Sinh Ra Để Chạy - Chương 03

* * *

5

Đúng, anh phải ở dưới này rất lâu thì họ mới quen thân.” Đêm đó, tôi được nghe Ángel Nava López giải thích. Ángel đang quản lý ngôi trường dành cho người Tarahumara ở Munerachi, cách căn lều của nhà Quimare vài dặm xuôi theo hướng hạ lưu. “Años y años – phải mất nhiều năm. Như Caballo Blanco.”

“Chờ đã!” Tôi ngắt lời anh ta. “Ai cơ?”

Ángel giải thích Ngựa Trắng là một người đàn ông da trắng bóc, cao, gầy, nói chuyện lúng búng bằng thứ ngôn ngữ kỳ lạ, cứ bất thình lình hiện ra trên các ngọn đồi, đột ngột ló mặt trên đường mòn và lê bước vào làng. Anh xuất hiện lần đầu tiên cách đây 10 năm, không lâu sau bữa trưa, trong một chiều chủ nhật nóng bức. Người Tarahumara không có chữ viết, lại càng không có ghi chép về những lần chạm trán với những con người kỳ quặc, nhưng Ángel lại biết chắc như đinh đóng cột rằng cuộc chạm trán đó diễn ra ngày nào, năm nào và kỳ lạ đến đâu, bởi vì anh chính là người trong cuộc.

Ángel vừa về đến nơi, sau khi đi quan sát các tường vách của thung lũng để theo dõi lũ trẻ quay trở về trường. Học sinh của anh ngủ lại trường trong tuần, tỏa đi vào thứ sáu và leo lên các ngọn núi cao để trở về nhà. Vào chủ nhật, lũ trẻ lại tung tăng đến trường. Ángel thích đếm học sinh khi chúng đi tới. Đó là lý do anh đứng ngoài trưa nắng, khi hai cậu bé phi như bay từ trên triền núi xuống.

Hai cậu bé chạy hết sức bình sinh tới con sông, rồi vội vàng lội qua như ma đuổi. Và khi về tới trường, chúng bám chặt lấy Ángel như thể đã gặp ma thật.

Chúng kể, khi đang đi chăn dê trên núi thì có một sinh vật kỳ dị phóng qua hàng cây phía trên. Sinh vật đó có hình dáng con người, nhưng lại cao hơn bất kỳ người nào chúng đã từng nhìn thấy. Nó trắng bệch và xương xẩu như một cái xác, có các lọn tóc màu lửa chĩa ra từ hộp sọ. Nó cũng chẳng mặc quần áo. So với thân mình trần truồng khổng lồ, sinh vật này chạy khá nhanh; nó biến mất vào bụi cây trước khi mấy cậu bé kịp nhìn kỹ.

Mà lũ trẻ cũng chẳng dám ở lại để ngó thêm. Hai đứa bé cúp đuôi chạy một mạch về làng, bối rối vì không biết vừa nhìn thấy ai, hay cái gì. Nhưng sau khi tới chỗ Ángel, chúng bắt đầu trấn tĩnh lại, hít thở sâu và rồi nhận ra đó là ai.

“Đó là chuhuí đầu tiên mà em thấy.” Một cậu bé nói.

“Là ma à?” Ángel nói. “Sao em lại nghĩ nó là ma?”

Lúc này, nhiều lão niên Rarámuri đã thong thả đi tới để hỏi chuyện. Lũ trẻ kể lại, mô tả dáng vẻ như bộ xương của sinh vật nọ, mớ tóc bù xù của nó, cách nó chạy trên đường mòn phía trên bọn chúng. Các cụ già nghe hết chuyện, rồi mới chấn chỉnh bọn trẻ. Những cái bóng trong thung lũng có thể chơi khăm bất kỳ ai, nên chẳng lạ gì khi trí tưởng tượng của lũ trẻ lại đi xa đến thế. Tuy vậy, chúng không nên làm cho đám nhóc ít tuổi hơn hoảng sợ bằng các câu chuyện kỳ dị.

“Nó có bao nhiêu chân?” Các cụ già hỏi.

“Hai ạ!”

“Nó có nhổ nước bọt vào các cháu không?”

“Không ạ!”

À, vậy là rõ rồi. “Đó không phải là ma.” Các cụ đáp. “Đó chỉ là một ariwará.”

Linh hồn người chết, vậy có lý hơn nhiều. Ma là cái bóng độc ác đi lại vào ban đêm, bò bằng bốn chân, giết cừu và nhổ nước bọt vào mặt con người. Nhưng linh hồn người chết lại không làm hại ai và chỉ giải quyết nốt chuyện vướng bận trần gian. Ngay cả với cái chết, người Tarahumara vẫn tôn thờ sự trốn chạy. Sau khi chết, linh hồn họ lang thang khắp nơi để lấy lại từng dấu chân, sợi tóc do cái xác để lại. Người Tarahumara cắt tóc bằng cách kéo căng tóc qua một chạc cây rồi dùng dao cứa đứt, vì vậy, các đụn tóc thừa cần phải thu lại hết. Sau khi linh hồn người chết đã xóa hết dấu vết của mình trên mặt đất, nó mới có thể đi vào cõi vĩnh hằng.

“Chuyến đi đó kéo dài ba ngày.” Các cụ già nhắc nhở mấy đứa nhỏ. “Nếu là phụ nữ, thì mất bốn ngày.” Vì vậy, dĩ nhiên ariwará sẽ trông hơi bù xù, với đám tóc bị cắt rời cắm ngược trở lại đầu; và đương nhiên nó sẽ đi nhanh hết sức, vì chỉ có vài ngày để hoàn thành bộn việc. Nghĩ lại thì bọn trẻ thật phi phàm khi nhìn thấy được một ariwará, vì linh hồn người Tarahumara thường chạy rất nhanh, tất cả những gì nhìn thấy chỉ là một đám bụi cuốn lên trên mặt đất. Ngay cả khi đã chết, các cụ già nhắc nhở bọn trẻ, họ vẫn là Người Chạy Bộ.

“Các cháu sống được là vì cha các cháu có thể chạy đuổi được một con hươu. Cha các cháu sống được là vì ông nội các cháu có thể chạy nhanh hơn một con ngựa chiến của người Apache. Khi bị trì xuống bởi sapá (thân xác) này mà còn chạy nhanh được đến vậy, thì các cháu thử tưởng tượng xem mình sẽ lướt nhanh thế nào khi vứt bỏ nó đi?”

