Sinh Ra Để Chạy - Chương 09

* * *

17

Và bây giờ nếu không có những người man rợ nữa, thì chúng ta sẽ là gì?

Họ chính là lời giải đáp.

- Constantine Cavafy, “Đợi chờ những người man rợ”

Đó là chuyện cách đây 10 năm.” Caballo kết lại. “Còn tôi thì vẫn ở đây suốt từ khi ấy.”

Mamá đã tống khứ chúng tôi ra khỏi nhà hàng trong phòng khách của bà từ nhiều giờ trước để đi ngủ. Caballo vừa kể chuyện vừa dẫn tôi xuống các con phố vắng vẻ của thị trấn Creel rồi đi vào một quán rượu trong ngõ hẻm. Chúng tôi lại ở đó cho tới khi đóng cửa. Khi Caballo đưa tôi từ năm 1994 đến được thời điểm hiện tại, thì đã là hai giờ sáng và đầu tôi thì đang quay cuồng. Anh đã kể cho tôi nghe nhiều hơn mức tôi mong đợi, về khoảng thời gian huy hoàng của người Tarahumara trên các cung đường chạy bộ siêu dài nước Mỹ. Anh còn mách nước cho tôi cách để kiếm thêm thông tin từ việc tìm Rick Fisher, Joe Vigil và những người khác. Nhưng trong tất cả những câu chuyện đó, anh chưa bao giờ trả lời câu hỏi duy nhất của tôi:

Anh là ai?

Cứ như thể anh chưa từng là gì trước khi chạy bộ xuyên rừng với Martimano – hoặc anh đã làm nhiều việc mà không muốn nhắc tới. Mỗi lần tôi dò hỏi, anh lại lảng tránh bằng một câu cợt nhả hoặc đáp lấy lệ và đóng chặt chủ đề bằng cánh cửa hầm ngục (“Tôi kiếm đâu ra tiền á? Tôi làm cho mấy người giàu những việc mà họ không muốn tự làm”). Sau đó, anh lại chuyển sang huyên thuyên về chuyện khác. Các lựa chọn của tôi rất rõ ràng; tôi có thể đeo bám lẵng nhẵng rồi làm anh nổi cáu, hoặc cố gắng kiềm chế để được nghe những câu chuyện ly kỳ.

Tôi được biết sau giải Leadville năm 1994, Rick vẫn tiếp tục cơn cuồng nộ. Vẫn còn các giải đua và những người chạy bộ Tarahumara khác, nên chẳng lâu sau Fisher đã tập hợp được đội hình mới và dẫn dắt họ hết từ thất bại này đến thảm họa khác, y như một cuộc đi phượt đường trường của một cậu trai trung học. Đầu tiên, Đội Tarahumara bị đuổi khỏi giải đua 100 dặm Angeles Crest Endurance Run ở California vì Fisher cứ liên tục xông vào khu vực dành riêng cho các tay đua trong lúc đang thi đấu. “Tôi chẳng muốn loại tay đua.” Giám đốc giải đua phân trần. “Nhưng Rick không cho chúng tôi lựa chọn.”

Sau đó, ba tay đua Tarahumara lại bị loại sau khi về đích ở vị trí thứ nhất, nhì và thứ tư ở giải Utah Wasatch Front 100 vì Fisher từ chối đóng phí tham dự giải. Tiếp đó là giải Western States, nơi Fisher lại phô diễn cơn thịnh nộ một lần nữa. Ở đó, anh cáo buộc những tình nguyện viên của giải đã bí mật đánh tráo các mốc dấu chỉ đường để lừa người Tarahumara và – chuyện này thì có thật – lấy trộm máu của họ. (Tất cả tay đua tham gia giải Western States đều được yêu cầu cung cấp mẫu máu để phục vụ nghiên cứu khoa học về sức bền, nhưng riêng Fisher thì không hiểu sao lại đánh hơi thấy một âm mưu và lại làm ầm ĩ mọi chuyện. “Máu của người Tarahumara rất rất hiếm.” Người ta kể lại rằng anh cứ khăng khăng như vậy. “Giới y học chỉ muốn trộm lấy nó để làm thí nghiệm về di truyền.”)

Tới lúc đó, ngay cả người Tarahumara cũng phát ngán chuyện phải dây dưa với gã Ngư Ông. Họ cũng nhận ra rằng anh ta liên tục có những chiếc xe SUV mới toanh và đẹp đẽ, trong khi họ chỉ nhận được vài bao tải ngô cho hàng tuần đằng đẵng xa nhà và hàng trăm dặm chạy đường núi. Một lần nữa, làm việc với đám chabochi khiến người Tarahumara lại cảm thấy mình như nô lệ. Và đó là dấu chấm hết cho Đội Tarahumara. Họ giải tán đội – mãi mãi.

Micah True (hoặc bất kỳ cái tên nào khác mới là tên thật) cảm thấy gần gũi với người Tarahumara và căm ghét hành vi của đám đồng hương người Mỹ, tới mức anh cảm thấy phải sửa chữa những lỗi lầm ấy. Ngay sau khi chạy dẫn tốc độ cho Martimano trong giải Leadville năm 1994, anh đã dùng lời lẽ thuyết phục để lên sóng đài phát thanh ở Boulder, Colorado, đề nghị tất cả mọi người ai có áo khoác cũ thì hãy mang đến để quyên góp. Sau khi đã có một đống áo, anh đóng gói hết lại và lên đường đến Copper Canyon.

Anh chẳng có chút manh mối nào về việc phải đi tới đâu, nên khả năng tìm thấy anh bạn Martimano chẳng nhiều hơn so với việc Shackleton sống sót và trở về từ Nam Cực. Anh lang thang qua sa mạc, xuyên qua các hẻm núi, nhắc đi nhắc lại cái tên Martimano với bất kỳ ai mình gặp, và cuối cùng, anh khiến chính mình và cả Martimano phải ngỡ ngàng bằng việc có mặt trên đỉnh một ngọn núi cao hơn 2.700 m, ngay giữa làng của Martimano. Người Tarahumara chào đón anh theo cái kiểu kiệm lời cố hữu: họ hầu như không nói chuyện gì với anh, nhưng mỗi buổi sáng khi Caballo thức dậy, anh lại thấy một đống tortilla và pinole mới nấu ở chỗ mình cắm trại.

