Tây du @ ký - Phần 23

Tôn Ngộ Không số hai

Lại nói về Đường Tăng, sau khi đuổi Tôn Ngộ Không đi, ba thầy trở lại tiếp tục lên đường. Đi được độ 50 dặm, thầy trò vừa đói vừa khát.

Trư Bát Giới nói:

- Sư phụ hãy xuống ngựa nghỉ ngơi, con đi xem gần đây có nhà dân không, đến hóa một chút cơm chay cho người.

Nói rồi y bưng bát đi về hướng Nam. Đợi khá lâu không thấy Bát Giới trở về, Sa Tăng nói:

- Sư phụ, để con đi tìm nhị sư huynh, xin người đừng sốt ruột.

Rồi Sa Tăng cũng men theo con đường nhỏ đi tìm Bát Giới.

Đường Tăng ngồi một mình ở đó, đói khát đến hoa mắt. Đang định nhắm mắt dưỡng thần bỗng nghe thấy một âm thanh rất lớn, mở mắt ra nhìn, nguyên là Tôn Ngộ Không đứng quỳ bên đường, hai tay bưng một bát nước, nói:

- Sư phụ, không có Lão Tôn ngay đến nước Người cũng không có mà uống. Bát nước sạch này là để Người giải khát!

Đường Tăng vẫn cố chấp nói:

- Dù ta có khát chết cũng không uống nước của ngươi! Ngươi đi đi!

Tôn Ngộ Không nói:

- Vì sao Người nhất định phải đuổi con đi? Không có con, Người làm sao có thể đến Tây Thiên được?

Đường Tăng bất chợt bị chọc giận, mắng:

- Nói vậy hôm nay chúng ta đến được nơi đây hoàn toàn dựa vào công lao của ngươi sao? Ngươi không đi đi còn quay về đây làm gì?

Tôn Ngộ Không cũng không nhịn được nữa, trở mặt trách:

- Đường Tăng ơi Đường Tăng, ta theo ông trải qua muôn vàn gian khổ, nay ông nhẫn tâm hắt hủi ta!

Nói rồi, y hung hăng ném bắt nước, đánh một quyền vào ngực Đường Tăng khiến ông ngã lăn ra đất, lại lục lọi hành lý lấy đi hai tay nải, sau đó nhảy lên cân đẩu vân biến mất tích.

Giả danh đi lấy Kinh

Trư Bát Giới và Sa Tăng hóa được cơm chay trở về, thấy sư phụ ngã lăn bên đường, hành lý bị lục lọi tứ tung, cho rằng là dư đảng của bọn thảo khấu tìm đến báo thù. Đến lúc cứu được sư phụ tỉnh dậy mới biết là do Tôn Ngộ Không gây ra.

Trư Bát Giới tức giận đến dựng cả hai tai, mắng:

- Con khỉ khốn kiếp, không ngờ ngươi lại trở mặt vô tình như vậy!

Đường Tăng thở không ra hơi nói:

- Nhớ lại khi ta đuổi nó đi, lời nói đúng là có hơi gay gắt một chút, lẽ nào đã làm cho nó đau lòng.

Rồi lại phải Sa Tăng đến Hoa Quả Sơn, dặn Sa Tăng chỉ cần lấy tại tay nải, không được tranh cãi.

Sa Tăng bay trên không trung ba ngày ba đêm, cuối cùng đến được Hoa Quả Sơn. Chỉ thấy khắp núi đều là khỉ, khắp nơi đều huyên náo. Đến gần nhìn kỹ thì thấy Tôn Ngộ Không đang ngồi trên một mỏm đá cao, hai tay cầm hai tờ giấy, miệng lầm nhầm đọc. Sa Tăng nghiêng tai lắng nghe, nguyên y đang đọc thẻ thông quan của sự phụ, thẻ bài viết: “... Pháp sư Huyền Trang, vượt trăm sông ngàn núi, thỉnh cầu kinh kệ, các nước Tây bang, không diệt thiện duyên, chiếu thẻ thi hành...”

