Sinh Ra Để Chạy - Chương 05

* * *

9

Làm bạn với cơn đau, bạn sẽ không bao giờ đơn độc.

- Ken Chlouber, Người khai mỏ ở Colorado và là người kiến tạo giải đua Leadville Trail 100

Sơ hở lớn trong kế hoạch của Rick Fisher chính là việc giải đua Leadville được tổ chức ở Leadville.

Nằm trong một thung lũng khoảng hai dặm đi ngược lên rặng núi Colorado Rockies, Leadville là thành phố cao nhất Bắc Mỹ và trong nhiều ngày, đó còn là thành phố lạnh nhất (đến mức sở cứu hỏa không thể rung chuông vào mùa đông, sợ rằng nó sẽ vỡ vụn). Ngay từ lần đầu nhìn thấy những đỉnh núi đó, những người đầu tiên đến định cư đã thấy lạnh run. “Vì ở đó, trước những cặp mắt ngỡ ngàng, mờ mờ đằng xa là hiện tượng địa chất kỳ vĩ và bí hiểm nhất hành tinh.” Christian Buys, sử gia Leadville, kể lại. “Họ như đến một hành tinh khác. Nơi này xa xôi và đáng sợ đối với bất kỳ ai, nhưng cũng khơi gợi nguồn đam mê thám hiểm bậc nhất.”

Tất nhiên, từ đó tới nay mọi việc đã được cải thiện: đội cứu hỏa bây giờ dùng còi hiệu. Còn những chuyện khác thì… “Leadville trở thành quê hương của thợ mỏ, con nợ, và những kẻ đểu cáng.” Theo lời của Ken Chlouber, một gã bá vơ, chuyên đi thuần dưỡng ngựa hoang, cưỡi xe Harley, từng là thợ mỏ cứng cựa, khi anh ta tạo nên giải đua Leadville Trail 100, vào năm 1982. “Những người sống ở độ cao hơn 3.000 m có khí chất khác biệt.”

Dù biết họ bền bỉ đến mấy đi nữa nhưng khi nghe đến ý tưởng của Ken, bác sĩ hàng đầu ở Leadville cũng phải nổi đóa. “Anh không thể để người ta chạy 100 dặm trên độ cao này được.” Bác sĩ Robert Woodward phản đối. Ông tức giận tới mức đã chĩa ngón tay vào mặt Ken, tất nhiên là số phận ngón tay đó chẳng thể tốt đẹp gì. Nếu bạn đã từng nhìn thấy Ken, với đôi ủng mũi thép chứa đôi bàn chân cỡ 13 và cái nhăn mặt rúm ró như tảng đá mà anh ta thường xuyên trưng ra để kiếm sống, bạn sẽ hiểu ngay rằng đừng có dại mà đưa tay lại gần mặt anh ta, trừ khi đang say be bét hoặc cực kỳ nghiêm túc.

Bác sĩ Woodward lúc đó không say. “Anh sẽ giết chết bất cứ kẻ nào ngu ngốc đi theo anh!”

“Đếch sao!” Ken đáp trả. “Giết bớt vài người sẽ làm chúng ta nổi tiếng trở lại trên mặt bản đồ.”

Không lâu trước cuộc tranh cãi nảy lửa của Ken và bác sĩ Woodward vào ngày mùa thu năm 1982 lạnh lẽo đó, mỏ Climax Molybdenum đã bị đóng cửa, và hầu hết mọi người ở Leadville mất việc. “Moly” là chất khoáng làm gia tăng độ bền chắc cho thép, dùng trong sản xuất tàu chiến và xe tăng, vì vậy, khi Chiến tranh Lạnh dịu xuống, thì thị trường chất moly cũng hạ nhiệt. Gần như chỉ sau một đêm, Leadville không còn là thị trấn náo nhiệt với cửa hiệu kem lâu đời trên con phố chính cổ kính, mà biến thành thành phố tuyệt vọng, đói việc nhất Bắc Mỹ. Cứ mười người lao động ở Leadville thì có tám người làm việc ở mỏ Climax, và hai người còn lại thì phụ thuộc vào tám người này. Từng tự hào là nơi có thu nhập trên đầu người cao nhất bang Colorado, nơi này bỗng chốc trở thành vùng nghèo nhất bang.

