Rũ bóng nghiêng chiều - chương 78 - Phải thương cho đồng?

Liên càng tươi tỉnh thì má chồng cô, mặt mày càng u ám. Tựa như cơn mưa tối tăm nhất cũng không xám xịt bằng bà.
Thấy Đạt hết sai người nấu cháo lại căn dặn thăm nom, bà Ngự càng bực bội trong lòng. Bởi, hành động của anh trái ngược hoàn toàn với điều bà nghĩ, những điều lẽ ra anh nên làm. Và phải làm.
Lí ra, anh phải giận dữ hơn bà, phải điên tiết hơn bà. Nếu không làm cho long trời lở đất thì cũng nên rùm beng một chập. Nếu không ăn tươi nuốt sống thì cũng nên đánh cô vài bạt tay. Hay chí ít, phải có lời lẽ đay nghiến thiệt nặng nề. Đằng này, anh cứ im ru, không một lời rầy la. Một tiếng nặng nhẹ cũng không nghe thấy. Đã vậy còn tận tình lo lắng, dỗ dành như thể cô mới chính là nạn nhân cần che chở.
Cái tâm lí so đo của mẹ chồng vốn ăn sâu, nay lại gặp chuyện gai mắt chướng tai, cơn giận của bà như nước trong ly, từng giọt được làm đầy theo sự yêu thương vô lối (đó là cách nhìn của riêng bà) mà thằng con trai dành cho vợ nó. Sẵn tiện có chuyện lớn, bà càng muốn làm khó cô một lần cho bỏ ghét.
Đến anh, bà cũng không để yên. Dù thương và cưng chiều anh rất mực nhưng bà vẫn không nhịn được, bà rầy anh một trận. Từ nhỏ tới lớn, chưa bao giờ bà lớn tiếng với đứa con trai út của bà như hôm nay.
- Coi bộ… Má thấy bây xót vợ hơn xót con nữa đa! Con cái mới là máu thịt, vợ chồng chỉ như manh quần tấm áo. Bây làm vậy mà coi cho đặng?
- Giọng Đạt ỉu xìu.
- Sao má nói vậy? Con đâu có bỏ bê con con. Con đang cố gắng tìm kiếm nó... Con cũng buồn khổ, chớ có vui vẻ chi đâu.
- Hứ. Buồn? Buồn cho ai? Khổ vì ai? Thằng nhỏ không còn, tao thấy mày không thèm rớt một hột nước mắt. Con Liên mới bỏ ăn một bữa thì mày lo lắng, chạy đôn chạy đáo như thể động kinh!
Đạt thở dài.
- Thằng nhỏ đã mất, có thương xót tới mấy cũng đâu làm gì được. Còn người đang sống thì… phải lo.
Bà Ngự đập tay xuống bàn rồi nạt lớn.
- Hứ! Mắc giống gì phải lo? Đợi kiếm xác thằng nhỏ đâu đó rồi, tao nhứt định phải mời má nó lên đây, một lần làm cho ra lẽ mới thôi! Muỗi dại cái mang, con Liên hư thân là lỗi của nhà bên đó. Ăn nói mà hổng xong đó hả, tao trả luôn về bên đó.
- Không lẽ… má muốn… truy cứu cho tới tận cùng thiệt sao má?
- Ừa. Thiệt chớ sao? Chuyện tày trời như vầy, bỏ qua sao đặng?
- Má! Má cũng thấy… Liên thương thằng nhỏ thiệt. Cổ không phải là người xấu bụng, chỉ tại… không may… chớ cổ đâu có cố tình…
- Tao không cần biết nó có vô tình hay cố tình, nhưng chuyện tới mức này… Không thể chỉ nói không may là coi như xong chuyện. Hừ. Lòng dạ đàn bà, trước giờ luôn độc địa. Người ta càng độc thì càng làm ra vẻ hiền lành, hòng dễ gạt người khác.
- Má. Đừng làm lớn chuyện. Không hay đâu. Mất mặt lắm…
- Bao nhiêu người biết rồi, sợ gì chuyện mất mặt! Không lẽ… để thằng nhỏ chết oan… Giết người thì đền mạng. Nó chịu trả mạng lại cho cháu tao thì coi như xong.
Một người thì muốn trả mạng, một người thì đòi đền mạng. Nếu cứ một mạng đền một mạng cho đúng thói thường, thì ai là người chịu thiệt nhất ở đây? Chỉ nghĩ thôi, đã thấy lòng nặng trĩu.
