Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 02: DEHRA DUN, ẤN ĐỘ

NĂM 1852

681 MÉT

Cách dãy núi đang độ mùa đông một đoạn xa, tôi nhận ra bức tranh mờ ảo về đỉnh Everest trong tác phẩm Cuốn sách về những điều kỳ diệu của Richard Halliburton. Nó là một sự mô phỏng khốn khổ trong đó những đỉnh núi lởm chởm nhô lên trắng xóa trên nền trời tối đen và nhếch nhác một cách kỳ lạ. Bản thân đỉnh Everest, đứng phía sau những ngọn núi khác, xem ra cũng không có vẻ là đỉnh cao nhất; nhưng cũng chẳng sao. Theo truyền thuyết, nó vẫn là đỉnh núi cao nhất. Những giấc mơ chính là chìa khóa để đi vào bức tranh đó, nó cho phép một đứa bé bước vào, đứng trên triền núi gió lộng, từ đó leo lên đỉnh, bây giờ không còn ở xa nữa.

Đó là một trong những giấc mơ sẽ đến một cách tự nhiên khi ta trưởng thành. Tôi chắc chắn rằng giấc mơ của tôi về đỉnh Everest không chỉ là giấc mơ của riêng tôi; đỉnh núi cao nhất trên trái đất, không thể tới được, xa lạ với tất cả mọi trải nghiệm, sẽ là mục tiêu cho nhiều đứa trẻ và nhiều người trưởng thành mong muốn vươn tới.

Thomas F. Hornbein

Everest: Sườn núi phía Tây

Các chi tiết thực sự của câu chuyện này không rõ ràng, việc thêm thắt của truyền thuyết làm nó trở nên mơ hồ. Tuy nhiên, đó là vào năm 1852, và bối cảnh chính là văn phòng của Cuộc tổng đo đạc lượng giác toàn Ấn Độ tại trạm miền núi phía bắc Dehra Dun. Theo lời kể lại đáng tin cậy nhất về những gì đâ xảy ra thì một người thư ký vội vã vào phòng của ngài Andrew Waugh, Tổng trưởng đo đạc Ấn Độ và la lên rằng một “computer” tại Bengali có tên là Radhanath Sikhdar, công tác tại Cục Đo đạc Calcutta, đã “phát hiện ra ngọn núi cao nhất thế giới”. (Vào thời của Waugh, người ta dùng từ “computer” để chỉ một công việc chứ không phải để chỉ một chiếc máy). Ba năm trước đó, các chuyên viên đo đạc đã đặt tên cho ngọn núi này là Đỉnh XV khi họ lần đầu tiên đo được góc đứng của nó sử dụng một máy kinh vĩ4 24 inch, ngọn núi này nhô lên từ sườn của dãy núi Himalaya thuộc vương quốc cấm Nepal.

Trước khi Sikhdar thu thập các số liệu đo đạc và thực hiện các tính toán, chẳng ai nghĩ có gì đáng nói về Đỉnh XV. Sáu điểm đo đạc mà từ đó người ta lập lưới tam giác để đo đạc đỉnh núi nằm ở phía bắc Ấn Độ, cách ngọn núi này hơn 160km. Đối với các chuyên viên đo đạc ngọn núi này, trừ Đỉnh XV, còn lại tất cả mọi đỉnh khác đều bị che khuất bởi nhiều vách núi đá ở tiền cảnh, một vài vách núi tạo ảo giác chúng to lớn hơn thực tế. Nhưng theo các tính toán lượng giác tỉ mỉ của Sikhdar (ông cân nhắc các yếu tố như độ cong của Trái đất, độ khúc xạ của khí quyển và độ lệch của dây dọi), Đỉnh XV nằm ở độ cao 8.840m5 trên mực nước biển; đó là điểm cao nhất hành tinh.

Đến năm 1865, chín năm sau khi những tính toán của Sikhdar được thừa nhận, Waugh đặt tên cho Đỉnh XV là Núi Everest nhằm tôn vinh ngài George Everest, người tiền nhiệm của ông. Tại thời điểm đó, những người Tây Tạng sống tại phía bắc của ngọn núi hùng vĩ này đã có một tên gọi ngọt ngào dành cho nó – ngọn Jomolungma, có nghĩa là “nữ thần, mẹ của trái đất”, còn những người Nepal sống ở phía nam thì gọi nó là ngọn Sagarmatha, “nữ thần của bầu trời”. Nhưng Waugh đã không ngó ngàng tới những tên gọi địa phương đó (cũng như chính sách khuyến khích việc duy trì tên gọi địa phương hoặc cổ xưa), và đã gán cho ngọn núi cái tên Everest.

