Steve Jobs - Chương 16 - Phần 02

Vào cuối năm 1984, khi mà gần như không còn ai mua máy tính Lisa, còn doanh số bán hàng của Macintosh rơi xuống chỉ còn dưới 10.000 đô-la một tháng, Jobs đã đưa ra một quyết định sai lầm điển hình trong tuyệt vọng, ông quyết định lấy những chiếc máy tính Lisas còn tồn kho, kết hợp với một số chương trình ưu việt của Macintosh, và bán chúng như là một sản phẩm mới, chiếc máy "Macintosh XL." Kể từ khi dự án sản xuất Lisa ngưng lại và không bao giờ được khởi động lại nữa, đó là một điều bất thường khi Jobs sản xuất một sản phẩm mà ông không mấy tin tưởng.

"Tôi đã rất tức giận vì Mac XL không phải là một sản phẩm thực sự," Hoffman nói. ông ấy làm thế chỉ với mục đích là tống khứ những sản phẩm tồn kho ra thị trường. Nó được bán khá chạy, và sau đó chúng tôi không thể tiếp tục trò lừa đảo khủng khiếp này, vì vậy tôi đã từ chức."

Tình trạng ảm đạm còn rõ ràng hơn trong quảng cáo được tung ra vào năm 1985, một chiến dịch quảng cáo vốn nhằm mục đích nối tiếp sự thành công của quảng cáo chống lại người anh cả IBM năm 1984. Nhưng không may có một sự khác biệt cơ bản giữa hai phiên bản: quảng cáo đầu tiên kết thúc với một thông điệp đầy hào hùng và lạc quan, nhưng nội dung mà Lee Clow và Jay Chiat truyền đạt trong quảng cáo mới, có tựa đề "Lemmings", lại mang đến hình ảnh của những nhà quản lý doanh nghiệp mặc những bộ vest tăm tối, bịt mắt diễu hành thành hàng dài cho đến khi họ lần lượt rơi xuống vực. Ngay khi quảng cáo này mới được tung ra, cả Jobs và Sculley đã gặp rất nhiều trở ngại, nó dường như không hề truyền đạt hình ảnh mang tính tích cực hay mang lại vinh quang cho Appple, thay vào đó nó xúc phạm tất cả những nhà quản lý đã mua và sử dụng một chiếc máy tính IBM.

Jobs và Sculley yêu cầu những ý tưởng khác, nhưng đối tác truyền thông phản bác lại. Một trong số họ lên tiếng "Các anh sẽ không muốn '1984" chỉ còn là năm ngoái,. Theo Sculley, Lee Clow đã nói, "Tôi đặt cược danh tiếng của tôi, tất cả mọi thứ, vào quảng cáo này." Khi Tony, anh trai của Ridley Scott, hoàn tất quá trình quay phim, ý tưởng mà nó truyền đạt thậm chí còn tồi tệ hơn. Những nhà quản lý vừa diễu hành một cách vô thức đến vách đá, vừa hát một một ca khúc có trong bộ phim Bạch Tuyết và bảy chú lùn "Heigh-ho, Heigh-ho," với nhịp điệu buồn như đưa đám.

Video quảng cáo ảm đạm còn gây cảm giác nặng nề hơn so với phiên bản trước đó. "Tôi không thể tin được là anh định xúc phạm doanh nhân trên khắp nước Mỹ bằng cách cho phát sóng thứ này" Debi Coleman đã mắng Jobs như vậy khi nhìn thấy bản demo quảng cáo. Tại các cuộc họp về marketing, cô luôn bảo vệ quan điểm phản đối mẫu quảng cáo này. "Tôi thậm chí đã đặt một lá đơn từ chức trên bàn của ông ấy. Tôi đã viết nó bằng chiếc máy Mac của tôi. Tôi nghĩ rằng nó là một sự sỉ nhục đối với các nhà quản lý doanh nghiệp. Chúng tôi chỉ mới bước những bước đầu tiên trong việc phổ biến máy tính để bàn.”

