Thung Lũng Bất Hạnh - Chương 18
18
Hercule Poirot nhìn ra cửa sổ, thấy Henrietta Savernake đang đi về phía cửa trước. Cô mặc bộ áo váy vải tweed màu xanh lá cây như hôm trước khi xảy ra thảm kịch. Một chú chó tai cụp lon ton theo chân cô.
Ông vội đi đến mở rộng cửa. Cô mỉm cười với ông.
“Tôi xin phép vào thăm nhà ông được không? Tôi thích ngắm nhà người ta lắm. Tôi chỉ đang dắt chó đi dạo thôi.”
“Tất nhiên là được. Dắt chó đi dạo, thật đúng kiểu Anh!”
“Vâng,” Henrietta cười. “Tôi có nghĩ đến chuyện ấy. Ông có biết bài thơ này không, cũng khá hay: ‘Ngày nối ngày chậm rãi tiêu dao, ta cho vịt ăn, cằn nhằn bà vợ, thổi bản Largo và dắt chó đi dạo.’”
Đọc xong cô lại cười, rạng rỡ, mong manh.
Poirot đưa cô vào phòng khách. Cô nhìn quanh nội thất gọn gàng, chuẩn mực và gật đầu.
“Đẹp quá,” cô nhận xét. “Mỗi món đều có cặp. Hẳn là ông sẽ ghét xưởng sáng tác của tôi lắm.”
“Vì sao tôi lại ghét?”
“À, vì đất sét lấm dính khắp nơi, mỗi nơi chỉ để một món đồ tôi thích, nếu đủ cả cặp thì hỏng cả.”
“Tôi hiểu điều đó, thưa quý cô. Cô là nghệ sĩ mà.”
“Chẳng phải ông cũng là nghệ sĩ đó sao, ông Poirot?”
Ông Poirot hơi nghiêng đầu.
“Đó cũng là một câu hỏi đáng cân nhắc. Nhưng theo những gì tôi biết thì, không. Tôi biết có những tội ác mang tính nghệ thuật, cô biết đấy, phải nói là đỉnh cao của trí tưởng tượng. Nhưng quá trình phá án thì không cần sự sáng tạo, mà nó cần cảm hứng truy cầu sự thật.”
“Cảm hứng truy cầu sự thật,” Henrietta trầm ngâm nhắc lại. “Phải, tôi có thể thấy vì điều đó mà ông có thể trở nên nguy hiểm dường nào. Vậy sự thật có làm ông thỏa mãn chăng?”
Ông nhìn cô, thắc mắc.
“Tôi chưa rõ ý cô, cô Savernake?”
“Tôi hiểu được chuyện ông muốn biết sự thật. Nhưng sự hiểu biết đó liệu có đủ không? Liệu ông có dấn thêm một bước để biến điều mình biết thành hành động.”
Ông Poirot tỏ ra hứng thú trước quan điểm ấy.
“Vậy cô có ý rằng, nếu tôi biết được sự thật đằng sau cái chết của bác sĩ Christow, thì tôi có thể thỏa mãn nếu giữ riêng điều mình biết. Vậy cô có biết sự thật về cái chết của cậu ấy không?”
Henrietta nhún vai.
“Câu trả lời hiển nhiên là Gerda. Mỉa mai thay, người chồng hay người vợ lại luôn luôn là nghi can số một.”
“Cô không đồng ý vậy sao?”
“Tôi luôn cố giữ đầu óc cởi mở.”
Ông Poirot nhỏ nhẹ hỏi:
“Vì sao cô tới đây, cô Savernake?”
“Tôi phải thừa nhận rằng mình không đam mê theo đuổi sự thật, ông Poirot ạ. Dắt chó đi dạo chẳng qua là cái cớ dễ chấp nhận ở miền quê xứ Anh mà thôi. Tất nhiên nhà Angkatell không nuôi chó, như ông đã để ý lúc đến nhà hôm nọ.”