Thành phố đã ở tình trạng không thể tồi tệ hơn. Và rồi nó đã trở nên tệ hại hơn nữa.

Những người hàng xóm của Ken suốt ngày say xỉn, đánh đập vợ mình, rồi rơi vào trầm cảm, hoặc phải bỏ xứ mà đi. Một dạng rối loạn tâm thần quy mô lớn xảy ra trên khắp thành phố, màn đầu của một xã hội văn minh tàn lụi: người ta mất công việc vốn mang lại miếng cơm manh áo; để rồi, sau các vụ đâm chém, bắt bớ, những lời cảnh báo tịch biên tài sản, họ mất luôn cả khát vọng cuộc đời.

“Số người thu dọn đồ đạc và bỏ đi lên đến con số hàng trăm.” Bác sĩ John Perna, người phụ trách phòng cấp cứu Leadville, nhớ lại. Phòng cấp cứu của ông bận rộn như trạm quân y dã chiến và phải đối mặt với đủ chấn thương mới. Thay vì các chấn thương kiểu sái chân, kẹp nát ngón tay do tai nạn lao động, bác sĩ Perna phải cắt bỏ ngón chân của thợ mỏ say ngất ngoài trời tuyết, và gọi cảnh sát cho các bà vợ đi cấp cứu giữa đêm với xương gò má bị vỡ, mang theo lũ trẻ con sợ hãi.

“Chúng tôi đang trượt dần vào tình trạng chán nản chết người.” Bác sĩ Perna kể. “Và cuối cùng, chúng tôi phải đối mặt với sự biến mất của cả thành phố.” Quá nhiều thợ mỏ đã bỏ đi, và số công dân cuối cùng của Leadville còn chẳng ngồi kín mảng khán đài lộ thiên ở sân bóng trong một giải đấu cỡ nhỏ.

Niềm hy vọng duy nhất của Leaville là du lịch, và nó cũng vô vọng nốt. Kẻ ngu ngốc nào lại đi nghỉ ở một nơi có đến chín tháng lạnh giá, chẳng có sườn núi nào đáng để trượt tuyết, và không khí thì loãng đến mức ngay cả hít thở thôi cũng đã là bài tập cardio. Vùng nông thôn của Leadville thì khắc nghiệt tới mức, Sư đoàn Sơn cước số 10 tinh nhuệ của lục quân thường lấy làm nơi luyện tập tác chiến Alpine (chiến đấu trên núi tuyết khắc nghiệt).

Tồi tệ hơn nữa, tai tiếng của Leadville cũng đáng sợ như địa lý của nó. Trong nhiều thập kỷ, nơi đây là thành phố man dại nhất tại Miền Tây hoang dã, “một cái bẫy chết người,” như một sử gia từng ghi lại, “mà còn vỗ ngực huênh hoang về sự suy đồi của bản thân.” Holliday, một nha sĩ biến chất thành con bạc tay lăm lăm súng, thường hay giao du tại quán rượu với gã bạn Wyatt Earp, nổi danh với tài bắn nhanh và cuộc đọ súng ở O.K Corral. Jesse James cũng thường lẻn đến nơi này, bị cuốn hút bởi các toa tàu chở vàng và những nơi lẩn trốn tuyệt hảo trong các ngọn núi gần đó. Đến tận cuối những năm 1940, lính đặc nhiệm của Sư đoàn Sơn cước số 10 vẫn bị cấm đi vào trung tâm Leadville; họ có thể đáng sợ đối với quân phát xít Đức, nhưng chẳng là gì với đám bợm bạc cũng như gái điếm sát nhân, những tay trùm kiểm soát State Street.

Leadville quả thực là một nơi khắc nghiệt, Ken biết rõ điều này. Ở đây, đàn ông rất khó nhằn, và phụ nữ còn ghê gớm hơn nữa, và…

Khốn thật! Tất cả chỉ có vậy.

