Sét Hòn - Tử Thần Trên Sa Mạc Gobi - Chương 17

HẬU KÝ

Đó là một đêm giông bão, khi ánh điện xanh lóe lên, những hạt mưa trông rõ mồn một ngoài cửa sổ. Giông tố bắt đầu từ sẩm tối, sau đó sấm chớp ngày càng dữ dội. Sau một tia chớp chói mắt, nó xuất hiện dưới tán cổ thụ, kêu u u và trôi trong không trung, ánh sáng đỏ cam hắt lên những hạt mưa xung quanh. Trong trạng thái lơ lửng, nó phát ra âm thanh như tiếng huyên thổi. Khoảng hơn chục giây sau, nó biến mất…

Đây không phải là một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Đó là những gì tôi đã tận mục sở thị trong một cơn giông mùa hè năm 1981 ở Hàm Đan, Cam Túc. Địa điểm cụ thể là cuối đường phía Nam Trung Hoa, khi ấy, nơi này vẫn hẻo lánh, đi đâu cũng thấy đồng ruộng.

Cùng năm đó, hai cuốn A space odysseyRendezvous with rama2 của Arthur Charles Clarke được xuất bản ở Trung Quốc. Đây là những kiệt tác khoa học viễn tưởng, ngoài các tác phẩm của Verne và Wells đã được dịch tương đối sớm trước đó.

Trong cả hai sự kiện trên, tôi đều là người rất may mắn. Bởi chỉ có khoảng 1% số người khẳng định mình đã từng nhìn thấy sét hòn (thống kê này được lấy từ một bài báo trên tạp chí Khí tượng trong nước. Tôi nghi ngờ tỷ lệ này quá cao). Trong khi đó, số người Trung Quốc đã đọc cả hai tác phẩm trên có khi chưa tới một vạn người.

Hai cuốn sách này đã xác lập những ý niệm về khoa học viễn tưởng trong đầu tôi, thậm chí đến bây giờ vẫn chưa thay đổi. Trước khi nhìn thấy chúng, khi đọc tiểu thuyết của Verne, tôi đã có cảm giác rằng mục đích chính của khoa học viễn tưởng trong dự báo nào đó có thể thành một vũ khí lớn trong tương lai hiện thực. Nhưng Clark đã thay đổi suy nghĩ này của tôi, ông nói rằng sức hấp dẫn thực sự của khoa học viễn tưởng là tạo ra một thứ trong tưởng tượng (độc thạch trong A space odyssey và con tàu vũ trụ trong thế giới của Rendezvous with rama). Những tạo vật tưởng tượng này đều không tồn tại trong quá khứ và hiện tại, cũng không có nhiều khả năng tồn tại trong tương lai. Ở một góc độ khác, khi một nhà viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng tưởng tượng ra chúng, chúng đã tồn tại rồi, không cần chứng minh hay cam kết nữa. Ngược lại, nếu những tạo vật tưởng tượng này vừa hay trở thành hiện thực thì sức hấp dẫn của chúng sẽ giảm đi ngay lập tức. Đối với Clark, những sáng tạo hấp dẫn nhất của ông chính là độc thạch và tàu vũ trụ Rama, trong khi thang máy vũ trụ* có khả năng trở thành hiện thực lại không để lại ấn tượng sâu sắc như thế. Thậm chí, sức hấp dẫn của vệ tinh liên lạc đã trở thành hiện thực còn kém thu hút hơn nữa. Giống như văn học chính thống đã để lại những khắc họa nhân vật với tính cách riêng biệt, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng phương Tây cũng để lại rất nhiều thế giới tưởng tượng: Ngoài tàu vũ trụ Rama của Clark, còn có đế chế thiên hà rộng lớn và thế giới người máy chuẩn xác được tạo thành từ ba định luật của Asimov, Đế quốc xứ cát của Herbert, rừng nhiệt đới nhà kính của Aldis, thế giới được tạo ra từ các quy luật vật lý của Clement, cho tới tháp Babylon mà tới giờ giới khoa học tự nhiên và lịch sử vẫn chưa giải thích nổi… Nhưng thế giới tưởng tượng này được xây dựng chính xác và sống động tới mức người đọc phải tự hỏi chúng có tồn tại ở một thời gian và không gian khác không.

Nhìn lại thế giới khoa học viễn tưởng của Trung Quốc, khuyết điểm lớn nhất chính là không có thế giới tưởng tượng như vậy. Khao khát của tác giả tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Trung Quốc không có nhiều mạnh mẽ khi sáng tạo thế giới riêng. Họ thỏa mãn bằng những câu chuyện họ viết ra trong thế giới được người khác tạo ra. Những thế giới ấy đều đã quen thuộc trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, những thứ còn lại chỉ có câu chuyện mà thôi.

Sáng tạo một thế giới tưởng tượng sống động đến từng chi tiết rất khó, đòi hỏi tư duy sâu sắc, cần có trí tưởng tượng mạnh mẽ và linh hoạt ở cả tầm vĩ mô và vi mô, cần có bản lĩnh của một người sáng tạo thế giới từ trong hư vô. Tiếc thay, hai vế sau chính là những gì mà văn hóa của chúng ta đang thiếu.

Nếu không thể sáng tạo một thế giới hoàn chỉnh thì tại sao không lùi bước để tìm ra những thứ dễ hơn, chẳng hạn như sáng tạo một thứ đã có sẵn trong đó? Đây chính là mục đích của tôi khi viết cuốn sách này.

Cho tới nay, sét hòn vẫn là một bí ẩn đối với khoa học nhưng nó đã có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm (dù bình quân 7000 lần thí nghiệm mới tạo ra được 1 quả). Ngày vén màn bí mật của nó có thể sắp tới, khi ấy, tôi chắc chắn là: Bạn sẽ phát hiện sét hòn hoàn toàn không phải thứ trong tiểu thuyết miêu tả. Làm rõ được sét hòn không phải câu chuyện của khoa học viễn tưởng, cũng không phải là thứ mà khoa học viễn tưởng có thể làm được. Những gì chúng ta làm được chỉ là mô tả lại tưởng tượng của mình, sáng tạo ra một hình ảnh khoa học viễn tưởng, không giống với văn học truyền thống. Hình ảnh này không phải là con người.

Sau khi tận mắt chứng kiến sét hòn, gần hai mươi năm trôi qua, tôi tưởng tượng rất nhiều, nó không phải thứ tôi cảm thấy chân thực nhất mà là thứ lãng mạn, thú vị nhất. Nó chỉ là tạo vật của tưởng tượng: Một không gian uốn cong tràn đầy năng lượng và một electron có kích thước bằng quả bóng đá. Thế giới trong tiểu thuyết là thế giới hiện thực màu xám, là bầu trời và đám mây màu xám quen thuộc với chúng ta, là núi non và biển cả màu xám, là người và cuộc sống màu xám. Nhưng trong thế giới hiện thực màu xám này, có một thứ nhỏ bé siêu thực trôi nổi không được ai chú ý tới, giống như một hạt bụi tràn ra từ cõi mộng, ngụ ý về sự bao la và bí ẩn của vũ trụ, ẩn ý tới việc vũ trụ này còn có thể tồn tại thế giới khác không giống với hiện thực mà chúng ta đang sống…

Giả thuyết Goldbach do nhà toán học người Đức Christian Goldbach nêu ra vào năm 1742 trong một lá thư gửi tới Leonhard Euler, là một trong những bài toán lâu đời và nổi tiếng chưa giải được trong lý thuyết số nói riêng và Toán học nói chung. ↩

