Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 07
CHƯƠNG 7
Thánh Khinh Thân
“Tối qua ở một chỗ tụ tập đông người, mình thấy một yogi đứng trên không, cách mặt đất cả thước.” Bạn tôi, Upendra Mohun Chowdhury, tuyên bố một cách thật ấn tượng.
Tôi cười nhiệt tình với cậu ta. “Chắc mình đoán được tên thầy ấy. Có phải là Bhaduri Mahasaya, ở đường Vành đai thượng (Upper Circular) không?”
Upendra gật đầu, có phần tiu nghỉu vì không phải là người đưa tin mới. Tính hiếu kỳ ham tìm hiểu về các vị thánh của tôi có tiếng trong đám bạn; bọn họ thích được cung cấp cho tôi một manh mối mới.
“Yogi này sống gần nhà mình đến độ mình đến thăm thầy luôn.” Câu nói của tôi khiến Upendra háo hức chú ý ra mặt, và thế là tôi kể thêm.
“Mình đã chứng kiến thầy làm những điều phi thường. Thầy tinh thông nhiều pranayama[58] khác nhau được đề cập trong yoga tám bước xưa mà Patanjali[59] đã phác ra. Có lần, trước mặt mình, Bhaduri Mahasaya luyện Bhastrika Pranayama với một sức mạnh không thể tin được đến độ cứ như đang có bão thật nổi lên trong phòng vậy! Rồi thầy dập tắt hơi thở sấm sét và lại bất động trong trạng thái siêu thức[60] cao. Hào quang tịch lặng sau cơn bão sống động đến không thể quên được.”
“Mình nghe đồn là thánh không hề bước chân ra khỏi nhà.” Giọng Upendra có chút ngờ vực.
“Đúng vậy đấy! Thầy đã ở trong nhà suốt hai mươi năm qua. Thầy chỉ nới lỏng chút ít cái quy định tự đặt ra những khi ta có hội thiêng, lúc ấy thì thầy cũng chỉ ra tới vỉa hè trước nhà mà thôi! Những người hành khất túm tụm ở đó, vì thánh Bhaduri nổi tiếng có tấm lòng nhân hậu.”
“Làm sao thầy ở trên không được, trái với định luật vạn vật hấp dẫn?”
“Thân thể của yogi sẽ không còn ô trọc khi các vị sử dụng những pranayama nhất định. Lúc ấy thân các vị sẽ nâng lên hay nhảy phóc như cóc. Người ta nói ngay cả các thánh không luyện một yoga chính thức thì cũng khinh thân được khi đang trong trạng thái sùng mộ Thượng đế mãnh liệt.”
“Mình muốn được biết thêm về vị hiền giả này. Bạn có dự các cuộc nhóm họp buổi chiều của thầy ấy không?” Mắt Upendra ánh lên tò mò.
“Có, mình đến suốt. Mình rất thích sự hóm hỉnh trí tuệ của thầy. Đôi khi mình cười dai quá làm hỏng mất vẻ nghiêm trang trong buổi họp mặt của thầy. Thầy không phật ý nhưng các đệ tử của thầy thì có vẻ bực mình lắm!”
Chiều đó trên đường đi học về tôi đi ngang tịnh thất của Bhaduri Mahasaya và quyết định vào thăm. Đám đông nói chung không được gặp yogi. Chỉ có mỗi một đệ tử, ở dưới tầng trệt, trông chừng cho thầy được riêng tư. Môn sinh này có nét gì đó như một quân nhân kỷ luật chặt chẽ; lúc này đây y đang hỏi một cách trịnh trọng là tôi có “hẹn trước” không. Sư phụ y xuất hiện đúng lúc, tránh cho tôi khỏi bị tống cổ tức khắc.
“Cứ để Mukunda vào khi nào nó muốn.” Đôi mắt vị hiền giả long lanh. “Quy định ẩn dật của ta không phải là để cho riêng ta thoải mái, mà vì sự thoải mái của kẻ khác. Người đời không thích sự thật thà làm tiêu tan ảo tưởng của họ. Thánh không chỉ hiếm có mà còn gây bối rối nữa. Cả trong kinh điển cũng thường thấy các vị làm ta lúng túng!”
Tôi theo Bhaduri Mahasaya vào cái góc giản dị của thầy ở tầng trên cùng mà thầy hiếm khi bước ra khỏi đó. Các đạo sư thường chẳng bận tâm đến cái cảnh ngược xuôi ở đời, các vị mờ ảo không rõ nét cho đến khi nằm ở vị trí trung tâm biết bao đời. Người cùng thời của các hiền giả không chỉ là những người của hiện tại hạn hẹp này.
