Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Chương 03: PHÍA TRÊN BẮC ẤN ĐỘ

NGÀY 29 THÁNG 3 NĂM 1996

9.144 MÉT

Tôi đã kể cho họ nghe câu chuyện ngụ ngôn một cách cộc lốc. Tôi bảo tôi đang nói về Hải Vương tinh, một Hải Vương tinh bình thường, không phải Thiên đường, bởi vì tôi không biết gì về Thiên đường. Do đó bạn sẽ thấy câu chuyện ám chỉ bạn, không phải cái gì khác mà chính là bản thân bạn. Hiện giờ có một khối đá lớn ở tít trên kia và tôi phải cảnh báo bạn rằng con người khá ngu ngốc trên Hải Vương tinh, lý do là vì mỗi người sống nhờ buộc mình vào một sợi dây. Và một vài người trong số họ, tôi rất muốn nêu đích danh, tuyệt đối quyết tâm sống chết với ngọt núi đó. Các bạn sẽ không thể tin nổi một điều là dù sống hay chết, có ích hay vô ích, những người này đã hình thành thói quen sử dụng thời gian rỗi cũng như tất cả sức lực của mình để đuổi theo những đám mây vinh quang của họ lên và xuống những vách núi dốc nhất trong vùng. Và cuối cùng họ trở về cảm thấy hạnh phúc. Họ có thể như vậy lắm, bởi vì thật thú vị là ngay trên Hải Vương tinh, hầu hết bọn họ đều đuổi nhau khá an toàn trên những vách núi dễ leo. Nhưng dù sao chăng nữa thì họ cũng hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy có thể thấy rõ qua ánh mắt và gương mặt rạng ngời của họ. Và như tôi đã chỉ ra, chỉ bởi vì đó là Hải Vương tinh, không phải Thiên đường, nơi có lẽ không có việc gì khác để làm.

John Menlove Edwards

Lá thư của một người đàn ông

Sau hai giờ ngồi trên chuyến bay 311 của hãng hàng không Thai Air từ Bangkok tới Kathmandu, tôi rời khỏi chỗ ngồi và bước về phía đuôi máy bay. Gần dãy buồng vệ sinh bên mạn phải của máy bay, tôi cúi mình xuống để nhìn qua một cửa sổ nhỏ ngang thắt lưng, hy vọng có thể nhìn lướt qua một vài dãy núi. Tôi đã không thất vọng: ngoài kia, ở phía chân trời là các đỉnh núi lởm chởm của dãy Himalaya. Suốt thời gian còn lại của chuyến bay, tôi đứng tại chiếc cửa sổ, mê mẩn, quỳ gối trên một chiếc bao rác đầy những lon soda rỗng và thức ăn thừa; mặt của tôi tựa vào cửa kính lạnh cóng.

Ngay lập tức, tôi nhận ra tầm vóc đồ sộ và vươn xa của dãy Kanchenjunga ở độ cao 8.586 m so với mặt nước biển; đây là ngọn núi cao thứ ba trên thế giới. Mười lăm phút sau đó, Makalu, đỉnh núi cao thứ mười lăm trên thế giới xuất hiện và cuối cùng là hình bóng không thể nhầm lẫn vào đâu được của chính ngọn Everest.

Đỉnh màu đen của chóp núi nổi bật trên địa hình trơ trụi; tất cả nhô cao hẳn lên khỏi những sườn núi xung quanh. Nằm cao trong vùng gió xoáy, ngọn núi rạch một vết cắt sâu dễ thấy vào cơn cuồng phong có sức gió 222,2 km/h, làm tung ra một dải tinh thể băng trải về phía đông trông giống như một chiếc khăn choàng bằng lụa. Khi nhìn ngọn núi này từ trên trời, tôi chợt nhận thấy đỉnh ngọn Everest có cùng độ cao với chiếc máy bay phản lực đã điều áp đang chở tôi. Vào lúc đó, việc tôi định leo lên tới độ cao của chiếc phản lực Airbus 300 bất thình lình làm cho tôi cảm thấy phi lý hoặc còn tệ hơn thế. Lòng bàn tay tôi nhớp mồ hôi.

