Sinh Ra Để Chạy - Chương 08

* * *

15

Da thịt quanh cơ thể tôi mềm ra và thư giãn, như một thử nghiệm trong nhạc nền có mục đích.

- Richard Brautigan, Trout Fishing in America (Câu cá hồi ở Mỹ)

Trông họ mới vui làm sao!” Huấn luyện viên Vigil kinh ngạc thốt lên. Ông chưa bao giờ thấy điều này. “Kỳ lạ thật!” Niềm vui sướng và lòng quyết tâm thường là hai cảm xúc đối kháng với nhau, vậy mà những người Tarahumara này lại tràn ngập cả hai sắc thái, cứ như việc chạy đến chết làm họ tràn trề sức sống hơn vậy.

Vigil hăng hái ghi chép lại (Hãy nhìn cách họ chạy với ngón chân hướng xuống dưới, chứ không hướng lên trên, giống như các vận động viên thể dục dụng cụ đang tập trên thảm. Và lưng họ nữa! Họ có thể đội cả xô nước mà chẳng sánh ra ngoài một giọt. Đã bao nhiêu năm mình dặn học trò phải giữ thẳng lưng và chạy từ phần thân giữa cơ thể như vậy?) Nhưng chính những nụ cười mới làm ông chấn động.

Đây rồi! Vigil nghĩ, và cảm thấy ngây ngất. Mình đã tìm thấy rồi!

Có điều, ông vẫn không chắc chắn là mình tìm thấy điều gì. Phát hiện ông hằng mong đợi giờ đây đang ở ngay trước mắt, nhưng ông vẫn không thực sự nắm bắt được. Ông chỉ có thể cảm nhận được chút ánh sáng hé lộ, như tìm thấy bìa một cuốn sách quý hiếm trong một thư viện chỉ được chiếu sáng bằng ánh nến. Nhưng dù “nó” là gì chăng nữa, thì ông cũng biết đó chính xác là điều mình đang tìm kiếm.

Vài năm qua, Vigil đã bị thuyết phục rằng bước đột phá tiếp theo trong thể thao sức bền của nhân loại sẽ đến từ một lĩnh vực mà ông sợ hãi khi tiến vào: Tâm tính. Không phải kiểu “tâm tính” mà các huấn luyện viên khác suốt ngày ra rả. Vigil không phải đang nói đến “khí phách” hay “sự thèm khát” hoặc “kiểu khí chất bên trong”. Điều ông muốn nói đến lại hoàn toàn trái ngược. Quan điểm của Vigil về tâm tính không phải là tính bền bỉ cứng rắn. Đó là lòng thương cảm. Lòng tốt. Tình yêu.

Đúng vậy: Tình yêu.

Vigil hiểu rằng điều này nghe có vẻ ủy mị ướt át, và đừng hiểu nhầm, chính ông đã từng cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều khi bám lấy các thông số định lượng cụ thể như chỉ số VO2 tối đa, hay các bảng kế hoạch tập luyện có tính chu kỳ. Nhưng sau khi dành ra gần 50 năm nghiên cứu sinh lý học về phong độ, Vigil đã đi tới một kết luận không dễ chịu chút nào, rằng tất cả các câu hỏi dễ dàng đã được trả lời hết, ông càng ngày càng học được ít điều mới mẻ hơn. Ông có thể cho bạn biết chính xác một thiếu niên Kenya đã tập chạy được nhiều hơn bao nhiêu dặm so với thiếu niên Mỹ khi bắt đầu tập luyện (18.000 dặm chạy tập). Ông đã phát hiện ra tại sao các vận động viên chạy nước rút người Nga lại nhảy xuống từ thang (ngoài việc làm rắn chắc thêm cơ mặt ngoài chi dưới, thì chấn động đó sẽ dạy cho các dây thần kinh phản ứng nhanh hơn, làm giảm nguy cơ chấn thương trong luyện tập). Ông cũng đã phân tích được bí mật về chế độ ăn uống của những người nông dân Peru (sống ở trên độ cao lớn có tác động kỳ lạ đối với hệ trao đổi chất) và ông có thể nói chuyện hàng giờ về tác động của một phần trăm nhất định trong hiệu quả tiêu thụ oxy.

Ông đã hiểu rõ về cơ thể, vì vậy, bây giờ thì đến bộ não. Đặc biệt là: Làm thế nào bạn có thể khiến ai đó thực sự muốn làm những điều như thế này? Làm cách nào bạn bật được công tắc bí mật biến chúng ta trở lại thành Người Chạy Bộ Bẩm Sinh như trước đây? Không phải tìm kiếm ở tận đâu trong lịch sử xa xưa, mà chính trong cuộc đời của bạn thôi. Bạn có nhớ không? Khi còn là một đứa trẻ và phải bị quát mắng thì bạn mới chịu chậm bớt? Bạn chơi mọi trò với tốc độ nhanh nhất, chạy như điên khi đá ống bơ, hay chơi đuổi bắt ở sân sau nhà hàng xóm. Một nửa của niềm vui khi làm bất cứ điều gì là làm điều đó với tốc độ kỷ lục, như thể đó là lần cuối cùng trong đời bạn có thể bị than phiền vì chạy quá nhanh vậy.

Đó mới thực sự là bí mật của người Tarahumara: họ chưa từng quên tình yêu dành cho chạy bộ. Họ nhớ được rằng chạy bộ chính là nghệ thuật đỉnh cao đầu tiên của nhân loại, là hoạt động sáng tạo theo cảm hứng nguyên thủy. Rất lâu trước khi chúng ta nguệch ngoạc vẽ lên trên vách hang động, hay vỗ theo nhịp vào những thân cây rỗng, chúng ta đã hoàn thiện nghệ thuật kết hợp hơi thở, trí não và các cơ bắp thành chuyển động tự thân tiến lên phía trước, vượt qua địa hình hoang dã. Và khi tổ tiên của chúng ta cuối cùng cũng vẽ nên những bức tranh đầu tiên trong hang động, thì các hình vẽ đầu tiên là gì? Một vết cắt xuống, hình tia sét xuyên qua một hình ảnh – Người Chạy Bộ.

