Steve Jobs - Chương 16 - Phần 01

Chương 16

ICARUS (24)

Leo lên những nấc thang mới

Sự ra đời của chiếc Macintosh trong tháng 1 năm 1984 đã đưa danh tiếng của Jobs lên một tầm cao mới, đặc biệt là trong chuyến ông đi tới Manhattan vào cùng thời điểm đó. Ông tham dự bữa tiệc mà Yoko Ono tổ chức cho con trai của mình, Sean Lennon, và ông đã tặng cậu bé 9 tuổi một chiếc máy Macintosh. Cậu bé rất yêu thích nó. Các nghệ sĩ Andy Warhol và Keith Haring cũng có mặt ở đó, ngay lập tức họ đã bị cuốn hút với những gì họ có thể tạo ra với chiếc máy tính đã đánh dấu sự chuyển biến lớn của nghệ thuật đương đại. "Tôi đã vẽ một vòng tròn", Warhol thốt lên tự hào sau khi sử dụng công cụ QuickDraw. Warhol khẳng định rằng Jobs cũng đã đưa cho Mick Jagger một chiêc máy tính. Khi Jobs đến nhà của ngôi sao nhạc rock này, Jagger dường như bối rối. ông ấy không biết Jobs là ai. Sau đó, Jobs đã nói với nhóm của mình, "Tôi nghĩ là anh ta say thuốc rồi. Nếu không thì cũng bị điên." Tuy nhiên, con gái của Mick, Jade dagger, đã vào máy tính ngay lập tức và bắt đầu vẽ với chương trình MacPaint, do đó, Jobs đã đưa chiếc máy cho cô bé.

Jobs đã mua một căn hộ hai phòng kép cao cấp ở Central Park thuộc Tây Manhattan và khoe nơi này với Sculley. Kiến trúc sư James Freed của công ty IM Pei đã được thuê để thiết kế lại, nhưng Jobs không bao giờ chuyển đến nơi đó ở. (Sau này, ông bán nó cho Bono với giá 15 triệu đô-la). Jobs cũng mua một căn biệt thự với mười bốn phòng ngủ xây dựng theo phong cách thuộc địa Tây Ban Nha ở Woodside, trên các ngọn đòi của Palo Alto, căn biệt thự này từng thuộc quyền sở hữu của một chủ đất giàu có, ông chuyển đến ở nhưng không thay đổi nội thất của nơi này.

Tại Apple, Jobs như được hồi sinh. Thay vì tìm cách cắt giảm quyền hành của Jobs, Sculley đã tín nhiệm giao cho Jobs nhiều hơn thế: hai dòng máy Lisa và Macintosh đã được sáp nhập lại với nhau, tất cả do Jobs phụ trách. Vị thế của ông lúc này đang lên cao, nhưng điều này không có nghĩa là công việc của Jobs nhẹ nhàng hơn. Thực tế đã có một sự kiện đáng nhớ xảy ra khi ông phải đối mặt với đội ngũ sản xuất kết hợp giữa Lisa và Macintosh, và diễn giải làm thế nào họ sẽ được sáp nhập. Ban lãnh đạo trong nhóm Macintosh sẽ có được tất cả các vị trí hàng đầu, ông nói, và một phần tư của nhân viên Lisa sẽ bị sa thải. "Các bạn đã thất bại," ông nói, nhìn thẳng vào những người thuộc đội ngũ Lisa. "Các bạn là nhóm B. Là các tay chơi hạng B. Quá nhiều người ở đây là tay chơi hạng B hoặc C, vì vậy hôm nay chúng tôi sẽ đưa cho các bạn cơ hội khác để làm việc tại các công ty chị em của chúng tôi trong thung lũng."