“Tôi quả có lưu ý đến chuyện ấy.”
“Vậy nên tôi mượn con chó của người làm vườn. Ông biết đấy, tôi rõ là không được chân thật lắm đâu.”
Một lần nữa, cô hé cười rạng rỡ. Không hiểu sao đột nhiên ông thấy mủi lòng khôn tả. Ông dịu dàng nói:
“Quả vậy, nhưng cô có lòng chính trực.”
“Làm sao mà ông lại nói thế được?”
Cô giật mình, thậm chí hơi hoảng sợ, ông nhận thấy thế.
“Chính trực,” Henrietta lặp lại. “Tôi cũng không rõ chữ ấy thực chất là sao nữa.”
Cô ngồi yên lặng, nhìn chằm chằm tấm thảm, đoạn cô ngẩng đầu, vững vàng nhìn ông.
“Ông không muốn biết vì sao tôi đến đây sao?”
“Có lẽ cô hơi khó khăn khi nói ra lời.”
“Vâng, đúng vậy. Ông Poirot à, ngày mai là bắt đầu cuộc thẩm tra. Cần phải quyết định sẽ nói bao nhiêu…”
Chợt ngưng lời, cô đứng dậy, đi ngang qua lò sưởi, đổi chỗ một hai món trang trí và dời bình hoa cúc đang để giữa bàn sang góc xa nhất trên mặt lò sưởi. Cô lùi lại, nghiêng đầu đánh giá hiệu quả.
“Ông có thích sắp xếp như vậy không, ông Poirot?”
“Hoàn toàn không, thưa cô.”
“Tôi cũng nghĩ vậy.” Cô bật cười, nhanh chóng đưa mọi thứ về chỗ cũ. “Thế, trong lòng nghĩ thế nào thì nên nói ra thế ấy! Ông quả là người rất hợp để chuyện trò. Vậy xin hỏi thẳng, theo ông, liệu cảnh sát có cần biết chuyện tôi là nhân tình của John Christow không?”
Giọng cô khô khan, vô cảm. Cô nhìn về hướng ông, ánh mắt rơi trên bức tường phía sau, ngón trỏ vân vê đường viền của cái bình cắm bó hoa cúc tím. Ông chợt nghĩ rằng cảm xúc của cô đổ dồn vào những chạm vuốt của ngón tay ấy.
Hercule Poirot trả lời rõ ràng và cũng vô cảm như vậy:
“Tôi hiểu. Hai người yêu nhau sao?”
“Nếu ông thích diễn đạt theo cách ấy cũng được.”
Ông tò mò nhìn cô.
“Nhưng khi nãy cô không nói thế, thưa cô.”
“Đúng vậy.”
“Vì sao lại thế?”
Henrietta nhún vai. Cô ngồi xuống cạnh ông trên ghế sofa, chậm rãi đáp:
“Bởi vì nên diễn tả sự việc… càng chính xác càng tốt.”
Sự hứng thú của ông với cô gái này càng tăng mạnh. Ông lại hỏi:
“Cô là nhân tình của bác sĩ Christow bao lâu rồi?”
“Khoảng sáu tháng.”
“Liệu cảnh sát có dễ dàng tra ra điều đó hay không?”
Henrietta ngẫm nghĩ.
“Có thể đấy. Nếu họ để ý tìm hiểu những mối quan hệ như vậy.”
“Chắc chắn họ sẽ điều tra, tôi đảm bảo như vậy.”
“Vâng, tôi cũng nghĩ họ sẽ làm.” Cô ngừng lời, ngắm nghía mấy ngón tay xòe ra trên đầu gối, rồi quay sang nhìn ông, vẻ thân mật. “Vậy ông Poirot này, tôi nên làm gì? Đến gặp thanh tra Grange và nói… mà trước bộ râu quặp ấy thì tôi nên nói gì nhỉ? Đúng là bộ râu gia truyền.”
Bàn tay ông Poirot bất giác vuốt ve món trang sức trên người mà ông tự hào nhất.