“Người Rarámuri không có tiền, nhưng không ai nghèo khó.” Caballo nói. “Ở Mỹ, khi hỏi xin một ly nước, người ta sẽ đưa bạn đến trại tế bần. Ở đây, người ta dẫn bạn vào nhà và cho ăn uống. Bạn muốn cắm trại ở bên ngoài, thì họ sẽ nói: ‘Tất nhiên là được, nhưng anh không thích vào nằm ngủ trong nhà cùng chúng tôi hơn sao?’”

Nhưng Choguita trở lạnh vào ban đêm, quá lạnh đối với một gã gầy còm đến từ California (mà cũng chẳng biết có phải anh thực sự đến từ đó hay không nữa), vì vậy, sau khi đã cho hết đống áo khoác, Micah vẫy tay adiós Juan và Martimano, rồi một mình rời khỏi đó, đi sâu vào những nơi ấm áp trong hẻm núi. Anh lang thang qua hang ổ của bọn buôn ma túy và những kẻ liều mạng khác mà chẳng hề hay biết, tránh được các bệnh tật và cơn sốt vùng hẻm núi, rồi cuối cùng cũng phát hiện ra một nơi yêu thích, ngay tại khúc uốn dòng chảy của một con sông. Anh khuân đá tới để dựng lều, và nó trở thành nhà của anh.

“Tôi quyết định phải tìm được nơi tốt nhất trên thế giới để chạy, và đã thấy nó ở đây.” Anh ta nói khi chúng tôi trở lại khách sạn đêm hôm đó. “Quang cảnh đầu tiên làm tôi ngơ ngẩn. Tôi quá phấn khích, chẳng thể chờ đợi thêm để được chạy trên những lối mòn đó. Tôi đã bị choáng ngợp, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng đây là chốn hoang vu. Tôi vẫn phải chờ đợi một thời gian.”

Anh cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác. Lý do anh chạy dẫn tốc độ ở Leadville mà không dự giải là bởi vì đôi chân anh đã bắt đầu phản chủ sau tuổi 40. “Tôi từng gặp rắc rối với chấn thương, đặc biệt là với mấy sợi gân mắt cá.” Micah nói. Mấy năm trước đó, anh đã thử đủ các phương thuốc khác nhau – bó, xoa bóp, các đôi giày đắt tiền có lớp lót hỗ trợ – nhưng chẳng ích gì. Khi tới vùng Barrancas, anh quyết định bỏ qua logic và tin tưởng rằng người Tarahumara biết rõ những gì họ đang làm. Anh không định mất thời gian tìm hiểu bí mật của họ; mà cứ nhắm mắt đưa chân làm theo, và hy vọng vào kết quả tốt nhất.

Anh vứt các đôi giày chạy và bắt đầu chuyển sang đi xăng đan. Anh bắt đầu ăn sáng bằng pinole (sau khi học cách nấu món này theo kiểu cháo yến mạch với nước và mật ong), và mang món pinole khô trong một túi đeo hông khi đi chạy xuyên qua vùng hẻm núi. Anh bị ngã những cú nhớ đời và vài lần suýt không thể tự lết về lều, nhưng vẫn nghiến răng, rửa các vết thương dưới dòng sông buốt giá, và bụng bảo dạ rằng mình đang bỏ ra các khoản để đầu tư. “Phải chịu đau đớn thì mới biết khiêm nhường. Phải trả giá thì mới hiểu đòn đau.” Caballo nói. “Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng mình phải tôn trọng Sierra Madre, bởi vì dãy núi này sẽ thải anh ra sau khi đã nhai anh đến nhừ nát.”

Đến năm thứ ba ở đây, Caballo đã chạy trên những lối mòn mà nếu không có con mắt của người Tarahumara, chúng gần như vô hình vậy. Lòng dạ ngổn ngang vì hoang mang lo lắng, anh vẫn dấn thân qua mép những gờ dốc xuống lởm chởm, dài hơn, dốc hơn và ngoằn ngoèo hơn bất kỳ dốc trượt tuyết cấp độ kim cương đen nào. Anh đã trượt, bò trườn, và lao dốc xuống nhiều dặm, gần như không kiểm soát, phụ thuộc hoàn toàn vào phản xạ đã được trui rèn trong vùng hẻm núi, và trong thâm tâm, vẫn tiếp tục chờ đợi tiếng rắc của một cái sụn đầu gối, vết rách gân kheo, hay chứng viêm bỏng rát của sợi gân gót chân bị tàn phá mà anh vẫn nghĩ sẽ xuất hiện bất kỳ lúc nào.

Nhưng chúng lại không hề xuất hiện. Anh chẳng hề bị đau nữa. Sau vài năm trong hẻm núi, Caballo đã mạnh mẽ hơn, khỏe khoắn hơn, và nhanh hơn hẳn. “Cách tiếp cận của tôi với chạy bộ đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi đến đây.” Anh bảo. Để kiểm nghiệm, anh thử chạy trên một lối mòn xuyên qua các dãy núi mà thông thường người ta phải mất ba ngày đi ngựa; anh đã chạy hết chỉ với bảy tiếng đồng hồ. Anh không chắc là tại sao mình đạt được điều này, và những chiếc xăng đan, hay món pinole và korima đã đóng vai trò như thế nào, nhưng…

“Này!” Tôi ngắt lời. “Anh có thể dạy tôi được không?”

“Dạy gì cơ?”

“Làm thế nào để chạy được như vậy ấy.”

Có gì đó trong nụ cười của anh khiến tôi lập tức thấy hối hận. “Ờ, tôi sẽ dẫn anh chạy.” Anh ta nói. “Gặp tôi ở đây, lúc Mặt trời mọc.”

“Ngờ… ! Ngờ…..!”

Tôi cố gắng gọi, nhưng chỉ phát ra tiếng thở hổn hển. “Ngựa”, cuối cùng tôi cũng thốt ra lời, và nó kịp lọt vào tai của Caballo Blanco ngay trước khi anh biến mất sau một lối rẽ lên dốc. Chúng tôi xuất phát từ các quả đồi sau thị trấn Creel, trên một lối mòn nhiều đá và lá thông, dốc lên, xuyên qua đám cây rừng. Chỉ chạy chưa tới 10 phút mà tôi đã ngáp ngáp không khí. Điều khiến tôi cảm thấy ngộp không phải là chuyện Caballo chạy quá nhanh; mà có vẻ như thân thể anh rất nhẹ, chỉ cần dùng ý chí để nâng mình lướt lên dốc chứ chẳng cần cơ bắp.

