Sinh Ra Để Chạy - Chương 06

* * *

11

Tôi đã bảo mà!” Rick Fisher hoan hỉ.

Anh ta đã đúng về một chuyện khác nữa: đột nhiên, tất cả mọi người đều muốn giành phần từ Người Chạy Bộ. Fisher hứa hẹn rằng Đội Tarahumara sẽ trở lại vào năm sau, và cây đũa thần đó đã biến Leadville, từ một giải đua sức bền khó nhằn, ít tên tuổi thành một sự kiện truyền thông lớn. ESPN giành được quyền phát sóng; Wide World of Sports phát số đặc biệt “Những Tay Đua Siêu Đẳng Này Là Ai”; hãng bia Molson ký hợp đồng tài trợ cho giải Leadville. Hãng giày Rockport Shoes trở thành nhà tài trợ chính thức của đội chạy bộ duy nhất trên thế giới ghét giày chạy bộ.

Các phóng viên từ các tờ Thời báo New York, Sports illustrated, Le Monde, Runner’s World và nhiều tờ báo khác liên tục gọi Ken và đặt ra cùng một câu hỏi:

“Liệu có ai đánh bại được những gã này không?”

“Có!” Ken đáp. “Annie làm được.”

Ann Trason. Một giảng viên 33 tuổi dạy môn khoa học ở trường đại học cộng đồng đến từ California. Nếu bạn nói rằng có thể nhận ra Ann giữa đám đông, thì ắt hẳn bạn phải là chồng cô ấy, hoặc bạn đã nói dối. Ann hơi thấp, hơi gầy, có dáng vẻ uể oải, gần như vô hình sau mớ tóc mái màu nâu lông chuột – chuẩn hình dung về một giảng viên khoa học ở trường đại học cộng đồng. Cho đến khi tiếng súng hiệu lệnh xuất phát vang lên.

Nhìn Ann phóng vọt đi tại điểm xuất phát cũng giống như nhìn chàng phóng viên rụt rè Clark Kent2 tháo bỏ cặp kính và khoác lên tấm áo choàng siêu nhân màu đỏ. Cằm ngẩng cao, hai bàn tay nắm lại, mái tóc dập dờn như dải khói sau đuôi máy bay phản lực, phần tóc mái bị thổi ngược ra sau, làm lộ ra cặp mắt báo màu nâu lấp lánh. Trong trang phục thường ngày, Ann chỉ nhỉnh hơn một mét rưỡi; còn khi mặc quần chạy bộ, cô như biến thành người mẫu Brazil, với đôi chân thon gọn và lưng thẳng như nghệ sĩ múa ba lê, phần bụng màu nâu rám nắng, rắn rỏi đến mức gậy bóng chày quật vào cũng phải gãy nát.

2. Vỏ bọc đời thường của siêu anh hùng Superman trong loạt comic-phim cùng tên của hãng DC Comics (BTV).

Ann từng chạy đua ở sân vận động hồi học phổ thông, nhưng đã chán ốm việc chạy vòng vòng như chuột lang trên đường chạy hình ô van nhân tạo. Vì vậy, khi vào đại học, cô từ bỏ môn chạy bộ để theo học ngành hóa sinh (đối với cô, chạy trong sân còn chán hơn cả bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học). Trong nhiều năm liền, cô chạy chỉ để khỏi hóa điên. Khi não như phát nổ vì học hành, hay sau khi tốt nghiệp và bắt đầu làm nghiên cứu ở San Francisco, Ann lại giải tỏa căng thẳng bằng một buổi chạy ngắn quanh công viên Golden Gate.

