Thiện Ác và Smartphone - Chương 16

PHẦN KẾT

DỰ ÁN TRẮC ẨN

Dự án trắc ẩn

“Chúc con ra về bình an”

DỰ ÁN TRẮC ẨN

“Chúng ta đánh giá người khác qua hành vi của họ, và đánh giá bản thân qua ý định của mình.” - Ian Percy

“Lòng nhân từ mang tính giải phóng nhất, trao quyền nhất, chuyển hóa nhất khi nó hướng tới những kẻ không xứng đáng nhận nó. Những kẻ không có quyền được nó, thậm chí không tìm đến nó, là những kẻ có ý nghĩa nhất để hưởng lòng trắc ẩn của chúng ta.”- Bryan Stevenson

Chúng ta đã gần tới điểm kết của cuốn sách. Chúng ta đã đi qua sự lăng nhục với chiểu dài lịch sử của nó, qua kỳ thị, giận dữ và căm ghét để tới ngôn ngữ bất bạo lực, khoan dung, sự điềm tĩnh, tôn trọng nhân phẩm và tha thứ. Nhưng còn một điều nữa, còn một điều nữa mà chúng ta cần bàn tới trước khi khép lại cuốn sách này, đặt nó xuống và quay lại với đời sống.

Hãy nhìn vào hai câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất, vào đầu năm 2016, ở Đà Nẵng, một thanh niên vùng vẫy ở dưới hồ, trong khi trên bờ có nhiều người đứng xem từ đầu tới cuối. Công an địa phương đi tìm thang để cứu, nhưng khi quay lại hiện trường thì nạn nhân đã chết đuối. Theo một số báo thì “nạn nhân có biểu hiện ngáo đá và trong quá khứ đã có hai lần được UBND phường đưa vào trại cai nghiện.”184 Chỉ qua thông tin đó, nhiều người bình luận trên mạng “ngáo đá thì chết đi cho đỡ chật đất” và “nghiện ngập, cứu nó lại làm hại thêm nhiều người khác nữa”.

Câu chuyên thứ hai xảy ra ở Liên Xô cũ, vào thời kỳ Đại chiến Thế giới thứ Hai. Stalin ra lệnh giải 20 ngàn tù binh Đức trên đường phố. Từ hai bên đường, người Nga đứng xem với những cái nhìn căm giận, bàn tay nắm thành nắm đám. Họ nhìn những binh lính Đức gầy gò, râu ria, đeo băng thương bẩn thỉu đầy máu, khập khễnh với cái nạng hay tựa vào vai nhau, đầu cúi gằm. “Bỗng nhiên, một phụ nữ lớn tuổi đi đôi ủng đã hỏng chen lên trước,” nhà thơ Nga Yevgeny Yevtushenko nhớ lại. “Bà tiến tới hàng tù binh, lấy trong túi áo choàng ra một vật gì đó được quấn trong khăn mùi soa và mở khăn ra. Đó là một mẩu bánh mì đen. Bà vụng về dúi vào túi của một tù binh. Rồi từ mọi ngả, những người phụ nữ chạy tới, ấn vào tay tù binh bánh mì, thuốc lá, có gì họ cho nấy. Những người lính không phải là kẻ thù nữa. Họ là những con người.”185

Điều khác biệt ở câu chuyện thứ hai là gì, vì sao nó làm ta thấy ấm lòng? Đó là vì ở nó có sự hiện diện của lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn là nỗi buồn bã vì cái đau của người khác, sự cảm thông và quan tâm sâu sắc tới số phận của họ, đi kèm với mong muốn giúp đỡ họ. Không chỉ là thương hại, lòng trắc ẩn khiến ta cảm thấy gần gũi với người đang khổ sở, kể cả khi người đó là kẻ thù. Nó khiến một người lính chia nửa điếu thuốc lá cho người tù binh mà anh đang áp giải.

Vào thế kỷ 4 trước Công nguyên, Mạnh Tử viết về lòng trắc ẩn như một phẩm hạnh đạo đức vô vụ lợi:

“Người ta ai cũng có lòng bất nhẫn (cảm thây không chịu đựng được). Ví dụ như nay ta chợt thấy đứa bé sắp rơi xuống giếng, thì đều có lòng ‘truật dịch trắc ẩn’ (bồn chồn thương xót); đó không phải là vì trong lòồng có ý câu thân với bố mẹ đứa trẻ ấy, cũng không phải là vì muốn nhân được lời khen từ hàng xóm bè bạn, cũng không phải sợ người ta chê cười mà có lòng ‘truật dịch trắc ẩn.”