Một khi Everest được xác định là ngọn núi cao nhất trái đất, việc có người quyết định chinh phục nó chỉ còn là vấn đề thời gian. Sau khi nhà thám hiểm người Mỹ Robcert Peary tuyên bố đã đến được Bắc cực vào năm 1909 và Roald Amundsen dẫn đầu một đoàn thám hiểm Na Uy đến Nam cực vào năm 1911, đỉnh Everest – được coi là “cực” thứ ba – trở thành mục tiêu của những người khao khát muốn khám phá Trái đất. Theo lời của Gunther O. Dyrenfurth, phóng viên thời sự và cũng là một nhà leo núi có nhiều ảnh hưởng trong thời kì đầu của lịch sử leo núi, chinh phục ngọn Everest chỉ là “vấn đề nỗ lực của con người, một mục tiêu không có chỗ cho sự bỏ cuộc dù phải gặp bao nhiêu thất bại”.

Tuy nhiên những thất bại này không phải là không đáng kể. Sau khám phá của Sikhdar vào năm 1852, 15 đoàn thám hiểm đã nỗ lực, 24 người đã bỏ mạng và 101 năm đã trôi qua trước khi ngọn Everest cuối cùng cũng được chinh phục.

* * *

Đối với những nhà leo núi và người am hiểu địa chất, Everest không phải là một ngọn núi tuyệt đẹp. Nó có dáng vẻ lùn, mập và nhiều chỗ méo mó. Nhưng bù lại những khiếm khuyết về mặt kiến trúc đó, bề ngoài của nó thẳng đứng và cao hơn hẳn các ngọn núi khác.

Nằm ở biên giới giữa Tây Tạng và Nepal, vươn cao hơn 3.658m phía trên các thung lũng dưới chân núi, ngọn Everest hiện ra lờ mờ như một khối hình chóp ba mặt phủ tuyết trắng và đá sọc đen. Tám đoàn thám hiểm đầu tiên tới ngọn Everest là người Anh, tất cả đều cố gắng leo lên ngọn núi từ sườn phía bắc thuộc Tây Tạng – không phải vì đây là nơi dễ leo nhất mà bởi vì vào năm 1921 chính quyền Tây Tạng đã mở cửa biên giới lâu nay vẫn đóng chặt của mình cho người nước ngoài, trong khi Nepal vẫn không làm điều đó.

Những người đầu tiên leo lên ngọn Everest đã phải đi bộ miệt mài 643km từ Darjeeling băng qua cao nguyên Tây Tạng chỉ để đến được chân núi. Hiểu biết của họ về những ảnh hưởng chết người do độ cao cực đại gây ra là rất ít ỏi và dụng cụ của họ cũng hết sức thiếu thốn nếu so với các tiêu chuẩn hiện đại. Nhưng đến năm 1924, một thành viên của đoàn thám hiểm thứ ba của người Anh, Edward Felix Norton, đã lên đến độ cao 8.573m so với mặt nước biển và chỉ còn cách đỉnh núi 274m nhưng không thể tiếp tục vì kiệt sức và tuyết dày đặc. Đó là một kỳ tích đáng kinh ngạc mà hầu như mãi tới 29 năm sau không ai vượt qua được.

Tôi dùng từ “hầu như” bởi vì những gì đã xảy ra 4 ngày sau cuộc chinh phục đỉnh núi của Norton. Vào buổi bình minh ngày 8 tháng 6 năm 1924, hai thành viên của đoàn thám hiểm người Anh – George Leigh Mallory và Andrew Irvine, khởi hành từ điểm cắm trại cao nhất hướng về đỉnh núi.

Mallory, tên của ông đã gắn liền với ngọn Everest, chính là đầu tàu của ba cuộc chinh phục đầu tiên lên đỉnh núi. Trong một chuyến đi diễn thuyết tại Mỹ, chính ông là người đã trả lời một cách cay cú: “Bởi vì nó ở đó” khi một nhà báo nằng nặc đòi biết lý do tại sao ông lại muốn chinh phục đỉnh Everest. Vào năm 1924, Mallory khi đó là một vị hiệu trưởng 38 tuổi đã lập gia đình và có 3 đứa con. Là một người thuộc tầng lớp thượng lưu, ông cũng là một người có con mắt thẩm mỹ và là một người duy tâm với sự nhạy cảm đầy lãng mạn. Vẻ thanh nhã, dễ gần và ngoại hình nổi bật của ông đã khiến ông trở thành người được Lytton Strachey và quần chúng tại Bloomsburry yêu mến. Khi ở cao trên ngọn Everest, Mallory và những người bạn của mình đã đọc to cho nhau nghe các tác phẩm của William Shakespear, từ Hamlet cho đến King Lear.

Trong khi Mallory và Irvine chậm chạp bò lên đỉnh núi vào ngày 8 tháng 6 năm 1924, sương mù phủ kín nửa trên của ngọn núi đã khiến cho những đồng đội ở bên dưới không thể theo dõi diễn biến. Vào 12 giờ 50 trưa, các đám mây tách ra trong giây lát và một đồng đội của ông là Noel Odell đã thoáng nhìn thấy rất rõ Mallory và Irvine đang ở trên cao phía đỉnh núi, trễ hơn 5 giờ so với dự tính nhưng đang “di chuyển một cách chủ động và nhanh nhẹn” hướng về phía đỉnh núi.

