Sinh Ra Để Chạy - Chương 11
* * *
21
Chuẩn bị gặp Chúa trời của các bạn.” Tôi nói khi chúng tôi bước vào quầy bar khách sạn. “… đang uống một ly bia lạnh.”
Scott đang ngồi trên ghế quầy bar, nhấm nháp một ly Fat Tire Ale. Billy buông chiếc túi thể thao xuống và chìa tay ra hào hỏi, còn Jenn nấp sau lưng tôi. Cô hầu như chẳng cho Billy kịp nói một lời nào trên suốt đoạn đường từ bãi đỗ xe đến đây, nhưng bây giờ, với sự có mặt của Scott, cô bị choáng ngợp bởi thần tượng. Ít nhất là tôi nghĩ thế, cho tới lúc tôi nhận thấy sự khác lạ trong ánh mắt cô. Jenn chẳng phải đang e lệ; mà cô đang dò xét anh ta. Scott có thể đang săn đuổi những người Tarahuamara, nhưng anh nên đề phòng những kẻ đang săn đuổi mình.
“Chúng ta đã tới đủ hết chưa nhỉ?” Scott hỏi.
Tôi ngó quanh quầy bar và đếm. Jenn và Billy đang gọi bia. Bên cạnh họ là Eric Orton, một huấn luyện viên thể thao mạo hiểm đến từ bang Wyoming và là môn đệ lâu năm của người Tarahumara. Eric đã biến tôi thành dự án tái thiết sau thảm họa của riêng anh; trong chín tháng vừa qua, chúng tôi gặp nhau hằng tuần, thậm chí đôi khi là hằng ngày, vì Eric muốn biến tôi từ một đống đổ nát thành một người chạy bộ siêu dài không thể gục ngã. Tôi biết chắc chắn rằng anh sẽ có mặt, dù có phải bỏ lại vợ mình cùng cô con gái mới sinh giữa mùa đông khắc nghiệt của bang Wyoming, thì anh cũng không đời nào chịu ngồi ở nhà trong khi tôi đưa tác phẩm của anh vào thử nghiệm. Tôi nói thẳng rằng anh đã sai lầm và tôi không thể chạy nổi 50 dặm; và giờ đây, chúng tôi sẽ cùng xem xem anh có đúng hay không.
Ngồi hai bên Scott là Luis Escobar và cha anh, Joe Ramírez. Luis không chỉ là một người chạy siêu dài đáng gờm, từng giành chức vô địch ở giải H.U.R.T 100 và tham gia giải Badwater, mà còn là một trong những nhiếp ảnh gia hàng đầu trong các giải đua của môn này (tất nhiên, một phần là nhờ đôi chân đã đưa anh đi tới những nơi mà không nhiếp ảnh gia nào khác đến được). Hoàn toàn tình cờ, Luis trước đó mới gọi Scott để chắc chắn rằng họ sẽ gặp nhau ở Coyote Fourplay, một sự kiện nửa bí mật nửa công khai, miễn phí hoàn toàn, nhưng chỉ những ai được mời mới có thể tham dự, được mô tả là “một bữa tiệc hỗn độn ngu ngốc bốn ngày bao gồm những cái đầu bị cắt rời của lũ chó đồng cỏ, đồ ăn nhẹ bị đầu độc, quần lót treo trên cây, và 120 dặm đường mòn mà bạn sẽ ước rằng mình đã bỏ lỡ.”
Fourplay được tổ chức vào cuối tháng hai hằng năm trong khu rừng vắng ở Oxnard, California, và là dịp để một nhóm những người chạy đường dài có cơ hội được chơi xỏ và dìm hàng nhau. Hằng ngày, những người tham dự Fourplay sẽ chạy khoảng từ 30 đến 50 dặm đường mòn, được đánh dấu bởi những hộp sọ chó đồng cỏ đã được tẩm ướp và đồ lót phụ nữ. Hằng đêm, họ sẽ thi đấu bowling, biểu diễn tài lẻ và chơi xỏ nhau bằng đủ loại trò đùa, chẳng hạn như tráo thanh năng lượng ProBar bằng thức ăn đông lạnh cho mèo rồi dán giấy bọc như cũ. Fourplay là một trận chiến sinh tử cho đám nghiệp dư thích chạy đến mệt nhoài và quậy phá hết cỡ; nó không thực sự dành cho dân chuyên nghiệp, những tay luôn lo lắng đến kế hoạch tham gia các giải đua hay cam kết với nhà tài trợ. Như một lẽ tự nhiên, Scott chẳng bao giờ bỏ lỡ sự kiện này.
Cho tới năm 2006. “Xin lỗi, tôi bận việc khác!” Scott nói với Luis. Khi Luis biết việc đó là gì, tim anh ta rộn lên. Chưa ai từng chụp bức ảnh nào về cuộc đua của người Tarahamura trên chính sân nhà của họ. Nhưng vậy cũng tốt, họ chỉ chạy cho vui, mà có mặt bọn quỷ da trắng thì chẳng vui gì cả. Các cuộc đua của họ là ngẫu hứng, bí mật, và hoàn toàn không để người ngoài biết đến. Nhưng nếu Caballo có thể tổ chức được cuộc đua như đã hứa, thì một vài kẻ điên rồ nhưng may mắn sẽ có cơ hội được bước vào thế giới của người Tarahumara. Lần đầu tiên, tất cả bọn họ sẽ cùng được là Người Chạy Bộ.