Định lý cuối cùng của Fermat là một trong những định lý nổi tiếng trong lịch sử Toán học, đã làm khó không biết bao nhiêu bộ óc vĩ đại lừng danh trong gần bốn thế kỷ. Cuối cùng, định lý được Andrew Wiles chứng minh vào năm 1993 sau gần 8 năm ròng nghiên cứu, phát triển từ chứng minh các giả thiết có liên quan. Tuy nhiên, chứng minh này còn thiếu sót và đến năm 1995, Wiles mới hoàn tất và công bố chứng minh trọn vẹn sau 358 năm nỗ lực chứng minh của các nhà Toán học. ↩

Lão hà tiện là một vở hài kịch của Molière, kể về lão Harpagon giàu có, giấu một tráp tiền ở trong vườn. Với bản tính tham lam, hà tiện, lão nghi ngờ mọi thành viên trong gia đình vì sợ họ trộm mất cái tráp tiến của lão. Sự ngờ vực cùng tính keo kiệt của lão dẫn đến những xung khắc trong gia đình và mối quan hệ của lão và con cái ngày càng trở nên xa cách. ↩

Một hoạ sĩ Hậu ấn tượng người Hà Lan, được đánh giá là một trong những nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây. ↩

Một vùng hoang mạc lớn ở châu Á, trải rộng trên một phần khu vực Bắc – Tây Bắc Trung Quốc và Nam Mông Cổ. ↩

Một nhạc cụ làm bằng đất nung đỏ, có nhiều lỗ. ↩

Một loại chất nổ nổi tiếng dùng trong lĩnh vực quân sự. ↩

Trương Cư Chính (1525-1582), tự Thúc Đại, hiệu Thái Nhạc, được biết đến là một nhà chính trị gia, nhà cải cách hoạt động dưới thời nhà Minh. ↩

Maser là viết tắt của cụm Microwave Amplification by Stimulation Emission of Radiation, có nghĩa là “Khuếch đại sóng vi ba bằng phát xạ kích thích.”. ↩

Thủy động lực học, còn được gọi là động từ học chất lỏng, là môn học nghiên cứu các chất lưu dẫn điện chuyển động dưới tác động của điện trường hoặc từ trường. ↩

Từ hóa dư hoặc Từ dư, là từ hóa còn giữ lại trong một khối vật liệu sắt từ sau khi từ trường bên ngoài đã dỡ bỏ. Nó cũng là thước đo của sự từ hóa. Nói một cách đơn giản thì khi một nam châm được từ hóa thì nó có từ dư, tức là có từ trường riêng khi không còn trường ngoài. ↩

Phương trình Maxwell bao gồm bốn phương trình, đề ra bởi James Clerk Maxwell, dùng để mô tả trường điện từ cũng như những tương tác của chúng đối với vật chất. ↩

Suddhi là trạng thái nội tâm vô dục vô cầu, định tâm được truyền dạy trong Phật Giáo. ↩

Đại Miếu nằm ở chân núi phía nam Thái Sơn, thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, còn được gọi là Đông Nhạc Miếu. Đây là nơi các vị Hoàng đế trong lịch sử tổ chức Phong Thần Đại điển và tế bái thần Thái Sơn. ↩

Cách gọi Nikita Sergeyevich Khrushchyov của người Trung Quốc theo pinyin. Khrushchyov là nhà lãnh đạo của Liên bang Xô viết trong cuộc Chiến tranh Lạnh, đồng thời là Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1953 đến 1964, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô từ năm 1958 tới 1964. ↩

Cơn giông khô là một cơn giông tạo ra sấm sét (sét khô), nhưng hầu hết hoặc toàn bộ lượng mưa của nó bay hơi trước khi chạm đất. ↩

Rotor, phần chuyển động, phần động, phần quay của máy như trong động cơ điện hay máy phát điện, là phần ngược lại của stator. ↩

TV (ti-vi) CRT về bản chất là một hệ thống đèn điện tử chân không. Trong đó, nó sử dụng một (ti-vi đen trắng) hoặc ba (ti-vi màu) súng điện tử (bắn tia âm cực) và một màn phosphor. Đây được xem là công nghệ màn hình ti-vi lâu đời nhất. ↩

Lồng Faraday là một dạng buồng cách ly điện tử, phòng chắn từ. ↩

Sol khí hay son khí, sôn khí, aerosol - là hệ keo của các hạt chất rắn hoặc các giọt chất lỏng, trong không khí hoặc chất khí khác. Aerosol có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc từ con người. ↩

Trương Gia Khẩu nằm ở phía tây bắc của tỉnh Hà Bắc, phía đông nam giáp Bắc Kinh. ↩

Inuit là tên gọi một nhóm người bản địa sống ở vùng Bắc cực của Canada, Đan Mạch, Nga và Mỹ. ↩

Nikolai Andreyevich Rimsky-Korsakov là một nhà soạn nhạc người Nga, ông là một trong năm thành viên của nhóm các nhà soạn nhạc Nga danh tiếng đương thời Могучая кучка (Ngũ đại thụ). Tổ khúc giao hưởng Sheherazade (thuật lại những câu chuyện trong Nghìn lẻ một đêm) là một trong số sáng tác nổi bật kinh điển của ông. ↩

Screensaver là một chương trình máy tính làm trống màn hình hiển thị hoặc lấp đầy màn hình bằng các hình ảnh hoặc mẫu chuyển động, khi máy tính không hoạt động trong một thời gian được chỉ định. ↩

HDDT là viết tắt của High Density Digital Tape (băng từ số hóa mật độ cao). ↩

Su-30 là máy bay chiến đấu đa năng được phát triển bởi Công ty hàng không Sukhoi của Nga, được đưa vào hoạt động năm 1996. Nó là loại máy bay chiến đấu đa chức năng tốc độ siêu âm có thể đảm nhiệm cả nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và nhiệm vụ cường kích. ↩

Moonshine là loại rượu có độ cồn cao được sản xuất bất hợp pháp. Cái tên này bắt nguồn từ truyền thống làm rượu vào ban đêm, để tránh bị phát hiện. ↩

Yuri Alekseyevich Gagarin là một phi công và phi hành gia người Liên Xô. Ông được ghi nhận là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại thực hiện chuyến bay vào vũ trụ, ngày 12 tháng 4 năm 1961 trên tàu vũ trụ Phương Đông 1. ↩

Quảng trường Đỏ hay Hồng trường là tên gọi của quảng trường nổi tiếng nhất tại thủ đô Moskva. ↩

Lev Davidovich Trotsky là nhà lý luận cách mạng Bolshevik và Marxist. Ông là một trong những lãnh đạo của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, chỉ sau Lenin. ↩

Thuyền trưởng Robert Falcon Scott (6/6/1868 - 29/3/1912) là một sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh và nhà thám hiểm, người đã chỉ huy hai cuộc thám hiểm đến vùng Nam Cực. Trong lần thám hiểm thứ hai, Scott đã dẫn đầu một nhóm năm người đến Nam Cực vào ngày 17 tháng 1 năm 1912, nhưng phát hiện trước họ đã có một đoàn thám hiểm người Na Uy do Roald Amundsen đến rồi. Trên hành trình trở về, Scott và bốn người đi cùng ông đã thiệt mạng do kiệt sức và đói rét. ↩

