Rũ bóng nghiêng chiều - chương 03 - Anh em cột chèo

Mai mới đám giỗ nhưng từ chiều thì cả nhà Liên đã có mặt ở nhà Hai Chỉ để phụ cúng Tiên thường. Hiếm hoi lắm, bà con họ hàng mới có dịp tụ họp, nên ai cũng hớn hở vui tươi.
Lúc còn nhỏ, Liên thích nhất là nằm trên ván, nghe mấy dì mấy thím với má nói chuyện cùng nhau. Chuyện trên trời dưới đất, có người phàn nàn chồng vô tâm quá, người than thở chuyện làm ăn thất bát, người vui miệng kể chuyện cô gái nào đó may mắn lấy được chồng giàu, hồi môn lên chục quả… Tuy không hiểu, cũng chẳng biết người trong câu chuyện mặt mũi ra sao, mỗi câu chuyện như một thế giới khác được mở ra, vô cùng lôi cuốn. Đã vậy, còn được ăn uống thỏa thê, muốn thì cứ lấy, ăn xong chạy đi chơi. Ngày giỗ y như ngày hội.
Lớn lên thì khác, phải xắn tay phụ sự mấy dì, mấy thím chớ không được nhong nhong. Tuy nhiên, niềm vui cũng không hề bớt.
Công việc nhiều nhưng người đông, nên mỗi người cứ góp một tay là xong hết. Một rổ rau mà cả chục người chụm lại ngồi lặt, lột vỏ mấy củ tỏi mà ba bốn đứa ngồi làm. Nhóm lớn rồi nhóm nhỏ, cứ túm tụm vô nhau, kể hơn nửa ngày mà chưa hết chuyện. Công việc theo đó cũng trễ nãi hơn một chút.
Khiến mấy bà sắm vai nấu chánh phải luôn miệng than thở, rằng quá bận rộn nên làm không ngớt tay mặc dù người vẫn nhiều hơn việc. Ai than thở thì cứ than thở, ai vui thì cứ vui, có điều, người than thở cũng không có gì thấy buồn bực trước cảnh náo nhiệt đông đủ trong nhà.
Lúc cùng mấy chị bưng rổ rau ra sàn nước để rửa, Liên nghe thấy tiếng nói phía sau lưng. Không cần hỏi cũng biết là Bửu. Anh đang cười chào với Liên, cô cũng cười chào đáp lại rồi vội vã đứng lên. Bỏ lại rổ rau cho mấy chị đang che tay cười khúc khích.
Mỗi khi thấy Bửu, Liên đã cố tình tránh mặt, vậy mà anh cứ lẽo đẽo đi theo. Khổ nỗi, mọi người cũng có ý tác hợp, hễ Bửu xuất hiện thì y như rằng họ chủ động tản ra, nhường không gian cho cả hai trò chuyện. Mà chuyện của Bửu, Liên không muốn nghe, chỉ thấy nhạt nhẽo và nhàm chán.
Mặc cho Bửu hỏi han đủ thứ, Liên chỉ “dạ, có”, “dạ, không” mà chẳng muốn nói thêm gì. Biết mình có phần thất lễ vì Bửu rất nhiệt thành… nhưng cô không thể ngăn được cảm giác này, thậm chí còn muốn nói, muốn làm cái gì đó thiệt điên khùng để Bửu có thể tránh cô thiệt xa.
Cũng may, xung quanh Bửu khá nhiều người bu quanh. Người hỏi thăm, người nịnh nọt. Cũng có người ngỏ lời mai mối. Một cách vô tình, Liên được giải vây.
Lúc ngồi vô bàn thì Bửu càng không có cơ hội. Vì trong các bữa tiệc, có một thói quen, đó là đàn ông và đàn bà đều ngồi riêng với nhau, không phải do vấn đề nặng về lễ giáo nam nữ thọ thọ gì đó, mà đơn giản là vì đàn ông ăn tiệc thì không thể nào thiếu rượu, còn đàn bà chỉ uống nước trà. Không chỉ thế, đàn bà thì chỉ nói với nhau về gia đình, con cái, những chuyện vặt vãnh hằng ngày trong khi đàn ông thì nói toàn chuyện xa xôi, chuyện quốc gia đại sự, xã hội trị an…
Bàn của Liên toàn là con gái và dĩ nhiên, chuyện họ nói cũng chỉ xoay quanh những vấn đề quen thuộc, chẳng hạn như, ai sẽ lấy chồng, gia đình đó là người thế nào, rồi chuyện quần áo, phấn son, cô này đẹp, cô kia xấu…
Huệ không mấy thích nghe những chuyện này nên cô không có vẻ gì hào hứng, còn Liên thì bình thản, ai nói mình nghe, ai hỏi tới mình thì trả lời, chỉ có Cúc luôn miệng góp vui một cách nhiệt tình.