Cơn giận của bà Ngự, phận làm con như anh, lẽ nào không hiểu. Nhưng bà lại không cảm thông cho nỗi lòng của người làm chồng như anh. Hay đúng hơn, bà nghĩ anh giống như những người chồng khác, khi vợ mình phạm lỗi thì dễ dàng khoát áo phủi tay mà không một chút lưu luyến gì đến nghĩa với tình.
Cái nghĩa của cô đối với anh như thế nào, anh không biết, chớ cái tình anh đối với cô, dường như, càng chung sống, càng nặng thêm hơn!
Vậy nên cái chuyện dứt tình, đâu dễ như bà đã nghĩ.
Anh sà xuống bên cạnh má, bàn tay anh níu lấy bắp tay bà, rồi nhìn bà một cách bùi ngùi, giống như ngày xưa anh thường làm mỗi khi muốn xin xỏ. Chỉ khác, bây giờ anh đã trưởng thành, đã là đàn ông có vợ, anh không nũng nịu như trẻ con vòi vĩnh thứ mình chợt thích, mà anh đang thành khẩn van lơn để bảo vệ thứ mình trân trọng.
- Chuyện cũng dĩ lỡ rồi… Làm cho rùm beng cũng có lợi chi đâu? Chỉ có gia đình con là tan nát hết…
- Có gì mà nói là tan nát? Vợ không thảo hiền, thì bỏ. Chuyện bình thường. Không có nó thì má cưới đứa khác cho con. Con thích đứa nào, Ta, Tây, Tàu gì cũng được hết thảy. Đẹp hơn nó, hiền hơn nó, giỏi hơn nó,… chỉ cần nói một tiếng, má cưới liền cho con. Cần gì luyến tiếc loại đàn bà như nó. Làm ra cái chuyện tày trời như vậy, nếu không bỏ tù thì cũng phải đuổi cổ khỏi nhà này.
Đạt ép tiếng thở dài vào trong bụng. Đẹp hơn cô, giỏi hơn cô, hiền hơn cô, dịu dàng hơn cô, biết chiều chuộng hơn cô, thậm chí… chuyện “ăn nằm” với anh cũng giỏi hơn cô… anh đều đã gặp nhưng khiến anh nặng tình… chỉ có mình cô. Cô đứt tay, anh còn thấy xót, huống gì bắt cô ở tù, chịu đọa đày thể xác… Còn chuyện đuổi cô đi, anh càng không thể. Trái tim, bị cô cướp mất từ lâu lắm rồi.
Sau một hồi im lặng thẫn thờ, anh mới ngần ngại nói.
- Con lỡ… nặng lòng… Không có Liên…, con… sống sao nổi hả má?
Ống ngoáy trầu đúc bằng đồng đặc bị quăng xuống bàn làm vang lên một tiếng “cốp” thiệt lớn, ngỡ như có thứ gì cứng chắc bỗng nhiên nứt toác, âm thanh vang vọng mãi một hồi lâu. Đôi mắt bà trợn lên chỉ thấy toàn tròng trắng, cảm tưởng như ai đó vừa bất chợt đánh bà một gậy đau đến điếng toàn thân.
- Cái gì? Giờ phút này mà mày còn nói được câu đó hay sao? Nó làm tới chuyện độc ác khó dung, mà mày còn bao che… Biết vậy, hồi đó, má nói với cha mày bỏ quách luôn đám cưới, không cho mày lấy nó. Cũng không quan hệ qua lại với bên nhà đó nữa. Để bây giờ, mày ra nông nỗi như vầy… Mày có phải là đàn ông không hả Đạt? Đàn ông nào lại như mày, mất bao công nuôi mày lớn, để mày lụy vợ như vậy đó, hả?
Cơn tức tối khiến bà không tự chủ, bà gào lên như nhà bị cháy. Còn nắm cổ áo anh để đánh liên tục.
Thằng con trai đa tình phóng túng, dám ăn nằm với phụ nữ tới có con rơi, dám gởi thơ khiêu chiến đánh đấm tay đôi với bọn giang hồ… lại nói ra mấy từ “ủy mị” đó. Cái thằng con bà cưng như trứng, đừng nói là đánh, chửi nặng còn chưa từng, vậy mà hôm nay, bà phải dùng những lời thậm tệ.