Ángel ngồi nghe và băn khoăn rằng có nên chỉ ra một khả năng khác hay không. Ángel là một trường hợp không điển hình ở Munerachi, một người Mexico lai Tarahumara, đã rời khỏi thung lũng ít lâu và đi học ở một ngôi làng Mexico. Anh vẫn đi dép xăng đan truyền thống của người Tarahumara và buộc tóc bằng dây koyera, nhưng không giống các cụ già xung quanh mình, Ángel mặc quần dài vải thô thay vì mặc váy. Con người bên trong anh cũng đã thay đổi. Mặc dù vẫn thờ các vị thần của người Tarahumara, nhưng anh vẫn băn khoăn không biết sinh vật kỳ lạ chạy trên hoang mạc đó liệu có phải chỉ là một chabochi lang thang từ thế giới bên ngoài vào hay không.

Dù vậy đi nữa, thì đi cùng đường với một hồn ma lang thang vẫn có vẻ an toàn hơn. Chưa ai từng đi sâu vào tận đây, trừ khi có chuyện chẳng đừng. Có thể là một kẻ ngoài vòng pháp luật? Một ẩn sĩ đi tìm ảo mộng? Hay một gã đào vàng hóa điên vì sức nóng?

Ángel nhún vai. Một chabochi đơn độc có thể là bất kỳ ai trong số những kẻ nói trên và vẫn không phải là người đầu tiên xuất hiện trong lãnh thổ của người Tarahumara với một trong các lý do đó. Như một định luật tự nhiên (hoặc siêu nhiên, nếu bạn cứ nhất định nghĩ như vậy), những điều kỳ quặc thường xuất hiện ở nơi con người hay biến mất. Rừng rậm châu Phi, các hòn đảo ngoài Thái Bình Dương, các vùng đất hoang ở Himalaya – cứ nơi nào có các đoàn thám hiểm mất tích, là nơi đó lại xuất hiện các sinh vật cổ xưa, những người xếp đá kiểu Stonehenge, bóng dáng của người tuyết, và các chiến binh Nhật không chịu đầu hàng.

Vùng Copper Canyon cũng chẳng phải ngoại lệ, và theo cách nào đó, thì còn tệ hơn. Sierra Madre là đường nối của một dãy núi chạy liên tục từ Alaska tới Patagonia. Một tay liều lĩnh với đủ mánh tìm đường có thể cướp nhà băng ở Colorado rồi lẩn trốn vào Copper Canyon, chạy tắt qua đường mòn vắng vẻ và hoang mạc mà không đụng mặt người nào trong vòng 10 dặm.

Là chỗ trú ẩn lộ thiên an toàn nhất trên lục địa, theo lẽ tự nhiên, đất Copper Canyon không chỉ sản sinh mà còn thu hút cả những kẻ dị thường. Vài trăm năm qua, vùng thung lũng này đã là nơi trú ngụ của đủ các thành phần bất hảo: băng cướp, ẩn sĩ, sát nhân, kẻ ăn thịt người, chiến binh da đỏ Comanche, kẻ cướp người da đỏ Apache, những người đi khai khoáng bị hoang tưởng, và phiến quân của Pancho Villa đều đã thoát khỏi vòng truy đuổi bằng cách lẩn trốn vào vùng Barrancas.

Geronimo từng trốn vào Copper Canyon khi lẩn tránh kỵ binh Hoa Kỳ. Cả người được anh ta bảo trợ, Nhóc Apache, kẻ có khả năng “lướt như bóng ma trên hoang mạc”, theo lời một nhà chép sử, cũng từng lẩn trốn ở đây. “Hắn không theo một quy luật nào. Không ai biết lần sau hắn xuất hiện ở đâu. Cảm giác hoang mang luôn thường trực khi bạn chăn gia súc, hay đi khai mỏ. Mỗi cái bóng, mỗi tiếng động nhẹ, đều có thể là Nhóc Apache đang tiến lại để ra tay hạ sát. Một cư dân luôn sống trong lo lắng ở vùng này đã miêu tả chính xác nhất: ‘Thường đến lúc thấy được Nhóc Apache thì đã là quá muộn.’”

Đuổi theo họ vào trong mê cung này đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro không bao giờ quay ra được nữa. “Ngắm thiên nhiên nơi đây thật là hùng vĩ; nhưng đi lại trong đó thì chẳng khác nào địa ngục.” Đại úy Kỵ binh Hoa kỳ John Bourke đã viết như vậy sau khi suýt mất mạng trong một cuộc truy đuổi Geronimo bất thành trong vùng Copper Canyon. Tiếng lách cách của một viên sỏi lăn có thể vang vọng khắp nơi đến loạn trí, nó mỗi lúc một to hơn chứ không chìm xuống, nó nảy qua phải, qua trái rồi trên đầu. Tiếng loạt soạt của hai cành bách cọ vào nhau có thể khiến cả đại đội kỵ binh vội vàng rút súng, cái bóng của chính họ vặn xoắn ma quái trên vách khi họ hoảng loạn tìm khắp hướng.

Tiếng vọng và những hình ảnh tưởng tượng thót tim không chỉ khiến Copper Canyon trở nên ma mị; sự dằn vặt này có thể nhanh chóng chuyển thành nỗi dày vò khác, đến mức thật khó để không tin rằng vùng Barrancas được bảo vệ bởi các linh hồn giận dữ có khiếu hài hước tàn độc. Sau nhiều ngày chịu đựng ánh mặt trời tàn nhẫn thiêu đốt, những người lính có thể sẽ phấn khởi khi nhìn thấy một vài đụn mây đen. Nhưng chỉ trong vài phút, họ sẽ bị kẹt trong một cơn nước lũ mạnh hơn vòi cứu hỏa, và tuyệt vọng chạy tán loạn, bấu lên các gờ tường đá trơn trượt. Đó chính xác là cách mà kẻ nổi loạn người Apache tên là Massai đã quét sạch một tiểu đội kỵ binh: “Bằng cách dụ họ vào một hẻm núi cạn vừa đúng lúc một cơn mưa giông miền núi cuốn qua.”

Vùng Barrancas hiểm ác tới mức, ngay cả một ngụm nước cũng có thể giết chết bạn. Thủ lĩnh da đỏ Apache Victorio thường dẫn các toán kỵ binh Hoa Kỳ vào một cuộc đuổi bắt kiểu mèo vờn chuột ở sâu trong thung lũng, và rồi phục sẵn gần một hố nước. Các kỵ binh chắc chắn biết rằng anh ta đang ở đó, nhưng không thể ngăn nổi chính mình. Bị lạc lối và điên loạn bởi sức nóng, họ thà nhận một cái chết nhanh chóng từ một viên đạn vào đầu hơn là dần dần chết ngạt với cái lưỡi khát khô sưng phồng trong miệng.