Tuy nhiên, tối đó cả 2 nhà leo núi đã không trở về trại, và không ai còn thấy Mallory cũng như Irvine nữa. Kể từ đó đã có nhiều tranh cãi dữ dội về việc liệu một trong hai nhà leo núi hay cả hai đã chinh phục được đỉnh núi hay chưa trước khi bị dãy núi nuốt chửng và đi vào huyền thoại. Xem xét kỹ lưỡng các chứng cứ, chúng ta có thế thấy rằng câu trả lời là không. Bất luận thế nào đi nữa, do thiếu những chứng cứ xác thực, họ không được công nhận là những người đầu tiên chinh phục được đỉnh núi.

Đến năm 1949, sau hàng thế kỷ không tiếp cận được, Nepal đã mở cửa biên giới của mình cho thế giới bên ngoài và một năm sau đó chế độ mới tại Trung Quốc không cho người nước ngoài vào Tây Tạng. Do đó những người muốn leo lên đỉnh Everest đã chuyển sự chú ý của mình sang mạn nam của dãy núi. Mùa xuân năm 1953, một đoàn thám hiểm lớn của Anh với lòng quyết tâm cao và được trang bị những thiết bị tối tân dành cho một chiến dịch quân sự, đã trở thành đoàn thám hiểm thứ ba nỗ lực chinh phục đỉnh Everest từ Nepal. Ngày 28 tháng 5, sau hai tháng rưỡi với những nỗ lực phi thường, một nền trại đã được đào sơ sài vào Triền Đông Nam và một căn lều được dựng ở độ cao 8.504m. Sáng sớm ngày hôm sau, Edmund Hillary – một người New Zealand cao kều, và Tenzing Norgav – nhà leo núi người Sherpa dày dạn kinh nghiệm, đã khởi hành leo lên đỉnh núi, có sử dụng bình oxy để thở.

Chín giờ sáng, họ lên đến Đỉnh Nam, họ dõi theo một sống núi dài hẹp đến chóng mặt dẫn lên đỉnh núi. Thêm một giờ leo nữa, họ đã đến chân của một bậc đá mà theo Hillary mô tả là “một thử thách cực kỳ khủng khiếp trên sống núi – một khối đá cao khoảng 12,2m. Khối đá nhẵn và dường như không có chỗ bám này hẳn đã là một thử thách thú vị vào chiều thứ bảy đối với các nhà leo núi chuyên nghiệp tại vùng hồ Lake District, nhưng tại nơi này nó là một chướng ngại thật sự đối với chút sức lực yếu ớt của chúng tôi”.

Trong khi Tenzing giăng dây thừng một cách đầy lo lắng phía bên dưới, Hillary lèn người vào một kẽ nứt giữa khối đá và một rìa tuyết thẳng đứng ở bên cạnh nó, và rồi ông bắt đầu nhích dần lên trên cái mà về sau này được gọi là Bậc Hillary. Việc leo lên rất vất vả và nguy hiếm, nhưng Hillary kiên trì cho tới khi… Ống sẽ kể tiếp sau đây:

Cuối cùng tôi cũng có thể trèo lên đỉnh của khối đá và lê từ từ ra khỏi kẽ nứt tới một rìa đá rộng. Tôi nằm thở một lúc và lần đầu tiên tôi thực sự cảm nhận được sự quyết tâm cao độ mà giờ đây không gì có thể ngăn cản được chúng tôi chinh phục đỉnh núi. Tôi đứng vững trên rìa đá và ra hiệu cho Tenzing leo lên. Trong khi tôi cố gắng hết sức kéo sợi dây thừng, Tenzing luồn lách leo lên theo kẽ nứt và cuối cùng kiệt sức đổ gục xuống trên đỉnh khối đá như một con cá khổng lồ mới bị kéo lên khỏi mặt nước sau khi đã vùng vẫy cật lực.

Chiến đấu với cơn mệt mỏi, hai nhà leo núi tiếp tục hành trình lên sống núi nhấp nhô phía trên. Hillary tự hỏi:

Đó là một điều khá ngu ngốc, liệu chúng tôi còn đủ sức để leo lên đến đỉnh hay không. Tôi vượt qua một mô đá nữa và thấy sống núi phía trước chúc xuống và tôi có thể nhìn rất xa về phía Tây Tạng. Nhìn lên trên tôi thấy chóp tuyết tròn. Thêm một vài nhát rìu, một vài bước thận trọng, và rồi Tensing (nguyên văn) và tôi đã ở trên đỉnh.

Và như vậy, ngay trước buổi trưa ngày 29 tháng 5 năm 1953, Hillary và Tenzing đã trở thành những người đầu tiên đứng trên đỉnh ngọn Everest.