War and peace là tiểu thuyết kinh điển của Lev Nikolayevich Tolstoy. ↩

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba là cuộc đối đầu giữa Liên Xô – Cuba và Mỹ vào tháng 10 năm 1962 trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Mọi việc bắt đầu khi Mỹ triển khai 15 tên lửa tầm trung PGM-19 Jupiter tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là những tên lửa có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, dễ dàng tấn công Moskva và hầu hết các trung tâm công nghiệp và hành chính của Liên Xô. Trước tình thế này, Liên Xô – Cuba đã hình thành liên minh, bí mật xây dựng các căn cứ triển khai tên lửa đạn đạo hạt nhân có khả năng đánh trúng đa số các mục tiêu trên lục địa Hoa Kỳ tại Cuba. Cuộc khủng hoảng này được xem là thời khắc mà Chiến tranh lạnh gần nhất để tiến tới cuộc xung đột vũ khí hạt nhân. ↩

Trofim Denisovich Lysenko là một nhà sinh học và nông học Liên Xô gốc Ukraine. Lysenko phản đối thuyết di truyền Mendel để ủng hộ thuyết lai hóa của nhà trồng trọt người Nga Ivan Vladimirovich Michurin, và chuyển chúng thành giả khoa học tạo dựng khái niệm thuyết Lysenko. ↩

Chương trình phòng thủ “Chiến tranh giữa các vì sao” là hệ thống phòng thủ tên lửa với nhiệm vụ bảo vệ nước Mỹ khỏi cuộc tấn công của vũ khí chiến lược mang đầu đạn hạt. Chương trình phòng thủ này đã được tổng thống Ronald Reagan tuyên bố vào ngày 23 tháng 3 năm 1983, và ông cũng kêu gọi các nhà khoa học phát triển một hệ thống mà có thể khiến vũ khí hạt nhân trở nên lỗi thời. ↩

Xà Khẩu: thuộc Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. ↩

Thang độ Fujita hay Thang độ Fujita-Pearson (ký hiệu là F) dùng để đo sức gió và khu vực ảnh hưởng của lốc xoáy được lập bởi nhà khí tượng học Fujita Tetsuya của Đại học Chicago năm 1971 và được cải tiến năm 1973 bởi Allen Pearson, giám đốc của Trung tâm Dự báo Bão lớn Quốc gia (nay là Trung tâm Dự báo Bão). Các cấp độ bao gồm từ F0 đến F5, F2 là cấp độ có thể phá nát các toa xe picnic, giật tàu lửa khỏi đường ray. ↩

Nitroglycerin (NG) là một chất lỏng đặc, không màu, như dầu, gây nổ. Năm 1847, nitroglycerin đã được sử dụng từ khi còn là một hoạt chất trong sản xuất thuốc nổ, chủ yếu là thuốc nổ và do đó nó được sử dụng trong các ngành công nghiệp xây dựng, phá hủy và khai thác mỏ. ↩

Xe Hongqi được mệnh danh là “Rolls-Royce” của Trung Quốc, là một thương hiệu xe sang quốc dân của đất nước này. ↩

Quân hàm có ba ngôi sao là cấp bậc Đại tướng. ↩

PLA Military Institute of Engineering, nằm ở Cáp Nhĩ Tân, thường được gọi là Học viện Công trình Quân sự Cáp Nhĩ Tân. ↩

Định luật Ohm là một định luật Vật lý về sự phụ thuộc vào cường độ dòng điện của hiệu điện thế và điện trở. ↩

Trong lập trình máy tính, hợp ngữ thường được viết tắt là asm, là bất kỳ ngôn ngữ lập trình cấp thấp nào có sự tương ứng rất mạnh giữa các tập lệnh trong ngôn ngữ và tập lệnh mã máy của kiến trúc. Hợp ngữ từng được dùng rộng rãi trong tất cả các khía cạnh lập trình, nhưng ngày nay có xu hướng chỉ được dùng trong một số lĩnh vực hẹp, chủ yếu để giao tiếp trực tiếp với phần cứng hoặc xử lý các vấn đề liên quan đến tốc độ cao, điển hình như các trình điều khiển thiết bị, các hệ thống nhúng cấp thấp và các ứng dụng thời gian thực. ↩

Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài là công trình vườn hoa cổ của hoàng gia, nay là khu phức hợp khách sạn và nhà nghỉ mang giá trị lịch sử ở Bắc Kinh, Trung Quốc. “Điếu ngư đài” có nghĩa là “đài câu cá” sở dĩ có cái tên này là bởi nơi đây từng là địa điểm câu cá ưa thích của hoàng đế Kim Chương Tông. ↩

Lưới chống sét dạng lồng: hay còn gọi là lưới Faraday. Giải pháp này tạo ra một hệ thống bảo vệ được hình thành từ một mạng lưới kim loại dày bao quanh khu vực cần bảo vệ. ↩

Máy bay có cánh cố định là một loại máy bay có khả năng bay bằng cách sử dụng cánh tạo ra lực nâng được tạo ra bởi sự chuyển dịch về phía trước nhờ động cơ đẩy và hình dạng của cánh máy bay. ↩

Tên lửa Stinger có tên đầy đủ là FIM-92 Stinger - hệ thống tên lửa vác vai sử dụng đạn tên lửa đất đối không dẫn đường hồng ngoại do Tập đoàn General Dynamics (Mỹ) thiết kế năm 1967, được Raytheon Missile Systems sản xuất từ năm 1978 tới nay. ↩

Hover là trạng thái bay của máy bay được duy trì ở một độ cao nhất định và không thay đổi tốc độ trong một thời gian. ↩

Momen xoắn là lực xoắn có thể gây ra các chuyển động quay cho một động cơ, hoặc một lực có thể khiến một vật thể xoay quanh một trục. ↩

Bóng thám không, còn được gọi là Bóng bay dự báo thời tiết, là một loại bóng bay được dùng để mang theo các dụng cụ đo thời tiết như đo áp suất khí quyển, nhiệt độ, độ ẩm và tốc độ gió. ↩

Bệnh viện Đa khoa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung ương Trung Quốc, là bệnh viện quân đội trực thuộc Lực lượng Hỗ trợ Hậu cần của Quân ủy Trung ương và cũng là bệnh viện đa khoa lớn nhất dưới sự bảo trợ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. ↩

Huân chương Bát Nhất là một phần thưởng quân sự của Trung Quốc được trao cho các anh hùng Giải phóng Trung Quốc trong Nội chiến Trung Quốc lần thứ nhất, và được chia làm ba hạng: Huy chương hạng Nhất, Huy chương hạng Nhì và Huy chương hạng Ba. ↩

Cửa sổ mắt bò là cửa sổ hình tròn thường được sử dụng trên thân tàu để tiếp nhận ánh sáng và không khí. ↩

Bộ phim phát hành năm 1965, tên tiếng Anh là “Thunderball”. ↩

Trong tiếng Trung, tên gọi trước kia của “lôi cầu” là “cầu trạng thiểm điện” (sét hình cầu). ↩

Sonar là một kỹ thuật sử dụng sự lan truyền âm thanh để tìm đường di chuyển, liên lạc hoặc phát hiện các đối tượng khác ở trên mặt, trong lòng nước hoặc dưới đáy nước, như các loài cá, tàu bè, vật thể trôi nổi hoặc chìm trong bùn cát đáy, v.v. ↩