Ngay cả những tay cừ khôi nhất trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ cũng không chống cự nổi vùng Barrancas. Khi các đạo quân của Pancho Villa tấn công một thị trấn ở New Mexico vào năm 1916, Tổng thống Woodrow Wilson đã đích thân ra lệnh cho cả Pershing Xì dách (Black Jack Pershing) và George Patton phải lùa hắn ra khỏi hang ổ ở Copper Canyon. 10 năm sau, Báo Đốm Pancho vẫn nhởn nhơ. Ngay cả khi có lực lượng hùng hậu, Patton và Pershing vẫn lúng túng trước 10.000 dặm hoang mạc, với nguồn thông tin duy nhất là người Tarahumara, những người thường xuyên biến mất khi mới chỉ nghe thấy một tiếng hắt xì. Kết quả là: cả Tướng quân Xì dách lẫn Tướng quân Gạo cội, Đẫm máu và Gan lì, những người có thể hạ gục quân Đức trong hai cuộc Thế chiến, đều phải chịu thúc thủ trước vùng Copper Canyon.

Dần dần, các nhà chức trách Mexico đã tìm ra được một chiến lược tỉnh táo hơn. Họ nhận ra rằng, địa ngục dành cho người truy đuổi cũng chẳng tốt đẹp hơn cho kẻ bị truy đuổi. Bất kỳ điều gì xảy đến với những kẻ trốn chạy trong đó – cơn đói, thú dữ tấn công, cơn loạn trí, hay bản án chung thân dưới hình thức giam hãm tự nguyện trong cô độc – đều đáng sợ hơn bất kỳ hình phạt nào của hệ thống toà án Mexico. Vì vậy, thường thì nhà chức trách liên bang sẽ ghìm cương ngựa, để mặc lũ kẻ cướp đã vào tới vùng thung lũng tự thử vận may với nhà tù do chúng tự tạo ra.

Nhiều người mạo hiểm đã thử bước chân vào đây và không bao giờ quay trở ra, tạo nên danh tiếng cho thung lũng này, như Tam giác quỷ Bermuda trên bộ. Nhóc Apache và Massai đã cưỡi ngựa theo Lối mòn Bạch cốt vào Copper Canyon lần cuối cùng và không ai còn nhìn thấy họ nữa. Năm 1914, Ambrose Bierce, nhà báo chuyên trang nổi tiếng và là tác giả cuốn sách bán chạy The Devil’s Dictionary (Từ điển Ác quỷ) lên đường tới một điểm hẹn gặp Pancho, nhưng rồi bị cuốn theo sức hút của Copper Canyon và mất dạng. Cứ thử tưởng tượng Anderson Cooper biến mất khi đang làm nhiệm vụ cho CNN, bạn sẽ hình dung được cuộc tìm kiếm Bierce lớn tới mức nào. Nhưng chẳng ai tìm thấy nổi một dấu vết.

Có phải những linh hồn lạc lối vùng thung lũng đã phải chịu chung một số phận nghiệt ngã, hay các số phận nghiệt ngã cứ chồng lấn lên nhau? Chẳng ai hay biết. Ngày trước, họ có thể bị giết bởi sư tử núi, bọ cạp, rắn cạp nong, cơn khát, cái lạnh, cơn đói hoặc cơn sốt thung lũng, còn ngày nay, bạn có thể thêm một viên đạn bắn tỉa vào danh sách này. Kể từ khi các băng đảng ma túy chuyển vào vùng Copper Canyon, chúng bảo vệ mùa màng của mình bằng các ống ngắm viễn vọng mạnh tới mức có thể thấy rõ chiếc lá lay động ở cách đó vài dặm.

Điều đó khiến Ángel băn khoăn rằng liệu anh có thể nhìn thấy sinh vật kia được hay không. Ngoài đó, quá nhiều thứ có thể giết chết kẻ này, và chuyện đó rất dễ xảy ra. Nếu sinh vật đó không biết cách giữ khoảng cách với các cánh đồng cần sa, thì anh thậm chí sẽ chẳng kịp nghe thấy tiếng súng đã bắn nát đầu mình.

“¡Hoooooolaaaaaa! ¡Amigoooooooooos!”

Bí ẩn về gã lang thang cô độc đượclàm sáng tỏ còn sớm hơn Ángel mong đợi. Khi đang nheo mắt dưới nắng để theo dõi đám học sinh trở về trường, anh nghe thấy một tiếng hú vang và nhìn thấy một kẻ trần truồng đang huơ tay, chạy dọc xuống đường mòn về phía dòng sông.

Nhìn gần hơn, hóa ra sinh vật đó không hoàn toàn khỏa thân. Nhưng gọi là có mặc quần áo thì cũng không phải, và chắc chắn là không theo tiêu chuẩn ăn mặc của người Tarahumara. Là tộc người không thích bị nhìn thấy, nhưng người Tarahumara lại khá ăn diện. Đàn ông thì khoác áo choàng màu sáng, phủ lên một miếng vải quấn quanh phần thân dưới, rủ xuống như một chiếc váy ngắn, cả trước lẫn sau. Họ buộc tất cả lại với nhau bằng một cái khăn màu cầu vồng, và trang trí thêm bằng một chiếc khăn quấn đầu cùng màu sắc. Phụ nữ Tarahumara trông còn lộng lẫy hơn, với váy ngắn sặc sỡ và áo choàng đồng màu, làn da nâu sậm được trang điểm thêm bằng các chuỗi vòng đeo cổ và vòng đeo tay làm từ các viên đá màu san hô. Bất kể đang mặc bộ đồ leo núi diêm dúa cỡ nào, thì chắc chắn bạn vẫn sẽ cảm thấy mình cứ như đang khỏa thân khi đứng trước người Tarahumara.

Ngay cả xét theo tiêu chuẩn thời trang của những người đi khai khoáng bị sức nóng Mặt trời làm cho điên loạn, thì sinh vật kia vẫn ăn mặc quá tồi tàn. Anh ta chỉ mặc một chiếc quần cộc màu nâu đất của dân chabochi, xỏ xăng đan, và đội chiếc mũ bóng chày cũ rìn. Chỉ có vậy. Không ba lô, không áo xống, và có vẻ như chẳng có thức ăn, bởi vì ngay khi chạy đến chỗ Ángel, anh ta hỏi xin ‘agua’ (nước) bằng thứ tiếng Tây Ban Nha ngọng nghịu và làm động tác xúc xúc vào miệng – chắc anh ta muốn ăn gì đó?