Nếu điều đáng giá duy nhất còn lại của Leadville là sự gan góc, thì phải lấy chính nó làm thế mạnh. Ken đã nghe nói về một gã ở California, một thổ dân tóc dài miền sơn cước tên là Gordy Ainsleigh, con ngựa của gã bị què ngay trước khi diễn ra sự kiện thi đấu sức bền ngựa đua lần đầu trên thế giới, giải đua ngựa đường mòn Western States Trail Ride. Gordy vẫn quyết định thi đấu. Gã xuất hiện tại vạch xuất phát với đôi giày thể thao và chạy bộ hết 100 dặm xuyên qua Sierra Nevada. Gã uống nước từ các con suối, được bác sĩ thú y kiểm tra sức khỏe tại các trạm y tế, và hoàn thành trước thời gian giới hạn 24 giờ cho đám ngựa, mà vẫn còn thừa 17 phút. Hẳn nhiên, Gordy không phải kẻ điên khùng nhất California, năm sau, một người chạy bộ khác xuất hiện trong cuộc đua ngựa… và năm tiếp sau đó nữa… cho tới năm 1977, người đua đã đông hơn cả ngựa, và giải Western States đã trở thành giải chạy bộ 100 dặm đầu tiên trên thế giới.

Ken chưa từng chạy marathon, nhưng nếu một gã lập dị nào đó ở California có thể chạy hết 100 dặm, thì nó có khó lắm không? Thêm nữa, một cuộc đua bình thường sẽ chẳng mấy ý nghĩa; nếu muốn trụ được, Leadville cần một sự kiện với sức mạnh khiếp hãi, để bật lên giữa các cuộc đua 26,2 dặm nhàng nhàng như nhau.

Vì vậy, thay vì một giải marathon, Ken đã tạo ra một con quái vật.

Để hình dung thứ mà Ken nghĩ ra, bạn hãy thử chạy giải Boston Marathon hai lần liền với một chiếc tất nhét trong miệng và sau đó leo lên đỉnh Pikes Peak.

Xong chưa nào?

Tuyệt! Bây giờ, làm lại tất cả các việc đó một lần nữa, lần này, nhắm mắt. Về cơ bản thì giải Leadville Trail 100 là như vậy: gần bốn cuộc marathon, một nửa trong số đó là trong bóng đêm, cộng thêm việc phải leo gần 800 m ở quãng giữa. Điểm xuất phát giải Leadville cao gấp đôi độ cao mà các máy bay bắt đầu phải điều chỉnh áp suất trong khoang, và từ điểm đó, bạn chỉ có đi lên cao hơn.

“Bệnh viện kiếm bộn tiền từ chúng tôi.” Ken Chlouber vui vẻ xác nhận, sau 25 năm kể từ cuộc đua đầu tiên và cuộc tranh cãi nảy lửa giữa anh ta với bác sĩ Woodward. “Đó là dịp cuối tuần duy nhất mà tất cả giường trong khách sạn và phòng cấp cứu đồng thời kín chỗ.”

Ken biết rõ điều này. Anh đã chạy tất cả các giải Leadville, dù đã phải nhập viện do mất nhiệt trong lần chạy thử đầu tiên. Các tay đua giải Leadville thường xuyên ngã khỏi bờ dốc, vỡ mắt cá, bị phơi quá lâu ngoài trời, gặp các chứng loạn nhịp tim kỳ lạ và say độ cao.

May thay, giải Leadville chưa từng lấy mạng ai, có thể là bởi nó thường ép người ta đến nước đầu hàng, trước khi họ kịp gục ngã. Dean Karnazes, tự xưng là “Người chạy siêu marathon”, đã không thể hoàn thành giải đua trong hai lần đầu tiên; sau khi chứng kiến anh ta bỏ cuộc hai lần, người Leadville tặng cho anh ta biệt danh: “Ofer” (“O fer one, O fer two… “ – “Trắng tay lần một, trắng tay lần hai…”). Hằng năm, chưa đến một nửa số người tham dự hoàn thành được giải này.

