Sinh Ra Để Chạy - Chương 04

* * *

7

May thay, tôi đứng gần cửa hơn.

“Này! Ờ…, anh có biết Ángel không?” Tôi lắp bắp khi bước ra đứng chắn giữa Caballo và lối thoát duy nhất của anh ta. “Thầy giáo ở ngôi trường của người Tarahumara? Còn Esidro ở Huisichi? Và, ừm… Luna, Miguel Luna…” Tôi liên tục bắn ra những cái tên, hy vọng anh sẽ nhận ra cái tên nào đó trước khi huých tôi văng vào tường và chạy trốn lên những ngọn đồi phía sau khách sạn. “… À, không phải, là Manuel. Không phải Miguel Luna. Là Manuel. Con anh ta nói rằng anh ta và anh là bạn. Marcelino? Anh biết Marcelino chứ?”

Nhưng tôi càng nói, thì anh càng cau có, cho tới khi trông như muốn đe dọa. Tôi lập tức ngậm miệng. Tôi đã có bài học sau thất bại ở khu nhà của Quimare; có thể anh sẽ dịu bớt nếu tôi giữ im lặng và cho anh cơ hội để đánh giá tôi. Tôi đứng yên trong khi anh ta nheo mắt nhìn tôi dưới viền chiếc mũ rơm của nông dân Mexico, tỏ vẻ nghi ngại và khinh miệt.

“Ờ!” Anh làu bàu. “Manuel là một người bạn. Còn anh thì là thằng quái nào?”

Vì không chắc điều gì đã khiến anh trở thành kẻ bất kham như vậy, nên tôi bắt đầu trình bày rằng tôi không phải là những ai. Tôi bảo mình không phải cảnh sát hay nhân viên Cục Phòng chống Ma túy. Tôi chỉ là một nhà văn và một người chạy bộ dính chấn thương, muốn học hỏi bí quyết của người Tarahumara. Nếu anh là một kẻ đang lẩn trốn, thì đó là việc của anh. Có chăng, điều đó chỉ làm tăng tính tin cậy trong câu chuyện về anh ta mà thôi: bất kỳ ai có thể trốn tránh luật pháp trong suốt chừng ấy năm mà không có bất kỳ phương tiện lẩn trốn nào ngoại trừ đôi chân mình, thì ắt hẳn đã phải học theo người Rarámuri. Tôi có thể bỏ qua các nghĩa vụ của mình với luật pháp đủ lâu để nghe hết câu chuyện lẩn trốn độc nhất trên đời ấy.

Vẻ cau có của Caballo chẳng hề giảm – nhưng anh cũng không cố tránh tôi để đi ra. Mãi sau đó, tôi mới phát hiện ra rằng mình đã vô cùng may mắn chạm trán anh ở một thời điểm lạ kỳ trong cuộc đời kỳ lạ của anh: theo cách của riêng mình, Caballo Blanco cũng đang đi tìm tôi.

“Được rồi, ông bạn!” Anh nói. “Nhưng giờ tôi phải đi kiếm ít đậu đã.”

Anh ta dẫn tôi ra khỏi khách sạn và đi dọc xuống một ngõ hẻm bụi bặm, tới một cánh cửa nhỏ không có biển hiệu gì hết. Chúng tôi bước qua một cậu bé đang chơi với chú mèo con trên bậu cửa và vào một phòng khách nhỏ. Một người phụ nữ lớn tuổi ngước nhìn lên từ một chiếc bếp ga cũ kỹ trong hốc tường kề đó, bà đang khuấy một nồi đậu hầm thơm ngào ngạt.

“Hola, Caballo!” Bà cất tiếng chào.

“¿Cómo está, Mamá?” Caballo đáp lời. Chúng tôi ngồi bên một chiếc bàn gỗ ọp ẹp trong phòng khách. Anh kể mình có “mamá” ở khắp thung lũng, đó là các bà già sẵn lòng cho anh ăn đậu và bánh ngô với giá chỉ vài xu giữa các cuộc chạy lang thang.