“Assag.” Ángel nói với anh bằng tiếng Tarahumara và ra hiệu ngồi xuống. Ai đó mang ra một cốc pinole, loại cháo ngô của người Tarahumara. Kẻ lạ mặt húp sụp một hơi. Xen giữa những tiếng ừng ực, anh ta cố gắng nói chuyện. Anh khua khoắng và thè lưỡi thở hổn hển.

“¿Corriendo?” Người thầy giáo hỏi. Anh vừa mới chạy à?

Sinh vật kia gật đầu. “Todo día.” Anh nói bằng thứ tiếng Tây Ban Nha bồi. “Suốt cả ngày.”

“¿Por qué?” Ángel hỏi. “¿Y a dónde?” Tại sao? Và chạy đi đâu?

Sinh vật nọ bắt đầu tuôn ra một câu chuyện dài, khiến Ángel cảm thấy thích thú như thể đang xem trình diễn nghệ thuật, nhưng câu chuyện đó chẳng mạch lạc chút nào. Từ những gì Ángel rút ra được, gã lang thang cô độc này hoặc là hoàn toàn mất trí, hoặc chẳng hề cô đơn chút nào; anh tuyên bố rằng mình có một người đồng hành còn bí ẩn hơn nữa, một kiểu chiến binh người Apache mà anh gọi là Ramón Chingón – “Ray, gã Đểu cáng Xấu xa.”

“¿Y tú?” Ángel hỏi. “Còn tên anh là gì?”

“Caballo Blanco.” Anh nói. Ngựa Trắng.

“Pues, bueno.” Người thầy giáo nhún vai đáp. Vậy là được rồi.

Ngựa Trắng không ở lại lâu; sau khi uống thêm chút nước và ăn xong bát pinole thứ hai, anh chào tạm biệt và lại chạy ngược lên đường mòn. Anh giậm chân và hí lên như ngựa hoang khi rảo bước, làm bọn trẻ thích thú, cười phá lên và đuổi theo cho tới khi anh biến mất một lần nữa vào hoang vu.

“Caballo Blanco es muy amable,” Ángel kết lại, “pero un poco raro.” Ngựa Trắng là người tốt, nếu anh hợp với mấy gã quai quái.

“Vậy, anh nghĩ rằng anh ta vẫn ở ngoài đó?” Tôi hỏi.

“Gã đó, claro.” Ángel nói. “Anh ta vừa ở đây hôm qua. Tôi đã cho anh ta uống nước bằng cái cốc đó.”

Tôi nhìn quanh. Chẳng có cái cốc nào cả.

“Cái cốc vừa ở đó mà.” Ángel quả quyết.

Từ những điều Ángel lượm lặt được trong nhiều năm qua, Caballo sống trong một căn lều tự dựng lên đâu đó bên kia núi Batopilas. Mỗi khi xuất hiện ở trường của Ángel, anh luôn đến với đôi chân chỉ xỏ xăng đan, áo quàng trên lưng (nếu có), và một túi cháo ngô khô vắt trên hông, như người Tarahumara. Dường như, anh kiếm ăn luôn ở vùng đất mà mình chạy, sống dựa vào korima, một trong các nền tảng của nền văn hóa Tarahumara.

Korima đọc gần giống như karma (nghiệp) và có ý nghĩa tương tự, chỉ khác là nó ở hiện tại, ở đây và ngay lúc này. Nghĩa vụ của bạn là phải chia sẻ tất cả những gì chia sẻ được, ngay lập tức và không được trông mong gì: một khi món quà đã rời tay, thì ngay từ đầu nó cũng chưa từng là của bạn. Người Tarahumara không có hệ thống tiền tệ, vì vậy korima là cách họ giao thương: nền kinh tế của họ dựa trên việc trao đổi các ân huệ và thỉnh thoảng là các thạp bia ngô.

Dáng vẻ, cách ăn mặc, cũng như cách nói năng của Ngựa Trắng hoàn toàn không giống người Tarahumara, nhưng sâu thẳm bên trong, anh là một trong số họ. Ángel đã nghe nói về những người chạy bộ Tarahumara dùng túp lều của Ngựa Trắng làm trạm nghỉ trong các chuyến đi dài xuyên qua vùng thung lũng. Đổi lại, Ngựa Trắng luôn được mời ăn, mời nghỉ khi đi qua làng của Ángel trong các cuộc chạy lang thang.

Ángel vẫy cánh tay, khoát mạnh ra đằng xa – vượt qua con sông, qua đỉnh thung lũng, về phía vùng đất không phải của người Tarahumara, nơi chẳng có điều gì tốt đẹp.

“Ở đó, có một ngôi làng tên là Mesa de la Yerbabuena.” Anh nói. “Anh có biết nơi đó không, Salvador?”

“Ừm…” Salvador lí nhí.

“Anh có biết điều gì đã xảy ra với nó không?”

“Ừ hữ…” Salvador đổi giọng như muốn nói: Ừ, tất nhiên là biết.

“Những người chạy bộ giỏi nhất phần lớn đến từ Yerbabuena.” Ángel nói. “Họ từng có một con đường mòn rất tốt, có thể chạy được quãng đường rất dài chỉ trong một ngày, xa hơn nhiều so với quãng đường mà anh có thể đi được từ đây.”

Thật không may, lối mòn đó tốt tới mức chính phủ Mexico cuối cùng quyết định trải nhựa lên và biến nó thành đường. Xe tải bắt đầu xuất hiện ở Yerbabuena, và mang theo các loại thực phẩm mà người Tarahumara hiếm khi dùng – nước ngọt có ga, sô cô la, gạo, đường, bơ, bột mì. Người dân Yerbabuena bắt đầu thích ăn tinh bột và bánh kẹo, nhưng họ cần tiền để mua những thứ đó, do vậy, thay vì làm việc đồng áng, họ bắt xe tới Guachochi để rửa bát và làm công ban ngày, hoặc bán đồ lưu niệm tại nhà ga ở Divisadero.

“Đó là chuyện từ 20 năm trước.” Ángel nói. “Bây giờ, ở Yerbabuena chẳng còn người chạy bộ nào nữa.”

Câu chuyện về Yerbabuena làm Ángel sợ, bởi mới có tin đồn rằng chính quyền đã tìm ra cách làm đường dọc theo nền thung lũng và đi thẳng vào khu định cư này. Ángel không hiểu nổi tại sao họ lại muốn làm đường ở đây. Người Tarahumara không muốn vậy và họ là những người duy nhất sống ở nơi này. Chỉ có bọn buôn ma túy và đám lâm tặc hưởng lợi từ các con đường trong Copper Canyon, điều này khiến cho nỗi ám ảnh muốn làm đường ở vùng hẻo lánh của chính quyền Mexico có vẻ lạ lùng, nhưng cũng chẳng mấy ngạc nhiên, khi nghĩ xem bao nhiêu binh sĩ và chính trị gia dây dưa với dân buôn ma túy.