Chạy đường dài được tôn sùng vì nó thiết yếu; đó là cách chúng ta sống sót, phát triển và nhân rộng ra khắp hành tinh này. Bạn chạy để kiếm ăn và để tránh bị ăn thịt; bạn chạy để tìm kiếm bạn tình và gây ấn tượng với nàng, và cùng nàng, bạn lại chạy để xây dựng một cuộc sống mới. Bạn phải yêu thích chạy bộ, nếu không, bạn sẽ chẳng còn sống để yêu bất kỳ thứ gì khác. Và cũng như mọi điều khác mà chúng ta yêu thích – tất cả những gì ta hay gọi một cách uỷ mị là “đam mê” và “ham muốn” – nó thực sự là một điều tất yếu được lập trình sẵn về mặt di truyền. Chúng ta sinh ra để chạy; chúng ta sinh ra bởi vì chúng ta chạy. Tẩt cả chúng ta đều là Người Chạy Bộ, điều mà người Tarahumara luôn hiểu rõ.

Nhưng, theo cách tiếp cận của Mỹ thì – ôi chao. Thối rữa từ bên trong. Quá nhiều thứ nhân tạo và gượng ép, Vigil tin như vậy. Mọi thứ đều hướng về chuyện thành tích, và làm sao giành được nó ngay: những tấm huy chương, hợp đồng tài trợ với Nike, hay cặp mông đẹp đẽ. Nó không còn là một nghệ thuật nữa; tất cả là làm ăn, là đổi chác trần trụi. Không lấy gì làm lạ khi có nhiều người ghét chạy bộ đến vậy. Nếu bạn nghĩ rằng nó chỉ là một phương tiện để đi đến một điểm kết thúc nào đó – một khoản đầu tư để trở nên nhanh hơn, thon thả hơn, giàu có hơn – thì việc gì phải gắn bó với nó nếu bạn không nhận đủ lợi ích từ vụ đổi chác này?

Nhưng mọi việc không phải vẫn luôn như vậy – đã có lúc, chạy bộ là điều tuyệt vời. Hồi những năm 70, các vận động viên marathon của Mỹ rất giống với người Tarahumara, họ như một bộ lạc gồm toàn những kẻ bơ vơ bị cách ly với bên ngoài, chạy vì tình yêu và tin tưởng vào bản năng cùng với những dụng cụ đơn giản. Cắt bỏ phần trên của một đôi giày chạy những năm 70, bạn sẽ có một chiếc xăng đan: những đôi giày cũ của Adidas và Onitsuka Tigers chỉ bao gồm một lớp đế phẳng và dây buộc, chứ chẳng có kiểm soát chuyển động, nâng đỡ hõm chân hay miếng lót gót. Người ở thời những năm 70 chẳng biết đến mấy khái niệm “tiếp đất má ngoài” và “tiếp đất má trong”; mấy từ ngữ dùng trong các cửa hàng chạy bộ đó còn chưa được phát minh ra.

Việc tập luyện của họ cũng thô sơ như những đôi giày vậy. Họ chạy quá nhiều: “Chúng tôi chạy hai lần một ngày, thỉnh thoảng thì ba lần.” Frank Shorter nhớ lại. “Tất cả những gì chúng tôi làm là chạy – chạy, ăn và ngủ.” Họ cũng tập quá nặng: “Bài tập thông thường là để cho các vận động viên chạy cạnh tranh với nhau, chạy thi hằng ngày dưới hình thức các cuộc đua xe tự phát ngoài đường.” Một người quan sát miêu tả. Và họ quá thân thiện với nhau để có thể gọi là đối thủ cạnh tranh. “Chúng tôi thích chạy cùng nhau.” Bill Rodgers, một thủ lĩnh chạy bộ hồi những năm 70, từng bốn lần vô địch giải Boston Marathon, hồi tưởng. “Chúng tôi tận hưởng niềm vui với chạy bộ và chẳng phải chịu áp lực.”

Họ vô tư tới mức chẳng nhận ra rằng họ đáng ra phải bị kiệt quệ, tập quá sức, và bị chấn thương. Thay vào đó, họ chạy nhanh; rất nhanh. Frank Shorter giành được huy chương vàng Olympic năm 1972 và huy chương bạc năm 1976, Bill Rodgers được xếp hạng vận động viên marathon số một thế giới trong ba năm, còn Alberto Salaza chiến thắng ở giải Boston, New York, và giải siêu marathon Comrades. Tới đầu những năm 80, câu lạc bộ điền kinh Greater Boston đã có khoảng nửa tá vận động viên có khả năng chạy marathon với thành tích 2 giờ 12 phút. Sáu người, trong một câu lạc bộ nghiệp dư, trong một thành phố. 20 năm sau, bạn chẳng thể tìm thấy một vận động viên có khả năng chạy được marathon 2 giờ 12 phút trên khắp cả nước. Nước Mỹ còn chẳng thể có nổi một vận động viên đạt ngưỡng 2 giờ 14 phút để đạt tiêu chuẩn dự Olympic 2000; chỉ duy nhất Rod DeHaven đỗ vớt vào Thế vận hội với tiêu chuẩn “B” 2 giờ 15 phút. Anh ta về đích ở vị trí 69.

Vậy thì, điều gì đã xảy ra? Tại sao chúng ta từ người đứng đầu, lại trở thành những kẻ thua cuộc và bị bỏ lại phía sau? Đương nhiên, khó có thể xác định một nguyên nhân đơn lẻ nào trong cái thế giới hỗn tạp này, nhưng nếu bắt buộc phải chọn, thì câu trả lời phù hợp nhất có thể được tóm tắt như sau:

Lẽ dĩ nhiên, sẽ có nhiều người đưa ra lý do để bào chữa, rằng người Kenya có một dạng biến đổi gien gì đó về các sợi cơ, nhưng đây không phải chuyện tại sao người khác chạy nhanh hơn; mà vấn đề là tại sao chúng ta chạy chậm đi. Và thực tế là, môn chạy bộ đường dài của nước Mỹ đã rơi vào một vòng xoáy diệt vong khi chuyện tiền nong xuất hiện trong bức tranh toàn cảnh. Các kỳ Olympic bắt đầu mở cửa cho các vận động viên chuyên nghiệp từ sau Olympic 1984, đồng nghĩa với việc các hãng sản xuất giày có thể lôi môn chạy bộ đường dài ra khỏi “chốn hoang dã” và đưa vào khu bảo tồn “được trả lương”.