Ba ngày sau đó, tin tức về cuộc chinh phục đã đến tai Nữ hoàng Elizabeth ngay trước khi bà đăng quang và tờ Times của Lonđon là tờ báo đầu tiên đăng tin này vào sáng ngày 2 tháng 6 trong số buổi sáng của mình. Bản tin này được gửi về từ Everest theo dạng điện tín mã hóa (nhằm tránh việc các đối thủ cạnh tranh có thể có tin trước tờ Times) bởi một phóng viên trẻ có tên là James Morris, người mà 20 năm sau đã trở thành một tác giả được nhiều người yêu thích. Ông đã chuyển đổi giới tính và đổi tên thánh thành Jan. Bốn thập kỷ sau cuộc chinh phục vĩ đại, Morris đã viết trong tác phẩm Đỉnh Everest: Cuộc chinh phục đầu tiên và bản tin sốt dẻo đã đưa Nữ hoàng lên ngôi như sau:

Bây giờ thật khó tưởng tượng nước Anh đã chào đón hai sự kiện trùng hợp lạ lùng (lễ đăng quang của Nữ hoàng và cuộc chinh phục đỉnh Everest) trong niềm vui sướng như thế nào. Vươn lên từ tình trạng thắt lưng buộc bụng vốn đã đeo bám họ từ sau Thế chiến thứ hai, cùng lúc phải đối mặt với sự sụp đổ đế chế vĩ đại của mình và sự suy giảm sức mạnh không thể tránh khỏi trên thế giới, người Anh đã phần nào tự an ủi mình rằng việc lên ngôi của một vị nữ hoàng trẻ sẽ là dấu hiệu cho một sự khởi đầu mới – một thời đại Elizabeth mới, như báo chí vẫn gọi như vậy. Ngày đăng quang, ngày 2 tháng 6 năm 1953 sẽ là một ngày của niềm hy vọng và sự vui mừng, ngày mà tất cả thần dân ái quốc trung thành của nước Anh tìm thấy một khoảnh khắc quan trọng nhất biểu hiện cảm xúc của chính mình: điều kỳ diệu của những điều kỳ diệu, vào chính ngày này họ nhận được tin từ một nơi xa xôi – thực ra là từ nơi biên giới của đế chế cũ – rằng một nhóm các nhà leo núi người Anh đã chinh phục được mục tiêu thám hiểm cuối cùng trên Trái đất – nóc nhà của thế giới…

Khoảnh khắc này đã gợi lên nhiều cảm xúc trong lòng người dân Anh – sự tự hào, lòng yêu nước, sự luyến tiếc quá khứ đã mất của chiến tranh và sự gan dạ, niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng… Nhiều người lớn tuổi hồi tưởng lại một cách tường tận về ngày đó, về khoảnh khắc khi họ đang chờ đợi cuộc diễu hành đăng quang sẽ diễn ra tại London trong một buổi sáng mưa phùn, thì họ nhận được cái tin kỳ diệu rằng đỉnh cao của thế giới đã là của họ.

Tenzing trở thành anh hùng dân tộc khắp Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng – mỗi nước đều tuyên bố ông là vị anh hùng của riêng họ. Được Nữ hoàng phong tước Hiệp sĩ, ảnh của Ngài Edmund Hillary được in trên tem thư, truyện tranh, sách, phim ảnh, bìa tạp chí. Chỉ sau một đêm, từ một người nuôi ong có khuôn mặt lưỡi cày vùng Auckland, ông đã biến thành một trong những người nổi tiếng nhất trên đời.

* * *

Hillary và Tenzing đã leo lên ngọn Everest một tháng trước khi tôi được mang thai, do đó tôi không thể chia sẻ cảm giác tự hào và kinh ngạc đã lan truyền khắp thế giới – một sự kiện mà một người bạn lớn tuổi hơn của tôi nói rằng về lý thuyết có thể so sánh với lần đầu tiên con người đặt chân lên mặt trăng. Tuy nhiên, một thập kỷ sau đó một cuộc leo núi Everest tiếp theo đã giúp tạo nên bước ngoặt của cuộc đời tôi.

Vào ngày 22 tháng 5 năm 1963, Tom Hornbein – một bác sĩ 32 tuổi quê ở Missouri, và Willi Unsoeld – một giáo sư thần học quê Oregon, đã chinh phục đỉnh Everest từ Triền Tây đầy khó khăn, vốn chưa từng có ai leo trước đây. Cho tới lúc này ngọn núi đã được chinh phục bốn lần bởi mười một người, nhưng Triền Tây được xem là khó khăn hơn rất nhiều so với hai lộ trình đã được thiết lập trước đó: Đèo Nam lên Triền Đông Nam hay Đèo Bắc lên Triền Đông Bắc. Cuộc leo núi của Hornbein và Unsoeld đã và sẽ tiếp tục xứng đáng được ca ngợi như một trong những kỳ công vĩ đại nhất trong biên niên sử leo núi.