Mặc dù Mamá có vẻ bình thản, nhưng tôi có thể hiểu tại sao người Tarahumara lại kinh hãi khi Caballo xuất hiện lần đầu và phóng qua các cánh rừng của họ. Kỳ tích chạy bền không tưởng dưới ánh mặt trời không khoan nhượng đã biến Caballo thành một kẻ hoang dã. Anh cao trên một mét tám, nước da vốn sáng màu nhưng đã bị nắng gió tô vẽ loang lổ thành các sắc khác nhau, từ màu hồng trên mũi cho đến màu hạt dẻ dưới cổ. Với chân tay dài và cơ bắp săn gọn, anh trông như một bộ xương quái thú; quẳng Kẻ hủy diệt vào vạc axit, thì ta sẽ có Caballo bò ra.

Ánh nắng chói chang trên sa mạc làm mắt anh thường xuyên nheo lại, khiến gương mặt anh chỉ có hai trạng thái biểu cảm: hoài nghi hoặc thích thú. Dù nói bất kỳ điều gì trong phần còn lại của buổi tối hôm đó, thì tôi cũng không thể biết anh nghĩ tôi hài hước hay toàn nói nhăng nói cuội. Một khi Caballo chú ý đến bạn, anh thực sự rất chú tâm; anh chăm chú nghe như người thợ săn đang theo dấu con mồi, như thể cố gắng đọc ra điều gì từ chính giọng bạn chứ không phải chỉ từ lời lẽ bạn đang nói. Mặc dầu vậy, kỳ lạ là khả năng nghe giọng địa phương của anh vẫn dở tệ hại – sau hơn một thập kỷ ở Mexico, tiếng Tây Ban Nha của anh vẫn bập bẹ như đang phát âm từ thẻ tập đọc.

“Tôi bực anh vì…” Caballo bắt đầu nói, nhưng đột nhiên dừng lại, mắt lồi lên vẻ đói khát, khi thấy Mamá đặt mấy cái bát lớn trước mặt chúng tôi và loay hoay thêm vào đó rau mùi, ớt xanh jalapeños và vài vắt chanh. Cái nhìn hầm hè mà anh tặng tôi lúc ở khách sạn không phải vì tôi đang đứng chắn giữa anh và tự do; mà là vì tôi đang chắn giữa anh và đồ ăn. Sáng hôm đó, Caballo định thực hiện một chuyến leo núi ngắn tới hồ nước nóng tự nhiên trong rừng, nhưng ngay khi nhìn thấy một vệt đường mòn xuyên qua rặng cây mà trước đây anh chưa từng thấy, thì vụ leo núi và hồ nước nóng lập tức bị lãng quên. Anh bắt đầu chạy, và chạy mãi nhiều giờ sau đó. Anh đụng một quả núi, nhưng thay vì quay lại, anh lại gò lưng leo lên độ cao gần một cây số, tương đương với việc leo lên đỉnh tòa nhà Empire State hai lần liền. Cuối cùng, anh cũng tới được lối quay về Creel, và buổi ngâm mình thư giãn trong nước nóng đã biến thành một cuộc chạy marathon đường mòn gian khổ. Lúc bị tôi tóm trong khách sạn, anh chưa ăn chút gì từ lúc Mặt trời mọc và sắp lả đi vì đói.

“Tôi luôn bị lạc và phải trèo dốc dựng đứng, với chai nước cắn giữa hai hàm răng, và lũ chim ó lượn vòng trên đầu.” Anh nói. “Thật tuyệt.” Một trong những điều đầu tiên và quan trọng nhất mà anh học được từ người Tarahumara là khả năng vọt chạy đi bất kỳ lúc nào, giống như việc con sói sẽ làm khi đánh hơi được một con thỏ. Đối với Caballo, chạy bộ đã trở thành cách di chuyển ưu tiên số một, như dân ngoại thành lái ô tô; đến bất kỳ nơi nào, anh cũng bước đi với tâm trạng phấn chấn, lên đường và mang theo rất ít đồ đạc, như những thợ săn thời Đá mới và chẳng quan tâm đến chuyện sẽ đi tới điểm nào hoặc xa tới tận đâu.