Cha của Luis là Joe, người có gương mặt như tạc từ gỗ sồi, với mái tóc đuôi ngựa màu xám, và những chiếc vòng ngọc lam của một phù thuỷ thổ dân Mỹ. Nhưng ông thực ra lại là một người lao động nhập cư, trong hơn 60 năm khó khăn, đã lần lượt trở thành người đi tuần đường cao tốc ở California, bếp trưởng và cuối cùng là họa sĩ mang đậm màu sắc và văn hoá Mexico. Khi Joe nghe nói con mình đang chuẩn bị về quê hương để chiêm ngưỡng những người anh hùng thời cổ đại phô diễn sức mạnh, ông kiên quyết đòi đi cùng. Chỉ riêng chuyến leo núi cũng có thể đủ làm ông mất mạng, nhưng Joe chẳng hề nao núng. Còn hơn cả đám mê chạy đường dài đang vây quanh, người con của đồn điền luôn là người sống sót.
“Còn gã chân đất nọ thì sao?” Tôi hỏi. “Anh ta vẫn đến chứ?”
Khoảng vài tháng trước, một gã nào đó tự xưng là “Ted Chân Đất” bắt đầu oanh tạc Caballo với một đống thư từ. Anh ta có vẻ như là Bruce Wayne của chạy bộ chân trần, là người thừa kế giàu có, được thừa hưởng gia tài là một công viên vui chơi ở California, anh ta cống hiến bản thân cho việc đấu tranh chống lại tội ác lớn nhất từng thực hiện đối với bàn chân con người: phát minh ra giày chạy. Ted Chân Đất tin rằng chúng ta có thể thoát khỏi các chấn thương ở chân bằng việc vứt bỏ những đôi giày Nike, và anh ta sẵn sàng lấy bản thân mình ra làm bằng chứng: anh đã chạy giải marathon Los Angeles và Santa Clarita bằng chân đất và hoàn thành đủ nhanh để đạt tiêu chuẩn tham dự giải đua cấp cao Boston Marathon. Người ta đồn rằng anh luyện tập bằng cách chạy chân trần trên dãy núi San Gabriel, kéo vợ cùng con gái qua các con phố ở Burbank trên xe kéo. Bây giờ, anh đang tới Mexico để gặp gỡ người Tarahumara và tìm hiểu xem bí quyết cho sự bền bỉ đáng kinh ngạc của họ có phải là do họ chạy gần như hoàn toàn bằng chân trần hay không.
“Anh ta nhắn là sẽ đến sau.” Luis nói.
“Tôi nghĩ vậy là đủ người rồi. Caballo chắc sẽ sướng phát điên.”
“Vậy gã đó là thế nào?” Scott hỏi.
Tôi nhún vai. “Tôi thực sự không biết gì nhiều. Tôi chỉ gặp anh ta mỗi một lần.”
Scott nheo mắt. Billy và Jenn đã rời mắt khỏi quầy bar và ngoái đầu sang, bất thình lình tỏ ra quan tâm đến tôi hơn là mấy cốc bia mà họ đang gọi. Không khí của cả nhóm ngay lập tức thay đổi. Chỉ vài giây trước, tất cả mọi người đều đang uống và tán chuyện, nhưng giờ đây, chỉ có sự im lặng và chút căng thẳng.
“Sao vậy?” Tôi hỏi.
“Tôi cứ nghĩ các anh là bạn tốt của nhau.” Scott nói.
“Bạn ấy à? Còn lâu!” Tôi trả lời. “Gã này hoàn toàn là một bí ẩn. Tôi thậm chí còn chẳng biết anh ta sống ở đâu. Tôi thậm chí chẳng biết tên thật của anh tạ.”
“Thế thì làm sao anh biết được anh ta có nói thật hay không?” Joe Ramírez hỏi. “Chết tiệt. Có khi hắn ta chẳng biết người Tarahumara nào ấy chứ.”
“Họ biết anh ta.” Tôi nói. “Tôi chỉ có thể nói y như những gì tôi đã viết. Anh ta hơi kỳ cục, anh ta chạy rất giỏi, và anh ta đã ở dưới đó một thời gian dài. Đó là tất cả những gì tôi biết về gã này.”
Mọi người im lặng một lát và suy ngẫm, cả tôi cũng vậy. Tại sao chúng tôi lại tin tưởng Caballo? Tôi đã mải mê luyện tập cho cuộc đua, và quên mất rằng thử thách thực sự là phải sống sót qua được chuyến đi này. Tôi chẳng có tí thông tin nào về con người thật của Caballo, hay anh đang định dẫn chúng tôi tới đâu. Anh có thể hoàn toàn loạn trí hoặc chẳng có khả năng thực hiện điều đang hồ hởi chuẩn bị, và kết quả thì đều như nhau: khi tới Barrancas, chúng tôi sẽ bị nướng chín.
“Rồi!” Jenn lên tiếng. “Mấy anh định làm gì đêm nay? Tôi đã hứa sẽ uống một chầu margarita túy lúy với Billy.”
Nếu như phần còn lại của đám người có thoáng chút hồ nghi, thì họ đều bỏ nó sang một bên. Scott, Luis, Eric và Joe đều đồng ý leo lên chiếc xe của khách sạn cùng với Jenn và Billy để đi vào khu trung tâm uống chút gì đó. Tôi thì không. Phía trước chúng tôi là quãng đường dài, và tôi muốn được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Không giống như bọn họ, tôi đã từng đi tới đó. Tôi biết chúng tôi sắp sửa đến một nơi như thế nào.
Đâu đó khoảng nửa đêm, tôi bừng tỉnh bởi tiếng hét ở ngay gần. Gần lắm – như thể, ngay trong phòng tôi vậy. Và, một tiếng động lớn làm rung chuyển cả phòng tắm.
“Billy, dậy đi!” Ai đó hét lên.
“Để tôi ở yên đây. Tôi ổn mà.”
“Cậu phải dậy đi.”
Tôi bật đèn, và nhìn thấy Eric Orton, người huấn luyện viên thể thao mạo hiểm, đang đứng ở cửa. “Đám trẻ…” Anh ta lắc đầu. “Tôi không biết thế nào nữa.”
“Mọi người ổn cả chứ?”
“Tôi không biết đâu.”