Tuy nhiên Jobs và Sculley đã chấp thuận theo những lời khẩn nài của công ty truyền thông và cho phát mẫu quảng cáo tại giải vô địch “Siêu cúp” do liên đoàn bóng bầu dục quốc gia Mỹ tổ chức. Họ đã đến xem trận đấu cùng nhau tại sân vận động Stanford cùng với vợ của Sculley, Leezy (một người không hề ưa Jobs), và bạn gái mới của Jobs, Tina Redse. Khi mẫu quảng cáo được phát ở phần cuối của hiệp đấu thứ tư, những người hâm mộ theo dõi trên màn hình gần như không có phản ứng nào với nó. Trên khắp cả nước, hầu hết các phản ứng đáp lại đều là tiêu cực. "Nó xúc phạm những đối tượng mà Apple đang cố gắng nhắm tới", chủ tịch của một công ty nghiên cứu thị trường đã nói như vậy với tạp chí Fortune. Giám đốc marketing của Apple đề nghị công ty có thể mua một vị trí quảng cáo trên tờ báo Wall Street Journal để đăng lời xin lỗi. Jay Chiat đã đe dọa rằng nếu Apple làm như vậy thì công ty của ông cũng sẽ mua một trang khác để xin lỗi cho lời xin lỗi trước đó.

Jobs cảm thấy rất bất an, với cả mẫu quảng cáo và tình hình nhìn chung của Apple, điều này được thể hiện khi ông đến New York vào tháng Một, để trả lời một số bài phỏng vấn trực tiếp với báo chí. Andy Cunningham, nhân viên của công ty Regis McKenna, được nhận nhiệm vụ hỗ trợ cá nhân cho ông tại tập đoàn Carlyle. Khi Jobs đến, ông nói với cô ấy rằng bộ vest của ông cần phải làm mới lại hoàn toàn, mặc dù lúc đó là 10 giờ tối và các cuộc hẹn bắt đầu vào sáng ngày hôm sau. Chiếc đàn Piano không được đặt ở đúng nơi, dâu tây là một lựa chọn sai lầm. Nhưng thứ khiến ông không hài lòng nhất đó là những bông hoa. ông muốn có bình hoa rum. "Chúng tôi đã cãi vã hòi lâu về chuyện thế nào là hoa rum", Cunningham nhớ lại. "Tôi biết chính xác loại hoa đó như thế nào, bởi vì tôi đã thấy chúng trong đám cưới của tôi”, ông kiên quyết khẳng định là có một giống hoa rum khác như vậy và nói tôi là "ngu ngốc" bởi vì tôi không biết một bông hoa rum thực sự là gì" Vì vậy, Cunningham đã phải lao ra ngoài thành phố New York vào lúc nửa đêm, đến bất cứ cửa hàng nào còn mở cửa, tìm mua chính xác những bông hoa rum mà ông muốn. Đến khi họ dọn dẹp lại căn phòng, Jobs bắt đầu hướng sự chú ý đến những gì cô đang mặc. "Bộ trang phục đó thật kinh tởm," ông nói. Cunningham biết rằng nhiều lúc, những cơn giận dữ của Jobs bắt nguồn từ những lý do vô cớ, vì vậy cô đã cố gắng để khiến ông bình tĩnh hơn. "Nghe này, tôi biết anh đang giận dữ, và tôi biết anh đang cảm thấy như thế nào," cô nói.

"Cô không thể biết tôi đang cảm thấy như thế nào," Jobs gắt lên, "Cô không thể biết cảm giác là tôi là thế nào."

Ba mươi tuổi

Bước sang tuổi ba mươi là một cột mốc quan trọng với hầu hết mọi người, đặc biệt là với những người của thế hệ đã tuyên bố sẽ không bao giờ tin tưởng bất cứ ai ở trên độ tuổi đó. Để kỷ niệm sinh nhật lần thứ ba mươi của mình, vào tháng 2 năm 1985, Jobs đã hào phóng tổ chức một bữa tiệc tối trang trọng nhưng không kém phần hấp dẫn với chủ đề “vest đen với giày tennis”cho 1.000 người trong khán phòng của khách sạn st Francis ở San Francisco. Trên giấy mời có ghi dòng chữ, "Có một câu ngạn ngữ cổ của người Ấn Độ nói rằng, „30 năm đầu của cuộc đời, bạn sẽ hình thành nên những thói quen. Và 30 năm cuối của cuộc đời, thói quen sẽ hình thành nên con người bạn" Hãy cùng đến mừng kỷ niệm này với tôi."