“Tôi yêu chạy bộ chỉ vì thích cảm giác gió luồn qua tóc.” Cô nói. Cô chẳng màng đến các cuộc đua, mà chỉ bị cuốn theo cảm giác thoát khỏi cảnh tù túng. Chẳng lâu sau, cô bắt đầu giải tỏa căng thẳng bằng cách chạy bộ quãng dài chín dặm đến phòng thí nghiệm mỗi buổi sáng. Và khi cô nhận ra rằng chân mình lại khoẻ khoắn hoàn toàn vào lúc kết thúc giờ làm, cô lại chạy về nhà. Rồi sau đó, khi quen nếp chạy 18 dặm một ngày trong tuần làm việc, thì sẽ chẳng có gì to tát khi thư giãn trong một ngày thứ bảy lười biếng với một buổi chạy 20…

hay 25…

hay 30 dặm…

Vào một ngày thứ bảy, Ann dậy sớm và chạy 20 dặm. Cô nghỉ ngơi ngay trong bữa sáng, rồi lại quay ra chạy tiếp 20 dặm nữa. Cô phải làm mấy việc vặt liên quan đến đường ống nước trong nhà, nên sau khi chạy xong cuộc thứ hai, cô lôi đống dụng cụ ra và bắt tay vào việc. Cuối ngày, cô cảm thấy rất hài lòng với bản thân; cô đã chạy 40 dặm và tự mình giải quyết được một việc khá rắc rối. Và để tự thưởng cho bản thân, cô chạy thêm 15 dặm nữa.

55 dặm trong một ngày. Các bạn cô băn khoăn lo lắng. Có phải Ann mắc chứng rối loạn ăn uống? Hay chứng ám ảnh về vận động? Hay cô đang chạy trốn khỏi một cơn dằn vặt tâm lý vô thức? “Các bạn tôi thường bảo tôi không nghiện ma túy, mà là nghiện endorphins.” Ann nói và cách cô đáp lời bạn bè cũng chẳng làm họ yên dạ: cô thích nói với họ rằng chạy nhiều dặm như vậy trên núi “rất thơ mộng.”

Rõ rồi. Chạy điên cuồng một mình trên đường mòn, mệt rã, thậm chí đổ máu, lại giống như nhấm nháp sâm-panh dưới ánh trăng.

Nhưng đúng là như vậy, Ann quả quyết, chạy bộ rất thơ mộng; và tất nhiên, bạn bè cô chẳng thể hiểu được điều này, vì họ chẳng bao giờ làm thử. Đối với họ, chạy bộ là hành xác hai dặm để ních vừa chiếc quần bò cỡ 6. Họ leo lên bàn cân, cảm thấy thất vọng, rồi đeo tai nghe vào, cắm cúi chạy cho xong. Nhưng bạn không thể gồng mình kiểu đó trong suốt năm giờ, mà phải thả mình nhẹ nhàng vào chạy bộ, như trườn người vào một bồn tắm nước nóng, cho tới khi cơ thể không chống cự cơn sốc nữa và bắt đầu tận hưởng.

Thư giãn thả lỏng đúng mức thì cơ thể của bạn sẽ quen với nhịp điệu đều đặn như đưa nôi đó, tới mức bạn gần như quên rằng mình đang di chuyển. Và khi bạn vượt ngưỡng trạng thái trôi chảy nhẹ nhàng, nửa như đang lơ lửng đó, thì ánh trăng và rượu sâm-panh sẽ xuất hiện: “Bạn sẽ hoà nhịp với cơ thể mình, và biết khi nào có thể gắng thêm và khi nào cần phải thả lỏng.” Ann thường giải thích như vậy. Bạn phải chú ý lắng nghe hơi thở của chính mình; nhận biết được bao nhiêu giọt mồ hôi đang rịn ra trên lưng. Bạn phải đảm bảo rằng mình uống đủ nước mát, kèm theo đồ ăn nhẹ có muối, và thường xuyên thành thực tự vấn bản thân, rằng mình đang cảm thấy thế nào. Còn gì vui thú hơn là quan tâm tinh tế tới cơ thể của chính mình. Và vui thú có được tính là thơ mộng?