Trắc ẩn là một trong bốn “mầm thiện” mà ông gọi là “tứ đoan”, và được diễn giải trong tuyên ngôn về thuyết Tính Thiện như sau:

Xem thế thì biết, không có lòng trắc ẩn thì không phải là người; không có lòng tu ố (biết xấu hổ) thì không phải là người; không có lòng từ nhượng (biết nhường nhịn) thì không phải là người; không có lòng thị phi (biết phân biệt đúng sai) thì không phải là người. Lòng trắc ẩn là đầu mối của Nhân. Lòng tu ố là đầu mối của Nghĩa. Lòng từ nhượng là đầu mối của Lễ. Lòng thị phi là đầu mối của Trí. Người ta ai cũng có bốn đầu mối (tứ đoan) ấy, cũng [hiển nhiên] như có tứ chi vậy.”186

NHÌN THẾ GIỚI BẰNG CON MẮT CỦA NGƯỜI KHÁC

Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm. Thấu cảm khiến ta hồi hộp khi quan sát một người đang đi trên dây ở trên cao, làm chúng ta cùng vui buồn với một nhân vật trong truyện.

Thấu cảm xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Môt đứa trẻ ba tuổi chìa con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh đang khóc để dỗ nó. Một cô gái nhăn mặt khi theo dõi bạn mình trên giường bệnh chật vật uống một viên thuốc đắng. Mùa EURO 2016 kết thúc với một hình ảnh đẹp: một cậu bé Bồ Đào Nha tiến tới an ủi một fan người Pháp cao to gấp rưỡi mình, đang ôm mặt khóc vì đội Pháp thua trận chung kết. Anh người Pháp cúi xuống ôm cậu bé mà người vẫn rung lên nức nở. Cậu đợi cho tới khi anh đi khuất hẳn rồi mới tiếp tục phất cờ mừng chiến thắng.

Trong một ngày tạm ngừng bắn tháng 4 năm 1973 ở Quảng Trị, thấu cảm cũng là điều khiến những người lính ở hai bến chiến tuyến có thể thăm chiến hào của nhau, cùng nhau uống nước và hút thuốc lá Điện Biên. Khi đó là một tháng sau Hiệp định Paris, chiến sự tạm dừng. “Một nhóm bộ đội miền Bắc ra vẫy tay gọi í ới vào chốt của quân đội miền Nam ở bên kia ranh giới, mời mẫy anh em qua bên này uống nước chè xanh,” ông Chu Chí Thành, nhà báo chiến trường có mặt tại chiến hào Quảng Trị kể lại về cuộc gặp gỡ đặc biệt này. “Tôi cứ ngỡ là chuyên đùa. Nhưng mấy phút sau một nhóm bốn năm người lính cộng hòa kéo dây ranh giới để qua chốt của quân giải phóng. Một anh lính thủy quân lục chiến gọi: ‘Nhà báo ơi, chụp cho tôi với anh bộ đội giải phóng tấm hình kỷ niệm’. Nói rồi, hai người lính đến khoác vai nhau tươi cười hồn nhiên.” Từ nhiều năm nay, bức ảnh được phóng to và treo trang trọng trong phòng riêng của ông Thành.187

Trong một thế giới thiếu thấu cảm, người ta không hình dung được cái gì đang xảy ra bên trong nội tâm người khác. Vì thế một người mẹ trách đứa con bốn tuổi của mình là “ích kỷ” khi nó ghen với đứa em mới sinh, du khách “làm từ thiện” trên miền núi bằng cách thò tay qua cửa sổ ô tô vứt bim bim xuống đường cho trẻ em chạy theo nhặt, một học sinh trung học tung video quay đứa bạn bị làm nhục lên mạng, dẫn tới hành động tự sát của nạn nhân.188 Ở đây cái độc ác tới từ chỗ đơn giản cậu ta không hình dung ra được những cung bậc cảm xúc mà nạn nhân kia sẽ trải qua. Trong tiếng Việt, chữ “vô tình” được dùng để chỉ trạng thái này. Cha đẻ của khái niệm trí tuệ cảm xúc, nhà tâm lý học Daniel Goleman, gọi nó là “điếc trước những nốt nhạc cảm xúc”.