Vigil đã đánh hơi thấy ngày tận thế đang cận kề, và ông đã cố gắng cảnh báo học trò. “Có hai vị nữ thần trong trái tim các bạn.” Ông nói. “Nữ thần Thông Thái và Nữ thần Giàu Sang. Tất cả mọi người đều nghĩ rằng họ phải trở nên giàu có trước, rồi sự khôn ngoan sẽ tới. Vì vậy, họ chỉ lo đuổi theo đồng tiền. Nhưng họ đã nhầm. Bạn phải dâng trái tim mình cho nữ thần Thông Thái trước, dâng cho nàng toàn bộ tình yêu, sự quan tâm chăm sóc, nữ thần Giàu Sang sẽ ghen tỵ và theo đuổi bạn.” Hay nói cách khác, đừng đòi hỏi bất kỳ điều gì từ chạy bộ, và bạn sẽ có được nhiều hơn cả những gì bạn tưởng tượng.

Vigil chẳng phải đang vỗ ngực về tính thanh cao của sự nghèo khó, hay mơ tưởng về một cộng đồng những vận động viên marathon rỗng túi sống khắc kỷ như những thầy tu. Thậm chí, ông còn chẳng biết chắc là mình có thực sự tìm thấy mấu chốt của vấn đề hay không, chứ đừng nói là nghĩ ra được giải pháp. Tất cả những gì ông muốn, là tìm ra Người Chạy Bộ Bẩm Sinh – một người nào đó chạy bộ thuần tuý chỉ vì niềm vui, như một người nghệ sĩ đang đắm chìm trong cảm hứng – và nghiên cứu xem anh ta, hay cô ta tập luyện, sống và suy nghĩ như thế nào. Dù suy nghĩ đó là gì, thì có thể Vigil sẽ tìm cách cấy nó vào văn hóa Mỹ như một hạt giống báu vật truyền đời và quan sát nó lại được mọc lên một cách hoang dại một lần nữa.

Vigil đã có một mẫu vật hoàn hảo. Đã từng có một anh lính người Séc, một chàng trai hiền lành nhút nhát, chạy bộ với dáng xấu khủng khiếp đến mức “như vừa bị dao đâm trúng tim”, theo lời một cây bút thể thao. Nhưng Emil Zatopek yêu chạy bộ nhiều đến mức ngay khi còn là lính trơn trong trại huấn luyện, anh từng nhiều lần vớ lấy cây đèn pin và biến vào rừng để chạy 20 dặm một lượt giữa đêm khuya.

Với đôi bốt quân đội.

Giữa mùa đông.

Sau một ngày dài toàn các bài huấn luyện bộ binh.

Khi tuyết rơi quá dày, Zatopek thường giậm chân tại chỗ trên đống quần áo bẩn đang giặt, để vừa tập bài sức bền, vừa giúp cho quần áo trắng tinh. Ngay khi tuyết tan đến mức đủ để ra ngoài, anh liền hóa điên; anh sẽ chạy 400 m hết tốc lực, lặp đi lặp lại, 90 lần liền, nghỉ giữa các lần bằng cách chạy chậm 200 m. Kết thúc buổi chạy, anh đã thực hiện xong một bài tập tốc độ dài 33 dặm. Hỏi về tốc độ chạy, anh sẽ nhún vai; anh chẳng bao giờ tự bấm giờ. Để luyện tập cho khả năng bứt phá, anh ta cùng vợ, Dana, thường chơi đuổi bắt với một mũi lao, phóng mũi lao đó cho nhau qua một sân bóng, như thể đang chơi môn đĩa ném Frisbee hình que hết sức nguy hiểm. Một trong những bài tập yêu thích của Zatopek kết hợp tất cả các tình yêu của anh vào một: anh chạy chậm xuyên qua rừng, chân đi bốt quân đội, và cõng người vợ yêu thương vô bờ bến trên lưng.

Đương nhiên, tất cả những việc đó chỉ làm uổng phí thời gian. Người Séc giống như đội tuyển xe trượt tuyết của Zimbabwe; họ chẳng có truyền thống, chẳng có huấn luyện viên, chẳng có tài năng thiên bẩm, chẳng có cơ hội chiến thắng. Nhưng việc bị gạt ra ngoài lề lại mang đến sự tự do; chẳng có gì để mất, nên Zatopek được thoải mái thử mọi cách để giành chiến thắng. Hãy xem giải marathon đầu tiên của anh: mọi người đều biết rằng cách tốt nhất để chuẩn bị cho cuộc chạy 26,2 dặm: chạy các cự ly dài với tốc độ chậm. Mọi người, chỉ trừ Emil Zatopek; anh tập bằng các lượt chạy nước rút 100 m.

“Tôi đã biết cách để chạy chậm rồi!” Anh đưa ra lý do. “Tôi nghĩ rằng vấn đề là làm thế nào để chạy nhanh.” Dáng chạy gớm ghiếc, nhìn như đang giãy chết của anh là dấu chấm hết rành rành trong sách giáo khoa điền kinh (“Hình ảnh khủng khiếp đáng sợ nhất kể từ quái vật Frankenstein.”… “Anh ta chạy cứ như bước tiếp theo sẽ là bước cuối cùng vậy.” … “Anh ta trông như đang đánh vật với một con bạch tuộc trên một băng tải đang chạy”), nhưng Zatopek chỉ cười xoà. “Tôi không đủ tài năng để vừa chạy vừa tươi cười!” Anh nói. “Thật may đây không phải là trượt băng nghệ thuật. Bạn được tính điểm theo tốc độ, chứ không phải động tác.”

Và Chúa ơi, anh mới thích tán chuyện làm sao! Zatopek coi những cuộc thi cứ như những cuộc hẹn hò tốc độ vậy. Ngay cả khi đang ở giữa cuộc đua, anh vẫn thích tán dóc với những người chạy bộ khác và thử vốn tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Đức lõm bõm của mình, khiến một vận động viên người Anh phải lên tiếng phàn nàn. Những lần gặp mặt bạn bè phương xa, đôi khi anh có nhiều bạn mới trong phòng khách sạn tới mức phải nhường giường và đi ra ngoài ngủ dưới một gốc cây. Có lần, ngay trước một giải đua quốc tế, anh đánh bạn với một vận động viên người Úc đang cố phá kỷ lục 5.000 m của Úc. Zatopek chỉ đăng ký nội dung chạy 10.000 m nhưng anh đã nghĩ ra một kế hoạch; anh bảo anh chàng người Úc kia bỏ cuộc đua và xếp hàng cạnh Zatopek trong nội dung thi của mình. Zatopek dành nửa đầu cuộc đua 10.000 m để dẫn tốc độ cho người bạn mới đạt được kỷ lục, sau đó tăng tốc để lo việc của mình, và giành chiến thắng.