Chỉ chạy chơi cho vui mà Ann đã đạt được số dặm nhiều hơn đa phần vận động viên marathon chuyên nghiệp. Vì vậy, tới năm 1985, cô nhận ra đã tới lúc thử sức với những người chạy bộ thực thụ. Giải Marathon L.A chăng? Hừm, cô thà trở thành chuột lang chạy vòng quanh sân vận động trường học còn hơn là tốn ba giờ đồng hồ chạy quanh các tòa nhà trong thành phố. Cô muốn tham gia một cuộc đua hoang dại và thú vị để có thể đắm mình trong đó, y như cách mà cô vẫn thường làm với các cuộc dạo chơi trên núi.

Vụ này thú vị đây! Cô nghĩ, khi nhìn thấy mẩu quảng cáo trong một tờ tạp chí thể thao địa phương. Cũng như Western States, giải American River Endurance Run 50 dặm là một cuộc đua ngựa không có ngựa, một cuộc đua việt dã kiểu trên một đường đua trước đây là lối đi của kỵ sĩ cưỡi ngựa qua thôn trang. Nhiệt độ nóng bức, đường đầy dốc và cơ man hiểm hoạ. (“Cây sồi độc mọc khắp lối đường mòn.” Các tay đua được cảnh báo như vậy. “Bạn có thể sẽ gặp cả ngựa hoang và rắn chuông. Tốt hơn cả là đầu hàng chúng.”) Kể cả tránh được nanh rắn hay vó ngựa, thì bạn vẫn phải chuẩn bị tinh thần cho một cú thốc thẳng mặt luôn đón đợi: sau 47 dặm chạy đường mòn, bạn sẽ đụng phải một con dốc cao hơn 300 m ở ba dặm cuối cùng.

Tóm lại: giải đua đầu tiên của Ann sẽ là một cuộc marathon kép, có điểm xuyết thêm vết rắn cắn và ánh mặt trời thiêu đốt cháy da. Vậy là yên tâm không lo nhàm chán.

Và, chẳng ngạc nhiên, Ann chật vật đủ đường khi bắt đầu giải siêu marathon đầu tay. Nhiệt kế chỉ mức nhiệt độ trong phòng tắm hơi, và cô còn quá tay mơ để nhận ra rằng đáng nhẽ phải mang theo một chai nước khi chạy dưới sức nóng hơn 42 độ của ngày hôm đó. Cô cũng chẳng biết tí gì về tính toán tốc độ (liệu cô sẽ chạy hết chặng đua trong bảy giờ? Mười? Hay mười ba?) và còn nghèo nàn hơn về chiến thuật chạy giải đua đường mòn (những gã đi bộ lên dốc và chạy vọt qua cô khi xuống dốc bắt đầu làm cô nổi cáu. Chạy cho ra dáng đàn ông xem nào, lũ khốn!)

Nhưng khi cảm giác bất ổn qua đi, cô bắt đầu thả mình vào nhịp chân đều đặn đưa nôi của mình. Đầu cô ngẩng cao, tóc mái hất ra sau, và cô lấy lại được sự tự tin của một con linh miêu. Tới dặm thứ 30, hàng tá tay đua bắt đầu lảo đảo chùn chân dưới sức nóng, như lún vào một cái bánh nướng mới ra lò. Mặc dù bị mất nước trầm trọng, Ann dường như chỉ trở nên mạnh mẽ hơn, tới mức trên thực tế, cô đã đánh bại tất cả các nữ vận động viên khác trong giải và phá kỷ lục ở nội dung nữ, hoàn thành độ dài bằng hai cuộc marathon trên đường mòn chỉ với bảy giờ chín phút.