Không có gì ngạc nhiên, một giải đua với số người thất bại nhiều hơn số người hoàn thành sẽ thu hút đám vận động viên rất khác thường. Trong năm năm liền, nhà vô địch giải Leadville là Steve Peterson, thành viên của một giáo phái tâm thức bậc cao tên là Divine Madness (Cơn điên loạn thần thánh), giáo phái tìm kiếm niết bàn thông qua các bữa tiệc tình dục, chạy bộ đường mòn cực hạn, và cung cấp dịch vụ lau dọn nhà cửa giá rẻ. Một huyền thoại của giải Leadville là Marshall Ulrich, một ông trùm ngành thức ăn cho chó, một người nhã nhặn, và đã gọt giũa bản thân bằng cách phẫu thuật gỡ bỏ móng chân. “Đằng nào thì nó cũng rụng suốt.” Marshall nói.

Khi Ken gặp Aron Ralston, người leo núi đã tự cắt bỏ bàn tay bằng một lưỡi dao cùn trong bộ dụng cụ đa năng vì kẹp tay vào một tảng đá lăn, Ken đã đưa ra một lời đề nghị kinh ngạc: nếu Aron muốn chạy giải Leadville, anh sẽ không phải đóng phí. Hết thảy đều sửng sốt. Nhà đương kim vô địch muốn trở lại thi đấu trong giải cũng phải đóng tiền. Đại tông sư anh hùng Ed Williams vẫn phải trả tiền. Ken cũng phải trả tiền. Nhưng Aron lại được chạy miễn phí – Tại sao?

“Anh ta chính là tinh hoa của Leadville.” Ken nói. “Chúng ta có một khẩu hiệu: bạn mạnh mẽ hơn bạn nghĩ, và bạn có thể làm được nhiều hơn bạn tưởng. Người như Aron, anh ta cho đám còn lại chúng ta thấy mình có thể làm được gì nếu quyết tâm nỗ lực hơn nữa.”

Bạn có thể nghĩ rằng Aron tội nghiệp đã phải chịu đựng đủ rồi, nhưng chỉ hơn một năm sau tai nạn, anh đã nhận lời đề nghị của Ken. Với cánh tay giả vung vẩy bên mình, Aron đến vạch đích sớm hơn thời gian 34 tiếng giới hạn của giải và về nhà với một mặt thắt lưng bạc, và là minh chứng rõ hơn cho lời Ken về chuyện làm thế nào hoàn thành được giải Leadville này:

Bạn không cần phải nhanh. Bạn chỉ cần không biết sợ hãi.

* * *

10

Thật hoàn hảo! Leadville chính là buổi trình diễn hoang dại, dữ dằn đến nghẹt thở mà Rick Fisher đang tìm kiếm. Như thường lệ, anh muốn phải thật nổi đình nổi đám, và một ngày hội như giải Leadville chính là cơ hội. Có lẽ nào ESPN lại không nhẩy cẫng lên khi quay được cảnh những anh chàng đẹp trai mặc váy, phá tan kỷ lục của một cuộc đua huyền thoại nổi danh là giải chạy ăn thịt người? Tất nhiên là phải cắn câu rồi!

Vì vậy, tháng 8 năm 1992, Fisher lại rồ máy, quay trở lại làng của Patrocinio trên chiếc Chevy Suburban cũ kỹ. Anh lấy được giấy thông hành từ Bộ du lịch Mexico, và có một khoản trả công bằng ngô cho các tay đua. Trong khi đó, Patrocinio dụ dỗ được năm người cùng làng tin tưởng vào gã chabochikỳ lạ và sốt sắng với cái tên chẳng thoát nổi khỏi miệng họ. Tiếng Tây Ban Nha không có âm “sh”, vì vậy Fisher nhanh chóng được thưởng thức óc hài hước tinh ranh của người Tarahumara khi được đội hình mới thành lập gọi bằng cái tên Pescador – Ngư Ông (the Fisherman). Dĩ nhiên, như vậy dễ phát âm hơn; nhưng nó cũng đồng thời mô tả chính xác tính cách tham lam của anh này, với cơn thèm khát câu được con cá lớn luôn tỏa ra như từng đợt hơi nóng phả ra từ mui xe ô tô đang nổ máy.