Vào cuối ngày chinh phục đỉnh của họ, hai nhà leo núi người Mỹ phải leo qua một tầng đá dốc và dễ lở – đó là Dải Vàng khét tiếng. Để vượt qua được vách đá này, người leo núi cần phải có có sức mạnh khủng khiếp và kỹ năng leo tốt; chưa ai có thể vượt qua một thử thách khó khăn về mặt kỹ thuật như vậy ở độ cao cực đại này. Khi đã ở trên đỉnh của Dải Vàng, Hornbein và Unsoeld tự hỏi không biết khi về mình có xuống được không. Họ kết luận rằng khả năng cao nhất để xuống núi được an toàn là leo lên đỉnh và xuống bằng con đường Triền Đông Nam vốn đã được nhiều người sử dụng. Đó là một kế hoạch cực kỳ táo bạo vì trời đã tối, địa hình lại không quen thuộc và bình oxy đang cạn nhanh.

Hornbein và Unsoeld leo tới đỉnh núi vào lúc 6 giờ 15 tối, ngay khi mặt trời đang khuất bóng, và đã buộc phải nghỉ đêm ngoài trời trên độ cao hơn 8.534m – vào thời điểm đó nó là trại cao nhất trong lịch sử. Đó là một đêm giá lạnh, nhưng may mắn thay là không có gió. Mặc dù các ngón chân của Unsoeld bị tê cứng và sau đó phải cắt bỏ nhưng cả hai nhà leo núi vẫn còn sống sót để kể lại câu chuyện của mình.

Lúc đó tôi đà được chín tuổi và đang sống tại Corvallis, bang Oregon nơi cũng là quê hương của Unsoeld. Ông ấy là một trong số những người bạn thân của cha tôi, và thỉnh thoảng tôi có chơi đùa với những đứa con lớn của ông – đó là Regon, lớn hơn tôi một tuổi và Devi, nhỏ hơn tôi một tuổi. Vài tháng trước khi Willi Unsoeld khởi hành đi Nepal, tôi đã chinh phục được “ngọn núi” đầu tiên của đời mình – một ngọn núi lửa xấu xí tại dãy Cascade bây giờ đã có cáp treo để lên tới đỉnh – cùng với cha tôi, Willi và Regon. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thiên anh hùng ca năm 1963 về đỉnh Everest vẫn còn vang vọng to và lâu đến thế trong trí tưởng tượng thời niên thiếu của tôi. Trong khi các bạn tôi thần tượng John Glenn, Sandy Koufax và John Unitas, thì những người hùng của tôi chính là Hornbein và Unsoeld.

Tôi âm thầm nghĩ về việc một ngày nào đó tôi sẽ tự mình leo lên đỉnh Everest; và hơn một thập kỷ sau đó nó vẫn là một niềm khao khát cháy bỏng. Ngay khi mới bước vào tuổi 20, leo núi đã trở thành tâm điểm trong cuộc sống của tôi hơn tất cả mọi thứ khác. Chinh phục được đỉnh một ngọn núi đã trở thành một thứ gì đó rõ ràng, cụ thể và đầy quyết tâm trong tôi. Những hiểm nguy có thể xảy ra đã khiến việc leo núi trở thành một mục tiêu đầy thử thách mà cuộc sống bình thường của tôi không có được. Tôi nôn nao trước những thay đổi ý nghĩa của sự tồn tại trong cuộc đời con người.

Leo núi cũng mang lại ý thức cộng đồng. Trở thành một người leo núi nghĩa là gia nhập vào một xã hội hết sức duy tâm có tính độc lập, hầu như không được chú ý và không bị ảnh hưởng bởi nhịp sống xung quanh. Đặc tính của môn leo núi được khắc họa bởi sự cạnh tranh khốc liệt và lòng tự tôn đậm chất nam nhi; các thành viên của môn này phần nhiều quan tâm đến việc gây ấn tượng với nhau. Leo đến đỉnh của một dãy núi bất kỳ được coi là không quan trọng bằng việc đã leo lên đó như thế nào: tên tuổi của bạn sẽ được nhắc đến khi chọn con đường nguy hiểm nhất, với ít dụng cụ nhất, theo cách dũng cảm nhất có thể tưởng tượng được. Không ai được khâm phục nhiều hơn những “độc thủ” tự do: những người nhìn xa trông rộng leo núi một mình mà không cần dây an toàn hay dụng cụ nào khác.

Trong những năm đó, tôi sống để leo núi, tồn tại với thu nhập năm hoặc sáu ngàn đô la một năm; tôi làm thợ mộc và người đánh bắt cá hồi thương mại cho đến khi có đủ tiền cho chuyến đi kế tiếp tới Bugaboos, Tetons hay dãy Alaska. Nhưng đến khi 25 tuổi, tôi đã từ bỏ giấc mơ chinh phục đỉnh Everest từ khi còn bé của mình. Lúc này, các tay leo núi kiểu Alp sành sỏi có khuynh hướng chê bai đỉnh Everest là “một đống xỉ” – một đỉnh núi thiếu những thách thức chuyên môn hoặc vẻ lôi cuốn thẩm mỹ để có thể trở thành một mục tiêu đáng chinh phục đối với những nhà leo núi “nghiêm túc” – danh xưng mà tôi đang rất khao khát đạt được. Tôi bắt đầu coi thường dãy núi cao nhất thế giới này.