Chiến thắng gây sốc đó chỉ là khởi đầu cho một chuỗi thành tích rực rỡ. Ann tiếp tục trở thành nhà vô địch nữ của giải Western States 100 – được coi như giải Super Bowl của môn chạy đường mòn – 14 lần, một kỷ lục được bảo vệ suốt ba thập kỷ và khiến Lance Armstrong, tay đua bảy lần vô địch giải Tour de France trông chỉ như một ánh sáng lóe lên rồi vụt tắt. Và thậm chí chỉ là một ánh sáng mờ nhạt: Lance chẳng bao giờ đạp xe mà không có đội ngũ chuyên gia bám sát để theo dõi lượng calo nạp vào và liên tục phân tích từng chặng vào tai nghe của anh, trong khi Ann chỉ có chồng cô, Carl, chờ đợi trong rừng với một chiếc đồng hồ Timex và nửa cái bánh kẹp thịt gà tây.

Và không như Lance, người chỉ tập luyện để canh điểm rơi vào một giải duy nhất hằng năm, Ann điên cuồng với các cuộc đua. Có giai đoạn, cô chạy trung bình hai tháng một giải siêu marathon, cứ như vậy liên tục trong vòng bốn năm. Cường độ hành xác ấy đáng ra đã đánh quỵ Ann, nhưng cô đã hồi phục như một dị nhân; cô dường như vừa chạy vừa tái tạo năng lượng, và trở nên mạnh mẽ hơn ở những thời điểm đáng nhẽ ra phải bị suy yếu. Cứ mỗi tháng trôi qua, cô chạy càng nhanh thêm, và chỉ có một trận cảm cúm mới khiến cô vuột mất kỷ lục hoàn hảo: cô đã chiến thắng 24 giải đua trong suốt bốn năm đó, và chỉ tụt xuống vị trí thứ hai ở giải đua 60 dặm khi mà đáng nhẽ cô phải nằm bẹp trên ghế xô-pha với khăn giấy hỉ mũi cùng bát xúp nóng.

Tất nhiên, có một điểm yếu trên giáp trụ của cô. Chắc chắn phải có. Chỉ có điều… chưa ai tìm thấy nó. Ann cứ như một tay lực sĩ trong gánh xiếc, dễ dàng hạ gục gã đàn ông đáng gờm nhất thị trấn: cô chiến thắng cả trên đường nhựa lẫn đường mòn… trên đường bằng phẳng lẫn núi non lởm chởm… ở châu Mỹ, châu Âu và châu Phi. Cô đã phá kỷ lục thế giới các cự ly 50 dặm, 100 km và 100 dặm, lập thêm 10 kỷ lục thế giới nữa trên cả đường chạy sân vận động và đường nhựa. Cô vượt qua kỳ sát hạch cự ly Marathon Olympic, chạy với tốc độ 6 phút 44 giây một dặm trong 62 dặm và vô địch ở World Ultra Title, và sau đó chiến thắng cả giải Western States lẫn Leadville trong cùng một tháng.

Nhưng có một danh hiệu cứ liên tục tuột khỏi tay cô: trong nhiều năm, Ann không thể vô địch chung cuộc ở bất kỳ một cuộc đua cự ly siêu dài danh tiếng nào. Cô đã đánh bại tất cả các vận động viên nam và nữ ở nhiều cuộc thi nhỏ hơn, nhưng ở các giải thi đấu đỉnh cao, luôn luôn có một người đàn ông nào đó về đích trước cô vài phút.

Không thể để như vậy mãi được. Vào năm 1994, cô biết, thời cơ của mình đã tới.

* * *

12

Mọi sự trở nên kỳ cục ngay khi chiếc Chevy bụi bặm của Rick Fisher dừng bánh ở ngoài trụ sở giải đua Leadville và hai người đàn ông mặc áo choàng trắng như pháp sư bước ra khỏi xe.

“Này!” Ken Chlouber cất tiếng gọi khi bước ra ngoài để chào đón họ. “Các quái vật tốc độ đây rồi!” Ken chìa tay ra và cố gắng nhớ cách phát âm từ “chào mừng” vừa học được từ thầy giáo tiếng Tây Ban Nha ở trường trung học trong thị trấn.