Sa Tăng nhịn không được lớn tiếng gọi:

- Đại sư huynh, sư phụ chấp pháp có chút sai sót với huynh. Đại sư huynh trong lúc nóng giận đánh ngã sư phụ cũng có thể lý giải được. Mong đại sư huynh nhớ ơn sư phụ giải thoát cho huynh tại Ngũ Hành Sơn, theo tiểu đệ quay về, cùng sư phụ đến Tây Thiên. Còn nếu sư huynh ôm oán hận trong lòng, không chịu cùng đi thì vạn lần xin sư huynh trả lại tay nải cho tiểu đệ, lẽ nào để sư phụ lâm nạn?

Tôn Ngộ Không cười nhạt nói:

- Hiền đệ, ta lấy hành lý của Đường Tăng là có dụng ý. Ta đã thuộc thẻ thông quan rồi, không cần đến Đường Tăng kia nữa, ta tự mình đến Tây Thiên bái Phật cầu kinh, một mình hưởng chính quả, chẳng phải rất tuyệt hay sao?

Sa Tăng cười nói:

- Trên thẻ thông quan đó viết tên của sự phụ, lẽ nào Phật Tổ chịu truyền kinh cho huynh?

Tôn Ngộ Không cười nói:

- Hiền đệ, lẽ nào dưới gầm trời này lại không có Đường Tăng thứ hai sao?

Nói rồi gật đầu gọi:

- Các con, mau mời sư phụ đến.

Một lát sau. quả nhiên xuất hiện một Đường Tăng, phía sau là Trư Bát Giới, dắt một con Bạch Mã và một Sa Tăng đang cõng hành lý.

Đoàn lấy Kinh giả mạo thẻ bài này cuối cùng đã khiến Sa Tăng phải nổi giận, trong Tây du ký đây là hiện tượng có một không hai. Tục ngữ có câu, thỏ lúc bức bách cũng biết cắn người. Tình huống nổi giận của Sa Tăng cũng giống như con thỏ phải cắn người vậy. Sa Tăng nói:

- Yêu quái từ đâu đến? Dám biến thành tướng mạo của lão Sa ta, lại còn định giả mạo thẻ bài để đến Tây Thiên! Hãy nhận một trượng của ta!

Nói rồi hai tay vung bảo trượng, một trượng đánh chết Sa Tăng giả, vốn là một con khỉ thành tinh.

Không đợi hầu vương ra lệnh, bầy khỉ lập tức vây chặt lấy Sa Tăng. Sa Tăng xung đông kích tây, chớp cơ hội tung thân nhảy lên không trung biến mất như một trận gió.

Hai Tôn Ngộ Không đánh nhau

Sa Tăng rời khỏi Hoa Quả Sơn, cưỡi mây bay thẳng tới Nam Hải cầu cứu.

Quan Thế Âm Bồ Tát đang thuyết pháp cho Tôn Ngộ Không, nghe nói có Sa tăng cầu kiến liền mỉm cười, gọi Sa Hành Giả vào. Sa Tăng vái Bồ Tát ngẩng đầu lên định nói thì nhìn thấy Tôn Ngộ Không đang ngồi bên cạnh, tức thời lửa giận xung lên, giơ thiền trượng Bảo Nguyệt đánh tới. Bạn xem tuýp người điềm đạm không dễ nổi nóng, nhưng một khi đã nổi nóng thì khó mà dập tắt được.

Tôn Ngộ Không thấy tình thế nguy cấp, lập tức nghiêng mình né trốn vào trong ánh hào quang của Bồ Tát. Sa Tăng đành phải dừng tay, miệng vẫn còn mắng:

- Con khỉ khốn kiếp kia! Ngươi đánh ngã sư phụ, cướp lấy thẻ thông quan, làm một đoàn lấy Kinh giả mạo thẻ bài, tội ác tày trời, nay người lại đến đây để lừa dối Bồ Tát phải không?

Quan Thế Âm Bồ Tát nói:

- Ngộ Tĩnh, không phải như lời người nói đâu. Đại sư huynh người ở chỗ ta đã bốn ngày rồi, ngày ngày nghe ta thuyết pháp, làm sao có thể phạm tội ác tày trời được? Ngươi phải nói cho rõ, không được đổ oan cho người tốt.

Sa Tăng bèn đem toàn bộ đầu đuôi câu chuyện thuật lại, nói xong còn nhìn Tôn Ngộ Không, lửa hận vẫn cháy bừng bừng.