“Thế còn râu của tôi thì sao, thưa cô?”
“Bộ râu của ông là một thành tựu nghệ thuật. Nó không gắn với bất kỳ thứ gì ngoại trừ chính nó. Tôi đảm bảo, bộ râu của ông là độc nhất vô nhị.”
“Rõ là vậy.”
“Đó cũng là lý do tôi đến trao đổi với ông như bây giờ đây. Giả như cảnh sát cần biết sự thật về mối quan hệ giữa John và tôi, thì liệu có cần công khai chuyện ấy cho những người khác hay không?”
“Cũng còn tùy,” ông Poirot nói. “Nếu cảnh sát cho rằng tình tiết ấy không tác động gì đến vụ án này, thì họ sẽ giữ kín. Cô… lo lắng về điểm này sao?”
Henrietta gật đầu. Cô lại cúi xuống ngắm nghía những ngón tay một lát, rồi đột ngột ngẩng lên, nói một tràng bằng giọng khô và nhẹ.
“Sao lại phải khiến Gerda tội nghiệp chịu khổ thêm chứ? Chị ấy sùng bái John và giờ anh ấy chết rồi. Chị ấy đã mất chồng. Sao lại để chị ấy phải chịu thêm gánh nặng nữa?”
“Cô lo lắng vì cô ấy sao?”
“Nghe có vẻ đạo đức giả, phải không? Hẳn ông cho rằng nếu mong Gerda sống bình yên thanh thản thì sẽ không bao giờ nhận làm nhân tình của John nhỉ. Nhưng ông không hiểu được chuyện là thế nào đâu. Tôi không phá hoại gia đình anh ấy, tôi chỉ là một… trong số nhiều.”
“Ồ, chuyện là vậy sao?”
Cô quay phắt lại nhìn ông.
“Không, không, không! Không phải như ông nghĩ đâu! Chính điều đó là tôi bận tâm nhất! Rằng mọi người sẽ hiểu lầm John. Chính vì vậy mà tôi đến đây nói chuyện với ông, bởi tôi ôm hy vọng mơ hồ, mong manh rằng tôi có thể làm ông hiểu được John là người như thế nào. Tôi đã thấy trước họ sẽ đăng tin trên báo kiểu—Đời tư ông bác sĩ—với Gerda, tôi và Veronica Cray. John không như thế, thật ra anh ấy không mê nữ sắc. Phụ nữ không phải điều quan trọng nhất với anh, mà là sự nghiệp. Chỉ công việc mới khiến anh ấy say mê và kích thích, cả cảm giác phiêu lưu nữa. Nếu bất chợt hỏi John tên người phụ nữ xuất hiện nhiều nhất trong tâm trí anh ấy, ông biết John sẽ đáp thế nào không?—Bà Crabtree.”
“Bà Crabtree?” Poirot ngạc nhiên. “Vậy bà ấy là ai?”
Giọng Henrietta run run, nghe như muốn cười, lại như muốn khóc:
“Một bà lão già nua, nhăn nheo xấu xí, mà kiên cường lắm. John toàn nghĩ về bà ấy. Hiện bà đang nằm tại bệnh viện Thánh Christopher, do Hội chứng Ridgeway. Đó là một loại bệnh hiếm, nếu mắc phải là cầm chắc sẽ chết bởi chưa có cách chữa. Nhưng John đang nghiên cứu cách chữa bệnh ấy—giải thích sâu về chuyên môn thì tôi chịu, phức tạp lắm, nhưng đại khái là liệu pháp tác động vào hormone. John làm rất nhiều thí nghiệm và bà Crabtree là bệnh nhân vàng của anh ấy. Ông thấy đó, bà ấy rất gan dạ, bà muốn sống, và bà cũng quý mến John. Hai người họ xem như cùng chiến tuyến. Bệnh Ridgeway và bà Crabtree đã chiếm toàn bộ tâm trí John nhiều tháng trời, bất kể ngày đêm, những chuyện khác đều là phụ. Đó mới là người bác sĩ thật sự trong John, chứ không phải chỉ là một bác sĩ mở phòng khám trên đường Harley để moi tiền mấy bà béo phệ, giàu có. Anh có sự ham mê khám phá sâu sắc với khoa học và khao khát thành tựu. Tôi… tôi mong là ông hiểu được.”