Một bàn tiệc được dành riêng cho những nhân vật có thế lực trong ngành phần mềm, bao gồm cả Bill Gates và Mitch Kapor. Một bàn khác được dành riêng cho những người bạn cũ như là Elizabeth Holmes, người đã đến bữa tiệc cùng với một phụ nữ lạ mặc bộ vest tuxedo màu đen. Andy Hertzfeld, và Burrell Smith thuê một vài bộ vest tuxedo để mặc và đi giày thể thao mềm, điều này đã khiến cho điệu nhảy trên nền giai điệu waltz Strauss do dàn nhạc giao hưởng San Francisco biểu diễn trở nên đáng nhớ hơn.

Ella Fitzgerald đã đến biểu diễn một mình trong bữa tiệc, vì Bob Dylan từ chối tham gia. Cô hát những ca khúc khá nổi tiếng của mình, mặc dù thỉnh thoảng cũng có một số bài hát khác, như “The Girl from Ipanema” hát về cậu bé đến từ Cupertino. Khi cô hỏi lời yêu cầu bài hát, Jobs đưa ra một vài lời gợi ý. Ella kết thúc với giai điệu chậm rãi du dương của ca khúc "Happy Birthday".

Sculley lên sân khấu để nói lời chúc mừng đến “nhà chiến lược có tầm nhìn xa nhất của giới công nghệ”, Wozniak cũng bước lên và tặng Jobs một khung ảnh chụp lại trò bịp về chiếc máy tính cá nhân Zaltair của Wozniak tại Hội chợ Máy tính Bờ Tây (West Coast Computer Faire) năm 1977, địa điểm mà chiếc máy tính cá nhân Apple II đã được giới thiệu. Nhà đầu tư Don Valentine bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự thay đổi của công nghệ trong thập kỷ mà ông được chứng kiến. "Anh ấy đã khởi đầu khá đặc biệt, người nói không bao giờ tin tưởng bất cứ ai trên ba mươi tuổi, nay đã trở thành người có thể nhận được món quà sinh nhật cho tuổi ba mươi từ siêu sao Ella Fitzgerald," ông nói.

Nhiều người đã cố ý chọn những món quà thật đặc biệt cho một người không dễ dàng mua quà chút nào. Ví dụ như Debi Coleman đã tìm ấn bản đầu tiên cuốn tiểu thuyết “The Last Tycoon”tạm dịch ông trùm cuối cùng) của nhà văn F. Scott Fitzgerald. Nhưng Jobs, vẫn luôn hành xử một cách thiếu lịch sự như thường tình, bỏ lại tất cả những món quà đó trong một phòng của khách sạn.

Wozniak và một số thành viên kỳ cựu của Apple, không dùng được món pho mát dê và trứng cá hồi được phục vụ trong bữa tiệc, đã gặp nhau sau đó và đi ăn tối tại một nhà hàng của chuỗi Denny.

"Rất hiếm khi người ta thấy một nghệ sĩ trong độ tuổi 30 hoặc 40 có thể thực sự đóng góp một điều gì đó đáng kinh ngạc cho xã hội", Jobs nói một cách buồn bã với nhà báo David Sheff, người đã đăng tải cuộc phỏng vấn dài và thân mật với ông trên tờ Playboy trong tháng mà Steve bước sang tuổi ba mươi. "Tất nhiên, có một số người được sinh ra với bản tính tò mò, mãi mãi là đứa trẻ trong niềm sợ hãi cuộc sống của họ, nhưng họ rất đặc biệt." Cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều khía cạnh, nhưng chủ đề khiến Jobs suy ngẫm sâu sắc nhất đó là về việc trưởng thành và đối mặt với những vấn đề trong tương lai:

“Suy nghĩ của bạn tạo nên những khuôn mẫu như một giàn giáo trong tâm trí của bạn. Bạn đang thực sự phản ứng với những khuôn mẫu cứng nhắc. Trong hầu hết trường hợp, người ta bị mắc kẹt trong những khuôn mẫu đó, giống như là những đường rãnh trên đĩa than, và họ không bao giờ thoát ra được khỏi chúng.