Sau đó bốn mươi phút, tôi đã ở trên mặt đất tại Kathmandu. Khi tôi đi bộ vào sảnh của sân bay sau khi hoàn tất thủ tục hải quan, một người thanh niên to con, mày râu nhẵn nhụi chú ý đến hai túi đồ nghề của tôi và tiến lại. Nhìn liếc qua tờ giấy có ảnh các khách hàng của Rob Hall, anh ta hỏi tôi bằng giọng New Zealand du dương: “Anh có phải là Jon?” Anh ta bắt tay tôi và tự giới thiệu là Andy Harris, một hướng dẫn viên của Hall, đến để đưa tôi về khách sạn. – Harris, 31 tuổi, nói là có một khách hàng nữa cũng đến trên cùng chuyến bay từ Bangkok này; đó là một luật sư 53 tuổi tên là Lou Kasischke đến từ Bloomfield Hills, bang Michigan. Phải mất một tiếng đồng hồ Kasischke mới tìm được hành lý của mình, do đó trong khi chờ đợi, Andy và tôi trao đổi về những cuộc leo núi mà mình đã thực hiện tại phía tây Canada và bàn về những ưu thế của môn trượt tuyết so với lướt ván tuyết. Khao khát leo núi và niềm đam mê đối với núi non của Andy khiến tôi thấy nuối tiếc quãng đời trước đây, khi leo núi là điều quan trọng nhất, khi mà tôi hình dung cuộc đời mình dưới dạng các ngọn núi mình đã leo và những đỉnh hy vọng sẽ chinh phục một ngày nào đó.

Ngay trước khi Kasischke – một người cao, dáng thể thao với mái tóc bạc và sự dè dặt kiểu quý tộc – từ bàn thủ tục hải quan của sân bay đi tới, tôi hỏi Andy rằng anh đã tới Everest bao nhiêu lần rồi. Anh ta vui vẻ thú nhận: “Thực ra đây là lần đầu tiên, giống như anh thôi. Sẽ rất thú vị khi xem tôi làm thế nào trên dãy núi”.

Hall đã đặt chỗ cho chúng tôi tại khách sạn Garuda, một khách sạn thân thiện và hiện đại tại trung tâm của Thamel, khu vực du lịch nhộn nhịp của Kathmandu trên một con đường nhỏ đầy xe rickshaw (một loại xe kéo) và những người bán dạo. Từ lâu khách sạn Garuda đã nổi tiếng đối với các đoàn thám hiểm đến Himalaya, và những bức tường của nó dán đầy những tấm hình có chữ ký của những người leo núi đã qua đây trong những năm qua: Reinhold Messner, Peter Habeler, Kitty Calhoun, John Roskelley, Jeff Lowe. Bước lên cầu thang về phòng mình tôi đi ngang qua một tấm áp phích bốn màu có tựa “Bộ ba Himalaya” vẽ Everest, K2 và Lhotse – các đỉnh núi cao thứ nhất, thứ nhì và thứ tư thế giới. Được đặt cao nhất phía trên những hình ảnh về các đỉnh núi này, tấm áp phích cho thấy một người đàn ông có râu quai nón với đầy đủ trang phục leo núi đang cười. Một chú thích cho thấy đây chính là Rob Hall; tấm áp phích này – nhằm quảng bá cho công ty hướng dẫn của Hall, công ty Adventure Consultants – ra đời vào dịp kỷ niệm kỳ công khá ấn tượng của anh ta: chinh phục tất cả ba đỉnh núi nói trên trong vòng hai tháng vào năm 1994.

Một giờ sau đó tôi được gặp Hall bằng xương bằng thịt. Anh ta cao khoảng 1 mét 90 và gầy như một cây sào. Khuôn mặt anh toát nên vẻ dịu dàng, nhưng anh ấy trông già hơn tuổi 35 của mình, có lẽ là do những nếp nhăn sâu ở khóe mắt hoặc là do dáng vẻ uy quyền mà anh ta thể hiện. Anh ta mặc một chiếc áo sơ mi kiểu Hawaii và một chiếc quần jean Levis đã bạc màu có một miếng vá thêu hình biểu tượng âm-dương chỗ đầu gối. Một mái tóc nâu không chải xoắn ngang qua trán còn bộ râu rậm rạp có lẽ cần phải cắt tỉa.