Anh quay lại và thủng thẳng chạy xuống. “Được rồi, anh bạn, bài học số một. Theo sát sau tôi này.” Anh ta bắt đầu chạy nhẹ, lần này thì chậm hơn, và tôi cố gắng bắt chước tất cả các động tác của anh. Hai cánh tay tôi lơ lửng cho tới khi bàn tay ở tầm ngang xương sườn; các bước chạy của tôi chia nhỏ ra; lưng tôi dựng thẳng tới mức gần như có thể nghe thấy tiếng cột sống kẽo kẹt.

“Đừng cố gắng chống cự lại đường mòn!” Caballo nói vọng qua vai. “Hãy đón nhận những gì nó mang tới cho anh. Nếu anh có thể lựa chọn bước một bước hay hai để vượt qua đám đá, thì hãy bước thành ba.” Caballo đã dành nhiều năm trời để dò đường trên các lối mòn, tới mức anh còn đặt biệt danh cho các tảng đá dưới chân: một số được gọi là ayudantes, người nâng đỡ, cho bạn điểm tựa để bật tung về phía trước; một số khác là “lưu manh,” trông giống như ayudantes nhưng lại lăn đi một cách xảo trá khi bạn giẫm lên nó để bật nhảy; một số nữa là chingoncitos, lũ khốn nạn chỉ rình rập để làm bạn ngã sấp mặt.

“Bài học số hai.” Caballo gọi. “Hãy nghĩ như thế này: Dễ dàng, Nhẹ nhàng, Trơn tru và Nhanh. Anh hãy bắt đầu với Dễ dàng, vì ban đầu anh cũng sẽ chỉ làm được như vậy mà thôi, và làm được như vậy cũng đã khá rồi. Sau đó hãy tập để trở nên Nhẹ nhàng. Làm sao để không phải nỗ lực nữa, như kiểu anh chẳng bận tâm quái gì đến việc ngọn đồi đó cao thế nào, hay phải chạy xa bao nhiêu. Khi anh đã tập luyện lâu tới mức quên rằng mình đang tập luyện, thì hãy chuyển sang Trơn tru. Và anh cũng sẽ chẳng phải lo nghĩ gì đến cấp độ cuối cùng đâu. Khi đã thực hiện được ba mức đầu, tự khắc anh sẽ được Nhanh.”

Tôi chú ý nhìn vào đôi bàn chân đi dép xăng đan của Caballo, cố gắng bắt chước theo kiểu chạy lạ mắt, kiểu chạy như đang nhón chân của anh. Tôi cứ cúi nhìn như vậy mãi, tới mức không nhận ra rằng chúng tôi đã ra khỏi khu rừng.

“Ồ!” Tôi thốt lên.

Mặt trời vừa ló rạng phía trên dãy Sierra. Mùi khói gỗ thông lan tỏa trong không khí, bốc lên từ những ống khói méo mó trên các túp lều gỗ thông ở rìa thị trấn. Xa xa, những tảng đá khổng lồ dựng đứng như những bức tượng trên đảo Phục Sinh, mọc lên từ bình nguyên, với những ngọn núi tuyết phủ làm nền. Nếu như không phải đang hớp lấy hớp để không khí, thì chắc hẳn cảnh tượng ấy sẽ khiến tôi ngộp thở.

“Tôi đã bảo mà!” Micah hả hê.

Chúng tôi đã tới chỗ vòng lại, và mặc dù biết rằng sẽ là ngu ngốc nếu như tôi cố chạy nhiều hơn tám dặm, nhưng con đường mòn này vẫn mang lại nhiều cảm hứng đến mức tôi thấy ghét việc phải quay về. Caballo hiểu rất rõ cảm nghĩ của tôi lúc đó.

“Tôi cũng cảm thấy như vậy trong suốt 10 năm.” Anh nói. “Và bây giờ tôi vẫn chỉ đang học hỏi thôi đấy.” Nhưng lúc đó anh đang vội; ngày hôm đó, anh phải quay về lều và chỉ có vừa đủ thời gian để về kịp trước khi trời tối. Đó là lúc anh bắt đầu giải thích việc đang làm ở Creel.

“Anh biết không,” Caballo bắt đầu, “rất nhiều chuyện đã xảy ra từ sau giải Leadville năm đó.” Chạy bộ siêu dài trước đây chỉ là một nhúm người kỳ quặc chạy trong rừng với đèn pin, nhưng trong vài năm qua, nó đã trở thành một cuộc xâm lăng của Những Tay Súng Trẻ. Ví dụ như Karl Meltzer, người liên tục nghe bài hát “Strangelove” từ chiếc iPod của mình trong khi thắng giải Hard rock 100 ba lần liên tiếp; và “Diva Đường Đất”, Catra Corbett, cô gái trẻ trung, xinh đẹp, theo phong cách Goth, toàn thân xăm trổ như hình ảnh trong ống kính vạn hoa, người từng có lần, chỉ để giải trí, đã chạy hết 211 dặm đường mòn John Muir xuyên qua Công viên Quốc gia Yosemite rồi quay lại, chạy hết quãng đường trở về; hay Tony “Khoả Thân” Krupicka, gã này hầu như chẳng chịu mặc gì ngoài chiếc quần đùi thiếu vải, ngủ nhờ trong tủ của một người bạn trong suốt một năm trời luyện tập, để rồi giành chiến thắng tại giải Leadville 100; hay Anh Em Người Bay nhà Skaggs huyền thoại, Eric và Kyle, đã đi nhờ xe tới Grand Canyon trước khi lập một kỷ lục mới cho chuyến chạy bộ khứ hồi nhanh nhất từ rìa bên này tới rìa bên kia.

Những Tay Súng Trẻ này muốn điều gì đó mới mẻ, dữ dằn, hoang dại, và họ gia nhập bộ môn chạy đường mòn theo từng đoàn lớn, để tới năm 2002, môn này đã trở thành môn thể thao ngoài trời phát triển nhanh nhất nước Mỹ. Họ không chỉ yêu việc chạy đua trong giải; mà còn say mê cảm giác hồi hộp khi khám phá cả một chân trời mới của lòng can đảm ngay trong chính bản thân mình. Thánh chạy siêu dài Scott Jurek đã tổng kết tín ngưỡng không chính thức của thế hệ Những Tay Súng Trẻ này bằng cách trích dẫn câu nói mà William James luôn đề ở cuối tất cả các thư điện tử: “Vượt qua ngưỡng cực hạn của sự mỏi mệt và nỗi gian nan, ta có thể sẽ tìm thấy sự thanh thản và cả sức mạnh, nhiều tới mức nằm mơ cũng không thấy; những nguồn sức lực đó chưa từng được ghi nhận, bởi lẽ, ta chưa bao giờ ép mình vượt qua được trở ngại.”