Khi ta nhận được sự thấu cảm, ta có cảm giác được người khác lắng nghe mình, hiểu và tôn trọng, với tất cả những lỗi lầm và sa ngã của mình. Thấu cảm có thể không tới những lời khuyên, đôi khi, chỉ một ánh mắt, hay sự im lặng bên cạnh là đủ. Thiếu thấu cảm, sự giúp đỡ người khác sẽ nhuốm màu thương hại, bề trên, thậm chí ích kỷ. “Có hai loại thương cảm. Loại thứ nhất, yếu đuối và ủy mị, không là gì hơn ngoài sự thiếu kiên nhẫn của con tim muốn vứt bỏ càng nhanh càng tốt cảm xúc đau buồn được khơi dậy khi nhìn thấy sự bất hạnh của kẻ khác, cái thương cảm này không phải là lòng trắc ẩn, mà chỉ là một mong muốn bản năng muốn cửa kín then cài tâm hồn mình trước những khổ đau của người khác,” nhà văn Áo Stefan Zweig viết trong tiểu thuyết Sự sôt ruột của con tim, “và loại kia, loại duy nhất có ý nghĩa, không ủy mị nhưng sáng tạo, hiểu bản chất và quyết tâm duy trì với sự kiên nhẫn và chịu đựng, tới hết giới hạn sức mạnh của nó và thậm chí còn vượt xa hơn nữa.” Loại thương cảm đầu mà Stefan Zweig nói tới khiến chúng ta rút tiền quẳng vào cái mũ của người ăn mày rồi rảo bước để khỏi bận tâm về hình ảnh rách rưới của ông ta. Loại thương cảm thứ hai khiến ta cưỡng lại sự sốt ruột đó và đưa người ăn mày lên ngang tầm với mình.

Không phán xét là một điểm quan trọng của thấu cảm thật sự. Chính vì thế đôi khi sự gần gũi của một con chó có thể đem lại niềm an ủi vô bờ bến. Chó vốn có khả năng đọc tâm trạng của con người rất cao, và chúng thương yêu vô điều kiện. Ở Mỹ có chừng 120 con chó được huấn luyện để làm dịu nỗi đau tinh thần của người ốm hoặc người gặp hoạn nạn. Khi vuốt ve chó, các nạn nhân trong trạng thái sốc và chấn thương sau một thảm họa có thể òa lên khóc hoặc nói chuyện không ngừng với chúng. Sự hiện diện không đi kèm binh luận của chúng khiến người ta có thể thả lỏng và bắt đầu bộc lộ nỗi đau của mình ra bên ngoài.189

LOGIC CỦA CHỦ NGHĨA TOÀN TRỊ

Dường như con người khi sinh ra đã được trời phú cho khả năng thấu cảm; một đứa trẻ nhỏ có thể đặc biệt lo sợ khi thấy một nhân vật trong phim sắp gặp nguy hiểm. Khi chúng ta trưởng thành, khả năng này có thể trở nên tinh tế hơn qua những kinh nghiệm sống, nhưng nó cũng có thể phai nhạt đi. Một cản trở lớn để thấu cảm tiếp tục được nảy nở là cái mà nhà tâm lý học John Braten gọi là logic của chủ nghĩa toàn trị. Logic này có bốn tiên đề, trong đó hai tiên đề chính là:

Con người chỉ có thể là tốt hay xấu, họ không thể là cả hai được.

Một con người tốt chỉ có thể có những đặc tính tốt. Một con người xấu chỉ có thể có những đặc tính xấu.

Hai tiên đề này được đi kèm với hai tiên đê phụ trợ:

Những đặc tính của một con người là bất biến và không thể thay đổi.

Có thể xác định đặc tính của một con người mà không thể nhầm lẫn.190

Trong thế giới của logic toàn trị, không có chỗ cho sự phân vân, không nhất quán và bất định. Khi có mâu thuẫn và sự không rõ ràng, khi một cá nhân biểu hiện cả đặc tính tốt lẫn đặc tính xấu, con người toàn trị sẽ có xu hướng cho rằng đặc tính tốt là giả, là cái vỏ, còn đặc tính xấu là bản chất, là cái ruột.

Logic của chủ nghĩa toàn trị chối bỏ câu tục ngữ Việt “Sông có khúc, người có lúc”. Logic này cho phép người ta đánh giá và xếp loại con người một cách tuyệt đối và vĩnh cửu. Thậm chí, trong các hệ thống toàn trị, chất lượng con người đã được xác định từ trước khi họ chưa được sinh ra. Với phát xít Đức, bản chất con người được xác định qua chủng tộc của bố mẹ, với nước Nga thời Stalin, nó được xác định thông qua giai cấp của bố mẹ.191 Với một cư dân mạng, hai anh em Tiến Dũng và Hồng Phương ăn cắp kính vì có gen: “Loại này mấy đời ăn cắp nên có gen di truyền rồi, không thể bỏ được...”