“Nhìn này!” Anh nói, chỉ tay vào cái quần leo núi cũ mèm và đôi xăng đan Teva đáng vứt vào thùng rác từ lâu. “Tôi chỉ ăn mặc như vậy thôi, và tôi luôn luôn mặc như vậy đó.”

Anh ngừng lại, xúc món đậu cay đổ vào miệng, và nhồi đám thức ăn đó xuống bằng cách tu một hơi dài từ chai Tecate. Caballo đánh sạch một bát và được Mamá tiếp thêm nhanh tới mức anh chẳng chậm lại một nhịp, đưa tay từ bát, lên miệng, tới chai bia với hiệu suất tối ưu, như thể bữa tối này không phải là điểm kết thúc của một buổi tập dài, mà là phần tập luyện tiếp theo vậy. Âm thanh mà anh phát ra từ phía bên kia bàn nghe như tiếng bơm xăng vào bình xăng xe: xúc, nhồm nhoàm, nhồm nhoàm, ừng ực, xúc, nhồm nhoàm, nhồm nhoàm, ừng ực…

Thỉnh thoảng, anh lại ngẩng đầu lên và kể tiếp một đoạn ngắn theo mạch câu chuyện, sau đó lại cắm đầu vào bát. “Đúng rồi, anh bạn, tôi từng là võ sĩ, hạng năm trên thế giới.” Rồi lại quay lại với cái thìa. “Anh làm tôi nổi cáu vì thình lình từ đâu chui ra. Ở đây có đủ các vụ bắt cóc và giết người. Toàn những vụ bẩn thỉu dính đến ma túy. Một người quen của tôi bị bắt cóc, vợ anh ta trả một khoản tiền chuộc lớn, song anh ta vẫn bị giết. Tởm lắm. May là tôi chẳng có gì hết. Tôi chỉ là gã lạ mặt lang thang, chạy bộ cùng người Rarámuri khiêm nhường.”

“Xin lỗi!” Tôi định mở lời, nhưng thấy anh đã cắm mặt vào món đậu.

Tôi chưa muốn làm Caballo khó chịu với những câu hỏi, dù nghe anh kể chuyện chẳng khác nào đi xem một bộ phim nghệ thuật tua nhanh; những tổn thương, những chuyện đùa, ảo tưởng, những hồi tưởng, hận thù, tội lỗi từ những hận thù đó, những mảnh tri thức cổ xưa luôn ám ảnh – tất cả đều tuôn ra vừa mờ ảo vừa chóng vánh khó mà nắm bắt hết được. Anh kể một câu chuyện, rồi lại nhảy sang câu chuyện khác, rồi bỏ qua và chuyển sang câu chuyện thứ ba, quay trở lại để sửa một chi tiết trong câu chuyện thứ nhất, phàn nàn về một gã trong câu chuyện thứ hai, rồi lại xin lỗi vì đã phàn nàn về gã kia bởi vì, gã đã dành cả cuộc đời mình để kiểm soát cơn giận dữ, và đó lại là cả một câu chuyện khác…

Tên anh là Micah True, theo lời anh kể, đến từ bang Colorado. À, mà thực ra là California. Và nếu như tôi thực sự muốn hiểu được người Rarámuri, tôi đáng nhẽ phải có mặt ở đây khi một ông già 95 tuổi leo 25 dặm qua một ngọn núi. Biết tại sao ông ấy có thể làm được điều đó không? Vì chẳng ai từng nói là ông không thể làm được. Chưa từng ai nói với ông rằng ông nên chờ chết trong một trại dưỡng lão. Anh bạn ạ, hãy sống như chính mình mong đợi. Giống như lúc anh tự đặt tên mình theo con chó cưng. Cái tên “True” thực ra bắt nguồn từ đó, tên con chó già của anh. Anh chẳng bao giờ xứng với con chó già ngoan ngoãn tên True, nhưng đó cũng lại là một câu chuyện khác…