Bill Atkinson, người đã làm việc trong cả hai đội ngũ, cho rằng quyết định này không chỉ tàn nhẫn, mà còn không công bằng. "Những người này đã làm việc thực sự chăm chỉ và đều là các kỹ sư xuất sắc," ông nói. Tuy nhiên, Jobs đã bám vào những gì ông tin là một bài học quản lý quan trọng từ kinh nghiệm điều hành Macintosh: Bạn phải tàn nhẫn nếu bạn muốn xây dựng một đội ngũ hoàn hảo của những tay chơi hạng A. "Nếu quá dễ dàng, khi đội ngũ phát triển, một vài cầu thủ hạng B sẽ xuất hiện, và sau đó sẽ có nhiều hơn những kẻ hạng B, và sớm thôi, bạn thậm chí sẽ có một số cầu thủ hạng C", ông nhớ lại. "Kinh nghiệm khi tạo ra Macintosh đã dạy tôi rằng những người hạng A chỉ thích làm việc với những người hạng A, có nghĩa là bạn không thể chấp nhận những cầu thủ hạng B."

Trong thời gian này, Jobs và Sculley đã tự thuyết phục bản thân rằng tình bạn của họ vẫn thân thiết. Họ thường xuyên thể hiện tình cảm thân mật như là một đôi bạn tri âm từ thời phổ thông. Trong dịp kỷ niệm một năm làm việc đầu tiên của Sculley tại Aplle, vào tháng 5 năm 1984, để chào mừng, Jobs đã mời ông ta đến dự một bữa tiệc tối tại Le Mouton Noir, một nhà hàng thanh lịch nằm trên ngọn đòi phía tây nam của Cupertino. Để tạo bất ngờ cho Sculley, Jobs đã tập hợp hội đồng quản trị của Apple, ban lãnh đạo của công ty, và thậm chí một số nhà đầu tư miền Tây.

Khi tất cả họ chúc mừng Sculley trong tiệc cocktail, Sculley nhận thấy, "Steve rạng rỡ tươi cười đứng phía sau, gật đầu lên xuống, nụ cười nở rộng trên khuôn mặt của mình." Jobs bắt đầu bữa tiệc với lời mào đầu có phần hơi thái quá. "Hai ngày hạnh phúc nhất đối với tôi là khi Macintosh được xuất xưởng và ngày thứ hai là khi John Sculley đồng ý gia nhập Apple," ông nói. "Đây là năm thành công nhất mà tôi từng có trong suốt cuộc đời của tôi, vì tôi đã học được rất nhiều từ John." Sau đó, ông đã chụp cùng Sculley một tấm hình đáng nhớ trong năm đó.

Để đáp lại, Sculley cũng bày tỏ niềm vui khi được là đối tác của Jobs trong năm qua, và ông đã đi đến một kết luận, vì nhiều lý do khác nhau, tất cả mọi người có mặt ngày hôm đó đều không thể quên câu nói này. "Apple có người lãnh đạo", ông nói, "đó là Steve và tôi." Khi ấy ông đưa mắt nhìn khắp phòng, bắt gặp ánh mắt của Jobs, và nhìn thấy Jobs mỉm cười. "Cứ như thể là có một sợi dây liên kết giữa chúng tôi", Sculley nhớ lại. Tuy nhiên, ông cũng nhận thấy rằng Arthur Rock và một số người khác có cái nhìn như đang chế giễu, thậm chí là ngờ vực. Họ lo lắng rằng Jobs đã hoàn toàn đánh bại Sculley. Họ thuê Sculley để kiểm soát Jobs, và bây giờ rõ ràng Jobs mới là người nắm quyền kiểm soát. "Sculley đã quá háo hức với sự đồng thuận của Steve và không thể đứng lên chống lại ông ta," Rock nhớ lại Việc khiến Jobs thỏa mãn và chấp thuận những ý kiến chuyên môn của ông có vẻ như là một chiến lược thông minh của Sculley. Tuy nhiên, ông ta đã không hề nhận ra rằng về bản chất Jobs không phài là một kẻ có thể chia sẻ quyền lực của mình. Chiều theo ý muốn của ai đó không phải cách làm của Steve, ông bắt đầu lên tiếng nhiều hơn về phương hướng mà ông cho rằng công ty nên được điều hành. Cụ thể như tại cuộc họp chiến lược kinh doanh năm 1984, ông đã thúc đấy việc thông qua ý kiến để phòng kinh doanh của công ty và bộ phận tiếp thị tổ chức đấu thầu quyền cung cấp dịch vụ của họ cho các dòng sản phẩm khác nhau. (Điều này có nghĩa là, nếu muốn, nhóm Macintosh có thể quyết định không sử dụng đội ngũ tiếp thị của Apple và thay vào đó tạo ra một đội ngũ tiếp thị của riêng mình.) Mặc dù không có ai ủng hộ, nhưng Jobs tiếp tục cố gắng để nó được thông qua. "Mọi người chờ đợi tôi lấn át Steve, để khiến anh ta ngồi xuống và im lặng, nhưng tôi đã không làm thế", Sculley nhớ lại. Khi cuộc họp kết thúc, ông đã nghe một ai đó thì thầm, "Tại sao Sculley không khiến hắn ngậm mồm lại?”