Nhưng, đó đúng là kiểu của Zatopek; các cuộc đua với anh giống như lang thang vào quán rượu. Anh thích thi đấu tới mức thay vì giảm khối lượng và chọn điểm rơi, anh nhảy vào bất kỳ giải đua nào. Trong một khoảng thời gian hừng hực nhiệt huyết cuối những năm 40, Zatopek tham gia các giải đấu gần như cứ hai tuần một lần trong vòng ba năm liền và không bị thua lần nào, với 69 lần chiến thắng liên tục. Và ngay cả với một lịch đua dày đặc như thế, anh vẫn chạy trung bình 165 dặm một tuần trong suốt thời gian tập luyện.

Khi đến dự Olympic 1952 tại Helsinki, Zatopek chỉ là chàng hói 30 tuổi, không có huấn luyện viên, sống trong căn hộ chung cư vùng Đông Âu cũ kỹ và tù túng. Vì đội Séc quá mỏng, nên Zatopek được tùy ý lựa chọn nội dung thi đấu. Anh chọn tất cả. Anh xếp hàng ở nội dung 5.000 m và giành chiến thắng với một kỷ lục Olympic mới. Sau đó, anh lại ra xếp hàng tiếp ở nội dung 10.000 m, và giành huy chương vàng thứ hai, với một kỷ lục mới nữa. Anh chưa từng chạy cự ly marathon trước đó, nhưng có quái gì; với hai huy chương vàng, anh chẳng có gì để mất, vì thế, sao không chơi nốt cho xong và thử hết sức xem sao?

Sự thiếu kinh nghiệm của Zatopek đã nhanh chóng hiển hiện. Đó là một ngày nóng, vì vậy, Jim Peters, vận động viên người Anh, người đang giữ kỷ lục thế giới, quyết định dùng sức nóng để dạy cho Zatopek một bài học. Ở mốc 10 dặm, Peters đã đạt thời gian thấp hơn 10 phút so với chính tốc độ đạt kỷ lục thế giới của mình, và bứt xa khỏi đoàn đua. Zatopek không chắc là có ai chịu nổi tốc độ nhanh đến rộp da như vậy. “Xin lỗi!” Anh nói, khi chạy sánh vai với Peters. “Đây là lần đầu tôi chạy marathon. Chúng ta có đang chạy nhanh quá không?”

“Không!” Peter đáp. “Quá chậm.” Nếu Zatopek ngu ngốc đến mức đi hỏi, thì anh cũng đủ ngốc để hứng chịu bất kỳ câu trả lời nào.

Zatopek ngạc nhiên. “Quá chậm?” Anh hỏi lại. “Anh có chắc tốc độ này là quá chậm không?”

“Đúng vậy!” Peter nói. Và sau đó anh ta ngỡ ngàng.

“Được rồi. Cảm ơn anh.” Zatopek tin Peters và phóng đi.

Khi ra khỏi đường ống và chạy vào sân vận động, anh được chào đón bằng những tiếng gầm vang của sân vận động: không chỉ từ khán giả, mà cả các vận động viên từ mọi quốc gia xúm lại quanh đường chạy để cổ vũ. Zatopek lao qua dải băng vạch đích với kỷ lục Olympic thứ ba của mình, nhưng khi các đồng đội của anh ùa tới để chúc mừng, họ đã quá muộn: các vận động viên chạy nước rút của Jamaica đã nhấc bổng anh lên vai và đưa anh vào khu vực sân trong. “Ta hãy sống sao cho khi ta chết, đến người làm dịch vụ tang lễ cũng phải cảm thấy tiếc thương.” Mark Twain từng nói. Zatopek đã tìm ra cách để chạy mà khi giành chiến thắng, ngay cả các đối thủ cũng cảm thấy vui mừng.

Bạn không thể trả tiền cho ai đó để chạy với một niềm vui có tính lây lan như vậy. Bạn cũng chẳng thể cưỡng ép họ làm, như Zatopek đã chứng minh. Khi Hồng quân tiến vào Prague năm 1968 để đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ, Zatopek đã buộc phải lựa chọn: đi theo những người Xô viết và thực hiện vai trò một đại sứ thể thao, hoặc dành quãng đời còn lại để cọ nhà xí trong một khu mỏ uranium. Zatopek đã chọn nhà xí. Và cứ như thế, một trong những vận động viên được yêu thích nhất thế giới đã biến mất.

Cùng thời điểm đó, tình cờ, đối thủ của anh trong việc giành danh hiệu người chạy bộ đường dài vĩ đại nhất thế giới cũng đang phải chịu trận. Ron Clarke, một chàng trai người Úc tài năng dị thường, với vẻ đẹp u tối và mơ màng như Johnny Depp, lại là kiểu người mà Zatopek có quyền ghen ghét. Trong khi Zatopek phải tự rèn luyện bằng cách chạy trên tuyết vào buổi đêm sau khi tan gác, anh chàng người Úc xinh trai lại được tận hưởng những buổi chạy nhẹ nhàng dưới ánh mặt trời, dọc theo các bãi biển ở bán đảo Mornington và được dạy bảo bởi các huấn luyện viên lão luyện. Tất cả những gì Zatopek mong ước có được, thì Clarke có thừa: Tự do. Tiền bạc. Nét thanh lịch. Tóc.

Ron Clarke là một ngôi sao – nhưng vẫn chỉ là một kẻ thua cuộc dưới con mắt của dân tộc mình. Mặc dù đã phá được 19 kỷ lục ở tất cả các cự ly từ nửa dặm cho tới sáu dặm, “gã tắc thở” vẫn chưa bao giờ dành được danh hiệu quan trọng nào. Mùa hè năm 1968, anh bỏ lỡ cơ hội cuối cùng: trong lượt chạy chung kết cự ly 10.000 m tại Thế vận hội Mexico, Clarke bị hạ gục bởi cơn chóng mặt độ cao. Đoán trước được rằng có cả một trận sỉ nhục đang đợi tại quê nhà, Clarke hoãn chuyến trở về bằng cách nhã nhặn ghé qua Prague để thăm hỏi người chưa từng thất bại. Cuối buổi gặp mặt, Clarke liếc thấy Zatopek lén bỏ thứ gì đó vào vali của mình.

“Tôi nghĩ chắc mình đang tuồn một thông điệp gì đó ra thế giới bên ngoài giúp ông, vì vậy, tôi không dám mở cái gói đó ra cho tới khi máy bay đã hoàn toàn rời khỏi mặt đất.” Clarke kể. Zatopek tạm biệt anh với một cái ôm thật chặt. “Bởi vì cậu xứng đáng.” Clarke thấy thật dễ chịu và xúc động; người thầy già nua đang phải đối mặt với những vấn đề tồi tệ hơn nhiều, nhưng vẫn vui vẻ tặng cậu trai trẻ một cái ôm như khi đứng trên bục chiến thắng, điều mà cậu vừa vuột mất.