Tôi ngồi dậy, vẫn đang ngái ngủ và đi tới cửa phòng tắm. Billy đang nằm sóng soài trong bồn tắm, mắt nhắm nghiền. Vết nôn oẹ dây khắp áo cậu ta… và cả bồn cầu… và sàn nhà tắm. Jenn đã mất quần áo và bị thâm một bên mắt; cô chỉ mặc quần ngắn và áo lót màu tím, với con mắt trái sưng vù. Cô nắm cánh tay của Billy và cố nhấc cậu ta dậy.
“Giúp tôi nâng anh lấy lên!” Jenn hỏi.
“Mắt cô bị sao vậy?”
“Ý anh là gì?”
“ĐỂ TÔI YÊN!” Billy hét lên, cười ré lên kiểu kẻ ác trong phim, rồi ngất lịm.
Chúa ơi. Tôi ngồi xổm xuống gần cậu ta trong bồn tắm và tìm những chỗ không dính nhơm nhớp trên người để bám vào. Tôi xốc được nách cậu ta lên, nhưng không tìm được chỗ thịt mềm nào để nắm lấy; Billy quá cơ bắp, nâng cậu ta lên cứ như thể nhấc một tảng thăn bò vậy. Tôi cuối cùng cũng xoay xở lôi được anh chàng ra khỏi bồn tắm và vào phòng khách. Eric và tôi định ở chung một phòng, nhưng khi Jenn và Billy đến mà không đặt phòng trước, mà có vẻ như họ cũng chẳng có tiền thuê nổi phòng, chúng tôi để họ ở chung.
Và họ nằm lăn ra ngay. Ngay khi Eric mở được chiếc ghế gấp ra, Jenn nằm vật xuống như một mớ giẻ. Tôi kéo Billy nằm duỗi ra bên cạnh Jenn, thò đầu ra ngoài rìa ghế. Tôi kịp để một chiếc giỏ rác dưới mặt cậu ta ngay trước khi một bãi nôn màu hồng khác tuôn ra xối xả. Cậu ta vẫn tiếp tục nôn oẹ khi tôi tắt đèn.
Trở lại buồng ngủ kề đó, Eric kể tôi nghe. Họ đi tới quán Tex-Mex, và trong khi mọi người ngồi ăn thì Jenn và Billy có một cuộc đấu rượu, với một bình margarita to cỡ cái vạc. Tới lúc, Billy đi khỏi đó để tìm nhà vệ sinh và chẳng quay lại nữa. Cùng lúc ấy, Jenn lại giải trí bằng cách giật điện thoại di động của Scott khi anh đang chúc vợ ngủ ngon, và hét vào đó “Cứu với! Tôi đang bị bao vây bởi đống dương vật!”
May sao, đúng lúc đó thì Ted Chân Đất xuất hiện. Anh ta đã đến khách sạn, nghe nói rằng nhóm bạn đi cùng đang nhậu nhẹt, nên chiếm luôn chiếc xe khách sạn và thuyết phục người tài xế chở đi lòng vòng cho tới khi tìm được những người kia. Lần dừng bánh đầu tiên, người lái xe nhìn thấy Billy đang nằm ngủ trong bãi đỗ xe. Anh này lôi Billy vào xe còn Ted Chân Đất đi gọi những người còn lại. Billy không quậy phá được nữa, thì Jenn làm bù; trong chuyến đi ngược về khách sạn, cô liên tục nhào lộn trong ghế ngồi cho tới khi người tài xế dừng xe lại và dọa ném cô ra ngoài nếu không chịu ngồi xuống.
Tuy nhiên, quyền năng của người lái xe chỉ có hiệu lực trong chiếc xe mà thôi. Khi anh ta dừng lại trước cửa khách sạn, Jenn lại lồng lên. Cô chạy vào khách sạn, trượt qua sảnh và ngã vào một bồn phun nước chứa đầy cây thủy sinh, đập mặt vào đá hoa cương đến thâm cả mắt. Cô nhỏm dậy, ướt từ đầu đến chân, vung vẩy hai nắm tay đầy lá cây trên đầu, như vừa chiến thắng trong trận Derby Kentucky.
“Cô ơi! Cô ơi!” Người lễ tân van nài, trước khi nhớ ra rằng van xin chẳng có ích gì với mấy kẻ say xỉn trong bồn nước. “Các vị lo quản lý cô ta đi!” Cô lễ tân cảnh cáo những người còn lại. “Nếu không tôi sẽ phải tống hết các vị ra khỏi đây.”
Được thôi. Luis và Ted Chân Đất ngáng ngã Jenn và đè cô xuống, vật lộn lôi cô vào thang máy. Jenn liên tục giãy giụa, cố thoát ra trong khi Scott và Eric thì lôi Billy vào theo. “Thả tôi raaaaaa!” Nhân viên khách sạn có thể nghe thấy tiếng Jenn rền rĩ khi cửa thang máy đóng lại. “Tôi sẽ ngoan mà! Tôi hưưứa….”
“Khốn kiếp thật!” Tôi nói và ngó đồng hồ. “Chỉ năm tiếng nữa là chúng ta phải dựng cổ bọn say xỉn này dậy và ra khỏi đây.”
“Tôi có thể đưa Billy đi!” Eric nói. “Jenn thì phần hết cho anh.”
Khoảng sau ba giờ sáng, điện thoại tôi đổ chuông.
“Ông McDougall?”
“Ừm?”
“Tôi là Terry ở sảnh lễ tân. Người bạn nhỏ của ông lại cần giúp đỡ để đi lên lầu.”
“Hả? Không phải, lần này không phải cô ta đâu.” Tôi nói và dò dẫm bật đèn. “Cô ta ở ngay…” Tôi nhìn quanh. Không thấy Jenn. “Được rồi. Tôi xuống ngay đây.”
