Tây du @ ký - Phần 22 chương 1

Phần 22

Diệt bọn trộm trong núi thì dễ, diệt bọn trộm trong tâm mới khó

Trong danh mục các giống khỉ thuộc loài linh trưởng hoàn toàn không có loài khỉ sáu tai này. Nó chẳng qua là những vọng tưởng được giấu kín ở sâu thẳm trong nội tâm của Ngộ Không. Nó là một hình thái khác của cái tâm trong con người Tôn Ngộ Không. Vì thế nó có hình dạng giống hệt Tôn Ngộ Không thật. Cuộc chiến bất phân thắng bại giữa hai Ngộ Không đã phản ánh sinh động mâu thuẫn và sự đau khổ ở nơi sâu thẳm trong nội tâm của Ngộ Không.

Trên đường gặp cường tặc

Có thể thấy rằng trên con đường đến Tây Thiên thỉnh Kinh, sau khi trải qua nhiều khó khăn, bốn thầy trò đã có được những bài học rất bổ ích. Trong mắt họ lúc này, không có con sông nào không thể qua, không có Hỏa Diệm Sơn nào không thể vượt. Khi bốn thầy trò đã đồng tâm hiệp lực thì mọi con đường đều có thể được mở ra.

Đường Tăng cao hứng thúc ngựa, phi nhanh như tên, bỏ xa ba đồ đệ mãi phía sau. Bỗng nghe thấy một tiếng thanh la, hai bên đường xuất hiện 30 tên cường tặc mang đầy đao kiếm, gậy gộc. Đường Tăng sợ đến ngồi không vững, ngã từ trên lưng ngựa xuống đất.

Biến cố đến quá đột ngột, Đường Tăng không biết phải làm thế nào, thụp xuống vệ cỏ nói:

- Đại Vương tha mạng. Đại vương tha mạng!

Hai tên cường tặc đứng đầu cười nói:

- Cái ta cần không phải là mạng của ngươi, mà là tiền bạc của người, nhanh để tiền bạc và ngựa ở lại thì chúng ta sẽ thả người đi.

Đường Tăng vội trả lời:

- Hành lý của tôi đều đang ở chỗ đồ đệ tôi, đợi họ tới tôi sẽ đem toàn bộ tiền bạc cho các ngài.

Sau một hồi suy nghĩ, tên cầm đầu cho quân lính dùng dây trói Đường Tăng lại, treo lên trên cây cao.

Trư Bát Giới đi từ xa nhìn thấy, lấy làm lạ mà nói rằng:

- Sư phụ của chúng ta sao còn trẻ con thế nhỉ, còn leo lên cây chơi xích đu sao?

Tôn Ngộ Không vừa nhìn thấy, liền nói:

- Đồ ngốc, sư phụ chúng ta làm sao có thể đi chơi xích đu hả? Chắc là sư phụ bị người ta trói lên đó. Các ngươi ngồi đây chờ một lát, ta đi xem tình hình thế nào.

Ngộ Không biến mình thành một chú tiểu, tầm 15, 16 tuổi, cõng trên vai một tay nải bằng vải lam, hối hả chạy lại hỏi:

- Sư phụ à! Người làm sao vậy?

Đường Tăng nói:

- Ta gặp phải bọn thảo khấu[20], chúng trói ta ở đây, đợi các con đến để cướp tiền.

Tôn Ngộ Không nói:

- Chúng ta đã phải trải qua biết bao vất vả, cơm còn không có mà ăn lấy đâu ra tiền cho chúng.

Đường Tăng lại nói:

- Nếu không hãy đưa con Bạch Mã của ta cho chúng vậy.

Tôn Ngộ Không trả lời:

- Bạch Mã là đôi chân của sự phụ, đưa cho chúng thì làm sao sư phụ có thể đến Tây Thiên lấy Kinh đây?

Đường Tăng lại nói:

- Chỉ cần giữ được mạng sống rồi dựa vào đôi chân mình sớm muộn gì chả tới được Tây Thiên

[20] Thảo khấu: kẻ cướp ở nơi núi rừng hẻo lánh..

Tôn Ngộ Không hạ thủ vô tình

Hai thầy trò Ngộ Không đang nói chuyện với nhau thì bọn cướp đã nhanh chóng đứng vây quanh bốn phía. Một tên lên tiếng:

- Tên tiểu hòa thượng kia, sư phụ của ngươi nói là trong túi xách của người có tiền, ngươi hãy nhanh đem tiền ra đây thì bọn ta sẽ thả các người. Nếu như không nghe lời thì chúng ta sẽ cắt đứt con đường sống của các ngươi!

Tiểu hòa thượng cười nói:

- Trong túi ta có tới hơn 20 lượng vàng và một ít bạc vụn. Thế nhưng các ngươi phải thả sư phụ của ta ra trước đi.