Điều này có nguyên nhân từ việc đến đầu những năm 1980, lối lên núi dễ nhất – đi qua Đèo Nam và Triền Đông Nam đã được leo hơn một trăm lần. Những người trong nhóm và tôi gọi Triền Đông Nam là “Đường dành cho bò”. Thái độ coi khinh của chúng tôi lại được củng cố thêm vào năm 1985, khi Dick Bass – một người Texas giàu có 55 tuổi chỉ với chút ít kinh nghiệm leo núi – đã được một tay leo núi trẻ kiệt xuất có tên là David Breashears đưa lên đến đỉnh. Đây là một sự kiện được rất nhiều báo lá cải quan tâm.

Trước đây, nói chung đỉnh Everest là lãnh địa của những nhà leo núi xuất sắc nhất. Theo lời của Michael Kennedy, biên tập của tờ tạp chí Climbing: “Thật là một vinh dự khi được mời tham gia vào một đoàn thám hiểm Everest và điều này chỉ xảy ra sau khi bạn đã có một thời gian dài leo những đỉnh núi thấp hơn, và việc thực sự chinh phục được đỉnh Everest sẽ đưa nhà leo núi đó lên một vị thế cao hơn trong lĩnh vực leo núi”. Cuộc leo núi của Bass đã khiến mọi thứ thay đổi. Với việc chinh phục được đỉnh Everest, Bass đã trở thành người đầu tiên chinh phục được tất cả bảy đỉnh núi cao nhất6, một kỳ công đã giúp ông ta nổi tiếng khắp thế giới. Nó đã khiến rất nhiều người leo núi nghiệp dư theo dấu giày của ông và đẩy đỉnh Everest vào một ký nguyên “hậu hiện đại”.

Seaborn Beck Weathers giải thích bằng giọng đặc sệt của miền Đông Texas trong chuyến đi tới Trạm Căn cứ trên đỉnh Everest của ông ta vào cuối tháng 4 rằng: “Đối với những người lớn tuổi theo kiểu của Walter Mitty như bản thân tôi, Dick Bass là một nguồn cảm hứng”. Là một nhà nghiên cứu bệnh học 49 tuổi tại Dallas, Beck là một trong những khách hàng tham gia vào chuyến thám hiểm có người hướng dẫn vào năm 1996 của Rob Hall. “Bass đã cho thấy rằng, đỉnh Everest nằm trong khả năng của những người bình thường miễn là bạn có sức khỏe tốt và có sẵn nguồn tài chính. Theo tôi, khó khăn lớn nhất chính là bạn phải nghỉ việc một thời gian và rời xa gia đình trong vòng hai tháng”.

Các ghi nhận đã cho thấy, đối với rất nhiều nhà leo núi, việc rời bỏ các công việc hằng ngày cũng như việc phải chi tiêu nhiều tiền của không phải là các chướng ngại không thể vượt qua. Hơn nửa thập kỷ vừa qua, số lượng người đến bảy ngọn núi này tăng chóng mặt. Và để đáp ứng nhu cầu, số lượng các doanh nghiệp thương mại cung cấp những cuộc leo núi có người hướng dẫn lên bảy ngọn núi này, đặc biệt là ngọn Everest cũng tăng tương ứng. Đến mùa hè năm 1996, đã có 30 cuộc thám hiểm lên sườn núi Everest, ít nhất mười cuộc trong số này được tổ chức nhằm kiếm tiền.

Chính phủ Nepal nhận thấy rằng quá nhiều người kéo đến Everest đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng về mặt an toàn, thẩm mỹ và ảnh hưởng đến môi trường. Để giải quyết vấn đề này, các bộ trưởng của Nepal đã đưa ra giải pháp nhằm vừa hạn chế số người đến đây vừa mang lại nguồn ngoại tệ mạnh cho đất nước còn nghèo nàn này: tăng phí leo núi. Vào năm 1991, Bộ Du lịch Nepal thu phí 2.300 đô la đối với một nhóm leo núi Everest không phân biệt số lượng thành viên. Đến năm 1992, phí này đã tăng lên 10.000 đô la cho một nhóm tối đa chín thành viên và 1.200 đô la nữa đối với mỗi thành viên cộng thêm.

Nhưng những người leo núi vẫn kéo tới Everest bất chấp mức phí cao hơn này. Mùa xuân năm 1993, nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chinh phục đầu tiên, một số lượng kỷ lục đã được ghi nhận là 15 đoàn thám hiểm với tống cộng 294 nhà leo núi cố gắng chinh phục ngọn Everest từ phía Nepal. Mùa thu năm đó, Bộ Du lịch Nepal nâng mức phí thêm lần nữa tới con số đáng kinh ngạc 50.000 đô la cho một nhóm không quá năm thành viên và thêm 10.000 đô la cho mỗi thành viên tiếp theo với giới hạn là bảy thành viên. Thêm vào đó, chính phủ Nepal cũng ra chỉ thị trong mỗi mùa chỉ có tối đa bốn nhóm được phép leo lên sườn núi Everest thuộc Nepal.