Khi xuống tới sảnh, tôi thấy Jenn chỉ mặc áo lót và quần đùi. Cô nở nụ cười hớn hở, như muốn nói: “Thật tình cờ!” Bên cạnh cô là một gã cao lớn đi ủng cao bồi và thắt lưng của dân thi cưỡi ngựa. Anh ta liếc con mắt thâm tím của Jenn, rồi nhìn tôi, rồi lại nhìn con mắt thâm tím của cô như thể đang cân nhắc xem có nên cho tôi một trận hay không.
Có vẻ như cô đã tỉnh dậy để vào nhà vệ sinh, nhưng lại lang thang quá khỏi nhà tắm và cuối cùng lại đi xuống sảnh. Sau khi giải quyết nỗi buồn cạnh máy bán nước giải khát, cô nghe thấy tiếng nhạc và bắt đầu đi tìm hiểu. Cuối sảnh, người ta đang tổ chức một tiệc cưới.
“Ê NÀY!!!” Mọi người hô lên khi Jenn thò đầu vào.
“Ê MỌI NGƯỜI!” Jenn đáp lời, và lượn vào tìm đồ uống. Cô nhảy cọ mông với chú rể, nốc hết một ly bia, và chống cự mấy gã tưởng rằng cô nàng nóng bỏng đang say sưa lảo đảo, ăn mặc hở hang xuất hiện bất ngờ vào lúc ba giờ sáng này là món tiêu khiển riêng cho buổi tiệc. Jenn tiếp tục lang thang và cuối cùng lại trở về sảnh.
“Cô em ạ, tốt nhất là đừng uống như thế ở chỗ cô đang đi đến!” Cô lễ tân nói vọng theo khi Jenn loạng choạng đi về phía thang máy. “Bọn họ sẽ hãm hiếp và bỏ mặc cho cô chết đó.” Cô lễ tân đó biết rõ mình đang nói gì; điểm dừng đầu tiên của chúng tôi trên đường tới vùng hẻm núi là Juárez, một thị trấn biên giới loạn lạc tới mức hàng trăm cô gái trẻ cỡ tuổi Jenn đã bị giết và vứt xác ngoài sa mạc trong vài năm qua; 500 người khác đã bị giết chỉ trong một năm. Tất cả những mối nghi hoặc rằng ai đang nắm quyền kiếm soát ở Juárez đều đã tan biến, khi hàng tá cảnh sát trưởng đã bỏ việc hoặc bị giết sau khi các trùm ma túy treo danh sách của họ lên các bốt điện thoại.
“Được rồi!” Jenn vẫy tay tạm biệt. “Xin lỗi về mấy cái cây nhé.”
Tôi giúp cô trở lại nằm trên ghế xô-pha, rồi khoá cửa hai lần để đảm bảo không còn vụ trốn chạy nào nữa. Tôi xem giờ. Khỉ thật, 3 giờ 30 sáng. Chúng tôi phải ra khỏi cửa sau 90 phút nữa, nếu không thì chẳng có cơ hội gặp được Caballo. Ngay lúc này, anh hẳn đang ra khỏi vùng hẻm núi và đi về phía thị trấn Creel. Từ nơi đó, anh sẽ dẫn chúng tôi xuống vùng Barrancas. Hai ngày sau đó, chúng tôi sẽ phải cùng có mặt tại một điểm nào đó trên đường mòn trong dãy núi Batopilas, nơi những người Tarahumara sẽ đợi chúng tôi. Vấn đề khó khăn nằm ở lịch xe buýt tới Creel; nếu ngày mai chúng tôi xuất phát muộn, thì sẽ chẳng thể biết lúc nào mới tới nơi. Tôi biết là Caballo sẽ không đợi; đối với anh, chẳng khó khăn gì khi phải lựa chọn giữa việc bỏ rơi chúng tôi và lỡ hẹn với người Tarahumara.
“Này, các anh chắc phải đi trước thôi!” Tôi bảo Eric khi trở lại phòng ngủ. “Cha của Luis biết nói tiếng Tây Ban Nha, vì vậy ông có thể đưa các anh tới Creel. Tôi sẽ đi sau với hai người này ngay khi bọn họ có thể đi được.”
“Vậy thì làm thế nào chúng tôi tìm được Caballo?”
“Anh sẽ nhận ra anh ta thôi. Anh ta một mình một kiểu.”
Eric nghĩ một lúc. “Anh có chắc là không muốn tôi dội cho hai đứa kia một xô nước đá chứ?”
“Nghe hay đấy!” Tôi nói. “Nhưng lúc này, tốt nhất để họ ngủ.”
Khoảng một giờ sau, chúng tôi nghe thấy tiếng động trong phòng tắm. “Đúng là hết cách!” Tôi lầm bầm, và bò dậy để xem lần này đến lượt ai nôn oẹ. Nhưng thay vào đó, tôi lại thấy Billy đứng dưới vòi sen, người đầy xà phòng và Jenn đang đánh răng.
“Chào buổi sáng!” Jenn nói. “Mắt tôi bị làm sao vậy?”
Nửa giờ sau, sáu người chúng tôi lại quay trở lại chiếc xe của khách sạn và đi xuyên qua những con phố buổi sáng ẩm thấp của El Paso, hướng về phía biên giới Mexico. Chúng tôi sẽ phải vượt qua biên giới sang Juárez, rồi nhảy hết xe buýt này đến xe buýt khác vượt qua sa mạc Chihuahua tới rìa Barrancas. Ngay cả khi may mắn nhất, thì chúng tôi vẫn phải chuẩn bị đối mặt với 15 giờ liên tục trên những chiếc xe buýt rệu rã của Mexico trước khi tới được Creel.
“Ai kiếm được cho tôi một chai Mountain Dew sẽ có được cơ thể tôi!” Jenn rên rỉ, mắt nhắm nghiền và áp mặt vào cửa sổ mát lạnh của chiếc xe. “Và có luôn cả Billy nữa.”
“Nếu họ chạy như cách mà họ chơi bời, thì người Tarahumara chẳng có cửa mà chiến thắng!” Eric lẩm bẩm. “Anh tìm đâu ra hai đứa này vậy?”
