Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest - Thay lời kết: SEATTLE

NGÀY 29 THÁNG 11 NĂM 1996

82 MÉT

Giờ đây tôi mơ về cái chạm tay dịu dàng của người phụ nữ, về tiếng chim ca ríu rít, về mùi hương của đất vỡ vụn trong tay tôi, và về màu xanh rực rỡ cùa những mầm cây tôi đã dụng công vun trồng. Tôi đang tìm mua một mảnh đất và tôi sẽ thả nai, heo rừng và chim trong đó. Tôi sẽ trồng cây dương, cây ngô dồng. Tôi sẽ xây một cái hồ, thả vịt và cá và trong ánh hoàng hôn mỗi chiều, tôi sẽ cho chúng ăn. Sẽ có những con đường nhỏ băng qua khu rừng này. Tôi và em sẽ chìm đắm trong lớp đất mềm mại. Chúng tôi sẽ đến bên bờ nước và nằm trên cỏ. Tôi sẽ cho gắn một tấm bảng ghi rằng, “NÀY BỌN NHÓC, ĐÂY LÀ MỘT THẾ GIỚI THẬT SỰ MÀ CHÚNG TA ĐANG SỐNG – B. TRAVEN…”.

Charles Bowden

Blood Orchid

Nhiều người có mặt trên đỉnh Everest vào cuối tháng 5 đã nói với tôi rằng họ đã xoay xở vượt qua được tấn thảm kịch đó. Đến giữa tháng 11, tôi nhận được một bức thư của Lou Kasischke, trong đó anh viết:

Phải mất vài tháng tôi mới tìm lại được cái nhìn tích cực hơn. Nhưng rồi thì tôi cũng đã có. Everest chính là kỷ niệm tồi tệ nhất trong cuộc đời của tôi. Nhưng đó là chuyện quá khứ. Bây giờ là bây giờ. Tôi tập trung vào mặt tích cực. Tôi đã học được những điều quan trọng về cuộc sống, về chính bản thân mình và nhiều điều khác. Tôi cảm thấy rằng bây giờ tôi đã có một định hướng rõ ràng hơn cho cuộc đời. Giờ đây tôi nhìn mọi việc bằng một ánh mắt khác trước kia.

Lou vừa đến thăm Beck Weathers tại Dallas trong một tuần. Sau khi được di tản bằng trực thăng từ Thung lũng Tây, Beck trải qua phẫu thuật cắt bỏ phân nửa cánh tay phải và năm ngón tay của bàn tay trái. Mũi của anh cũng bị cắt bỏ và chỉnh hình thẩm mỹ bằng các mô ở tai và trán. Lou trầm ngâm khi kể lại rằng chuyến viếng thăm Beck

vừa buồn vừa thắng lợi. Thật đau lòng khi thấy Beck như vậy: mũi phải phẫu thuật chỉnh hình lại, sẹo đầy trên mặt, anh phải chịu tàn phế cả đời. Beck tự hỏi không biết anh có thể quay lại làm bác sĩ hay những nghề tương tự như thế được không. Nhưng cũng thật tuyệt vời khi xem một người có thể chấp nhận tất cả những điều này và sẵn sàng tiếp tục sống như thế nào. Beck đang chinh phục sự khó khăn này. Và anh sẽ chiến thắng.

Beck luôn dành những điều tốt đẹp khi nói về mọi người. Anh không đổ lỗi cho ai cả. Có thể bạn không cùng quan điểm chính trị với Beck, nhưng bạn sẽ cảm thấy tự hào như tôi khi thấy Beck đã đối mặt vói chuyện này như thế nào. Một ngày nào đó, như thế nào đó, cuộc đời sẽ tươi sáng hơn cho Beck.

Tôi vui mừng khi Beck, Lou và những người khác dường như có thể nhìn được vào mặt tươi sáng của những trải nghiệm đã qua – và tôi cảm thấy ghen tị với họ. Có lẽ sau một thời gian nữa tôi cũng sẽ nhận ra những điều tốt hơn từ quá nhiều cay đắng đó, nhưng hiện tại thì tôi vẫn chưa thể.