“Đó chính là điều Lumholtz lo sợ.” Tôi tự nhủ. Một thế kỷ trước, nhà thám hiểm có tầm nhìn xa ấy đã cảnh báo rằng người Tarahumara đang có nguy cơ biến mất.

“Các thế hệ sau sẽ chẳng tìm thấy ghi chép nào khác về người Tarahumara ngoài những gì mà các nhà khoa học thời nay khơi gợi từ miệng họ và từ việc nghiên cứu các công cụ, phong tục của họ.” Ông đoán định. “Ngày nay, họ nổi lên như một di tích thú vị của một thời đại đã trôi qua từ lâu; một đại diện trong giai đoạn quan trọng bậc nhất của lịch sử loài người; một trong những bộ lạc nguyên thủy phi thường từng viết nên lịch sử nhân loại.”

“Nhiều người Rarámuri không tôn trọng truyền thống được như Caballo Blanco đâu.” Ángel than phiền. “El Caballo sabe – Ngựa Trắng hiểu.”

Tôi ngồi sụp xuống bên bức tường ngôi trường của Ángel, chân giật giật, còn đầu thì căng ra vì kiệt sức. Để tới được đây, tôi đã liểng xiểng lắm rồi, vậy mà, có vẻ như cuộc săn tìm mới chỉ bắt đầu.

* * *

6

Cứ như trò bịp vậy.”

Salvador và tôi khởi hành vào sáng hôm sau, đua với Mặt trời về phía rìa thung lũng. Salvador đi nhanh khủng khiếp, chẳng thèm để ý các chỗ ngoặt gấp và lấy tay cào thẳng lên vách núi như tội phạm bò lên tường trại giam. Tôi cố sức bám theo, mặc dù ngày càng tin mình bị lừa.

Càng bỏ xa ngôi làng của Ángel, cái ý nghĩ rằng câu chuyện về gã Ngựa Trắng chỉ là hàng phòng thủ cuối cùng chống lại những kẻ bên ngoài đến đây tìm kiếm bí mật của người Tarahumara càng trỗi lên. Như mọi phi vụ lừa bịp vĩ đại, câu chuyện về một gã Độc Hành trên vùng núi cao Sierra nằm lửng lơ giữa hoàn hảo và hoang đường; tin tức về một môn đệ đến từ thế giới hiện đại thực hành theo phương thuật Tarahumara còn hơn những gì tôi trông đợi, khiến nó hấp dẫn đến khó tin. Gã Ngựa Trắng có vẻ giống lời đồn đại hơn, khiến tôi nghĩ Ángel vì mệt mỏi với những câu hỏi nên đã sáng tác ra một nhân vật hư cấu thế thân, rồi trỏ chúng tôi về phía đường chân trời, biết rằng chúng tôi sẽ phải vượt hàng trăm dặm khó khăn trước khi tỉnh ngộ.

Tôi không bị hoang tưởng. Đây không phải lần đầu tiên một câu chuyện phù phiếm được dùng để phủ một màn khói hư ảo lên những Người Chạy Bộ. Carlos Castaneda, tác giả của cuốn Don Juan nổi tiếng vào thập niên 60, đã không hề do dự kể về những người Tarahumara khi miêu tả các pháp sư Mexico với sự uyên thâm và sức bền đáng kinh ngạc. Nhưng trong nỗi cảm thông day dứt, Castaneda đã cố tình gọi nhầm tên bộ lạc này thành Yaquis. Rõ ràng là Castaneda đã cảm thấy rằng, trong trường hợp sách của ông làm dấy lên một cuộc xâm lược của đám híp pi mê xương rồng đất Mễ, thì người Yaquis mạnh mẽ sẽ tự bảo vệ mình tốt hơn nhiều so với người Tarahumara hiền hậu.

Nhưng dù có nghi ngờ rằng mình vừa bị lừa kiểu Castaneda, thì tôi vẫn bị một sự kiện bất thường thôi thúc dấn bước vào cuộc săn tìm này. Ángel đã cho chúng tôi trọ lại một đêm trong căn phòng trống duy nhất của anh, một túp lều đắp bùn nhỏ bé, được dùng như trạm xá của trường. Sáng hôm sau, trước khi chúng tôi rời đi, anh nhã nhặn mời bữa sáng có món đậu và bánh ngô nặn bằng tay. Buổi đó trời se lạnh và khi chúng tôi ngồi ngoài, hơ tay trên những cái bát nghi ngút khói, một lũ trẻ con túm tụm đi ra khỏi phòng học, ngang qua chỗ chúng tôi. Không để bọn trẻ phải chịu lạnh trên ghế ngồi, thầy giáo đã cho chúng nghỉ để làm nóng người theo kiểu Tarahumara – đồng nghĩa với việc tôi may mắn được chứng kiến rarájipari, trò chơi chạy bộ của người Tarahumara.

Ángel đứng lên và chia bọn trẻ ra làm hai đội, trai gái lẫn lộn. Sau đó, anh ta lấy ra hai quả bóng bằng gỗ, mỗi quả to bằng một quả bóng chày, và tung từng quả về từng đội. Anh giơ sáu ngón tay, nghĩa là chúng sẽ chạy sáu lượt từ trường xuống bờ sông, với tổng cự ly khoảng bốn dặm. Hai cậu bé thả quả bóng xuống và cong bàn chân đỡ quả bóng lên, bóng được giữ thăng bằng trên các ngón chân. Chúng chầm chậm cong người thấp xuống và…

¡Vayan! Đi!

Hai quả bóng bay vụt qua chỗ chúng tôi, tâng khỏi bàn chân của hai cậu bé như thể bị bắn đi từ súng ba-zô-ka, và lũ trẻ chạy ào theo bóng dọc đường mòn. Hai đội có vẻ khá ngang tài ngang sức, nhưng tôi sẵn sàng đặt cửa cho bên được dẫn dắt bởi Marcellino, một cậu bé 12 tuổi trông như Đuốc Sống; màu áo đỏ tươi phất phơ sau lưng cậu như ngọn lửa và chiếc váy trắng phấp phới quanh đôi chân như một làn khói. Đuốc Sống đuổi kịp bóng của đội mình khi bóng còn đang lăn. Cậu lấy ngón chân quặp nó lên một cách tài tình và đá tung nó xuống đường mòn mà hầu như không hề làm chậm đi nhịp chạy.