“Maharishi[61], thầy là vị yogi đầu tiên mà con biết luôn ở trong nhà.”
“Thượng đế đôi khi trồng các thánh của Ngài xuống mảnh đất không ngờ tới, sợ rằng chúng ta tưởng mình có thể quy Ngài thành một quy luật!”
Hiền giả ngồi khóa mình trong tư thế kiết già. Ở tuổi bảy mươi, thầy không có chút dấu vết khó chịu của tuổi già hay của cuộc đời tĩnh tại. Vóc người to cao và thẳng, thầy thật toàn hảo về mọi mặt. Mặt thầy là gương mặt của một rishi, như trong các cổ văn mô tả. Mái đầu quý phái, râu rậm, thầy luôn ngồi yên thẳng, đôi mắt tĩnh lặng của thầy định trong Vô biên.
Thánh và tôi nhập định. Một giờ sau giọng thầy nhẹ nhàng gọi tôi.
“Con thường bước vào tịch tĩnh, nhưng con đã đạt được anubhava[62] chưa?” Thầy đang nhắc tôi yêu thương Thượng đế hơn thiền định. “Đừng lầm lẫn kỹ thuật với Mục đích.”
Thầy mời tôi mấy quả xoài. Với tính hóm hỉnh hài hước mà tôi rất lấy làm thú vị nơi bản tính sâu sắc của thầy, thầy nhận xét: “Thiên hạ nói chung thích Jala Yoga (hợp nhất với thức ăn) hơn Dhyana Yoga (hợp nhất với Thượng đế).”
Trò chơi chữ yoga của thầy khiến tôi thấy buồn cười quá đỗi.
“Chao ôi giọng cười của con kìa!” Một ánh trìu mến trong cái nhìn của thầy. Mặt thầy luôn nghiêm trang nhưng vẫn phảng phất nụ cười an lạc. Đôi mắt lớn, tĩnh tại của thầy ẩn kín một tiếng cười thần thánh.
“Mấy bức thư kia là từ Hoa Kỳ xa xôi.” Hiền giả chỉ mấy phong thư dày trên bàn. “Ta thư từ qua lại với một số hội ở đó, người của họ quan tâm đến yoga. Họ đang khám phá lại Ấn Độ, với cảm nhận phương hướng tốt hơn Columbus! Ta vui mừng được giúp họ. Hiểu biết về yoga, như ánh sáng ban ngày, hào phóng với tất cả những ai đón nhận nó.
“Phương Tây không muốn thiếu đi cái mà các rishi đã thấy là cốt tủy để giải thoát chúng sinh. Tương đồng ở linh hồn dù dị biệt trong kinh nghiệm bên ngoài, cả Tây lẫn Đông đều sẽ không hưng thịnh được nếu thiếu tu luyện một loại yoga mang tính kỷ luật nào đó.”
Thánh nhìn tôi bằng ánh mắt bằng an. Tôi không nhận ra rằng lời thầy là một chỉ dẫn tiên tri đã hé lộ. Chỉ giờ đây, khi viết những dòng này, tôi mới hiểu đầy đủ ý nghĩa trong những gợi ý tình cờ thầy nói với tôi rằng một ngày nào đó tôi sẽ mang giáo huấn của Ấn Độ đến Hoa Kỳ.
“Maharishi, con ước gì thầy viết một cuốn sách về yoga vì lợi ích của thế gian.”
“Ta đang dạy dỗ các đệ tử. Họ và dòng môn sinh của họ sẽ là những cuốn sách sống, không chịu sự phân hủy tự nhiên của thời gian và những lý giải khiên cưỡng của các nhà phê bình.”
Tôi ngồi một mình với yogi cho đến khi các đệ tử của thầy đến vào buổi chiều. Bhaduri Mahasaya bắt đầu một bài thuyết giảng không ai sánh được của thầy. Như một dòng nước bình yên, thầy cuốn trôi những tạp nhạp tinh thần của người nghe, nâng họ về với Thượng đế. Những cuộc đàm luận cuốn hút của thầy được diễn đạt bằng thứ tiếng Bengal toàn mỹ.
Chiều nay Bhaduri giảng giải nhiều luận điểm triết học khác nhau gắn liền với cuộc đời của Mirabai, một công chúa thuộc đẳng cấp chiến binh thời Trung cổ, người lìa bỏ cuộc sống cung vàng điện ngọc mà bầu bạn cùng các thánh. Sanatana Goswami, một đại sannyasi, không chịu thu nhận nàng vì nàng là đàn bà; nhưng lời nàng đáp đã khiến thầy phải khiêm cung dưới chân nàng.