Khi tôi đang viết những dòng này, đã nửa năm trôi qua kể từ khi tôi từ Nepal trở về và không ngày nào trong sáu tháng vừa rồi mà Everest lại không chiếm trọn tâm trí tôi vài giờ, ngay cả trong giấc ngủ: hình ảnh về cuộc leo núi và kết cục của nó len lỏi cả vào trong những giấc mơ của tôi.

Sau khi bài viết của tôi về chuyến leo núi được đăng trên số tháng 9 của tờ Outside, tạp chí nhận được một lượng lớn đột biến thư từ gửi về liên quan đến bài viết. Hầu hết bày tỏ sự chia sẻ và ủng hộ với những người quay về, nhưng cũng có nhiều thư chỉ trích chúng tôi một cách gay gắt. Chẳng hạn, một luật sư ở Florida đã phát biểu:

Tất cả những gì tôi có thể nói là tôi đồng ý với ông Krakauer khi ông ta viết, “Hành động của tôi – hay việc tôi không hành động gì cả – đóng vai trò trực tiếp trong cái chết của Andy Harris”. Tôi cũng đồng ý khi ông ta nói rằng, ‘[ông ta] chỉ cách đó 320 mét, nằm trong lều, và chẳng làm gì cả…’. Tôi không thể hiểu nổi một con người như ông ta lại có thể chấp nhận được mình như vậy.

Một trong những bức thư bày tỏ sự tức giận nhất – và cũng không dễ chịu khi đọc – đến từ những người thân của người quá cố. Chị gái của Scott Fischer, Lisa Fischer-Luckenbach, đã viết:

Dựa trên những gì ông viết, ÔNG có vẻ chắc chắn có được cái khả năng phi thường là biết được chính xác những gì đã diễn ra trong tâm trí và trái tim của mọi người trong đoàn leo núi. Giờ đây, về nhà an toàn và mạnh khỏe, ÔNG đi phán xét ý kiến của người khác, phân tích ý định, cách cư xử, tính tình và động cơ của họ. Ông nhận xét về những gì LẼ RA phải được các trưởng đoàn, ngưòi Sherpa và khách hàng thực hiện, rồi lại đưa ra những lời kết tội ngạo mạn cho những sai sót của họ. Tất cả đều là ý kiến của Jon Krakauer, người đã trườn về lều của mình vì sự an toàn và sống sót của bản thân sau khi nhận thấy những dấu hiệu của một bất trắc sắp xảy ra…

Nhìn thử qua những gì ông đang làm, tôi có cảm giác là ông tỏ ra BIẾT TUỐT. Thật ra SUY ĐOÁN của ông về điều xảv ra với Andy Harris đã sai, gây ra nhiều đau đớn và tủi khổ cho gia đình và bạn bè của anh ấy. Và bây giờ ông lại phủ nhận nhân cách của Lopsang bằng những miêu tả bá láp của mình về anh ấy.

Những gì tôi đang đọc cho thấy cái tôi CỦA CHÍNH ÔNG đang điên cuồng cố gắng giải thích chu vện gì đã xảy ra. Sự phân tích, chí trích, đánh giá hay giả định đều sẽ chẳng giúp mang lại sự bình an cho ông đâu. Sẽ không có câu trả lời nào cả. Và đó cũng không phải là lỗi của một ai. Không ai có thể bị đổ lỗi cả. Mỗi ngưòi nơi đó đều đã cố gắng hết sức mình trong điều kiện và hoàn cảnh đó. Không ai muốn làm tổn thương người khác cả. Và cũng không ai muốn chết.

Bức thư này đặc biệt làm tôi đau lòng vì khi ấy tôi vừa mới nhận được tin báo là danh sách người chết vừa có thêm cái tên Lopsang Jangbu. Vào tháng 8, sau khi đã qua đợt gió mùa trên dãy Himalaya, Lopsang quay lại Everest để hướng dẫn một khách hàng người Nhật leo theo con đường Đèo Nam và Triền Đông Nam. Đến ngày 25 tháng 9, khi họ đang leo từ Trại Ba lên Trại Bốn để chuẩn bị tiến lên đỉnh, một trận tuyết lở đã nuốt chửng Lopsang, một người Sherpa khác, và một nhà leo núi người Pháp ngay dưới Mũi Geneva, sau đó cuốn họ xuống Mặt Lhotse. Lopsang ra đi, để lại một người vợ trẻ và đứa con mới hai tháng tuổi ở Kathmandu.