Thây kệ. Fisher chẳng quan tâm. Họ cứ việc gọi anh là Tiến sĩ Óc Ngắn cũng được, miễn là họ nghiêm túc khi cuộc đua bắt đầu. Ngư Ông tống đội chạy của mình lên chiếc Chevy và giẫm ga tiến đến Colorado.

Vào ngày diễn ra giải đua, ngay trước bốn giờ sáng, đám đông ở vạch xuất phát tại Leadville đã phải cố kiềm chế để không nhìn chòng chọc vào năm người đàn ông mặc váy, đang loay hoay với đám dây buộc xa lạ của đôi giày bóng rổ bằng vải đen mà Ngư Ông đã kiếm cho họ. Những người Tarahumara thay nhau rít vài hơi cuối từ điếu thuốc lá màu đen, rồi rụt rè di chuyển về cuối đoàn đua trong khi 290 người còn lại đồng thanh hô Ba… hai…

Bùùùùm! Thị trưởng Leadville nổ phát đạn ra hiệu lệnh xuất phát từ khẩu súng săn nòng loe cỡ lớn cũ kỹ và những người Tarahumara lao vào cuộc đua để thể hiện tài năng.

Nhưng chỉ được một lúc. Chưa chạy được nửa đường, tất cả các tay đua Tarahumara đều bỏ cuộc. Khốn kiếp thật! Fisher gằn lên vào bất cứ cái tai nào mà anh túm được. Đáng lẽ tôi không nên bắt họ đi mấy đôi giày đó, và chẳng ai nói cho họ biết rằng họ sẽ được ăn tại các trạm tiếp tế. Tất cả là lỗi của tôi. Họ chưa nhìn thấy đèn pin bao giờ, vì thế, họ cứ bị hút theo mấy ánh đèn đó như những ngọn đuốc…

Ôi dào, chuyện xưa như Trái đất. Vẫn là câu chuyện về người Tarahumara gây thất vọng, vẫn là những lý do kiểu Tarahumara cũ nhách. Chỉ có vài sử gia điền kinh thực sự bị ám ảnh bởi môn này mới biết rằng, Mexico từng đưa một cặp vận động viên người Tarahumara đến thi đấu nội dung marathon tại Olympic năm 1928 ở Amsterdam và cả kỳ Olympic 1968 tại Mexico City. Cả hai lần, người Tarahumara đều không giành được tấm huy chương nào. Lý lẽ của những lần đó là cự ly 26,2 dặm quá ngắn, cuộc dạo chơi marathon ngắn ngủi đó đã kết thúc trước khi họ có cơ hội cài sang số cao.

Có thể là như vậy. Nhưng nếu những người này thực sự là siêu nhân tốc độ như đồn đại, tại sao họ không bao giờ chiến thắng được ai? Không ai quan tâm khi bạn ném rổ ba điểm bách phát bách trúng ở sân sau. Quan trọng là bạn phải thể hiện được điều đó trong trận đấu. Và trong suốt một thế kỷ, người Tarahumara chưa bao giờ thi đấu ở bên ngoài mà không gây thất vọng.

Fisher băn khoăn mãi về điều này trên chặng đường dài trở về Mexico, và rồi, một ý nghĩ lóe lên. Tất nhiên rồi! Cũng giống như tại sao bạn không thể nhặt bất kỳ năm đứa trẻ trong một sân trường ở Chicago và rồi mong đợi chúng đánh bại được đội Bulls: không phải cứ là người Tarahumara thì bạn sẽ là người chạy bộ Tarahumara vĩ đại. Patrocinio cố sức giúp Fisher bằng cách tuyển mộ những người chạy bộ sống gần con đường mới trải nhựa, vì anh nghĩ họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi bị đám người bên ngoài vây quanh, và cũng dễ dàng hơn để tập hợp họ cho chuyến đi. Nhưng cũng như điều mà Ủy ban Olympic Mexico đáng lẽ phải nhận ra nhiều năm trước, những người Tarahumara dễ tuyển mộ nhất có thể không phải là những người đáng tuyển mộ.