Sự kỳ diệu mà nhà báo Chu Chí Thành được chứng kiến ở mặt trận Quảng Trị năm 1973 nằm ở chỗ những người lính trẻ từ cả hai bên trận tuyến đã vượt qua được cái logic toàn trị này. Vượt qua tất cả các loại dán nhãn, họ chỉ coi nhau như những thanh niên đồng niên.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta dùng logic toàn trị nhiều hơn chúng ta tưởng. Hãy quan sát bản thân, và ta sẽ thấy chúng ta ít khi đầu tư tâm trí và thời gian để nhìn sâu vào người khác mà hay bằng lòng với việc đánh giá họ qua một hai cái nhìn bề ngoài. Chúng ta coi họ như những hình bìa bồi ở rạp chiếu phim,đơn giản, phẳng, tất cả đã lồ lộ, không có chiều sâu, không có bí ẩn. Nhìn kìa, một cánh tay thò ra khỏi chiếc xe đắt tiền xả rác ra đường: chắc chắn đây là một kẻ trọc phú vô học. Không những cô ta không thể có những phẩm chất tốt, mà phẩm chất “trọc phú” này của cô ấy là không thể nhầm lẫn, vĩnh cửu, bất biến và mô tả trọn vẹn con người cô ta.

Sự hấp dẫn của cái logic toàn trị là nó khá tiện lợi để ta sắp xếp và đánh giá người khác. Nhưng hãy nhìn quanh, bạn có tin rằng mình thực sự hiểu gia đình, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp của mình, bạn biết những khao khát, sợ hãi, thất vọng của họ? Thậm chí, bạn có chắc bạn hiểu bản thân không? Bạn có thể mô tả mình bằng một, hai tính từ, điều mà chúng ta vẫn thường xuyên làm khi nói về người khác? Bạn có thể nói về ưu và khuyết điểm của mình như của một cái điện thoại hay nhà hàng, và tự tin và hài lòng là danh sách đó định nghĩa được bạn? Hay đôi khi bạn thấy ngạc nhiên bởi chính mình, thấy mình mâu thuẫn, thấy mình như không phải mình, thấy mình ghét bản thân? Bạn đã từng nói “Chẳng hiểu sao lúc đó mình lại hành xử vậy”?

Vậy làm sao bạn có thể chắc mẩm về bản chất của người khác.

Triết gia người Anh, Roman Krznaric, sáng lập ra Bảo tàng Thấu cảm để cho ta một cơ hội nhắc nhở bản thân về điều này, và qua đó, xây dựng khoan dung và phá bỏ định kiến. Bảo tàng giúp người xem cảm nhận được một cuộc sống trong tù, tuổi thơ ở Iran, một tình yêu ở tuổi 80. Một trong những triển lãm đầu tiên của bảo tàng mang tên Một dặm trong đôi giày của tôi. Trong tiếng Anh, “xỏ chân vào giày của người khác” có ý nghĩa tương tự như “nhìn đời bằng con mắt của người khác”, tức là thực hành thấu cảm. Hoàn toàn theo nghĩa đen, khách xem có thể chọn một đôi giày của một người lạ, một người tị nạn, một người công an, một người bán dâm, và vừa đi dạo vừa lắng nghe câu chuyện đời họ qua tai nghe.192

Nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng để có thể hiểu được phong cảnh bên trong của người khác, chúng ta lại cần nhìn sâu vào bên trong mình và khám phá quang cảnh nội tâm của bản thân. Để đọc được người khác, tôi phải đọc được chính bản thân đã. Tôi cần phải kết nối với chính mình để có thể kết nối với người lạ. Điều này không những đòi hỏi một sự nhạy cảm và tinh tế nhất định, mà còn một sự dũng cảm để vượt qua cảm giác bị tổn thương và đi vào nơi mà những khao khát được yêu quý và tôn trọng, hay sự sợ hãi cô đơn và bị bỏ rơi ngự trị. Khả năng thấu cảm người khác tới từ việc chúng ta hiểu rõ những mảng tối của bản thân: khi ta hoang mang, lúc ta bị cám dỗ, khoảnh khắc ta yếu đuối, giây phút ta tuyệt vọng, thời khắc ta lầm lạc, tóm lại là những lúc ta người nhất. Hồi tưởng lại chúng sẽ giúp ta từ bỏ phán xét người khác, thông cảm và kết nối với họ, sẽ làm ta hiểu rằng với tất cả sự khác nhau giữa một người ăn mày và một đại gia, cả hai đều là những con người, những sinh vật bi thảm, vật lộn trong cuộc đời mình.