Ngoài ra còn có thêm một tin xấu khác. Ngày 17 tháng 5, sau khi nghỉ hai ngàv tại Trạm Căn cứ khi vừa xuống từ đỉnh Everest, Anatoli Boukreev leo một mình lên đỉnh Lhotse. Anh ấy nói với tôi: “Tôi mệt lắm, nhưng tôi đi vì Scott”. Tiếp tục cuộc chinh phục cả thảy 14 đỉnh núi cao trên 8.000m của thế giới, tháng 9 năm đó, Boukreev đến Tây Tạng và leo lên cả hai đỉnh Cho Oyu và đỉnh Shisha Pangma cao 8.014m. Nhưng đến giữa tháng 11, trong một lần về thăm nhà ở Kazakhstan, chiếc xe buýt mà Boukreev đang đi gặp tai nạn giao thông. Người tài xế bị chết còn anh bị thương nặng ở đầu, trong đó một mắt của anh bị hỏng nặng và có thể bị hư vĩnh viền.

Ngàv 14 tháng 10, năm 1996, trên diễn đàn của Nam Phi về Everest, người ta thấy có đăng một đoạn văn sau:

Tôi là một đứa trẻ Sherpa mồ côi. Cha tôi bị chết ở Thác băng Khumbu vào cuối thập niên 1960 khi đang cõng hàng cho một đoàn leo núi. Mẹ tôi cũng qua đời năm 1970 ngay dưới Pheriche khi trái tim của bà không chịu nổi kiện hàng bà đang gùi cho một đoàn thám hiểm. Ba anh chị em của tôi chết vì những nguyên nhân khác nhau, còn tôi và một người chị thì được hai gia đình ở châu Âu và Hoa Kỳ nhận làm con nuôi.

Tôi chưa từng quay lại quê hương của mình vì tôi có cảm giác rằng nó đã bị nguyền rủa. Tổ tiên tôi đến vùng Solo-Khumbu để tránh sự ngược đãi ở vùng đồng bằng. Và tại nơi đó, họ đã tìm ra vùng đất thiêng liêng được Thánh mẫu của thế giới – Sagarmathaji bảo hộ. Ngược lại, họ phải bảo vệ vùng đất thiêng này khỏi sự xâm nhập của những kẻ ngoại lai.

Thế nhưng dân tộc tôi đã không làm như vậy. Họ giúp đỡ người bên ngoài tìm đường vào vùng đất thiêng và đã xúc phạm cơ thể thiêng liêng của nữ thần khi đứng trên đầu của Người, tụ tập trong chiến thắng và làm ô uế bầu ngực của Người. Một vài người trong bọn họ đã phải trả giá bằng sự hiến tế chính sinh mạng của mình, một số khác thoát chết trong gang tấc hoặc phải đánh đổi bằng cuộc sống của những người khác…

Vì vậy tôi tin rằng ngay cả người Sherpa cũng phải chịu trách nhiệm trong tấn thảm kịch năm 1996 trên “Sagarmatha”. Tôi không hối tiếc vì đã không quay về quê hương vì tôi biết rằng những người dân sống nơi đó đã bị nguyền rủa, và cả những tên giàu có, ngạo mạn từ bên ngoài vào, những người cho rằng họ có thể chinh phục được cả thế giới. Hãy nhớ đến bi kịch Titanic. Ngay cả chiếc tàu được cho là không thể chìm cũng bị chìm, vậy thì những tên ngốc trần tục như Weathers, Pittman, Pischer, Lopsang, Tenzing, Messner, Bonington có là gì khi đứng trên mặt của “Thánh mẫu của thế giới”. Vì việc đó mà tôi đã thề sẽ không bao giờ quay lại quê hương của mình và tham gia vào việc xúc phạm thần thánh đó.