“Hãy nói với thầy,” nàng nói, “là ta không biết trong hoàn vũ này có người nam nào ngoài Thượng đế; chẳng phải tất cả chúng ta đều là nữ trước Ngài hay sao?” (Một khái niệm kinh điển về Thượng đế như là Nguyên lý Sáng tạo Dương duy nhất, tạo vật của Ngài chỉ là một maya thụ động).
Mirabai đã sáng tác nhiều bài thơ về trạng thái cực lạc, vẫn còn được trân quý ở Ấn Độ. Tôi sẽ dịch ra đây một trong những bài ấy:
Nếu tắm mỗi ngày mà nhận ra
Thượng đế Ta sẽ làm cá voi dưới đại dương ngay;
Nếu ăn rễ cỏ cây hoa trái mà biết
Ngài Ta sẵn lòng chọn hình hài dê;
Nếu lần tràng hạt mà tìm thấy Ngài
Ta sẽ cầu kinh với tràng hạt xương voi ma mút;
Nếu cúi đầu trước tượng đá mà khiến Ngài hiển lộ
Ta sẽ khiêm cung phụng thờ núi đá lửa;
Nếu uống sữa mà nhận chân Thượng đế
Biết bao bê và trẻ nhỏ sẽ quen Ngài;
Nếu bỏ vợ mà có thể vời Thượng đế
Chẳng phải bao người sẽ là thái giám sao?
Mirabai biết, để tìm thấy Đấng Thiêng liêng
Cái duy nhất không thể thiếu được là Tình yêu.
Có một số đệ tử bỏ mấy đồng rupi vào trong đôi dép đặt bên Bhaduri khi thầy ngồi trong tư thế yoga. Món cúng dường cung kính này, theo phong tục Ấn Độ, ngụ ý là đệ tử đặt của cải vật chất dưới chân sư phụ. Những người bạn hàm ơn chỉ là Thượng đế cải trang, chăm lo cho bạn của chính Ngài.
“Thưa thầy, thầy thật cao thượng!” Một môn sinh, khi cáo từ, nhìn nhà hiền triết tha thiết như cha. “Thầy đã từ bỏ của cải tiện nghi để tìm Thượng đế và dạy chúng con minh triết!” Ai cũng biết là Bhaduri Mahasaya đã từ bỏ của cải của đại gia đình từ hồi còn thơ trẻ để một lòng bước vào con đường yoga.
“Con đang đảo ngược trường hợp này rồi đó!” Mặt vị thánh có vẻ khiển trách nhẹ nhàng. “Ta đã bỏ lại ít rupi bé mọn, một chút lạc thú cỏn con, vì cả một thiên đường diễm phúc bất tận. Vậy thì làm cách nào ta từ chối chính mình thứ gì được? Ta nhận được niềm vui khi chia sẻ kho báu. Đó mà là hy sinh sao? Người đời thiển cận mới đúng là những kẻ từ bỏ! Họ từ bỏ của cải thiêng liêng vô song để lấy một nhúm đồ chơi trần tục nghèo nàn!”
Tôi tủm tỉm cười vì cách nhìn ngược ngạo về sự từ bỏ này - đội cái mũ của Croesus[63] lên bất kỳ kẻ hành khất thánh thiện nào, trong khi biến mọi tỉ phú hãnh tiến thành kẻ thiệt thòi không hay biết mình.
“Cơ trời dàn xếp tương lai của ta thông minh hơn bất kỳ công ty bảo hiểm nào.” Câu kết của thầy là tín điều thầy đã ngộ ra. “Thế gian đầy rẫy những kẻ nơm nớp tin ở cái bảo đảm bên ngoài. Những ý nghĩ cay đắng của họ giống như những vết sẹo trên trán họ. Đấng cho chúng ta không khí và sữa ngay từ hơi thở đầu tiên của ta cũng sẽ biết cách chăm lo cái ăn cái mặc hằng ngày cho tín đồ của Ngài.”
Tôi tiếp tục những chuyến hành hương sau giờ học đến cửa nhà thánh. Với nhiệt tâm âm thầm thầy giúp tôi đạt được anubhava. Một ngày nọ thầy dọn đến đường Ram Mohan Roy, xa khu xóm nhà tôi. Các đệ tử yêu thương đã xây cho thầy một tịnh thất mới, gọi là Nagendra Math[64].