Tôi chờ đợi, cào cào móng tay lên nhãn chai bia, và băn khoăn liệu anh có lúc nào dịu bớt xuống để tôi kịp hiểu anh đang nói gì. Dần dần, tay thìa của Caballo cũng chậm lại và dừng hẳn. Anh tu hết chai bia Tecate thứ hai và ngồi ngả ra, thỏa mãn.

“Guadajuko!” Anh cười nhe răng và nói. “Từ đó đáng để học đấy. Theo tiếng Rarámuri, nó nghĩa là ‘ngầu’.”

Tôi đẩy tiếp chai Tecate thứ ba sang phía bên kia bàn. Anh nheo mắt nhìn vẻ nghi ngại, như dưới ánh mặt trời chói chang vậy. “Tôi không chắc đâu!” Anh đáp. “Cả ngày đã chẳng ăn gì rồi. Tôi không bền sức được như người Rarámuri đâu.”

Nhưng anh cầm chai bia lên rồi nhấp một ngụm. Leo trèo khát khô cả ngày lên đỉnh núi cao vút. Anh tu ừng ực một hơi dài, rồi ngả người thư giãn trên ghế, gác chân lên và đan tay trước cái bụng phẳng lì của mình. Có điều gì đó vừa lóe lên trong đầu anh; tôi có thể cảm nhận được trước khi anh tiếp tục nói. Có vẻ như anh cần nốt chỗ bia cuối cùng để thả lỏng, hoặc cần phải xả nốt chút cảnh giác cuối cùng trước khi đi vào câu chuyện chính.

Vì khi Caballo mở miệng lần này, tôi như bị mê hoặc. Anh nói chuyện đến tận khuya, kể một câu chuyện kinh ngạc trải suốt 10 năm từ khi anh biến mất khỏi thế giới bên ngoài, trong đó có bao nhiêu nhân vật kỳ dị, những chuyến phiêu lưu sửng sốt, và những trận so găng quyết liệt. Và, ở cuối câu chuyện đó, là một kế hoạch. Một kế hoạch táo bạo.

Một kế hoạch, mà tôi dần dần nhận ra, là có cả tôi trong đó.

* * *

8

Để thấu hiểu tầm nhìn của Caballo, bạn phải quay lại đầu thập niên 90, khi một nhiếp ảnh gia chuyên chụp cảnh hoang dã đến từ bang Arizona tên là Rick Fisher tự hỏi mình một câu hỏi hiển nhiên: nếu như người Tarahumara là những người chạy bộ bền bỉ nhất, thì tại sao họ không tung hoành khắp các giải đấu khó nhằn nhất trên thế giới? Có lẽ, đã đến lúc họ cần gặp Fisherman – Ngư Ông.

Ai cũng sẽ có lợi, Fisher nhìn ra điều đó. Mấy thị trấn lười biếng hay được lên sóng truyền hình vì có các cuộc đua kỳ quặc, Ngư Ông sẽ biến thành Thợ Săn Cá Sấu đi tìm các Bộ lạc Mất tích, còn người Tarahumara được lăng xê tột đỉnh và trở thành mật ngọt của giới truyền thông. Tất nhiên, người Tarahumara là đám người rụt rè trước công chúng nhất hành tinh, và suốt nhiều thế kỷ qua đã trốn tránh khỏi các mối dây dưa với thế giới bên ngoài, nhưng…