“Ờ… Bee en benny…” Anh ta mở lời.

Một trong hai người mặc áo choàng mỉm cười và cũng chìa tay ra. Bất thình lình, Fisher chen ngay vào giữa.

“Không!” Fisher nói. “Anh không được đụng chạm vào họ như sai khiến, nếu không anh sẽ phải trả giá. Trong văn hóa của họ, đó là tội hành hung.”

Cái quái gì! Ken thấy máu sôi lên trong não. Có muốn biết hành hung là thế nào không? Thử giật tay thằng này lần nữa xem. Fisher chắc chắn không bao giờ quan tâm đến chuyện bắt tay lúc năn nỉ Ken tìm giúp chỗ trọ cho mấy người này. Giờ thì sao nào, Fisher nắm trong tay nhà vô địch và túi tiền tài trợ của Rockport; tất cả mọi người phải đối xử với họ như ông hoàng sao? Ken chực tống mũi ủng bọc thép vào mông Fisher, nhưng rồi chợt nghĩ đến điều gì đó, gã thở hắt ra, thư giãn, rồi tự nhủ rằng mình đã hơi nóng giận.

Ann chắc chắn đang khiến anh ta lo ngại. Ken nghĩ. Đặc biệt là cách mà truyền thông chơi trong vụ này.

Các câu chuyện trên bản tin đã thay đổi đột ngột từ khi Ann xác nhận sẽ có mặt ở Leadville. Thay vì băn khoăn không biết người Tarahumara liệu có chiến thắng hay không, câu chuyện giờ đây lại chuyển thành: không biết đội của Rick Fisher có bị bẽ mặt lần nữa hay không. “Người Tarahumara coi việc thua phụ nữ là nhục nhã” là tiêu đề được nhắc đi nhắc lại trên mặt báo. Đó trở thành một câu chuyện có sức hút khó cưỡng: cô giáo nhút nhát đang dũng cảm đi tới rặng núi Rocky để thi đấu với các đấng trượng phu thổ dân đất Mễ, và bất kỳ ai khác nữa, dù là nam hay nữ, dám chen vào giữa cô và dải băng chiến thắng ở một sự kiện thể thao lớn như vậy.

Dĩ nhiên, vẫn có một cách để Fisher giảm áp lực từ truyền thông cho Đội Tarahumara: anh ta chỉ cần ngậm miệng. Chưa từng có ai nhắc đến tính ngạo nghễ nam nhi của người Tarahumara cho tới khi Fisher kể cho các phóng viên. “Họ không chịu thua phụ nữ.” Anh nói. “Và sẽ chẳng chịu thua từ lần này đâu.” Đó là một tiết lộ có sức hấp dẫn – đặc biệt là với người Tarahumara, những người chẳng hiểu anh đang nói gì.

Thực ra xã hội người Tarahumara rất bình đẳng; đàn ông dịu dàng và tôn trọng phụ nữ, và người ta thường xuyên trông thấy họ địu con đằng sau lưng, giống như các bà vợ. Đàn ông và phụ nữ đua riêng biệt, điều đó là sự thật, nhưng chủ yếu vì lý do hậu cần: các bà mẹ với đàn con cần chăm bẵm không thể tự do chạy nhảy hai ngày liền trong các hẻm núi được. Họ phải ở gần nhà, vì vậy, các cuộc đua của họ thường ngắn hơn (và theo tiêu chuẩn của người Tarahumara, “ngắn” có nghĩa là từ 40 đến 60 dặm). Phụ nữ vẫn được tôn trọng như người chạy bộ cừ khôi, và thường giữ nhiệm vụ cho’kéame – sự kết hợp giữa đội trưởng và người cầm cái – khi những người đàn ông chạy đua. So với những người đàn ông Mỹ tôn sùng giải Bóng bầu dục, thì đàn ông Tarahumara như người hâm mộ ban nhạc nữ Lilith Fair.

