thằng kia khai là Mai Xuân Đức. Hai ông bố Mai Xuân Tiếu và Mai Xuân Tần ra lệnh hai ông con bắt tay giảng hòa, tiếp đó ôm nhau, cùng vỗ vào lưng bộp bộp và cam kết xóa bỏ mọi oán thù. Hơn bốn mươi năm sau, hai thằng “Mai Xuân” con ngày trước tình cờ gặp lại trong một trận nhậu ở Sài Gòn. Chúng bắt tay và ôm nhau lần nữa, vẫn vỗ lưng bộp bộp và cùng làm mấy ly. Mai Xuân Đức nối nghiệp cha, khi ấy đeo quân hàm đại tá. Mai Xuân Hà cũng từng phục vụ trong quân đội, nhưng chỉ tới cấp thượng úy là chuyển ngành.
Về sau nhớ lại chuyện này, có một số người nói vì bố Thái Thọt làm ở Tổng cục Chính Trị nên nó được tha, chứ không đại tá Nam Hồ đã xử nó nặng, vì làm chú ấy mất điểm với cấp trên. Nhưng thật ra không phải thế. Lúc đó bố Thái Thọt vẫn ở trong chiến trường Miền Nam, chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân năm tới. Sau năm 1975 ông mới giữ chức cao và mang quân hàm thượng tướng.
3
Hè năm lớp Chín trôi qua thật nhanh, và các trận đánh nhau cũng giảm. Nghĩ lại, có lẽ là do tình yêu. Trong ngày, thời gian là một hằng số. Nếu dành nhiều thời gian cho tình yêu, sẽ ít thời gian cho đánh nhau. Hơn nữa, ai khi yêu cũng hiền, vì trước tình yêu, con người trở nên hướng thiện. Một lý do nữa là: Các cô gái và phụ huynh của họ không thích bọn hay đánh nhau. Thôi thì lúc nào ngoan được cứ ngoan.
Ban giám hiệu nhà trường và Ban quản lý khu tập thể không biết khẩu hiệu hè 1974 của bọn con trai khu Nam Đồng là “Tăng yêu đương, giảm đánh đấm!”. Tất nhiên, thỉnh thoảng chúng vẫn đi đánh nhau. Lớn nhất là vụ đánh nhau với bọn phố Hàng Buồm, ở hồ bơi Quảng Bá. Nguyên nhân xuất phát từ vụ va chạm nhỏ của Anh Sơn, Tiến Thọt với một võ sư người Hoa khi bơi. Chưa bao giờ hội Nam Đồng đánh nhau với một bọn võ nghệ cao cường như vậy. Việt dính một cú đá, ngã lộn mấy vòng, lăn từ vệ đường xuống hồ. Tiến bị đánh tím bầm mắt. Đính về nhà với cái mũi sưng vều… Bốn thằng lăn xả vào mà không đánh nổi “Sư phụ”. Khi Hòa thấy đám bạn lần lượt bị hạ gục, nó nhặt luôn nửa hòn gạch bên đường, choang thẳng vào đầu “sư phụ”. Đúng là ba năm võ Tàu không bằng một chầu củ đậu, “Sư phụ” ngã quay lơ. Bọn Hàng Buồm chạy tán loạn. Hòa vứt cho “Sư phụ” chiếc khăn tay để dịt vào chỗ đầu bê bết máu và ngạc nhiên khi nhận ra mình bỗng dưng ngưỡng mộ đối thủ. Trước kia, thấy bọn Bích, Thái Đen, Hà Tư và Hoàng đi học Vịnh Xuân quyền, Hòa vẫn cho rằng đã có vũ khí, cần gì học võ cho nhọc. Qua trận đánh nhau này, Hòa bắt đầu thay đổi thái độ. Nó nghĩ thể nào cũng phải đi học võ Tàu. Khi có võ, chẳng cần mang theo vũ khí nữa. Khi nào bí quá thì kết hợp đánh võ với ném gạch.
Có một điều ngạc nhiên, tuy không ai bảo ai, hè này rất ít thằng đi chơi mang theo vũ khí. Nhưng quan trọng nhất là trong hè không ai bị bắt vào đồn. Hết hè, bọn phải “thi lại hạnh kiểm”, đứa nào cũng xin được của khu phố một bản nhận xét trên cả tuyệt vời, nộp cho nhà trường. Kết hợp với hoàn cảnh gia đình bộ đội, bố là liệt sỹ hoặc đang ở chiến trường, Ngọc, Minh, Hoàng, Quốc Tẩm được vớt lên hạnh kiểm “thường”, trên “kém” một bậc. Thế là đủ. Được lên lớp thì hạnh kiểm “thường” có khác gì “tốt” với “khá”.