Quark là một loại hạt cơ bản sơ cấp và là một thành phần cơ bản của vật chất. Các quark kết hợp với nhau tạo nên các hạt tổ hợp còn gọi là các hadron, với những hạt ổn định nhất là proton và neutron – những hạt thành phần của hạt nhân nguyên tử. ↩

Có tên tiếng Anh là Large Hadron Collider. Đây là máy gia tốc hạt hiện đại lớn nhất và cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới, được thiết kế để tạo va chạm trực diện giữa các tia proton với động năng cực lớn. Mục đích chính của nó là phá vỡ những giới hạn và mặc định của mô hình chuẩn - những lý thuyết cơ bản hiện thời của vật lý hạt. ↩

Trụ sở của Trung tâm Năng lượng Nguyên tử châu Âu. ↩

Xe tăng Leclerc được chế tạo bởi GIAT Industries, hiện nay là Nexter, Pháp. AMX-56 được đặt tên theo tướng quân Philippe Leclerc de Hauteclocque, ông từng chỉ huy và dẫn đầu Sư đoàn tăng thiết giáp số 2 của Lực lượng giải phóng Pháp tiến về Paris trong những trận đánh cuối cùng giải phóng Pháp bị Phát xít Đức chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. ↩

Tập đoàn quân là thuật ngữ chỉ một đại đơn vị cấp chiến dịch - chiến lược trong tổ chức quân đội chính quy tại một số nước có quân đội rất lớn như Liên Xô, Đức Quốc xã, Anh, Mỹ…, hợp thành từ các quân đoàn hoặc các nhóm sư đoàn hỗn hợp, được sử dụng chủ yếu trong hai cuộc thế chiến. ↩

Phản vật chất là khái niệm trong Vật lý, đây là khái niệm chung chỉ các phản hạt cơ bản như phản electron, phản neutron,… Theo lý thuyết, nếu phản vật chất gặp vật chất thông thường thì cả hai sẽ triệt tiêu nhau. ↩

Khái niệm “vũ trụ song song” được thai nghén bởi nhà Vật lý học người Mỹ Hugh Everett. Ông đã sử dụng lý thuyết đa vũ trụ (Many-worlds theory) của mình để giải thích sự hiện hữu của nhân loại, dựa trên nguyên lý chồng chập (Superposition) của các hạt (electron, neutron, photon, quark…) trong vật lý lượng tử, khi mà cùng một lúc các hạt này có thể tồn tại ở nhiều trạng thái và vị trí khác nhau trong không gian. Hugh đã đưa ra lý thuyết này vào năm 1954. ↩

Tokamak là một thiết bị sử dụng từ trường cực mạnh để giữ plasma nóng trong một vật hình xuyến. Tính đến năm 2016, đây vẫn là thiết bị mang tính thực tế nhất trong tham vọng chế tạo một lò phản ứng nhiệt hạch. ↩

Mật độ phổ công suất PSD (Power Spectral Density) là hàm nêu lên mối liên quan giữa công suất chuẩn hóa của tín hiệu và mô tả tín hiệu trong miền tần số. ↩

Ion hóa là quá trình chuyển đổi, cả hóa học và vật lý, qua đó các ion được tạo ra. ↩

Niels Henrik David (1885-1962) là nhà Vật lý học người Đan Mạch với những đóng góp nền tảng về lý thuyết cấu trúc nguyên tử và cơ học lượng tử sơ khai, nhờ đó mà ông nhận giải Nobel Vật lý năm 1922. Bohr còn là nhà triết học và tích cực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học. ↩

Louis-Victor-Pierre-Raymond (1892-1987) là một nhà Vật lý người Pháp có những đóng góp đột phá trong lĩnh vực cơ học lượng tử. Trong luận án tiến sĩ năm 1924 của mình, ông đưa ra nhận định về bản chất sóng của electron và cho rằng mọi vật chất đều có tính chất sóng. ↩

Werner Karl Heisenberg (1901-1976) là một nhà Vật lý nổi danh của thế kỷ XX. Ông là một trong những người sáng lập ra thuyết cơ học lượng tử và đoạt giải Nobel Vật lý năm 1932. ↩

Paul Adrien Maurice Dirac (1902-1984) là một nhà Vật lý lý thuyết người Anh. Ông từng giữ chức Giáo sư Lucas về Toán học tại Đại học Cambridge. Một trong những khám phá quan trọng của ông là phương trình Dirac. Phương trình này miêu tả dáng điệu của các fermion, từ đó dẫn đến tiên đoán về sự tồn tại của phản vật chất. Ông cùng Erwin Schrödinger đã được nhận giải Nobel Vật lý năm 1933. ↩

Chòm sao Tiên Nữ là chòm sao được đặt tên theo tên của công chúa Andromeda, một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp. Chòm sao này nằm ở bầu trời phía bắc gần chòm sao Phi Mã, mang hình chữ “A” dài và mờ. Thiên hà Tiên Nữ nổi tiếng nằm trong chòm sao này. Đây là thiên thể xa nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường. ↩

Tên lửa đất đối không (SAM) là một loại đạn tự hành được thiết kế có thể phóng lên từ mặt đất để tiêu diệt các loại máy bay, hay bất cứ vật thể bay nào. Nó là một kiểu của hệ thống chống phi cơ. ↩

Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (European Organization for Nuclear Research, gọi tắt là CERN) là tổ chức lãnh đạo thế giới trong việc nghiên cứu các vấn đề cơ bản của vũ trụ. Tổ chức được thành lập vào năm 1954 và có trụ sở tại Thụy Sĩ, công nghệ tại Cer cho phép các nhà khoa học và nhà nghiên cứu ở đó nghiên cứu những thứ tạo nên vũ trụ. ↩

Neutrino là một fermion chỉ tương tác với các hạt sơ cấp khác thông qua tương tác hạt nhân yếu và tương tác hấp dẫn. Khối lượng của neutrino nhỏ hơn rất nhiều so với khối lượng của các hạt cơ bản khác từng được biết đến. Neutrino không mang điện tích và khối lượng gần như bằng không. ↩

Urani được làm giàu là một loại urani mà theo đó tỉ lệ hợp phần urani 235 được tăng lên qua quá trình tách đồng vị. Urani được làm giàu là một thành phần quan trọng trong phát điện hạt nhân dân dụng và trong các vũ khí hạt nhân. ↩

Serenade (hay Serenata) là một thể loại âm nhạc nhẹ nhàng, thường do nhạc cụ tấu lên vào buổi chiều như một cách vinh danh gửi lời ưu ái đến một người. Vì nhạc khúc này chủ ý là tấu vào buổi chiều, tối nên tiếng Việt dịch là dạ khúc hay mộ khúc. ↩

Sóng hạ âm là sóng âm có tần số thấp hơn 16Hz, ngưỡng nghe thấy bình thường của người. ↩