Tuy nhiên có một điều mà các bộ trưởng Nepal không tính đến, đó là Trung Quốc chỉ thu phí 15.000 đô la đối với một nhóm (không giới hạn số lượng thành viên) để được phép leo lên đỉnh Everest từ Tây Tạng và không hạn chế số lượng nhóm trong một mùa. Do đó, số người leo núi Everest từ Nepal đổ dồn về Tây Tạng, khiến hàng trăm người Sherpa mất việc. Trước sự kêu la phản đối sau đó, đến mùa xuân năm 1996, Nepal đã phải đột ngột hủy bỏ giới hạn bốn nhóm leo núi trong một mùa. Và khi họ đang thực hiện điều này, các bộ trưởng lại tiếp tục tăng mức phí – lần này là lên 70.000 đô la cho một đội tối đa bảy thành viên cộng thêm 10.000 đô la cho mỗi thành viên tiếp theo. Qua việc mười sáu trong số ba mươi nhóm thám hiểm đã leo Everest từ sườn núi thuộc Nepal mùa xuân rồi, ta có thể thấy rằng chi phí xin phép cao không phải là một cản trở đáng kể.

Thậm chí ngay cả khi tác động tai hại của mùa leo núi trước mùa mưa năm 1996 chưa diễn ra thì sự phát triển nhanh chóng của các chuyến leo núi thương mại trong hơn một thập kỷ trước đó đã là một vấn đề nhạy cảm. Những người thủ cựu cảm thấy khó chịu khi đỉnh núi cao nhất thế giới bị bán cho những gã nhà giàu – một vài người trong số này nếu không có dịch vụ hướng dẫn thì sẽ gặp khó khăn ngay cả trong việc leo lên một đỉnh khiêm tốn như núi Rainier. Còn những người theo chủ nghĩa truyền thống than vãn rằng Everest đang bị hạ thấp giá trị và bị xúc phạm.

Những người này chỉ ra rằng, do sự thương mại hóa đỉnh Everest, đỉnh núi một thời linh thiêng giờ đã bị lôi vào vũng lầy pháp lý Mỹ. Vì đã trả một khoản tiền hào phóng để được hộ tống lên đỉnh Everest, một số khách leo núi sau đó đã kiện người hướng dẫn của mình vì không lên được tới đỉnh. Peter Athans – một người hướng dẫn có tiếng vốn đã thực hiện mười một cuộc hành trình lên Everest và đã bốn lần lên được đỉnh – than rằng: “Đôi khi bạn vớ phải một vị khách nghĩ rằng họ đã mua một chiếc vé bảo đàm lên đến đỉnh Everest. Một số người không hiểu được rằng một chuyến thám hiểm Everest không giống như một chuyến tàu ở Thụy Sĩ”.

Đáng buồn thay, không phải vụ kiện nào cũng không có cơ sở. Những công ty yếu kém và tai tiếng đã không ít lần không thế cung cấp được hỗ trợ cần thiết như đã hứa, như bình oxy chẳng hạn. Trong một vài chuyến thám hiểm, người hướng dẫn lên tới đỉnh một mình mà không có người khách hàng nào khiến cho những khách hàng cay đắng này nghĩ rằng họ được dắt theo chỉ để nhằm trả tiền hóa đơn. Năm 1995, người đứng đầu một chuyến thám hiểm thương mại đã bỏ trốn với hàng chục ngàn đô la của khách hàng ngay trước khi cuộc hành trình bắt đầu.

* * *

Tháng 3 năm 1995, tôi nhận được cuộc điện thoại từ một biên tập viên của Tạp chí Outside đề nghị tôi tham gia vào một chuyến thám hiểm có người hướng dẫn sẽ khởi hành năm ngày sau đó và viết một bài báo về tình trạng thương mại hóa ngọn núi đang phát triển rất nhanh và về những cuộc tranh luận kèm theo. Tạp chí không dự định để tôi lên tới đỉnh, các biên tập viên đơn giản chỉ muốn tôi ở lại Trạm Căn cứ và tường thuật lại câu chuyện từ Sông băng phía đông Rongbuk, tại chân núi thuộc Tây Tạng. Tôi cân nhắc nghiêm túc đề nghị này – thậm chí tôi đã đặt chuyến bay và chủng ngừa theo yêu cầu – nhưng vào phút chót tôi quyết định từ chối.

Nếu chỉ nhìn vào sự coi thường của tôi đối với ngọn Everest trong những năm qua, người ta có thể nghĩ rằng về mặt nguyên tắc tôi đã từ chối một lời đề nghị như vậy. Thực ra, cuộc gọi từ tạp chí Outside đã bất ngờ khơi dậy lòng khao khát mạnh mẽ đã bị chôn vùi từ lâu trong tôi. Sở dĩ tôi từ chối lời đề nghị là vì tôi nghĩ sẽ hết sức khó chịu khi phải trải qua hai tháng trên ngọn Everest mà lại không được đi quá Trạm Căn cứ. Nếu tôi đi đến vùng xa xôi đó của trái đất và phải xa gia đình trong tám tuần lễ, tôi muốn có cơ hội được leo lên ngọn núi.