Bồ Tát nói:

- Ra là vậy. Ta cho Tôn Ngộ Không đi cùng ngươi. Là thật hay giả, đến lúc đó tự nhiên sẽ rõ.

Tôn Ngộ Không nghe lời, cùng Sa Tăng bay về Hoa Quả Sơn. Tôn Ngộ Không cưỡi cân đẩu vân bay nhanh, Sa Tăng lại kéo chậm lại, sợ y đi trước một bước lại làm chuyện gì mờ ám.

Hai huynh đệ đến Hoa Quả Sơn, quả nhiên có một Tôn Ngộ Không giả, ngồi trên mỏm đá cao, cùng bầy khỉ uống rượu tác lạc. Tôn Ngộ Không nổi cơn thịnh nộ, vung tay thoát khỏi Sa Tăng, rút gậy Như Ý chỉ về phía con khỉ mắng:

- Ngươi là yêu quái phương nào? Dám biến thành tướng mạo của ta, chiếm động phủ của ta, trước mặt con cháu ta tác oai tác quái!

Tôn Ngộ Không giả kia cười nhạt, không thèm đáp lại, cũng rút ra một cây gậy Như Ý. Hai Tôn Ngộ Không xông vào ẩu đả, dung mạo giống nhau, thân thủ giống nhau, giọng nói tiếng hét cũng giống nhau, khiến người xem hoa mắt chóng mặt, khó có thể phân biệt thật giả.

Ai có thể phân biệt thật giả

Lại nói về hai Tôn Ngộ Không giống hệt nhau đánh nhau kịch liệt không phân thắng bại. Đánh đến Tận Nam Hải, hai Ngộ Không cùng kêu lên:

- Đi, ta và người cùng đến gặp Bồ Tát để phân biệt thật giả!

Bồ Tát cũng mất nữa ngày quan sát mà chưa phân đúng sai, đành phải gọi Mộc Xoa hành giả và Thiện Tài đồng tử đến, căn dặn:

- Các ngươi, mỗi người kéo một Tôn Ngộ Không, đợi ta niệm “Khẩn cô chú” người nào đau đầu là thật, người nào không đau là giả.

Bồ Tát thầm niệm chân ngôn, cả hai Tôn Ngộ Không đều nhất tề ôm đầu vật lộn, kêu lên:

- Đừng niệm, đừng niệm!

Bồ Tát thấy không khả thi, nói:

- Ngộ Không, người năm đó lên trời làm Tề Thiên Đại Thánh, những thiên binh, thiên tướng ở đó đều nhận ra ngươi, ngươi hãy tìm họ nhờ họ phân biệt!

Hai Tôn Ngộ Không lại kéo nhau lên thiên đình. Ai ngờ chúng thần đứng nhìn cả ngày cũng không thể phân biệt được. Ngọc Hoàng Đại Đế ra lệnh cho Thác Tháp Thiên Vương Lý Tĩnh lấy kính chiếu yêu, trong kính vẫn là hình ảnh của hai Tôn Ngộ Không, y phục và thân thể đều không hề khác biệt.

Vừa khéo Sa Tăng cũng đã trở về, liền thở dài nói:

- Hai vị hãy dừng tay, để sư phụ ta đến phân biệt thật giả cho hai người.

Bèn cùng với Trư Bát Giới mỗi người kéo một Tôn Ngộ Không, xin sư phụ niệm “Khẩn cô chú”. Hai Tôn Ngộ Không đều kêu la thảm thiết, quằn quại dưới đất. Đường Tăng đành phải dừng lại, vẫn không thể phân biệt được chân giả. Hai Tôn Ngộ Không lại quấn lấy nhau tiếp tục ẩu đả, thoắt cái đã không thấy tăm tích.

Đường Tăng quay đầu hỏi Sa Tăng, vì sao không lấy được tay nải về? Sa Tăng nói:

- Con quanh quẩn ở ngoài động Thủy Liêm nữa ngày mà không thể biết làm thế nào để vào động?

Trư Bát Giới nói:

- Năm xưa khi ta từng ở Hoa Quả Sơn nửa tháng nên biết ra vào như thế nào?