Với bản tính thích giao du, Hall là một người có tài kể chuyện với sự hóm hỉnh của người New Zealand. Kể một câu chuyện dài liên quan tới một du khách người Pháp, một vị sư và loài bò yak lông lá, Hall đi đến điếm mấu chốt của câu chuyện với một cái liếc mắt tinh quái, dừng lại một nhịp nhằm tạo hiệu ứng, rồi sau đó ngả đầu ra phía sau và cười phá lên, không thể kìm lại sự thích thú của anh trong câu chuyện của chính mình. Tôi thích anh ấy ngay lập tức.

Hall được sinh ra trong một gia đình Công giáo thuộc tầng lớp lao động tại Christchurch, New Zealand; là con út trong số chín người con. Mặc dù có đầu óc khoa học và nhanh nhẹn, nhưng ở tuổi 15 anh đã bỏ học sau khi “đụng” với một giáo viên cực kỳ độc đoán. Năm 1976, anh làm việc cho Alp Sports, một công ty sản xuất dụng cụ leo núi tại địa phương. Bill Atkinson – bây giờ đã là một nhà leo núi và hướng dẫn viên tài năng – nhớ lại: “Anh ấy bắt đầu bằng những công việc lặt vặt, đạp máy may hay những thứ đại loại như thế. Nhưng nhờ tài tổ chức xuất sắc, vốn đã bộc lộ ngay từ khi còn mười sáu, mười bảy tuổi, Rob đã nhanh chóng điều hành toàn bộ mảng sản xuất của công ty”.

Hall đã từng tập luyện môn thể thao đi bộ leo đồi chăm chỉ trong nhiều năm; còn lúc vào làm cho Alp Sports, ông cũng bắt đầu học leo núi đá và núi tuyết. Atkinson, người bạn leo núi thường xuyên nhất của Hall thời đó, cho hay anh học rất nhanh và “có khả năng tiếp thu kỹ năng và quan điểm từ bất kỳ ai”.

* * *

Năm 1980, khi Hall được 19 tuổi, anh tham gia vào một cuộc thám hiếm leo lên Triền Bắc đầy khó khăn của dãy Ama Dablam, một đỉnh núi cao 6.795m với vẻ đẹp độc đáo cách Everest mười lăm dặm về phía nam. Trong suốt chuyến đi đó – chuyến đi đầu tiên của Hall tới Himalaya – anh đã thực hiện thêm một cuộc leo núi lên Trạm Căn cứ của Everest và quyết tâm một ngày nào đó anh sẽ leo lên ngọn núi cao nhất thế giới. Phải mất đến mười năm và ba lần cố gắng, cuối cùng đến năm 1990 Hall mới chinh phục được đỉnh Everest khi dẫn đầu một đoàn thám hiểm có cả Peter Hillary, con trai của Ngài Edmund Hillary. Trên đỉnh núi, Hall và Hillary thực hiện một cuộc truyền thanh được phát sóng trực tiếp trên toàn New Zealand, và ở độ cao 8.848m, họ nhận được lời chúc mừng từ Thủ tướng Geoffrey Palmer.

Lúc này Hall đã là một nhà leo núi chuyên nghiệp toàn thời gian. Như hầu hết các đồng nghiệp của mình, ông tìm kiếm nguồn tài trợ từ các công ty để thực hiện các cuộc thám hiểm Himalaya tốn kém của mình. Và anh cũng đủ khôn ngoan để hiểu rằng càng nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì càng dễ khiến các công ty mở hầu bao hơn. Và khi điều này xảy ra, anh đã chứng tỏ mình là một người cực kỳ khôn ngoan trong việc làm cho tên mình xuất hiện trên các ấn phẩm và hình ảnh của mình xuất hiện trên truyền hình. Atkinson thừa nhận: “Rob luôn luôn nhạy bén trong việc quảng cáo”.

