Trường Ca Achilles - Chương 21
CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT
CƯỚP BÓC ĐI ĐÔI VỚI CHIA CHÁC. Đây là truyền thống của chúng tôi, là ban thưởng, là giành chiến lợi phẩm. Mỗi người đều được giữ những thứ họ tự chiếm được - áo giáp lột từ một người lính tử trận, trang sức giật xuống từ cổ một góa phụ. Nhưng số còn lại, bình rượu với thảm và bình, được mang tới đài cao và chất chồng lên để chia cho nhau.
Giá trị bất kì đồ vật nào cũng không quan trọng bằng danh vọng. Phần ta được chia tương đương với địa vị của ta trong đội quân. Phần chia chác đầu tiên thường tới tay chiến binh giỏi nhất trong đội quân, nhưng Agamemnon tự xưng lão là số một và Achilles đứng thứ hai. Tôi lấy làm ngạc nhiên là Achilles chỉ nhún vai. “Ai cũng biết mình giỏi hơn. Việc này chỉ khiến Agamemnon trông tham lam hơn thôi.” Cậu nói đúng, dĩ nhiên là vậy. Và mọi chuyện còn ngọt ngào hơn nữa khi binh lính tung hô chúng tôi, bước lảo đảo dưới đống phần thưởng của chúng tôi, và không hô hào gì với Agamemnon. Chỉ có quân Mycenae của lão vỗ tay cho lão.
Sau Achilles là tới Ajax, rồi đến lượt Diomedes và Menelaus, Odysseus và cứ tiếp tục cho tới khi Cebriones chỉ còn có mũ giáp bằng gỗ và những cốc rượu sứt mẻ. Tuy vậy, đôi khi, nếu một chiến binh đã chiến đấu đặc biệt anh dũng ngày hôm đó, vị chỉ huy có thể ban thưởng cho anh ta thứ gì đó đặc biệt quý giá, trước cả lượt của chiến binh số một. Theo cách đó, kể cả Cebriones vẫn không hết hi vọng.
VÀO TUẦN THỨ BA, một cô gái đứng trên đài giữa đao kiếm, thảm dệt và đồ vàng. Nàng rất đẹp, da nàng màu nâu sẫm, tóc đen tuyền và óng ả. Phía trên gò má nàng là một vết bầm đang lan rộng ở nơi một nắm đấm đã đánh lên. Trong ánh sáng chạng vạng, mắt nàng dường như cũng bầm tím, thâm như thể kẻ chì đen Ai Cập. Váy nàng rách toạc ở vai và thấm máu. Tay nàng bị trói chặt.
Binh lính háo hức túm tụm lại. Họ biết sự hiện diện của nàng có nghĩa là gì - Agamemnon đang trao cho chúng tôi quyền được có người hầu trong doanh trại, có thê thiếp chiến lợi phẩm và nô lệ hầu giường. Cho tới giờ, phụ nữ vẫn đơn giản là bị cưỡng bức trên các cánh đồng và bỏ lại. Làm chuyện đó trong lều của riêng ta thì là một sắp xếp tiện nghi hơn nhiều.
Agamemnon lên đài, và tôi thấy mắt lão lướt qua thiếu nữ, một cái cười khẽ trên miệng lão. Lão nổi tiếng - mọi nhánh của gia tộc Atreus đều vậy - với ham muốn của lão. Tôi không biết điều gì đã choán lấy mình lúc đó. Nhưng tôi túm cánh tay Achilles và thì thầm vào tai cậu.
“Giành lấy nàng đi.”
Cậu quay sang tôi, mắt mở to trong kinh ngạc.
“Giành lấy nàng lầm phần thưởng đi. Trước khi Agamemnon làm vậy. Xin cậu đấy.”
Cậu lưỡng lự, nhưng chỉ trong giây lát.
“Hỡi các chiến binh Hy Lạp.” Cậu bước tới, vẫn đang trong bộ giáp ngày hôm đó, vẫn lấm lem máu. “Hỡi vua xứ Mycenae.”
Agamemnon quay lại đối diện với cậu, cau mày. “Sao vậy, Pelides?”
“Ta sẽ nhận lấy thiếu nữ này như chiến lợi phẩm của ta.”
Ở phía bên kia đài Odysseus nhướn một bên mày. Binh lính xung quanh chúng tôi rì rầm. Yêu cầu của cậu khá bất thường, nhưng không hề quá đáng; ở bất kì đội quân nào khác, lựa chọn đầu tiên cũng sẽ là của cậu mà thôi. Cơn cáu kỉnh lướt qua trong mắt Agamemnon. Tôi thấy suy nghĩ xoay chuyển trên mặt lão: Lão không thích Achilles, nhưng không đáng, ở đây, ngay bây giờ, để tỏ ra keo kiệt. Nàng đẹp, nhưng sẽ còn những phụ nữ khác.