Con mèo của Schrödinger là một thí nghiệm tưởng tượng, đôi khi được gọi là nghịch lý do nhà Vật lý học người Ireland gốc Áo Erwin Schrödinger nghĩ ra vào năm 1935 khi tranh luận với Albert Einstein về cách hiểu Copenhagen trong cơ học lượng tử. Thí nghiệm đưa ra giả thuyết về một con mèo có thể vừa sống vừa chết, theo cách hiểu của Vật lý là trạng thái chồng chất lượng tử. Hiện tượng này xảy ra khi đối tượng thí nghiệm được liên kết với sự kiện hạt hạ nguyên tử ngẫu nhiên có thể xảy ra hoặc không. Thí nghiệm như sau: Đem một con mèo nhốt vào trong hộp, cùng với các thiết bị sau (mà con mèo không thể tác động vào): một ống đếm Geiger và một mẩu vật chất phóng xạ nhỏ đến mức trong vòng một tiếng đồng hồ chỉ có 50% xác suất nó phát ra một tia phóng xạ. Nếu có tia phóng xạ phát ra, ống đếm Geiger sẽ nhận tín hiệu và thả rơi một cây búa đập vỡ lọ thuốc độc hydrocyanid acid nằm trong hộp và con mèo sẽ chết. Nếu trong vòng một tiếng vẫn không có tia phóng xạ nào phát ra, con mèo vẫn sẽ sống. Hàm sóng của hệ thống sẽ là sự chồng chập của cả trạng thái con mèo sống và con mèo chết và cả hai trạng thái chồng chập có biên độ như nhau. Trong những trường hợp như thế này, sự vô định của thế giới vi mô đã chuyển sang thế giới vĩ mô, và có thể được giải quyết bằng quan sát trực tiếp. Nó giúp chúng ta tránh phải chấp nhận một cách ngây thơ một “mô hình bị làm nhòe” khi mô tả thực tại. Bản thân các tình huống như thế này không có gì thiếu rõ ràng. Có sự khác biệt giữa một bức ảnh chụp nhòe của vật thể nào đó và một bức chụp rõ nét của đám mây hay sương mù. ↩

Hãng rượu Hồng Tinh được thành lập vào năm 1949, là một trong những dự án được chỉ định xây dựng như một món quà chào mừng Trung Quốc mới, phục vụ người dân Trung Quốc có mức thu nhập thấp có thể uống rượu xái nguyên chất, vì thế được nhà nước Trung Hoa quy định giá rượu không được quá cao. Vị ngọt, êm dịu, giá thành rẻ nên đây là thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng, được mệnh danh là “Rượu ngon dành cho đại chúng”. ↩

Thuyết hỗn loạn (Chaos theory) nghiên cứu hành vi của các hệ thống động lực (dynamical system) nhạy cảm với điều kiện ban đầu, chúng là những hệ thống phi tuyến tính (non-linear) hoặc có số chiều không gian không giới hạn. Những hệ thống này được đặc trưng bởi tính chất “hỗn loạn” và sự nhạy cảm của các hệ thống đó thường được nhắc đến như là hiệu ứng cánh bướm (butterfly effect) - một hiện tượng được tìm ra bởi Edward Lorenz. Với đặc tính này, những biến đổi quan sát được của các hệ thống vật lý có biểu hiện hỗn loạn trông có vẻ ngẫu nhiên, dù mô hình mô tả của hệ thống là “xác định” theo nghĩa là được định nghĩa chính xác và không chứa những tham số ngẫu nhiên. Những biến đổi này có thể được dự đoán trước bằng những phương trình tất định đơn giản (simple deterministic equation). ↩

Bom Napalm là tên gọi của các loại chất lỏng dễ bắt cháy được sử dụng trong chiến tranh, thường là xăng được làm đông đặc. Thực ra, napalm là chất làm đặc trong các loại chất lỏng này, loại chất mà khi trộn với xăng sẽ thu được một dạng keo cháy. ↩

Quỹ đạo Trái đất tầm thấp (Low Earth orbit - LEO) là quỹ đạo gần Trái đất. Quỹ đạo này có đặc trưng chu kỳ quỹ đạo nhỏ hơn 128 phút (vệ tinh hoàn thành ít nhất 11,25 vòng quay quanh Trái đất mỗi ngày). Phần lớn các vệ tinh nhân tạo ngoài không gian thuộc quỹ đạo LEO, với độ cao quỹ đạo không bao giờ vượt quá một phần ba bán kính Trái đất. ↩

Mắt người chúng ta chỉ nhìn thấy được dải ánh sáng có bước sóng trong khoảng 400 đến 750nm. Nằm ngoài dải sáng này là tia hồng ngoại và tia cực tím, mắt thường không thể nhìn thấy được. Trong đó, ánh sáng hồng ngoại có bước sóng từ 750 đến 1000nm (lớn hơn bước sóng mắt người nhìn thấy). Sử dụng thiết bị đọc được loại ánh sáng này, bạn sẽ chụp được những bức ảnh hồng ngoại đặc biệt. Như vậy, nhiếp ảnh hồng ngoại chính là việc thu nhận bước sóng hồng ngoại nằm ngoài phạm vi mắt người nhìn thấy và tạo ra những hình ảnh có màu sắc khác thường. ↩

Trận Jütland là trận hải chiến lớn nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất diễn ra giữa Hạm đội công hải của đế chế Đức và Đại hạm đội của Anh từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6 năm 1916 tại biển Bắc, ngoài khơi Jütland thuộc eo biển Skagerrak giữa Đan Mạch và Na Uy. 1 ↩

Hải chiến Tsushima hay Hải chiến Đối Mã, là một trận chiến trên biển trong Chiến tranh Nga-Nhật giữa hạm đội của hai đế quốc Nga và Nhật trên eo biển Tsushima vào ngày 27-28 tháng 5 năm 1905. Hải chiến kết thúc với quân Nhật toàn thắng và sử gia đương thời cho rằng Hải quân Nhật Bản đã làm nên lịch sử trong trận thủy chiến lớn nhất từ xưa đến nay. ↩

Hệ thống chiến đấu Aegis do Hải quân Mỹ triển khai, được mệnh danh là hệ thống chiến đấu tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, là “trái tim” của hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Mỹ đang xây dựng. Aegis là sự kết hợp các thiết bị phức tạp khác nhau nhằm tạo ra hệ thống chiến đấu toàn diện. ↩

Đây là một lớp tàu chiến của Hải quân Mỹ, lần đầu được đặt hàng và sử dụng vào năm 1978. Tàu tuần dương lớp Ticonderoga được trang bị ra-đa mảng pha bị động và ban đầu được thiết kế là một lớp tàu khu trục. Tuy nhiên, nhờ khả năng chiến đấu được tăng lên nhờ Hệ thống chiến đấu Aegis và hệ thống ra-đa AN/SPY-1, cùng với khả năng hoạt động như một soái hạm, nên nó đã được thay đổi phân loại từ DDG (tàu khu trục tên lửa dẫn đường) thành CG (tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường). ↩

Chiến dịch Overlord là tên gọi khác của Trận Normandie, một chiến dịch đổ bộ quân sự lớn của quân Đồng minh vào Miền Bắc nước Pháp trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. ↩

Chỉ những binh lính bị bắt có mặc quân phục của bản quốc thì mới được hưởng các quyền lợi của tù nhân chiến tranh theo Công ước Geneva. ↩

Căn cứ chiến lược trên biển là một con tàu khổng lồ trong tưởng tượng, có hình dạng của một bệ nửa chìm nửa nổi, có vũ khi chính là tên lửa tầm xa, có thể thay thế cho tàu sân bay. ↩

Bom chìm (depth charge) là một loại vũ khí dùng để chống tàu ngầm. Loại vũ khí này phá hủy mục tiêu bằng sóng chấn động khi nổ. Hầu hết các loại bom kiểu này sử dụng thuốc nổ và bộ phận kích nổ để có thể phát nổ ở độ sâu đã được cài đặt trước qua một núm xoay trên thân của quả bom. ↩