Năm 1988, một hướng dẫn viên quê ở Auckland tên là Garry Ball trở thành bạn leo núi chính của Hall và cũng là bạn thân nhất của ông. Ball chinh phục đỉnh Everest cùng với Hall năm 1990 và ngay sau khi về tới New Zealand, họ lên kế hoạch chinh phục các đỉnh núi cao nhất tại mỗi châu lục, giống như Dick Bass – nhưng nâng mức khó bằng cách chinh phục cả bảy ngọn núi trong vòng bảy tháng7. Đối với đỉnh Everest, đỉnh khó leo nhất trong bộ bảy, nhờ kiên trì theo đuổi, Hall và Ball đã tìm được sự ủng hộ của một công ty điện lớn – công ty Power Build – và họ đã lên đường. Ngày 12 tháng 12 năm 1990, chỉ còn vài giờ nữa là đến hạn cuối của bảy tháng, họ đã lên được đỉnh của ngọn núi thứ bảy – ngọn Vinson Massif ở độ cao 4.897m, điểm cao nhất Nam cực – và được tuyên dương nồng nhiệt tại quê nhà.

Mặc dù thành công như vậy nhưng Hall và Ball vẫn lo lắng về triển vọng lâu dài trong nghề leo núi chuyên nghiệp của họ. Atkinson giải thích: “Để tiếp tục nhận được sự tài trợ từ các công ty, một nhà leo núi phải liên tục nâng cao các thử thách. Chuyến leo núi sau bao giờ cũng phải khó khăn hơn và ngoạn mục hơn chuyến trước đó. Nó sẽ trở thành một sự căng thẳng không ngừng nghỉ, cuối cùng bạn sẽ không còn đủ khả năng để chinh phục thử thách nữa”. Rob và Garry hiểu rằng không sớm thì muộn, họ sẽ không còn khả năng thể hiện phong độ đỉnh cao của mình nữa, hoặc họ sẽ gặp phải một tai nạn không may và tử nạn.

“Vì vậy họ đã quyết định chuyển hướng và đầu tư vào việc hướng dẫn leo núi. Khi bạn hướng dẫn người khác bạn không cần phải thực hiện các công việc leo núi, thử thách đến từ việc giúp cho khách hàng của bạn lên và xuống núi, việc này mang lại một dạng thỏa mãn khác. Nhưng nó là một nghề ổn định hơn là việc không ngừng đuổi theo các nhà tài trợ. Nếu bạn cung cấp cho họ một dịch vụ tốt, bạn sẽ không bao giờ thiếu khách hàng”.

Trong suốt cuộc hành trình “bảy ngọn núi trong bảy tháng”, Hall và Ball đã cùng lên một kế hoạch kinh doanh hướng dẫn du khách chinh phục Thất Đỉnh. Tin chắc rằng có một thị trường chưa ai khai thác gồm những người mơ ước leo núi có thừa tiền nhưng lại không đủ kinh nghiệm để tự mình leo lên những ngọn núi vĩ đại nhất thế giới, Hall and Ball khai trương một công ty mà họ đặt tên là Adventure Consultants.

* * *

Gần như ngay lập tức họ đạt được một kỷ lục ấn tượng. Đến tháng 5 năm 1992, Hall và Ball đã đưa sáu khách leo núi lên đến đỉnh Everest. Một năm sau đó họ hướng dẫn một nhóm bảy người khác lên đỉnh Everest vào một buổi chiều có bốn mươi người lên đến đỉnh núi trong một ngày. Tuy nhiên, khi họ trở về nhà sau chuyến đi đó, họ đã phải nhận những lời chỉ trích công khai không ngờ từ Ngài Edmund Hillary; ông đã chỉ trích vai trò của Hall trong việc Everest đang ngày càng bị thương mại hóa. Ông gắt gỏng rằng việc thu tiền để dắt một đám tay mơ lên đỉnh núi “đang gây ra sự thiếu tôn trọng đối với ngọn núi”.