Cô hơi dang tay, vẻ bất lực, Hercule Poirot thấy đôi bàn tay ấy sao mà đáng yêu và nhạy cảm.
Ông nói. _“Cô_ có vẻ hiểu rất rõ.”
“Vâng, tôi hiểu chứ. Khi trước John thường đến trò chuyện với tôi. Một phần muốn gặp tôi, mà phần nào đó cũng vì chính anh ấy khi muốn nghĩ ngợi thông suốt điều gì. Có đôi khi anh gần như tuyệt vọng, không biết làm sao để giảm mức độc tính của thuốc chẳng hạn, rồi anh lại nảy ra ý tưởng về hướng điều trị mới. Tôi không biết giải thích với ông thế nào, quá trình đó, vâng, hệt như một trận chiến đúng nghĩa. Ông thử hình dung về sự phẫn nộ, tập trung, đôi khi dằn vặt trăn trở của John. Và cũng có những lúc mệt mỏi đến rã rời…”
Cô nín lặng chừng một hai phút, mắt mờ đi vì nỗi hoài niệm.
Poirot hỏi:
“Hẳn cô cũng biết chút ít kiến thức chuyên môn?”
Cô lắc đầu.
“Không đâu, chỉ vừa đủ để hiểu những gì John nói thôi. Tôi tự mua sách đọc thêm.”
Cô lại nín lặng, nét mặt giãn ra, đôi môi hơi hé mở. Hẳn là cô ấy đang nhớ lại chuyện cũ, ông nghĩ.
Thở dài một hơi, cô trở lại với thực tại, buồn bã nhìn ông thám tử.
“Ước gì tôi có thể nói cho ông hiểu…”
“Cô đã làm được rồi đó.”
“Thật sao?”
“Phải. Nếu chịu lắng nghe thì sẽ biết được thật giả thôi.”
“Cảm ơn ông. Nhưng giải thích cho thanh tra Grange thì không dễ.”
“Có lẽ vậy. Ông ấy sẽ tập trung vào góc độ cá nhân thôi.”
Henrietta kêu to:
“Nhưng chuyện đó không quan trọng, hoàn toàn không quan trọng mà!”
Poirot chậm rãi nhướng mày. Cô vừa đáp lại lời phản đối ngầm của ông.
“Nhưng thật vậy mà! Ông thấy đó, tôi đứng giữa John và những gì anh ấy suy ngẫm. Rồi vì tôi là phụ nữ, tôi cũng có ảnh hưởng đến anh. Anh không tập trung nổi khi cần tập trung, bởi vì tôi. Anh bắt đầu e sợ rằng anh sẽ yêu tôi, anh đâu muốn để lòng yêu ai. Anh ấy… làm tình với tôi chỉ vì không muốn nghĩ về tôi quá nhiều. Anh muốn mối quan hệ của hai chúng tôi thoải mái, đơn giản như những mối tình trước mà thôi.”
“Và cô…” ông Poirot nhìn cô chăm chú. “Cô bằng lòng với mối quan hệ… chỉ đến thế.”
Henrietta đứng dậy. Giọng cô khô khan:
“Không, tôi không bằng lòng. Dù sao, cũng là con người mà…”
Ông Poirot im lặng chừng một phút, lại hỏi:
“Vậy thì tại sao, thưa cô…”
“Tại sao à?” Cô đi qua đi lại. “Vì tôi muốn John được thỏa mãn, tôi mong John đạt được điều anh ấy muốn. Tôi hy vọng anh ấy có thể tiếp tục theo đuổi mối quan tâm, là sự nghiệp. Nếu anh ấy không muốn bị tổn thương như ngày xưa… thì, tại sao à… thì như thế tôi cũng chịu được.”