“Ta chấp thuận mong muốn của ngươi, hoàng tử xứ Phthia. Nàng là của ngươi.”
Đám đông hò hét ủng hộ - họ thích chỉ huy của họ hào phóng, còn anh hùng thì quả cảm và dũng mãnh.
Mắt nàng đã theo dõi cuộc trò chuyện với một trí tuệ rạng ngời. Khi nàng hiểu rằng mình sẽ đi cùng chúng tôi, tôi thấy nàng nuốt khan, ánh mắt liếc sang Achilles.
“Ta sẽ để người của mình lại đây, để mang chỗ của cải còn lại về. Thiếu nữ sẽ đi với ta ngay bây giờ.”
Những tiếng cười tán thưởng và huýt gió vang lên từ phía binh lính. Thiếu nữ cả người run rẩy, rất nhẹ thôi, như con thỏ bị chim ưng trên cao tấm tia. “Đi thôi,” Achilles ra lệnh. Chúng tôi quay đi. Mặt cúi gằm, nàng bước theo sau.
KHI ĐÃ TRỞ LẠI DOANH TRẠI, Achilles rút dao ra, và mái đầu thiếu nữ khẽ rụt lại vì sợ. Cậu vẫn đẫm máu sau trận chiến hôm đó; nơi cậu cướp bóc chính là ngôi làng của nàng.
“Để mình làm cho,” tôi bảo cậu. Cậu đưa cho tôi con dao và lùi lại, gần như ngượng nghịu.
“Ta sẽ thả nàng ra,” tôi nói.
Khi đến gần, tôi thấy được màu mắt nàng sẫm tới chừng nào, nâu trầm như thứ đất màu mỡ nhất, và đôi mắt to tròn đặt trên khuôn mặt trái xoan của nàng. Ánh mắt nàng liếc từ lưỡi dao sang tôi. Tôi nghĩ về những chú chó hoảng sợ tôi đã từng thấy, chúng nhỏ bé và dữ dội khi bị dồn vào góc tường.
“Không, không,” tôi vội vàng nói. “Chúng ta sẽ không làm hại nàng. Ta sẽ thả nàng ra.”
Nàng nhìn chúng tôi kinh hãi. Chỉ thần linh mới biết nàng nghĩ chúng tôi đang nói gì. Nàng là một thôn nữ người Anatolia, không có lí do gì mà nàng từng nghe qua tiếng Hy Lạp trước kia. Tôi bước tới đặt tay lên cánh tay nàng, để trấn an nàng. Nàng co cụm lại như thể chờ đợi một cú đánh. Tôi thấy sự sợ hãi trong mắt nàng, sợ bị cưỡng bức và những việc còn tệ hơn thế.
Tôi không thể chịu được điều ấy. Chỉ có duy nhất một việc tôi có thể nghĩ đến. Tôi quay sang Achilles và nắm lấy cổ áo tunic của cậu. Tôi hôn cậu.
Khi tôi rời cậu ra, nàng đang nhìn chúng tôi. Nhìn và nhìn chăm chú.
Tôi ra hiệu về phía dây trói nàng và về lại phía con dao. “Được chứ?”
Nàng do dự một hồi. Rồi chậm rãi đưa tay ra.
ACHILLES RỜI ĐI ĐỂ NÓI CHUYỆN với Phoinix về việc dựng thêm một lều khác. Tôi dẫn nàng tới ngọn đồi bên thảm cỏ và bảo nàng ngồi xuống khi tôi chế thuốc đắp cho khuôn mặt bầm tím của nàng. Thật rón rén, mắt vẫn cụp xuống, nàng nhận lấy thuốc. Tôi chỉ xuống chân nàng - nơi đó rách toạc, một vết cắt chạy dài dọc cẳng chân nàng.
“Ta xem được chứ?” Tôi hỏi, ra hiệu về phía vết thương. Nàng không trả lời, nhưng miễn cưỡng để tôi cầm chân nàng, phủ thuốc lên vết thương, và buộc kín bằng băng gạc. Nàng theo dõi mọi cử động của tay tôi và chẳng bao giờ nhìn vào mắt tôi.
Sau đó, tôi dẫn nàng tới mái lều vừa dựng. Nàng có vẻ giật mình trước căn lều này, gần như sợ không dám bước vào. Tôi lật tung cửa lều và ra hiệu - thực phẩm, chăn ấm, một vại nước, và vài thứ quần áo bỏ đi.
Ngập ngừng, nàng bước vào trong, và tôi để nàng ở đó, mắt to tròn, ngắm nhìn mọi thứ.