Tại New Zealand, Hillary là một trong những nhân vật được kính trọng nhất đất nước; khuôn mặt góc cạnh của ông được in trên tờ giấy bạc năm đô la. Hall cảm thấy buồn và ngượng khi bị chỉ trích công khai bởi vị thánh sống – nhà leo núi đã từng là một trong những thần tượng thời niên thiếu của anh. Atkinson cho hay: “Hillary được xem như là một kho báu sống của quốc gia tại New Zealand này. Những gì ông nói rất có giá trị và thật là đau đớn khi bị ông chỉ trích. Rob đã muốn phát biểu công khai để tự bảo vệ, nhưng anh ấy nhận ra rằng đối đầu với một nhân vật được kính trọng như vậy trên các phương tiện truyền thông đại chúng không phải là một giải pháp hay”.

Và rồi, năm tháng sau vụ chỉ trích của Hillary, Hall lại bị choáng váng bởi một sự kiện kinh hoàng hơn: vào tháng 10 năm 1993, Garry Ball tử nạn vì bị phù não (cerebral edema – não bị sưng tấy do độ cao) trong khi đang cố gắng leo lên đỉnh Dhaulagiri cao 8.167m, đỉnh núi cao thứ sáu trên thế giới. Nằm hôn mê trong một căn lều nhỏ trên đỉnh núi, Ball đã trút hơi thở mệt nhọc cuối cùng trong tay Hall. Ngày hôm sau, Hall an táng bạn mình dưới một khe vực.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình tại New Zealand sau chuyến thám hiểm, Hall buồn bã mô tả lại việc anh đã dùng sợi dây leo núi yêu thích của họ để hạ xác Garry xuống vực thẳm của sông băng như thế nào. “Sợi dây leo núi được thiết kế để buộc hai người lại với nhau và bạn không bao giờ được thả nó ra. Nhưng tôi đã phải để nó trượt qua tay mình”.

“Rob bị suy sụp sau cái chết của Garry”, theo như lời của Helen Wilton, người quản lý Trạm Căn cứ của Hall trên ngọn Everest vào các năm 1993, 1995 và 1996. Nhưng anh ấy đã đối diện vói nó một cách lặng lẽ. Đó chính là cách của Rob – luôn hành xử tích cực với mọi việc”. Hall quyết tâm tiếp tục điều hành Adventure Consultants một mình. Theo cách làm mang tính hệ thống của mình, ông tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất và các dịch vụ của công ty – và vẫn tiếp tục cực kỳ thành công trong việc đưa những người leo núi nghiệp dư lên đỉnh những dày núi lớn và xa xôi.

Trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 1995, Hall chịu trách nhiệm đưa ba mươi chín nhà leo núi lên đỉnh Everest – nhiều hơn ba người so với số người đã lên đỉnh trong vòng hai mươi năm kể từ chuyến leo núi đầu tiên của Ngài Edmund Hillary. Với những gì đã làm được, Hall quảng cáo rằng Adventure Consultants là “công ty dẫn đầu trong lĩnh vực leo núi Everest, đã thực hiện nhiều chuyến leo núi hơn bất kỳ công ty nào khác”. Tập quảng cáo ông gửi tới những khách hàng tiềm năng có đoạn:

Bạn là người có lòng đam mê mạo hiểm. Có lẽ bạn đang nghĩ tới việc đến tất cả bảy châu lục hoặc là đứng trên đỉnh của một ngọn núi cao. Hầu như tất cả chúng ta chẳng bao giờ dám hành động cho ước mơ của mình, và hiếm khi dám nói lên những ước mơ đó, hay là thừa nhận những khát khao vĩ đại trong thâm tâm.

Adventure Consultants chuyên tổ chức và hướng dẫn các cuộc leo núi mạo hiểm. Với kinh nghiệm thực tế trong việc biến ước mơ thành sự thực, chúng tôi sẽ hành động cùng bạn để đạt được mục tiêu của bạn. Chúng tôi sẽ không mang bạn lên núi – bạn sẽ phải tập luyện vất vả – nhưng chúng tôi đảm bảo an toàn cao nhất và thành công cho chuyến mạo hiểm của bạn.