Dù điều này sẽ đưa tôi đi trước câu chuyện của mình nhiều năm, tôi cũng sẽ thuật lại đây những lời cuối Bhaduri Mahasaya nói với tôi. Không lâu trước khi lên đường sang phương Tây, tôi tìm gặp thầy và khiêm cung quỳ xuống để thầy ban phúc chia tay:
“Con trai, hãy sang Hoa Kỳ. Hãy giữ giá trị của Ấn Độ cổ làm lá chắn cho con. Chiến thắng đã được khắc trên trán con; những người cao quý ở xa sẽ nồng nhiệt tiếp đón con.”
* * *
Chú thích:
[58] Các phương pháp kiểm soát sinh lực (prana) qua việc điều chỉnh thở. Bhastrika (“ống bễ”) Pranayama làm tâm trí ổn định.
[59] Vị diễn giải yoga lỗi lạc nhất thời xưa.
[60] Năm 1928 giáo sư Jules-Bois ở đại học Sorbonne nói rằng các nhà tâm lý học Pháp đã nghiên cứu và công nhận siêu thức, cái mà, trong tầm vóc của nó, “là sự đối lập chính xác với tiềm thức như Freud quan niệm; và là cái bao gồm các năng lực làm con người thực sự là người mà không chỉ là một động vật bậc cao.” Nhà bác học người Pháp giải thích rằng sự thức tỉnh ý thức cao hơn “không nên bị nhầm lẫn với phương pháp tự ám thị coué (Couéism) hay thuật thôi miên. Sự tồn tại của siêu thức từ lâu đã được công nhận về mặt triết học, kỳ thực là Linh hồn Tối cao mà Emerson đã nói đến; nhưng chỉ gần đây mới được công nhận về mặt khoa học.” (Xem trang 177). Trong “Over-Soul” (Linh hồn tối cao), Emerson viết: “Con người là mặt tiền của một đền thờ mà mọi trí khôn và mọi cái thiện ngụ bên trong. Cái mà chúng ta thường gọi là con người, con người ăn, uống, trồng trọt, tính đếm, như chúng ta biết về anh ta, không thể hiện mình, mà thể hiện xuyên tạc về mình. Chúng ta không kính trọng anh ta; mà kính trọng linh hồn, anh ta là một bộ phận của linh hồn ấy, nếu anh ta để linh hồn ấy hiển lộ qua hành động của mình thì sẽ khiến ta phải quỳ xuống... Chúng ta nằm trơ trên mép vực sâu của bản chất linh hồn, trước mọi thuộc tính của Thượng đế.”
[61] “Đại hiền triết”.
[62] Trực nhận Thượng đế.
[63] Vua xứ Lydia (560-546 trước Công nguyên), nổi tiếng là giàu có. (ND - BBT).
[64] Tên đầy đủ của thầy là Nagendra Nath Bhaduri. Math nói đúng nghĩa là một tu viện, nhưng từ này thường được dùng để chỉ một ashram hay một tịnh thất. Một trong các “thánh khinh thân” trong giới Cơ Đốc giáo là thánh Joseph xứ Cupertino ở thế kỷ 17. Những điều kỳ lạ thánh làm được chứng thực bởi rất nhiều người mục kích. Sự đãng trí của thánh Joseph ngoài đời kỳ thực là một sự tự tại cõi trời. Các đạo hữu đã không thể để thánh ngồi ăn cùng bàn, e rằng thánh sẽ kéo theo bát đĩa lên trần nhà. Vị thánh, thực ra, không đủ khả năng cho các phận sự đời một cách độc đáo như vậy là vì không thể ở lâu trên mặt đất! Thường thì chỉ nhìn thấy một bức tượng thánh không thôi cũng đủ để thánh Joseph bay lên; người ta thường thấy hai vị thánh, một bằng đá và một bằng xương bằng thịt, cùng bay vòng vòng trên tầng không. Thánh Teresa xứ Avila, bản thân là vị có trình độ tâm linh cao, cũng thấy việc thân xác bay lên không là điều gây lúng túng lắm. Vì có nhiều phận sự tổ chức nặng nề nên thánh cố ngăn những kinh nghiệm “bay lên” của mình mà không được. “Nhưng những sự phòng xa nhỏ nhặt là vô ích,” thánh viết, “khi Chúa muốn nó khác đi.” Thi thể của thánh Teresa, trong một nhà thờ tại Alba, Tây Ban Nha, suốt bốn thế kỷ nay là minh chứng cho tính bất hoại, kèm theo một hương hoa thơm. Địa điểm này đã chứng kiến vô số phép lạ.