Khi Jobs quyết định xây dựng một nhà máy-của-nghệ thuật ở Fremont để sản xuất máy Macintosh, yêu cầu về tính thẩm mỹ và tính độc đoán của Jobs ngày càng cao. ông muốn các máy tính phải được sơn màu sắc tươi sáng, giống như logo của Apple, nhưng ông đã mất rất nhiều thời gian tranh cãi với giám đốc sản xuất của Apple, Matt Carter, khi Matt quyết định cho sản xuất các sản phẩm với màu be và màu xám thông thường. Khi Jobs đánh giá một lượt sản phầm, ông đã ra lệnh rằng các máy phải được sơn lại bằng màu sắc tươi sáng mà ông muốn. Carter phản đối, đây đều là thiết bị tinh vi, và việc sơn lại các máy có thể gây ra vấn đề cho chúng. Carter đã nói đúng.

Một trong những chiếc máy đắt tiền nhất được sơn lại màu xanh sáng cuối cùng khi hoạt động đã bị lỗi, và sau đó nó được mệnh danh là "sự ngớ ngẩn của Steve". Cuối cùng Carter nghỉ việc. "Thực sự quá mệt mỏi khi đối đầu anh ta, và thường vấn đề xuất phát từ những chuyện vô nghĩa mà tôi đã chịu đựng đủ rồi", ông nói.

Jobs thay thế Debi Coleman vào vị trí đó, cô là một nhân viên tài chính của nhóm Macintosh, một người khá can đảm và tốt bụng, đã từng được nhận giải thưởng hàng năm của nhóm cho người đối đầu thành công nhất với Jobs. Nhưng cô biết làm thế nào để đáp ứng những ý tưởng bất chợt của ông khi cần thiết. Khi giám đốc mỹ thuật của Apple, Clement Mok, thông báo rằng Jobs muốn những bức tường có màu trắng tinh khiết, cô phản đối, "Anh không thể sơn một nhà máy với màu trắng tinh khiết được. Sớm muộn thì bụi bẩn cũng sẽ bám vào khắp mọi nơi."

Mok trả lời:" Chẳng có màu trắng nào là quá trắng với Steve cả." Cuối cùng thì cô ấy cũng phải chấp nhận. “Với những bức tường màu trắng tinh và những chiếc máy đủ màu xanh, vàng, đỏ, thềm của nhà máy trông không khác gì gian hàng giới thiệu của Alexander Calder vậy” Coleman nói.

Khi được hỏi về sự ám ảnh của ông đối với việc thiết kế không gian của của nhà máy, Jobs cho biết đó là một cách để đảm bảo niềm đam mê vươn tới sự hoàn hảo của ông:

“Tôi sẽ tới nhà máy, và đeo vào tay một chiếc găng màu trắng để kiểm tra xem có bụi hay không. Tôi sẽ tìm kiếm ở khắp mọi nơi - trên những chiếc máy, trên đỉnh của giá đỡ, hay trên sàn.