Đối với những ai dám thực hiện giấc mơ của mình, kinh nghiệm của chúng tôi sẽ mang lại cho bạn những điều đặc biệt không thể mô tả bằng lời. Chúng tôi mời bạn chinh phục đỉnh núi của mình cùng với chúng tôi.

Đến năm 1996, Hall thu phí 65.000 đô la một người để hướng dẫn khách hàng lên tới đỉnh thế giới. Xét về bất kỳ khía cạnh nào, đây cũng là một món tiền lớn – tương đương với tiền thế chấp một căn nhà tại Seattle – và giá này không bao gồm vé may bay tới Nepal hay các dụng cụ cá nhân. Không có phí của công ty nào cao hơn thế – thực ra một số đối thủ cạnh tranh của anh ấy chỉ lấy bằng 1/3 mức phí đó. Tuy nhiên, nhờ vào tỷ lệ thành công cao phi thường, anh đã không gặp khó khăn nào trong việc tìm khách hàng cho chuyến leo núi này – chuyến thứ tám lên đỉnh Everest. Nếu bạn vẫn nhất định muốn chinh phục đỉnh Everest và có đủ tiền thì Adventure Consultants là sự lựa chọn tốt nhất.

* * *

Vào sáng ngày 31 tháng 3, hai ngày sau khi đến Kathmandu, các thành viên của đoàn thám hiểm năm 1996 của công ty Adventure Consultants bước qua đường băng của Sân bay quốc tế Tribhuvan và leo lên một chiếc trực thăng Mi-17 do Nga chế tạo được Hãng hàng không Asian khai thác. Là một chứng tích của chiến tranh Afghanistan, nó to như một chiếc xe buýt chở học sinh, đủ chỗ cho hai mươi sáu hành khách, và trông giống như nó đã được chế tạo ở sân sau của một căn nhà nào đó. Người kỹ sư chuyến bay đóng cửa lại và đưa cho chúng tôi những miếng bông gòn để bịt tai, và chiếc máy bay khổng lồ lao lên không trung với một tiếng gầm nhức óc.

Sàn máy bay chất đầy những túi dụng cụ, ba lô và hộp các tông. Chen lấn trong những chỗ trống quanh thân máy bay là hàng tá người ngồi quay mặt vào trong, đầu gối khép chặt vào ngực. Tiếng gầm điếc tai của động cơ khiến cho chúng tôi không thể nào nói chuyện. Đó không phải là một chuyến bay thoải mái nhưng chẳng ai thèm phàn nàn về điều đó.

Năm 1963, chuyến thám hiểm của Tom Hornbein bắt đầu cuộc hành trình dài đến Everest từ Banepa, cách Kathmandu mười hai dặm và phải trải qua ba mươi mốt ngày đi trên đường mòn mới đến được Trạm Căn cứ. Giống như hầu hết những người leo núi Everest khác chúng tôi chọn cách “nhảy cóc” qua phần lớn đoạn đường dốc và bụi bặm này; theo dự kiến máy bay sẽ thả chúng tôi xuống làng hẻo lánh Lukla ớ độ cao 2.743m trên dãy Himalaya. Nếu như không bị rớt máy bay, chúng tôi sẽ rút ngắn hành trình khoảng ba tuần so với quãng đường của Hornbein.