Thực ra, Fisher sẽ phải lo đối phó với vướng mắc đó sau; còn hiện giờ, anh có vài rắc rối rất khó nhằn. Chẳng hạn, anh chẳng biết chút gì về chạy bộ, và hầu như không nói được tí tiếng Tây Ban Nha nào, chứ đừng nói đến tiếng của người Rarámuri. Anh không biết phải tìm người chạy bộ Tarahumara ở đâu, và cũng chẳng biết phải thuyết phục họ thế nào để họ đi theo, rời bỏ chỗ trú ẩn an toàn trong các hang động và đi thẳng vào hang ổ của Quỷ Râu Rậm. Và, đó mới chỉ là các tiểu tiết: giả sử như anh ta tập hợp được một đội điền kinh gồm toàn người Tarahumara, thì làm cách nào anh có thể đưa họ ra khỏi vùng thung lũng mà không có xe cộ, và vào được nước Mỹ mà không có hộ chiếu?

May thay, Fisher có một số biệt tài hữu dụng. Đứng đầu bảng là khả năng dò đường như gắn sẵn GPS trong đầu. Fisher giống như chú mèo nhà bất thình lình xuất hiện tại nhà ở Wichita sau khi bị lạc trong chuyến đi nghỉ tận Alaska. Khả năng đánh hơi tìm đường xuyên qua vùng thung lũng rối rắm của anh có thể nói là không có đối thủ trên cả hành tinh này, và gần như là bản năng thuần túy. Fisher chưa từng nhìn thấy thứ gì sâu hơn một cái rãnh trước khi rời vùng trung tây đến Đại học Arizona, nhưng khi tới nơi, anh ngay lập tức lao mình vào những nơi không ai dám đến. Khi còn là sinh viên, anh đã bắt đầu khám phá dải thung lũng Mogollon rắc rối như mê cung của bang Arizona, cả gan đi vào đây ngay sau khi trưởng nhóm thám hiểm Phoenix’s Sierra Club vừa mất mạng trong đó vì một cơn lũ quét chẳng hiếm gặp. Fisher, hoàn toàn không có kinh nghiệm và đồ nghề của Hướng đạo sinh, chẳng những đã sống sót, mà còn quay trở lại với những bức ảnh đẹp mê hồn của một vùng kỳ ảo dưới lòng đất.

Ngay cả Jon Krakauer, nhà thám hiểm tài ba và là tác giả của cuốn Into Thin Air (Tan biến), cũng phải thán phục. “Rick Fisher hoàn toàn có thể tuyên bố chủ quyền cao nhất đối với dải thung lũng Mogollon và vô số những bí ẩn trong đó.” Krakauer đã kết luận như vậy từ đầu sự nghiệp của Fisher, sau khi Fisher dẫn ông tới “một lát cắt mê hoặc của Trái đất, không như bất kỳ nơi nào mà người ta từng thấy” – một thế giới kiểu Willy Wonka1 với các hồ nước xanh như ngọc, các tòa tháp pha lê màu hồng, và những thác nước ngầm dưới đất.

1 Nhân vật ông chủ nhà máy sôcôla kỳ dị trong cuốn sách thiếu nhi kinh điển Charlie và nhà máy sôcôla của Roald Dahl. (BTV)

Điều này lại gợi nhắc tới một số kỹ năng khác của Rick Fisher: khi nói tới việc lôi kéo công chúng và thuyết phục người ta làm những điều đáng ra không nên làm, Fisher có thể khiến các mục sư giảng đạo trên ti vi phải hổ thẹn (và nếu quả thực họ biết hổ thẹn). Hãy nghe Krakauer kể lại câu chuyện kinh điển của Ngư Ông, chuyện Fisher thực hiện một chuyến đi bằng bè ở Copper Canyon khoảng giữa những năm 1980. Fisher thực sự không rõ mình sẽ đi tới đâu, nhưng anh bị cám dỗ bởi so sánh của Krakauer, “chuyến thám hiểm vào vùng thung lũng đó cũng tương tự như khám phá Himalaya.” Vậy mà anh ta vẫn xoay xở để thuyết phục được hai người bạn – một chàng trai và cô bạn gái của anh này – đi cùng. Mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ… cho tới khi Fisher chẳng may dừng chiếc bè lại ngay cạnh một cánh đồng bồ đà. Bất thình lình, một tên lính gác của băng ma túy xuất hiện với khẩu súng trường đạn đã lên nòng.