Và tôi sẽ hỏi Debi chúng đã được lau sạch hay chưa. Tôi nói với cô ấy tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có thể ăn ở ngay trên sàn của nhà máy. Phải, điều này gần như khiến Debi phát điên. Cô ấy không hiểu tại sao. Và khi ấy tôi cũng không thể lý giải vì sao. Hãy xem, tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi những gì tôi đã tận mặt chứng kiến ở Nhật Bản. Một phần vì những điều tôi thực sự ngưỡng mộ của đất nước ấy, và một phần khác vì những gì chính chúng tôi đang thiếu trong tổ chức của mình, đó là tinh thần đồng đội và tính kỷ luật nghiêm khắc. Nếu chúng tôi không có kỷ luật để giữ nơi này không tì vết, vậy thì chúng tôi cũng không có kỷ luật để giữ những chiếc máy hoạt động tốt được.”

Một sáng chủ nhật Jobs đưa cha mình đến xem nhà máy. Paul Jobs là một người có yêu cầu cao về độ chuẩn xác trong những công việc của mình cũng như luôn muốn chắc chắn rằng các công cụ của mình đặt đúng vị trí. Và con trai của ông tự hào được cho ông thấy mình cũng có thể làm như vậy. Coleman cũng có mặt lúc ấy."gương mặt của Steve trở nên rạng rỡ," cô nhớ lại. "Anh ấy rất hãnh diện khoe với cha sản phẩm sáng tạo của mình. Jobs giải thích cách làm thế nào chúng được vận hành, và người cha dường như thực sự thán phục điều đó. Jobs không ngừng nhìn cha mình, ông ấy chạm vào tất cả mọi thứ, hài lòng với sự sạch sẽ và vẻ ngoài hoàn hảo của chúng."

Chuyến viếng thăm nhà máy của Danielle Mitterrand, một phụ nữ rất ủng hộ Cuba, phu nhân của tổng thống Pháp Pranẹois Mitterrand thuộc Đảng Xã Hội, ngược lại không mấy mặn nồng. Bà đã đặt rất nhiều câu hỏi, thông qua phiên dịch của bà về điều kiện làm việc của nhân viên, trong khi Jobs, với Alain Rossmann làm thông dịch viên, cố gắng giải thích các ứng dụng tiên tiến của robot và công nghệ. Sau khi Job nói về lịch trình sản xuất khép kín của mình, bà lại hỏi về lương trả làm thêm giờ. Steve tỏ ra khó chịu, do đó ông diễn giải làm thế nào công nghệ tự động hóa đã giúp ông tiết kiệm chi phí lao động, một chủ đề mà ông biết sẽ khiến bà không mấy thích thú. "Công việc có vất vả lắm không", bà hỏi tiếp. "Thời gian họ được nghỉ là bao nhiêu?" Jobs không thể nhẫn nhịn được nữa."Nếu bà ấy quan tâm đến phúc lợi của họ đến vậy", ông quay sang nói với người phiên dịch, "nói với phu nhân là bà ấy có thể đến làm việc ở đây bất cứ lúc nào."

Người phiên dịch choáng váng không dám mở miệng. Rossmann chen ngang câu chuyện và nói bằng tiếng Pháp, "Ngài Jobs nói rằng ông rất cảm ơn phu nhân vì chuyến thăm này của bà và sự quan tâm của bà đối với nhà máy". Kể cả Jobs cũng như phu nhân Mitterrand đều không biết chuyện gì đã xảy ra, Rossmann kể lại, nhưng phiên dịch viên của bà Mitterrand trông như vừa trút được một gánh nặng.