Tôi sẽ luôn luôn giữ mối liên kết chặt chẽ với Apple. Tôi hy vọng rằng trong suốt cuộc đời mình, tôi có thể dệt những sợi dây kết nối giữa Apple với những sợi liên kết của cuộc đời của mình, giống như một tấm thảm vậy. Có thể tôi không có mặt ở đó một vài năm, nhưng tôi sẽ luôn luôn trở lại.

Nếu bạn muốn sống cuộc sống của bạn một cách sáng tạo, như một nghệ sĩ, bạn sẽ không nhìn lại quá nhiều. Bạn phải sẵn sàng chấp nhận bất cứ việc gì mình làm, chấp nhận con người của bạn cho dù bạn là ai và bỏ qua tất cả điều đó .

Thế giới bên ngoài sẽ cố gắng để kìm hãm ý tưởng của bạn, sẽ khó khăn hơn để tiếp tục là một nghệ sĩ, đó là lý do tại sao rất nhiều lần, các nghệ sĩ phải nói, "Tạm biệt. Tôi phải đi đây. Tôi sẽ tiếp tục điên cuồng và tôi sẽ ra khỏi đây" Nhưng rồi họ sẽ nằm ì lại một chỗ nào đó. Cũng có thể sau này họ sẽ quay trở lại nhưng mờ nhạt chẳng chút thay đổi.” Với những tuyên bố đó, Jobs dường như đã có trước linh cảm rằng cuộc sống của ông sẽ sớm thay đổi. Có lẽ các mối liên kết cuộc sống riêng của ông sẽ thực sự đan xen vào các mối liên kết của Apple. Có lẽ đó là thời điểm để từ bỏ một phần những gì ông đã đạt được. Có lẽ đã đến lúc để nói "Tạm biệt, tôi phải đi," và sau đó sẽ trở lại, với lối tư duy khác.

Những sự ra đi

Andy Hertzfeld nghỉ phép một thời gian sau khi máy tính Macintosh được ra mắt vào năm 1984. ông cần thời gian để nghỉ ngơi và thoát khỏi người giám hộ của mình, Bob Belleville, kẻ mà ông không ưa cho lắm. Cho đến một ngày, ông biết tin Jobs đã quyết định chi khoản tiền thưởng lên đến 50.000 đô-la cho các kỹ sư trong nhóm Macintosh. Vì vậy, ông đến gặp Jobs để yêu cầu nhận được khoản tương tự. Jobs trả lời rằng Belleville đã quyết định không trao tặng tiền thưởng cho những người đang nghỉ phép. Hertzfeld sau đó lại nghe nói rằng Jobs thực ra mới là người đưa ra quyết định này, vì thế anh ta quay trở lại chất vấn ông. Lúc đầu Jobs chối bỏ, sau đó ông lại nói, "Được, hãy coi như những gì anh nói là sự thật, vậy thì nó có thay đổi được điều gì đâu?" Hertzfeld nói nếu Jobs giữ khoản tiền thưởng lại để buộc anh ta quay trở lại làm việc, thì Hertzfeld sẽ không quay trở lại, điều đó vi phạm vào nguyên tắc. Jobs nhượng bộ, nhưng chuyện này cũng khiến Hertzfeld có ít nhiều ác cảm.

Khi kỳ nghỉ phép gần kết thúc, Hertzfeld hẹn ăn tối với Jobs, họ đi bộ từ văn phòng của ông đến một nhà hàng Ý cách đó vài tòa nhà. "Tôi thực sự muốn trở lại," ông nói với Jobs. "Nhưng mọi thứ dường như đang thực sự rối rắm." Jobs có vẻ khó chịu và không mấy đồng tình với câu nói đó, nhưng Hertzfeld đã nói tiếp. "Nhóm nghiên cứu phần mềm hoàn toàn mất tinh thần và hầu như không làm được việc gì trong nhiều tháng, còn Burrell thì quá thất vọng, ông ta sẽ không trụ được đến cuối năm đâu."

Lúc đó, Jobs ngắt lời. "Anh không biết là mình đang nói về cái gì đâu!", ông nói. "Nhóm nghiên cứu Macintosh đang làm rất tốt, và tôi đang có những giây phút tuyệt vời nhất trong cuộc đời mình. Còn anh đang hoàn toàn xa rời với nhịp độ chung." ánh mắt chằm chằm của ông đầy khinh miệt, nhưng ông cũng cố gắng để tỏ ra thích thú với những nhận định của Hertzfeld.