Mãi sau đó anh mới phát hiện ra rằng Zatopek lúc đó không phải đang nói về cái ôm; trong vali của mình, Clarke tìm thấy chiếc huy chương vàng Olympic cự ly 10.000 m của Zatopek. Việc Zatopek tặng nó cho người thay mình đứng vào sách lưu giữ kỷ lục là vô cùng cao thượng; việc trao tặng nó đúng vào thời điểm mà anh sắp sửa mất hết mọi thứ trong cuộc đời mình, là một hành động cảm thông tột bậc.

“Lòng nhiệt tình, sự thân thiện, tình yêu cuộc sống của ông soi chiếu qua từng cử động.” Ron Clarke, sau này khi vượt qua được thời điểm khó khăn, đã nói. “Không có ai, và chưa từng có ai, vĩ đại hơn Emil Zatopek.”

Vì vậy, đây là điều mà huấn luyện viên Vigil đang cố làm rõ: Zatopek là một người vĩ đại tình cờ chơi môn chạy bộ, hay một người vĩ đại vì chạy bộ? Vigil không chắc về câu trả lời, nhưng linh tính mách bảo ông rằng có một mối liên hệ giữa khả năng yêu thương và khả năng yêu chạy bộ. Điều kiện là hoàn toàn giống nhau: cả hai đều phụ thuộc vào việc từ bỏ các ham muốn của riêng mình, gạt sang một bên những gì bạn muốn và trân trọng những gì bạn đang có, kiên nhẫn, vị tha và không đòi hỏi. Tình dục và tốc độ – chẳng phải hai yếu tố này đều là biểu trưng cho hầu hết sự tồn tại của chúng ta; chúng ta đã không thể sống sót nếu không chạy; và có thể chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu như giỏi hơn ở yếu tố này có thể làm ta cừ khôi hơn ở yếu tố kia.

Hãy nhớ, Vigil là một nhà khoa học, không phải thầy tu giảng đạo. Ông ghét việc lan man sang những chuyện kiểu như Phật tọa đài sen, nhưng ông cũng không định lờ nó đi. Ông phải tìm ra mối liên kết giữa những gì mà mọi người cho là sự tình cờ, và càng nghiên cứu kỹ mối liên hệ cảm xúc này, ông càng thấy nó hấp dẫn hơn. Liệu có phải là tình cờ mà trong ngôi đền của những người chạy bộ chuyên tâm nhất bao gồm cả Abraham Lincoln (“Ông có thể đánh bại tất cả các chàng trai trong cuộc đua chạy bộ”) và Nelson Mandela (một vận động viên trường đại học nổi bật trong môn chạy việt dã, người mà ngay cả khi bị cầm tù, vẫn tiếp tục chạy bảy dặm mỗi ngày trong xà lim)? Có thể Ron Clarke đã không thi vị hóa khi mô tả Zatopek – có thể con mắt tinh nhạy của anh ta đã hoàn toàn chính xác: Tình yêu cuộc sống của ông soi chiếu qua từng cử động.

Đúng! Tình yêu cuộc sống! Chính xác là như vậy! Đó là điều khiến tim Vigil đập rộn lên khi ông nhìn thấy Juan và Martimano vô tư chạy ngược lên con dốc đó. Ông đã tìm thấy Người Chạy Bộ Bẩm Sinh của mình. Ông đã tìm thấy cả một bộ lạc toàn những Người Chạy Bộ Bẩm Sinh, và từ những gì ông đã được thấy, họ vừa vui tươi lại vừa đẹp đẽ như ông mong đợi.

Vigil già nua đứng một mình trong rừng cây, đột nhiên cảm nhận một luồng sinh khí bất tử. Ông nhen nhóm một kế hoạch to lớn. Không phải là chạy thế nào; mà là sống thế nào, bản chất giống loài và ý nghĩa của sự tồn tại của chúng ta. Vigil đã đọc về Lumholtz, và tại thời điểm đó, những lời lẽ của nhà thám hiểm vĩ đại đã bộc lộ ra kho báu ẩn giấu: đó là ngụ ý của Lumholtz khi ông gọi những người Tarahumara là “người kiến tạo lịch sử nhân loại.” Có lẽ, tất cả những rắc rối của chúng ta – tất cả những bạo lực, sự trì trệ, đau ốm, nỗi muộn phiền và lòng tham mà chúng ta không thể vượt qua được – bắt đầu khi chúng ta ngừng sống như Người Chạy Bộ. Từ chối bản chất tự nhiên của mình, nó sẽ bùng nổ theo một cách khác, xấu xí hơn.

Sứ mệnh của Vigil đã rõ ràng. Ông phải lần tìm ngược lại con đường, từ chỗ chúng ta đã trở thành như thế nào, quay về chỗ người Tarahumara vẫn luôn sống ra sao từ trước tới nay, và tìm ra điểm mà chúng ta bị lạc bước. Tất cả các bộ phim hành động đều miêu tả sự hủy diệt của nền văn minh theo kiểu thảm họa đột ngột, một cuộc chiến tranh hạt nhân, một vệt sao chổi chết chóc, hay một cuộc nổi dậy của người máy biết tư duy nhưng biến cố lớn thực sự có thể đang nhen nhóm ngay trước mắt chúng ta: vì tình trạng béo phì bị mất kiểm soát mà cứ ba đứa trẻ sinh ra tại Mỹ thì có một đứa có nguy cơ bị tiểu đường – đồng nghĩa với việc, chúng ta có thể sẽ là thế hệ người Mỹ đầu tiên sống lâu hơn chính con cái của chúng ta. Có thể người Hindu cổ đại giỏi hơn Hollywood khi tiên đoán rằng thế giới sẽ diệt vong không phải với một vụ nổ lớn mà là một cái ngáp dài. Thần phá hủy Shiva sẽ tận diệt nhân loại bằng cách… chẳng làm gì hết. Ngài cứ tiếp tục lười biếng. Ngài hút dần sức lực từ nguồn máu nóng của ngài khỏi cơ thể chúng ta. Để mặc chúng ta trở thành những con ốc sên.