Chúng ta đều biết, động Thủy Liêm kỳ thực là chỉ thế giới nội tâm trong mỗi con người, cho nên lời đối thoại của hai huynh đệ cũng rất có ý nghĩa. Mẫu người hòa bình như Sa Tăng có thể dĩ hòa vi quý, rất đáng tín nhiệm, nhưng lại rất khó dốc hết chân tâm cho một người, cho nên sẽ không biết được giá trị của tâm linh và tình cảm. Mẫu hình hoạt bát như Trư Bát Giới lại hoàn toàn ngược lại, y thiên chân xán lạn, nhiệt tình có dư, khuyết điểm là tình cảm hóa, dễ quên trách nhiệm. Cho nên hai loại tính cách này, một loại là có thể dựa mà không đủ chân thành, một loại là đủ chân thành những không thể dựa được.

Đường Tăng liền nói:

- Bát Giới, con đã biết ra vào động Thủy Liêm như thế nào, vậy hãy nhân cơ hội hai Tôn Ngộ Không đang đánh nhau, nhanh đi lấy tay nải về.

Trư Bát Giới cười nói:

- Sư phụ hà tất phải vội? Chẳng bằng đợi cho hai Tôn Ngộ Không phân được thật giả, sẽ bảo y tự mình đi lấy có tốt hơn không.

Đường Tăng buồn rầu nói:

- Cho dù hai con khỉ kia có phân biệt được thật giả cũng không cần nó quay lại nữa.

Mẫu người cầu toàn chính là như vậy, đối đãi với người rất chân thành, nhưng cũng hận sâu thù dai.

Bộ mặt thật của Tôn Ngộ Không số hai

Hai Tôn Ngộ Không lại kéo nhau đến âm tào địa phủ. Địa Tạng Bồ Tát nói:

- Hai người dung mạo giống hệt nhau, thần thông như nhau. Cho dù ta có phân biệt được thật giả thì cũng sẽ đắc tội với một người. Bất luận ta đắc tội với ai thì e rằng đều bị đại náo âm tào địa phủ. Chẳng bằng, các ngươi hãy đến Linh Sơn tìm Phật Tổ Như Lai. Người thần thông quảng đại, nhất định có thể phân biệt được.

Hai Tôn Ngộ Không đều cho là phải, nhất tề cưỡi mây đạp gió tiến thẳng về hướng Tây.

Phật Tổ Như Lai đang thuyết pháp cho thánh chúng, bỗng nghe thấy có tiếng huyên náo từ xa đến gần. Nguyên là hai Tôn Ngộ Không đã đánh nhau đến tận Linh Sơn. Hộ Pháp Kim cương vội vàng nói:

- Để con đi khống chế hai con khỉ này, tránh chúng làm loạn pháp hội.

Như Lai cười nói:

- Thiên hạ vô sự không thể thuyết pháp. Hãy nghe xem họ nói như thế nào.

Hai Tôn Ngộ Không bèn bái trước tòa hoa sen của Phật Tổ, tranh nhau chỉ trích đối phương lấy giả loạn thật.

Vừa hay Quan Âm Bồ tát đến. Như Lai hỏi:

- Tôn giả Quan Thế Âm, con xem hai Ngộ Không này, ai thật ai giả?

Quan Âm Bồ Tát nói:

- Đệ tử đã nghĩ đủ phương pháp nhưng không thể phân biệt được thật giả. Nay xin Như Lai phân biệt cho họ.

Như Lai cười nói:

- Thế gian có một loại khỉ, gọi là khi sáu tai. Loại khỉ này rất giỏi nghe tâm sự của người khác, nên phàm người khởi tâm động niềm loài khỉ này đều có thể hiểu được. Loài cùng hình dạng, âm thanh với Tôn Ngộ Không thật chính là khỉ sáu tai.