Phía đối diện, cách hai bàn, có một vị khách không ngờ. Tuy chỉ mới gặp có một lần, nhưng Liên vẫn nhớ cái tên “hách dịch” đó. Có lẽ, người đó còn để bụng chuyện bị cô chửi xéo nên mắt người đó cứ nhìn chăm chăm về phía này.
Nghiền ngẫm thêm một lát, Liên nghĩ, có lẽ chỉ vô tình. Phía trước Liên còn có một bàn tiệc toàn con gái… mà ai cũng khá đẹp. Biết đâu… không phải nhìn cô.
Liên cắm cúi ăn cho cho hết miếng cơm trong chén. Lúc với tay gắp miếng cá dĩa bên kia, cô ngẩng đầu lên thêm lần nữa… Cũng ánh mắt… một cách vô tình chạm nhau. Có câu này, “không nhìn người ta thì làm sao biết người ta nhìn mình”, Liên cho là phải. Nên cô phớt lờ đi, cố gắng thiệt tự nhiên như không có gì. Nhưng cảm giác bị ai đó nhìn vẫn chưa buông tha.
Nhưng cảm giác thì đâu có gì chắc chắn. Để tìm ra sự thực, Liên không né tránh, cô lấy dũng khí quyết định hướng mắt về phía đó thử một lần. Đúng lúc Đạt đang nghiêng nhẹ đầu qua người bên cạnh để lắng nghe người đó nói, nên mắt anh hơi cụp xuống, hướng nhìn cũng chệch đi vài phân. Liên thấy nhẹ nhõm cả người. Cô kết luận, chẳng qua vì cả hai ngồi đối diện nên thỉnh thoảng ánh mắt vô tình bắt gặp nhau thôi. Đúng, chỉ là vô tình trùng hợp!
Đầu Liên lắc nhẹ, tay vuốt lên ngực, bất giác mỉm cười. Bỗng nhiên đôi mắt đang cụp nhẹ hàng mi lại quắc lên, hướng nhìn không chệch đi đâu cho được. Còn nhướn mắt, mỉm cười châm chọc. Mặt Liên nóng bừng. Cô đã bị bắt quả tang. Từ người bị nhìn trở thành người đi nhìn trộm, thực sự rành rành, Liên không thể chối. Bàn tay cô quờ quạng làm chén ly ngả đổ lung tung, may mà chưa bể. Túng thế, cô phải giả bộ cúi người lượm đũa.
Phía bàn tiệc bên kia, Hai Chỉ hồ hởi rót rượu, hết đưa ly mời Thành rồi quay qua mời Bửu, miệng Hai Chỉ nói oang oang.
- Đây đây… Tui kính cẩn mời hai dượng. Mai mốt tụi mình sẽ thân càng thêm thân. Dượng Thành với dượng Bửu chắc cũng biết sơ về nhau rồi, tự khắc sẽ biết nhiều thêm. Sau khi cả hai chánh thức thành anh em cột chèo. Dượng Thành chèo mũi, dượng Bửu chèo lái. Hê hê…
Thành vẫn giữ vẻ thản nhiên theo phép xã giao, chỉ có Bửu, anh không giấu được nét hớn hở trên mặt, cầm ly lên môi nhấp, nhận lấy lời chúc rất đỗi nhiệt tình.
Những bữa tiệc như thế này, Đạt cũng không mấy quan tâm. Qua vài nét cư xử, Đạt thấy không ưa Hai Chỉ. Cũng chẳng phải vì nể mặt Thành, anh đến vì anh biết hôm nay sẽ có người anh muốn gặp. Ngoài Thành, hầu như anh chưa chủ động trò chuyện với ai.
Nhưng khi nghe Hai Chỉ nói thì Đạt thay đổi thái độ. Anh có vẻ lắng nghe chăm chú hơn. Thấy Đạt cứ nhìn mình, Hai Chỉ tươi cười giảng giải.