Kính tiềm vọng là một công cụ để quan sát, xung quanh hoặc thông qua một vật thể, chướng ngại vật hoặc điều kiện ngăn cản sự quan sát trực tiếp từ vị trí hiện tại của người quan sát. Ở dạng đơn giản nhất, nó bao gồm một vỏ ngoài với các gương ở mỗi đầu đặt song song với nhau ở góc 45°. Hình thức kính tiềm vọng này, với việc bổ sung hai thấu kính đơn giản, phục vụ cho mục đích quan sát trong các chiến hào trong Thế chiến thứ nhất. Quân nhân cũng sử dụng kính tiềm vọng trong một số tháp súng và trong xe bọc thép. ↩

Loại phao dùng để phát hiện tàu ngầm. ↩

Tên đầy đủ là USS John C. Stennis (CVN-74), là chiếc hàng không mẫu hạm thứ 7 trong lớp Nimitz chạy bằng năng lượng nguyên tử của Hải quân Mỹ, đặt tên theo Thượng nghị sĩ John C. Stennis của tiểu bang Mississippi. Tàu được đưa vào hoạt động vào tháng 12 năm 1995. ↩

Một nhà thơ Mỹ, sinh ra ở California, lớn lên ở Massachusetts, được mệnh danh là “nhà thơ điền viên của New England”. Tác phẩm của ông chất phác, không bóng bẩy nhưng vô cùng tinh tế, hàm súc. ↩

Điểm kỳ dị không-thời gian (gravitational singularity hay spacetime singularity) là một điểm của không gian mà tại đó, mật độ vật chất cũng như độ cong của không-thời gian là vô cùng. Có nhiều loại kỳ dị: kỳ dị lỗ đen, kỳ dị trần trụi, kỳ dị Vụ nổ lớn… Ở điểm kỳ dị này, các định luật khoa học và khả năng tiên đoán tương lai đều không dùng được nữa. ↩

Phản ứng tổng hợp hạt nhân. ↩

Bộ đếm Geiger là phát minh của hai nhà Vật lý người Đức Hans Geiger và Walther Müller. Đây là một thiết bị rất hữu ích, bởi nó giúp các nhà khoa học phát hiện ra tia gamma, hạt alpha, hạt beta và các dạng khác của bức xạ ion hóa. Bộ đếm này được dùng để phát hiện ra các nguyên tố phóng xạ như urani, thori. Nó cũng được dùng trong các công việc có liên quan đến đồng vị phóng xạ. ↩

Còn gọi là bom H, vũ khí nhiệt hạch, vì nó sử dụng phản ứng nhiệt hạch hydro. Đây là một loại vũ khí hạt nhân sử dụng năng lượng từ phản ứng phân hạch hạt nhân chính để nén và kích động một phản ứng tổng hợp hạt nhân thứ cấp. Kết quả là loại bom này tăng đáng kể sức nổ, đạt mức gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần khi so sánh với các loại vũ khí phân hạch một tầng (bom nguyên tử thông thường). ↩

Chồng chập lượng tử có thể được phát biểu là “nếu một hệ lượng tử có thể được phát hiện ở một trong hai trạng thái, A và B với các tính chất khác nhau, nó cũng có thể được phát hiện ở trạng thái tổ hợp của chúng, aA + bB, ở đó a và b là các số bất kỳ. ↩

Đây là một trang web có thật. Các niên giám này có từ năm 1898, cung cấp dịch vụ tham khảo cho quân đội, chính phủ và các ngành công nghiệp hỗ trợ trên thế giới. ↩

DuPont de Nemours, Inc., thường được gọi là DuPont, là một công ty Mỹ được thành lập bởi sự sáp nhập của Dow Chemical và DuPont vào ngày 31 tháng 8 năm 2017, và tiếp theo sau đó là tách ra của các công ty Dow Inc, và Corteva. Trước khi tách ra, đây là công ty hóa chất lớn nhất thế giới về doanh số. Trong vòng 18 tháng kể từ khi sáp nhập, công ty đã được chia thành ba công ty đại chúng với trọng tâm là: nông nghiệp, khoa học vật liệu và các sản phẩm đặc biệt. ↩

Đây là thông tin thực, được kể lại theo những di tích và lời kể người chứng kiến (Theo Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). ↩

Huân chương Cờ đỏ là huân chương đầu tiên của Hồng quân. Huân chương được đặt ra vào ngày 16 tháng 9 năm 1918, trong Nội chiến Nga bởi Ủy ban Trung ương toàn Nga. Nó là huân chương cao nhất trước khi Huân chương Lenin được thiết lập năm 1930. Huân chương Cờ đỏ là một giải thưởng cho sự cống hiến và lòng can đảm trong bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. ↩

2001: A Space Odyssey là một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của nhà văn Anh Arthur C. Clarke xuất bản năm 1968. Tác phẩm được phát triển đồng thời với phiên bản điện ảnh của Stanley Kubrick và được xuất bản sau khi bộ phim được phát hành. Clarke và Kubrick đã cùng nhau thực hiện cuốn sách, nhưng cuối cùng chỉ có Clarke trở thành tác giả chính thức. Câu chuyện một phần dựa trên nhiều truyện ngắn khác nhau của Clarke. ↩

Đây là một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của nhà văn người Anh Arthur C. Clarke được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1973. Lấy bối cảnh những năm 2130, câu chuyện liên quan đến một phi thuyền ngoài hành tinh hình trụ dài 50 x 20km (31 x 12mi) đi vào Hệ Mặt trời. Câu chuyện được kể dưới góc nhìn của một nhóm nhà thám hiểm chặn con tàu trong nỗ lực mở khóa những bí ẩn của nó. Cuốn tiểu thuyết đã giành được cả hai giải thưởng Hugo và Nebula ngay khi phát hành. ↩

Thang máy vũ trụ là một dạng phương tiện đề xuất thay thế tên lửa và tàu con thoi để đưa con người vào vũ trụ mà theo các nhà khoa học thì trong khoảng 50 năm nữa nó sẽ rất phổ biến. ↩

Hôm nay là sinh nhật của tôi, vậy mà cho tới lúc bố mẹ thắp sáng những ngọn nến cắm trên bánh sinh nhật, ba người ngồi xung quanh mười bốn ngọn nến, tôi mới nhớ ra ngày này.

Đó là một đêm giông tố. Cả vũ trụ như chỉ còn lại những tia sét dày đặc và căn nhà nhỏ của tôi. Lúc ánh chớp màu xanh lam lóe lên, trong chốc lát, tôi thấy rõ từng hạt mưa ngoài cửa sổ, chúng dường như ngưng kết lại, hệt như những sợi dây pha lê óng ánh treo dày đặc trong không gian. Lúc này, trong đầu tôi chợt lóe lên một suy nghĩ:Nếu có một thế giới như vậy thì quả thật thú vị, mỗi ngày ra ngoài đều được bước đi trong bức màn sợi pha lê, chúng rủ xuống và phát ra những âm thanh ding dong, chỉ có điều thế giới tinh xảo, đặc sắc như vậy thì sao có thể chịu nổi sấm sét dữ dội cơ chứ… Thế giới trong mắt tôi luôn khác biệt với người khác, tôi luôn cố gắng thay đổi nó. Dù đã lớn đến nhường này nhưng đây là nhận biết duy nhất về bản thân mà tôi có.