LÒNG TRẮC ẨN RẮN RỎI

Được đặt trên nền tảng của thấu cảm, trắc ẩn không thờ ơ với những bất công xảy ra trước mắt. Không dung túng, biện hộ, hay chấp nhận cái sai, nhưng người trắc ẩn không giận dữ hay căm ghét con người có hành vi sai. Ngược lại, trắc ẩn tạo cho ta một sự nhạy bén để nhận ra những sai trái và thôi thúc ta hành động, trong lúc đó vẫn cảm nhận tính người của người kia, nhìn xuyên qua bề mặt của sự sợ hãi, cuồng nộ hay độc ác mà họ đang thể hiện để hiểu được cái gì đang thôi thúc họ. Trong trường hợp này, anh ta cư xử như một người cha, kiên quyết ngăn hành vi gây hại của đứa con mình, thậm chí trừng phạt nó, nhưng không giận dữ, không thù ghét, không có mong muốn làm hại nó.

Người trắc ẩn cũng không phải là người mềm yếu, tan vỡ trước đau khổ của người khác. Thấu cảm không giới hạn có thể khiến ta hoang mang, kiệt sức, đau đớn hay muốn chạy trốn trước những đau khổ vô bờ bến mà ta chứng kiến, một trạng thái những người làm công tác cứu trợ nhân đạo ở những vùng thiên tai hay chiến tranh dễ gặp phải. Trắc ẩn, ngược lại, đem lại sức mạnh, quyết tâm, cân bằng, bình tĩnh và sự dẻo dai, giống như một bác sĩ tập trung cứu người bệnh trong hoàn cảnh khó khăn nhất mà không bị suy sụp trước nỗi đau của anh ta.

Người trắc ẩn không hy sinh bản thân theo nghĩa anh ta phục vụ người khác tới mức mình kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. Trắc ẩn khiến con người ta hạnh phúc hơn, giàu có lên, không bao giờ làm người ta kiệt sức, nghèo nàn đi. Daniel Goleman sử dụng chữ “lòng trắc ẩn rắn rỏi”. Không chỉ là hiền lành tốt bụng, nó khiến ta vững vàng, mạnh mẽ, không mệt mỏi và không buông xuôi để theo đuổi việc mà ta cho rằng ta cần làm.

Khi cộng đồng quốc tế thất bại trong việc thống nhất một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen năm 2010, bà Christina Figueres, một nhà ngoại giao người Costa Rica, được Liên Hiệp Quốc trao cho vai trò kiến trúc sư để tái xây dựng các cuộc thương thuyết giữa các quốc gia. Cuối năm 2015, sau một quá trình đàm phán marathon kéo dài sáu năm, 196 quốc gia ký thỏa thuận lịch sử tại hội nghị COP21 ở Paris. Figueres nói rằng bà sẽ không thể có được “sự dẻo dai nội tại, sự lạc quan sâu sắc và cam kết không lay chuyển” nếu bà không được truyền cảm hứng bởi lòng trắc ẩn và trí tuệ tới từ triết lý của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trải nghiêm bản lề của bà là một chuyến thăm một bệnh viện tâm thần trước kia ở Đức, nơi phát xít Đức đã giết chết 700 bệnh nhân. Bệnh viện này nay được Thích Nhất Hạnh chuyển thành một thiền viện, nuôi dưỡng sự tha thứ và tình yêu thương ở một nơi đã chứng kiến sự tàn bạo ở mức không thể hình dung nổi.193

DỰ ÁN TRẮC ẨN

Với phần lớn chúng ta, để trở thành con người trắc ẩn không dỗ dàng. Lòng trắc ẩn không được kích hoạt sau khi ta đọc vài cuốn sách của Dalai Lama, giống ta biết cách sử dụng điện thoại sau khi xem hướng dẫn sử dụng. Đây là một dự án kéo dài cả đời và đòi hỏi sự luyện tập hằng ngày. Giống như đi săn Pokemon Go, Karen Amstrong, một học giả hàng đầu về tôn giáo, gợi ý chúng ta cố gắng “tích điểm” ba lần mỗi ngày: làm một cử chỉ tử tế; dừng lại một lời nói có thể gây tổn thương và hóa giải một cơn cáu giận. “Vào cuối mỗi ngày, khi bạn đánh răng hay thả mèo ra ngoài, bạn hãy nhìn lại xem mình có kiếm được ba điểm không.” Amstrong khuyên. Nhưng chúng ta không nên theo đuổi dự án này bằng một sự căng thẳng, một mất một còn. “Có những lúc bạn thấy mình thất bại, bạn đã hành động thiếu suy nghĩ hoặc đã tàn nhẫn,” Amstrong viết tiếp. “Lúc này, bạn hãy trắc ẩn với chính bản thân, mỉm cười với những thiếu sót của mình, và lên quyết tâm cho ngày mai. Rồi khi bạn đã thuần thục để đạt được ba điều mỗi ngày, bạn hãy hướng tới thực hành hai hành vi tử tế, ngăn chặn hai lời nói có thể gây đau. Rồi ba, vân vân.”194