Cách chạy của Marcellino kinh ngạc đến mức khó mà cảm nhận hết ngay lập tức. Hai bàn chân của cậu nhảy nhót như điên loạn giữa các viên đá, nhưng tất cả phần cơ thể phía trên đôi chân lại tĩnh lặng, gần như không chuyển động. Nhìn từ phần hông trở lên, bạn sẽ nghĩ rằng cậu bé đang trượt pa-tanh. Với chiếc cằm ngẩng cao và mớ tóc đen xõa ra trên trán, trông cậu như vừa bước thẳng ra từ áp phích Steve Prefontaine trên tường phòng ngủ của các ngôi sao điền kinh trường trung học Mỹ. Tôi thấy như vừa tìm thấy được Tương lai của Chạy Bộ Hoa Kỳ, sống cách đây 500 năm trước. Một đứa trẻ tài năng và đẹp đẽ nhường vậy sinh ra để được in hình trên các hộp ngũ cốc.

“Sí, de acuerdo.” Ángel nói. Có, tôi nghe thấy anh rồi. “Chạy bộ đã ăn vào máu cậu bé. Cha nó là một nhà vô địch vĩ đại.”

Cha của Marcelino, Manuel Luna, có thể đánh bại gần hết người tham gia trận rarájipari xuyên đêm, phiên bản người lớn của trò chơi mà tôi đang được chứng kiến. Ángel giải thích, môn bóng rarájipari là trái tim và tâm hồn của người Tarahumara; mọi điều làm nên sự độc đáo của người Tarahumara đều được phô bày trong “sức nóng” của một trận rarájipari.

Trước tiên, hai ngôi làng sẽ gặp nhau và dành cả đêm để đặt cược, đồng thời cụng ly tesgüino, loại bia ngô tự ủ, nặng đến rộp cả họng. Khi Mặt trời mọc, đội bóng của hai làng sẽ bắt đầu thi đấu, với khoảng từ ba đến tám người chạy bộ mỗi bên. Người chơi sẽ chạy ngược xuôi trên một dải đường mòn dài, đưa bóng của mình lên phía trước như cầu thủ bóng đá dẫn bóng bứt phá. Cuộc đua có thể kéo dài đến 24, thậm chí là 48 giờ, tùy thuộc vào thỏa thuận từ đêm hôm trước. Thế nhưng, các cầu thủ chẳng bao giờ được ra nghỉ hay ngơi bước. Với quả bóng nảy tưng tưng và 32 cái chân di chuyển như điện xẹt, họ hầu như chỉ đứng trên đầu ngón chân, lúc thì dâng lên, đổi hướng hay chạy hình chữ chi.

“Chúng tôi nói rarájipari là trò chơi của cuộc sống.” Ángel nói. “Anh không biết nó khó khăn đến thế nào. Anh không biết bao giờ nó kết thúc. Anh không thể điều khiển nó. Anh chỉ có thể điều chỉnh.”

Và, anh nói thêm, không ai có thể vượt qua cuộc chơi đó một mình. Ngay cả một siêu sao như Manuel Luna cũng không thể chiến thắng nếu không có cả một ngôi làng phía sau. Bạn bè và gia đình tiếp năng lượng cho các đấu thủ bằng pinole. Khi đêm xuống, dân làng sẽ đốt acate, các cành thông nhiều nhựa, và những người chạy bộ đua xuyên màn đêm dưới ánh đuốc. Để chịu đựng nổi một thử thách như vậy, bạn phải hội tụ đủ phẩm chất của người Tarahumara – sức mạnh, lòng kiên trì, khả năng hợp tác, lòng quyết tâm và sự kiên định. Và hơn hết, bạn phải yêu chạy bộ.

“Thằng nhóc đó sẽ giỏi không kém gì cha nó.” Ángel nói, gật gật đầu về phía Marcelino. “Nếu được tôi cho phép, nó có thể chơi như vậy suốt cả ngày.”

Khi Marcelino tới bờ sông, cậu vòng lại và chuyền bóng tới một cậu bé sáu tuổi đã mất một chiếc xăng đan và đang loay hoay với dây lưng. Trong vài khoảnh khắc huy hoàng, Nhóc Một Giày dẫn đầu đội của mình và vui sướng về điều đó, cậu bé vừa nhảy nhót trên một chân trần vừa cố giữ cho váy khỏi tuột xuống. Đó là lúc tôi bắt đầu cảm nhận được sự vĩ đại của rarájipari. Chính vì đường mòn khấp khểnh và các vòng lặp lại, trò chơi này tự thân nó có khả năng làm cân bằng. Quả bóng nảy khắp nơi như viên bi trong trò pinball, nhờ đó, những đứa trẻ chậm chạp hơn vẫn có thể theo kịp mỗi khi Marcelino phải moi quả bóng ra từ một kẽ đá. Sân chơi có khả năng tự cân bằng, khiến ai cũng bị thách thức và không ai bị đẩy ra ngoài cuộc.

Lũ trẻ cả trai lẫn gái thi nhau chạy ào ào lên và xuống con dốc đường mòn, nhưng không ai màng đến chuyện thắng thua; không có tranh cãi, chẳng có phô diễn, và đáng chú ý nhất là, không có chỉ đạo. Ángel và thầy giáo đang vui vẻ theo dõi trận đấu và tập trung cao độ, nhưng không hò hét chỉ dẫn. Họ thậm chí còn không cổ vũ. Bọn trẻ tăng tốc khi cao hứng, giảm tốc khi bớt phấn khích, và thỉnh thoảng dừng lại lấy hơi dưới bóng cây khi chạy quá sức và bắt đầu hổn hển.

Nhưng khác với hầu hết các đứa trẻ khác, Marcelino dường như không chậm lại. Cậu chẳng hề biết mệt, lướt ngược lên hay đổ dốc nhẹ nhàng, hai chân cậu khua theo nhịp bước ngắn kinh ngạc nhưng chuyển động vẫn mượt mà, không giật cục. Cậu khá cao so với đám trẻ con Tarahumara, và có nụ cười mỉm lướt qua trên mặt giống Michael Jordan trong khoảnh khắc hồi hộp của trận đấu, khi đồng hồ đang tiến gần đến giờ kết thúc. Trong lượt chạy cuối của đội mình, Marcelino tung một cú đá đưa bóng đi chéo vào một tảng đá phía bên trái, tính toán hướng bóng nảy, và chạy đúng đến vị trí trí để nhận đường chuyền của chính mình, đỡ bóng khi đang ở trên không và chạy nốt quãng gần 50 m còn lại, trên mặt đường mòn khấp khểnh đá như dưới lòng sông, chỉ trong vài giây.