Tôi đã hỏi Mark Bryant, biên tập viên của Outside xem liệu ông có thể cho hoãn chuyến đi này lại mười hai tháng nữa được không (để tôi có đủ thời gian để chuẩn bị thể lực cần thiết cho cuộc hành trình). Tôi cũng hỏi xem liệu tạp chí có chấp nhận đăng ký cho tôi một dịch vụ hướng dẫn có tiếng tăm hơn – và chịu chi phí 65.000 đô la – nhằm đảm bảo rằng tôi sẽ thực sự chinh phục được đỉnh núi. Tôi đã không hy vọng là Bryant sẽ chấp nhận kế hoạch này. Tôi đã viết hơn sáu mươi bài cho tạp chí Outside trong mười lăm năm qua, và chưa bao giờ nhận được phí đi lại cho các công việc của mình nhiều hơn 2.000 – 3.000 đô la.

Bryant gọi lại cho tôi vào ngày hôm sau sau khi đã bàn bạc với chủ bút của Outside. Ồng ta nói tờ tạp chí không chịu bỏ ra 65.000 đô la nhưng ông và các biên tập viên khác nghĩ rằng việc thương mại hóa đỉnh Everest là một câu chuyện quan trọng. Ông khẳng định nếu như tôi nghiêm túc trong việc cố gắng chinh phục đỉnh núi, Outside sẽ tìm cách giúp tôi thực hiện việc đó.

* * *

Trong suốt ba mươi ba năm coi mình là một nhà leo núi, tôi đã thực hiện nhiều chuyến đi khó khăn. Ở Alaska, tôi đã thiết lập một lộ trình mới trên ngọn Mooses Tooth, và thực hiện một cuộc leo núi đơn độc lên đỉnh Devils Thumb, trải qua ba tuần lễ đơn độc trên một đỉnh băng xa xôi. Tôi đã thực hiện nhiều cuộc leo núi băng khá cao ở Canada và Colorado. Gần cực nam của Nam Mỹ, nơi gió thổi vào đất liền như “chiếc chổi của Chúa” – hay “la escoba de Dios” như người dân địa phương ở đây vẫn gọi, tôi đã vượt qua một khối đá granit nhọn, hiểm trở cao hàng dặm có tên là Cerro Torre. Bị những cơn gió có tốc độ 185 km/h càn quét và sườn phủ đầy sương muối, một thời (dù không còn nữa) Cerro Torre là ngọn núi khắc nghiệt nhất trên thế giới.

Nhưng những việc này đã xảy ra nhiều năm rồi, một số thậm chí cách đây vài thập niên, khi tôi còn ở độ tuổi hai mươi, ba mươi. Bây giờ, tôi đã 41 tuổi, đã qua lâu rồi cái thời leo núi đỉnh cao; râu đã bắt đầu bạc, răng đã yếu đi, và bụng đã thêm gần 7kg mỡ. Tôi đã kết hôn với người con gái mà tôi hết mực yêu thương và cô ấy cũng rất yêu tôi, và đang có một công việc khá tốt; lần đầu tiên trong cuộc đời mình tôi đang có một cuộc sống trên mức nghèo khổ. Tóm lại, lòng khao khát leo núi trong tôi đã thui chột đi bởi những cảm giác hài lòng nhỏ bé vốn đang làm tôi hạnh phúc hơn.

Vả lại, chưa có cuộc leo núi nào tôi đã từng thực hiện trong quá khứ lên đến một độ cao đáng kể. Thật sự tôi chưa bao giờ ở trên độ cao quá 5.243m – thậm chí còn không cao bằng Trạm Căn cứ của Everest.

Là một người mê nghiên cứu lịch sử môn leo núi, tôi biết rằng đỉnh Everest đã cướp đi sinh mạng của 130 người kể từ khi người Anh lần đầu tiên đến ngọn núi này vào năm 1921. Con số này xấp xỉ với tỷ lệ cứ bốn người leo lên được đỉnh thì có một người thiệt mạng. Tôi cũng biết rằng những người đã ngã xuống này khỏe mạnh hơn tôi nhiều và có nhiều kinh nghiệm trên cao hơn tôi. Nhưng tôi phát hiện ra rằng giấc mơ thời niên thiếu không dễ dàng phai tàn nhưng những suy tính lại dễ bị phớt lờ. Cuối tháng 2 năm 1996, Bryant gọi cho tôi nói rằng có một chỗ dành cho tôi trong đoàn thám hiểm Everest sắp tới của Rob Hall. Khi ông ấy hỏi liệu tôi có muốn thực hiện chuyến đi không, tôi đã đồng ý ngay lập tức.