* * *
22
Jenn và Billy gặp nhau vào mùa hè năm 2002, sau khi Billy học xong năm thứ nhất tại trường Đại học Virginia Commonwealth và trở về nhà làm nhân viên cứu hộ trên bãi biển Virginia. Một buổi sáng, cậu ta đến trạm gác và phát hiện ra thần may mắn lại ra tay. Đồng đội mới của cậu ta như bước ra từ quảng cáo bia Corona, một cô nàng xinh đẹp với điểm số cao nhất trong mọi thang đánh giá của Billy: cô là dân lướt ván, một con mọt sách bí mật, và là dân chơi thứ dữ, đi một chiếc xe Mitsubishi cổ lỗ sĩ với hình nhà văn quái dị Hunter S. Thompson đang cầm một khẩu súng lục Magnum cỡ nòng .44, khắc trên nắp máy.
Nhưng ngay lập tức, Jenn bắt đầu làm khó cậu. Cô cứ quấn lấy chiếc mũ bóng chày Đại học North Carolina (UNC) của Billy và không chịu buông ra. “Anh này!” Jenn nói. “Tôi thích cái mũ đó!” Cô đã học ở UNC một năm rồi bỏ học và chuyển đến San Francisco để làm thơ, vì vậy, nếu có lý lẽ nào trên bờ biển này, thì cô mới là người đáng được đội chiếc mũ Tar Heels đó, chứ không phải gã lướt sóng xinh trai chỉ đội nó để đám tóc mái điệu đàng không vương vào mắt…
“Cũng được!” Billy buột miệng. “Của cô đấy.”
“Ngon!”
“Nếu như,” Billy nói tiếp, “cô chịu khỏa thân chạy dọc bờ biển.”
Jenn cười chế giễu. “Anh được đấy. Ngay sau giờ làm nhé.”
Billy lắc đầu. “Không được. Ngay bây giờ.”
Chỉ lát sau, những tiếng hú hét và reo hò cổ vũ vang lên, làm rung chuyển cả đường lát gỗ bờ biển khi Jenn chạy vọt ra khỏi nhà vệ sinh di động, với bộ đồ cứu hộ nằm vo lại dưới đất. Được rồi, chơi luôn! Cô chạy tới trạm gác tiếp theo cách đó một dãy nhà, quay lại và chạy ngược về đám bà mẹ, trẻ con đáng nhẽ cần được bảo vệ khỏi nhiều thứ, trong đó có lũ sinh viên bỏ học nổi cơn điên chạy khỏa thân. Thật may, Jenn không bị tống giam (sau này thì có, vì tội làm chập động cơ xe tải của đội trưởng đội cứu hộ bằng cách nhét cua sống dưới nắp máy).
Trong những phút yên ả, Jenn và Billy nói chuyện về các con sóng lớn và sách vở. Jenn tôn sùng thơ Beat và cô định học ngành sáng tác ở trường Viết thơ Thoát xác Jack Kerouac, ấy là nếu có lúc nào đó cô muốn đi học lại và lấy một tấm bằng. Sau đó, cô đọc được cuốn sách It’s Not About a Bike (Không chỉ là chiếc xe đạp) của Lance Armstrong và phải lòng với một dòng thơ kiểu chiến binh mới.
Cô nhận ra rằng Lance không phải chỉ là một gã cục súc trên xe đạp; anh là một triết gia, một Beat thế hệ sau, một Dharma Bum (“Phật tử lang thang”) căng buồm lướt trên biển đường nhựa để tìm kiếm cảm xúc và Trải nghiệm Tinh túy. Cô biết Armstrong từng chiến thắng căn bệnh ung thư, nhưng không biết anh đã cận kề với cái chết đến mức nào. Lúc Armstrong được phẫu thuật, các khối u đã lan ra khắp não, phổi, và tinh hoàn. Sau khi điều trị hoá trị liệu, anh yếu tới mức không đi bộ nổi, nhưng lại phải đưa ra một quyết định khẩn cấp: nhận khoản bảo hiểm trị giá 1,5 triệu đô-la hay từ chối nó và xây dựng lại chính mình thành một vận động viên sức bền? Nhận tiền, và anh ta sẽ chẳng phải lo lắng gì cho đến cuối đời. Từ chối khoản tiền và căn bệnh tái phát, anh sẽ tiêu đời; anh sẽ chẳng có tiền, không có bảo hiểm y tế, và chẳng sống nổi đến tuổi 30.
“Quên mẹ trò lướt sóng đi!” Billy thốt lên. Cậu ta nhận ra, lựa chọn cuộc sống nhiều rủi ro không phải vì thích sự nguy hiểm. Đó là vì sự tò mò; kiểu tò mò táo bạo, giống như cách mà Lance đã làm khi bị coi là phế nhân và vẫn quyết định thử xem liệu mình có thể xây dựng từ một cơ thể tàn lụi thành một cỗ máy đánh bại cả thế giới. Cách mà Kerouac đã làm, khi quyết định đi theo một con đường và sau đó viết về nó theo từng cơn điên dại, bất cần và nghĩ sẽ chẳng bao giờ in nổi. Nhìn nhận vấn đề theo cách đó, Jenn và Billy có thể lần ra mối liên hệ trực tiếp từ một nhà thơ phong cách Beat tới nhà vô địch xe đạp đua, xuống tới một cặp đôi cứu hộ bờ biển Virginia suốt ngày nốc bia Pabst Blue Ribbon. Chẳng ai trông đợi họ làm nên trò trống gì, nên họ có thể thử làm bất cứ điều gì. Tính bạo gan đang vẫy gọi.
“Em đã bao giờ nghe nói đến Mountain Masochist3 chưa?” Billy hỏi Jenn.
3 Kẻ khổ dâm trên núi (ND)
“Chưa. Đó là ai vậy?”