Ông Poirot xoa xoa mũi.
“Vậy, cô Savernake, cô có nhắc đến Veronica Cray. Cô ấy cũng là bạn của John Christow sao?”
“Hai người họ mới gặp lại vào tối thứ Bảy vừa rồi, sau mười lăm năm.”
“John biết cô ấy đã nhiều năm thế sao?”
“Họ từng đính hôn.” Henrietta ngồi xuống ghế. “Để tôi nói rõ hơn. John yêu Veronica vô cùng. Nói cách nào đó, Veronica quá nổi bật, sáng chói, và đồng thời ích kỷ vô cùng. Veronica muốn John bỏ hết những gì anh đam mê và trở thành anh chồng nhỏ bé ngoan ngoãn của cô ta là được. John đã chia tay, cũng phải thôi. Nhưng anh vô cùng dằn vặt đau khổ vì quyết định đó. Vậy nên anh cưới một người trái ngược hoàn toàn với Veronica—Gerda, nếu nói thẳng ra thì chị ấy đần như khúc gỗ. Cuộc hôn nhân như thế sẽ rất êm đẹp, an toàn, nhưng rồi cũng đến ngày anh đâm ra bực bội vì cưới một khúc gỗ như vậy. Anh có nhiều mối tình, đều là hoa cỏ qua đường. Tất nhiên Gerda hoàn toàn chẳng biết gì. Nhưng tôi nghĩ trong suốt mười lăm năm qua, John vẫn ôm khúc mắc trong lòng, về Veronica. Anh chưa từng dứt khoát được với quá khứ. Rồi tối thứ Bảy đó, anh gặp lại cổ.”
Ngừng một lúc lâu, rồi ông Poirot nói như tường thuật:
“John ra ngoài, tiễn Veronica về nhà và trở lại Thung Lũng lúc ba giờ sáng.”
“Sao ông biết?”
“Một cô hầu gái trong nhà đau răng không ngủ được.”
Henrietta nhận xét chẳng liên quan:
“Chị Lucy có nhiều người hầu lắm.”
“Nhưng chính cô cũng biết điều đó mà.”
“Phải.”
“Vậy sao cô lại biết?”
Cô mỉm cười.
“Vì tôi cũng ôm một nỗi đau khác, ông Poirot à.”
Cô đứng dậy, ra cửa. Poirot nói:
“Tôi sẽ tiễn cô về.”
Họ băng sang đường, đi qua cánh cổng dẫn vào rừng cây dẻ.
Henrietta nói:
“Ta không cần đi qua hồ bơi đâu. Có thể đi lên men theo lối mòn bên trái, ngang qua khu trồng hoa.”
Con đường rừng khá dốc. Một lát sau, họ ra được chỗ thoáng đãng hơn, ở góc phải sườn đồi, phía trên rừng cây dẻ. Chỗ này có đặt băng ghế, Henrietta ngồi xuống, ông Poirot cũng nghỉ chân bên cạnh. Những tán cây rừng phủ bóng trên đầu và sau lưng họ, bên dưới là rừng cây dẻ dày đặc. Ngay trước mặt là con đường mòn uốn lượn đổ dốc, từ đây đã thoáng thấy mặt nước hồ bơi lấp lóe.
Poirot im lặng quan sát Henrietta. Gương mặt cô giãn ra, vẻ căng thẳng không còn, nên trông tròn đầy và trẻ trung hơn. Ông nhận ra những đường nét thời thiếu nữ còn đọng lại.
Cuối cùng, ông hỏi rất nhẹ nhàng:
“Cô đang nghĩ gì vậy, thưa cô?”
“Về Ainswick.”
“Ainswick là gì?”