Không hề gì. Fisher chỉ việc rút ra một mớ bài báo về mình mà anh mang đi khắp nơi (đúng vậy, ngay cả trên bè mảng ướt nhẹp xuyên qua vùng đất nguy hiểm không nói tiếng Anh ở Mexico). Thấy chưa! Các anh không muốn gây rắc rối cho tôi đâu. Tôi, ờ, nói thế nào nhỉ – importante! ¡Muy importante! – Tôi quan trọng lắm đấy!

Tên lính gác lúng túng, đành phải để họ chèo bè qua, để rồi sau đó, Fisher lại cập bến vào một nơi cắm trại khác của dân buôn ma tuý. Sự việc lần này nghiêm trọng hơn. Nhóm của Fisher bị bao vây bởi một đám côn đồ – thiếu đàn bà giữa chốn hoang vu – đang say xỉn và cực kỳ thèm khát. Một trong bọn chúng tóm lấy cô gái người Mỹ. Khi bạn trai cô cố kéo cô lại, anh ta bị dộng một nòng súng vào ngực.

Và Fisher nổi đóa. Lần này, thay vì khoe đám tranh ảnh, bài báo; anh nổi điên lên. “Chúng mày là muy malos hombres!” Anh hét lên trong cơn giận dữ tột đỉnh, gọi đám côn đồ là “quân mất dạy” với vốn tiếng Tây Ban Nha của trẻ con cấp hai. “¡Muy muy malos!” Anh tiếp tục gào thét lên cho tới khi, theo lời kể của Krakauer, đám buôn ma túy cuối cùng phải ngăn gã điên gào thét bằng cách xô anh sang một bên và bỏ đi. Fisher vừa thoát án tử bằng cách cào mặt ăn vạ – và tất nhiên, anh phải đảm bảo rằng nhà báo Krakauer biết việc này.

Fisher thích tự lăng xê mình, điều này không có gì phải nghi ngờ, và vì vậy, anh tìm đủ cớ để khuếch trương danh tiếng. Trong khi hầu hết những nhà thám hiểm miền hoang dã trong những năm 80 đang hướng lên trên, đua với Reinhold Messner để leo lên 14 đỉnh cao nhất trên dãy Himalaya, thì Rick Fisher lại rúc sâu xuống các vương quốc lạ kỳ dưới nền đất. Dựa trên các ghi chép của Đại uý Frederick Bailey, điệp viên người Anh tình cờ phát hiện ra một thung lũng ẩn mình ở Tây Tạng vào những năm 1930 khi đang do thám các nhóm phiến loạn ở châu Á, Fisher đã giúp tìm ra Kintup trong truyền thuyết, một thác nước gầm gào che giấu lối vào hang động sâu nhất hành tinh. Từ đó trở đi, Fisher mò vào được tới những thế giới đã mất trên năm lục địa, lướt qua các vùng chiến sự và những đám phiến quân sát nhân để đi tiên phong trong việc leo sâu xuống lòng đất ở Bosnia, Ethiopia, Trung Quốc, Namibia, Bolivia và lại Trung Quốc nữa.

Các điệp viên, những viên đạn réo, những vương quốc từ thời tiền sử… ngay cả Ernest Hemingway cũng sẽ phải nín lặng và nhường bước khi Fisher bước vào trong quán bar. Nhưng dù đã đi được tới những đâu, Fisher vẫn luôn quay lại quê hương để theo đuổi mối tình sâu đậm nhất của mình: cô hàng xóm quyến rũ, Copper Canyon.