“Đó là một cuộc đua, đầu đất ạ. 50 dặm trên núi.”
Họ đều chưa từng chạy một giải marathon nào bao giờ. Họ sống ở bãi biển suốt từ nhỏ đến giờ, hầu như chưa từng nhìn thấy núi, chứ đừng nói đến chuyện chạy trên đó. Họ cũng chẳng thể tập luyện nghiêm túc được, vì thứ cao nhất quanh bờ biển Virginia chỉ là một đụn cát. Đối với họ, 50 dặm trên núi là hoàn toàn quá sức.
“Vụ này được đấy!” Jenn nói. “Em sẽ chơi.”
Họ thực sự cần sự trợ giúp, vì vậy, Jenn lại tìm kiếm ở chỗ mà cô vẫn tìm khi cần được chỉ dẫn. Như thường lệ, mấy kẻ nghiện rượu và hút sách mà cô yêu thích luôn là cứu tinh kịp thời. Đầu tiên, cô và Billy nghiên cứu cuốn The Dharma Bums (Phật tử lang thang) và bắt đầu ghi nhớ miêu tả của Jack Kerouac về chuyến đi trên dãy núi Cascadia.
“Hãy thử thiền định trên đường mòn, cứ đi và nhìn xuống lối mòn dưới chân bạn, đừng nhìn quanh và rơi vào trạng thái thôi miên khi mặt đất lướt qua phía dưới.” Kerouac viết. “Những con đường mòn là như vậy: bạn trôi qua nó trong một thiên đường kiểu Arden Shakespeare và trông đợi được nhìn thấy những nàng tiên rừng, những chàng tiên thổi sáo, rồi bất chợt, bạn cố gắng vùng vẫy giữa một mặt trời địa ngục sục sôi trong bụi đất, với những cây tầm ma và cây sồi độc… y như ngoài đời vậy.”
“Toàn bộ cách tiếp cận với chạy đường mòn của chúng tôi đều bắt nguồn từ cuốn sách ấy.” Billy sau này kể lại với tôi. Còn về cảm hứng, thì họ lấy từ Charles Bukowski: “Nếu bạn định thử, thì hãy làm hết sức.” Theo Barfly (Kẻ lang thang quán rượu). “Không có cảm xúc nào khác giống được như thế. / chỉ còn có bạn và các vị thần / và những bóng đêm sẽ bùng cháy… bạn sẽ lướt trên cuộc đời thẳng tới / nụ cười hoàn hảo, đó là / cuộc chiến duy nhất xứng đáng.”
Chẳng bao lâu sau, dân lướt sóng để ý thấy nhiều chuyện kỳ cục vào các buổi tối khi Mặt trời lặn trên Đại Tây Dương. Những lời tụng kinh vang vọng khắp các đụn cát – “Ảo mộộộộnnngggg! Điềềềmmmm báo! Ảảảảoooo giácccc!” – sau đó, một quái vật bốn chân nửa người nửa thú sẽ xuất hiện, nhảy nhót, hú hét. Khi nó tới gần, họ có thể nhận ra đó thực ra là hai người, chạy sóng vai nhau. Một cô gái trẻ mảnh mai với chiếc khăn quấn “Gay Pride” trên đầu và một con dơi hút máu xăm trên cánh tay, còn người kia, thì họ chỉ có thể đoán, là một võ sĩ người sói dưới ánh trăng.
Trước khi bắt đầu buổi chạy tối, Jenn và Billy nhét băng ghi âm Allen Ginsberg đọc tập thơ Howl (Tiếng hú) vào máy Walkman. Họ thống nhất với nhau là khi nào chạy bộ không còn hào hứng bằng lướt sóng nữa, thì họ sẽ từ bỏ. Vì vậy, để có được cảm giác lướt đi và dâng trào như khi lướt sóng, cảm giác như được nâng lên và cuốn theo, họ chạy theo nhịp của những vần thơ Beat.
“Những phép màu! Ngất ngây! Trôi theo dòng sông nước Mỹ!” Họ hò hét trong khi chạy dọc theo mép nước.
“Những tình yêu mới! Thế hệ điên khùng! Lăn xuống theo những tảng đá của thời gian!”
Tại giải Old Dominion 100 vài tháng sau đó, các tình nguyện viên tại trạm tiếp tế ở giữa chặng đường nghe thấy tiếng hét vọng qua những cánh rừng. Chỉ lát sau, một cô gái tóc tết bím chạy ào ra khỏi những rặng cây. Cô lộn nhào trồng cây chuối, rồi đứng lên trở lại và bắt đầu đấm bốc với khoảng không.
“Mày chỉ có vậy thôi sao, Old Dominion?” Cô hét lên khi tung các nắm đấm vào không khí. Là thành viên duy nhất trong đội hỗ trợ của Jenn, chàng Billy đứng đợi cùng đồ ăn ưa thích của cô: nước ngọt có ga Mountain Dew và bánh pizza pho mát. Jenn ngừng nhảy nhót, tiến vào và bắt đầu chén một lát pizza.
Các tình nguyện viên tại trạm tiếp tế trợn tròn mắt. “Cưng ơi!” Một trong số họ cảnh báo. “Em nên chạy chậm bớt đi. Chưa tới 20 dặm cuối thì chưa tính là đã chạy được nửa của 100 dặm đâu.”
“Được rồi!” Jenn nói. Sau đó, cô lau cái miệng đầy mỡ bằng chiếc áo lót thể thao, ợ lên một hơi Mountain Dew và chạy khỏi đó.
“Cậu phải bảo cô ta chạy chậm bớt đi.” Một trong những tình nguyện viên tại trạm tiếp tế nói với Billy. “Cô ấy đang chạy nhanh hơn kỷ lục của giải những ba giờ đấy.” Vượt qua 100 dặm trên núi không giống chạy giải marathon trong thành phố; nếu gặp vấn đề gì trong bóng tối, thì phải may mắn lắm bạn mới quay trở ra được.