Khi Những Tay Súng Trẻ này tiến vào rừng, họ mang theo tất cả những kiến thức về khoa học thể thao từng được biết tới trong suốt cả thập kỷ qua. Matt Carpenter, một người chạy bộ đường núi ở Colorado Springs, dành hàng trăm giờ trên một chiếc máy chạy bộ để đo đạc các biến đổi về dao động cơ thể, chẳng hạn như khi thực hiện động tác uống một ngụm nước (để rồi đưa ra kết luận rằng cách có hiệu quả cao nhất về cơ sinh học để mang theo chai nước là kẹp dưới nách, chứ không phải cầm trên tay). Carpenter sử dụng một máy mài loại dùng dây đai và một lưỡi dao cạo thẳng để loại bỏ bớt từng phần nghìn ounce khỏi giày chạy, nhấn giày vào bồn tắm, rồi nhấc ra để đo khả năng thoát nước cũng như độ nhanh khô của giày. Năm 2005, áp dụng những hiểu biết luôn ám ảnh bản thân ấy, Carpenter đã phá kỷ lục giải Leadville – về đích với thời gian choáng váng 15 giờ 42 phút, nhanh hơn người Tarahumara nhanh nhất đến gần hai tiếng đồng hồ.

Nhưng, liệu người Tarahumara có thể làm được những gì nếu như bị thúc ép? Đó chính là điều mà Caballo muốn biết. Victoriano và Juan đã chạy như những người thợ săn, theo cách mà họ từng được truyền dạy: chỉ cần chạy đủ nhanh để bắt được con mồi chứ không cần nhanh hơn nữa. Ai biết được họ có thể chạy nhanh tới mức nào khi đối đầu với một kẻ như Carpenter? Và không ai biết họ có thể làm tốt tới đâu khi chạy ở địa hình quê hương họ. Là một nhà đương kim vô địch, chẳng phải họ có quyền được hưởng lợi thế sân nhà, ít nhất một lần sao?

Nếu người Tarahumara không thể quay trở lại nước Mỹ, Caballo lập luận, thì người Mỹ sẽ phải đến với người Tarahumara. Nhưng anh biết những con người e dè khủng khiếp, chuyên chui lủi trong hẻm núi này sẽ biến mất sau các ngọn đồi nếu bị bao vây bởi một đám người chạy bộ Mỹ hỏi han luôn mồm và những chiếc camera kêu lạch xạch.

Tuy nhiên – và đây chính là ý tưởng mà Caballo đang nung nấu – nếu như anh tổ chức một cuộc đua theo kiểu Tarahumara thì sao? Đó sẽ là một đại nhạc hội của những tay gảy ghi ta cổ điển – một tuần lễ dành cho biểu diễn, trao đổi các bí kíp, học hỏi phong cách và kỹ thuật của nhau. Vào ngày cuối cùng, tất cả các tay đua sẽ hiện nguyên hình trong một cuộc tỷ thí dài 50 dặm dành cho các nhà vô địch.

Đó là một ý tưởng tuyệt vời – và, dĩ nhiên, cũng hoàn toàn có thể sẽ thất bại thảm hại. Sẽ chẳng có người chạy bộ hàng đầu thế giới nào chấp nhận rủi ro ấy. Đó không chỉ là điểm chấm hết cho sự nghiệp, mà là tự vẫn. Để đến được vạch xuất phát, họ sẽ phải lẻn qua bọn trộm cướp, leo núi vượt qua vùng đất dữ, theo dõi kỹ từng ngụm nước, từng miếng đồ ăn. Nếu bị thương, họ coi như xong đời, có thể không phải là ngay lập tức, nhưng cái chết sẽ là điều khó tránh. Sẽ phải mất vài ngày mới tới được đường cái gần nhất, và mất nhiều giờ mới đến được nguồn nước sạch, mà cũng chẳng có chiếc máy bay trực thăng nào len lách nổi giữa những vách đá chật hẹp này để giải cứu.

Mặc kệ: Caballo đã bắt đầu thực hiện kế hoạch. Đó là lý do duy nhất anh có mặt ở Creel. Anh đã phải rời lều ở tận đáy cùng hẻm núi, để đi tới thị trấn mình chán ghét, vì nghe nói rằng có một chiếc máy tính bàn kết nối dial-up ở phía sau một cửa hàng kẹo tại Creel. Anh biết sơ sơ về máy tính, có một tài khoản thư điện tử, và đã bắt đầu gửi đi các thông điệp ra thế giới bên ngoài. Và vai trò của tôi xuất hiện ở đó. Lý do duy nhất khiến “gã thổ dân nước ngoài” này quan tâm khi tôi đánh úp anh ở khách sạn là bởi tôi xưng là phóng viên. Có thể, một bài báo về cuộc đua này sẽ thực sự thu hút được một vài tay đua.

“Vậy, anh định mời những ai?” Tôi hỏi.

“Mới chỉ một gã thôi.” Anh ta nói. “Tôi chỉ muốn mời những người chạy bộ có tinh thần phù hợp, những nhà vô địch thực sự. Vì vậy, tôi gửi thư tới Scott Jurek.”

Scott Jurek? Người bảy lần vô địch giải Western States và ba lần đoạt danh hiệu Người chạy bộ siêu dài của năm? Caballo chắc đang say thuốc khi nghĩ rằng Scott Jurek sẽ tới đây để đua với một đám vô danh tiểu tốt, ở một chốn cũng vô danh nốt. Scott là người chạy bộ siêu dài hàng đầu đất nước, thậm chí, có thể là hàng đầu thế giới. Khi Scott Jurek không tham gia giải, anh giúp Brooks thiết kế giày chạy đường mòn là biểu trưng của hãng này, giày Cascadia, hoặc tổ chức các hội trại chạy bộ luôn kín chỗ, hoặc đưa ra quyết định xem sẽ chạy giải nổi tiếng nào tiếp theo ở Nhật, Thụy Sĩ, Hy Lạp, hay Pháp. Bản thân Scott Jurek như một công ty kinh doanh mà sự sinh tồn hay tàn lụi của nó phụ thuộc vào sức khoẻ của Scott Jurek – nghĩa là công ty này sẽ không bao giờ muốn tài sản lớn nhất của nó chấp nhận rủi ro bị đau ốm, bị bắn, hoặc bị đánh bại trong một cuộc đua ngẫu hứng cò con, ở một xó xỉnh tại Mexico, nơi có những tay súng bắn tỉa tuần tiễu.