Đứng cạnh một thân cây lớn, ta cảm nhận được sự dễ chịu, cảm giác yên tâm, tin tưởng và được che chở. Vững chãi và râm mát, tán của nó làm lòng ta dịu mát và thanh thản, khiến ta có cảm giác được trú ẩn trước những vất vả và tàn nhẫn của cuộc đời. Với Amstrong, một con người công bằng, ngay thẳng, điềm tĩnh, nhẹ nhàng, không vẩn đục, không phán xét và có trái tim rộng mở cũng là một nơi trú ẩn cho những người khác. Con người này có một chất lượng khiến người khác cảm thấy cuộc sống của họ trở nên dễ chịu đựng hơn. “Một con người thực sự trắc ẩn chạm tới được một dây đàn bên trong chúng ta, khiến những khao khát thầm kín nhất được ngân lên,” bà viết. “Chúng ta kéo tới bên cạnh những con người như vậy, bởi dường như họ cho ta một nơi ẩn náu trong một thế giới đầy bạo lực và giận dữ”.195

Giã từ văn hóa làm nhục, có điều gì đẹp đẽ hơn là việc chúng ta tìm tới những con người trắc ẩn để được tiếp năng lượng. Và rồi chính chúng ta cũng trở thành cái cây xanh tốt để người khác tới bên trú ẩn. Thoạt tiên chỉ là một người. Rồi hai người, ba người, và dần dần nhiều hơn nữa.

“CHÚC CON RA VỀ BÌNH AN”

Trong quá trình viết cuốn sách này, khi thu thập hàng chục bài báo, đi qua hàng trăm bình luận của cư dân mạng về bảo mẫu thiên Lý, cô gái 19 tuổi ở Kiên Giang bị kết án ba năm tù vì tội hành hạ trẻ, tôi thấy mình có nhu cầu gặp và lắng nghe cô. Một trong những đặc trưng của những phiên tòa của đám đông cuồng nộ là nạn nhân bị tước đi giọng nói của minh. Không ai cho phép họ lên tiếng, cũng không ai quan tâm họ có gì để chia sẻ. Họ đã trở thành các “bảo mẫu ác thú”.

Trong cả năm 2016 tôi cố gắng tìm địa chỉ liên lạc của Lý nhưng không thành công. Đến khi bản thảo đã chuẩn bị được đem in thì tình cờ qua một mối quen tôi biết được tên huyện, xã và ấp của gia đình cô. Tôi lên đường mà không biết địa chỉ chính xác hay tên bố mẹ cô.

Chuyến đi dài và qua nhiều chặng, máy bay, taxi, xe ôm, tôi phải hỏi thăm nhiều lần, và nhiều lúc tôi đâm ra hoài nghi về quyết định của mình. Liệu tôi có tìm ra nhà họ không, liệu họ còn ở đó không, liệu tôi có gặp họ không, liệu họ có cho tôi vào nhà không, tôi và họ sẽ nói gì với nhau?

Cuối cùng, tới chiều ngày hôm đó, tôi đứng ở sân nhà Thiên Lý, trong một xóm đạo yên tĩnh và xanh tốt của miền Tây Nam Bộ. Đằng trước nhà là một con kênh lớn, bên trái là một con kênh khác nhỏ hơn, những chiếc ghe gỗ neo rải rác dọc kênh. Nhà cửa ở đây gọn gàng, nhà nào cũng có hàng hiên rộng và sân sạch sẽ. Cách đó một đoạn, một người đàn ông đang dùng nhựa đường vá một miếng trên mặt cây cầu bắc qua kênh. Trời đã xế chiều, mùa mưa đã qua, không khí mát và lặng gió. Trước đó, một người trong xóm cho tôi biết Thiên Lý đã được ra tù.