Anh có phải là đàn ông không? Cả anh và bà đều biết, anh là đàn ông, đàn ông hẳn hoi. Không chỉ vì anh biết thích phụ nữ, vì anh có vóc người cao lớn, có sức khỏe để đi đánh nhau, mà vì anh đã đủ trưởng thành để có thể quyết định cuộc đời mình.
Thế nên, trong câu nói của anh, người nghe không hề thấy hình bóng của câu trai trẻ đang ỉ ôi nài nỉ hòng muốn kẻ khác rủ lòng thương, mà chỉ ẩn hiện dáng dấp của người đàn ông đang tâm sự nhỏ to về nỗi niềm tận trái tim để má anh có thể cùng anh thông cảm.
Nhưng dù thế thì cũng… Thật mềm yếu! Đừng nói bà Ngự, chính bản thân Đạt cũng chưa từng nghĩ, có một ngày, anh nói ra những lời này. Nhưng anh biết làm sao! Cách, không phải là không có, nhưng để mọi chuyện được vẹn toàn, thì chỉ có cách này thôi.
Có đứng ở vị trí của anh mới hiểu. Phận làm con, anh đâu có quyền để buộc má mình bỏ qua cho vợ. Tư cách làm cha càng khến không đủ lý lẽ để thuyết phục bà tin rằng, vợ anh không cố ý. Anh chỉ còn cách phơi bày sự mềm yếu của kẻ làm chồng để cầu mong một sự từ tâm từ tấm lòng của người sẵn sàng che chở cho anh.
Và, bà Ngự, với tư cách làm mẹ, đúng là… không thể nào cứng rắn thêm được nữa. Đôi mắt thằng con trai vốn đầy kiêu hãnh và ương bướng… đang bùi ngùi rất thật, rất chân thành. Thương vợ thì không có gì sai, nhưng thương như anh thì… chỉ khiến bà giận thêm thôi.
Nhưng.
“Con dẫu lớn cũng là con của mẹ”, tấm lòng cha mẹ, ai cũng vậy, bà cũng chẳng thể nào ngoại lệ cho được! Dù Đạt đã cưới vợ, đã ra đời lăn lộn làm ăn, cuộc sống anh đã trải qua nhiều gai góc, dù anh có thể đội trời đạp đất, có thể gánh cả thế giới trên lưng, thì anh vẫn là thằng con trai út của bà. Là thằng con bà vì thương yêu nên mới cưng chiều, vì thương yêu mới đâm ra hay lo lắng, vì thương yêu mới hay chấp nhặt con dâu…
Đâu phải bà không biết, điểm yếu của bà, anh đã nắm từ lâu. Chỉ là, điểm yếu của anh, giờ bà mới biết… Bà vừa đau lòng, vừa thất vọng, vừa… ganh tỵ (hai chữ này, thật khó để thừa nhận với bản thân)!
Nhưng, biết làm sao!
Tình thương thì ai áp đặt cho được! Đó không phải chân lý, càng không phải quy luật, đó… chỉ là lẽ thường tình của chốn nhân sinh.
Cái lẽ thường vốn chẳng ai nói tới, ấy vậy mà, nó mạnh hơn bất cứ chân lý lẫn quy luật nào.
Thằng nhỏ là đứa con bất đắc dĩ, về đây chỉ hơn hai tháng, bỗng nhiên nhảy xộc vào cuộc đời anh như gánh nặng; còn anh với Liên thì sống chung hơn hai năm, lại mặn nồng thắm thiết yêu thương, quấn quít không muốn rời.... Chuyện bên trọng bên khinh, dù không muốn cũng không thể nào tránh khỏi.
Dẫu, có nói bao nhiêu lần bốn chữ “phải thương cho đồng”, đến cuối cùng thì cũng chỉ là gạt gẫm. Dối trá một chút thì gạt thiên hạ, che lấp miệng đời… Thực lòng đến mấy thì cũng tự gạt bản thân thôi…
Cũng giống như bà, “con là máu, cháu là mủ”, còn biết sao hơn! Bà không thương dâu… thì, cũng phải thương con mình!
………………………………………
Chỉ thêm hai ngày thì Đạt kiếm được thằng con.
Không cần phải nói cũng biết, Liên vui mừng đến cỡ nào. Nhìn Đạt điềm nhiên trong khi cô như chết đi sống lại, người ngoài cũng băn khoăn, không biết thằng nhỏ là con ruột của ai mới đúng?
Những cái nhìn hoài nghi kèm những tiếng xì xầm dần biến mất. Cùng lúc đó, sự thương cảm về những oan ức mà cô đã chịu trong mấy ngày qua cũng ra rả khắp nơi.