* * *

Dường như Everest đã làm tan nát cuộc sống của nhiều người. Nhiều mối quan hệ đã bị đổ vỡ. Ngưòi vợ của một trong những nạn nhân đã phải nhập viện vì bị trầm uất. Lần cuối tôi nói chuyện với một bạn đồng hành, cuộc sống của anh này đã bị xáo trộn hoàn toàn. Anh nói rằng sự căng thẳng khi phải đối mặt với những dư chấn từ chuyến leo núi có nguy cơ đe dọa cuộc sống hôn nhân của anh. Anh không thể tập trung làm việc được và bị những người lạ mặt sỉ vả và lăng mạ.

Khi quay về Manhattan, Sandy Pittman nhận ra rằng cô đã trờ thành tâm điếm cho sự tức giận của công chúng về những gì xảv ra trên đỉnh Everest. Tạp chí Vanity Fair đăng một bài báo giễu cợt Pittman trong số tháng 8 năm 1996. Một đoàn quay phim của chương trình truyền hình lá cải Hard Copy đã đợi sẵn Pittman ngay trước cửa nhà của cô. Nhà văn Christopher Buckley dùng chuvến đi của Pittman làm điểm nhấn cho mục hài hước trên trang cuối của tờ The New Yorker. Đến mùa thu thì tình hình tồi tệ đến mức Pittman đã thổ lộ trong nước mắt với bạn mình là con trai của cô bị trêu chọc và tẩy chay ở ngôi trường tư mà cậu đang theo học. Pittman hoàn toàn ngạc nhiên và cảm thấy choáng váng trước mức độ tức giận mà công chúng trút lên Everest – và việc hầu hết sự tức giận ấy đều nhắm vào cô.

Còn đối với Neal Beidleman, anh đã cứu sống được năm khách hàng bằng cách hướng dẫn họ xuống núi, nhưng anh luôn cảm thấy ám ảnh bởi cái chết của một khách hàng mà anh bất lực, không làm gì được dù vị khách này không thuộc đội của anh và vì thế anh cũng không có trách nhiệm trực tiếp.

Tôi trò chuyện vói Beidleman sau khi chúng tôi đã yên ốn quay về nhà. Beidleman nhớ lại những gì mà anh cảm thấy khi ở ngoài trời trên Đèo Nam, co ro cùng nhóm của mình trong cơn gió khủng khiếp, cố gắng giành giật lấy sự sống cho mọi người trong cơn tuyệt vọng. Anh nhớ lại, “Ngay khi trời đủ sáng để chúng tôi xác định được vị trí của khu lều, tôi đã nói đại khái là, ‘Này, khoảng lặng của cơn bão này không kéo dài lâu đâu, chúng ta phải ĐI THÔI!’ Tôi phải la hét để mọi người tiếp tục di chuyển, nhưng rõ ràng là nhiều người không đủ sức để đi nữa, thậm chí là cả đứng lên”.

“Nhiều người khóc. Tôi nghe ai đó la lên, ‘Đừng để tôi chết ở đây!’ Rõ ràng là phải hành động ngay hoặc không còn cơ hội nào nữa. Tôi cố gắng kéo Yasuko đứng dậy. Cô ấy bám lấy tay tôi, nhưng yếu đến nỗi không thể đứng thẳng chân lên được. Tôi bắt đầu bước đi, kéo lê cô ấy được vài bước thì tay cô ấy buông dần rồi tụt ra. Tôi phải tiếp tục đi. Phải có ai đó về được đến lều để gọi giúp đỡ, nếu không mọi người sẽ chết hết”.

Beidleman dừng lại. “Nhưng tôi không thể không nghĩ về Yasuko”, anh nói tiếp, giọng nhỏ dần. “Cô ấy thật bé nhỏ. Tôi vẫn còn cảm thấy những ngón tay của cô ấv bám lấy cánh tay tôi và rồi buông ra. Tôi thậm chí đã không quay lại nhìn nữa”.