Bọn trộm nghe thấy thế liền cười nói:

- Tên tiểu hòa thượng này có vẻ cũng khẳng khái đấy!

Chúng liền thả Đường Tăng. Đường Tăng được thả, liền leo lên Bạch Mã.

Trư Bát Giới và Sa Tăng nhìn thấy liền chặn lại hỏi:

- Sư phụ, sao người vội vàng vậy?

Đường Tăng dừng ngựa lại, hốt hoảng nói:

- Bát Giới, con hãy nhanh chạy lại nói với sư huynh con là chỉ cần đánh họ mấy gậy chứ đừng giết chết những tên cướp đó.

Bát Giới vội vàng chạy đi, trong bụng nghĩ “ở đâu có cướp đường nhỉ”, gặp Tôn Ngộ Không, Trư liền hỏi:

- Huynh à! Bọn cướp chạy đâu hết rồi?

Tôn Ngộ Không trả lời:

- Bọn họ chạy hết rồi chỉ còn có hai tên đang ngủ say.

Trư Bát Giới nhìn hai tên trộm mới biết chúng đã có một giấc ngủ không bao giờ tỉnh lại nữa.

Đường Tăng nghe nói thế thì rất tức giận liền quay đầu lại quát Tôn Ngộ Không:

- Con khỉ kia, ngươi đã sống cùng ta bao nhiêu năm rồi sao lại còn có thể giết người tàn nhẫn thế hả?

Tôn Ngộ Không nói:

- Đệ tử đã bảo sư phụ đi trước, ai ngờ rằng sư phụ lại đi sai đường. Nếu như hôm nay không giết sạch bọn chúng thì còn để lại hậu họa về sau.

Đường Tăng đáp trả:

- Ngươi đúng là ngụy biện. Tuy ta gan nhỏ nhưng nếu thấy bọn chúng tìm ta lần nữa, ta chỉ cần lên ngựa bỏ chạy là được, bọn chúng cũng sẽ không lòng nào nỡ giết ta nữa đâu.

Đường Tăng liền nhắm mắt lại và suy nghĩ một hồi lâu, rồi bảo với Trư Bát Giới dùng đinh ba đào hai cái huyệt tử tế để chôn cất hai tên cướp.

Lời “Khẩn cô chú” của Đường Tăng

Đêm đó, bốn thấy trò Đường Tăng trọ lại ở một gia đình người Hán họ Dương. Lúc nửa đêm, con trai người họ Dương là Dương Hổ về nhà có mang theo một lũ đồng đảng làm trộm cướp. Vợ của Dương Hổ đành phải thức dậy làm cơm cho bọn chúng. Một lát sau, Dương Hổ chạy vào nhà bếp hỏi vợ:

- Bà à, sau sân nhà mình có con ngựa trắng ở đâu đến đó?

Người vợ nói:

- Của bốn thầy trò đến từ phía Đông.

Dương Hổ nghe thấy thế liền vội vàng chạy vào báo tin cho bọn đồng đảng:

- Các anh em, thật là trùng hợp, tên hòa thượng lúc chiều đánh chết hai đồng bọn của chúng ta lại đang ở đây. Bọn chúng đang ngủ say ở phía sau nhà.

Tên tướng cướp nói:

- Hãy nhanh mài dao, đợi chúng ta ăn no thì chúng ta sẽ giết hết bọn chúng để báo thù cho hai anh em đã chết. Chúng ta sẽ cướp lấy hành lý và ngựa của chúng.

Ông chủ quán họ Dương ngủ ở trên giường nghe thấy thế liền nhẹ nhàng đi vòng ra nhà sau, gọi thầy trò Đường Tăng tỉnh dậy. Bọn cướp lúc này đang ngồi trước cửa nhà mài dao nên ông Dương đành mở cửa sau cho mấy thầy trò trên đi. Khi bọn cướp xông vào thì bốn thầy trò cũng vừa đi. Dương Hổ liền nói:

- Mấy tên hòa thượng đó chưa thể chạy xa được, chúng ta vẫn còn có thể đuổi kịp.

Nói xong chúng liền mở cửa sau đuổi theo thầy trò Đường Tăng.

Bốn thầy trò Đường Tăng vội vàng bỏ chạy, chạy được một lúc thì mặt trời mọc, bỗng nghe thấy phía sau lưng có tiếng kêu gào, thì ra là bọn cướp đang múa gươm đao, gậy gộc đuổi theo. Tôn Ngộ Không nói:

- Sư phụ đừng sợ, hãy để đồ đệ đối đầu với bọn chúng.

Đường Tăng chỉ kịp dặn với theo:

- Chỉ cần đuổi bọn chúng đi, đừng có giết người nữa đấy.