“Cứ thử thêm lần nữa!” Patrocinio giục giã. Các nhà tài trợ của Fisher đã quyên cả núi ngô cho làng của Patrocinio, và anh không muốn mất món của trời cho ấy. Lần này, anh mở rộng đội hình ra khỏi làng mình. Anh đi sâu vào trong vùng thung lũng – và quay trở lại kịp thời. Lần này là một đội hình Tarahumara kỳ cựu.

Quả là “kỳ cựu” theo nghĩa đen.

Ken không thấy ấn tượng mạnh với đội Tarahumara mới xuất hiện ở giải Leadville tiếp theo. Người đội trưởng lần này trông như yêu tinh Keebler đã giải nghệ sớm về bãi biển Miami: đó là một ông già 55 tuổi, thấp bé, mặc váy choàng màu xanh dương điểm những bông hoa màu hồng lấp loáng, thêm nụ cười vô tư lự, một chiếc khăn hồng và cái mũ len kéo sụp xuống che hết đôi tai. Một người khác thì khoảng ngoài 40, còn hai đứa trẻ nhút nhát đứng sau thì trông chỉ như con của anh ta vậy. Cả đội hình lần này còn được trang bị tệ hơn năm ngoái; ngay khi đội Tarahumara đến nơi, họ lập tức biến mất vào bãi rác của thị trấn, và xuất hiện trở lại với những dải lốp cao su được chế thành dép xăng đan. Lần này thì không lo mấy vụ xây xát chân nữa nhé.

Chỉ vài giây trước khi cuộc đua bắt đầu, đám người Tarahumara lại biến mất. Lại đúng tinh thần thi đấu năm ngoái. Ken ngao ngán; cũng như lần trước, những người Tarahumara lại bẽn lẽn giấu mình phía sau đoàn đua. Khi tiếng súng vang lên, họ lại tà tà chạy ở cuối đoàn. Và họ cứ ở vị trí sau cùng như vậy, thờ ơ và chẳng màng kết quả…

… cho đến dặm thứ 40, khi Victoriano Churro (ông già trông như yêu tinh Keebler trong bộ đồ lam nhạt) và Cerrildo Chacarito (gã chăn dê bốn mươi mấy tuổi) bắt đầu nhẹ nhàng, gần như lãnh đạm, rảo chân dọc theo lề đường mòn, và vượt qua vài tay đua mỗi lần, khi họ bắt đầu bước vào ba dặm leo núi lên tới Hope Pass. Manuel Luna đuổi kịp, khóa đội hình vào bên cạnh họ và ba người lớn tuổi dẫn dắt đám người Tarahumara trẻ hơn như một đàn sói đi săn.

Heeya!

Ken hú lên như một tay cưỡi bò khi trông thấy những người Tarahumara quay trở lại về phía mình sau chỗ quay đầu ở dặm thứ 50. Có điều kỳ lạ gì đó đang diễn ra; Ken có thể nhận ra từ vẻ mặt lạ lùng của họ. Anh ta đã quan sát từng tay đua giải Leadville trong suốt thập kỷ qua, và chẳng ai trong số họ lại có vẻ mặt… bình thản đến vậy. 10 giờ liên tục chạy trên núi hoặc làm bạn quỵ ngã, hoặc phải để lại vết hằn trên gương mặt bạn, không có ngoại lệ. Ngay cả những người chạy cự ly siêu dài cừ khôi nhất ở thời điểm này cũng phải cúi gằm xuống, bước nặng nề, tập trung một cách nhọc nhằn vào nhiệm vụ gần như bất khả thi là đưa chân này lên trước chân kia. Nhưng còn ông già kia thì sao? Victoriano thì sao? Hoàn toàn bình thản. Như thể ông vừa tỉnh dậy sau khi chợp mắt, xoa xoa bụng và quyết định thể hiện cho đám trẻ biết người lớn chơi trò chơi này như thế nào.