Nhưng Caballo đã đọc được ở đâu đó một cuộc phỏng vấn Jurek và ngay lập tức cảm thấy như tìm được anh em. Theo cách riêng của mình, Scott cũng bí ẩn gần như Caballo vậy. Trong khi những ngôi sao chạy siêu dài thấp kém hơn rất nhiều như Dean Karnazes và Pam Reed tự tâng bốc trên truyền hình, viết những cuốn hồi ký vẻ vang, và (như trong trường hợp của Dean) quảng cáo cho một loại đồ uống thể thao bằng cách cởi trần chạy trên một máy chạy bộ, được quay bằng máy camera từ trên cao ở quảng trường Thời Đại, thì người chạy bộ siêu dài vĩ đại nhất nước Mỹ lại gần như vô hình. Anh cứ như một con mãnh thú chạy đua thuần chủng, điều này giải thích hai thói quen kỳ lạ của anh: tại thời điểm xuất phát của mỗi giải chạy, anh luôn cất lên một tiếng thét ghê rợn, và sau khi giành chiến thắng, anh ta sẽ lăn lộn dưới đất như một con chó săn lên cơn tăng động. Sau đó, anh ta sẽ đứng dậy, phủi bụi, và lại biến mất về Seattle cho tới khi tiếng thét lâm trận của anh lại một lần nữa vang vọng trong màn đêm.

Đó chính là kiểu nhà vô địch mà Caballo đang tìm kiếm; không phải những tay khoe mẽ, chỉ muốn lợi dụng người Tarahumara để khoa trương thương hiệu bản thân, mà là một môn đệ thực thụ của môn thể thao này, người có khả năng nhìn nhận tính nghệ thuật và đánh giá cao nỗ lực ngay cả ở những người chạy bộ chậm nhất. Mặc dù Caballo chẳng cần thêm bất kỳ bằng chứng nào về sự xứng đáng của Scott Jurek, nhưng anh vẫn có được nó: vào cuối buổi phỏng vấn, khi được yêu cầu kể tên các thần tượng của mình, Jurek đã nhắc đến cái tên Tarahumara. “Để lấy cảm hứng,” bài báo viết, “anh ta nhắc lại một câu ngạn ngữ của thổ dân Tarahumara: ‘Khi bạn chạy trên mặt đất và chạy cùng với đất, bạn có thể chạy mãi mãi.’”

“Anh xem!” Caballo quả quyết. “Anh ta có một linh hồn Rarámuri.”

Nhưng, chờ đã… “Kể cả nếu Scott Jurek đồng ý tham dự, còn những người Tarahumara thì sao?” Tôi hỏi. “Họ có đồng ý không?”

“Có thể!” Caballo nhún vai. “Người tôi muốn có mặt là Arnulfo Quimare.”

Chuyện này sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết rằng Arnulfo thậm chí sẽ chẳng buồn trò chuyện với người ngoài, chứ đừng nói tới việc ở gần một nhóm người như vậy trong một tuần và dẫn họ qua những lối mòn bí mật trên mảnh đất quê hương anh. Tôi ngưỡng mộ thị hiếu và tham vọng của Caballo, nhưng rất nghi ngờ tính thực tế của người này. Không một người chạy bộ ở Mỹ nào biết anh là ai, và hầu hết người Tarahumara đều không dám chắc anh ta là thứ gì. Vậy mà anh ta vẫn mong đợi tất cả bọn họ tin tưởng mình?

“Tôi tin chắc là Manuel Luna sẽ tới.” Caballo nói tiếp. “Có thể có cả con anh ta nữa.”

“Marcelino?” Tôi hỏi.

“Ừ!” Caballo nói. “Nhóc đó cừ đấy.”

“Cậu ta quá cừ ấy chứ!”

Trong đầu tôi vẫn in hình ảnh cậu thiếu niên Đuốc Sống lao đi trên lối mòn đường đất ngày hôm ấy, nhanh như ngọn lửa lan theo dây ngòi nổ. Chà, nếu vậy, thì ai thèm quan tâm xem Scott Jurek hay bất kỳ mấy gã nổi đình đám nào khác có đến hay không cơ chứ? Cơ hội được chạy cùng với Manuel, Marcelino, Caballo đã là quá tuyệt vời rồi. Cách Caballo và Marcelino chạy là kiểu di chuyển gần với bay lượn nhất của con người. Tôi đã được nếm thử nó một chút trên những lối mòn ở Creel, và vẫn muốn được thưởng thức nhiều hơn nữa; cứ như bạn vỗ hai cánh tay thật mạnh và nhấc mình được khoảng một phân khỏi mặt đất vậy, sau khi làm được điều đó, thì bạn còn nghĩ được điều gì khác nữa, ngoài việc thử làm lại?

“Mình làm được!” Tôi tự nhủ. Caballo đã ở đúng vị trí của tôi lúc này khi mới tới đây; anh là một gã đàn ông ngoại tứ tuần với đôi chân bệ rạc, và chỉ trong một năm, anh đã lướt như bay trên các đỉnh núi. Nếu điều đó có hiệu quả với anh, thì tại sao lại không được với tôi? Nếu áp dụng được các kỹ thuật mà anh đã chỉ dạy, liệu tôi có đủ sức chạy 50 dặm xuyên qua Copper Canyon hay không? Cuộc đua này thực sự khó có thể xảy ra, trên thực tế là không thể. Nó sẽ chẳng xảy ra đâu. Nhưng nếu nhờ một điều kỳ diệu nào đó mà anh có thể xoay xở, thu xếp được một giải đua như vậy với những người Tarahumara chạy giỏi nhất trong thế hệ này, thì tôi muốn được có mặt ở đó.

Khi trở về tới Creel, Caballo và tôi bắt tay nhau.

“Cảm ơn vì bài học!” Tôi nói. “Anh đã dạy tôi rất nhiều.”

“Hasta luego, norawa.” Caballo trả lời. Hẹn gặp lại, anh bạn. Rồi anh lại lên đường.