“Là một góc trần gian.” Rồi cô mơ màng tả cho ông nghe về dinh thự ấy. Ngôi nhà duyên dáng màu trắng, cây ngọc lan cổ thụ, tất cả được bao bọc bởi những ngọn đồi xanh rậm bóng cây.
“Đó là nhà cô sao?”
“Không hẳn, tôi sống ở Ireland. Đó là nơi tất cả anh chị em về chơi vào những dịp lễ. Edward, Midge và tôi nữa. Đó là cơ ngơi cha của Lucy để lại, sau khi ông mất, Edward được thừa hưởng.”
“Không phải để lại cho Sir Henry sao? Ông ấy mới là người có tước vị.”
“À anh Henry được phong tước hiệp sĩ,” cô giải thích. “Nhưng anh ấy chỉ là người họ hàng xa.”
“Vậy tiếp sau Edward Angkatell thì dinh thự Ainswick sẽ truyền cho ai?”
“Lạ thật, tôi chưa từng nghĩ về việc ấy. Nếu Edward không kết hôn…” cô ngừng lời, gương mặt thoáng trầm xuống.
Hercule Poirot tự hỏi cô vừa nghĩ đến điều gì.
“Theo tôi thì,” Henrietta chậm rãi nói tiếp, “sẽ truyền cho David. Chính vì vậy…”
“Vì sao?”
“Vì vậy nên Lucy mời cậu ấy đến đây… David và Ainswick?” Cô lắc đầu. “Cậu ấy có vẻ không hợp với nơi ấy.”
Ông Poirot trỏ con đường mòn trước mắt.
“Cô đã men theo lối này để đến hồ bơi ngày hôm qua phải không?”
Cô rùng mình.
“Không, theo con đường gần nhà hơn. Edward mới đi theo lối này.” Cô chợt quay sang nhìn ông. “Mà chúng ta phải nói tiếp về chuyện đó nữa sao? Tôi ghét hồ bơi. Tôi ghét cả Thung Lũng này.”
Poirot đọc khẽ:
Ta căm ghét làm sao thung lũng ghê sợ sau rừng cây nhỏ;
Vết loét giữa cánh đồng ngập màu máu đỏ,
Mạch nguồn rỉ tuôn nỗi kinh hoàng câm lặng
Và dẫu hỏi điều chi, tiếng vọng về chỉ khăng khăng:
“Cái Chết.”
Henrietta sửng sốt nhìn ông.
“Tennyson,” Hercule Poirot gật gù tự hào, “bài thơ của ngài Nam tước Tennyson đó.”
Henrietta lặp lại:
“Và dẫu hỏi điều chi, tiếng vọng về…” Cô lẩm bẩm như tự nói với mình, “tất nhiên, tôi hiểu đó là gì, Tiếng vọng!”
“Ý cô là sao, tiếng vọng gì?”
“Nơi này, Thung Lũng này! Tôi đã nhận thấy điều đó vào hôm thứ Bảy, khi Edward và tôi đi dạo trên đỉnh đồi. Tiếng vọng của Ainswick. Tất cả chúng ta đều thế, những người thuộc họ Angkatell. Những tiếng vọng! Chúng tôi không thực sống… không như John.” Cô lại nhìn Poirot. “Giá mà ông biết anh ấy, ông Poirot. Tất cả chúng tôi chỉ là hình bóng nhạt nhòa so với John. John mới sống đúng nghĩa sống trên đời.”
“Tôi biết điều đó, ngay cả khi thấy cậu ấy hấp hối.”
“Tôi hiểu. Ai cũng cảm nhận được… John chết rồi, còn chúng tôi, những tiếng vọng, lại sống… Ông biết không, nghe như một trò đùa dở tệ.”
Vẻ trẻ trung rút cạn khỏi gương mặt cô. Đôi môi cô vặn vẹo rúm ró vì nỗi đau chợt tới.
Đến khi Poirot lại lên tiếng hỏi, cô thậm chí không kịp nghe hiểu.
“Xin lỗi, ông vừa nói gì?”