Billy nhún vai. Sau một năm lãng mạn với Jenn, cậu ta đã hiểu được rằng cô có khả năng làm bất cứ điều gì, ngoại trừ giảm tốc độ. Ngay cả khi cô muốn kiểm soát bản thân, thì bất kỳ điều gì đang trào dâng trong cô – tình cảm, cảm hứng, cơn bực bội hay niềm vui – cũng sẽ tuôn chảy ra ngoài. Dù sao đi nữa, đây cũng là cô gái đã tham gia đội bóng bầu dục của UNC và lập ra một kỷ lục mà trước đó vẫn được coi là không thể đạt được trong suốt chiều dài lịch sử 170 năm của môn thể thao này: Quá quậy trong các Bữa tiệc Bóng bầu dục. “Cô ấy điên cuồng tới mức, đám con trai trong đội bóng nam phải vật ngã cô và khiêng về phòng.” Jessie Polini, bạn thân nhất của cô ở UNC kể. Jenn luôn luôn lao hết tốc lực, và chỉ nghĩ cách đối phó với những bức tường đá sau khi va phải chúng.
Lần này, bức tường đá trở lại để báo thù tại mốc 75 dặm. Lúc đó là sáu giờ tối. Mặt trời đã lặn từ khi Jenn bắt đầu chạy vào khoảng năm giờ sáng, và cô còn cả một cuộc marathon phía trước. Lần này, khi lết vào trạm tiếp tế, Jenn không còn biểu diễn quyền anh với khoảng không nữa. Cô đứng trước bàn để đồ ăn, ngẩn người vì mỏi mệt, mệt đến mức không ăn nổi và đầu óc đã quá mụ mị để quyết định xem nên làm gì khác. Cô chỉ biết một điều duy nhất, là nếu ngồi xuống, cô sẽ không thể đứng lên được nữa.
“Đi thôi nào!” Ai đó la lên.
Billy vừa tới nơi và bắt đầu cởi áo khoác. Bên trong, cậu ta mặc quần đùi lướt ván và một chiếc áo phông hình ban nhạc rock, với tay áo đã bị xé bỏ. Một số vận động viên marathon cảm thấy hứng khởi khi có một người bạn chạy dẫn tốc độ giúp họ trong khoảng hai, ba dặm cuối; còn Billy thì đang nhảy vào chơi nguyên một cự ly marathon. Jenn cảm thấy phấn chấn. Gã Đầu Đất này. Đáng mặt lắm!
“Em ăn thêm một ít pizza nhé?” Billy hỏi.
“Ui, chịu thôi!”
“Cũng được. Sẵn sàng chưa?”
“Chơi luôn.”
Hai người bọn họ lại chạy xuống đường mòn. Jenn chạy trong im lặng, vẫn cảm thấy rất tệ hại và đấu tranh tư tưởng với ý muốn quay về trạm tiếp tế và bỏ cuộc. Billy đi cùng và hỗ trợ cô bằng cách ở kề bên. Jenn vật vã qua một dặm, thêm một dặm nữa, và rồi điều kỳ lạ bắt đầu xuất hiện: nỗi tuyệt vọng của cô nhường chỗ cho sự hãnh diện, bởi cảm giác rằng thật tuyệt biết bao khi lang thang trong chốn hoang vu diệu kỳ này, dưới ánh hoàng hôn thiêu đốt, cảm thấy tự do và trần trụi, thấy mình đang lướt nhanh, những cơn gió nhẹ trong rừng giúp làn da đẫm mồ hôi trở nên mát mẻ.
Tới 10 giờ 30 phút đêm đó, Jenn và Billy đã vượt qua tất cả các vận động viên khác trong rừng, trừ một người duy nhất. Jenn không chỉ về đích; cô đã về đích thứ nhì chung cuộc, và là nữ vận động viên chạy giải này nhanh nhất, phá vỡ kỷ lục cũ với ba giờ cách biệt (tới ngày hôm nay, kỷ lục 17 giờ 34 phút của cô vẫn được giữ nguyên). Khi bảng xếp hạng toàn quốc được công bố vài tháng sau đó, Jenn phát hiện ra cô nằm trong ba vận động viên chạy 100 dặm hàng đầu nước Mỹ. Và chẳng lâu sau đó, cô đạt kỷ lục thế giới: thành tích 14 giờ 57 phút tại giải Rocky Raccoon 100 vẫn là thành tích tốt nhất trên đường mòn nền đất cự ly 100 dặm của vận động viên nữ trên toàn thế giới.
Mùa thu năm đó, một bức ảnh xuất hiện trên tạp chí UltraRunning. Bức ảnh có hình Jenn hoàn thành một cuộc đua 30 dặm đâu đó trong một khu rừng xa xăm ở bang Virginia. Không có gì ngạc nhiên trong thành tích của cô ở giải này (về đích thứ ba) hay quần áo của cô (quần ngắn màu đen, áo lót thể thao màu đen đơn giản), hoặc tính nghệ thuật của bức ảnh (thiếu sáng, và bị cắt xén thô bạo). Jenn chẳng phải đang chiến đấu đến một kết cục cay đắng, hay sải chân trên đỉnh núi với hàm răng nghiến chặt như một người mẫu của Nike, hoặc cố gắng vươn tới vinh quang với vẻ mặt nhăn nhó thể hiện quyết tâm đến nghẹt thở. Tất cả những gì cô đang làm là… chạy. Chạy, và mỉm cười.