Trong một chuyến thám hiểm vào Barrancas, Fisher và vị hôn thê, Kitty Williams, đã làm bạn với Patrocinio López, một chàng trai Tarahumara trẻ tuổi lang thang vào thế giới hiện đại khi một con đường lấy gỗ lấn vào mảnh đất quê hương anh. Patrocinio đẹp trai như tài tử Hollywood và chơi loại đàn hai dây chabareke của người Tarahumara rất giỏi, sẵn lòng làm việc với Quỷ Râu Rậm tới mức Văn phòng Du lịch của Chihuahua lấy anh làm gương mặt cho Copper Canyon Express, chuyến tàu cổ điển hạng sang thường nổi còi dừng lại dọc vùng Barrancas, du khách ngồi trong các toa tàu có điều hòa, được chăm sóc bởi các nhân viên phục vụ đeo nơ, trong khi nhìn ngắm thiên nhiên hoang dã phía dưới. Công việc của Patrocinio là tạo dáng trên các bức áp phích với một cây vĩ cầm tự đẽo bằng tay (một di sản thủ công từ thời thổ dân còn làm nô lệ cho người Tây Ban Nha), ngụ ý rằng người Tarahumara dưới thung lũng chỉ là một đám người hiền hậu suốt ngày chơi vĩ cầm.

Rick và Kitty ngỏ ý nhờ Patrocinio dẫn họ tới xem một trận rarájipari, môn chạy đua dẫn bóng cổ đại của người Tarahumara. Có thể. Patrocinio trả lời, trước khi thể hiện rằng anh đã hòa nhập với thế giới hiện đại đến mức nào. Nếu ông bà sẵn sàng trả tiền. Anh đề nghị với Rick và Kitty rằng sẽ kêu gọi một số người chạy bộ, nếu họ cho ngựa chở thực phẩm vào cho cả làng anh.

Được chứ?

Đồng ý.

Rick và Kitty cung cấp thực phẩm, và Patrocinio tổ chức một cuộc đua nảy lửa. Khi Rick và Kitty vào làng, họ không phải chỉ được thấy một trận đấu hữu nghị quy mô nhỏ. Thay vào đó, là 34 người đàn ông Tarahumara không mặc gì ngoài mớ khố vải và dép xăng đan, đang được các thầy lang xoa bóp trước cuộc đua và ăn nốt cốc iskiate cuối cùng. Sau tiếng hô của già làng, họ lao đi, chạy dọc xuống đường mòn nền đất dài 60 dặm, cả đám người cuồng nhiệt gần như mất kiểm soát, không khoan nhượng, chạy từ sáng sớm tới đêm khuya, ào qua Rick và Kitty với tốc độ và đội hình chặt chẽ như có thần giao cách cảm với nhau, chẳng khác nào đàn chim sẻ di cư.

Ôi! ĐÂY mới thực sự là chạy bộ! Kitty, một người chạy bộ đường dài dày dạn kinh nghiệm, cũng bị mê hoặc. Cô lớn lên được ngắm nhìn cha mình, Ed Williams, dù cho ông sống ở vùng hạ lưu sông Mississippi, vẫn trở thành một tay đua chạy bộ đường núi không ai ngăn cản nổi. Bằng chứng về sự đáng gờm của Ed là trong tất cả các giải đua chạy bộ trên thế giới, ông thích nhất là giải Leadville Trail 100 khét tiếng, cuộc đua cự ly siêu marathon 100 dặm được tổ chức ở bang Colorado mà ông ta đã hoàn thành 12 lần. Và đến nay, ở tuổi 70, ông vẫn tiếp tục chạy bộ.

Một cuộc hôn phối đẹp đẽ đang hình thành trong đầu Rick: Patrocinio có thể kiếm người chạy bộ và cha vợ tương lai của anh, Ed, có thể giúp anh móc nối với nội bộ giải đua danh tiếng này. Tất cả những gì còn lại mà anh phải làm là kêu gọi tài trợ ngô để dụ dỗ người Tarahumara, và tìm một công ty sản xuất giày để cung cấp cho họ thứ gì đó bền chắc hơn mấy đôi xăng đan kia, và rồi…

Fisher tiếp tục vạch kế hoạch, mà hoàn toàn không hay mình đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho một thất bại.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3