Fisher đã từng một lần phải hổ thẹn vì cả đội hình của anh bỏ cuộc giữa chừng. Giờ đây, nhờ lần nhỡ miệng kia mà anh đã đứng vào giữa tâm điểm truyền thông của Cuộc chiến Giới tính, mà rất có thể, anh sẽ thua. Kỷ lục cá nhân của Ann tại Leadville hai năm về trước chỉ chậm hơn thời gian 20 giờ 3 phút của Victoriano khoảng 30 phút, và cô đã tiến bộ vượt bậc kể từ lúc đó. Hãy xem giải Western States; cô đã rút ngắn được đến 90 phút chỉ trong vòng một năm. Không ai có thể nói trước được rằng cô sẽ làm gì khi xuất hiện tại Leadville, khi đang ngùn ngụt quyết tâm giành chức vô địch.

Hơn nữa, Ann đang có lợi thế: Victoriano và Cerrildo không dự giải năm nay (họ phải trồng ngô và không có thời gian để tham gia một cuộc chạy chơi đùa khác nữa), vì vậy Fisher đã mất đi hai tay đua cự phách nhất.

Ann đã từng vô địch giải Leadville hai lần, vì vậy, không giống mấy tay mơ Fisher mới tuyển mộ được, cô có lợi thế to lớn nữa là nắm rõ từng khúc ngoặt gây bối rối trên đường chạy. Chỉ cần bỏ lỡ một điểm đánh dấu tại giải Leadville, bạn có thể sẽ phải lang thang nhiều dặm trong bóng tối mới bắt lại được vào đường đua.

Ann cũng có khả năng thích nghi khí hậu rất nhanh với những cao độ lớn, và cô biết rõ hơn ai hết cách phân tích và giải quyết vấn đề hậu cần cho một cuộc chạy đua cự ly 100 dặm. Về bản chất, giải đua siêu dài là một phương trình nhị phân, tạo nên từ hàng trăm câu hỏi dạng có/không: Ăn ngay bây giờ hay chờ thêm? Lao nhanh xuống con dốc này, hay giảm tốc độ, để dành cơ tứ đầu cho đoạn đường bằng phẳng? Có nên kiểm tra xem cái gì đang gây ngứa ngáy trong tất, hay bỏ mặc để chạy tiếp? Cự ly siêu dài sẽ khiến mọi vấn đề dù nhỏ nhất biến thành rắc rối lớn (một vết rộp dẫn đến một chiếc tất đẫm máu, từ chối một thanh PowerBar có thể gây mụ mẫm đầu óc tới mức chẳng thể chú ý được mốc đánh dấu đường chạy), vì vậy, chỉ cần một câu trả lời sai là có thể làm cuộc đua bị đổ bể. Nhưng điều này không bao giờ xảy ra với Ann, cô học trò tài năng; cứ vào các cuộc chạy siêu dài là cô lại hoàn thành xuất sắc các bài trắc nghiệm này.

Nói ngắn gọn: Người Tarahumara rất đáng khen vì đã thể hiện là những tay nghiệp dư có khả năng gây sửng sốt, nhưng lần này, họ phải chạm trán với dân chuyên nghiệp đỉnh cao trong bộ môn này (đúng theo nghĩa đen; Ann hiện đã là vận động viên chuyên nghiệp do Nike tài trợ). Người Tarahumara đã có được khoảnh khắc tỏa sáng ngắn ngủi với tư cách là các nhà vô địch giải Leadville; còn bây giờ, họ trở lại đây với thế cửa dưới.

Điều này lý giải sự có mặt của những người mặc áo choàng trắng phù thủy.