Tới dặm thứ 60, những người Tarahumara như đang tung cánh. Giải Leadville bố trí cứ khoảng 15 dặm lại có một trạm tiếp tế, nơi những người hỗ trợ có thể bổ sung cho vận động viên của họ thức ăn, tất khô và pin nhưng những người Tarahumara chạy nhanh tới mức, Rick và Kitty chẳng kịp lái xe vòng quanh núi để đuổi kịp họ.

“Họ như thể mang theo cả mặt đất dưới chân mình.” Một khán giả thốt lên. “Cứ như một đám mây, hay sương mù bay qua sườn núi.” Lần này, Đội Tarahumara không còn là hai người dân bộ lạc thiểu số cô đơn trôi dạt giữa biển vận động viên Olympic. Họ cũng chẳng phải là năm thổ dân ngơ ngác trong đôi giày vải đáng sợ, không phải những người đã thôi chạy bộ từ khi người ta san ủi con đường tiến vào làng. Lần này, họ khóa theo đội hình đã được tập luyện từ khi còn nhỏ, với những cựu binh dày dạn và mưu lược chạy phía trước và đám nai con hăm hở bám sát theo sau. Họ chạy với những bước chân vững chắc và hoàn toàn tự tin vào bản thân. Họ là Người Chạy Bộ.

Cùng lúc đó, một cuộc thi sức bền khác đang diễn ra cách vạch đích vài dãy nhà. Hằng năm, đám dân chơi ở Sixth Street của thị trấn Leadville lại kéo nhau ra tiệc tùng suốt kỳ nghỉ cuối tuần, cố gắng thi gan với các tay đua chạy bộ. Họ bắt đầu cụng ly từ lúc phát súng báo hiệu bắt đầu cuộc đua vang lên, và uống liên tục cho tới khi cuộc đua chính thức kết thúc, 30 giờ sau đó. Giữa các lần cạn ly Jäger và Jell-O, họ cũng đồng thời thực hiện một chức năng cố vấn hệ trọng cho cuộc đua: báo hiệu cho những người tính giờ ở vạch đích bằng cách hò reo ầm ĩ ngay khi nhìn thấy một tay đua hiện ra từ bóng đêm. Lần này, đám say xỉn đó suýt nữa làm hỏng việc; vào lúc hai giờ sáng, Victoriano già nua cùng với Cerrildo khẽ lướt vèo qua – “như một đám sương mù bay qua sườn núi” – tới mức gần như chẳng ai hay.

Victoriano chạm đến dải băng đầu tiên, còn Cerrildo chỉ chậm hơn vài giây. Manuel Luna, dù đôi xăng đan mới đã đứt rời ở dặm thứ 83 và khiến đôi chân rớm máu, vẫn băng lên qua lối mòn đầy sỏi đá quanh hồ Turquoise để cán đích ở vị trí thứ năm. Người về đích đầu tiên không phải là người Tarahumara cán đích sau Victoriano gần một giờ đồng hồ – với khoảng cách gần sáu dặm. Những người Tarahumara đã không chỉ lội ngược dòng từ vị trí cuối cùng lên dẫn đầu, mà còn phá một loạt kỷ lục giải đua.

Victoriano là người chiến thắng cao tuổi nhất trong lịch sử, chàng trai 18 tuổi Felipe Torres là người về đích trẻ tuổi nhất, và đội Tarahumara là đội duy nhất nắm được ba trong số năm vị trí dẫn đầu – mặc dù hai người về đích đầu tiên của đội này có độ tuổi cộng gộp lên tới gần 100.

“Quá sức kinh ngạc!” Một vận động viên dự thi kỳ cựu tên là Harry Dupree đã trả lời tờ Thời báo New York. Sau khi đã tham gia giải Leadville 12 lần, Dupree nghĩ rằng chẳng còn điều gì có thể khiến anh ngạc nhiên trong giải đua này hơn thế. Và sau đó anh được chứng kiến Victoriano và Cerrildo lướt qua mình.

“Họ là mấy người đàn ông nhỏ bé, chạy bằng những đôi xăng đan và chưa từng tập luyện cho cuộc đua này. Và họ đã hạ gục những người chạy bộ đường dài cừ khôi nhất thế giới.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3