Tôn Ngộ Không cười nói:

- Sư phụ yên tâm, Ngộ Không rất hiểu đạo lý mà.

Tôn Ngộ Không quay đầu hỏi toán cướp:

- Trong các ngươi ai là con trai của ông Dương?

Bọn cướp hung hăng nói:

- Ngươi chết đến nơi rồi còn hỏi để làm gì?

Tôn Ngộ Không nói:

- Ta cần phải thay lão Dương dạy đạo lý cho đứa nghịch tử này.

Tôn Ngộ Không nhìn thấy lão Dương là người lương thiện nên muốn dạy bảo tới Dương Hổ, muốn dạy cho anh ta nhân nghĩa chứ không có ý giết hại anh ta. Thế nhưng, bọn cướp không hiểu được ý tốt của Ngộ Không. Tôn Ngộ Không nổi nóng dùng cây gậy Như Ý đánh cho chúng một trận thừa sống thiếu chết. Vì không trả lời câu hỏi của Tôn Ngộ Không nên Dương Hổ cũng phải chịu trận như đồng bọn. Kết quả là cả bọn đều đi chầu Diêm Vương.

Đường Tăng lại một phen tức giận, không nói một lời, ngồi xếp bằng bên vệ đường rồi niệm “Khẩn cô chú”. Tôn Ngộ Không đau đớn, quằn quại dưới đất. Đường Tăng vẫn chưa hết tức giận, miệng không ngừng niệm thần chú. Tôn Ngộ Không chỉ còn cách lăn lộn dưới đất, không ngừng kêu van.

Đường Tăng than thở nói:

- Con khỉ kia, ngươi đã biến thành tự tung tự tác như vậy, giữ ngươi lại còn có tác dụng gì? Ngươi hãy đi đi!

Tôn Ngộ Không hỏi:

- Người vì sao phải đuổi con đi?

Đường Tăng tức giận nói:

- Nếu ngươi không đi, ta sẽ niệm thần chú 100 lần!

Tôn Ngộ Không vội vàng kêu lên:

- Đừng niệm, đừng niệm, con đi là được chứ gì!

Nói rồi nhảy lên cân đẩu vân biến mất.

Hai Tôn Ngộ Không

Chúng ta đã biết, do sự khác biệt về tính cách nên sự bất hòa giữa Đường Tăng và Tôn Ngộ Không dường như xuyên suốt trong Tây du ký. Ở đây, tác giả dành hẳn ra một hồi, mượn việc Ngộ Không giết Dương Hổ và đồng bọn để thể hiện việc Đường Tăng - một người có tính cầu toàn, tôn thờ những chuẩn mực đạo đức - đồng thời cũng thể hiện tính cách ngang tàng, phách lối của Ngộ Không - nhân vật có tính cách mạnh mẽ. Cuối cùng, xung đột lại một lần nữa được đẩy lên đỉnh điểm. Thái độ của Đường Tăng đối với Ngộ Không cũng bất ngờ thay đổi, từ nhẫn nhịn chuyển sang độc đoán và không nhân nhượng.

Rất nhiều người cho rằng, nếu không có Tôn Ngộ Không diệt trừ yêu quái trên đường đi thì e rằng Đường Tăng khó đến được Tây Thiên. Rất có thể ở một ngọn núi nào đó, vị hòa thượng có tính cách cầu toàn này đã bị yêu quái ăn thịt. Còn đối với vấn đề có nên giết kẻ ác hay không, mỗi người lại có quan điểm chung riêng, nhưng tựu chung lại, số người ủng hộ Tôn Ngộ Không vẫn chiếm phần đông. Vì thế, luôn có người chê trách Đường Tăng không biết phải trái đúng sai, hơi một tý là niệm chú, hơi một tý là đuổi Ngộ Không đi. Có một quan điểm cho rằng: “Sang Tây Thiên thỉnh Kinh hoàn toàn là một việc làm đơn giản, hãy để Tôn Ngộ Không dùng cân đẩu vân bay lên núi Linh Sơn, rồi lại cưỡi cân đẩu vân mang Kinh Phật về Trường An. Tại sao cứ bắt Ngộ Không phải hộ tống một người trần mắt thịt như Đường Tăng?” Một quan điểm khác lại cho rằng: “Không ai có thể thay thế vai trò của Đường Tăng, vì hai nguyên nhân sau: một là, trong tay Đường Tăng có văn điệp thông quan; hai là, Phật Tổ Như Lai chỉ chấp nhận Đường Tăng là người có tư cách sang Tây Thiên thỉnh Kinh”.