May mắn cho tôi là Lý có nhà. Trong lúc cô pha nước ở dưới bếp, tôi quan sát phòng khách. Tủ kính bày ảnh Chúa Jesus và tượng Đức Mẹ Maria. Trên tường treo một bằng khen của giáo xứ, chữ vàng trên nền đỏ, mừng ông ngoại của Lý “thượng thọ cửu thập nhứt niên”. Tên thánh của ông là Phero. Bằng khen ca ngợi ông sống trọn vẹn theo câu “Tam Cang Ngũ Thường”, ba quan hệ chủ chốt trong xã hội và năm đức cơ bản của con người theo chuẩn mực đạo đức Nho giáo, và là “Một tấm gương sáng đời đời cho con cháu về sau”.

Tôi tự hỏi nếu tấm bằng mừng thọ này được các cư dân mạng trong cơn bão căm ghét hồi đó biết tới thì họ sẽ chế giễu tới mức nào. Nó được viết năm 2015, một năm sau khi Thiên Lý bị đưa vào tù. Vậy là khi đặt làm nó, xứ đạo này hẳn đã biết hết câu chuyện của cô. Và họ vẫn quyết định viết như vậy.

MỘT NGHI LỄ TÁI HÒA NHẬP

Thiên Lý từ nhà sau ra ngôi trước mặt tôi. Cô mặc bộ đồ vải mỏng sẫm màu, in hoa, kiểu con gái nông thôn Nam Bộ hay mặc. Cô khá gầy, tóc bết mồ hôi vuốt chặt ra sau. Cái kính chữ nhật hơi bị lệch sang bên phải. Trong lúc nói chuyện, Lý không tránh cái nhìn của tôi.

Vài bình luận tôi đọc được trên mạng khi tìm hiểu về cầu chuyên của cô chạy thoáng qua đầu tôi.

“Thật tàn ác. Tôi không tưởng tượng được họ là người nữa”

“Cô ta là 1 loài động vật máu lạnh”

Tôi nghĩ lại khoảnh khắc phiên tòa lưu động xử hai bảo mẫu ở Thủ Đức kết thúc. Lúc đó, người ta chen lấn nhau ở bên ngoài để hòng nhìn được họ một cái, nhưng hai người đã được dẫn ra bằng một lối khác. Lý kể lại là từ phòng giam ở quận, thành phố tới trại tù cuối, ở đâu người ta cũng đồn nhau “có con bảo mẫu sắp lên” và nhiều người tới để “nhòm mặt mình”. Hình dạng của cái mà người ta cho là hiện thân của ma quỷ luôn có một sự hấp dẫn đặc biệt, kích thích tò mò pha lẫn ghê sợ cùng kinh tởm.

Cuộc nói chuyện của tôi và Lý không có gì đặc biệt. Không có chi tiết nào chấn động, không có nước mắt. Tôi không ướm lời, và tự cô cũng không tìm lời thanh minh hay đổ lỗi. Cô nói về những xáo trộn trong gia đình khi “chuyện xảy ra”. Bà nội cô bị sốc phải đi cấp cứu mấy lần. Ông ngoại Lý nghễnh ngãng và không còn đọc được báo nên thỉnh thoảng hỏi tại sao không thấy cô ở nhà. May mắn là công việc của ba cô tại xã không bị ảnh hưởng. Cô nói về cuộc sống trong tù, sáng đi cạo mủ cao su, chiều trồng trọt hay nhổ cỏ, tối được xem ti vi tới 10 giờ. Tới giờ thỉnh thoảng cô vẫn lên trại thăm một số bạn tù, đặc biệt những người bị gia đình bỏ rơi. Trại ở xa, đi hai ngày mới tới.

Thiên Lý không bình luận gì nhiều về công việc ở nhà trẻ trước khi cô bị bắt, ngoài việc cô chưa giữ trẻ bao giờ, và việc mợ Phương (tức bảo mẫu Đông Phương), người đã có kinh nghiệm làm việc trong cả nhà trẻ công và tư, nói rằng công việc này bị “áp lực ghê lắm” khi đưa cô vào làm. Tuy gia đình cô “bỏ qua hết với mợ Phương”, người có thể coi là “làm mẫu” cho cô cách đối xử với những đứa trẻ được gửi, nhưng hai vợ chồng Phương cắt đứt hoàn toàn quan hệ với họ hàng. Tôi đoán với họ nỗi nhục là quá lớn.

Ra tù, Thiên Lý tìm đọc cái bài báo về mình. “Lên mạng kiếm lại, thấy nổi tiếng quá. Gõ tên nó ra một đống bài luôn.” Facebook của cô ứ đọng các tin nhắn chửi rủa của người lạ. Thiên Lý không có thái độ hằn học. “Cũng buồn lắm, nhưng mà biết làm sao. Đặt mình vào vị trí của họ thì thấy họ nói đúng chứ không có sai nên con không có trách móc, nhưng không trả lời.”