"Nếu ông thực sự nghĩ như vậy, tôi không nghĩ mình có thể quay trở lại làm việc,"

Hertzfeld cau có trả lời. Nhóm nghiên cứu Macintosh mà tôi muốn quay trở lại thậm chí đã không còn tồn tại nữa."

“Nhóm Mac sẽ phải lớn mạnh hơn, và anh cũng thế ", Jobs trả lời. "Tôi muốn anh quay trở lại, nhưng nếu anh không muốn, chuyện đó là tùy thuộc vào quyết định của anh. Dù sao thì anh cũng không quan trọng nhiều như anh nghĩ đâu." Và Hertzfeld đã không quay lại.

Đến đầu năm 1985, Burrell Smith cũng ngấp nghé bỏ việc. Anh này đã lo lắng rằng sẽ khó mà ra đi được nếu Jobs cố gắng thuyết phục anh ở lại, khả năng bóp méo thực tại của Jobs quá mạnh mẽ khiến anh ta khó mà chống lại được. Vì vậy, Burrell đã bàn bạc với Hertzfeld, làm thế nào ông ra đi một cách thoải mái. Một ngày anh ta nói với Hertzfeld. "Tôi biết rồi! Tôi biết một cách hoàn hảo có thể vô hiệu hóa khả năng bóp méo phạm vi thực tại. Tôi chỉ cần đi thẳng vào văn phòng của Steve, kéo quần xuống, và đi tiểu lên bàn của ông ta. ông ấy còn có thể nói điều gì cơ chứ? Chắc chắn cách đó sẽ có hiệu quả." Nhóm nghiên cứu Mac đã đặt cược rằng Burrell Smith dù có dũng cảm đến mấy cũng sẽ không dám thực hiện điều đó. Khi Burrell Smith quyết định mình phải hành động, ông dự định thử nắm lấy cơ hội vào thời điểm sinh nhật của Jobs, và Burrell sắp xếp trước một cuộc hẹn với Jobs, ông ngạc nhiên khi thấy Jobs đã đứng đợi sẵn và mỉm cười khi ông bước vào. "Anh sẽ làm như vậy sao? Anh thực sự sẽ làm như vậy à?" Jobs hỏi. Ông ấy đã biết được kế hoạch này từ trước.

Burrell nhìn ông và nói. "Liệu tôi có cần phải làm thế không? Nếu cần thì tôi sẽ làm." Jobs đáp trả bằng một cái nhìn, và Smith tự biết điều đó là không cần thiết. Và, ông ta từ chức bằng một cách thức ít gây sự chú ý hơn đồng thời giữ được mối quan hệ đôi bên tốt đẹp.

Không lâu sau đó Bruce Horn, một kỹ sư giỏi khác của nhóm Macintosh cũng tiếp bước của Burrell. Khi Horn bước vào để nói lời tạm biệt, Jobs nói với ông rằng, "Tất cả những lỗi của máy Mac đều là do anh." Horn trả lời, "Thực ra thì, Steve, rất nhiều phần chuẩn xác của máy Mac là lỗi của tôi, và tôi đã phải chiến đấu như điên để có được những điều đó." "Anh nói đúng," Jobs thừa nhận. "Tôi sẽ dành cho anh thêm 15.000 cổ phiếu nếu anh ở lại."

Khi Horn từ chối lời đề nghị, Jobs thể hiện một khía cạnh ấm áp khác của ông. "Vậy thì, hãy cho tôi một cái ôm tạm biệt nào," ông nói. Và sau đó, họ ôm nhau than thiết.

Tuy nhiên, sự kiện quan trọng nhất trong tháng, đó là sự ly khai Apple của chính người đồng sáng lập, Steve Wozniak. Wozniak đã lặng lẽ làm việc như một kỹ sư hạng trung với dòng máy Apple, trở thành một biểu tượng của sự phục vụ thầm lặng và không hề nhúng tay vào chuyện quản lý cũng như điều hành công ty. ông cảm thấy Jobs không đánh giá cao Apple II, dòng sản phẩm hiện vẫn đang đang mang về nguồn doanh thu chính và chiếm 70% doanh số bán hàng của Apple, tính đến thời điểm Giáng sinh năm 1984. "Những người làm việc trong đội ngũ sản xuất Apple II không được toàn công ty coi trọng,” ông nói. "Mặc dù thực tế rằng Apple II cho đến nay vẫn là sản phẩm bán chạy nhất của công ty trong nhiều năm liền, và điều này vẫn có thể tiếp diễn trong vài năm tới." ông thậm chí còn làm một hành động không giống với tính cách của mình.