- Chú Đạt làm gì mà nhìn tui dữ vậy? Anh em cột chèo mà chú cũng không biết nữa hả? Là hai người đàn ông cưới hai chị em ruột đó. Đám cưới của dượng Thành với con Huệ xong xuôi thì tới đám cưới của dượng Bửu với con Liên liền. Công nhận nhà dì dượng tui có phước thiệt, gả được hai cô con gái tới nhà sang cả như vậy!
Khuôn mặt hờ hững trở nét đăm chiêu, hết nhìn về phía Bửu, rồi tiếp tục nhìn về phía bàn đối diện, lòng Đạt bỗng dưng gợn chút bâng khuâng.
***************************
Tháng Tám đã qua, tháng Chín vừa chạm cửa, nhưng trời vẫn chưa ngớt những cơn mưa nặng hạt. Mây dày đặc kéo đến liên hồi nên mặt trời cũng lười thức giấc. Mà có hề chi. Dẫu bên ngoài có bão tố mịt trời, thì cũng chưa sánh được được dông lốc không chút gió bên trong.
Mọi người tất bật ra vào, ai cũng nôn nóng nhưng không sao thắp được tia sáng trong căn nhà đang phủ trùm ảm đạm. Bà Chung ngồi trên bộ đi văng, tay chống cằm thiểu não. Ông Nghị đã đi ra ngoài từ rất sớm, Liên với Cúc tựa vai nhau trên chiếc bàn dài giữa nhà. Cả hai cũng lo âu, trên tay Liên còn cầm bức thư vừa ráo mực.
Đó là bức thư mà Huệ để lại khi quyết định ra đi. Thư chỉ vỏn vẹn vài dòng xin lỗi. Huệ không nói rõ lí do cũng như không nhắc tới nơi mà cô sẽ đến. Ai cũng như có lửa trong lòng. Chỉ còn bảy ngày nữa sẽ tới ngày cưới, áo cô dâu đã may, thiệp hồng đã gửi, kế hoạch nấu nướng đãi đằng đã tính xong, chỉ còn chờ tới ngày dựng rạp rồi tiến hành hôn lễ.
Trời đã khuya nhưng cả nhà Liên không ai ngủ được. Bà Chung bỏ ăn, chỉ biết thở dài, hố mắt thâm sâu chứa đựng biết bao phiền muộn, đôi mắt bà hoe đỏ in hằn lên nỗi niềm rối rắm như tơ.
Ông Nghị thì ngày lúc càng giận dữ. Suốt mấy ngày ông tất tả tìm kiếm khắp nơi nhưng Huệ vẫn bặt vô âm tính.
Một không khí nặng nề trùm phủ, không ai dám nói một lời nào. Đây thực sự là một cú sốc quá lớn đối với gia đình.
Liên biết Huệ và Thành không có tình yêu, và dù Huệ có bản tính mạnh mẽ quật cường, dù hằng ngày không phải lúc nào Huệ cũng vâng vâng dạ dạ, cúi mặt phục tùng giống như cô nhưng cái việc bỏ nhà ra đi như thế này quả là một việc động trời. Đến nghĩ, Liên còn chưa dám, nói chi tới viêc sẽ làm. Hén chi, mấy ngày trước, Huệ cứ ưu tư, trầm mặc. Hai chị em đã mấy lần trò chuyện, nhưng Huệ không hề hé môi nên bây giờ, Liên không thể giúp gì được cho cha má.
Sau mấy ngày tìm kiếm không kết quả, sắc mặt ông Nghị càng ngày càng đanh lại, ông lặng im không nói như đang níu giữ sự bình tình trong cơn tuyệt vọng. Dù muốn dù không thì sự thực vẫn là sự thực, không chấp nhận cũng không được.
Đắn đo suốt cả đêm, cuối cùng ông cũng quyết định dứt khoát.
- Chuyện đã tới nước này thì phải qua nhà sui gia nói với người ta một tiếng để còn chung tay lo liệu.
Bà Chung rầu rầu nét mặt.
- Vậy là phải dẹp đám cưới hả ông?
- Dẹp hay không… phải tùy bên đó. Nhưng tui ráng ráng… coi sao? Mình còn tới hai đứa con gái.
Dù là ai trong hai cô con gái, thì việc gả đi trong hoàn cảnh này điều đau xót vô cùng. Nhưng bà không dám cản ông. Hơn nữa, bà biết, không chỉ vì nhà Thành là một mối tốt, điều hệ trọng hơn, nếu chuyện đổ bể, gia đình sẽ mang tai tiếng, ông bà không chỉ bị coi khinh, mà chuyện tương lai của hai đứa con còn lại, cũng khó bề êm đẹp.