Sau đó, Jobs lái chiếc Mercedes của mình xuống đường cao tốc tới Cupertino, ông tỏ ra cáu kỉnh với Rossmann về thái độ của phu nhân Mitterrand. Khi Jobs tăng tốc vượt quá tốc độ 100 dặm một giờ, ông bị một cảnh sát dừng lại và viết vé phạt. Trong khi viên cảnh sát quay đi viết vội tờ vé, Jobs bóp còi ô tô. "Có chuyện gì?" viên cảnh sát hỏi. Jobs trả lời, "Tôi vội lắm."Thật ngạc nhiên, viên cảnh sát không hề tức giận, ông ta chỉ viết tiếp vé phạt và cảnh cáo nếu Jobs bị bắt vượt quá tốc độ hơn 55 dặm một lần nữa, ông sẽ phải đi tù. Ngay sau khi người cảnh sát đó dời đi, Jobs quay xe lại và lại tăng tốc đến con số 100. "ông ấy tin chắc rằng các quy tắc thông thường không phải dành cho mình," Rossmann ngạc nhiên nói.

Vợ của Rossmann, bà Joanna Hoffman, cũng từng thấy thái độ tương tự của Jobs khi cùng ông sang châu u sau thời điểm các máy tính Macintosh được giới thiệu rộng rãi một vài tháng,

"ông ấy khó chịu và dễ dàng nổi giận với bất cứ chuyện gì", bà nhớ lại. Tại Paris, bà đã sắp xếp cho Jobs một bữa ăn tối chính thức với các nhà phát triển phần mềm của Pháp, nhưng Jobs đột nhiên quyết định không muốn đi. Thay vào đó, ông lên xe, sập cửa lại trước mặt bà và nói rằng ông sẽ đi gặp nhà thiết kế poster Folon. "Các nhà phát triển phần mềm ngày hôm đó đã tức giận đến nỗi họ không thèm bắt tay chúng tôi nữa," bà nói.

Ở Italia, ông đã ngay lập tức cảm thấy không ưa tổng giám đốc chi nhánh của Apple, một anh chàng mập mạp với lối tư duy kinh doanh thông thường. Jobs nói thẳng thừng rằng ông không thấy ấn tượng với đội ngũ làm việc cũng như chiến lược bán hàng của anh ta. "Anh không xứng đáng để có thể bán máy Mac", Jobs nói lạnh lùng. Nhưng chuyện đó còn là nhẹ nhàng so với phản ứng của ông với nhà hàng mà viên quản lý không may mắn đã chọn. Jobs muốn một bữa ăn thuần chay, nhưng người phục vụ lại rất công phu rưới đầy nước sốt kem chua lên các món ăn. Jobs tỏ ra rất khó chịu và Hoffman đã phải đe dọa ông. Bà thì thầm rằng nếu ông không giữ bình tĩnh lại, bà sẽ đổ cà phê nóng của mình vào ông.

Những bất đồng ý kiến rõ rệt nhất của Jobs với các nhà quản lý trong chuyến đi châu u thường liên quan đến dự báo doanh số bán hàng. Với lối tư duy gần như phi thực tế, Jobs luôn thúc đẩy đội ngũ của mình đến với các dự án lớn hơn. ông liên tục đe dọa các nhà quản lý châu u rằng ông sẽ không cấp cho họ bất kỳ nguồn kinh phí nào trừ khi họ lên một dự báo doanh thu lớn hơn.

Họ thì bám vào những số liệu thực tế, và Hoffmann luôn phải đứng giữa hai bên. "Gần như đến cuối chuyến đi, toàn bộ cơ thể tôi run rẩy không thể kiểm soát nổi", bà nhớ lại.

Cũng trong chuyến đi này Jobs đã gặp Jean-Louis Gassée lần đầu tiên, giám đốc của Apple tại Pháp. Gassée là một trong số ít những người đã chống đối lại Jobs thành công trong cả chuyến đi. "ông ấy có cách riêng đối diện với sự thật," Gassée nhận xét. "Cách duy nhất để đối phó với ông ấy là phải có thái độ đáp trả thật cứng rắn." Khi Jobs dùng cách thông thường của mình đe dọa rằng sẽ cắt giảm cấp vốn hoạt động cho chi nhánh Pháp, nếu Gassée không từ bỏ kế hoạch bán hàng hiện tại, Gassée đã nổi giận. "Tôi nhớ mình nắm lấy ve áo của ông ấy và bảo ông hãy dừng lại, và sau đó ông chùn bước. Tôi cũng từng là một người rất hay nổi nóng. Tôi đã phải thay đổi khá nhiều. Vì vậy, tôi có thể nhận ra rằng Steve cũng là một người như vậy."