Nhưng nụ cười đó lại gây xúc động lạ thường. Bạn có thể nhận ra ngay rằng cô đang bùng nổ hết cỡ, như thể cô chẳng muốn làm bất kỳ điều gì khác trên đời hơn là việc đang làm ngay lúc ấy, ở nơi đây, trên một đường mòn bị quên lãng giữa vùng Appalachian hoang dã. Mặc dù chỉ chạy dài hơn bốn dặm so với một cuộc marathon, cô trông vẫn nhanh nhẹn và vô lo, với cặp mắt lấp láy, mái tóc đuôi ngựa đung đưa quanh đầu như tấm áo tung bay trên tay một cầu thủ bóng đá Brazil đang ăn mừng thắng lợi. Niềm vui sướng mộc mạc của cô là thứ hiển hiện; nó toát ra từ nụ cười trên môi, thật thà và không chút è dè, đến mức như thấy cô đang đắm chìm cảm hứng nghệ thuật vậy.
Có thể đúng là như vậy. Mỗi khi một hình thức nghệ thuật nào đó mất đi ngọn lửa, khi nó bị suy yếu bởi sự pha tạp của tri thức và những nguyên tắc căn bản mờ dần thành truyền thống cũ rích, thì lại có một nhóm nổi loạn cấp tiến nào đó thổi bùng nó lên và xây dựng lại từ đống đổ nát. Những vận động viên chạy bộ siêu dài thuộc thế hệ Những Tay Súng Trẻ giống như những nhà văn trong Thế hệ Bỏ đi vào những năm 20, các nhà thơ Beat những năm 50, và các nhạc sĩ dòng nhạc rock vào những năm 60: họ nghèo khó và bị lờ đi, và không bị vướng bận bởi những kỳ vọng hay kìm hãm. Họ là những họa sĩ vẽ trên cơ thể, chơi đùa với những bảng màu là sức chịu đựng của con người.
“Vậy tại sao không phải là các cuộc đua marathon?” Tôi hỏi Jenn trong một cuộc điện thoại để phỏng vấn cô về thế hệ Những Tay Súng Trẻ. “Cô có nghĩ mình vượt qua được vòng tuyển chọn Olympic?”
“Cái anh này, thật là…” Cô nói. “Thời gian đạt tiêu chuẩn là 2 giờ 48 phút. Ai mà chả làm được.” Jenn có thể chạy một cuộc marathon dưới ba giờ trong bộ bikini buộc dây, nốc một vại bia ở dặm thứ 23 – và sẵn sàng làm được như vậy, chỉ năm ngày sau khi hoàn thành cuộc đua 50 dặm đường mòn ở dãy núi Blue Ridge.
“Nhưng sau đó thì sao?” Jenn tiếp. “Tôi ghét cách người ta cường điệu hóa marathon. Có gì bí hiểm đâu nhỉ? Tôi biết một cô gái tập luyện cho đợt tuyển chọn và cô ta lập kế hoạch từng bài tập cho tận ba năm liền! Cô ta tập tốc độ trên đường chạy sân vận động gần như hai ngày một lần. Tôi không làm nổi. Có lần, đáng nhẽ phải chạy cùng cô ta vào lúc sáu giờ sáng, tôi đã gọi cho cô ta lúc hai giờ đêm để nói rằng tôi đang say bét vì uống margarita, và chắc là không đến được.”
Jenn chẳng có huấn luyện viên hay chương trình tập luyện; cô thậm chí còn chẳng có nổi một cái đồng hồ. Cô chỉ bò ra khỏi giường vào mỗi sáng, xực một chiếc bánh kẹp chay, và sau đó chạy xa đến đâu và nhanh tới mức nào tùy thích, mà thông thường là khoảng 20 dặm. Sau đó cô sẽ nhảy lên ván trượt pa-tanh thay vì mua vé đỗ xe tháng, và trượt ván tới lớp ở Old Dominion, nơi cô mới quay lại để tiếp tục học và liên tục đạt điểm A.
“Tôi thực ra chẳng bao giờ nói chuyện này với ai, vì nghe có vẻ vờ vịt, nhưng tôi đã bắt đầu chạy siêu dài để trở thành một con người tốt hơn trước.” Jenn nói với tôi. “Tôi đã nghĩ, nếu có thể chạy được 100 dặm, bạn sẽ ở trạng thái thiền định. Bạn sẽ trở thành Phật, mang lại hòa bình và nụ cười đến cho thế giới. Có vẻ không đúng với trường hợp của tôi – tôi vẫn là cái đồ quậy phá như trước – nhưng vẫn hy vọng nó có thể làm con người trở nên tốt đẹp hơn, hiền hòa hơn.
“Khi tôi chạy đường dài,” cô nói tiếp, “lúc đó, điều quan trọng duy nhất trên đời là hoàn thành cuộc chạy. Chỉ có lúc ấy, đầu tôi mới không phát hỏa. Mọi thứ trở nên tĩnh lặng, và tôi như đang thuần túy trôi đi. Chỉ có tôi với từng cử động và chuyển động. Tôi yêu thích điều đó – trở thành giống người man rợ, chạy xuyên qua rừng.”
Nghe Jenn nói, tôi cảm tưởng như đang nói chuyện với bóng ma của Caballo Blanco. “Cô nói chuyện giống một gã tôi gặp ở Mexico đến lạ lùng.” Tôi bảo. “Vài tuần nữa, tôi sẽ xuống đó để tham dự một cuộc đua của anh ta với người Tarahumara.”
“Không thể nào!”
“Scott Jurek có thể cũng đến nữa.”
“Anh… đang… đùa tôi!” Cô Phật nhỏ gào lên. “Thật sao? Tôi với bạn tôi tham gia được không? Ôi, không. Chết tiệt! Chúng tôi phải thi giữa kỳ vào tuần đó. Tôi phải bàn với bạn tôi ngay mới được. Cho tôi đến mai để trả lời nhé, được chứ?”
Sáng hôm sau, như đã hứa hẹn, Jenn gửi tôi một tin nhắn:
Mẹ tôi nghĩ anh là một kẻ giết người hàng loạt, và sẽ giết chúng tôi trong sa mạc. Cũng đáng để liều đấy. Vậy, chúng tôi sẽ gặp các anh ở đâu?