Tôi nhìn theo. Có điều gì đó buồn bã kinh khủng nhưng đồng thời gây cảm hứng ghê gớm khi thấy nhà tiên tri của môn nghệ thuật chạy bộ đường dài quay lưng lại với mọi thứ trên đời, trừ ước mơ của chính mình, để đi về với “nơi tuyệt vời nhất trên thế giới để chạy bộ.”

Một mình.

* * *

18

Anh đã bao giờ nghe nói về Caballo Blanco chưa?”

Sau khi trở về từ Mexico, tôi gọi cho Don Allison, tổng biên tập kỳ cựu của tạp chí UltraRunning. Caballo đã hé lộ về quá khứ của mình hai chi tiết đáng để lần theo: anh ta từng là một kiểu võ sĩ chuyên nghiệp gì đó, và từng giành chiến thắng trong một số giải chạy siêu dài. Đối với thi đấu võ thuật thì việc dò thông tin cực kỳ khó khăn. Có cả đống chuyện ly kỳ về kỷ luật luyện tập cùng vô số lời đồn thổi, nhưng trong chạy bộ siêu dài, tất cả mọi con đường đều dẫn tới Don Allison ở Weymouth, Massachusetts. Là trung tâm xác nhận tất cả các lời đồn, kết quả các giải đua, và các ngôi sao đang lên trong môn thể thao này, Don Allison biết tất cả mọi người, tất cả mọi thứ, và đó là lý do tại sao lời đầu tiên thốt ra từ miệng ông lại khiến tôi thất vọng:

“Ai cơ?”

“Tôi nghĩ anh ta còn có tên khác là Micah True.” Tôi nói. “Nhưng tôi không chắc đó thực sự là tên anh ta hay tên con chó của anh ta.”

Im lặng.

“A lô?” Tôi nói.

“Ờ, chờ đã!” Cuối cùng thì Allison cũng đáp lời. “Tôi đang tìm cái này. Vậy anh ta có thật hay không?”

“Ý ông là, anh ta có nghiêm túc không à?”

“Không, anh ta có thật không? Anh ta thực sự tồn tại à?”

“Có, anh ta có thật. Tôi đã tìm thấy anh ta ở tận Mexico.”

“Được rồi!” Allison nói. “Vậy, anh ta có bị điên không?”

“Không, anh ta…” Đến lượt tôi ngập ngừng. “Tôi không nghĩ vậy.”

“Có một gã tên như vậy gửi cho tôi vài bài báo. Nhưng tôi phải nói với anh rằng mấy bài đó không đăng được đâu.”

Chuyện trở nên hấp dẫn rồi đây. UltraRunning chẳng giống như một tạp chí, mà giống những lá thư dông dài của các thành viên trong gia đình gửi cho nhau thay vì thiệp chúc mừng Giáng sinh. Khoảng 80% của mỗi số ra chỉ toàn là các danh sách, tên người, thời gian, kết quả các cuộc đua mà chưa ai từng nghe nói tới, ở những nơi ít người biết, và chỉ toàn là người chạy bộ siêu dài mới có thể tìm thấy. Bên cạnh các báo cáo về giải đua, mỗi số ra đều có vài bài do người chạy bộ tự nguyện viết, nêu ý kiến về các nỗi ám ảnh gần nhất của họ, như “Dùng cân để xác định nhu cầu uống nước tối ưu cho bạn” hoặc “Kết hợp giữa đèn đeo trán và đèn pin thường.” Đơn giản là, bạn phải cố gắng lắm mới bị từ chối đăng bài ở UltraRunning, điều đó khiến tôi cảm thấy sợ khi phải hỏi rằng, Caballo, cô độc một mình trong căn lều như tên khủng bố Unabomber, đã tuyên bố những gì.

“Có phải… anh ta… dọa nạt gì không?”

“Không! Allison nói. “Chỉ là, những gì anh ta viết không phải chỉ về chạy bộ. Nó như một bài thuyết giảng về tình anh em, về nhân quả và những kẻ lạ mặt tham lam.”

“Trong đó có nhắc gì đến giải chạy của anh ta không?”

“Có, trong đó có nói về giải chạy với người Tarahumara. Nhưng theo tôi thấy, thì anh ta là người duy nhất tham gia. Anh ta, và khoảng ba người thổ dân nữa.”

Huấn luyện viên Vigil cũng chưa từng nghe nói đến Caballo. Tôi hy vọng rằng may ra họ đã gặp nhau ở giải Leadville hùng tráng ngày đó, hoặc sau này ở vùng Barrancas. Nhưng ngay sau giải Leadville, cuộc đời của huấn luyện viên Vigil đã có một lối rẽ bất ngờ và kịch tính. Nó bắt đầu với một cuộc điện thoại: một người phụ nữ trẻ ở đầu dây bên kia, hỏi rằng liệu huấn luyện viên Vigil có thể giúp cô đạt tiêu chuẩn dự Olympic hay không. Cô từng thi thố hồi đại học, nhưng rồi lại chán môn chạy bộ tới mức bỏ hẳn và thay vào đó, nghĩ đến chuyện mở một hiệu cà phê bánh ngọt. Trừ khi huấn luyện viên Vigil cho rằng cô nên tiếp tục cố gắng…?

Vigil là bậc thầy tạo cảm hứng, nên biết ngay cần phải nói gì: Hãy quên đi. Đi mà làm món mochaccino ấy. Deena Kastor (sau này là Drossin) nghe có vẻ ngọt ngào, nhưng cô chẳng có lý do gì để nghĩ tới chuyện làm việc với Vigil. Là một cô gái trên bãi biển California, cô đã quen với việc chạy ra khỏi nhà, dọc theo các lối mòn Santa Monica dưới nắng trời Thái Bình Dương ấm áp. Còn những gì Vigil đang thực hiện lại là công việc của các chiến binh Sparta thực thụ – một chương trình kiểu người mạnh nhất sẽ sống sót, kết hợp khối lượng tập luyện chết người với những ngọn núi ở Colorado gió thổi lạnh cóng.

“Tôi đã cố gắng làm cô ấy nản lòng, bởi vì Alamosa không phải một thị trấn ở California.” Vigil sau này kể lại. “Nơi đó hẻo lánh, ở tận trên núi, và rất lạnh – đôi khi xuống tới âm 30 độ. Chỉ có những người dữ dằn nhất mới có thể sống sót được trên đó để chạy bộ.” Khi Deena vẫn quyết tâm có mặt, Vigil đã đủ tử tế và thưởng cho lòng cương quyết của cô bằng bài kiểm tra sức khỏe cơ bản, cũng như tiềm năng luyện tập. Kết quả kiểm tra cũng chẳng làm Vigil thay đổi ý định: cô chỉ thuộc hạng xoàng.