Thế nhưng dù Ngọc và Minh qua được cửa hạnh kiểm, vẫn còn phải vượt thêm cửa thi lại mới được lên lớp. Người “thanh niên mới” phải vừa hồng vừa chuyên. Suốt cả mùa hè, hai đứa mải phấn đấu về “đức” mà quên siêng năng rèn luyện về “tài”. Ngọc và Minh bị đúp, phí cả công phấn đấu nâng hạnh kiểm. Mà đúp vì thi trượt môn Lịch sử mới chán đời!
Riêng Giang và Việt không được vớt hạnh kiểm, đồng nghĩa với lưu ban. Thầy hiệu trưởng đưa ra điều kiện: “Muốn xóa hạnh kiểm kém để được lên lớp, phải xin chuyển trường!”. Thầy nói vậy cũng ngang đánh đố hai đứa, vì khác tuyến, lại nổi danh nghịch ngợm, dễ gì xin chuyển. Không trường nào ngu mà lại đi nhận những học sinh cá biệt do trường Đống Đa lè ra.
Giang quyết định xin đi bộ đội, dù còn mấy tháng nữa mới đến tuổi. Một học sinh thông minh xuất sắc như nó, không bao giờ chịu xuống ngồi với bọn đàn em học lại những điều mình đã biết. Giang không oán trách nhà trường. Nó bảo: “Khó khăn là cái để mình vượt qua, chứ không phải để than thở. Vấp ngã cũng có mặt tốt, vì nó giúp con người trưởng thành”. Lúc nào Giang cũng khẳng định mình bị hạnh kiểm kém là đúng. Nhà trường cần phải xử nó thật nặng để làm gương cho những thằng cán bộ Đoàn đang ngoan chuyển sang hư.
Việt thì lại cho rằng xếp nó vào loại “hạnh kiểm kém - không thể giáo dục được” là oan cho nó. Nhưng nó cũng không trách thầy hiệu trưởng, chỉ trách số mình đen. Trong trận đánh cuối cùng của nó thời đi học, ba thằng cùng tham gia mà mỗi mình nó bị bắt. Nó phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường. Việt nghĩ, lần này phải làm một bản kiểm điểm thật hay, bày tỏ sự hối hận và cam kết cải tà quy chính, phấn đấu trở thành một người con ngoan trò giỏi. Nó nhờ Hòa.
Việt không biết mình phạm một sai lầm lớn khi cho rằng đã viết thư tình hay thì sẽ làm kiểm điểm giỏi. Sau lễ chào cờ, Việt cầm bản kiểm điểm tiến ra phía micro, thái độ rất thành khẩn. Nghe Việt trình bày tới đoạn: “Em đã nhận thức được lỗi lầm của mình. Khi bầu máu nóng tuổi trẻ bốc lên, em đã dùng quả đấm trả lời thay cho lẽ phải. Xin thầy cô và các bạn hãy tha thứ cho em, gạt bỏ hết trong em những bụi mù nghịch ngợm để mang lại một ngày mai tươi sáng”, học sinh phía dưới phá lên cười. Việt thấy mọi người cười cũng hoang mang. Hôm qua nó đã duyệt đi duyệt lại từng chữ trong bản kiểm điểm, thấy không có gì sơ xuất. Việt không hiểu trong mắt mọi người, nó bị coi là một “sát thủ”. Dù nó tỏ ra thế nào đi nữa, chẳng ai coi nó là kẻ ngoan hiền. Việt càng đọc nghiêm túc, ở dưới càng cười lăn cười bò. Sự thiếu kinh nghiệm trong viết kiểm điểm của Hòa đã làm hại nó. Văn chương mà không hợp người, hợp cảnh đúng là giết chết người ta. Khi Việt đọc đến câu: “Để chờ đợi một ngày mai, con người Việt Nam cắm cờ lên sao Kim, sao Hỏa thì hôm nay chúng em phải gắng sức học hành phấn đấu… Tuổi thơ ơi, hãy lớn lên đi!” thì tờ giấy trong tay nó tuột mất. Việt ngước nhìn, thấy thầy hiệu trưởng đang hầm hầm đứng bên cạnh. Thầy quát: “Thôi, không đọc nữa. Đây đâu phải chỗ cho cậu diễn hề”. Nó đang định thanh minh thì thầy hét: “Đi vào ngay. Cậu đúng là không-thể-giáo-dục được!”
Việt xuống lớp dưới học được mấy ngày rồi cũng xin bố cho vào bộ đội. Đằng nào thì dăm tháng nữa nó cũng đến tuổi nhập ngũ. Đất nước đang có chiến tranh, đi bộ đội đánh tan giặc xong rồi về học tiếp cũng được chứ sao!
Lớp 10D năm đó, các bạn trai khu Nam Đồng vắng đi bốn người.