Dù vậy, Liên vẫn áy náy. Ngày nào, cô cũng cảm ơn rồi xin lỗi.
Ừ thì, cô biết lỗi là tốt, cô càng biết lỗi thì cái nghĩa với anh sẽ càng thêm nặng, cái tình theo đó sẽ thêm sâu, càng khó rời xa anh, càng dễ bị anh xỏ mũi dắt đi. Nhưng ngày nào cũng nghe thế này, thì đúng là niềm vui của người nghe, dù không cánh cũng bay đi mất hút.
- Em thực sự muốn xin lỗi?
Liên vừa ừ xong liền rụt lại vì thấy quen quen. Lại câu này, cái câu đã gây bao điều sóng gió. Liên chần chừ. Có khi nào…
- Anh… anh muốn em hứa nữa hả? Em…
Anh liếc cô.
- Không cần. Hứa mà không làm được, thất hứa càng làm anh ghét thêm.
Cô nghiêng nghiêng đầu nhìn với vẻ e dè.
- Hay, anh muốn em biểu Cúc tới xin lỗi anh? Để, em ráng năn nỉ nó…
Anh kênh mặt bất cần.
- Dì ấy có quì gối, dập đầu nói một ngàn lần, anh cũng không thèm.
Mặt Liên lúc này càng thêm khổ sở. Mắt cô hơi cúi xuống.
- Hổng lẽ… anh muốn cưới cô Kỳ làm lẽ…
Anh lập tức trừng mắt nhìn.
- Nói bậy gì đó? Cô Kỳ thì can hệ gì tới anh? Còn nói kiểu đó thì, em coi chừng… anh làm thiệt bây giờ.
Cô vội níu tay anh.
- Thôi đừng. Vậy, anh muốn sao?
Anh với tay cầm lấy chỗ cơm có đầy ắp thịt cá để trên đầu giường, đưa tới trước mặt cô.
- Ăn hết tô cơm này cho anh!
Sự bất ngờ ngời lên ấm áp, hiện rõ trong mắt cô. Ăn cơm thôi mà, quá dễ! Nhưng mà… Anh thiệt biết cách làm khó cô, dù là cách đơn giản nhất!
- Anh Đạt ơi. Em hổng dám cãi để anh giận nhưng em… sợ ăn hổng hết. Cái này hông phải tô mà là tượng lận đó anh. Chắc, phải ăn mấy ngày mới hết được.
- Gì mà dữ vậy?
- Bình thường, bữa nào ngon miệng lắm thì em ăn được hai chén lưng lửng. Một tô lưng lửng cỡ ba chén lưng lửng, một tượng lưng lửng bằng hai tô lưng lửng. Mà tượng cơm này thì đầy nhóc hà, chắc phải cỡ tám chén lưng lửng.
Trời ơi cái giọng nỉ non! Thêm ánh mắt mềm nhưng nước. rồi còn có cái tay nho nhỏ chụm lại thành hình cái chén để phân bua, nó nhõng nhẽo y hệt như con nít đang trốn ăn. Phải bà Ngự ở đây thì bà ngứa mắt không chịu nổi. Nhưng đây là Đạt. Anh không những không ngứa mà còn thấy quá dễ thương. Muốn hun cho một phát.
Nhìn lại chỗ cơm. Ừ thì đúng là tô này lớn hơn tô thường nên gọi là tượng cũng chẳng sai, nhưng đâu tới nỗi như cô nói.
- Vậy là, một chén lưng lửng của em cỡ nửa chén của người ta là cùng. Ăn kiue63 gì mà nhiều dữ vậy. Nhà anh đâu có thiếu gạo đâu mà sợ.
- Ờ thì… Hay là, anh để em ăn từ từ. Có gì cất lại, mai ăn tiếp. Nghen anh?
Cơm mà cất lại ăn từ từ thì chỉ có nước đổ. Anh đâu có khờ như cô. Nhưng thôi, anh không bắt bẻ cô nữa. Anh nhoẻn miệng cười.
- Cái này anh bới cho anh nữa. Bộ em định giành ăn hết một mình hả? Ăn đi, ăn chung. Hả miệng ra! Mau!
Trước sự áp bức của Đạt, Liên phải há miệng ăn. Vừa nhai cô vừa nghĩ. Cô như vầy có phải là đang bị anh ăn hiếp? Bị ăn hiếp mà sao lại thấy… hạnh phúc quá chừng!