Ángel cầm xẻng gõ vào một thanh sắt. Trận đấu kết thúc. Lũ trẻ lại trở vào trong trường, mấy đứa lớn hơn thì bê củi để tiếp cho đống lửa ngoài trời. Một vài đứa đáp lại lời chào của chúng tôi; nhiều trong số chúng lần đầu tiên nghe tiếng Tây Ban Nha khi bắt đầu đi học. Tuy nhiên, Marcelino bước ra khỏi hàng và tiến lại gần. Ángel kể cho cậu bé về dự định của chúng tôi.

“Que vayan bien.” Marcelino nói. Chúc lên đường may mắn. “Caballo Blanco es muy norawa de mi papá.”

Norawa? Tôi chưa từng nghe từ này bao giờ. “Ý cậu bé là gì?” Tôi hỏi Salvador. “Caballo là huyền thoại mà bố cậu ta biết à? Hay là câu chuyện ông ta hay kể?”

“Không!” Savaldor nói. “Nowara nghĩa là amigo.”

“Caballo Blanco là bạn tốt của bố cháu à?” Tôi hỏi.

“Sí.” Marcelino gật đầu, trước khi biến mất vào trong trường. “Ông ấy thực sự là một người tốt.”

Được rồi! Tôi thầm nghĩ vào buổi chiều sau đó. Có thể Ángel muốn lừa chúng tôi, nhưng cậu bé Đuốc Sống thì tin được. Ángel nói rằng Caballo có thể đang đi đến thị trấn Creel, nhưng chúng tôi phải thật khẩn trương: nếu không bắt kịp anh, thì chẳng thể biết được anh sẽ xuất hiện ở nơi nào sau đó. Ngựa Trắng thường biến mất trong vài tháng; không ai biết anh đi đâu và khi nào anh quay lại. Nếu bỏ lỡ, thì chúng tôi có thể không còn cơ hội nữa.

Và Ángel chắc chắn đã không nói dối về một chuyện, khi tôi cảm thấy sức mạnh lạ lùng ở đôi chân mình: ngay trước khi bắt đầu chuyến leo ra khỏi thung lũng, anh đưa cho tôi một cái ca thiếc méo mó chứa đầy một thứ gì đó mà anh hứa là sẽ có ích.

“Anh sẽ thích nó cho mà xem.” Anh trấn an tôi.

Tôi ngó vào cái ca. Trong đó có một thứ chất lỏng nhầy nhớt, trông giống bánh pudding gạo nhưng không có gạo, và bong bóng có đốm đen mà tôi tin chắc là trứng ếch đang ấp dở. Nếu đang ở bất kỳ nơi nào khác, tôi sẽ nghĩ đây là một trò đùa; như kiểu một đứa trẻ múc cặn bẩn trong bể cá rồi lừa tôi nếm thử. Tôi đoán, đó là một loại rễ cây lên men trộn với nước sông – nghĩa là nếu mùi vị của nó không quật ngã tôi, thì đám vi khuẩn sẽ lo việc đó.

“Tuyệt!” Tôi nói và nhìn quanh xem có cây xương rồng nào để lén đổ xuống. “Nó là cái gì vậy?”

“Iskiate.”

Nghe có vẻ quen quen… và tôi sực nhớ ra. Ngài Lumholtz kiên cường đã từng bước lảo đảo vào một căn nhà người Tarahumara để xin thức ăn giữa chuyến thám hiểm gian nan. Ngọn núi mà ông phải lên tới đỉnh trước khi Mặt trời lặn đã phủ bóng trước mặt. Lumholtz khi ấy đã kiệt sức và tuyệt vọng, không còn chút sức lực nào để leo lên nữa.

“Chiều hôm đó, tôi bước vào hang đúng lúc một người phụ nữ đang làm thức uống này.” Sau này, Lumholtz viết. “Tôi mệt lử và không biết làm cách nào leo lên triền núi để tới chỗ cắm trại ở độ cao 600 m. Nhưng sau khi được thoả mãn cơn đói khát với một chút iskiate,” ông viết tiếp, “tôi lập tức thấy một nguồn sinh lực mới, và chính tôi cũng phải ngỡ ngàng khi leo được đến độ cao đó mà không cần vận hết sức. Kể từ đó, tôi luôn coi iskiate là người bạn thiết thân, vừa củng cố sức mạnh, vừa làm tỉnh táo, tới mức có thể gọi nó là một khám phá mới.”

Red Bull tự chế! Cái này thì tôi nhất định phải thử. “Tôi sẽ để dành nó.” Tôi nói với Ángel. Tôi trút chỗ iskiate vào một bình nước đeo hông chứa khoảng nửa bình nước đã khử trùng bằng mấy viên i-ốt, rồi bỏ vào đó thêm khoảng hai viên nữa cho chắc. Tôi đã mệt lử, nhưng không giống như Lumholtz, tôi chưa tuyệt vọng đến mức sẵn sàng chấp nhận rủi ro bị tiêu chảy mãn tính do nhiễm khuẩn.

Nhiều tháng sau, tôi biết được rằng iskiate còn được biết đến với cái tên chia fresca – “chia mát lạnh”. Nó được chế bằng cách hòa tan hạt chia vào nước, thêm chút đường và một vắt chanh. Xét về giá trị dinh dưỡng, một muỗng lớn chia tương đương sinh tố làm từ cá hồi, rau chân vịt, và hormone tăng trưởng. Dù rất nhỏ nhưng các hạt này có hàm lượng cao omega-3S, omega-6S, protein, canxi, sắt, kẽm, chất xơ và các chất chống oxy hoá. Nếu phải chọn một loại thức ăn duy nhất để sống sót trên đảo hoang, bạn không thể tìm thấy thứ gì tốt hơn hạt chia, ít nhất là nếu bạn quan tâm đến việc tạo cơ bắp, hạ cholesterol, và giảm nguy cơ các bệnh tim mạch; sau một vài tháng ăn hạt chia, bạn thậm chí có thể bơi từ đảo hoang vào đất liền. Chiatừng được quý trọng tới mức người Aztec thường dâng thứ hạt này lên cho nhà vua để tỏ lòng kính trọng. Những người chạy bộ Aztec đã từng ăn hạt chia khi tham gia chiến trận, và người Hopis thì nạp năng lượng bằng hạt chia khi tham gia các cuộc chạy huy hoàng từ Arizona tới Thái Bình Dương. Bang Chiapas của Mexico thực ra được đặt tên theo loại hạt này. Nó từng đứng thứ hạng ngang với ngô và đậu trong nông sản hàng hóa. Mặc dù có giá trị cao như vậy, nhưng chia lại dễ trồng kỳ lạ; nếu bạn có một Chia Pet (hình nộm con thú dùng để trồng chia), bạn chỉ cần thêm vài bước đơn giản để tạo ra một mẻ thức uống ma thuật.