Tuy nhiên, huấn luyện viên Vigil cũng chẳng điên rồ. Ông không định đề nghị chúng ta chạy hết vào hẻm núi với người Tarahumara để sống trong hang và ăm thịt chuột. Nhưng hẳn phải có những kỹ năng có thể truyền thụ được, phải không nào? Những nguyên tắc cơ bản Tarahumara có thể tồn tại và cắm rễ được trên đất Mỹ?

Bởi vì Chúa ơi, hãy tưởng tượng xem ta sẽ thu được những gì. Nếu bạn có thể chạy bộ hàng thập kỷ và không bao giờ bị chấn thương… và chạy được hàng trăm dặm mỗi tuần, tận hưởng từng dặm một… thấy nhịp tim mình hạ bớt, cảm giác căng thẳng cũng như cơn giận dữ mờ nhạt đi trong khi năng lượng của bạn trào dâng? Thử tưởng tượng tội ác, cholesterol, và lòng tham tan biến, khi một dân tộc gồm những Người Chạy Bộ Cuối Cùng đã tìm lại được bước chạy của mình. Hơn cả những học trò tham gia Olympic, cao hơn những thành tích và kỷ lục của chính ông, đây mới là di sản của Joe Vigil.

Ông chưa có tất cả các câu trả lời – nhưng nhìn thấy những người Tarahumara vụt qua trong những tấm áo choàng phù thủy, ông biết mình có thể tìm thấy chúng ở đâu.

* * *

16

Thật buồn cười, vì Tóc Xù cũng đang nhìn vào cùng khung cảnh đó và tất cả những gì anh thấy là một người đàn ông trung niên với một cái đầu gối bị quỷ ám.

Tai của Tóc Xù nghe thấy vấn đề trước tiên. Nhiều giờ liền, anh đã nghe tiếng loạt soạt nhẹ nhàng từ các đôi xăng đan của Juan và Martimano, nghe như tay trống đang gõ nhịp bằng chổi. Phần đế dép không giống như đập xuống nền đất mà giống vuốt ve hơn, cào nhẹ ra sau mỗi khi bàn chân của họ đá cao lên phía mông và vòng trở ra trước cho bước chạy tiếp theo. Giờ này qua giờ khác: soạt… soạt… soạt…

Nhưng khi họ chạy xuống núi Elbert trên con đường mòn độc đạo về phía mốc 70 dặm, Tóc Xù phát hiện thấy một lỗi nhỏ trong nhịp chạy ấy. Martimano dường như đang nâng niu một chân, đặt nó xuống cẩn thận hơn, thay vì vung nó mạnh như trước. Juan cũng nhận ra; anh liên tục liếc nhìn Martimano với vẻ không yên tâm.

“¿Qué pasa?” Tóc Xù hỏi. “Sao vậy?”

Martimano không trả lời ngay lập tức, chủ yếu là vì ông đang tập trung rà soát lại 12 giờ vừa qua để xem liệu mình có thể chỉ ra đích xác nguyên nhân gây ra cảm giác đau này hay không: liệu có phải vì ông đã chạy 13 dặm với giày chạy đường mòn lần đầu tiên trong đời? Hay là vì ông đã dùng chân đó làm trụ xoay ở các chỗ ngoặt gấp trong bóng tối? Hay là do bị trượt chân trên các tảng đá trơn nhãy dưới lòng sông chảy xiết? Hay là tại…

“La bruja.” Martimano nói. Chắc chắn là do mụ phù thuỷ. Quang cảnh bên trong trạm cứu hỏa bỗng nhiên hiện ra mồn một. Ánh mắt nhìn chòng chọc của Ann, mấy câu nói gì đó mà cô quát về phía ông, những ánh mắt kinh sợ của mọi người, còn Kitty thì không chịu dịch lại ra tiếng Tây Ban Nha, lời nhận xét của Tóc Xù – tất cả đã rõ. Ann đã nguyền rủa ông. “Tôi đã vượt qua cô ta.” Martimano sau này nói. “Nhưng sau đó cô ta đã yểm bùa chú lên đầu gối của tôi.”

Martimano đã sợ những điều như thế này từ khi gã Ngư Ông từ chối đưa thầy pháp của họ theo. Ở quê nhà Barrancas, các pháp sư bảo vệ iskiate và pinole khỏi phép thuật phù thuỷ, và chống lại tất cả các bùa chú yểm lên hông, đầu gối, mông của người chạy bộ bằng cách xoa vào các chỗ đó những viên đá nhẵn cùng thảo dược nghiền nát. Nhưng ở Leadville, người Tarahumara không có pháp sư nào bên cạnh và hãy xem điều gì đã xảy ra: lần đầu tiên sau 42 năm, đầu gối của Martimano gặp rắc rối.

Khi Tóc Xù hiểu được điều gì đang xảy ra, anh ta bỗng cảm thấy một cơn trào dâng cảm xúc. Anh nhận ra, họ không phải là thần thánh, họ chỉ là con người. Và như mọi người khác, thứ mà họ yêu thích nhất có thể mang lại cho họ nỗi buồn và sự băn khoăn. Chạy 100 dặm cũng làm cho người Tarahumara bị đau; họ phải đối mặt với những nghi ngờ, và phải cố gắng bịt miệng con quỷ đang ngồi trên vai họ, thỏ thẻ vào tai họ những lý do tuyệt vời để bỏ cuộc.

Tóc Xù quay sang Juan, lúc này đang bị giằng xé giữa việc tung vó chạy đi hay ở lại với người thầy của mình. “Đi trước đi!” Tóc Xù nói với Juan và người dẫn tốc độ của anh ta. “Tôi sẽ lo cho anh ấy. Hãy chạy và hạ gục mụ phù thuỷ đó như săn một con hươu!”

Juan gật đầu và nhanh chóng biến mất ở một lối rẽ trên đường mòn.

Tóc Xù nháy mắt với Martimano. “It’s tú y yo, amigo.” Chỉ còn tôi với anh thôi, anh bạn.

“Guadajuko.” Martimano nói. Thế cũng được.

Cái cảm giác được chạm đến vạch đích làm Ann ngứa mũi. Lúc Juan tới trạm tiếp tế Halfmoon ở dặm thứ 72, Ann đã gần như tăng gấp đôi quãng cách biệt; cô chạy trước 22 phút và chỉ còn 28 dặm nữa.

Để hòa được với Ann, Juan sẽ phải rút bớt gần như một phút mỗi dặm, và anh sắp tới đoạn tồi tệ nhất để bắt đầu nỗ lực: đoạn đường dài bảy dặm trải nhựa. Ann, với kinh nghiệm chạy đường nhựa và đôi giày Nike có đệm khí, sẽ có khả năng co đôi chân dài và tung cánh. Juan, người chưa từng chạy trên nền nhựa đen cho tới tận ngày hôm đó, sẽ phải đối phó với mặt đường lạ bằng đôi xăng đan tự chế.