Wozniak đã nhấc điện thoại lên và gọi cho Sculley, trách móc ông ta đặt quá nhiều sự kỳ vọng vào Jobs và dòng sản phẩm Macintosh.

Thất vọng, Wozniak đã quyết định rời đi trong yên lặng để bắt đầu một công ty mới, nơi sẽ cho ra đời thiết bị điều khiển từ xa mà ông phát minh. Thiết bị này sẽ điều khiển Tivi, dàn loa âm thanh stereo, và các thiết bị điện tử khác với một tập hợp các nút bấm đơn giản mà bạn có thể dễ dàng cài đặt. Ông thông báo với người quản lý kỹ thuật của của bộ phận sản xuất máy Apple II, nhưng ông không cảm thấy mình đủ quan trọng để phải thông báo điều này với Jobs hay Markkula.

Vì vậy, Jobs chỉ biết được tin này khi chúng đã được đăng tải trên tờ báo Wall Street Journal. Với thái độ nghiêm túc, Wozniak đã trả lời câu hỏi của phóng viên một cách thẳng thắn khi anh ta gọi đến phỏng vấn. Phải, ông nói, ông cảm thấy rằng Apple đã không đánh giá đúng Apple II. "Phương hướng của Apple đã hoàn toàn sai lầm trong năm năm," ông nói.

Chưa đầy hai tuần sau đó Wozniak và Jobs được mời đến Nhà Trắng, tổng thống Ronald Reagan đã trao tặng cho họ Huân chương quốc gia về công nghệ đầu tiên. Ngài tổng thống nói đùa bằng cách dẫn lại lời của Tổng thống Rutherford B. Hayes đã nói khi lần đầu tiên được thấy chiếc điện thoại "Thực sự là một phát minh tuyệt vời, nhưng sẽ có ai muốn sử dụng chúng cơ chứ?" "Tôi nghĩ rằng tại thời điểm đó ông ấy đã có chút hiểu nhầm." Vì tình huống khó xử lúc đó của Wozniak, Apple đã không tổ chức ăn mừng cho sự kiện này. Vì vậy, Jobs và Wozniak đã đi dạo, sau đó ăn tại một cửa hàng bánh sandwich. Họ cố nói chuyện một cách hòa nhã, Wozniak nhớ lại, và tránh bất kỳ cuộc thảo luận nào về những bất đồng giữa họ.

Wozniak muốn chia tay một cách thân thiện. Đó là phong cách của ông. Vì vậy, ông đã đồng ý ở lại Alpple với vị trí nhân viên bán thời gian cùng mức lương 20.000 đô-la một tháng, ông cũng tiếp tục làm người đại diện cho công ty tại các sự kiện và triển lãm thương mại. Đó là một cách thức rút lui khá mềm mỏng. Nhưng với Jobs như vậy vẫn là chưa đủ. Một ngày thứ bảy, vài tuần sau chuyến viếng thăm Washington của hai người, Jobs tới studios mới tại Palo Alto nơi công ty Frog Design của Hartmut Esslinger chuyển đến. Frog Design Inc. là công ty chuyên đảm nhiệm các công việc thiết kế liên quan đến Apple, ở đó, Jobs đã tình cờ nhìn thấy bản phác thảo mà công ty này định thực hiện cho thiết bị điều khiển từ xa mới của Wozniak, và ông ngay lập tức nổi giận.

Jobs dẫn chứng một điều khoản trong hợp đồng của Apple không cho phép Frog Design làm việc với các dự án liên quan đến các công ty máy tính khác. "Tôi đã cảnh cáo họ", ông nhớ lại, "rằng hợp tác với Woz là điều Apple không thể chấp nhận được."