Hai quan điểm này dường như rất có tính đại diện. Thậm chí, ngay cả Tôn Ngộ Không cùng từng suy nghĩ: Chẳng phải trong tay Đường Tăng có văn điệp thông quan sao? Chẳng phải Phật Tổ Như Lai chỉ chấp nhận Đường Tăng là người có tư cách sang Tây Thiên thỉnh Kinh sao Vậy ta sẽ cướp văn điệp của Đường Tăng, sau đó tạo ra một Đường Tăng giả làm bù nhìn. Như thế Tôn Ngộ Không ta chẳng phải có thể sang Tây Thiên thỉnh Kinh sao?

Ngộ Không ngồi trên đỉnh núi suy ngẫm rất lâu, thế rồi ý nghĩ sai quấy trên bỗng xuất hiện trong đầu. Y dùng phép phân thân biến ra hai Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không số một bay đến Nam Hải kể khổ với Quan Thế Âm Bồ Tát còn Tôn Ngộ Không số hai từ trên mây bay xuống, cướp hành lý của Đường Tăng.

Tôn Ngộ Không số một

Trước tiên nói về Tôn Ngộ Không số một, y quay về vái lạy Quan Thế Âm Bồ Tát, không ngừng khóc lóc, nước mắt chảy như suối. Quan Thế Âm Bồ Tát thấy y khóc, liền vội vàng đỡ dậy nói:

- Vì sao ngươi đau buồn như vậy? Nói đi, ta sẽ trừ tai cứu khổ cho ngươi.

Tôn Ngộ Không quệt nước mắt, đem toàn bộ sự tình kể lại từ đầu. Y nói:

- Từ khi thoát khỏi thiên tai dưới núi Hành Sơn, ta vâng lời giáo hồi của Bồ Tát bảo vệ Đường Tăng đến Tây Thiên cầu Phật thỉnh Kinh. Trên đường đi, dù phải trải qua bao nhiêu núi đao biển lửa, ta không tiếc thân mệnh, vì Đường Tăng ta hóa trai[21] thủ thủy, ta dò núi tìm đường, ta quét sạch ma chướng. Đến chuyện Dương Hổ, Đường Tăng bảo ta không được trừ ác, lẽ nào trừ ác không phải vì lương thiện? Ông ta không biết phân biệt đúng sai, vong ân bội nghĩa, đã niệm “khẩn cô chú” thì chớ, lại còn quay mặt vô tình, đuổi cổ ta đi. Nhớ lại năm đó ta ở Hoa Quả Sơn oai phong như thế nào, nay chạy theo một hòa thượng làm đồ đệ, còn bị xua đuổi không biết bao nhiêu lần, ta còn mặt mũi nào sống trên đời này nữa?

Bồ Tát trầm ngâm nói:

- Trừ ác lương thiện cố nhiên là không sai, nhưng ngươi coi thường nhân mạng như vậy cũng là một loại tàn nhẫn. Cho nên, ngươi có hàng yêu diệt quỷ, công trạng lẫy lừng, nhưng cách xử sự của ngươi với Dương Hổ hoàn toàn sai lầm. Vì sao vậy? Thảo khấu tuy rất hung ác, nhưng không thể xem họ là yêu ma được. Yêu ma từ tâm mà sinh ra, còn thảo khấu, cuối cùng vẫn là con người!

Tôn Ngộ Không nghe Bồ Tát khuyên giải một hồi, trong lòng đã thấy hối hận, nhưng trên miệng vẫn chưa phục:

- Cho dù là mắc chút sai lầm nhưng ông ta cũng không thể năm lần bảy lượt đuổi ta đi được! Lão hòa thượng đó không nghĩ thử xem, nếu không có ta theo bảo vệ ông ta thì làm sao ông ta có thể an nhàn đi thỉnh Kinh?

Bồ Tát cảm thán nói:

- A Di Đà Phật, đó là chỗ đáng kính của Đường Tăng. Ngươi hãy nghĩ xem, ông ấy trói gà không chặt nhưng lại có dũng khí khoan thứ cho những kẻ gian ác; ngươi thân mang tuyệt kỹ, võ nghệ cao cường, vì sao lại không thể làm được điều đó?

Tôn Ngộ Không lúc này mới cúi đầu nói:

- Đệ tử biết mình sai rồi. Nhưng chuyện đã đến nước này, dù con có trở lại đường lấy Kinh, thì sư phụ chắc gì đã đồng ý.

Quan Thế Âm Bồ Tát tọa trên đài sen, vận tâm tam thế, dùng con mắt từ bi quan sát vũ trụ, nói với Tôn Ngộ Không:

- Ngộ Không, sắp tới sư phụ người trong khoảnh khắc sẽ có nạn thương thân, không lâu nữa ông ta sẽ lại tìm ngươi. Cho đến khi nào ngươi còn đi theo Đường Tăng, cùng đi Tây Thiên thỉnh Kinh thì sẽ đắc thành chính quả.

[21] Hóa trai: hoạt động đi khất thực của các vị hòa thượng.