“Chân anh ấy sắp phải chịu trận rồi.” Người dẫn tốc độ của Juan nói vọng tới một nhóm ghi hình bên lề đường. Ngay khi Juan rời khỏi đường đất và chạm đến nền cứng, anh chùng gối và thu ngắn bước chạy, hấp thụ chấn động nhiều hết mức có thể bằng chuyển động nén lên xuống chân. Juan điều chỉnh tốt tới mức, trên thực tế, người dẫn tốc độ đang ngỡ ngàng của anh bị tụt lại phía sau, không theo kịp nổi.

Juan một mình rượt đuổi theo Ann. Anh chạy hết bảy dặm tới Fish Hatchery trong thời gian gần như đúng bằng khoảng thời gian anh chạy đoạn đó buổi sáng, rồi rẽ trái vào lối mòn lầy lội dẫn đến Dốc leo Powerline đáng sợ. Nhiều tay đua giải Leadville sợ dốc Powerline không kém gì Hope Pass. “Tôi từng nhìn thấy có người ngồi khóc bên vệ đường.” Một người từng tham gia giải Leadville nhớ lại. Nhưng Juan trườn lên đó như thể anh đã chờ nó suốt cả ngày, chạy thẳng lên các chỗ dốc gần như dựng đứng vẫn buộc hầu hết các tay đua phải chống tay vào đầu gối mà leo.

Phía trước, Ann đang tiến dần lên tới đỉnh, nhưng cặp mắt của cô đang díp lại vì kiệt sức, như thể cô chẳng thể nhìn nổi đoạn cuối của con dốc nữa. Hết chỗ rẽ này đến chỗ ngoặt khác, Juan dần dần thu hẹp khoảng cách – cho tới khi bất ngờ, anh ta co chân và bắt đầu nhảy lò cò. Tai hoạ ập tới; dây buộc một trong hai chiếc xăng đan của anh bị đứt, và anh chẳng có gì để thay thế. Trong lúc Ann đang leo lên đỉnh núi, Juan ngồi xuống một tảng đá và xem lại đoạn dây buộc. Anh xỏ lại dây dép, và nhận ra còn vừa đủ dây để giữ phần đế dính vào bàn chân. Anh cẩn thận buộc sợi dây ngắn đó, thử chạy vài bước. Ổn rồi!

Trong khi đó, Ann đã tới chặng cuối cùng. Cô chỉ còn 10 dặm đường mòn nền đất quanh Hồ Turquoise trước khi những tiếng hò hét của đám tiệc tùng Sixth Street thúc cô lên dốc và về đích. Lúc đó mới hơn tám giờ tối và cây cối quanh cô bắt đầu chìm vào bóng đêm – đúng lúc đó, có thứ gì đó lao vút khỏi rặng cây sau lưng cô. Nó tiến tới cô nhanh tới mức, Ann chẳng kịp phản ứng; cô đứng ngây ra giữa lối mòn, hoảng hốt tột độ, khi Juan phóng vọt qua phía trái cô bằng một bước chạy và trở lại lối mòn trong bước tiếp theo, tấm áo choàng trắng tung bay khi anh ta lao vụt qua Ann và biến mất trên đường mòn.

Anh ta thậm chí trông chẳng có vẻ gì mệt mỏi! Cứ như đang… vui chơi vậy! Ann đã bị nghiến nát, cô quyết định bỏ cuộc. Cô chỉ còn cách đích chưa đến nửa giờ, nhưng vẻ phơi phới của người Tarahumara, điều khiến Joe Vigil ngây ngất, đã khiến cô nhụt chí. Vừa mới đây, cô còn cảm thấy như sắp chết đến nơi mới giữ được vị trí dẫn đầu, còn gã này trông như có thể giật khỏi tay cô vị trí đó bất kỳ lúc nào. Thật nhục nhã; lúc này cô nhận ra rằng, ngay khi cô chơi bài Đánh cược Quân Hậu, Juan đã đánh dấu cô để hạ gục. Cuối cùng, chồng cô đã giúp cô tiếp tục di chuyển, vừa kịp lúc; Martimano và đám người Tarahumara còn lại đang tiến lên rất nhanh phía sau.

Juan qua vạch đích sau 17 giờ 30 phút, lập ra kỷ lục mới cho giải Leadville với 25 phút cách biệt. (Anh cũng lập một kỷ lục mới khác bằng cách bẽn lẽn chui qua dải băng thay vì chạm ngực, vì chưa từng thấy nó bao giờ.) Ann về đích gần nửa giờ sau, với thời gian 18 giờ 06 phút. Ngay sau lưng cô, Martimano cùng với cái đầu gối bị yểm bùa, về đích thứ ba, và Manuel Luna cùng những người Tarahumara còn lại ào về với các vị trí thứ tư, năm, bảy, mười và mười một.

“Một giải đua kinh ngạc!” Scott Tinley nói lạc cả giọng với khán giả truyền hình khi chĩa chiếc micro vào mặt Ann Trason. Cô chớp mắt dưới ánh sáng của chiếc camera, trông như sắp ngất xỉu, nhưng cuối cùng vẫn thốt ra được vài lời hiếu chiến cuối cùng.

“Đôi khi,” cô nói, “phải nhờ có đàn bà thì một người đàn ông mới có cơ hội thể hiện hết sức.”

Ồ, nói đi cũng phải nói lại! Những người Tarahumara có thể đáp rằng; nhờ có sự liều lĩnh quả cảm của Ann, định một mình đánh bại cả một đội toàn những nhà bác học trong chạy bộ đường dài, mà cô đã tự phá tan kỷ lục tại Leadville của chính mình, bớt thêm hơn hai tiếng đồng hồ, và thiết lập một kỷ lục mới của nữ mà chưa ai từng phá nổi.

Nhưng những người Tarahumara chẳng được tự do nói bất kỳ điều gì lúc này, kể cả khi họ sẵn sàng muốn chia sẻ. Họ rời khỏi đường đua và bước thẳng vào một mớ bòng bong rắc rối.