“Tôi hỏi rằng dì của cô, bà Angkatell, có quý mến ông Christow không?”
“Ông hỏi Lucy à? Bà ấy có thể coi là chị em họ xa, nhưng không phải dì tôi. Vâng, chị ấy rất quý John.”
“Vậy người anh em họ kia… cậu Edward Angkatell, cậu ấy có mến ông Christow không?”
Khi cô đáp, ông nghe ra chút căng thẳng trong giọng nói:
“Không hẳn… nhưng hai người đó cũng chưa tiếp xúc nhiều.”
“Vậy còn cậu David Angkatell?”
Henrietta mỉm cười.
“David ấy à, tôi cho là cậu ấy không ưa tất cả chúng tôi. Cậu thích trốn vào thư viện để đọc bộ bách khoa toàn thư thôi.”
“Xem chừng là người nghiêm nghị.”
“Tôi thấy thương cho David. Cuộc sống ở nhà cậu ấy chẳng dễ dàng gì, người mẹ thì tâm trí bất thường, không làm gì được. Vậy nên cách duy nhất để cậu ấy tự vệ là cố tỏ ra cao hơn tất thảy. Thường thì vỏ bọc ấy khiến cậu an toàn, nhưng thi thoảng cũng sụp đổ, và David trở nên rất dễ tổn thương.”
“Cậu ấy có cảm thấy mình cao hơn ông Christow không?”
“Cậu ấy cố tỏ ra như thế, nhưng tôi xem chừng không đạt. Có khi John Christow chính là hình mẫu mà David muốn đạt tới. Cũng vì vậy mà cậu ta không ưa John.”
Poirot gật đầu suy tư.
“Phải, tự khẳng định, tự tin, kiên quyết… toàn những phẩm chất mạnh mẽ của đàn ông. Thú vị, thú vị thật.”
Henrietta không đáp.
Đi qua rừng cây dẻ, xuống hồ bơi, Hercule Poirot nhìn thấy một người đang lúi cúi như tìm gì đó.
Ông lẩm bẩm, “Phải chăng…”
“Xin lỗi?”
Poirot đáp. “Là quân của thanh tra Grange. Có vẻ cậu ấy đang tìm gì đó.”
“Chắc là tìm dấu vết. Cảnh sát luôn tìm dấu vết sót lại phải không? Như tàn thuốc lá, dấu chân, que diêm đã quẹt.”
Giọng cô nhuốm vẻ mỉa mai cay đắng. Ông Poirot nghiêm túc trả lời.
“Phải, họ tìm những dấu vết ấy, và đôi khi cũng tìm được thật. Nhưng manh mối thực sự trong vụ này, cô Savernake là, nằm trong các mối quan hệ của những người trong cuộc.”
“Tôi chưa hiểu ý ông.”
“Manh mối nằm ở những điều nhỏ nhặt,” Poirot hơi ngửa mặt, mắt lim dim. “Nhưng không phải tàn thuốc lá hay dấu giày cao su, mà là một cử chỉ, một ánh nhìn, một hành động bất thường…”
Henrietta quay phắt sang nhìn ông. Ông cảm thấy ánh nhìn đó, nhưng không quay lại. Cô hỏi:
Ông có đoán định… điều gì cụ thể chưa?”
“Tôi đang nhớ lại cách cô bước tới trước, lấy súng từ tay bà Christow rồi đánh rơi nó xuống hồ.”
Ông thấy cô hơi giật mình, nhưng giọng nói vẫn bình tĩnh như trước.
“Gerda vốn là người vụng về. Trong lúc đang bàng hoàng như vậy mà để cô ấy cầm súng còn nguyên đạn, thì cô ấy có khi vô tình bóp cò trúng ai đó.”
“Nhưng người vụng về lại chính là cô đấy chứ, phải vậy không, cô làm rơi súng xuống hồ kia mà?”
“Tôi cũng bị sốc mà.” Cô ngừng lại. “Ông định ám chỉ điều gì, ông Poirot?”