Trong họ linh trưởng hoàn toàn không có loài khỉ sáu tai. Nó chỉ là một vọng niệm, khác tâm khác đức với đoàn lấy Kinh xuất phát từ nơi sâu thẳm trong nội tâm của Tôn Ngộ Không, là một biến dị trong lòng Tôn Ngộ Không, vì thế cũng giống như dung mạo của Tôn Ngộ Không, bản lĩnh cũng thật giống hệt nhau. Sự tranh đấu của hai Tôn Ngộ Không phản ánh một cách sinh động mâu thuẫn và nỗi thống khổ sâu thẳm trong nội tâm của Tôn Ngộ Không. Kính chiếu yêu, “khẩn cô chú” đều mất tác dụng chính là ẩn dụ cho sự u mê, không thể dựa vào phép thuật để phân biệt thật giả, duy chỉ có nhìn thẳng vào tâm mới có thể soi chiếu được sự biến đổi trong tâm. Nhà tâm lý học nổi tiếng Vương Dương Minh[22] từng nói: “Phá giặc trong núi dễ, phá giặc trong tâm mới khó.” Giặc trong tâm là chỉ khuyết thiếu về đạo đức. Theo cách nói của Mạnh Tử nếu phá trừ được nó thì sẽ có thể trở thành đại trượng. Từ đó có thể thấy, chiến thắng bản thân mình hoàn toàn không phải là chuyện dễ.

Con khỉ sáu tai kia liền hiện nguyên hình. Tôn Ngộ Không không kiềm chế bèn rút gậy Như Ý đánh chết. Cuối cùng Tôn Ngộ Không đã chiến thắng được bản thân mình, đã lấy lại được sự bình yên và điềm tĩnh trong tâm.

. [22] Vương Dương Minh (1472-1528): tên thật là Thú Nhân, tự Bá An, là nhà chính trị, nhà triết học, nhà tư tưởng xuất sắc thời nhà Minh – Trung Quốc. Ông đã từng sống ở hang Dương Minh nên được gọi là Dương Minh tiên sinh. Ông đã xây dựng Dương Minh phái, có ảnh hưởng sâu rộng ở Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam.

Tiếp tục hành trình đi lấy Kinh

Có người nói, nếu Tôn Ngộ Không số hai chiến thắng Tôn Ngộ Không số một thì đó không phải là vấn đề thật giả của Tôn Ngộ Không mà là vấn đề thật giả của đoàn lấy Kinh. Trong cuộc sống xã hội hiện thực, đoàn lấy Kinh giả mạo thẻ bài kia không nhiều? Lại có người nói, bất kể thẻ bài là giả hay là thật, chỉ cần lấy được chân Kinh thì chẳng phải đều thành công hay sao?

Câu trả lời là, dù cho đoàn lấy Kinh giả mạo thẻ bài có đi đến đâu nhưng khẳng định rằng, không thể nào lấy được chân Kinh. Cho dù họ có giỏi che giấu đến mức nào, cuối cùng họ cũng sẽ thất bại. Cho dù họ có được chân Kinh từ Phật Tổ Như Lai thì một hòa thượng gian tà liệu có thể tụng kinh đúng được hay không?

Tôn Ngộ Không anh hùng theo Quan Thế Âm Bồ Tát quay trở về đường Tây hành thỉnh Kinh. Bồ Tát bèn huấn giới:

- Nay ta đích thân đưa Tôn Ngộ Không đến, hy vọng ngài có thể đồng tâm hợp tác, cùng chung tiến thủ. Con đường này ma chướng chưa hết, không có sự bảo hộ của Ngộ Không, ngài làm sao có thể đến được Linh Sơn?

Bồ Tát cũng thừa hiểu bản tính của Đường Tăng đã đặc biệt căn dặn: “Hãy xá bỏ sân hận”, cũng không nên nhớ hận cũ. Đường Tăng vừa dập đầu vừa đáp:

- Con nhất định sẽ tuân theo ý chí của ngài.

Phần 23

Tôn Ngộ Không là nhà lãnh đạo tinh thần của tập thể

Ưu điểm lớn nhất của Tôn Ngộ Không là kiên cường, luôn bền bỉ kiên trì thực hiện được mục tiêu đề ra. Trong Tây du ký, chúng ta đã thấy, cho dù đi xin cơm chay, dò đường hay hàng phục yêu ma, Ngộ Không luôn dựa vào bản tính của mình hoặc tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu đổi là Trư Bát Giời hoặc Sa Ngộ Tỉnh thì kết quả công việc thường không được như ý muốn.

Ưu và khuyết điểm trong tính cách Tôn Ngộ Không

Đặc điểm lớn nhất trong tính cách của Tôn Ngộ Không là sự kiên cường, y không bao giờ nao núng hay chùn bước trước mọi khó khăn thử thách, y có thể đạt được hiệu quả công việc một cách xuất sắc khiến cho người khác phải trầm trồ khen ngợi. Khi Đường Tăng, Trư Bát Giới và cả Sa Tăng đều bị rơi vào ma chướng của yêu quái thì Tôn Ngộ Không là người tìm cách cứu thoát hóa giải nguy nan và cuối cùng càng chính y là người đã cứu mọi người thoải khỏi những kiếp nạn.