Nhưng huấn luyện viên Vigil càng đẩy cô đi, thì Deena càng cảm thấy hứng thú hơn. Dán trên tường văn phòng của Vigil là một công thức ma thuật để chạy nhanh, mà theo Deena, thì chẳng hề liên quan gì đến chạy bộ: nó bao gồm những câu như “Hãy thực hành sống dư dật bằng cách cho đi” và “Cải thiện các mối quan hệ cá nhân” hay “Hãy thể hiện tính toàn vẹn trong hệ thống giá trị của bạn”. Lời khuyên của Vigil về dinh dưỡng cũng chẳng có tính thể thao hay khoa học gì cả. Chiến lược dinh dưỡng của ông cho một vận động viên marathon Olympic tiềm năng là: “Hãy ăn như một người nghèo khổ.”

Vigil đang xây dựng một thế giới Tarahumara thu nhỏ của riêng mình. Cho tới khi hoàn thành công việc còn đang dang dở và dời bản doanh về Copper Canyon, ông sẽ cố gắng hết sức để tái tạo lại Copper Canyon ngay ở Colorado. Nếu Deena muốn nghĩ đến chuyện luyện tập với Vigil, thì cô phải sẵn sàng tập luyện như người Tarahumara. Điều đó đồng nghĩa với việc phải sống thanh đạm và quan tâm xây đắp cho phần tâm hồn không kém gì phần thể chất.

Deena hiểu được điều này, và hăm hở muốn bắt đầu. Huấn luyện viên Vigil tin rằng phải trở thành một người khỏe mạnh trước khi trở thành người chạy bộ mạnh mẽ. Đời nào cô chịu từ bỏ? Vì vậy, huấn luyện viên Vigil miễn cưỡng cho cô một cơ hội. Năm 1996, ông bắt đầu cho cô tham dự vào hệ thống tập luyện mang hơi hướng Tarahumara của mình. Trong vòng một năm, cô thợ bánh nhiệt huyết này đã bước chân trên con đường trở thành một trong những người chạy bộ đường dài vĩ đại nhất lịch sử nước Mỹ.

Cô đã nghiến nát các đường đua, giành nhiều chức vô địch quốc gia về chạy việt dã, và tiến lên phá kỷ lục Hoa Kỳ ở nhiều cự ly khác nhau, từ ba dặm cho tới marathon. Trong Thế vận hội 2004 tại Athens, Hy Lạp, Deena đã vượt qua cả người giữ kỷ lục thế giới, Paula Radcliffe, để giành huy chương đồng, huy chương Olympic đầu tiên cho một vận động viên marathon người Mỹ trong suốt 20 năm. Mặc dầu vậy, nếu hỏi Joe Vigil về các thành tích của Deena, thì đối với ông, đứng đầu danh sách sẽ luôn là danh hiệu Vận động viên Nhân đạo của năm mà cô giành được năm 2002.

Cứ thế từng chút một, huấn luyện viên Vigil dấn sâu vào chạy bộ đường dài của Mỹ, và càng ngày càng xa các kế hoạch về Copper Canyon của mình. Trước Thế vận hội 2004, ông được đề nghị thiết lập một trại huấn luyện cho các vận động viên tiềm năng Olympic trên vùng núi cao California tại Mammoth Lakes. Khối lượng công việc quá lớn với một người đàn ông 75 tuổi, và Vigil đã phải trả giá: một năm trước Thế vận hội, ông bị một cơn đau tim và cần phẫu thuật bắc cầu mạch vành ba chỗ. Vigil nhận ra rằng, cơ hội cuối cùng để được học hỏi từ những người Tarahumara đã trôi qua.

Như vậy, chỉ còn một nhà nghiên cứu cuối cùng trên thế giới còn đang theo đuổi nghệ thuật chạy bộ bí ẩn của người Tarahumara: Caballo Blanco, với các khám phá được lưu giữ trong bộ nhớ của các nhóm cơ trên thân thể.

Khi bài viết của tôi đăng trên tạp chí Runner’s World, nó đã nhen nhóm lên một mối quan tâm đáng kể về người Tarahumara. Thế nhưng, chuyện cả một đoàn các vận động viên chạy đường mòn hàng đầu sẵn sàng đăng ký tham dự giải đua của Caballo đã không xảy ra. Thậm chí, thực tế là chẳng có nổi một người.

Điều đó có thể phần nào là do lỗi của tôi. Tôi cảm thấy không thể miêu tả anh một cách chân thực mà không dùng những từ ngữ kiểu như “trông giống xác chết”, hoặc nhắc đến chuyện những người Tarahumara nói rằng anh “có gì đó hơi kỳ quặc.” Hậu quả là, dù hào hứng phát điên lên vì giải chạy này, thì bạn vẫn phải suy nghĩ lại về việc đặt mạng sống của mình vào tay một gã cô độc bí ẩn, với một cái tên giả, chỉ làm bạn với những người sống trong hang và ăn thịt chuột, mà chính họ cũng cho rằng anh không ổn lắm.

Và chuyện càng khó khăn hơn khi khó đoán định giải đua này diễn ra ở đâu, vào lúc nào. Caballo lập một trang web riêng, nhưng việc trao đổi các mẩu tin với anh cũng giống như chờ đợi một cái chai đựng thư dạt vào bờ biển vậy. Để kiểm tra thư điện tử, Caballo phải chạy hơn ba mươi dặm qua một quả núi và lội qua một con sông để tới thị trấn nhỏ bé Urique, nơi anh phải thuyết phục một giáo viên cho phép dùng chiếc máy tính cũ mèm của trường, với một đường kết nối dial-up duy nhất. Anh chỉ có thể thực hiện chuyến đi khứ hồi hơn 60 dặm đó trong thời tiết tốt, nếu không sẽ phải chịu rủi ro mất mạng do trượt ngã khỏi một vách đá trơn nhẫy nước mưa, hoặc bị kẹt lại giữa những con suối gầm thét. Dịch vụ điện thoại mới chỉ đến được Urique năm 2002, vì vậy, việc duy trì vận hành cũng rất giới hạn; và Caballo, sau khi mệt nhoài với chuyến chạy đường mòn, có thể đến Urique chỉ để nhận ra rằng đường dây điện thoại đã bị mất liên lạc nhiều ngày qua. Có lần, anh ta không kịp kiểm tra tin nhắn vì bị chó hoang tấn công và phải hủy chuyến đi để đi tìm thuốc tiêm phòng dại.