HÔM SAU ACHILLES LẠI ĐI CƯỚP BÓC. Tôi lượn lờ quanh trại, nhặt củi, hạ nhiệt chân mình trong sóng nước. Lúc nào tôi cũng để tâm tới căn lều mới ở góc trại. Chúng tôi chưa thấy bóng dáng nàng đâu; cửa lều khép chặt như cổng thành Troy. Tôi đã suýt tới đó gọi nàng qua lớp vải cả chục lần.
Cuối cùng, giữa trưa, tôi thấy nàng ở cửa lều. Nàng đang nhìn tôi, đứng thập thò sau tấm vải. Khi nhận ra tôi đã thấy nàng, nàng vội vàng quay lưng và dợm đi vào.
“Chờ đã!” Tôi kêu lên.
Nàng cứng đờ lại. Chiếc tunic nàng mặc - một trong những chiếc áo của tôi dài quá đầu gối và khiến nàng trông bé nhỏ vô cùng. Nàng bao nhiêu tuổi nhỉ? Tôi còn chẳng biết nữa.
Tôi đi tới chỗ nàng. “Xin chào.” Nàng nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt to tròn kia. Tóc nàng đã được vén ra sau, để lộ gò má tinh tế. Nàng rất đẹp.
“Nàng ngủ có ngon không?” Tôi không biết tại sao tôi cứ nói chuyện với nàng. Tôi nghĩ nói chuyện sẽ khiến nàng cảm thấy thoải mái. Có lần tôi nghe thầy Chiron nói rằng ta nói chuyện với em bé là để xoa dịu chúng.
“Patroclus,” tôi nói, chỉ vào bản thân. Mắt nàng lướt sang tôi, rồi nhìn đi chỗ khác.
“Pa-tro-clus.” Tôi chậm rãi lặp lại. Nàng không trả lời, không cử động; ngón tay nàng nắm chặt lớp vải của tấm che cửa lều. Lúc ấy tôi thấy thật hổ thẹn. Tôi đang làm nàng sợ.
“Ta sẽ để nàng được yên vậy,” tôi nói. Tôi nghiêng đầu và cất bước.
Nàng nói gì đó, nhỏ tới nỗi tôi không nghe được. Tôi dừng lại.
“Sao cơ?”
“Briseis,” nàng lặp lại. Nàng đang chỉ vào mình.
“Briseis ư?” Tôi hỏi. Nàng gật đầu, thẹn thùng. Đó là khởi đầu của chúng tôi.
HÓA RA NÀNG CÓ BIẾT MỘT CHÚT tiếng Hy Lạp. Vài từ cha nàng đã học được và dạy nàng khi ông nghe nói quân lính đang tới. Hãy rủ lòng thương là một. Vâng, làm ơn và ngài muốn gì ạ? Một người cha, dạy con gái mình cách làm nô lệ.
Ban ngày, ngoài chúng tôi ra, doanh trại gần như trống trơn. Chúng tôi sẽ ngồi trên bãi biển và nói với nhau câu được câu chăng. Tôi bắt đầu hiểu biểu cảm của nàng trước tiên, sự im lặng trầm lắng trong đôi mắt nàng, những nụ cười thoáng qua nàng sẽ che giấu dưới bàn tay. Chúng tôi không nói được gì nhiều, trong những ngày đầu tiên ấy, nhưng tôi không quan tâm. Có sự thanh thản khi ngồi bên nàng, sóng biển thân thiện lăn tăn trên bàn chân chúng tôi. Cảm giác ấy khiến tôi nhớ về mẹ, gần như là vậy, nhưng mắt Briseis lấp lánh quan sát xung quanh trong khi mắt mẹ tôi chưa bao giờ như vậy.
Đôi khi vào buổi chiều chúng tôi sẽ đi bộ cùng nhau vòng quanh khu trại, chỉ vào từng thứ nàng chưa biết tên gọi. Những từ ngữ chất chồng lên nhau mau tới nỗi chẳng mấy chốc chúng tôi đã cần tới những hiệu lệnh chi tiết hơn. Nấu bữa tối, gặp ác mộng. Ngay cả khi kí hiệu của tôi thật vụng về, Briseis vẫn hiểu và dịch chúng thành một chuỗi những động tác chính xác tới nỗi tôi có thể ngửi thấy mùi thịt đang nấu. Tôi thường bật cười trước sự khéo léo của nàng, và nàng sẽ tặng cho tôi một nụ cười kín đáo.