Ông Poirot ngồi xuống, quay sang nhìn Henrietta và nói bằng giọng quả quyết, khách quan.
“Nếu có dấu tay của nhiều người trên cây súng thì có nghĩa rằng dấu tay đó in lên trước khi bà Christow cầm lấy súng, nếu biết được những ai từng chạm súng thì tốt quá, nhưng giờ thì rõ là ta không thể biết được.”
Henrietta nói nhỏ nhưng vững giọng:
“Vậy ông cho rằng dấu tay trên súng là của tôi. Ông cho rằng tôi bắn John rồi đặt súng bên cạnh anh ấy, để Gerda đi tới, nhặt súng lên và đứng đó với khẩu súng trên tay. Ý ông là vậy, phải không? Nhưng chắc chắn, nếu tôi làm vậy, ông phải hiểu rằng tôi đủ thông minh để lau sạch dấu tay của mình trước chứ!”
“Và chắc hẳn cô cũng đủ thông minh để biết rằng, nếu cô làm thế và trên súng không có dấu tay nào ngoài dấu tay của bà Christow, thì chuyện đó rất lạ thường! Bởi cô và những người khác đã tập bắn bằng cây súng đó ngày hôm trước vụ án mạng. Khó có khả năng Gerda lau sạch súng trước khi dùng, bởi lý do nào phải làm vậy?”
Henrietta chậm rãi hỏi:
“Vậy ông cho rằng tôi giết John sao?”
“Khi ông Christow hấp hối, ông ấy nói: Henrietta.”
“Ông cho đó là lời buộc tội sao? Đâu phải thế.”
“Vậy đó là gì?”
Henrietta duỗi chân, vẽ những đường vô định trên mặt đất. Cô nói khẽ:
“Ông quên rồi sao… điều tôi nói khi trước? Chuyện tôi và anh ấy?”
“A phải, ông bác sĩ là người yêu của cô, và trong phút lâm chung, ông ấy gọi tên cô. Thật cảm động quá.”
Cô liếc ông sắc lẻm.
“Ông cứ phải nhạo báng vậy sao?”
“Tôi không nhạo báng cô. Tôi chỉ không thích bị lừa, mà rõ là cô đang cố lừa tôi.”
Henrietta bình tĩnh lại.
“Tôi thừa nhận là tôi cũng không thành thật lắm, nhưng khi John gọi ‘Henrietta’ thì đó không phải là lời buộc tội tôi. Ông không hiểu những người như chúng tôi, những người sáng tạo, thì lại rất dở thích ứng với đời sao? Tôi không giết người đâu ông Poirot, tôi không có khả năng giết ai cả. Sự thật đơn giản là vậy thôi. Ông nghi ngờ tôi chẳng qua vì người sắp chết thì thầm tên tôi, dù khi ấy John hẳn khó mà biết mình đang nói gì.”
“Bác sĩ Christow biết rất rõ mình đang nói gì. Giọng của anh ta khi đó vẫn tỉnh táo như khi trong phòng mổ và ra y lệnh: ‘Y tá, đưa kẹp, cảm ơn.’”
“Nhưng…” cô hoang mang lùi lại.
Hercule Poirot nói tiếp rất nhanh:
“Và tôi không chỉ dựa vào chuyện đó. Tôi không tin rằng cô có khả năng lập kế hoạch rồi giết người, không. Nhưng có thể cô bắn phát súng đó giữa cơn điên giận tột cùng, và nếu vậy… nếu vậy, thưa cô, hẳn người làm sáng tạo như cô sẽ có trí tưởng tượng và kỹ năng để che giấu vết tích của mình.”
Henrietta đứng dậy, tái nhợt và run rẩy. Cô nhìn ông thanh tra, rồi chợt nở nụ cười tiếc nuối:
“Tôi những tưởng ông mến tôi kia đấy.”
Hercule Poirot thở dài, buồn bã đáp:
“Thật chẳng may cho tôi. Đúng là như thế.”