Mặc dù như vậy nhưng nhiều lần Tôn Ngộ Không lại bị Đường Tăng xua đuổi, quan hệ với Sa Tăng và Trư Bát Giới cũng có rất nhiều mâu thuẫn. Tại sao lại như vậy? Bởi vì thái độ của y thường thô bạo và cứng rắn, y thích nói ra điều mình nghĩ, coi thường người xung quanh, vậy cho nên y thường gặp phải sự bất mãn và ức chế của người khác. Đó đúng là nỗi buồn cho Tôn Ngộ Không, và có lẽ đó cũng là nỗi buồn cho những người thuộc kiểu tính cách mạnh mẽ.

Giống như Tôn Ngộ Không, những người có cá tính mạnh mẽ có nhiều ưu điểm tính cách đáng được ghi nhận. Thế nhưng, nếu vận dụng không thích đáng thì những ưu điểm đó sẽ biến thành những khuyết điểm khiến mọi người cảm thấy chán ghét. Ví dụ như:

1. Năng lực làm việc độc lập rất tốt, rất hiệu quả, nhưng nếu vận dụng không thích đáng thì sẽ trở thành khuyết điểm không biết hợp tác với mọi người.

2. Quá nhấn mạnh đến trách nhiệm và hiệu quả của công việc, điều đó sẽ khiến cho các đồng sự cảm thấy thiếu tình người.

3. Tính cách thẳng thắn cũng là một ưu điểm, nhưng nếu không quan tâm đến tình cảm của đối phương thì rất có khả năng đối phương sẽ cho họ là cứng rắn thô bạo.

4. Luôn tin vào câu: Một cánh chim vượt trăm cánh chim, khiến họ đặc biệt hay chú trọng đến thực tế, nhưng nếu vận dụng không thích đáng thì dễ mang cái nhìn nông cạn.

Cách sống hòa thuận với Đường Tăng

Không có ai là người vạn năng, thế nhưng, gây dựng được quan hệ hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quan hệ xã hội chỉ có thể thông qua sự giúp đỡ của người khác để bổ khuyết những khuyết điểm của chúng ta. Đối với tập thể, việc ứng xử tốt và hỗ trợ hợp tác với nhau giữa các đồng nghiệp là điều rất quan trọng. Được xem là mẫu mực của cá tính mạnh mẽ, thực ra Tôn Ngộ Không hoàn toàn có thể giành được sự ủng hộ của Đường Tăng.

Vấn đề mà Tôn Ngộ Không phải xem xét là do việc đi đứng, nói năng và đưa ra quyết sách của Đường Tăng khá chậm, với những người mạnh mẽ, nhanh nhẹn thì phản ứng chậm chạp như vậy thường khiến cho họ cảm thấy khó chịu. Và cũng giống như thế, đối với người cầu toàn mà nói thì nhịp điệu nhanh chóng của người mạnh mẽ cũng khiến cho họ cảm thấy không hài lòng, làm đảo lộn trật tự công việc của họ, bởi vì họ đã quen với việc suy nghĩ chín chắn.

Vấn đề lúc này là trước một Đường Tăng cầu toàn thì rốt cuộc Tôn Ngộ Không mạnh mẽ phải làm gì? Ở đây sẽ đưa ra một số kiến nghị giúp cho người mạnh mẽ suy ngẫm và áp dụng trong đạo xử thế:

1. Nói là làm là một thói quen tốt, nhưng trước hết cần phải có sự ủng hộ của mọi người.

2. Mỗi người đều dùng cách của mình để giành lấy sự thành công, trên đời này hoàn toàn không phải chỉ có mình bạn là có khả năng, bạn phải thừa nhận sở trường và vai trò của người khác. Đường Tăng với cá tính cầu toàn thường thâm trầm, làm việc có kế hoạch, chú ý tới những chi tiết nhỏ nhặt, giỏi phát hiện sự việc, quan tâm sâu sắc đến người khác. Trư Bát Giới sôi nổi thì thích ào ào, sắc thái tình cảm phong phú, thường hay phát hiện ra lạc thú trong công việc. Sa Tăng với cá tính ôn hòa tuy là người hướng nội nhưng lại là một người bạn hợp tác rất tốt, hơn nữa có thể duy trì được tính chuyên cần trong công việc.