Tuyệt vọng trong việc thay thế hai cựu binh vắng mặt, Fisher đã đi theo Patrocinio lên một ngôi làng trên ngọn núi Choguita cao hơn 2.700 m. Ở đây, anh tìm được Martimano Cervantes, một bậc thầy môn bóng chạy 42 tuổi và truyền nhân, chàng trai Juan Herrera 25 tuổi. Choguita khá lạnh vào buổi đêm và bị ánh mặt trời thiêu đốt vào ban ngày, vì vậy, ngay cả khi chạy bộ, người Tarahumara ở làng Choguita vẫn giữ ấm cơ thể bằng các tấm áo choàng len dài gần đến gót chân. Mỗi khi họ sải bước chạy xuống đường mòn, trong tấm áo choàng tung bay, trông họ như những ảo thuật gia, hiện ra từ một làn khói.

Juan và Martimano có vẻ nghi ngại. Họ chưa từng rời làng, và chuyến đi này hứa hẹn một khoảng thời gian dài cô đơn giữa lũ Quỷ Râu Rậm. Fisher đã dập ngay ý định phản đối của bọn họ; anh có tiền và sẵn sàng trả hậu hĩnh. Năm đó, mùa đông trên cao nguyên tại Choguita khô hạn và mùa xuân còn tồi tệ hơn, và anh biết rằng nguồn thực phẩm của họ đã xuống thấp đến mức nguy hiểm. “Hãy đến và chạy đua cùng chúng tôi.” Fisher hứa hẹn. “Và tôi sẽ cung cấp cho làng một tấn ngô, nửa tấn đậu.”

Ừm. 50 bao tải ngô cũng chẳng phải quá nhiều cho một ngôi làng… nhưng ít nhất là nó được đảm bảo. Nếu họ có bạn bè đi cùng, thì chắc sẽ ổn thôi.

Chúng tôi còn có một số người khác cũng chạy rất nhanh, họ bảo Fisher. Có thể thêm vài người đi cùng không?

Không được, Fisher đáp. Chỉ mình hai anh thôi.

Ngư Ông thực ra đang bí mật thực hiện một mưu đồ khác: bằng việc chọn những người chạy bộ từ càng nhiều ngôi làng khác nhau càng tốt, anh hy vọng sẽ làm chính những người Tarahumara cạnh tranh với nhau. Họ sẽ cắn xé lẫn nhau và giành chiến thắng ở Leadville trong cuộc cạnh tranh này. Đây là mưu kế ranh ma – và hoàn toàn lầm lạc. Nếu Fisher biết rõ hơn về văn hoá của người Tarahumara, anh sẽ hiểu rằng chạy đua không làm chia rẽ các ngôi làng; mà khiến họ đoàn kết lại. Đó chính là cách mà các bộ tộc ở xa nhau thắt chặt tính gắn kết và tình thân giữa những người cùng bộ lạc, và cũng giúp tất cả mọi người trong hẻm núi đều trong tình trạng sẵn sàng tương trợ khi có tình huống khẩn cấp. Tất nhiên, đua là phải có tính cạnh tranh, nhưng nó chỉ như một ván bóng chạm trong gia đình vào buổi sáng ngày Lễ Tạ ơn. Người Tarahumara xem cuộc đua như một lễ hội của tình bằng hữu; còn Fisher thì lại cho rằng đó là một trận đánh.

Nam đấu với nữ, làng nọ đấu làng kia, giám đốc giải đua đấu với người quản lý đội – chỉ sau vài phút kể từ lúc tới Leadville, Fisher đã trù tính bão tố trên cả ba mặt trận. Và sau đó anh thực sự bắt tay vào việc.

“Này, tôi chụp chung một bức ảnh với họ được không?” Một tay đua dự giải hỏi khi nhìn thấy những người Tarahumara trong thị trấn trước khi cuộc đua diễn ra.

“Tất nhiên rồi!” Fisher đáp. “Anh có 20 đô chứ?”

“Để làm gì?” Tay đua kia giật mình hỏi lại.