Câu nói mang tính chỉ trích người ngoài duy nhất của cô trong cả cuộc nói chuyện là dành cho báo chí. “Đọc những bài báo thì có lúc rớt nước mắt. Nhiều lúc con thấy báo nói quá sự thật quá. Cũng tức lắm nhưng biết sao giờ.” Lý có người yêu vài tháng trước khi cô bị bắt. Người yêu cô và gia đình anh đã không quay lưng lại với cô. Đám cưới được tổ chức một năm sau khi Lý ra tù.

Tôi không kể với cô về sự dán nhãn, về những nghi lễ hạ nhục, về lịch sử của làm nhục công cộng, về sự độc ác của cái thiện cuồng tín, những khái niệm tôi để cập tới trong cuốn sách. Không nói với Thiên Lý, nhưng với tôi, cuộc gặp gỡ này là một nghi lễ tái hòa nhập, như tôi đã tìm hiểu trong quá trình viết sách. Nó là một cử chỉ chào đón Lý quay lại với cộng đồng, một hành vi mang tính biểu tượng để đặt niềm tin vào cô. Nghi lễ tái hòa nhập nâng người phạm chuẩn lên, nó ngược lại với nghi lễ hạ nhục mà xã hội đã làm với cô cách đây ba năm qua phiên tòa lưu động và hàng trăm phiên tòa cuồng nộ khác trên mạng. Nó nói rằng măc dù hành vi phạm chuẩn bị lên án, nhưng con người phạm chuẩn không bị hắt hủi. Một nghi lễ rất nhỏ, chỉ có tôi và cô, ngay cả ông xe ôm ngồi đợi ngoài hiên cũng không biết được mục đích cuộc viếng thăm của tôi.

“CHÚC CON RA VỀ BÌNH AN”

Sau tất cả những gì tôi đã viết trong cuốn sách này, tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi gặp được Thiên Lý và thực tập lắng nghe trong thấu cảm. Tôi không muốn mình chỉ nói về sự khoan dung và lòng trắc ẩn qua bàn phím, trong một quán cà phê ở Hà Nội. Ngoài những người trong gia đình và giáo xứ của cô, ngoài một số bạn tù, tôi không rõ cô đã gặp bao nhiêu người sẵn sàng lắng nghe cô với thiện chí, nhìn cô như nhìn một con người, với tất cả những khiếm khuyết của cô. Tôi muốn mình là một trong những người đó. Thiên Lý chắc chắn không phải là thiên thần, nhưng cô cũng không phải ác quỷ. Tôi muốn Lý cảm nhận mà không cần tôi nói ra là tôi khước từ coi cô là hiện thân của cái ác, với toàn bộ ý thức về những lỗi lầm của cô. Tôi muốn cô nhận được những câu nói từ người ngoài, dù chỉ là lời hỏi thăm sức khỏe, khác với những câu như thế này:

“Không thể cải tạo những con người như thếnày”

“Ở sau song sắt mãi mãi là cách tốt nhất để em đóng góp cho đời.”

Thiên Lý được ân xá vì hạnh kiểm tốt vào ngày 2 tháng 9 năm 2015, sau 20 tháng trong trại. Chủ nhật đầu tiên sau khi ra tù, Lý tới nhà thờ. Cô tới bàn xưng tội đặt ở cuối nhà thờ và quỳ xuống. “Thưa cha, con xin xưng tội. Trong hai năm qua con không đi lễ nhà thờ.” Cha hỏi lý do. Lý nói trong thời gian đó cô bị cách ly với xã hội.

Cách một vách gỗ, cha không biết Lý là ai. Ông cũng không hỏi gì thêm. Hai người im lặng vài giây.

Rổi Lý kể thêm vài tội cô đã phạm. Cô đã không đọc kinh buổi tối, cô đã không đọc kinh buổi sớm. Có lúc cô đã kêu tên Chúa một cách bất kính. Cô đã nói dối ba mẹ.

Khi Lý xưng xong, cha giải tội cho cô. “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy cha tha tội cho con nhân danh Cha, Con và Thánh thần.”

Lý làm dấu thánh và nói “Amen.”

“Hãy cảm tạ Chúa, vì Người nhân từ.” Cha tiếp tục.

Lý đáp: “Vì lòng từ bi của Người tồn tại muôn đời.”

“Chúa đã tha tội cho con. Chúc con ra về bình an,” cha nói.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3