***
NHỮNG CUỘC CƯỚP BÓC VẪN TIẾP TỤC. Mỗi ngày Agamemnon sẽ trèo lên đài, đứng giữa chiến lợi phẩm của hôm ấy và nói, “Không có tin mới.” Không có tin mới nghĩa là không có quân lính, không dấu hiệu, không động tĩnh từ thành Troy. Tòa thành bướng bỉnh nằm ở chân trời và khiến chúng tôi chờ đợi.
Binh lính giải khuây bằng nhiều cách. Sau Briseis, có một hai thiếu nữ đứng trên đài vào mỗi ngày. Họ đều là thôn nữ với những bàn tay chai sạn và mũi rám nắng, quen với lao động nặng nhọc dưới ánh mặt trời. Agamemnon giành phần của lão, và những vị vua khác nữa. Giờ ta thấy họ ở khắp nơi, qua lại giữa những mái lều, làm sánh những xô nước lên những tấm váy dài nhăn nhúm - đồ họ đã mặc vào ngày bị bắt đi. Họ phục vụ hoa quả, phô mai và olive, thịt thái khúc, châm đầy những cốc rượu. Họ đánh bóng chiến giáp, kẹp miếng giáp ngực giữa hai chân khi họ ngồi trên cát. Một số người còn dệt vải, bện chỉ từ những búi lông cừu rối tinh, mấy con vật chúng tôi đã bắt về trong những cuộc cướp bóc.
Về đêm họ phục vụ theo kiểu khác, và tôi co rúm lại trước những tiếng la hét vọng tới tận góc chúng tôi ở trong khu trại. Tôi cố không nghĩ về những ngôi làng cháy rụi và những người cha đã chết, nhưng những hình ảnh ấy thật khó xua đi. Những cuộc cướp bóc in hằn lên khuôn mặt từng người phụ nữ, những vệt buồn đau khổng lồ khiến mắt họ rưng rưng và ướt sũng như những xô nước đập lên chân họ. Và những vết bầm nữa, đến từ những nắm đấm hay khuỷu tay, và đôi khi là những hình tròn vạnh - từ cán giáo, đập lên trán hay thái dương.
Tôi gần như không nhìn nổi những người phụ nữ này khi họ lẩy bẩy bước vào khu trại để bị phân chia. Tôi để Achilles đi nhận lấy họ, tìm về nhiều nhất có thể, và binh lính trêu cậu là háu đói, là dâm tính vô tận. “Ta còn không biết là cậu thích phụ nữ,” Diomedes trêu chọc.
Mỗi người phụ nữ mới tới đều đến chỗ Briseis trước, nàng sẽ an ủi người ấy bằng thứ tiếng Anatolia dịu dàng. Người ấy sẽ được tắm rửa và được cho quần áo mới, rồi sẽ ở cùng những người khác trong lều. Chúng tôi đã dựng một núi lều mới, to hơn, để vừa với tất cả: tám, mười, mười một cô gái. Hầu như chỉ có Phoinix và tôi nói chuyện với họ; Achilles tránh ra xa. Cậu biết họ đã thấy cậu giết anh trai, tình nhân và cha họ. Có những điều không thể tha thứ nổi.
Dần dà, họ đã bớt sợ. Họ dệt vải, và nói chuyện bằng thứ tiếng của họ, bảo nhau những từ họ đã học được từ chúng tôi - những từ có ích, như phô mai, hay nước, hay len. Họ không nhanh nhẹn bằng Briseis, nhưng họ xâu chuỗi chúng đủ để có thể nói chuyện với chúng tôi.
Briseis nảy ra ý tưởng rằng tôi sẽ dành vài giờ với họ mỗi ngày, dạy họ ngôn ngữ. Nhưng những giờ học khó hơn tôi tưởng: những người phụ nữ này đầy phòng bị, mắt họ liếc nhau; họ không chắc phải làm gì với sự hiện diện đột ngột của tôi trong cuộc sống của họ. Lại là Briseis khiến họ bớt sợ và khiến những giờ học của chúng tôi trở nên chi tiết hơn, chen ngang với lời giải thích hay một cử chỉ cắt nghĩa. Tiếng Hy Lạp của nàng giờ đã khá tốt, và càng ngày càng là tôi làm theo nàng hơn. Nàng dạy tốt hơn tôi, và còn vui tính nữa. Điệu bộ bắt chước của nàng khiến chúng tôi lăn ra cười: một con thằn lằn ngái ngủ, hai con chó đánh nhau. Thật dễ dàng để ở cùng họ hàng giờ liền tới khi tối muộn, cho tới khi tôi nghe thấy tiếng kẽo kẹt của chiến xa, đi cùng tiếng kim loại loảng xoảng ở đằng xa, và trở về chào đón Achilles của tôi.
Thật dễ dàng, trong những giây phút ấy, để quên đi rằng chiến tranh vẫn chưa thực sự bắt đầu.