Liếc quanh nội thất rộng rãi của chiếc máy bay, tôi cố gắng nhớ tên những người bạn cùng đi với mình. Ngoài hai người hướng dẫn Rob Hall và Andy Harris, còn có thêm Helen Wilton, một người mẹ 39 tuổi của bốn đứa con, quay trở lại Trạm Căn cứ trong cương vị quản lý mùa thứ ba liên tiếp của mình. Caroline McKenzie – một nhà leo núi và là một bác sĩ tài năng ở cuối độ tuổi hai mươi – chính là bác sĩ của đoàn thám hiểm, và cũng giống như Helen, cô ấy cũng sẽ không lên quá Trạm Căn cứ. Lou Kasischke, vị luật sư phong nhã mà tôi đã gặp ở sân bay, đã chinh phục được sáu trong số Thất Đỉnh – cũng giống như Yasuko Namba, một giám đốc nhân sự ít nói làm việc tại chi nhánh Tokyo của hãng Federal Express. Beck Weathers, 41 tuổi, là một nhà nghiên cứu bệnh học ba hoa đến từ Dallas. Stuart Hutchison, 44 tuổi, mặc một chiếc áo thun hiệu Ren and Stimpy, là một bác sĩ chuyên khoa tim mạch người Canada trông hơi ốm yếu, đang đi nghỉ sau một cuộc nghiên cứu. John Taske, 55 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất trong nhóm chúng tôi, là một chuvên gia gây mê đến từ Brisbane, ông đã bắt đầu học leo núi sau khi rời quân đội Úc. Frank Fischbeck, 53 tuổi, một chủ báo quý phái và sang trọng sống ở Hong Kong, ba lần leo Everest cùng một trong các công ty đối thủ của Hall; năm 1994, ông đã lên tới Đỉnh Nam, chỉ còn cách đỉnh Everest có 101 mét. Dough Hansen, một nhân viên bưu chính người Mỹ, đã leo Everest với Hall vào năm 1995 và cũng giống như Fischbeck đã lên được tới Đỉnh Nam trước khi quay trở lại.

Tôi không biết phải mô tả các bạn đồng hành của tôi là loại người như thế nào nữa. Xét về phong cách và kinh nghiệm, họ trông chẳng có gì giống những tay leo núi chuyên nghiệp mà tôi từng biết. Nhưng họ cũng là những người bạn tử tế và đàng hoàng, và không có cái mặt chuột nào trong cả nhóm – ít ra cũng là ở giai đoạn ban đầu này. Tuy nhiên ngoại trừ Doug, tôi chẳng giống ai trong số các bạn leo núi của mình. Doug trông quắc thước, dẻo dai và có khuôn mặt phong sương và già dặn trước tuổi, khiến người đối diện dễ có cảm giác đây từng là một cầu thủ bóng đá. Thực ra, Doug đã làm nhân viên bưu điện trong hơn 27 năm. Anh kể cho tôi nghe anh đã phải làm ca đêm ở bưu điện và làm công việc xây dựng vào ban ngày để kiếm tiền cho chuyến đi này. Bởi vì bản thân tôi cũng từng là thợ mộc suốt tám năm trước khi trở thành nhà văn – và bởi vì thu nhập của chúng tôi cũng gần như ngang nhau, Doug và tôi tự nhiên có một thứ gì đó khác với những người còn lại, và tôi cũng cảm thấy thoải mái hơn khi trò chuyện với anh, một cảm giác mà tôi không có được với những thành viên khác trong đoàn.

Nói chung, một điều khiến tôi luôn cảm thấy không thoái mái chính là việc tôi chưa từng tham gia vào một đoàn leo núi nào lớn thế này – một đoàn toàn những thành viên xa lạ với nhau. Ngoại trừ chuyến đi Alaska cách đây 21 năm, bao giờ tôi cũng leo núi cùng một hoặc hai người bạn thân mà tôi tin tưởng, còn không là một mình.

Trong leo núi, việc tin tưởng vào đồng đội là chuyện hết sức quan trọng. Hành động của một người có thể ảnh hưởng đến cả nhóm. Một nút thắt không chặt, một sự sẩy chân, một phiến đá rơi, hoặc bất kỳ một hành động bất cẩn nào khác cũng có thể gây hậu quả cho cả thủ phạm lẫn đồng đội của anh ta. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà leo núi thường rất thận trọng trong việc nhập nhóm với những người họ chưa biết thiện ý.

Tuy nhiên, niềm tin vào đồng đội là một thứ xa xỉ đối với những người đã ký hợp đồng khách hàng trong một chuyến leo núi có người hướng dẫn; lúc này anh ta phải đặt niềm tin vào người hướng dẫn. Khi máy bay đang hướng đến Lukla, tôi cho rằng mỗi đồng đội của tôi đều hy vọng tha thiết như tôi rằng Hall đã cẩn thận loại những khách hàng không đủ khả năng và sẽ có đủ phương tiện để bảo vệ chúng tôi trước những nhược điểm của người khác.