Chỉ cần nhìn thấy cái tên “Caballo Blanco” xuất hiện trong hòm thư là tôi lại thấy nhẹ nhõm. Cùng với cách mà anh thờ ơ với các rủi ro, Caballo cũng sống một cuộc sống cực kỳ nguy hiểm. Mỗi lần anh chạy đều có thể là lần chạy cuối cùng. Anh vẫn thích tin rằng đám sát thủ buôn ma túy đã đánh dấu anh là một gã “thổ dân nước ngoài” vô hại, nhưng ai mà biết được những tên sát thủ đó nghĩ gì? Hơn nữa, anh còn bị một thứ bùa ám bất tỉnh kỳ lạ: thỉnh thoảng, Caballo lại bất ngờ ngất xỉu. Ngay cả khi sống ở nơi có dịch vụ 911, thì những lần bất tỉnh ngẫu nhiên đó đã rất rủi ro. Còn ở đó, nơi hoang vu rộng lớn của vùng Barrancas, một gã Caballo bất tỉnh nhân sự sẽ chẳng ai bắt gặp. Anh ta đã từng có lần suýt chết khi bị ngất ngay khi vừa chạy tới một ngôi làng. Khi tỉnh dậy, anh ta thấy có một miếng băng dầy sau gáy và tóc dính bê bết máu. Nếu ngất sớm hơn nửa giờ, thì chắc chắn anh đã nằm bẹp đâu đó giữa nơi hoang vắng với một vết nứt trên hộp sọ.

Ngay cả khi sống sót được trước những tay xạ thủ bắn tỉa và chứng bệnh huyết áp đầy phản trắc của mình, thì cái chết vẫn luôn cận kề ngay gần đôi chân của anh. Chỉ cần đánh giá sai một hòn đá chingoncito trên một lối mòn Tarahumara hẹp như sợi chỉ nha khoa ấy, thì thứ duy nhất mà Caballo để lại sẽ là âm vọng từ tiếng thét của anh trước khi biến mất dưới khe núi.

Nhưng chẳng có gì ngăn được Caballo. Chạy bộ như thể là niềm khoái lạc duy nhất trong đời anh, và anh thưởng thức nó không như một bài tập, mà giống như một bữa yến tiệc. Ngay cả khi căn lều của anh gần như bị phá huỷ hoàn toàn bởi một trận lở đất, Caballo vẫn kịp chạy một lượt trước khi dựng lại mái che trên đầu mình.

Nhưng tới mùa xuân, tai họa ập đến. Tôi nhận được bức thư điện tử này:

này, amigo, tôi đang ở Urique sau một cuộc chạy đầy biến cố và đã phải lê lết. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi tự làm hỏng bét mắt cá chân trái của mình rồi. Tôi không quen chạy trên đế giày nữa, vì cái tội huênh hoang nên mới ra nông nỗi này đây, vì tôi cố đi giày và để dành dép xăng đan nhẹ lúc chạy nhanh và chạy giải! Mới chạy được 10 dặm từ Urique en La Sierra, tôi biết cái tiếng “khục” đó là không hay rồi, sau đó tôi đã phải bò xuống Urique trong đau đớn, vì tôi chẳng có lựa chọn nào khác ngoài quay trở về đó, và chân trái của tôi giờ như bị bệnh chân voi vậy!

Chết tiệt! Tôi ngờ rằng tai nạn của anh chính là do lỗi của tôi. Ngay trước lúc tạm biệt nhau ở Creel, tôi nhận ra rằng chúng tôi có cùng cỡ chân, vì vậy, tôi lôi một đôi giày chạy đường mòn mới của Nike ra khỏi ba lô và tặng nó cho Caballo như quà cảm ơn. Anh buộc dây giày và đeo chúng trên vai, cho rằng chúng có thể sẽ hữu ích lúc nào đấy, chẳng hạn như khi đôi xăng đan bị hỏng. Anh đã rất lịch sự không đổ lỗi khi thông báo về tai nạn của mình, nhưng tôi chắc chắn rằng khi đề cập đến chuyện bị trật cổ chân vì chạy nhảy trên lớp đế dày, anh muốn nhắc đến đôi giày tôi tặng.

Lúc này, tôi cảm thấy tội lỗi khôn cùng. Tôi đã phá Caballo trên mọi phương diện. Đầu tiên, tôi đã vô tình đặt một quả bom nổ chậm bằng cách đưa cho anh đôi giày đó, và rồi tôi đã viết một bài báo khiến tính cách lập dị của anh ta trở nên nổi bật quá mức, làm cho việc quảng bá gặp trở ngại. Caballo đang liều lĩnh với mạng sống của chính mình để thực hiện việc này, và giờ đây, sau nhiều tháng nỗ lực, có thể, người duy nhất có mặt ở giải đua ấy sẽ là tôi: người chạy bộ kém cỏi, đáng xấu hổ, kẻ chỉ mang đến cho anh đau khổ.

Caballo đã tự lừa dối bản thân với những cuộc chạy lang thang, nhưng khi anh nằm đó, bị thương và bất lực ở Urique, thì thực tại đã đổ ập xuống. Chắng ai có thể sống theo cách của anh mà không trông giống như một gã quái gở, và bây giờ anh đang phải trả giá: chẳng ai chịu tin lời anh. Chính bản thân anh cũng không chắc là liệu có thuyết phục được những người Tarahumara tin tưởng vào mình hay không, và họ gần như là những người duy nhất trên đời này biết anh ta. Vậy thì cố gắng để làm gì? Tại sao anh lại theo đuổi một giấc mơ mà tất cả mọi người đều cho là một trò đùa cợt?

Nếu như không tự làm trật mắt cá chân, thì hẳn là anh đã phải mất rất nhiều thời gian để chờ đợi câu trả lời cho câu hỏi đó. Thế nhưng, chính trong lúc đang nằm bẹp tại Urique để chờ chấn thương hồi phục, anh nhận được lời nhắn của Chúa. Ít nhất, đó cũng là Đức Chúa trời duy nhất mà anh vẫn hằng cầu khẩn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3