Mưa như trút từ lúc trời còn sẩm tối, từ đó trở đi, sét và sấm xuất hiện rền rĩ và liên tục. Ban đầu, khi mỗi tia sét vụt qua, tôi vừa mường tượng lại thế giới pha lê ban nãy biến mất trong chớp mắt bên ngoài ô cửa sổ, vừa căng đầu chờ đợi một tiếng sấm, nhưng lúc này, những tia sét xuất hiện ngày càng mau và tụ lại, tôi không thể phân biệt nổi tiếng sấm nào thuộc về tia sét nào nữa.

Trong đêm mưa rền gió dữ như thế này, phải gan dạ lắm người ta mới bước chân ra khỏi nhà. Thử tưởng tượng mà xem, với thế giới nguy hiểm ngoài kia, chỉ có sự ấm áp của gia đình mới làm ta ngây ngất. Lúc này, bạn có thể sẽ đồng cảm với những sinh linh không nhà, đang run rẩy dưới làn mưa xối xả và sấm sét của tự nhiên. Bạn muốn mở toang cửa sổ để đón chúng vào, nhưng bạn lại không dám làm vậy, thế giới ngoài kia đáng sợ quá, bạn không dám để không khí lạnh lẽo bên ngoài tràn vào nhà, dù chỉ một chút, phá tan không gian ấm áp.

“Đời người à, cái đời này…” Bố tôi nốc một hơi cạn sạch chén rượu to, nhìn chăm chăm vào ngọn lửa trong lò sưởi và nói, “Ai mà ngờ được sự thay đổi, tất cả đều là xác suất và cơ hội ngẫu nhiên, giống như nhành cây nhỏ lênh đênh trên dòng suối, có thể bị kẹt lại ở một hòn đá, hoặc bị xoáy nước cuốn lấy…”

“Con nó còn bé, làm sao mà hiểu được mấy chuyện đó,” mẹ tôi nhắc nhở.

“Nó không còn nhỏ nữa!” Bố tôi gắt. “Đã đến lúc nó nên biết cuộc đời là như thế nào rồi!”

“Anh cứ làm như mình biết rõ ấy nhỉ?” Mẹ tôi cười chế giễu.

“Tôi biết, đương nhiên là tôi biết!” Bố tôi làm một hơi hết nửa chén rượu vừa mới rót, sau đó quay qua tôi, “Thực ra, con à, sống một đời tuyệt vời không khó đâu, nghe kỹ những gì bố nói đây này: Con cần chọn một điều được cả thế giới công nhận, tốt nhất là một nan đề Toán học, chỉ cần một trang giấy và một chiếc bút chì là có thể giải quyết, ví dụ như là giả thuyết Goldbach* hay định lý cuối cùng của Fermat* gì đó, hoặc thậm chí là những vấn đề Triết học Tự nhiên không cần tới cả giấy bút, kiểu như bản nguyên của vũ trụ, hãy đầu tư hết công sức vào mà làm. Chỉ cày bừa thôi, đừng nghĩ tới thu hoạch. Trong lúc con bất tri bất giác chuyên tâm làm việc thì một đời đã xong rồi. Sự ký thác mà người ta thường nói cũng chính là như thế. Hoặc ngược lại, coi việc kiếm tiền là mục tiêu duy nhất, dành toàn bộ thời gian để nghĩ xem kiếm bằng cách nào, đừng đặt câu hỏi như kiếm tiền để làm gì, kẻo tới lúc chết sẽ giống như lão hà tiện trong tác phẩm của Molière*, ôm một đống tiền sung sướng: Ôi, thật ấm áp quá… Cho nên, điều cốt yếu của một cuộc đời tươi đẹp chính là thứ mà con mê đắm. Ví dụ như bố này.” Ông chỉ vào những bức tranh khổ nhỏ được vẽ bằng màu nước, bày khắp nơi trong nhà. Kỹ năng chẳng có gì đặc biệt, phải nói là tầm thường mới đúng, những nét vẽ có chuẩn mực nhất định nhưng ngắm mãi cũng không ngộ ra được điều gì đặc sắc. Những tấm kính đóng khung bên ngoài phản chiếu những ánh chớp ngoài cửa sổ, lập lòe. “Bố ám ảnh với hội họa, dù biết mình không đời nào có thể trở thành Van Gogh*.”

Mẹ tôi ngẫm nghĩ, đoạn lên tiếng: “Bố con nói đúng đấy, những người theo chủ nghĩa lý tưởng và những người bỡn cợt với đời thường thấy đối phương thật tội nghiệp, nhưng họ không biết rằng những người đó thực ra rất hạnh phúc.”

Lúc này, cả bố và mẹ tôi vốn cả ngày bận rộn bỗng trở thành triết gia, giống như họ mới là người đón sinh nhật vậy.

“Mẹ, đừng cử động!” Tôi thốt lên, sau đó nhổ một sợi tóc từ mái tóc dày và đen nhánh của mẹ, sợi tóc đó đã bạc một nửa.

Bố tôi cầm sợi tóc săm soi dưới ánh đèn, trong tia sét sáng rực, nó chẳng khác nào dây tóc bóng đèn: “Theo bố biết thì đây là sợi tóc bạc đầu tiên của mẹ con từ khi sinh ra tới giờ, hoặc ít nhất thì đây cũng là sợi đầu tiên được phát hiện.”

“Con làm gì thế hả! Nhổ một sợi thì bảy sợi mọc lại mới bù vào được đấy!” Mẹ tôi hất tóc, tức giận nói.

“Kìa em, cuộc sống là thế mà,” ông nói rồi chỉ vào ngọn nến trên chiếc bánh sinh nhật. “Nghĩ mà xem, con cầm một cây nến nhỏ như thế này, đặt nó trên sa mạc Gobi* rồi châm lửa, vì trời không có gió nên con châm được lửa, sau đó con rời đi, đứng từ xa nhìn lại, con có cảm giác gì? Con trai, nó giống như sinh mạng và đời người, yếu ớt và phiêu dạt vô định, chỉ cần một ngọn gió nhẹ thôi cũng tắt ngúm.”

Ba người chúng tôi trầm mặc nhìn đống lửa nhỏ, những đoạn củi khô như run rẩy trong ánh chớp xanh lạnh băng ngoài cửa sổ chiếu vào, chúng như chùm sinh mệnh nhỏ nhoi được chúng tôi hao tổn tâm tư nuôi dưỡng.

Ngoài cửa sổ, những tia sét lại mạnh mẽ giáng xuống.

Lúc này, nó đã tới, xuyên qua tường mà tiến vào, xuất hiện bên cạnh bức tranh sơn dầu vẽ các vị thần Hy Lạp đang hoan lạc, giống như một u linh bước ra từ tranh vẽ. Nó cỡ bằng quả bóng rổ, toả ra thứ ánh sáng đỏ lờ mờ. Nó nhẹ bẫng, trôi trên đầu chúng tôi, kéo theo một cái đuôi có hào quang màu đỏ sẫm, đường bay của nó thay đổi liên tục, cái đuôi kia vẽ những đường ngoằn ngoèo trên đầu chúng tôi, thứ khiến người ta phải mê muội. Vừa trôi nổi, nó vừa phát ra một tiếng hú, tiếng hú ấy trầm cực độ và sắc nhọn, khiến ta liên tưởng tới một con quỷ hồn đang thổi huân* trên bãi hoang cổ xưa.

Mẹ tôi kinh hãi nắm chặt lấy người bố bằng cả hai tay. Cả đời mình, tôi hận động tác này của mẹ. Nếu như mẹ không làm như vậy, sau này ít ra tôi vẫn còn một người thân.