Đó đang nhẽ là thời khắc của họ. Cuối cùng, sau nhiều thế kỷ kinh hoàng bị săn đuổi để lấy mảng tóc da đầu, bị bắt làm nô lệ vì sức khỏe, và bị hiếp đáp vì đất đai của họ, người Tarahumara đã được kính trọng. Họ đã chứng tỏ được bản thân, mà không ai có thể chối cãi được, là những người chạy bộ siêu dài vĩ đại nhất Trái đất. Thế giới sẽ nhìn nhận rằng họ có những kỹ năng tuyệt hảo xứng đáng để học hỏi, một phong cách sống đáng để gìn giữ, và một mảnh đất quê hương xứng đáng được bảo tồn.

Joe Vigil phấn khích đến mức sẵn sàng để bán nhà và bỏ việc; Giờ đây, Leadville đã xây một cây cầu nối nước Mỹ với nền văn hóa Tarahumara, ông đã sẵn sàng thực hiện kế hoạch ấp ủ từ lâu. Ở tuổi 65, ông đằng nào cũng sắp nghỉ hưu ở Đại học Adams State. Ông và vợ mình, Caroline, sẽ chuyển đến sống tại vùng biên giới Mexico ở bang Arizona, nơi ông định lập ra một cơ sở nghiên cứu về người Tarahumara. Có thể mất thêm vài năm, nhưng trong thời gian đó, ông sẽ quay trở lại Leadville mỗi mùa hè và thắt chặt thêm mối quan hệ của mình với các tay đua Tarahumara. Ông sẽ bắt đầu học ngôn ngữ của họ… cho họ chạy trên máy tập cùng với dụng cụ đo nhịp tim và lượng khí oxy tiêu thụ tối đa… thậm chí, có thể tổ chức các cuộc hội thảo cùng với các vận động viên Olympic của ông! Vì đó là phần thú vị nhất. Ann đã ở đó cùng với họ, vậy thì bất kỳ điều gì mà những người Tarahumara đang làm, chúng ta đều có thể học hỏi được!

Tất cả thật là đẹp đẽ. Trong vòng vài phút.

Đừng hòng dùng một bức hình nào người Tarahumara của tôi, Rick Fisher tuyên bố khi Tony Post và các nhà chức trách khác của hãng Rockport ùa tới để chúc tụng, các anh phải bỏ thêm tiền.

Tony Post bàng hoàng. “Anh ta thực sự lên cơn. Anh ta xông tới cứ như nổi trận lôi đình, kiểu người sẵn sàng hạ sát đối phương. Cũng không hẳn là như thế!” Post vội thêm. “Anh ta như một gã nóng đầu, sẵn sàng tranh luận đến cùng và không bao giờ chịu nhận là mình sai.”

“Anh ta quả thực là rất khó chịu.” Ken Chlouber nói thêm. “Anh ta lúc trước chẳng khó chịu như vậy, cho tới khi có các nhà tài trợ lớn và đám phóng viên truyền hình, và sau đó anh ta bắt lỗi Rockport vì sử dụng đoạn phim về những người thổ dân này. Anh ta làm cho tôi khốn khổ với tư cách là giám đốc giải, anh ta chỉ vì bản thân mình, và chẳng chăm lo cho họ chút nào.”

Phản ứng của Fisher là nổi cơn điên, y như cách anh ta đã từng làm hồi bị bao vây bởi đám buôn ma túy trong Copper Canyon và chỉ thoát nạn bằng cách phát rồ. “Đây là một cuộc đua đã bị sắp đặt!” Fisher phàn nàn. “Họ đã có một cô nàng tóc vàng, mắt xanh mà họ muốn về nhất, và cô ta đã không giành được chiến thắng.” Fisher tố cáo rằng tất cả các nhà báo đều đã bị mua chuộc trong một cuộc chè chén suốt ba ngày do ban tổ chức giải Leadville tài trợ tại khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Aspen. Fisher kể với tôi, một nhà báo thậm chí còn cố gắng hối lộ anh ta, muốn đưa Fisher tiền để bắt Juan ghìm chân và hòa với Trason. “Tay nhà báo này, khá tên tuổi, nói rằng sẽ là thảm họa nếu Juan vô địch, và thực tế là, trong con mắt của những người chạy bộ da trắng, đó là một thảm hoạ kinh khủng nếu người Tarahumara giành chiến thắng.” Tại sao? “Bởi vì cái ý nghĩ bệnh hoạn của Mỹ cho rằng phụ nữ có thể cạnh tranh với đàn ông.” (Khi hỏi tên nhà báo đó, Fisher từ chối trả lời.)

Việc buộc tội Ken Chlouber và “những người tên tuổi trong giới truyền thông” âm mưu chống lại ngôi sao thu hút khán giả của sự kiện nghe chẳng hợp lý chút nào, nhưng Fisher mới chỉ đang khởi động. Anh ta còn tố cáo rằng một trong các tay đua của mình bị tuồn cho một lon Coke có độc, khiến người này “sụm suống và ốm thập tử nhất sinh,” trong khi một người khác lại bị quấy rối tình dục bởi “một gã da trắng” nào đó, lợi dụng việc xoa bóp sau giải để lùa tay xuống dưới váy của người Tarahumara kia và xoa “bộ phận sinh dục của anh ta.” Đối với Rockport, Fisher tố cáo rằng gói tài trợ của công ty này là đáng tức giận, thậm chí là tội ác. “Họ hứa sẽ đặt một nhà máy sản xuất giày ở Copper Canyon… toàn bộ thương vụ đó chỉ là tham nhũng bẩn thỉu… khi Rockport xem lại sổ sách, họ phát hiện ra rằng họ đã bị lừa và tổng giám đốc công ty này đã bị buộc thôi việc…”

Những người Tarahumara nhìn đám chabochi gào thét vào mặt nhau. Họ nghe thấy những tiếng nói giận dữ, và nhìn thấy những cái chém tay thù hận hướng về phía mình. Những người Tarahumara không biết người ta đang nói gì, nhưng họ đã hiểu được thông điệp. Khi đối mặt với nỗi giận dữ và sự thù địch, những vận động viên vĩ đại nhất thuộc thế giới ngầm này lại phản ứng theo cách mà họ vẫn luôn làm; họ trở lại hẻm núi quê hương, tan đi như một giấc mộng và mang theo những bí mật của mình. Sau thành tích của mình năm 1994, người Tarahumara không bao giờ trở lại Leadville nữa.

Nhưng có một người đã đi theo họ. Cũng chẳng ai nhìn thấy anh ta ở Leadville nữa. Đó chính là người bạn mới kỳ lạ của người Tarahumara, Tóc Xù – người sau đó sớm được biết với cái tên Caballo Blanco, kẻ lang thang cô độc của vùng núi cao Sierra.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3