Và sau khi viên i-ốt đã tan đủ để đánh liều thử vài ngụm, tôi mới phát hiện ra rằng thứ đồ uống ma thuật ấy ngon ghê gớm. Dù lẫn cả vị thuốc i-ốt, nhưng món iskiate vẫn trôi xuống như rượu punch hoa quả thoảng vị chanh dễ chịu. Cũng có thể, đó là cảm giác phấn khích với cuộc săn tìm, dẫu thế trong vài phút, tôi đã có cảm giác thực sự tuyệt vời. Ngay cả cơn đau đầu nhẹ suốt buổi sáng do ngủ trên nền đất lạnh đêm trước cũng biến mất luôn.

Salvador liên tục thúc bách, chạy đua với ánh nắng tới rìa thung lũng. Chúng tôi suýt nữa thì kịp. Nhưng khi còn khoảng hai giờ leo thì Mặt trời biến mất, bóng đêm phủ khắp thung lũng, tối tới mức chỉ còn thấy đủ các sắc thái đen. Chúng tôi tranh luận xem có nên trải túi ngủ ra và cắm trại qua đêm ngay tại đó hay không, nhưng thức ăn và nước uống thì đã hết từ hơn một giờ trước, còn nhiệt độ đang tụt xuống âm độ. Nếu có thể lần đường trèo lên thêm khoảng một dặm nữa, chúng tôi sẽ tới được rìa thung lũng đủ ánh sáng để ra được bên ngoài. Rồi chúng tôi quyết định thử phương án thứ hai. Tôi ghét cái ý nghĩ phải nằm run rẩy cả đêm trên một đoạn đường mòn ngay rìa vách đá.

Trời tối tới mức, tôi chỉ có thể bám theo Salvador nhờ tiếng ủng lạo xạo của anh. Làm thế nào anh có thể tìm thấy các lối rẽ trên những chỗ ngoặt dốc mà không rơi khỏi bờ đá, tôi thực sự không muốn biết. Nhưng anh đã chứng minh là tôi sai bằng khả năng dò đường siêu phàm khi lái xe xuyên qua rừng cây, vì vậy, tôi phải chấp nhận im lặng, tập trung chú ý tới tất cả các chuyển động của anh và… và…

Chờ đã. Tiếng ủng lạo xạo của anh đâu rồi?

“Salvador?”

Không có tiếng trả lời. Chết tiệt!

“Salvador!”

“¡No pases por aquí!” Anh gọi vọng từ đâu đó phía trước tôi. Đừng đi lối này!

“Có chuyện gì….”

“Calla.” Im đi.

Tôi nín bặt, đứng yên trong bóng tối và không hiểu thứ quái quỷ gì đã xảy ra. Vài phút trôi qua. Không có tiếng động nào của Salvador. “Anh ta sẽ quay lại.” Tôi tự nhủ. “Anh ta chắc chắn đã phải hét lên nếu bị ngã. Mình chắc sẽ phải nghe thấy gì đó. Một tiếng va đập. Một điều gì đó. Nhưng quái thật, mãi mà anh ta….”

“Bueno.” Một tiếng hét vọng tới từ đâu đó phía trên tôi và dịch về bên phải. “Đằng này ổn rồi. Nhưng đi từ từ thôi!” Tôi xoay về phía giọng nói và nhích dần về phía ấy. Bên trái, tôi cảm thấy nền đất tụt sâu xuống. Salvador suýt nữa thì bước thẳng vào khoảng không nào, tôi không muốn biết.

Khoảng 10 giờ đêm hôm đó, chúng tôi lên tới rìa vách núi và chui vào túi ngủ, lạnh thấu xương và mệt rã rời. Sáng hôm sau, chúng tôi tỉnh dậy trước khi Mặt trời mọc và đi thật nhanh về chỗ chiếc xe bán tải. Khi bình minh lên, chúng tôi đã đi được một quãng trên con đường mòn xóc nảy, uốn lượn, con đường được đồn là của gã Ngựa Trắng.

Mỗi lần gặp một nông trang hay một ngôi làng nhỏ, chúng tôi đều dừng lại để hỏi xem có ai biết Caballo Blanco hay không. Và tất cả mọi nơi – trong khu làng mạc ở Samachique, trong ngôi trường ở Huisichi – chúng tôi đều thấy người ta trả lời giống nhau: Sí, tất nhiên! Anh ta vừa đi qua tuần trước… một vài ngày trước… ngày hôm qua… Các anh vừa bỏ lỡ anh ta xong…

Chúng tôi tới một khu lều lá lụp xụp và dừng lại để tiếp thêm thực phẩm. “Ahhh, ten cuidado con ese.” Bà già đứng phía sau quầy trong một cái lán bên lề đường nói khi đưa cho tôi một túi khoai tây phủ bụi và một lon Coke ấm bằng đôi bàn tay gầy, run rẩy. “Cẩn thận với gã đó. Tôi đã nghe kể về Caballo. Anh ta là một võ sĩ hóa điên. Có ai đó chết, nên anh ta bị mất trí. Anh ta có thể tay không giết chết anh đấy. Và,” bà ta nói thêm, đề phòng tôi quên mất, “anh ta bị điên.”

Nơi cuối cùng người ta nhìn thấy anh là thị trấn mỏ cũ kỹ Creel, nơi một người phụ nữ ở quầy bán taco bảo chúng tôi rằng cô vừa nhìn thấy anh sáng nay, đi bộ trên đường ray xe lửa ra phía rìa thị trấn. Chúng tôi đi theo tới tận cuối đường ray, vừa đi vừa hỏi thăm, cho tới khi đến được tòa nhà cuối cùng: khách sạn Casa Pérez. Ở đó, tôi vừa hồi hộp, vừa lo lắng, khi biết anh phải có mặt ở đây vào đúng lúc này.

Có thể, chuyện tôi ngủ quên trên chiếc ghế xô-pha trong góc phòng là một điều hay. Nhờ đó, ít nhất là, tôi được ẩn mình trong bóng tối và ngắm nhìn gã lang thang cô độc kia kỹ lưỡng một chút – trước khi anh nhìn thấy tôi và phóng chạy mất vào hoang vu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3