3. Nếu bạn là người mạnh mẽ thì cần phải học cách lắng nghe, học cách thương lượng với đối phương.

4. Cần phải chú ý tới ngữ khí và sự biểu đạt trong ngôn ngữ, có như vậy sẽ giúp bạn thu được những kết quả tốt hơn.

5. Chủ động quan tâm liên lạc với người cầu toàn. Nếu ngay đến cả ý thức chủ động tạo quan hệ của bạn cũng không có thì rất khó nói tới việc gây dựng được mối quan hệ công việc tốt đẹp.

Làm việc hòa thuận với Trư Bát Giới

Đối với tính khí bừng bừng, cách giải quyết công việc nhanh chóng của Tôn Ngộ Không thì Trư Bát Giới sôi nổi cũng hay tán thành. Nhưng đồng thời Trư Bát Giới cùng rất chán ghét đặc điểm tính cách thiếu sự chân tình, thích sai khiến người khác của Tôn Ngộ Không. Trong sinh hoạt tập thể, người kết hợp nhiều nhất với Tôn Ngộ Không là Trư Bát Giới, mà người tranh cãi nhiều nhất với Tôn Ngộ Không lại cũng là Trư Bát Giới.

Những kiến nghị dưới đây có thể giúp Tôn Ngộ Không mạnh mẽ tạo được quan hệ tốt trong công việc với Trư Bát Giới sôi nổi:

1. Nếu bạn là người mạnh mẽ thì tốt nhất nên có thái độ tự do và thoải mái để tăng thêm tinh thần giữa bạn với họ.

2. Người sôi nổi tuy tình cảm phong phú nhưng họ là những người chân thành. Vì thế bạn nên biết cách giới thiệu bản thân mình, vì họ mong muốn được hiểu bạn nhiều hơn.

3. Chú ý quan tâm tới tình cảm của người sôi nổi, đó chính là mấu chốt để tạo nên quan hệ tốt với các đồng sự.

4. Khi được biểu dương, người sôi nổi rất vui vẻ, đặc biệt là được biểu dương ở nơi công cộng. Vì thế bạn nên hài lòng với sở thích của họ nhưng không nên thái quá.

5. Tìm phương pháp để tạo nên bầu không khí vui vẻ trong cuộc trò chuyện, tạo nên tình hữu nghị tốt đẹp giữa bạn và những người đồng sự sôi nổi.

Làm việc hòa thuận với Sa Ngộ Tĩnh

Sa Tăng với cá tính ôn hòa tuy không có được 72 chiêu biến hóa, thậm chí ngay đến cả 36 chiêu biến hóa của Trư Bát Giới ông cũng không có. Ấy vậy nhưng vì ông quen với việc tuân thủ chặt chẽ kỷ luật công việc nên ông được xem là vật ổn định của tổ chức tập thể. Trong công ty hay cơ quan chính phủ, người ôn hòa thường đảm nhiệm những phần việc mang tính thường quy.

Trong các kiểu tính cách nói trên thì khoảng cách giữa cá tính mạnh mẽ với cá tính ôn hòa là lớn nhất. Một đường chủ động tiến thủ, một đường e dè quan sát. Một đường ngang ngược chuyên quyền, một thì được chăng hay chớ. Một đường thì coi trọng công việc, một đường lại để ý đến tình cảm. Chính vì thế mà trong Tây du ký, mọi hành động của Tôn Ngộ Không và Sa Tăng đều hoàn toàn trái ngược nhau, thậm chí hai người ít khi nói chuyện. So sánh thì thấy, tiếng nói chung giữa Sa Tăng với Trư Bát Giới nhiều hơn so với Tôn Ngộ Không.