Tuy nhiên Gassée đã thực sự bị ấn tượng bởi cách mà Jobs có thể trở nên quyến rũ và thu hút khi ông muốn. Pranẹois Mitterrand đã được nghe những lời diễn thuyết về lý thuyết “công nghệ thông tin cộng đồng” - “máy tính cho tất cả mọi người” và rất nhiều kiến thức chuyên ngành về các loại công nghệ khác nhau. Khi Marvin Minsky và Nicholas Negroponte đến và cùng tham gia vào câu chuyện. Jobs đã nói chuyện với nhóm tại khách sạn Bristol và vẽ nên viễn cảnh: Pháp có thể dẫn đầu như thế nào nếu lắp đặt đặt hệ thống máy tính trong tất cả các trường học. Thành phố Paris cũng khiến ông trở thành một người lãng mạn hơn. Cả Gassée và Negroponte đều có thể kể lại việc Steve đã khiến các quý cô ngây ngất như thế nào ở khi đó.

Thất bại.

Sau sự bùng nổ đầy phấn khích của việc ra mắt Macintosh, doanh số bán hàng của dòng sản phẩm này bắt đầu giảm dần trong nửa cuối năm 1984. vấn đề xuất phát từ một lý do cơ bản: Macintosh là một máy tính có kiểu dáng đẹp nhưng lại chạy chậm chạp một cách đáng thương với cấu hình không đủ mạnh, và không điều gì có thể bù đắp được khuyết điểm này. vẻ đẹp của chiếc máy đến từ giao diện người dùng sắc nét đầy màu sắc chứ không phải là một màn hình đen tối ảm đạm với những dòng lệnh nhàm chán viết bằng font chữ xanh lá trông thật yếu ớt. Nhưng cũng chính điều này đã dẫn đến điểm yếu lớn nhất của nó: Mỗi ký tự trong văn bản được hiển thị trên màn hình sẽ tiêu tốn khoảng 1 byte mã code, mỗi khi chiếc máy Mac viết nên một chữ cái, từng điểm ảnh của bất kỳ phông chữ thanh lịch bạn muốn hiển thị sẽ đòi hỏi bộ nhớ gấp hai mươi hoặc ba mươi lần. Chiếc máy Lisa dễ dàng xử lý điều này với bộ nhớ hơn 1.000 K RAM, trong khi dung lượng RAM của máy Macintosh chỉ có 128K.

Một vấn đề khác nữa là chiếc máy thiếu một ổ đĩa cứng bên trong. Jobs đã gọi Joanna Hoffman là một " Kẻ cuồng tín Xerox" khi bà bênh vực cho một thiết bị lưu trữ dữ liệu như vậy.

ông nhấn mạnh rằng Macintosh chỉ cần một ổ đĩa mềm. Vì vậy nếu muốn sao chép dữ liệu, có thể bạn sẽ mắc phải bệnh đau khuỷu tay khi phải đổi đĩa liên tục vào trong một ổ đĩa duy nhất. Ngoài ra, chiếc máy Macintosh không hề có quạt tản nhiệt, một ví dụ khác cho sự ngoan cố giáo điều của Jobs, ông cho rằng một chiếc quạt tản nhiệt sẽ làm giảm giá trị ổn định của máy tính. Điều này gây ra lỗi ở nhiều bộ phận và kết quả là máy Macintosh được mệnh danh là "chiếc lò nướng bánh màu be", khiến cho nó càng không được ưa chuộng. Chiếc máy rất thu hút và bán chạy trong vài tháng đầu tiên, nhưng sau khi mọi người nhận thức được về giới hạn của nó, doanh số bán hàng giảm rõ rệt. Như Hoffman sau đó than thở, "Khả năng bóp méo phạm vi thực tại ban đầu là một đòn bẩy tốt, nhưng sau đó thực tế mới chính là yếu tố quyết định”.