Nó tiếp tục trôi, tựa đang tìm kiếm gì đó. Nó tìm thấy rồi. Nó dừng lại cách đỉnh đầu của bố tôi chừng nửa mét, tiếng hú càng thêm trầm đục và ngắt quãng, như thể cười khẩy.

Lúc này, tôi có thể nhìn vào bên trong nó, thứ ánh sáng đỏ nửa trong nửa mờ dường như sâu thẳm vô tận, từ vực thẳm mờ sương không thấy đáy, những ngôi sao nhỏ màu xanh không ngừng bay ra, giống như những ngôi sao trong vũ trụ được một linh hồn bay nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng nhìn thấy.

Sau này tôi mới biết rằng mật độ năng lượng bên trong nó đạt từ 20.000 đến 30.000J/cm³; trong khi đó, mật độ năng lượng của thuốc nổ TNT còn chưa tới 20.000J/cm³ . Bên trong nhiệt độ lên tới 10.000 độ C nhưng bề ngoài lại vô cùng lạnh lẽo.

Bố tôi giơ tay lên, dĩ nhiên không phải để sờ vào nó mà là để bảo vệ đầu mình. Lúc tay của ông vươn tới điểm cao nhất, dường như sinh ra một lực hút, hút nó vào tay, giống như phần chóp của lá cây hút lấy giọt sương mai.

Một màu trắng lóa mắt, một âm thanh cực lớn vang lên, ngỡ như thế giới tôi đang sống nổ tan tành.

Sau khi màn sương u ám do thứ ánh sáng quá đỗi mạnh mẽ đó tạo ra tản đi, trước mắt tôi là cảnh tượng vô cùng ám ảnh: thân thể bố mẹ tôi có hai mảng màu đen trắng, giống như khi ta chọn màu đen hay trắng trong chế độ màu sắc của phần mềm xử lý hình ảnh, mà chính xác hơn là màu trắng xám mới đúng, màu đen là do bóng của ánh đèn chiếu trên các nếp gấp. Đó là màu của đá cẩm thạch. Tay bố tôi vẫn đặt ở vị trí như cũ, chỉ lên trời, mẹ tôi vẫn nghiêng người, dùng hai tay ôm chặt lấy tay còn lại của bố. Trên gương mặt của hai bức tượng phù điêu này, hai đôi mắt vẫn sinh động.

Không khí sực lên một thứ mùi xú uế, sau này tôi mới biết đó là mùi của ozone.

“Bố!” Tôi gào lên. Không có tiếng đáp lại.

“Mẹ!” Tôi lại gào lên. Không có tiếng đáp lại.

Tôi lại gần hai bức tượng, đây là khoảnh khắc đáng sợ nhất đời tôi. Trước đây, tôi đã từng trải qua nhiều thứ đáng sợ trong những cơn ác mộng, nhưng vì là mộng cảnh nên tinh thần của tôi không sụp đổ. Một thanh âm từ nơi xa xôi hẻo lánh nào đó trong ý thức tôi gào lên: Đây chỉ là mơ mà thôi. Lúc này, trong lòng tôi cũng đang điên cuồng hét lên với chính mình như vậy, và nó chính là động lực để tôi bước đến. Tôi đưa đôi tay run rẩy của mình về phía trước, chạm vào thân thể của bố. Lúc tay tôi chạm vào bề mặt trắng xám trên vai ông, tôi cảm tưởng như mình đã xuyên qua một lớp vỏ mỏng giòn. Tôi nghe thấy âm thanh lốp bốp, như âm thanh dữ dội của cốc thủy tinh chạm vào nước sôi trong mùa đông lạnh giá. Hai bức tượng sụp xuống ngay trước mắt tôi, như một trận tuyết lở.

Trên tấm thảm xuất hiện hai đống bụi trắng, ngoài ra không còn gì khác.

Chiếc ghế gỗ dài mà bố mẹ tôi từng ngồi được phủ lên một lớp bụi. Tôi phủi nó đi, bề mặt ghế vẫn nguyên vẹn, nhưng khi tôi đưa tay sờ vào thì thấy lạnh buốt. Tôi biết trong lò hỏa táng, muốn xác người hóa thành tro thì phải hỏa táng ở nhiệt độ 2000 độ C trong vòng ba mươi phút, vậy nên đây chỉ là mơ mà thôi.

Tôi ngơ ngác nhìn không gian xung quanh, thấy khói trắng bốc ra từ tủ sách. Tôi bước tới, mở cánh cửa tủ bằng thủy tinh ra, sau khi làn khói tản đi hết, tôi nhìn thấy khoảng một phần ba số sách trong tủ đã hóa thành tro tàn, màu sắc giống với đống tro trên thảm, nhưng tủ sách không có bất cứ dấu hiệu bị cháy nào, đây chỉ là mơ mà thôi.

Tôi nhìn thấy một luồng hơi nước bốc ra từ cánh cửa tủ lạnh đang để ngỏ, liền bước tới mở toang nó ra, phát hiện con gà đông lạnh bên trong đã chín, tỏa ra mùi thơm, và đống tôm cá sống cũng chín. Tủ lạnh vẫn nguyên vẹn, hoạt động bình thường, âm thanh của máy nén chạy ro ro, đây chỉ là mơ mà thôi.

Tôi có một cảm giác khác lạ trên người mình. Tôi cởi áo khoác, một mảng tro rơi ra từ người tôi. Chiếc áo ba lỗ tôi mặc bên trong đã hoá thành tro, nhưng chiếc áo khoác bên ngoài vẫn không hề hấn gì. Ban nãy, tôi chẳng cảm nhận được gì cả. Tôi lật túi áo khoác, thò tay vào và lấy ra chiếc máy tính cầm tay mà tôi đã nhét vào trong, nó đã biến thành cục nhựa nóng chảy và tay tôi bỏng rát. Đây chắc chắn là mơ, một giấc mơ kỳ dị!

Tôi đờ đẫn quay trở lại ghế, hai đống tro trên tấm thảm đối diện bàn không còn nữa, nhưng tôi biết chúng vẫn ở đó. Tiếng sấm bên ngoài đã yếu đi, những tia sét cũng xuất hiện thưa hơn, cuối cùng thì mưa cũng ngừng và ánh trăng ló dạng sau những đám mây, hắt ánh sáng bàng bạc huyền bí vào cửa sổ. Tôi vẫn ngây ngốc ngồi đó, không động đậy, lúc này, trong ý thức của tôi, thế giới không còn nữa, tôi đang lơ lửng trong hư không vô biên. Không biết thời gian đã trôi qua bao lâu, tôi thức giấc bởi ánh sáng bên ngoài cửa sổ, ngẩn ngơ đứng dậy, cầm cặp sách và đi học. Tôi phải dò dẫm để tìm cặp sách, dò dẫm mở cửa, vì hai mắt tôi vẫn đờ đẫn nhìn về phía xa không bờ… Một tuần sau, khi tinh thần tôi đã hoàn toàn hồi phục, ký ức đầu tiên trở về là buổi tối hôm sinh nhật tôi, nhưng trên chiếc bánh sinh nhật chỉ cắm một ngọn nến, không đúng, không có ngọn nến nào cả. Đó là buổi tối tôi được sinh ra lần nữa, tôi của sau này không phải tôi của trước kia.

Giống như lời bố tôi nói trong thời khắc cuối cùng của cuộc đời ông, tôi say mê một thứ, và đã tới lúc tôi trải qua cuộc sống tuyệt vời mà ông nhắc đến rồi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3