Khi phóng viên Wall Street Journal nghe ngóng được câu chuyện này, đã lập tức liên lạc với Wozniak, người thường được biết đến với tính cách cởi mở và trung thực, ông nói rằng Jobs đang muốn trừng phạt ông. "Steve Jobs có thù ghét đối với tôi, có lẽ vì những điều tôi đã nói về Apple," ông nói với các phóng viên như vậy. Hành động của Jobs là nhỏ nhen, nhưng cũng bởi một phần thực tế ông hiểu được điều mà nhiều người khác không nhận ra, đó là kiểu dáng và phong cách của một sản phẩm liên quan mật thiết đến vấn đề thương hiệu. Một thiết bị có gắn tên Wozniak và sử dụng ngôn ngữ lập trình tương tự như các sản phẩm của Apple có thể bị nhầm lẫn với sản phẩm nào đó mà Apple đã sản xuất. "Nó không phải là vấn đề cá nhân," Jobs giải thích với báo chí rằng ông muốn đảm bảo sản phẩm điều khiển từ xa của Wozniak không được phép giống bất cứ sản phẩm nào đã được Apple tạo ra. "Chúng tôi không muốn thấy ngôn ngữ lập trình của chúng tôi được sử dụng trên các sản phẩm khác. Woz cần tìm ra mã nguồn cho riêng mình, ông ấy không thể tận dụng nguồn tài nguyên của Apple, chúng tôi không thể đối xử ngoại lệ với ông ấy".

Jobs sẵn sàng trả tiền bù lại cho dự án mà Frog Design định thực hiện cho Wozniak, nhưng ngay cả như vậy, các giám đốc điều hành của công ty này vẫn không chấp nhận. Khi Jobs yêu cầu họ gửi cho ông bản phác thảo ý tưởng của Wozniak hoặc phải tiêu hủy chúng, họ đã từ chối. Jobs gửi tiếp một lá thư kèm với bản trích dẫn các điều khoản trong hợp đồng của Apple. Herbert Pfeifer, giám đốc thiết kế của công ty, đã có hành động đối đầu lại với cơn thịnh nộ của Jobs bằng cách công khai tuyên rằng chuyện tranh chấp giữa Wozniak và Jobs không đơn thuần chỉ là những vấn đề cá nhân. "Đó là một trò chơi quyền lực", Pfeifer nói với tờ Journal. "Có rất nhiều vẫn đề tồn tại giữa họ."

Hertzfeld cảm thấy bị xúc phạm trước những hành động của Jobs, ông sống cách khu nhà của Jobs chỉ khoảng mười hai dãy nhà, nên đôi khi thỉnh thoảng lại giáp mặt nhau trên đường. "Tôi rất tức giận về chuyện dự án điều khiển từ xa của Wozniak, đến mức lần sau khi Steve đến, tôi không để cho anh ta vào nhà," Hertzfeld nhớ lại. "ông ấy biết là mình đã sai, nhưng lại cố gắng hợp lý hoá nó, và với triết lý bóp méo sự thật của mình, ông hoàn toàn có thể. Wozniak, luôn luôn là một chú gấu hiền lành, mặc dù cảm thấy khó chịu, nhưng ông đã thuê một công ty thiết kế khác để triển khai các ý tưởng của mình, và đồng ý tiếp tục ở lại làm một phát ngôn viên của Apple.”

Ngả bài, mùa xuân 1985

Có rất nhiều lý do cho sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Jobs và Sculley vào mùa xuân năm 1985. Một số chỉ đơn thuần là những bất đồng trong kinh doanh, chẳng hạn như trong khi Sculley cố gắng tối đa hóa lợi nhuận bằng cách giữ Macintosh ở mức giá cao thì Jobs muốn làm cho nó có mức giá phải chăng hơn. Một số khác lại là những cảm xúc mãnh liệt về tâm lý khó hiểu mà ngay từ đầu họ đã có với nhau. Sculley đã rất muốn có được thiện cảm của Jobs, còn Jobs kỳ vọng tìm được một người có khả năng định hướng và một cố vấn giỏi, và khi nhiệt huyết ban đầu đã nguội lạnh, tình cảm giữa họ cũng thay đổi nhanh chóng. Nhưng về cốt lõi, mối bất hòa phát triển bắt nguồn từ hai nguyên nhân cơ bản, và đến từ cả hai phía.