Những kiến nghị dưới đây giúp Tôn Ngộ Không mạnh mẽ tạo được mối quan hệ tốt trong công việc với Sa Tăng ôn hòa:

1. Bạn nên có thái độ bình đẳng, thân thiện, nhiệt tình chân thành đối đãi với họ, và tuyệt đối tránh cao ngạo.

2. Nên quan tâm nhiều hơn đến tính cách của người khác. Mặc dù họ không có tài nghệ đặc biệt cao siêu, nhưng họ còn rất lưu ý đến thái độ của người khác đối với mình. Họ coi trọng tình cảm của con người, vậy cho nên họ không muốn người khác chỉ lợi dụng vai trò hay vị trí nào đó của họ. Tuy họ cũng nghe theo tác phong “vênh mặt hất hàm sai khiến” của người mạnh mẽ nhưng họ lại bất mãn với điều đó. Một khi bạn đã đắc tội với họ thì e rằng khó có thể cứu vãn.

3. Nếu thời gian không quá gấp rút thì tốt nhất bạn không nên thúc ép họ. Trước mặt họ bạn nên giảm nhịp điệu nói năng và công việc để thuận tiện cho việc kết hợp giữa các bạn.

4. Nếu bạn là người mạnh mẽ thì cần phải học cách lắng nghe, học cách thương lượng với đối phương.

5. Người ôn hòa thích làm việc trong môi trường ổn định, vì thế bạn nên cố gắng tạo cho họ một môi trường làm việc ít biến động. Nếu bạn có thể giúp người ôn hòa xác định được vai trò mà họ đảm nhận, phương hướng mà họ nỗ lực và trình tự của công việc thì họ sẽ hoàn thành công việc một cách xuất sắc.

6. Người ôn hòa sở dĩ có thể trở thành vật ổn định của tổ chức tập thể là nhờ tính cách trung thực của họ. Họ trung thực với kỷ luật, trung thực với bạn bè, trung thực với tập thể. Họ cũng hy vọng bạn có thể biểu hiện sự trung thành như vậy đối với họ. Nếu họ biết được những hành vi công kích vô cớ của bạn đối với đồng sự hay tập thể thì họ sẽ rất có phản cảm với bạn. Nếu bạn thực sự tức giận thì chi bằng hãy trực tiếp đưa ra những ý kiến thay đổi.

Lời khuyên cuối cùng

1. Học cách thư giản. Người mạnh mẽ là người làm việc xuất sắc, họ mẫn cảm hơn so với những người thuộc tính cách khác. Tính cách của họ luôn thôi thúc họ không ngừng tiến lớn, tiến lên, tiến lên nữa. Nhưng từ góc độ khác thì họ lại không biết cách giảm áp lực và tạo sự thoải mái. Thực ra. điều mà người mạnh mẽ nên biết là họ hoàn toàn không cần thiết phải ép mình luôn phấn đấu vì công việc, nếu không thì họ rất dễ mắc những bệnh liên quan đến nội tạng.

2. Giảm áp lực đối với người khác. Người mạnh mẽ thường tạo ra áp lực rất lớn đối với người khác, cảm giác mong sớm thành công và cách làm việc nhanh chóng của họ thường khiến cho những người xung quanh hoang mang, lo sợ. Không chỉ như vậy, họ đã quen với việc sai khiến người khác nhưng lại không quan tâm đến việc người khác có phản đối hay không.

3. Học cách nhận lỗi. Chúng ta biết rằng, tự tin là một trong những tiêu chí của người mạnh mẽ, vậy cho nên họ không bao giờ biết nhận lỗi. Họ thích phê bình người khác một cách tùy tiện, và họ chưa bao giờ nhận khuyết điểm của mình. Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung địa phủ, ăn trộm đào tiên, kim đan và nhân sâm, y làm loạn như vậy nhưng chưa bao giờ thấy y nói một câu “xin lỗi”. Giảng đạo lý với người mạnh mẽ là điều rất khó, bởi vì họ luôn cho rằng họ chẳng có lỗi gì. Tất cả đều là do người khác, và họ xem đó là cách để biện giải cho lỗi lầm của mình.

4. Thừa nhận khuyết điểm của bản thân. Người mạnh mẽ giỏi tập trung những ưu thế của mình lại, vì vậy mà họ có thể ra tay bất kỳ lúc nào. Thế nhưng, họ lại quen với việc đem khuyết điểm của mình đổ lỗi cho người khác, họ cự tuyệt việc nhìn nhận khuyết điểm của mình, điều đó khiến cho họ rất khó tiến bộ.