Vì những tội ác chống lại nhân loại. Vì một thực tế là “người da trắng” đã đối xử không ra gì với người Tarahumara và những tộc người thiểu số khác suốt nhiều thế kỷ qua, Fisher giải thích. Và nếu anh không thích điều này, thì rất tiếc: “Tôi chẳng quan tâm chút nào đến cộng đồng chạy bộ siêu dài.” Fisher sẵn sàng nói vậy. “Tôi không quan tâm đến người da trắng. Tôi thích người Tarahumara nện một trận ra trò vào đám mông trắng.”

Mông trắng? Chắc phải rất lâu rồi Fisher không ngoái lại để ngắm cái bàn tọa của chính mình. Và anh ta đang làm gì ở đây cơ chứ: một giải đua, hay một cuộc chiến?

Chẳng ai có thể tới trò chuyện với những người Tarahumara, thậm chí chẳng thể vỗ vai họ và nói “Chúc may mắn” mà không bị gã Ngư Ông chen vào giữa. Ngay cả Ann Trason cũng nhận thấy có cả một bức tường thù địch chắn trước mặt cô. “Rick cố gắng cô lập những người Tarahumara một cách không cần thiết.” Sau này, cô phàn nàn. “Anh ta còn chẳng để cho chúng tôi nói chuyện với họ.”

Các quan chức của hãng Rockport cảm thấy bối rối. Họ vừa ra mắt một loại giày chạy đường mòn, và toàn bộ chiến dịch marketing được xây dựng xoay quanh giải Leadville. Loại giày đó thậm chí còn được đặt tên là Leadville Racer. Khi Rick Fisher kêu gọi họ tài trợ (“Hãy nhớ là chính anh ta tìm đến chúng tôi”. Tony Post, phó chủ tịch hãng Rockport kể với tôi như vậy), Rockport đã làm rõ rằng người Tarahumara sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá. Rockport sẽ rót tiền, và đổi lại, người Tarahumara sẽ phải đi những đôi giày màu vàng đó, đi trước đám đông, xuất hiện trong một số mẩu quảng cáo. Như vậy có được không?

Hoàn toàn nhất trí, Fisher hứa hẹn.

“Rồi, tôi đến Leadville và gặp cái gã kỳ lạ này.” Tony Post kể tiếp. “Anh ta luôn nóng nảy một cách thiếu kiềm chế. Thật mâu thuẫn. Mấy người hết sức hiền lành lại nằm dưới sự quản lý của một kẻ đại diện tồi tệ bậc nhất của văn hóa Mỹ. Như thể…” Post ngừng lời để hồi tưởng lại, và trong sự im lặng đó, bạn gần như có thể nghe thấy được cơn bừng tỉnh trong đầu ông. “Như thể anh ta ghen tỵ vì họ đang thu hút hết những sự chú ý.”

Và cứ thế, với các cuộc chiến cứ âm ỉ vây quanh, người Tarahumara dập điếu thuốc và rón rén ngại ngần lách qua các tay đua khác để đi đến điểm xuất phát, là mặt trước toà án Leadville, nơi mà trước đây họ treo cổ những tên trộm ngựa. Giữa bạt ngàn những cái ôm, những cái bắt tay, tình bằng hữu của những người chuẩn bị cùng vào sinh ra tử mà các tay đua khác chia sẻ cho nhau trong loạt đếm ngược cuối cùng, những người Tarahumara trông thật cô độc.

Nụ cười hòa nhã của Manuel Luna biến mất và gương mặt anh ta rắn lại như gỗ sồi. Juan Herrera chỉnh lại chiếc mũ Rockport và xỏ chân vào đôi giày Rockport mới màu vàng chóe có đế dày như ủng leo núi giá 110 đô-la. Martimano Cervantes thì thu mình vào tấm áo choàng trong cái lạnh về đêm trên núi Rocky. Ann Trason bước lên trước mặt họ, làm các động tác thả lỏng, và nhìn sâu vào màn đêm phía trước.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3